Sợi Chỉ Đỏ Chúa Nhật 31 TN Năm A
KHUYẾN CÁO NHỮNG NGƯỜI
CÓ TRÁCH NHIỆM HƯỚNG DẪN
NGƯỜI KHÁC
“Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta”
(Mt 23,4)
Sợi chỉ đỏ : Hôm nay, cả bài đọc II cũng minh họa cho chủ đề chung của bài đọc I và Bài Tin Mừng : cung cách phải có của những người lãnh trách nhiệm hướng dẫn người khác.
– Bài đọc I : Ngôn sứ Malakhi trách các nhà lãnh đạo tôn giáo do thái đã đi sai đường lối Chúa.
– Tin Mừng : Đức Giêsu dạy các môn đệ mình đừng rơi vào thói xấu của các luật sĩ và biệt phái.
– Bài đọc II : Thánh Phaolô bày tỏ tâm tình yêu thương tận tuỵ của mình đối với tín hữu Thêxalônikê.
Minh họa
– Mille images 128 C
– “Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta” (Mt 23,4)
I. DẪN VÀO THÁNH LỄ
Anh chị em thân mến
Lời Chúa hôm nay nói về trách nhiệm hướng dẫn người khác. Trong chúng ta, nhiều người có trách nhiệm hướng dẫn : kẻ thì hướng dẫn gia đình, người thì hướng dẫn một nhóm người trong họ đạo hoặc ngoài xã hội. Trách nhiệm hướng dẫn rất nặng nề và đòi hỏi rất nhiều, kẻo “mù dẫn mù, cả hai lăn cù xuống hố”.
Chúng ta hãy chăm chú lắng nghe Lời Chúa dạy cách hướng dẫn người khác. Đồng thời chúng ta cũng hãy nài xin Chúa trợ lực để chúng ta có thể chu toàn trách nhiệm của mình.
II. GỢI Ý SÁM HỐI
– Nhận lãnh trách nhiệm hướng dẫn người khác, nhưng chúng ta chưa có một đời sống gương mẫu để làm gương cho những người được chúng ta hướng dẫn.
– Nhiều khi chúng ta còn làm gương xấu.
– Chúng ta để ý nhiều đến vinh dự của mình, mà ít quan tâm phục vụ.
III. LỜI CHÚA
1. Bài đọc I (Ml 1,14—2,2.8-10)
Ngôn sứ Malakhi rao giảng vào thế kỷ thứ V trước công nguyên, khi ấy Đền thờ đã được xây dựng lại xong. Tuy nhiên những nhà lãnh đạo tôn giáo do thái chỉ quan tâm tổ chức các lễ nghi bề ngoài, không quan tâm hướng dẫn tinh thần dân chúng.
Từ đó phát sinh nhiều tệ nạn : các lễ vật dâng tiến cho Chúa là những con vật đui mù què quặt, thậm chí là những con vật ăn cắp ; dung túng cho việc li dị, hôn nhân với người ngoại, trốn thuế thập phân ; các nhà lãnh đạo đối xử với dân chúng một cách quan liêu, chỉ nhằm tư lợi.
Thiên Chúa bảo ngôn sứ Malakhi nhắc nhở về cung cách lãnh đạo : làm cho dân biết tôn vinh Thiên Chúa, trung thành với giao ước, và đối xử với mọi người trong tình anh em cùng một Cha.
2. Đáp ca (Tv 130)
Tv này là lời cầu nguyện của một tín hữu chân thành. Tác giả nguyện sống khiêm tốn “mắt chẳng liếc nhìn cao”, “không lo nghĩ những chuyện lớn lao” mà chỉ chuyên chăm “lo giữ linh hồn cho êm can và thanh thản”, luôn trông cậy vào Chúa “như trẻ thơ sống trong lòng thân mẫu”.
3. Tin Mừng (Mt 23,1-12)
Đức Giêsu nói về giới lãnh đạo tôn giáo do thái thời của Ngài, tức là các luật sĩ và các người biệt phái :
– Một mặt, Ngài bảo mọi người phải tôn trọng chức vụ của họ, vì họ “ngồi toà Môsê”, và hãy làm theo những gì họ dạy.
