Thần Học Về Cánh Chung – Lm. Giuse Thân Văn Tường

print

Thần Học Về Cánh Chung

Thần Học Về Cánh Chung – Lm. Giuse Thân Văn Tường

https://linhmucmen.com/

 

  1. Cánh chung học là gì?. 1
  2. Tôn giáo tự nhiên. 3
  3. Số phận vũ trụ. 3
  4. Số phận con người 4
  5. Cánh chung luận trần tục. 6
  6. Thời đại chúng ta khao khát niềm tin. 7
  7. Con người là thượng đế cho chính mình. 8

III. Các tiên tri của cánh chung trần tục. 8

Cánh chung học Công giáo. 14

  1. Sử tính là kích thước của con người 15
  2. Sử tính theo thần học công giáo. 17
  3. Sử tính của mạc khải 18

Chúa Kitô và thời gian. 19

  1. Chúa Kitô là ý nghĩa của thời gian. 20
  2. Chúa Kitô biến tính thời gian. 21
  3. Chúa Kitô giới hạn thời gian. 22
  4. Chúa Kitô phán xét thời gian. 22

Giáo Hội và cánh chung. 24

  1. Bản chất cánh chung của Giáo Hội 24
  2. Hoạt động cánh chung của Giáo Hội 26

Mầu nhiệm tội ác. 27

  1. Thời đại của dân ngoại 27
  2. Quang lâm của phản Kitô. 28
  3. Ý nghĩa cánh chung của tội ác. 29
  4. Giao tranh cánh chung. 29

Nhân sinh quan Kitô giáo trong thời cánh chung. 30

  1. Ý thức vạn vật mau qua. 30
  2. Tự do của người tín hữu. 32
  3. Tỉnh thức trong đợi chờ. 33

Hy vọng, nhân đức cánh chung. 33

  1. Hy vọng theo Kinh Thánh. 33
  2. Hy vọng trong cuộc đời 35
  3. Hy vọng trong thần học. 36
  4. Quang lâm.. 39

Tái giáng trong vinh quang. 40

Kinh Thánh. 40

Quang cảnh ngày tái giáng. 41

Ngày giờ Chúa Giêsu tái giáng. 42

  1. Đến sớm.. 43
  2. Đến bất chợt 44

Điềm báo ngày tái giáng. 46

  1. Tin Mừng được rao giảng khắp muôn dân. 46
  2. Dân Do Thái sẽ trở lại 46
  3. Một số tiên tri sẽ đến trước. 47
  4. Các tiên tri giả và Phản Kitô. 47
  5. Một cuộc bỏ đạo tập thể. 48
  6. Ý nghĩa các điềm báo trên. 48

Kết luận. 49

III. Sự sống lại 51

Sự sống lại trong Kinh Thánh. 51

Thánh truyền. 54

Quyền giáo huấn. 54

Những vấn đề thần học sự sống lại nêu lên. 55

1) Thời gian sống lại 55

2) Thân xác sống lại 56

Kết luận. 58

  1. Phán xét chung. 60

Phán xét trong Kinh Thánh. 61

Thánh truyền. 62

Quyền giáo huấn. 63

  1. Ai sẽ phải phán xét 63
  2. Đối tượng của sự phán xét 64
  3. Diễn tiến của ngày phán xét 65

Suy luận thần học. 66

  1. Cùng tận hay đổi mới 68

Thánh Kinh. 68

Thánh Truyền. 68

Quyền giáo huấn. 69

Suy luận thần học. 69

  1. Lý do cuộc đổi mới 70
  2. Cách đổi mới 71
  3. Liên hệ giữa trời đất cũ và trời đất mới 72
  4. Sự chết 74

Sự chết trong Cựu Ước. 74

  1. Hiện tượng chết 74
  2. Con người trước sự chết 75
  3. Giavê và sự chết 76

Sự chết trong Tân Ước. 77

  1. Phúc Âm nhất lãm.. 77
  2. Thánh Phaolô. 78
  3. Thánh Gioan. 79

Suy luận thần học. 80

  1. Chết là mất sự sống. 80
  2. Chết là kết quả của tội lỗi 81
  3. Ân sủng Chúa Kitô đã biến đổi sự chết 82
  4. Chết là cùng tận đời sống trần gian. 83
  5. Chiến thắng cuối cùng trên sự chết 84

VII. Phán xét riêng. 84

Kinh Thánh. 84

Giáo truyền. 85

Quyền giáo huấn. 85

Suy luận thần học. 85

VIII. Hạnh phúc đời sau. 86

  1. a) Trời:. 87
  2. b) Thiên đàng:. 87
  3. c) Chúa Giêsu sử dụng từ ngữ “sự sống vĩnh cửu” nhiều lần nhất (20 lần). 88
  4. d) Vinh quang (gloria) là ưu phẩm của Thiên Chúa đôi khi tỏ lộ ra cho tạo vật (Is 6,1; Ps 29). 88
  5. e) Hạnh phúc (beatitudo):. 88
  6. Đời sống vĩnh cửu. 89
  7. Thiên đàng. 90
  8. Trời 93

Giáo truyền. 95

Quyền giáo huấn. 96

Suy luận thần học. 96

Phụ chú. 101

  1. Trời mới đất mới 101
  2. Bản ngã của các thánh. 102
  3. Hoả ngục. 102

Kinh Thánh. 102

Giáo truyền. 103

Quyền giáo huấn. 104

Suy luận thần học. 104

  1. Luyện ngục. 109

Luyện ngục trong Kinh Thánh. 109

Giáo truyền. 109

Giáo huấn của Giáo Hội 110

Suy luận thần học. 110

Độ vong (suffragia). 112

 

 

  1. Cánh chung học là gì?
  2. Từ ngữ này dịch từ Hy Lạp “Eschatologia” ghép bởi hai chữ “Eskhata” (Các sự cuối cùng) và “Logos” (luận về), vì thế, theo ngữ thuật thì: Cánh chung học là khoa luận về các sự cuối cùng.

