Sai Lầm: Đáng Tiếc, Nhưng Không Đáng Trách – Lm. Piô Ngô Phúc Hậu

Sai Lầm: Đáng Tiếc, Nhưng Không Đáng Trách

Sai lầm là một đáp ca được vang lên rền rĩ suốt dòng lịch sử của mọi dân tộc, mọi tập thể và mọi cá nhân. Sai lầm là người bạn thân thiết của loài người đến mức độ đã làm người, thì không thể không sai lầm. Errare humanum est, sai lầm là bản chất của con người.

Ta thử tìm gặp nó trên đường truyền giáo. Gặp ngay. Gặp hoài.

1. CÁC TÔNG ĐỒ SAI LẦM

  •  Giacôbê và Gioan được sai đi dọn chỗ để Thầy đến. Bị từ chối. Thế là hai ông nổi sùng lên: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu rụi tụi nó không?”. Hai thừa sai sai quá! Bị Thầy mắng cho (Lc 9,51-56).
  • Gioan đi truyền giáo gặp một người kia, lạ hoắc mà dám nhân danh Giêsu để trừ quỷ. Ông cấm không cho người ấy được nhân danh Thầy mình để trừ quỷ. Ông tưởng mình làm đúng, về khoe và kể công với Thầy, bị Thầy phản đối: “Đừng ngăn cản người ta”. Gioan làm sai mà không biết.
  • Thánh Phêrô được Thầy dạy rằng: “Mọi đồ ăn đều thanh hết”(Mc 7,19), nghĩa là Thầy xóa bỏ hoàn toàn luật thanh-uế được Môsê tỉ mỉ trình bày trong Lêvi chương 11. Phêrô không hiểu, nên bị Thầy mắng là “tối dạ”. Bị mắng là tối dạ, ông vẫn tối dạ. Trên đường truyền giáo ông vẫn rao giảng Môsê với luật thanh-uế. Ông quên, hay đúng hơn ông không hiểu giáo huấn của Thầy trong Mc 7,19. Ông cứ rao giảng sai ý của Thầy mãi cho tới thị kiến ở Gióppê. Ông được thị kiến một cái màn có lúc nhúc những con vật mà Môsê bảo là uế (Lv 11). Còn Thầy thì bảo là không uế (Mc 7,19). Có tiếng từ Trời phán: “Hãy giết đi mà ăn”. Ông quên Thầy để theo Môsê, nên chê ngay như một phản xạ: “Không bao giờ con ăn những gì ô uế”(Cv 10,1-16). Dường như Phêrô đã rao giảng sai ý Chúa về luật thanh-uế trong suốt thời gian mười năm.
  • Thánh Giacôbê, trong Công đồng Giêrusalem đã giải quyết cho người ngoại trở lại khỏi cắt bì, khỏi giữ luật Môsê. Nhưng lại yêu cầu họ phải giữ một điều sai với ý của Chúa. Đó là không được ăn huyết tươi, chỉ vì huyết tươi là đồ ăn uế. Trò thì bảo là uế (Cv 15,20) còn Thầy thì bảo là không (Mc 7,19).
  • Toàn thể Giáo hội sơ khai đều tin rằng ngày tận thế sẽ xảy ra ngay trong thời mà nhiều người trong họ chưa nếm cái chết (Tx 4,13-18). Chờ mãi. Chờ mãi… nhưng chẳng thấy đâu. Tin sai. Chờ sai. Rao giảng cũng sai.

2. CHÚNG TA SAI

Trên đường truyền giáo có rất nhiều sai lầm và sai sót. Sai từ nội dung truyền giáo đến phương pháp truyền giáo. Sai từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ.

  •  Năm 1952, Hội đồng Giám mục Đông Dương đã bỏ một bài kinh trong sách Mục lục. Đó là Kinh cầu nguyện với ThánhPhanxicô Xaviê cho người ngoại trở lại. Kinh ấy có một lời như sau: “Người ngoại sa xuống đầy dẫy hỏa ngục, thì ố danh Chúa tôi là dường nào?”.

Sai về tín lý, sai về phương pháp truyền giáo. Sai về tín lý vì người ngoại không sa xuống hỏa ngục đầy dẫy như thế. Sai về phương pháp truyền giáo, vì nếu người ngoại nghe đọc kinh ấy, thì sẽ nổi giận hơn là sám hối.

  • Nhà truyền giáo De Rhodes gọi Đức Phật Thích Ca là tên gian dối (Phép Giảng Tám Ngày, ngày thứ bốn). Sai. Sai quá chừng. Đức Phaolô VI trong Thông điệp đầu tay (Ecclesiam Suam) gọi các vị sáng lập các tôn giáo là con đường dẫn đến chân lý. Mọi tôn giáo đều có thiện chí giải đáp những thắc mắc căn bản của con người về thiện-ác, về sống-chết, về thế giới hữu hình và vô hình
  • Phương pháp “bàn bào” (tabula rasa) của ba trăm năm về trước là một sai lầm có tầm mức chiến lược. Dẹp bàn thờ ông bà là một trong những sai lầm ấy. Tai hại khôn lường! Đáng tiếc vô cùng!
  • Một vị Hồng y kể chuyện.
Có một tân tòng đến thăm ngài. Ngài được thông tin trước về niềm tin vững chắc của người nữ tân tòng này. Ngài ưu ái hỏi thăm.

– Chị trở lại đạo từ hồi nào vậy?


– Con đi tới chứ con không trở lại.


– Chị nói hay quá!

Vị Hồng y ấy dùng câu chuyện này để nhắc nhở các nhà thừa sai rằng: các tôn giáo bạn đều tốt lắm. Các tín đồ bạn đang đi trên đường ngay thẳng. Nếu họ theo đạo Chúa là họ tiến thêm một bước nữa chứ không phải là họ đi lạc mà trở lại. Cái từ “trở lại đạo” tố cáomột sai lầm tiềm ẩn trong não trạng của người Kitô hữu từ thuở nào cho đến bây giờ.

3. Sai thì đáng tiếc chứ không đáng trách.

  • Thánh Gioan, Thánh Phêrô và Thánh Giacôbê đã thấm nhuần tinh thần Cựu ước quá sâu rồi, không dễ gì các ngài đón nhận ngay được giáo lý của Chúa, của Thầy, Đấng từ trời mà xuống. Cái luật thanh-uế đã thấm vào tâm, não và xương thịt của người Do Thái. Kin ta Kun tê, nhân vật chính của tác phẩm Cội Rễ, theo đạo Hồi, kiêng thịt heo theo luật Môsê. Anh ghê tởm thịt heo. Ngửi thấy mùi heo là buồn nôn. Anh sống bên Mỹ ba mươi năm mà vẫn không thể ngửi được mùi thịt heo
  • Các nhà truyền giáo Âu Châu không thể hiểu được, không thể cảm nghiệm được những cái hay cái đẹp tiềm ẩn trong văn hóa Đông phương. Tám trăm năm không đi truyền giáo (từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XVI) khi bắt đầu đi truyền giáo thì hành trang “hội nhập văn hóa” lép kẹp. Đành phải sai thôi.

Điều sai thì phải tiếc. Tiếc vô vàn. Nhưng chẳng phiền trách ai vì sai lầm là căn tính của con người. Tuy nhiên phải khiêm tốn nhìn nhận những sai lầm của mình. Nhìn nhận sai lầm không phải là vạch áo cho người xem lưng, nhưng là “chứng tá của Tin mừng” (Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Độ, số 42).

Lm. Piô Ngô Phúc Hậu

cgvdt.vn

 

print