Suy Niệm 3 Ngày Xuân

print
Suy Niệm 3 Ngày Xuân

 Lm Xuân Hy Vọng

1. TÂN NIÊN BÌNH AN CHÚA XUÂN

Giây phút đầu năm luôn khiến chúng ta bồi hồi, nô nức, nôn nao trong lòng. Với biết bao lo toan, vui buồn sướng khổ năm cũ đều khép lại, để hướng tới những gì tốt đẹp nhất, tích cực nhất trong năm mới. Ông bà cha mẹ anh chị thì xúng xính trong tà áo dài, bộ đồ mới, còn trẻ thơ đơn sơ tươi cười hớn hở, nô đùa, mong nhận được những bao lì xì dày cộm…

Hơn nữa, đã là người Công Giáo, không ai không đến với Chúa trong dịp đầu năm, ngõ hầu tạ ơn, tán tụng Chúa hằng yêu thương đồng hành suốt cả thời gian qua, cũng không quên cầu xin ơn bình an cho cả năm tới. Và lời ca nhập lễ của Thánh lễ Tân niên, hướng lòng chúng ta hân hoan đón chờ giây phút năm mới với bao niềm vui thấm đượm lòng tín thác, cậy trông vào Chúa xuân:

“Tiết đông nay đã qua rồi,

Mưa phùn lạnh lẽo ngừng rơi bên thêm

Ngàn hoa rực rỡ vươn lên

Tỏa hương ngào ngạt khắp miền đồng quê

Mùa vui hát lại trở về

Tiếng chim gáy đã vẳng nghe thôn làng”.

Như chúng ta đều biết, có vô vàn tập tục ăn tết nguyên đán mừng xuân trên quê hương chúng ta. Nhưng có lẽ chẳng ai biết từ khi nào phong tục chúc tuổi, mừng tuổi, và lì xì khởi nguồn!Tuy ậy, cứ dịp xuân sang, tết đến, các con cháu tề tựu bên ông bà cha mẹ để mừng tuổi, và ông bà cha mẹ lại chúc tuổi, lì xì cho con cháu. Thời trẻ thơ, không ai không nhớ khoảnh khắc được nhận bao lì xì, được ăn biết bao nhiêu thức ăn ngon, được mặc áo đẹp, được bố mẹ dẫn đi chơi tết, và nhất là chẳng bị ai la rầy trong dịp tết!!!!

Cũng vậy, ngày đầu năm, người người đi chùa cầu duyên, cầu bình an cho gia khang; nhưng người Công Giáo thì nô nức đến với Chúa trong Thánh lễ trang nghiêm ấm cúng, để mừng tuổi Chúa và được nhận lì xì từ Ngài, đó là: 1 năm, 12 tháng, 52 tuần, 365 ngày, 8.760 giờ, 525.600 phút và 31.536.000 giây (nếu là năm nhuần thì được 366 ngày, 8.784 giờ, 527.040 phút và 31.622.400 giây). Ai ai cũng được Chúa ‘lì xì’ ngần ấy, dù đã lớn tuổi hay còn trẻ thơ, dù nam hay nữ, dù giàu hay nghèo, dù sang trọng hay đơn sơ chất phát…Không một ai được nhận nhiều hơn hay ít hơn cả! Sang năm mới, người lớn chúng ta mong được bình an, mạnh khoẻ hơn; bố mẹ thì mong gia đình, con cái ấm no, ngoan ngoãn; các sĩ tử mong thi đậu, gặt hái được thành quả trong học tập; thương gia, doanh nghiệp mong sao bớt lỗ, thêm lời, ngày càng phát triễn nhãn hiệu; trẻ thơ đơn giản chỉ mong nhận tiền lì xì, và được chơi đùa vui vẻ với nhau…Tuy nhiên, tất cả những điều trên đều được gói gọn trong thời gian – là ơn phúc mà Thiên Chúa tặng ban cho chúng ta. Vì vậy, chúng ta cùng nhắn nhủ với nhau rằng: khôn ngoan sử dụng thời gian để luôn sống tín thác vào Chúa, hơn là sa vào hội chứng cuồng tín; sử dụng thích hợp để biết phó thác vào chương trình yêu thương của Chúa, hơn là phó mặc cho thời cơ hoặc cho dòng đời đưa đẩy; vận dụng thời gian để hằng ký thác đời mình cho Chúa, hơn là trở thành người chỉ biết ‘ký sinh’ vào gia đình hoặc người khác, mà không chút nỗ lực phấn đấu.