Vì là một phần của thần học luận về những sự sau cùng, nên khoa này có một lịch sử trong đó nội dung của từ ngữ đã có một biến đổi với thời gian. Hiện nay, từ ngữ ấy có những ý nghĩa chính sau đây:

– Thần học về những sự sau hết của định một một tín hữu: sự chết, sự phán xét, lửa luyện ngục, thiên đàng, địa ngục.

– Thần học về những sự sau hết của định mệt cả tập thể nhân loại và vũ trụ: Sự quang lâm (parousie), sự tái sinh (la résurrection des morts), phán xét chung, trời mới đất mới.

– Nghĩa này không coi Cánh chung học như một phần của thần học nữa, nhưng như một cách nghiên cứu thần học tìm hiểu công trình cứu thế theo quan điểm của chung cục. Theo nghĩa này, nội dụng của Cánh chung học là nghiên cứu về sự tiến triển của công cuộc cứu thế của Chúa Kitô đang trên đường đi về hoàn tất theo như ánh sáng của chung cục; vì nhờ hiểu biết vĩnh cửu, ta mới biết thời gian tương đối như thế nào, biến cố có ý nghĩa gì, chân lý thật sự là gì…

Ba nghĩa trên tuy khác nhau nhưng có liên hệ mật thiết với nhau. Thật vậy, những sự sau hết thuộc định mệnh một cá nhân đã có chung cục ở hoàn cảnh cuối cùng của cả tạo vật vì cá nhân không có thể gặp thấy thể hiện cuối cùng của mình ngoài xã hội mình sống và sự thể hiện cuối cùng của xã hội không thể tách rời với sự thể hiện của mọi cá nhân. Nhưng trong Kitô giáo, chung cục dù của cá nhân, hay trong toàn thể Giáo Hội đều quy về Chúa Kitô mà thánh Phaolô đã gọi là “Adam cánh chung” (1 Cr 15,45). Thật vậy, nơi Kitô hữu, cánh chung là tương quan với Đức Kitô phục sinh: Người sống trong ta, ta sống đời sống của Người, Người đang trưởng thành nơi ta, vì thế chung cục của đời sống ta đã hiện diện rồi, tuy ta vẫn còn trên đường để đạt đến. Ta theo đuổi Người như là sự sống, như là chân lý, như là phán xét, như là hạnh phúc đời đời. Người là tương lai của ta, sự cậy trông của ta. Nói một cách khác, nhờ biến cố phục sinh của Chúa Kitô tác động, trần gian tội lỗi đang biến nên Nước Thiên Chúa, lịch sử trần gian đang trở nên lịch sử thánh. J. Daniélou viết: “Eschton không những là một peras (cùng tận), chỉ kết liễu thời gian mà thôi, nhưng còn là một telos (mục đích), khi sự tiến triển hoàn tất. Và cuối cùng ta đã thấy chung cục của sự tiến triển ấy không phải là sự giáng trần nhưng là một ngôi vị. Như vậy, chúng ta đã đi từ eschaton (sự cánh chung) đến eschatos (Đấng cánh chung). Nói tóm lại, cánh chung của người tín hữu cũng như của vũ trụ là chính Chúa Kitô đã phục sinh. Cánh chung ấy đã đến, đang đến và sẽ đến. Nói theo kinh viện, cánh chung ấy không những là mục đích, nhưng là mô phạm của đời ta.

Như trên, cánh chung học ngày nay không thể bỏ quên một trong ba ý nghĩa nói trên. Nó vẫn là giải đáp về câu hỏi số kiếp cá nhân vì như sách Khải Huyền đã nói: Thiên Chúa gọi mỗi người bằng tên riêng của mình. Nó cũng vẫn là suy luận về chung cục toàn thể nhân loại và vũ trụ vì theo Kinh Thánh con người chỉ được cứu rỗi trong tập thể. Nhưng chính Chúa Kitô là trung tâm của mọi chiều kích cánh chung: Ngôi Lời nhập thể đã đưa vào thế gian một yếu tố thần linh đang biến đổi muôn vật để đưa chúng đến viên mãn. Vì thế mà dù chúng ta đang tiến bước trong đe doạ của tội lỗi và sự chết, chúng ta vẫn sống trong cảnh vực của cánh chung vì “tiềm năng sống lại” đang hoạt động nơi chúng ta rồi.

Vì ý nghĩa sau cùng này, cánh chung học không còn chỉ là khái luận về một vài điều sau hết của kinh Tin Kính, nhưng đã trở nên trung tâm toàn bộ thần học: Thiên Chúa Ba Ngôi tự mạc khải trong lịch sử để con người tiến về thiên đàng, nơi con người được nhìn thấy toàn vẹn trong hưởng kiến; sự sáng tạo hàm chứa một động lực cánh chung làm cho muôn vật lúc ban đầu đều tiến hoá hướng theo chung cục; Kitô học nhuốm một màu sắc đầy cánh chung vì Chúa Kitô đang dẫn dắt lịch sử đến cứu cánh, đang đưa Giáo Hội đến quang lâm; nhân loại học siêu nhiên tìm hiểu con người đang “Kitô hoá”; thậm chí đến cả các giá trị trần gian như lao công, đau khổ, bệnh tật… cũng được thần học nghiên cứu dưới khía cạnh cánh chung.
Vì những lý do trên, chúng tôi sẽ nghiên cứu cánh chung học theo ý nghĩa (3) trước. Rồi sau chúng tôi sẽ nói đến những đối tượng nghiên cứu bởi Cánh chung học theo nghĩa (1) và (2), nhưng theo nhãn quan của Cánh chung học theo nghĩa (3).

