Suy Niệm Lời Chúa Tuần 20 TN 2018
Lm Seoka
Thứ hai: Mt 19, 16-22.
Có lẽ khát vọng lớn nhất của con người là sự sống đời đời. Nhưng làm thế nào để có được sự sống ấy? Lời Chúa hôm nay sẽ khai mở cho chúng ta biết cách để đạt đến khát vọng cao quý ấy.
Sách Giáo Lý Công Giáo thường được chia thành 4 phần: Tín lý, luân lý, bí tích và cầu nguyện. Nhưng hình như đa phần người Công giáo chúng ta chỉ chú trọng đến phần luân lý mà ít quan tâm đến phần tín lý nên có những sai lệch trong cái nhìn và cách sống đạo.
Nền luân lý Công giáo ngày nay nhấn mạnh đến Mục đích và Phương tiện trong cái nhìn đạo đức sinh học. Theo cái nhìn này, thì một hành vi luân lý được chấp nhận khi thỏa mãn hai diều kiện: phương tiện và mục đích đều đúng. Nếu một trong hai yếu tố ấy không đúng thì hành vi đó bị xem là sai trái.
Ví dụ: Vì nhân danh mục đích giúp đỡ người nghèo mà ta đi cướp bóc của cải người giàu để chia cho người nghèo; hoặc vì muốn giúp cho bệnh nhân thoát khỏi tình trạng đau đớn cùng cực về thể xác mà ta tiêm cho họ một mũi thuốc an tử thì không đúng, vì ta đã xử dụng phương tiện sai trái cho dù hướng đến mục đích là tốt đẹp. Lý do là vì sự sống bắt nguồn từ Thiên Chúa nên quyền quyết định sinh tử đều nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa. Con người không có quyền can thiệp vào sự sống-chết trên mình hay người khác.
Anh thanh niên trong bài Tin mừng hôm nay mặc dù giàu có và giữ luật rất tốt. Nhưng xem ra anh ta vẫn không an lòng, bởi vì luật lệ và của cải hình như không phải là phương thế thật sự để đưa anh đạt đến vinh quang nước trời. Vì thế anh ta đã tìm đến với Chúa Giêsu để hỏi xem: “phải làm việc lành gì để được sống đời đời?”. Thật bất ngờ với lời đề nghị của Chúa Giêsu: “hãy bán hết của cải ngươi có và bố thí cho người nghèo khó…rồi đến theo Ta”. Như vậy yêu thương và chia sẻ cho người nghèo mới chính là phương thế để được sự sống đời đời. Do không muốn hy sinh chia sẻ cho người nghèo theo lời đề nghị của Chúa Giêsu nên anh ta buồn và quay mặt bỏ đi trong thất vọng.
Tóm lại, phương tiện để đạt đến mục đích sự sống đời đời không phải là tiền bạc, cũng không chỉ là tuân giữ một số luật lệ chay cứng, vô hồn nhưng phải tích cực thi hành những việc làm bác ái, chia sẻ cho tha nhân với niềm tin yêu và phó thác vào Chúa.
Yêu Chúa, thì phải sống cậy trông phó thác vào Chúa chứ không phải là tiền bạc của cải. Nên Chúa bảo: “ hãy bán tất cả …mà theo Ta”.
Yêu người, là phải biết rộng lượng chia sẻ với anh chị em, đặc biệt những người nghèo khó “hãy bán hết của cải mà bố thí cho người nghèo…”.
Lạy Chúa, cả đời sống đạo là để được hạnh phúc nước trời, xin cho chúng con biết phụng sự Chúa với tấm lòng yêu mến; và biết yêu thương tha nhân bằng những hành vi bác ái, chia sẻ chân tình. Nhờ đó, chúng con mới có được hạnh phúc ở đời này và cả đời sau . Amen
Thứ ba: Mt 19, 23-30
Tiếp nối bài tin mừng hôm qua, sau khi người thanh niên giàu có từ chối bán tài sản của mình để có được sự hoàn thiện, Chúa Giêsu kết luận rằng:“người giàu có khó vào được Nước Trời”. Bên cạnh đó, Chúa Giêsu cho biết phần thưởng của việc từ bỏ mọi sự vì danh Ngài sẽ được sự sống đời đời làm gia nghiệp.