Ngoài ra, thời gian sẽ không bao giờ ngừng lại để chờ đợi ai, hay nhắc nhở ai. Thời gian cứ thế trôi như dòng nước chảy, và chuyển giao thời khắc giữa các mùa với nhau theo chu kỳ xoay vần:

Hạ nắng ghé sang nhà chơi

Thu chờ gió mát à ơi ru chiều

Đông tàn lạnh giá đìu hiu

Xuân sang mang tới tình yêu cuộc đời” (cảm tác: tác giả bài viết này).

Vì lẽ đó, chúng ta cũng đừng quên ba tâm tình dựa trên 3 ký tự của hạn từ ‘TẾT’ như sau:

Tạ ơn. Tâm tình tạ ơn kết nối và làm cho chúng ta trưởng thành hơn về mọi mặt. Trước hết, tạ ơn Thiên Chúa, cám ơn ông bà tổ tiên, cha mẹ, và bạn bè thân hữu, cũng như những ai đã từng đi qua đời mình. Nhìn vào dân Is-ra-el thời Cựu ước, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra một trong những điều thiếu sót, sa ngã của họ đó là sự vô ơn, lãng quên Thiên Chúa. Chính vì vong ơn, nên họ thường xuyên rơi vào tình trạng phàn nàn, kêu trách Chúa, cũng như những người được Ngài kêu mời-chọn lựa để dẫn dắt dân như Mô-sê, A-a-ron, Gio-suê, các tiên tri lớn nhỏ…Ngược lại, với tâm tình tạ ơn như thể lối sống không thể tách rời nơi Mẹ Ma-ri-a nhắc chúng ta luôn biết gắn kết với Chúa, luôn biết đón nhận kế hoạch của Ngài, dù chúng ta chưa hiểu hoặc không hiểu vì giới hạn của con người trước sự vô hạn của Thiên Chúa.

Êm đềm. Ở đây ‘êm đềm’ không có nghĩa là yên vị, ngừng nỗ lực, cứ để “chuyện gì đến cứ đến”, hay chẳng biết cố gắng hết sức trong khả năng hạn định của bản thân; trái lại, hằng biết hài lòng với mình, biết yêu chuộng và sống bình an với bản thân cũng như mọi người, biết không ngừng nỗ lực xây dựng hoà bình trên tinh thần tôn trọng-tha thứ-yêu thương-sẻ chia.

Tri ân. Sau cùng, chúng ta biết dùng thời gian một cách khôn ngoan, ngỏ hầu sống biết ơn, sống trọn nghĩa tình thân, ‘nhớ cội nhớ nguồn’, ‘ăn quả nhớ kẻ trồng cây’. Người sống tri ân luôn luôn gặt hái niềm hoan lạc tâm can, và vững tâm tiến bước trên hành trình nên thánh, cũng như trong cuộc lữ hành dương gian này.

Nhân dịp xuân về, tết đến, xin ước nguyện và cầu chúc cho ông bà, anh chị và mọi người:

Tạ ơn Chúa muôn ngàn trùng

Êm đềm yên ả tương phùng phúc vinh

Tri ân sống trọn hy sinh

Xuân sang chan chứa tâm tình con thơ.

Nhân đây xin chúc quý sơ

Mãi đời thánh hiến hằng mơ tinh tuyền

Kính chúc quý cha nhân hiền

Hăng say phục vụ, trước tiên đi đầu.

Mỗi người thêm tuổi bớt sầu

Gia tăng đức hạnh, nguyện cầu kính tôn.

Mến chúc các bạn thêm khôn

Ngoan hiền đẹp nết, ôn tồn nghĩ suy.

Quý Mão năm mới lạ chi

Nhanh nhẹn tiểu hổ khác gì xưa nay!

Hiền lành, bớt dữ lạ thay

Tu thân tích đức ngất ngây cuộc đời.

Xuân sang xin mượn đôi lời

Tỏ lòng mến chúc muôn người hợp hoan.

Lm. Xuân Hy Vọng

====================

2. CHỚ QUÊN CỘI NGUỒN

Với lối sống thấm đượm ‘Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín’ trong tâm khảm, chúng ta chẳng thể nào lãng quên cội nguồn. Hơn nữa, ngày mồng hai Tết, Giáo hội dạy chúng ta dâng tấm lòng thành, kính nhớ tổ tiên, ông bà, những bậc đã đi trước chúng ta, đã sống đức tin và hằng đau đáu trong lòng khi còn sống, ngõ hầu để lại ơn sống đạo cho con cháu mai sau: “Ca tụng các bậc cha ông của chúng ta đã sống qua các thời đại” (x. Hc 44, 1. 10-15).