002. Cánh chung học tự nhiên

Là người, ít hay nhiều, ai cũng có một niềm tin về đời sau, về số phận con người, về thưởng phạt các việc lành dữ, ai cũng có một quan niệm thô sơ hay hệ thống về cánh chung. Sau đây chúng tôi sẽ trình bày một số chủ đề chính của các cánh chung luận của tôn giáo tự nhiên hay của trần tục.

  • Tôn giáo tự nhiên

Trong các tôn giáo tự nhiên, thường có đề cập đến những chủ đề quen thuộc của cánh chung học.

 

  1. Số phận vũ trụ
  2. Các nhà cổ sinh vật học nhận thấy hầu hết các dân tộc cổ sơ đều có những thần thoại nói về một tai ương sẽ làm tiêu tan vũ trụ. Tai ương ấy thường là một biến cố trong quá khứ được nhớ lại và phóng đại để hướng về tương lai. Nhiều tôn giáo coi biến cố ấy như một hoả tai. Nhưng vì trong các tôn giáo ấy, không có ý niệm một sự sáng tạo tuyệt đối (creatio ex nihilo), nên cũng không có ý niệm một chung cục tuyệt đối. Vũ trụ bị lửa trời thiêu đốt nhưng rồi lại tái sinh. Các tôn giáo Azteca, Babylone, Ấn Độ đều công nhận vũ trụ cứ theo chu kỳ bị thiêu đốt rồi lại tái sinh. Một đặc tính chung của quan niệm trên là có nhãn quan bi đát về vũ trụ. Nhân loại càng tiến gần đến chung cục càng thoái hoá. Thi sĩ Horatio đã phải thốt ra những câu thơ sau đây:
    “Aetas parentum, pejor avis, tulit
    Nos neuiores, mox daturos
    Progeniem vitiosiorem” (Odes II, 6,46-48).
  3. Số phận con người
  4. Mọi tôn giáo đều quan tâm đến việc giải thoát con người. Nhưng sự giải thoát ấy lệ thuộc vào quan niệm mà mỗi tôn giáo có về con người. chúng tôi sẽ trình bày sơ qua một vài điểm mà các tôn giáo thường có về con người.

    1. Hồn của con người

    Không phải chỉ có Linh hồn giáo và Sinh khí giáo mới tin rằng con người có linh hồn, hầu hết các tôn giáo đều cho rằng con người có hồn và hồn ấy không tiêu tan với sự chết. Nhiều dân tộc đồng hoá hồn với hơi thở hay gió. Người Do Thái gọi hồn là Ruakh, người Hy Lạp gọi lần là Pneuma, người Roma gọi hồn là Anima hay Animus, người Việt Nam đồng hoá hồn với vía, người Ấn Độ đồng hoá hồn với Âtman tức toàn toàn tri, vượt trên mọi không gian và tĩnh động.

    2) Linh hồn bất tử

    004. Các phong tục và nghi lễ đời cổ thạch khí cho biết dân chúng ở thời đại ấy thường tin sau khi chết linh hồn biến ra “ma” sống lởn vởn gần mồ, gần nhà, trên lùm cây, đống đá và có thể xuất hiện về đêm. Người Ai Cập cho rằng “ma” còn lệ thuộc xác như bóng với hình, nên có tục ướp xác để khỏi tiêu tan cho linh hồn có nơi cư trú. Các tôn giáo tiến hộ hơn như Ấn Độ giáo thì nghĩ rằng linh hồn bất tử, nhưng để được siêu độ thì cần phải nhờ hoặc vào các nghi lễ độ vong, hoặc nhờ lối khổ hành tri thức hoặc nhờ lối tình yêu.

    3. Nơi ở của linh hồn

    005 Một số tôn giáo nghĩ rằng sau khi chết, hồn người ta phải vào một nơi buồn lạnh, cô đơn mà họ gọi là âm phủ (schéol trong Kinh Thánh). Một số tôn giáo khác phân biệt hai nơi cư trú khác nhau cho người lành và kẻ dữ: người lành vào tiên ảnh còn kẻ dữ vào địa ngục. Ấn Độ giáo và Phật giáo tin có nhiều địa ngục và nhiều tiên cảnh.

    4. Ý niệm về thưởng phạt

    Hầu hết các tôn giáo đều nhận có sự thưởng phạt, nhưng quan niệm về thiện ác thì rất dị biệt. Nhiều dân tộc nghĩ số phận đời sau thuộc về cách chết, hoặc kiểu tang chế, hoặc nhưng nghi thức ma thuật linh phù. Dân tộc khác nghĩ các vị vua quan, các người giàu có được vào tiên cảnh, còn người dân đen đói rách vào âm phủ. Dân tộc khác đã ý thức giá trị luân lý và nghĩ rằng các anh hùng, liệt sĩ, các bậc cứu thế độ nhân thì được vào vườn thượng uyển, còn những quân hèn nhát, bất công, làm hại kẻ khác thì vào địa ngục. Ở một số tôn giáo, tiêu chuẩn thưởng phạt không những ở luân lý khách quan mà còn ở luân lý chủ quan nữa. Zarathustra nói không những hành động xấu, lời nói xấu, mà cả tư tưởng xấu, tà giác xấu cũng bị phạt nữa. Với đạo Ấn Độ, vai trò luân lý không quan hệ bằng vai trò tri thức. Còn với Phật giáo sơ khai, thì khía cạnh luân lý lại không quan hệ bằng khía cạnh tâm lý của hoạt động, một việc lành mà còn “tham” thì cũng không đáng thưởng. Sau hết, một số tôn giáo đặt tiêu chuẩn thưởng phạt ở niềm tin như Hồi giáo, Do Thái giáo và Kitô giáo.