– Nhưng mặt khác đừng noi theo hành vi của họ, biểu hiện những thói xấu như : chỉ tay năm ngón, hám danh, kiêu căng.
4. Bài đọc II (1 Tx 2,7-9.13)
Cung cách lãnh đạo của Thánh Phaolô :
– “Chúng tôi đã trở thành những kẻ bé mọn giữa anh em”
– Đối xử với tín hữu “như người vú nuôi nâng niu con cái mình”
– Sẵn sàng hy sinh tất cả cho tín hữu, ngay cả mạng sống mình.
– Cố gắng tự lực cánh sinh để không trở thành gánh nặng cho giáo đoàn.
IV. GỢI Ý GIẢNG
1. Vinh quang ở đâu ?
Có một người đàn ông đi dạo đến một nơi hành hương. Mệt nhọc, ông ngồi nghỉ trên một ghế đá. Ông hết sức ngạc nhiên và rồi lại tỏ ra hãnh diện sung sướng khi thấy nhiều người đi qua trước mặt ông đã ngã mũ cúi chào. Trong khi còn nghĩ ngợi, thắc mắc thì có một bà già cũng đến trước mặt ông. Sau khi cúi chào, bà đã nhìn lên và miệng lâm râm nhiều lời mà ông nghe không rõ. Thế rồi bà cũng ra đi. Lúc ấy ông mới quay lại và nhìn lên theo hướng bà già kia đã nhìn. Ông nhận ra rằng ngay sau lưng và phía trên đầu ông có một thánh giá đã được dựng lên ở đó. Và ông xấu hổ bỏ đi nơi khác.
Chúng ta cũng thường lầm lẫn như thế. Lời Chúa muốn giải thoát chúng ta khỏi những danh lợi hão huyền và rất đáng hổ thẹn của thế gian. Bởi vì, thật là dạ dột và lố bịch khi con người không biết rõ giá trị của mình, lại thích được chiếm địa vị cao, ham được những ưu đãi. Những ham ước ấy chỉ khiến họ bị lợi dụng và trở nên trò cười cho thiên hạ. Có khi còn tây nhiều tai họa cho người khác nữa.
Theo lời dạy của Chúa Giêsu thì khác hẳn : “Ai muốn làm lớn phải làm đầy tớ mọi người. Ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”. Chúa không chỉ dạy bằng lời. Ngài còn làm gương, Ngài đã dẫn chứng bằng cả cuộc đời hiến thân phục vụ trong khiêm tốn của mình. Thập giá của Ngài là một bằng chứng không thể phủ nhận được.
Quả thật, Chúa Giêsu đã ý thức rất rõ bản chất và danh vị của mình. Nhưng Ngài sẵn sàng chọn sự rốt hèn, hết mình phục vụ, không ngại quỳ xuống rửa chân cho các đệ tử của mình, và cuối cùng dám để cho người ta bóc lột cả đến danh dự và sự sống thân xác của Ngài nữa.
Tất cả là để làm sáng tỏ vinh quang Thiên Chúa tình yêu và vì hạnh phúc của con người mà Ngài sẽ thu phục trong vương quốc Thiên Chúa.
Tưởng chứng Thập giá là một ngõ bí, một sự hạ nhục và huỷ diệt. Nhưng thực ra, nhờ Thập giá mà Chúa Giêsu đã mở ra con đường phục sinh vinh quang. Ngài đã trở thành bất tử và được nâng lên tột cùng, để rồi cũng lôi kéo mọi người lên theo.
Như thế, chúng ta hiểu rằng : vinh quang thật không khởi từ danh vị nhưng được xác định qua những nỗ lực và khiêm tốn phục vụ. Cái đáng tin, đáng phục không phải ở lời nói, quyền lực, mà là ở cuộc sống phản ảnh sự chân thực, ở khả năng cống hiến và mức độ dấn thân để sống yêu thương cách xứng đáng.