Theo dòng lịch sử, đạo Công Giáo bị gán với danh xưng ‘đạo bỏ ông bà, ông vải’! Thật sự, chúng ta không biết vì sao mà bị gán ghép một cách oan uổng như vậy. Có lẽ do chưa hiểu tường tận về đạo Công Giáo, cũng như tinh thần khép kín không muốn đón nhận giá trị đạo đức, luân lý Công Giáo, nên mới ra cớ sự như vậy!!! Tuy nhiên, với tâm tình biết ơn, tri ân, nhớ về cội nguồn, và hằng cầu nguyện-noi gương sống đạo của các ngài, chúng ta cùng nhau đào sâu Lời Chúa, thay vì chú trọng giải thích nguyên do trên.

Trước hết, Sách Huấn Ca quả quyết rằng: “Ai thảo kính cha sẽ được sống lâu dài” (Hc 3, 6). Thánh Phao-lô Tông đồ khuyên răn chúng ta: “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ, theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: Để ngươi được hạnh phúc và trường thọ trên mặt đất này” (Ep 6,1). Vậy đâu là bí quyết để những lời chúc này trở thành hiện thực? Lời giải đáp rất ư đơn giản và hết sức rõ ràng, đó là thực hành Lời Chúa dạy: “Hãy thảo kính mẹ cha” (Mc 7, 10). Ca dao tục ngữ Việt Nam cũng có rất nhiều câu thể hiện việc này:

“Vì cha nên mới có mình,

Mẹ cha đối đáp công trình biết bao

Ơn này sánh với trời cao

Trong lòng con dám lúc nào lãng quên”.

Thứ đến, việc ‘thảo kính mẹ cha’ không chỉ là lời khuyên răn, mà là một điều răn, một kết ước với Chúa (x. Thập điều), nghĩa là chúng ta phải sống, thực hành cụ thể trong suốt cuộc đời, như: biết tôn kính, phụng dưỡng, vâng phục, chăm sóc, cầu nguyện cho các ngài. Không ai trong chúng ta có thể quên câu: “Cây có cội, nước có nguồn, con người có tổ có tông, có cha có mẹ, có ông có bà”. Nào ai không thuộc nằm lòng những câu ca dao tục ngữ của người xưa răn dạy về đạo hiếu đối với mẹ cha:

“Công cha nghĩa mẹ cao dày,

Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ.

Nuôi con khó nhọc đến giờ,

Trưởng thành con phải biết thờ song thân” (về lòng tôn kính các bậc sinh thành).

“Khi ấm lạnh ta hầu săn sóc

Xem cháo cơm thay thế mọi bề

Ra vào thăm hỏi từng khi

Người đà vô sự, ta thì an tâm.”

(Nguyễn Trãi, Gia Huấn Ca, nói đến tâm tình phụng dưỡng mẹ cha)

và hết lòng vâng lời mẹ cha:

“Dạy sao cho được con hiền

Để cho cha mẹ khỏi phiền về con

Một niềm phép tắc nết na

Biết sống biết kính mới là khôn ngoan”.

Chăm sóc cha mẹ khi còn sống, cũng như biết cầu nguyện cho linh hồn các ngài khi đã qua đời không đơn giản là một chọn lựa tuỳ hỷ, mà là trách vụ của một người Ki-tô hữu, như đâu đó có câu:

“Một nén hương nồng nàn lặng lẽ

Nỗi lòng con gửi gắm những niềm thương

Dù bao năm dù có hóa vô thường

Công sinh dưỡng vẫn là công lớn nhất” (Kim Liên).

Thật ra, chẳng có bố mẹ nào đòi buộc con cái mình phải phụng dưỡng, trả công nuôi dạy sinh thành cả; nhưng nét tập tục tốt lành này đã ăn sâu vào tâm khảm của con cái, đó là: biết sống hiếu thảo với ông bà, tổ tiên, cha mẹ. Nhờ các ngài, chúng ta được Chúa cho chào đời. Nhờ công ơn nuôi dưỡng, dạy dỗ mà chúng ta nên người, trở thành con cháu hiếu hoà:

“Con nợ mẹ cha những ngày vui bất tận

Rong rủi suốt cuộc đời không định hướng tương lai

Con nợ những chiếc hôn còn nóng hổi vành môi

Trong cơn điên loạn giữa bạc tiền mến mộ.