    5. Ý niệm về phán xét

    Cuộc phán xét có thể được quan niệm như một cuộc thử thách trước khi linh hồn được thưởng hay phải phạt. Nhiều thần thoại nhắc đến linh hồn trước khi vào được tiên cảnh còn phải vượt nhiều trở ngại như sông sâu, vực thẳm, gặp những quái vật dữ tợn, ma quỷ hiểm độc, nếu không được khai tâm trước về một pháp thuật hay được yểm bùa trước thì không tài nào qua được. Một hình ảnh của cuộc thử thách ấy là cây cầu phán xét, cây cầu ấy rất khó qua được. Nhưng đó là con đường duy nhất để vào tiên cảnh. Văn chương Zend-Avesta, Pahlavi, Upanishad, Oyran đều có nhắc đến cây cầu ấy. Cuộc phán xét cũng có thể quan niệm như một phiên xử. Theo thần thoại Ai Cập thì thần Osiris ngồi toà và ông cân tim người chết với một cái lông đà điểu biểu thị cho chân lý. Nhiều tôn giáo khác cũng nhắc đến hình ảnh cái cân như Mazdeo giáo, Hồi giáo…

    6. Ý niệm về giải thoát

    Nhân quả, nghiệp báo đối với các dân tộc thường được quan niệm là sắt đá, nghiêm khắc vì thế có tôn giáo thì tin vào một nghi thức một phép thần thông… để được giải thoát, nhưng cũng có tôn giáo nhờ đến những thần cứu tinh: Thần Krishna cứu những người sùng bái ông, Phật giáo Đại thừa cầu cứu với A Di Đà, Quan Âm, Bồ Tát. Ở Ba Tư, Zarathustra dạy rằng: Vào cuối lịch sử, khi nhân loại bước vào một cơn khủng hoảng ghê sợ, thì thần Sôshyans sẽ xuống trần gian an định mọi sự để sửa soạn một cuộc sống lại và phán xét chung. Ở Ấn Độ, thần Kalpin là hoá thân của Vishnu sẽ xuất hiện trong thời thiên tai cánh chung; ông sẽ ngồi trên ngựa trắng, cầm gươm lửa, phục hồi trật tự cho thế gian. Trong Hồi giáo, vị cứu tinh mong đợi là Mahdi, ngài sẽ xuất hiện vào thời cuối cùng để lập hoà bình và công chính trên thế gian.

    7. Ý niệm về sống lại

    Ở các dân tộc sơ khai, chưa có ý niệm về thân xác con người được sống lại, nhưng sự tin tưởng rằng con người sẽ đầu thai tái sinh trong thân thể khác đã là một mở đường chuẩn bị cho ý niệm phục sinh. Những dân tộc cổ nhất tin ở sống lại người ta biết được là thổ dân đảo Adaman. Các thổ dân này tin rằng: sau một cuộc động đất cánh chung phá huỷ thế gian thì các linh hồn nhập vào thân thể và sống lại trên một mặt đất đã được đổi mới. Ở Ai Cập, những người tin ở tôn giáo Osiris nghĩ rằng: các linh hồn đã được đồng hoá với thần Osiris sẽ được sống lại với thần ấy. Ở Ba Tư, Zarathustra cho biết: vào cuối chu kỳ hiện tại, thần Sôshyans sẽ đến thắng thần Ác, cho mọi người sống lại và phán xét chung. Hồi giáo cũng tin ở sự sống lại dựa vào Ba Tư giáo và Kinh Thánh Kitô giáo.

  5. Cánh chung luận trần tục
  6. Trong một thế giới mà tôn giáo đã mất dần ảnh hưởng, con người cũng vẫn cần có niềm tin; vì thế khi cánh chung học tôn giáo không còn lôi cuốn nữa, thì lại nẩy ra một hình thức tương tự trong phạm vi trần tục mà chúng ta tạm gọi là cánh chung luận trần tục. Thật vậy, thế kỷ chúng ta có rất nhiều phong trào và ý thức hệ không những có tham vọng thực hiện một cái gì hay diễn tả một chân lý, nhưng còn theo đuổi mục đích đưa con người đến chung cục của mình nữa. Các ý thức hệ vô thần, các phong trào giải phóng, các lý thuyết duy vật của xã hội tiêu thụ… đều tuyên bố mình sẽ đưa con người đến thể hiện hoàn toàn ở ngay trần gian này. Sau đây, chúng tôi sẽ trình bày sơ qua tình trạng của cánh chung luận trần tục này.
  7. Thời đại chúng ta khao khát niềm tin
  8. Thời đại chúng ta vừa đầy dẫy hứa hẹn, vừa trà ngập đe doạ (Hiến chế Gaudium et Spes, số 4). Sự tiến bộ của khoa học và kỹ thuật ở một số nước tiên tiến đã làm cho con người đạt được một mức độ sung túc tiện nghi mà người các thế hệ trước còn coi là một giấc mơ. Những tiến bộ trong tổ chức xã hội và trong các khoa học nhân văn làm cho nhiều người có cảm tưởng rằng “nước hoà bình, tự do và công chính” đã gần đến.

    Nhưng mặt khác, thực tế phũ phàng cũng đem lại nhiều kinh nghiệm chua cay. Chưa đầy nửa thế kỷ, hai trận thế chiến khốc liệt, những vụ cách mạng đẫm máu, những cuộc thanh trừng tàn nhẫn, những trại tập trung khổng lồ, nhưng lò sát sinh tập thể. Thêm vào đấy, tiến bộ của khoa học và kỹ thuật đã là con dao hai lưỡi, nó có thể phụng sự mà cũng có thể nô lệ con người: Kỹ nghệ có thể đem lại sung túc và tiện nghi cho con người, nhưng cũng có thể đưa con người vào cái vòng cay nghiệt sản xuất vì sản xuất. Khoa học xã hội và nhân văn có thể giúp con người đi đến một tổ chức hợp lý hơn, nhưng cũng có thể giúp các chính quyền bóc lột con người một cách tinh vi. Viễn tượng một trận chiến điên rồ trong đó con người dùng kỹ thuật tiến bộ để tự huỷ diệt đang ám ảnh nhiều tâm trí.