Khi nói đến hai chữ “từ bỏ” tức là không còn hoặc mất đi một cái gì đó mà trước đây mình đã có hay đã sở hữu. Nhưng với suy nghĩ tự nhiên con người thường không chịu thua thiệt, luôn mong đòi sự cân xứng, hoặc ít là có qua có lại mới toại lòng nhau. Với suy nghĩ rất người ấy, tông đồ Phêrô đã hỏi thay cho chúng ta:“chúng con đã từ bỏ mọi sự mà theo Thầy, vậy chúng con sẽ được gì?”. Chắn chắn Chúa Giêsu không để cho những kẻ theo Ngài phải chịu thiệt thòi. Trái lại, Ngài còn trả lại cho họ hơn thế “được gấp bội và được sống đời đời”. Đây là một phần thưởng cao quý cho những ai dám hy sinh từ bỏ vì danh Chúa.
Thực ra, theo Chúa không phải là từ bỏ mà tìm kiếm và chiếm lấy Chúa làm gia nghiệp ưu tiên số một, còn những điều khác là thứ yếu, là tạm bợ, chóng qua, chỉ có Chúa mới là vĩnh cửu. Chúa Giêsu không muốn chúng ta quá bám víu vào vật chất, tiền bạc như người thanh niên để rồi khước từ Chúa và nước trời.
Lạy Chúa, xã hội càng ngày càng văn minh, đầy đủ tiện nghi vật chất, vì thế mà cuộc sống con người cũng được cải thiện và xung túc hơn. Nhưng chính vì thế mà con người ngày nay dễ dàng quên và xa Chúa do không cưỡng lại sức hút của đồng tiền. Xin Chúa đừng để chúng con sa vào ma lực của đồng tiền mà xa rời bước đường theo Chúa và lý tưởng hạnh phúc nước trời.
Thứ tư: Lc 1, 26-38.
Lễ nhớ ĐỨC MARIA NỮ VƯƠNG
Mừng lễ Đức Maria Nữ Vương hôm nay, GH mời gọi chúng ta hướng tâm hồn về Mẹ, vì Mẹ là một phần tử ưu việt của GH, đã sống với Thiên Chúa cách trọn hảo, và đã luôn xin vâng theo thánh ý Thiên Chúa trong mọi cảnh huống của cuộc đời.
Thánh Bênađô đã khẳng định rằng “nói về Mẹ thì không bao giờ đủ”; bởi vì các nhân đức của Mẹ thật tuyệt vời. Một trong những nhân đức ấy, là sự khiêm nhường của Mẹ. Thánh sử Luca cho biết, khi kết thúc biến cố truyền tin, Mẹ đã đáp lại “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Trong bài ca Magnificat, Mẹ cũng nhìn nhận mình là ‘phận nữ tỳ hèn mọn’. Nơi mái ấm gia đình Na-da-rét, Mẹ đã sống âm thầm lặng lẽ phục vụ thánh Giuse và Hài Nhi Giêsu. Vâng, Nữ tỳ của Chúa là người thuộc nữ giới, hoàn toàn lệ thuộc vào Chúa, chỉ biết thực hiện mọi ý của Chúa, chứ không làm theo ý riêng. Vì thế, Mẹ đã để cho Chúa hướng dẫn cuộc đời của Mẹ, trong mọi hoàn cảnh sống, Mẹ sẵn sàng phó thác tất cả cho sự quan phòng của Chúa.
Sống khiêm nhường là một nhân đức, nhưng thật là khó để tập nhân đức này. Bởi vì, mỗi người trong chúng ta vốn ‘mang gen’ kiêu ngạo, luôn tự cho mình là tài giỏi và trên hết. Càng có chức có quyền thì cái tôi càng lớn, theo đó tính kiêu ngạo cũng càng cao. Được làm ông này bà nọ thì coi mọi người chỉ là hạng thứ dân. Người có chút tài năng thì sinh tính kiêu ngạo, mang cái ‘bệnh của sao’ và coi người khác chẳng ra gì… thật vậy, ai cũng muốn sống khiêm nhường trước mặt mọi người và Thiên Chúa, vì nó là một khát vọng chính đáng, nhưng nhiều khi ta không biết cách thực hành như thế nào, vậy phải làm sao đây?
Thiết nghĩ, muốn sống khiêm nhường thì cần phải diệt cái tôi của bản thân. Cha Vincente Lebbe cho rằng, chúng ta cần phải chiến đấu với cái tôi hằng ngày, hằng giờ, hằng phút, nên phải luôn đánh tôi, đánh ngã tôi, và đánh chết tôi. Nói như thế, cái tôi trong mỗi người chúng ta thật là lớn, và rất khó để diệt nó. Chỉ khi nào chúng ta làm chủ được cái tôi thì ta mới có thể sống khiêm nhường được. Một tâm hồn khiêm nhường thì dễ lắng nghe tiếng Chúa và sẵn sàng đáp lại thánh ý Ngài, và rồi ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên.