Khi rời xa mới biết ý nghĩa của gia đình

Mới biết niềm vui trong từng cử chỉ

Mới biết hạnh phúc phải đâu nào xa xỉ

Vì chỉ một nụ cười cũng đủ ấm con tim…” (Kim Liên);

Hơn thế, “Giữ mãi gia đình trong một góc riêng

Để nhớ để mong để âm thầm cầu nguyện:

Xin nỗi buồn đừng hằn trên mắt mẹ

Và nụ cười đừng chia cách môi cha…” (Kim Liên).

Sau cùng, năm cũ đã qua với bao nhiêu tiếc nuối, bao nhiêu thiếu sót của những người con đối với cha mẹ còn sống cũng như đã qua đời. Có lẽ không thiếu lỗi lầm lớn nhỏ khiến cha mẹ phiền lòng, già đi vì chúng ta. Tuy nhiên, năm mới đến, sắc xuân tươi trẻ và với ơn Chúa, chúng ta cùng nhủ nhau rằng: sống thảo hiếu với cha mẹ, vâng phục, tôn kính, chăm sóc các ngài, đừng sống bất hiếu, đừng làm những chuyện thất đức, đáng xấu hổ với tổ tông như “liệt tổ, liệt tông”, cũng đừng làm cho cha mẹ bất an, lo lắng cho chúng ta, để khỏi phải cảm thấy nuối tiếc về thời gian cạnh bên cha mẹ, đã không làm tròn phận vụ người con, khiến cho các ngài khổ tâm, âu sầu, buồn tủi. Thế nên, ai đó muốn quay ngược thời gian như trong chuyện tranh Đô-rai-môn của Nhật Bản:

“Thời gian thấm thoắt trôi đi,

Tìm đâu một vé trở về tuổi thơ?

Một thời lém lỉnh ngây ngô,

Sống trong đùm bọc bến bờ yêu thương” (khuyết danh).

Và đâu đó, tiếng nức nở tiếc nuối của những người con mải miết với ‘cơm áo gạo tiền’, quên mẹ cha hằng thương nhớ, lo toan cho mình:

“Bài học đầu đời thật vất vả mẹ cha ơi!

Xin cho con im lặng để mắt con cay

Xin cho con lạnh lùng để con không bật khóc

Xin cho con góp nhặt để còn chút lương tâm

Xin cho con chuộc lỗi dù biết đã muộn màng” (khuyết danh).

Nhân dịp mồng hai Tết, xin cầu chúc quý cha, quý sơ cùng quý thầy, ông bà, anh chị em, các bạn trẻ và mọi em thơ:

Năm mới kính chúc quý cha

Dạt dào ơn thánh, bao la tình người

Tận tâm phục vụ vui tươi

Cho đoàn con nhỏ mãi cười hợp hoan

Cầu chúc ông bà bình an

An vui hạnh phúc bên đàn cháu con

Gia đình tình mến sắt son

Vợ chồng khăng khít núi non không dời

Con cái hiếu thảo một đời

Nam thanh nữ tú chơi vơi bớt phần

Hăng say dâng hiến ân cần

Ra đi phục vụ thánh ân tuôn tràn

Xuân sang tín thác hân hoan

Cậy trông nơi Chúa, lo toan tan dần

Trọn niềm phó thác canh tân

Xin thương tuôn đổ phúc ân miên trường….Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

===============

3. NẾU KHÔNG CÓ CHÚA, CHÚNG CON LÀM ĐƯỢC GÌ?

Phụng vụ Thánh lễ mồng ba Tết nguyên đán mời gọi mỗi người chúng ta mặc lấy tâm tình tạ ơn Thiên Chúa đã thương trao ban mọi sự cần thiết, đã đồng hành, đặt để con người “trồng tỉa và coi sóc” (x. St 2, 15), cũng như chúc lành cho mọi nỗ lực của chúng ta. Đồng thời, từ tận đáy lòng, sâu thẳm trong tâm hồn, chúng ta nguyện xin Chúa thánh hoá hết thảy ngày sống của mỗi người, để rồi với lòng tín thác, cậy trông và yêu mến, chúng ta cố gắng từng ngày trong sự hiện diện đầy quyền năng và hết sức gần gũi của Ngài.

Ai trong chúng ta, nếu được phép, chắc hẳn sẽ hỏi: Chúng con làm được việc gì, nếu không có Chúa chở che nâng đỡ? Lời giải đáp thật giản dị xúc tích mà tác giả Thánh Vịnh đã nêu lên trong tâm tình vừa phó thác vào Chúa, vừa nỗ lực cộng tác với ơn Ngài hằng ngày:

Bạn có thức khuya hay dậy sớm,

khó nhọc làm ăn cũng hoài công.