    Trong lúc ấy, các Giáo Hội chỉ biết nhắc lại những công thức cũ kỹ lỗi thời, không còn tạo được một niềm hy vọng cho người đời nữa. Dân chúng, nhất là thế hệ trẻ, trở thành bơ vơ vất vưởng giữa sự trông chờ bồng bột và niềm tuyệt vọng thê thảm. Trạng thái tâm lý ấy là một mảnh đất màu mỡ cho các tiên tri của mọi thứ chung cục.

  9. Con người là thượng đế cho chính mình
  10. Các phong trào nhân bản, từ nhóm Bách Khoa Từ Điển (Encyclopedistes) ở Pháp đến nhóm Ánh Sáng (Aufklaerung) ở Đức cho đến L. Feuerbach, Proudhon, Freud và ngày nay Russell Merleau-Ponty đã đảo lộn tương quan của con người với Thượng Đế. Với con người Thượng Đế đã chết, họ không còn cứu cánh ở ngoài họ nữa, họ đã trở nên thượng đến cho chính mình. Như vậy, “tôn giáo của Thiên Chúa làm người phải đối diện với tôn giáo của con người làm Thiên Chúa” (Diễn văn của Đức Phaolô VI, ngày 7.12.1965).

    Song song với triết học, khoa học theo cách nói của Max Weber cũng đã “yểm bùa thế giới” làm cho “giả thuyết Thượng Đế” không còn cần để giải thích vũ trụ nữa. Nguồn gốc con người, nguồn gốc sự sống đều được khoa học giải thích. Phép lạ được cắt nghĩa một cách tự nhiên. Sự chết tuy vẫn là đe doạ hãi hùng, nhưng con người hy vọng một ngày kia sẽ làm chủ được.

    Do đó, những giá trị chi phối đời sống con người cũng biến đổi. Không còn có gì là tuyệt đối, mọi sự đều tương đối. Đời sau không còn nữa, chỉ có đời này. Thay vì tin vào Đấng vô hình, con người chỉ chấp nhận cái hợp lý, cái minh chứng được và cái mà kinh nghiệm cho biết là có ích lợi.

    Từ đó xuất hiện một cánh chung luận trần tục trong đó con người ý thức mạnh mẽ về mình như tột đỉnh vũ trụ, ý thức về tự do hạnh phúc như mục đích duy nhất con người phải tự đoạt lấy. Còn ngoài kia, xa hơn trần tục, chẳng còn gì nữa.

III. Các tiên tri của cánh chung trần tục

  1. Đã đành có nhiều loại cánh chung trần tục: những tác giả tiểu thuyết tình cảm uỷ mị và khiêu dâm, đưa ái tình lên bậc lẽ sống của thanh niên nam nữ, những tạp chí đề cao các minh tinh hay các lực sĩ như là những thần tượng của tuổi trẻ mà người ta thấy nhan nhản trong thế giới tư bản đều là những tiên tri về cánh chung trần tục. Nhưng đó chỉ là những tiên tri rẻ tiền, ở đây chúng tôi chỉ đề cập đến những cố gắng hệ thống tư tưởng theo nhãn quan trần tục. Chúng tôi cũng không tham vọng nêu lên hết mọi tên tuổi, nhưng chỉ giới thiệu một vài xu hướng tư tưởng chính.

    Trong phạm vi triết học thuần tuý, phải kể đến Hegel. Theo ông Kitô giáo là một ý thức hệ, mạc khải vào mục đích cứu rỗi là lịch trình biến dịch của lý trí. Trong hệ thống tư tưởng này, sự tiến bộ được hiểu theo một vũ trụ quan nhất nguyên. Lịch sử biến đổi qua chính đề, phản đề và tổng hợp một cách máy móc. Theo Hegel, cái tổng hợp ấy thể hiện cuối cùng trong quốc gia Phổ là nơi “tinh thần tuyệt đối nhập thể”. Như vậy, Hegel đã tục hoá cánh chung và đã coi cánh chung như có tính cách quốc gia, tập thể.

    Trái với Hegel đề cao tập thể, Nietzche lại đề cao cá nhân. Siêu nhân là nguồn cho luân lý và là tiêu chuẩn của lịch sử. Siêu nhân là mục đích của sự tiến hoá trong nhân loại. Quan niệm về siêu nhân như một tuyệt đối của ông đã xuất hiện vì ông cho rằng loài người không còn có thể tin cậy được vào cái giả thuyết siêu hình cũ xưa là Thượng Đế, đời sau và bất tử. Theo ông, khi phân tích nguồn gốc các giả thuyết trên người ta thấy vừa không có gì chắc chắn, vừa không có hiệu lực, vì thế chỉ còn một cách để cứu rỗi con người, đó la cậy vào trần gian và đời này. Ý tưởng mà con người có về sự trở lại muôn thuở của thiên nhiên chứng tỏ thiên nhiên không tiêu huỷ, đời sống không tàn lụi; vì thế con người phải thắng gian lao, đau khổ, phải dập tắt âu lo (angoisse) trước hư vô để hưởng một đời sống dồi dào làm cho mình trở nên siêu nhân.