Mừng lễ Đức Maria Nữ Vương hôm nay, chúng ta cùng nhau xin Mẹ luôn chở che nâng đỡ mỗi người chúng ta trên hành trình dương thế này. Xin cho mỗi người chúng ta cũng biết thưa tiếng xin vâng như Mẹ trước thánh ý của Thiên Chúa, và để cho thánh ý của Chúa được hoàn thiện nơi bản thân chúng ta.
Mẹ đã sống khiêm nhường trước mặt Thiên Chúa và mọi người. Noi gương Mẹ chúng ta hãy sống khiêm tốn trở nên người tôi tớ trung tín của Chúa, và phục vụ tha nhân cách chân thành. Cùng với Mẹ, ta hãy trở nên thành phần thánh thiện trong Hội thánh.
Thứ năm: Mt 22,1-14.
Dụ ngôn tiệc cưới cho hoàng tử mà Chúa Giêsu nói đến trong đoạn tin mừng hôm nay hơi lạ.
Lạ vì những người được nhà vua ưu ái mời đến đều từ chối vì nhiều lý do: “Người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán; những người khác thì bắt đầy tớ vua mà nhục mạ và giết đi”.
Lạ là sau khi những người được mời khướt từ, thì nhà vua lại sai đầy tớ ra các ngả đường để mời gọi tất cả mọi người không phân biệt tốt xấu vào tham dự tiệc cưới.
Lạ vì bất ngờ nhà vua lại trừng phạt nặng nề đối với người không mặc y phục lễ cưới “Trói tay chân nó lại, ném nó vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng!”. Chính vì những điều lạ như thế nên ta hiểu rằng đây không phải là tiệc cưới bình thường mà là tiệc cưới nước trời.
Bàn tiệc nước trời được mở ra và lời mời gọi của Chúa được gửi đến tất cả mọi người không phân biệt sang hèn. Được tham dự bữa tiệc nước trời là khao khát lớn nhất của con người. Tuy nhiên để xứng đáng tham dự vào bữa tiệc ấy, cần phải hội đủ hai điều kiện:
– Biết trân quý lời mời gọi của Chúa mà tích cực đáp lại.
– Phải “mặc y phục lễ cưới”. Nghĩa là mặc lấy con người mới trong Chúa Kitô là sống công chính và thánh thiện: “Anh em hãy mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Eph 4,24).
Xin cho chúng ta biết tích cực đáp lại lời mời gọi của Chúa qua việc siêng năng đến tham dự bàn tiệc Thánh Thể do Chính Chúa Giêsu thết đãi hằng ngày trên bàn thờ và luôn sống công chính, thánh thiện trước thiên nhan Chúa hầu chuẩn bị tâm hồn xứng hợp cho việc tham dự vào bữa tiệc viên mãn trong nước trời mai ngày.
Thứ sáu: Ga 1, 45-51.
Lễ kính THÁNH BARTHÔLÔMÊÔ TÔNG ĐỒ
Tin mừng hôm nay tường thuật lại sự kiện ông Philipphê giới thiệu Đấng Messia cho ông Nathanaen, cũng gọi là Barthôlômêô. Khi nghe nói về Đức Giêsu, ông Nathanaen không tin và cho rằng Ngài chẳng có gì nổi bật, vì xuất thân từ làng quê Nadarét, nhưng sau khi gặp Đức Giêsu ông đã thay đổi cách nghĩ. Tại sao niềm tin của ông lại thay đổi như thế?
Thời Đức Giêsu, dân Do Thái hiểu cách nói “vua Ít-ra-en” theo nghĩa: nhà vua sẽ thực hiện cuộc cách mạng dân tộc, giải phóng Ít-ra-en khỏi ách nước ngoài, mà cụ thể là đế quốc Rôma. Ở Ga 1, 49, ông Nathanaen cũng không hiểu xa. Ông Nathanaen nghĩ vua Ít-ra-en phải trổi vượt, phải là một nhân vật nổi bật hay ít ra cũng phải sinh ra trong một gia đình giàu có, quí phái trong một thành đô rộng lớn. Nên khi Philipphê báo cho ông biết Đấng muôn dân mong chờ đã xuất hiện là người làng Nadarét. Nathanaen đã không tin. Ông đã phản bác “Từ Nadarét có thể có cái gì hay được”. Nhưng sau đó, ông lại nói “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là vua Ít-ra-en”. Tuy ông tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, nhưng ông lại hiểu tước hiệu này cách mập mờ, hay nói đúng hơn, tước hiệu ấy ám chỉ đấng được Thiên Chúa xức dầu, nói lên sự liên hệ đặc biệt với Thiên Chúa, người được Thiên Chúa chọn. Có lẽ sau ngày Phục Sinh, ông mới hiểu cách rõ ràng về tước hiệu này.