Chúng ta hãy nhìn lên “tòa thập giá” của Chúa Giêsu để tìm những lời dạy chí lý và khám phá ra những phương cách chia sẻ vinh quang đích thực và vững bền. (Lm Nguyễn thanh Tước, Tây Ninh. Trích trong báo CgvDt số đặc biệt giáng sinh ’95, trang 281-282)
2. Mô hình người lãnh đạo gương mẫu
Mô hình này dựa trên những lời Đức Giêsu dạy và chính gương của Ngài được ghi lại trong các sách Tin Mừng, như Mt 20,24-28 ; Mt 23,1-32 ; Ga 13,1-20 v.v.
– Tấm lòng của người lãnh đạo : yêu thương những kẻ được mình hướng dẫn.
– Phương châm của người lãnh đạo : tự coi mình là đầy tớ, có bổn phận phục vụ những kẻ mình hướng dẫn.
– Cung cách của người lãnh đạo : hạ mình, hy sinh, gương mẫu.
3. Những thói xấu mà người lãnh đạo dễ mắc phải
Bài đọc I và bài Tin Mừng hôm nay vạch rõ những thói xấu mà những người lãnh đạo dễ mắc phải :
– Lo tìm vinh dự cho mình, mà quên tìm lợi ích cho thuộc cấp.
– Thái độ quan liêu, coi rẻ thuộc cấp.
– Sai khiến người khác làm, phần mình thỉ chỉ tay năm ngón.
– Quên phục vụ người khác, mà bắt người khác phục vụ mình.
4. Suy nghĩ về cái “làm” và cái “thấy”
Cái “làm” của chúng ta dễ bị ảnh hưởng tác động của cái “thấy”.
– Nếu “làm để cho người ta thấy”, thì : khi người ta thấy thì chúng ta cố gắng làm cho thật tốt để được người ta khen ; nhưng khi không ai thấy thì chúng ta hoặc không làm, hoặc làm cẩu thả.
– Nhưng cái “thấy” của người ta thế nào ? Người ta chỉ có hai con mắt và chỉ hiện diện ở một nơi, cho nên có cái người ta thấy và có cái người ta không thấy.
– Ngay cả khi người ta thấy đi nữa thì làm sao ? Có khi người ta thấy việc chúng ta làm và người ta khen hoặc chê ; nhưng nhiều khi người ta dù có thấy nhưng thờ ơ chẳng có ý kiến khen chê gì cả (thí dụ chúng ta đi một đoạn đường, chúng ta thấy rất nhiều việc, nhưng chúng ta vẫn dửng dưng đâu có ý kiến gì) ; có khi mình làm việc tốt, người ta thấy nhưng lại hiểu sai và cho là việc xấu (thí dụ chuyện Quan Âm Thị Kính : Thị Kính thương chồng định lấy kéo cắt dùm một sợi râu của chồng, co người thấy thế tố cáo Thị Kính muốn dùng kéo giết chồng).
– Còn cái “thấy” của Chúa thế nào ? Có câu hát : “Con kiến đen, nằm trên hòn đá đen, mà trời tối đen Đức Chúa trời cũng thấy”. Nghĩa là Chúa thấy hết mọi sự, ở khắp mọi nơi. Không gì mà Ngài không thấy. Và khi thấy thì Chúa luôn đánh giá : nếu thấy ta làm điều tốt thì Chúa vui và thưởng ta, còn thấy ta làm điều xấu thì Chúa buồn và phạt ta.
Đức Giêsu dạy chúng ta đừng làm như người biệt phái “Họ làm mọi sự cốt cho người ta thấy”, nhưng hãy cố gắng luôn sống dưới cái nhìn của Chúa, làm gì dù có người thấy hay không, dù việc lớn hay việc nhỏ, việc chung hay việc riêng, hãy luôn làm vì muốn đẹp lòng Chúa.