    Trong phạm vi triết lý khoa học, tên tuổi đầu tiên có lẽ là Aguste Comte. Tư tưởng nòng cốt của triết lý của ông là “định luật về ba tình trạng”, theo đó thì trí tuệ con người, trong bước đường tiến triển của nó, đã trải qua ba giai đoạn. Giai đoạn một là tình trạng thần học trong đó trí tuệ loài người nghĩ ra để giải thích các hiện tượng trong thiên nhiên những nguyên nhân siêu nhiên mà họ coi như thần thánh họ phải tôn thờ. Giai đoạn hai là tình trạng siêu hình, trong đó trí tuệ loài người thay vào các thần thánh và các tôn giáo những thực tại trừ tượng đã là đối tượng của triết học Hy Lạp và đã truyền lại về sau. Giai đoạn ba là tình trạng thực nghiệm. Trong giai đoạn này, trí tuệ loài người không còn bận tâm tới tuyệt đối nữa, và chỉ nghĩ đến nghiên cứu những vật tương đối mà mình có thể kinh nghiệm được mà thôi. Nhờ có những sự kiện họ có thể thí nghiệm, con người tìm ra các đinh luật khoa học nhờ đó họ có thể tiên đoán những gì sẽ xảy ra trong thiên nhiên và nhờ đó khuất phục được thiên nhiên. Với ông, “biết để tiên đoán ngõ hầu có thể”.

    Lòng tin tưởng của Auguste Comte vào khoa học và vào phương pháp thực nghiệm đã mở màn cho thuyết tất định trong vũ trụ. Charles Darwin áp dụng thuyết này vào sinh vật học và chủ trương thuyết tiến hoá từ các sinh vật thô sơ đến sinh vật hoàn hảo căn cứ vào sự lựa chọn tự nhiên và đấu tranh để tồn tại. Herbert Spencer áp dụng thuyết tiến hoá vào các lãnh vực tâm lý, xã hội và luân lý nữa. Như vậy là xu hướng duy khoa học trong triết lý đã đưa đến một quan niệm tất định máy móc về con người như thuyết định mệnh (fatalisme) trong một vài tôn giáo vậy.

    Các quan niệm trên đây có tính cách chung cục, nhưng không ảnh hưởng vào cánh chung học Kitô giáo. Hai luồng tư tưởng sau không những có tính ách chung cục mà còn ảnh hưởng vào cánh chung học Kitô giáo hiện nay nữa, đó là luồng tư tưởng không tưởng và luồng tư tưởng Mácxít.

    Như trong khoa học nhân văn ngày nay, từ ngữ huyền thoại không phải là một câu chuyện do óc tưởng tượng của con người bày ra, không có và sẽ không bao giờ xảy ra, nhưng là một chân lý sâu xa được diễn tả bằng những hình ảnh của văn chương tưởng tượng, thì từ ngữ không tưởng (utopia) cũng có một biến đổi tương tự. Không tưởng là một cuốn sách của Thomas More (1516). Thời ấy người ta cho rằng đó là lý tưởng về một chế độ xã hội được diễn tả một cách huyền hoặc. Nhưng ngày nay, nhiều nhà xã hội học lại cho rằng không tưởng là “thực tại của sự bất toàn”, là “vốn liếng các tài năng mà con người có sẵn nhưng chưa ý thức”. K. Mannheim định nghĩa không tưởng như sau: “Lý do kích thích một tập thể biến đổi trạng thái hiện có của mình sao cho phù hợp với những mục tiêu siêu việt trạng thái ấy” (Encyclopedia of the Social Sciences, NY. Macmillan 1935, XV, trg. 20).

    Không tưởng phát triển mạnh vào những giai đoạn lịch sử đen tối làm cho con người chán ngán hiện tại và muốn thoát khỏi để có một tình trạng tốt đẹp hơn, hay vào những giai đoạn lịch sử mà con người cảm thấy mình có nhiều khả năng để có thể tổ chức một xã hội tốt đẹp hơn. Vì thế mà ở những giai đoạn lịch sử khủng hoảng và những giai đoạn tiến bộ khoa học và kỹ thuật vượt mức là những thời kỳ không tưởng rất thịnh hàng. Sự phát triển của xã hội chủ nghĩa và của nền kinh tế Âu châu đã làm xuất hiện nhiều tác giả không tưởng như Saint Simon, Condorcet, Fourier, Louis Blanc, Proudhon.

    009. Vai trò của không tưởng có thể quy về ba điểm sau đây:

    a) Đem cái phải có ra kết án cái đang có.

    b) Tưởng tượng sáng tạo bổ túc cho lý trí để tìm kiếm một hình thức xã hội hoàn hảo hơn (tương tự như vai trò của tưởng tượng sáng tạo trong việc lập giả thuyết khoa học).

    c) Động lực nhân tâm bằng cách giới thiệu cứu cánh một cách hấp dẫn.

    Các phong trào cách mạng và phản cách mạng, các phong trào giải phóng và phản giải phóng của thời đại chúng ta đều có pha ít nhiều không tưởng. Riêng ở phạm vi Kitô giáo, thí dụ điển hình là Teilhard de Chardin các tác phẩm của ông đã được nhiều người hoan nghênh vì ông đã quan niệm tương lai với nhiều khía cạnh không tưởng. Sau đây, chúng tôi sẽ phân tích sơ qua một tác giả được coi như kiểu mẫu về không tưởng: Ernst Bloch. Trong cuốn “Nguyên lý hy vọng”, ông giới thiệu chủ nghĩa vô sản như một không tưởng tích cực mà ông gọi là “siêu tôn giáo”. Theo ông, ông là người thừa kế cánh chung của Kitô giáo, nhưng ông giải thích Thánh Kinh xác đáng hơn. Ông cho rằng Thiên Chúa của Maisen là “tương lai của dân tộc”, một mối hy vọng lớn lao luôn soi lối cho dân Do Thái trên con đường lập quốc của họ. Đức Kitô vô thần, vì thế bị hội đường Do Thái xử tử, Người nhắm xây dựng Nước Trời thay cho xã hội lúc ấy. Như thế, Kitô giáo theo như Thánh Kinh là một lý tưởng nhân bản vô thần nhằm mục đích cải tạo thế giới.