Như thánh philipphê đã không ngần ngại giới thiệu Đức Giêsu cho người bạn của mình, thì ngày nay, giữa một thế giới, xã hội đa tôn giáo, chúng ta có sẵn sàng giới thiệu Chúa Giêsu cho những người xung quanh không? Chúng ta đã giới thiệu như thế nào về Đức Giêsu: làm cho Ngài được nổi bật hay là đánh bóng bản thân mình? Sau khi gặp Chúa Giêsu, thánh Barthôlômêô đã thay đổi cách suy nghĩ và biến đổi cuộc đời: trở nên môn đệ và sẵn sàng làm chứng cho Chúa đến giây phút cuối cùng. Còn chúng ta thì sao? Hằng ngày nghe Lời Chúa, chúng ta đã để cho Lời Chúa tác động, và thực hành như ý Ngài muốn không? và ta đã thay đổi đời sống như thế nào? Khi rước lấy Thánh Thể chúng ta đã biến đổi cuộc đời chưa ?
Lạy Chúa Giêsu, niềm tin của con còn non yếu và chính bản thân con cũng chưa xác tín niềm tin vào Chúa nên thường dễ xa ngã trước những cám dỗ. Xin thêm niềm tin cho con để mỗi ngày con một hiểu biết Chúa hơn và yêu mến Chúa hơn. Xin Chúa biến đổi con mỗi khi con gặp được Chúa; xin canh tân đời sống của con khi con lắng nghe Lời Chúa.
Thứ bảy: Mt 23,1-12.
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu lên án lối sống giả hình của các Kinh sư và Biệt phái. Qua đó Chúa mời gọi chúng ta hãy can đảm sống thành thật trước Chúa, mọi người và lương tâm của mình.
Tin mừng luôn cho biết: Chúa Giêsu rất yêu thương, cảm thông và sẵn sàng tha thứ cho những tội nhân biết khiêm tốn ăn năn sám hối. Nhưng Chúa Giêsu cũng rất cứng rắn lên án mạnh mẽ lối sống giả hình và kiêu căng của những kinh sư và biệt phái.
– Giả hình vì họ không dám sống thật với lòng mình. Họ nói mà không làm, hay nói một đàng làm một nẻo. Cuộc sống họ không thống nhất giữa cái “là” và cái “làm”, nên Chúa Giêsu cảnh tỉnh mọi người“những gì họ nói với các ngươi, các ngươi hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ; vì họ nói mà không làm”.
– Kiêu căng của họ được bộc lộ ra bởi nhiều hình thức khác nhau:
. Để chứng tỏ cho mọi người thấy họ là những người có học thức và am tường lề luật nên họ đã tùy tiện giải thích và đặt ra nhiều luật lệ theo ý riêng của mình, vô tình luật trở thành gánh nặng cho dân chúng.
. Để chứng tỏ cho mọi người thấy họ là những người đạo đức nên họ không ngần ngại bao bọc chung quanh cuộc sống của họ bằng nhiều hình thức đạo đức bên ngoài: “nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo”.
. Với mong muốn được mọi người trọng vọng, họ tự đặt mình vào vị trí cao nhất trong đám tiệc, cũng như ngồi vào ghế đầu trong hội đường. Nhất là rất thích thú khi được người ta bái chào ngoài đường phố và hãnh diện khi được thiên hạ gọi là thầy. Chính vì thế mà Chúa Giêsu không ngần ngại nhắc nhở họ hãy trở về đúng vị trí của mình và hãy ý thức sống khiêm tốn trước mặt Chúa. Bởi vì chỉ mình TC mới xứng danh là Thầy và là Cha mọi người.
Chúa Giêsu đã phán: “ ai nhắc mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nhấc lên”. Xin Chúa cho chúng ta biết tự hạ, sống khiêm như Giêsu từ ái. Lòng đơn sơ, chân thành cởi mở, đời hồn nhiên theo gương mẹ Maria sáng trong, nhờ đó ta mới xứng đáng được Chúa yêu thương chúc lành; cũng như được mọi người yêu mến.