5. Chuyện minh họa
a/ Tiền giả
Có khi nào người ta dám quẳng bỏ những tờ giấy bạc không ? Thưa có, khi đó là tiền giả. Nhiều người đã quẳng bỏ Kitô giáo vì thấy những kitô hữu giả hình (W.E. Biederwolf).
b/ Ông vua ở truồng
Một ông vua kia rất ham mặc áo quần đẹp. Hai tên lưu manh đến gạ gẫm : “Chúng tôi có thể dệt và may cho bệ hạ một bộ áo rất đặc biệt từ xưa tới nay chưa ai từng thấy. Nhưng áo này phải dệt bằng vàng”. Vì quá ham bộ áo đặc biệt ấy, nhà vua đưa cho hai tên ấy hết túi vàng này tới túi vàng khác. Thực ra chúng chẳng may gì cả. Rồi một hôm hai tên lưu manh cho biết áo đã may xong, mời nhà vua mặc thử. Chúng chỉ làm cử điệu tay chân như đang mặc áo cho nhà vua. Khi chúng cho biết đã mặc xong, nhà vua hỏi các quan chung quanh “Áo ta có đẹp không ?”Ai nấy trầm trồ khen nức nở. Quá phấn khởi, nhà vua bảo quân hầu kiệu ngài ra các đường phố để khoe áo đẹp. Dân chúng hai bên đường cũng nức nở khen. Nhà vua rất sung sướng. Bỗng nhiên một đứa trẻ hô lớn : “Ông vua ở truồng ! Ông vua ở truồng !”. Nhà vua nhìn lại mình và mới biết mình đang ở truồng thật.
V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
CT : Anh chị em thân mến
Đức Giêsu đến trần gian không phải để được kẻ hầu người hạ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người. Chúng ta cùng cảm tạ Chúa và tha thiết cầu xin.
1- Hội Thánh luôn dùng đời sống phục vụ mà xoa dịu đau khổ của nhân loại / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa / nâng đỡ các công cuộc từ thiện của Hội Thánh / để qua đó Hội Thánh có thể giới thiệu Chúa cho mọi nước mọi dân.
2- Trên thế giới ngày nay / từ những khu nhà ổ chuột ở các thành phố / cho tới tận những miến xa xôi hẻo lánh / rừng thiêng nước độc / lúc nào cũng có những người thiện nguyện / đang hy sinh cả tuổi thanh xuân / hạnh phúc riêng tư / và cả mạng sống của mình nữa / để phục vụ những anh chị em bất hạnh nhất của xã hội / những Đức Kitô bị bỏ rơi / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa / gìn giữ những anh chị em ấy luôn được an toàn / và cho họ tìm được niềm vui trong việc phục vụ tha nhân.
3- Ngày nay / bên cạnh rất nhiều người trẻ có tâm hồn quảng đại / âm thần phục vụ / thì cũng có một số người khác chỉ biết ăn chơi trác táng / hưởng thụ ích kỷ / không bao giờ biết quan tâm đến nỗi thống khổ / của những người nghèo chung quanh mình / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các kitô hữu / nhất là các kitô hữu trẻ / biết sống cho một lý tưởng cao đẹp.
4- Sẵn sàng giúp đỡ người khác trong cơn hoạn nạn / là một trong những cách sống đạo đẹp lòng Chúa nhất / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết vui với người vui / và khóc cùng người khóc như Thánh Phaolô đã dạy.
CT : Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con : “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em ; còn ai muốn đứng đầu trong anh em, thì phải làm đầy tớ anh em”. Xin ban ơn trợ giúp để chúng con có thể sống như Chúa đã dạy. Chúa hằng sống và hiển trị…
VI. TRONG THÁNH LỄ
– Trước kinh Lạy Cha : Là những người nhận trách nhiệm lãnh đạo một số người nào đó, chúng ta dễ bị cám dỗ hám danh, bắt người ta phục vụ mình, kiêu ngạo v.v. Trong Kinh Lạy Cha sau đây, chúng ta hãy thành khẩn xin Chúa giúp chúng ta khỏi sa vào những chước cám dỗ ấy.
VII. GIẢI TÁN
Thánh lễ vừa xong, Anh chị em hãy trở về chu toàn những trách nhiệm của mình trong tinh thần phục vụ, khiêm tốn và yêu thương.