    Theo ông Bloch thì không tưởng là một “chủ nghĩa nhân bản hay một hữu thể học cánh chung” trong đó hy vọng chi phối lịch sử và luôn luôn nhằm tới bên kia mọi thành tích đã đạt được. Với ông, hy vọng này khác với hy vọng tôn giáo vì nó có tính cách khách quan như là một định luật của lịch sử. “Cái chưa có” xuất hiện trong ý thức còn thiếu sót của con người để mời gọi ý chí của họ. Vật chất ở tự nó đã gồm có mọi khả thế rồi, nhưng khả thể không phải chỉ là cái có thể xảy ra, mà còn là cái mà “con người có thể làm cho có”. Tương lai là “phòng chế tạo sự cứu rỗi có thể được”. Quang lâm là sự tỏ hiện của con người hiện nay còn ẩn náu. Thiên Chúa không phải là ông chủ vô hình mà con người khiếp sợ, nhưng là lý tưởng được nhân hoá trong không tưởng của con người”. Nước Trời là tình trạng không tưởng nhân loại khát vọng, là nơi con người hoà hợp với chính mình, với kẻ khác và với thiên nhiên… Nói tóm lại, theo Bloch, con người hy vọng chiếm được địa đường ngay ở trần gian nhờ sức của chính mình.

    Ernst Bloch, một người Mácxít, mà đã dám coi chủ nghĩa của Marx như thiếu tưởng tượng và thiếu cánh chung tính. Nhưng nếu phán đoán một cách khách quan, có thể nói rằng, thuyết Mácxít có rất nhiều cách chung tính.

    Trước hết, tận cùng lịch sử hay thế giới đại đồng đã được Marx diễn tả bằng một ngôn ngữ tưởng tượng đầy màu sắc cánh chung. Trong “vương quốc của quyền tự do” ấy, mọi người đều hưởng sung túc, không ai bóc lột ai, mỗi người vui vẻ làm việc theo tài năng và được cung cấp theo nhu cầu. Lúc ấy, không còn mâu thuẫn, tranh chấp giữa loài người, mọi khả năng nhân bản sẽ được phát triển và sẽ không bị đo lường bởi một mẫu mực nào, con người sẽ làm chủ hoàn toàn trên nhiên tính và trên chính bản tính của mình (K. Marx, Fondements de la Critique de l’Economie politique, Paris, Anthropos 1968, p.450). Cảnh tượng trên không khỏi làm cho chúng ta liên tưởng đến đoạn Kinh Thánh nói về sư tử nằm bên chiên cừu, trẻ nhỏ cầm rắn lục trong tay của thời “Messia”.

    Thứ đến, nếu ta phân tích, ta thấy chủ thuyết của Marx cũng thuộc về phong trào tư tưởng cứu thế (Messianisme). Theo phong trào này thì lịch sử có một hướng đi, một cùng đích, và trong bước tiến của lịch sử có những khủng hoảng, thử thách để thắng vượt. Phải có can thiệp của những cá nhân và đoàn thể hy sinh tất cả cho đại cuộc, thì mới đem lại được nước bình an vào thời cánh chung. Phong trào cứu thế khởi xướng ở của người Do Thái vào kỷ nguyên một, khi thành Giêrusalem bị tàn phá. Ở thế kỷ XIX, có nhiều phong trào kiểu này, đặc biệt là chủ nghĩa Nam tư lạp phu (panslavisme), và thế kỷ XX là các xã hội chủ nghĩa.

    Các phong trào cứu thế có chung các đặc tính sau đây:

    – Lịch sử có một đích điểm phải tiến đến.

    – Con người có trách nhiệm phải làm lịch sử, trái với chủ trương bi kịch (tragique) của người Hy Lạp, theo đó con người phải nhận số kiếp của mình).

    – Có những phương tiện để buộc lịch sử phải theo dòng biến hoá của nó, có một người hay một nhóm “tuyển chọn” mang số phận đại chúng để mà đấu tranh.

    – Có những biến cố khải huyền rùng rợn để biến đổi hướng đi của lịch sử.

    – Hiện tại, dân chúng ở trong tay Ác thần, bị vong thân và bóc lột.

    Theo chủ nghĩa Mácxít thì giải cấp vô sản là đấng Messia. Marx tả giai cấp này với những đặc tính giống hệt Người Tôi Tớ Giavê của Isaia “một giai cấp không phải là giai cấp”, “họ chịu khổ toàn diện, họ không đòi một quyền lợi riêng nào”, “họ chịu không phải một thứ bất công nào đó nhưng tuyệt đối của bất công”, “nói tắt một lời, giai cấp này là sự tuyệt vọng hoàn toàn của con người” (Contribution à Je critique du droit de Hégel, introduction).

    Chiến tranh cánh chung là đấu tranh giai cấp. Cuộc đấu tranh này là một định luật của lịch sử, cần thiết như một định mệnh. Marx nói: “Cách mạng là đầu máy của xe lửa lịch sử”, “bạo lực là bà đỡ của mọi xã hội cũ mang thai một xã hội mới”. Các biến cố khải huyền là các vụ “tổng đình công”, các bùng nổ “cách mạng”.