Còn kẻ được Chúa thương dầu có ngủ,

Ngài vẫn ban cho đủ tiêu dùng” (Tv 127, 2).

Quả thế, dẫu con người có cố gắng hết sức mình, mà không biết tin tưởng phó thác vào Chúa, chỉ một mực cậy dựa vào sức lực, tài nghệ của bản thân, thì “khó nhọc làm ăn cũng hoài công”. Ngược lại, Chúa sẽ “ban cho đủ tiêu dùng” đối với những ai sống cậy trông vào Ngài, đồng thời cố gắng lao động mỗi ngày. Chính vì vậy, không có Chúa, không có ơn của Chúa, chúng ta sẽ chẳng làm gì nên cả!

Tâm tình tin tưởng, cậy trông vào Chúa chỉ khiến chúng ta ngày càng nỗ lực làm việc thiện lành hơn. Tâm tình tạ ơn Chúa luôn giúp chúng ta ý thức tất cả những thành quả do bàn tay vất vả chúng ta làm ra đều nhờ bởi Chúa, vì ‘tất cả là hồng ân’, tất cả nhờ bởi ơn thánh. Cũng nên nói ở đây, lòng tín thác đích thật sẽ chẳng bao giờ đưa chúng ta tới tình trạng ‘tay không làm, hàm không nhai, chỉ chờ sung rụng’! Hơn thế, niềm cậy trông vào Chúa sẽ chẳng đưa đẩy chúng ta vào thói biếng nhác, lười biếng, hay không biết nỗ lực đâu!

Thật vậy, Đức Giê-su đã mặc khải cho chúng ta biết về sự chăm chỉ, cần mẫn làm việc của Thiên Chúa Cha: “Cha Ta làm việc liên lỉ, Ta cũng làm việc như vậy” (Ga 5, 17). Thử hỏi, giả sử Thiên Chúa bỏ bê chúng ta, chẳng để ý coi sóc vạn vật, thì chúng ta sẽ ra sao? Chắc hẳn, chúng ta đã ‘tiêu vong’ từ lâu rồi! Vì chưng, Ngài chẳng bao giờ ‘bỏ con giữa chợ’; Ngài làm việc liên lỉ (chẳng phải theo nghĩa ‘làm việc tay chân, thể lý’), mà Ngài hằng săn sóc, chở che, nâng đỡ chúng ta từ khi chưa tạo tác muôn loài cho tới khi mọi sự hoàn tất theo ý định của Ngài. Đúng vậy, khi chúng ta tụ họp nơi Thánh đường trong ngày lễ mồng ba tết này, chúng ta cùng nhau xác tín rằng: Thiên Chúa hằng chăm sóc, hằng chở che chúng ta và nâng đỡ mọi nỗ lực, cố gắng trong đời sống chúng ta trên mọi lãnh vực, mọi khía cạnh. Vì thế, chúng ta cũng học nơi Ngài: biết không ngừng quan tâm đến anh chị em, sống hoà thuận hiếu hoà, yêu thương chia san qua công ăn việc làm, qua cuộc sống hằng ngày như Đức Giê-su mặc khải: “Vì chưng, Chúa Cha yêu thương Chúa Con, và bày tỏ cho Chúa Con biết mọi việc mình làm, và sẽ còn bày tỏ những vic lớn lao hơn thế nữa, đến nỗi các ngươi sẽ phải thán thục (Ga 5, 20).

Với tâm hồn đơn sơ tín thác, chúng ta cùng dâng lên Chúa tất cả mọi dự định, mọi kế hoạch thiện lành của mỗi người chúng ta, để nhờ ơn Chúa thánh hoá và chúc phúc, chúng được thực hiện một cách tốt đẹp theo Thánh ý Chúa trong thời điểm của Ngài. Nhân dịp này, xin cầu chúc tất cả mọi người:

Xuân sang, năm mới, tết đến

Cầu chúc nhà nhà tình mến dạt dào

An vui, hạnh phúc dường bao

Bên đoàn con cháu cùng trao tâm hồn:

1 năm bình an,

12 tháng hân hoan,

52 tuần chứa chan nụ cười,

365/366 ngày người người vui tươi,

8.760/8.784 giờ tràn đầy hạnh phúc,

525.600/527.040 phút tận tình chia san,

31.536.000/31.622.400 giây tình thân tỏa lan.

Chúc mừng năm mới an khang

Lộc xuân ơn Chúa tuôn tràn sánh đôi

Quý Mão năm nay chao ôi

Mở tay chào đón cả tôi (và) mọi người!

Lm. Xuân Hy Vọng