    Nếu không tưởng của Ernst Bloch đã có ảnh hưởng vào một số nhà thần học Kitô giáo, chủ thuyết của Marx đã có âm vang vào nay thái độ của Giáo Hội ngày nay. Công đồng Vatican II minh xác: “Lúc nào Giáo Hội cũng có bổn phận tìm hiểu tường tận những dấu chỉ của thời đại và giải thích dưới ánh sáng Phúc Âm, như vậy mới có thể giải đáp một cách thích ứng cho từng thế hệ những thắc mắc muôn thuở của con người về ý nghĩa cuộc sống hiện tại và mai hậu cũng như về tương quan của hai cuộc sống ấy” (Gaudium et Sper, 4a). Các dấu chỉ mà Công đồng nhắc đến là “dấu chỉ cánh chung” mà Đức Kitô đã tiên báo (cfr. Mc 13,5) mà Giáo Hội phải chú ý để xây dựng Nước Trời và nhờ đó giúp xây dựng nước trần thế. Dấu chỉ thời đại nào cũng có, nhưng ngày nay xuất hiện trong bối cảnh tục hoá; vì thế mà Giáo Hội theo gương Ngôi Lời nhập thể, cũng phải dấn thân trong trần thế hơn. Trong việc dấn thân này, thuyết Mácxít dạy ta nhiều điều thực tế, như phải xả thân để nhân hoá thiên nhiên, xã hội và lịch sử, phải yêu thương tha nhân một cách hữu hiệu, nghĩa là phải hợp lực với những người bị áp bức để phá đổ các tương quan xã hội bất công, phải đem đến cho đám dân nghèo khổ một hy vọng cụ thể, trong tầm tay của họ, để cung cấp cho họ những nhu cầu tối thiểu mà hiện nay họ còn chưa có. Cả đến suy tư sâu xa hơn về đấu tranh giai cấp cũng có thể đem lại nhiều yếu tố mới cho cách thi hành bác ái mà Phúc Âm truyền dạy.

Cánh chung học Công giáo

  1. Như ta đã thấy ở nghĩa (3) nói trên, với người Kitô hữu, cánh chung là đời sống Chúa Kitô trong ta nhìn ở khía cạnh là nguyên nhân sự sống lại; nói khác đi, cánh chung là một tiềm năng đang hoạt động vào nhân loại để âm thầm tạo nên tình trạng phục sinh sẽ xuất hiện sau này.

    Nghiên cứu tiến trình thần đó nói trên là cánh chung học. Như vậy, cánh chung học có liên hệ mật thiết với lịch sử. Sau đây chúng tôi sẽ phân tích liên hệ ấy.

    Sử tính trong Kitô giáo

  2. Sử tính là kích thước của con người
  3. Trước đây, để hiểu con người, người ta thường có một quan niệm tĩnh và có một định nghĩa như là “con vật có lý trí và tự do” chẳng hạn. Từ ngày Tillich cho rằng con người là “một vật thể đang thành hình”, một định nghĩa như trên đã trở nên lỗi thời. Con người, dưới mắt người thời nay, không những là mà còn trở nên bản tính mình. Họ chỉ trung thành với chính mình khi hiện tại của họ được định hướng bởi quá khứ (nguyên nhân) và tương lai (cứu cánh).

    Sở dĩ có một biến đổi trong cách quan niệm về con người như trên, đó là vì người thời nay nhìn nhận tự do như là yếu tố chính của con người, mà tự do không phải chỉ là một phẩm tính suông, nhưng là một năng lực đưa đến hoạt động và biến đổi, vì thế con người không phải chỉ là cái mình có, nhưng còn là cái mình sẽ trở nên nữa. Nói một cách khác, con người không những có một bản tính, nhưng còn có một định mệnh. Nhưng chính vì con người, ngoài yếu tính, còn có một định mệnh, mà yếu tố thời gian không thể thiếu được. Con người chỉ thể hiện định mệnh mình trong thời gian. Các thể hiện do hoạt động của con người đều lẻ loi, nối tiếp, không có hành động nào có thể xác định được thân phận con người, trừ sự chết; vì thế, bao lâu con người còn sống, thì vẫn có thể trở nên người hoàn hảo hơn.

    Ở đây, cũng cần phải phân biệt thời gian tính với sử tính. Thời gian tính là một phẩm chất của tạo vật, đặc biệt là các sinh vật. Các vật này đều lệ thuộc vào sự nối tiếp trước sau. Một con vật sinh ra, lớn lên rồi chết, nó lệ thuộc vào thời gian. Nhưng nếu chỉ ghi nhận sự nối tiếp của các tình trạng ấy ta chưa viết lịch sử về sinh vật ấy. Để thời gian tính biến nên sử tính, còn cần phải có cho các tình trạng trên những yếu tố như là kết quả của tự do, có một ý nghĩa nhân loại, có một cứu cánh, là một hoạt động công khai có ảnh hưởng vào xã hội. Như trên, phát triển thuần tuý chưa phải là lịch sử; nguồn gốc của lịch sử chính là cơ cấu tinh thần tạo cho sự phát triển trên một ý nghĩa và một cùng đích.

    Vì sử tính chỉ xuất hiện khi sự nối tiếp có một định hướng và một ý nghĩa cho tập thể nhân loại mà những nền triết học hay các tôn giáo không chấp nhận thời gian như một kế tiếp theo đường thẳng có đầu có cuối không đem lại được cho con người kích thước sử tính. Ở Hy Lạp, thần thoại về cuộc “trở về muôn thuở” (le retour éternel) giả thiết cuộc đời con người sẽ lặp đi lặp lại không cùng và không có mục đích, hy vọng gì. Còn triết lý Ấn Độ thì cho rằng: thế gian không có khởi điểm và chung cục, vũ trụ cứ khách quan tiến từ chu kỳ này đến chu kỳ khác, mỗi chu kỳ kết thúc bằng một thiên tai để rồi từ tro tàn của nó, một thế giới lại xuất hiện. Quan niệm về thời gian như một bánh xe luân hồi này không còn có ý tưởng về những vật thể có tự do, sống trong bất tất và có thể tiến đến một bản ngã tuyệt đối nữa; trái lại chỉ chú ý đến những vật hể phổ hữu, bất biến và trừu tượng luôn luôn trở lại không hy vọng, mục đích mà thôi.

    Do Thái – Kitô giáo, theo thánh Augustinô, đã phá vỡ chu kỳ nghẹt thở ấy (PL. 41,372), và quan niệm thời gian theo đường thẳng. Các triết gia kim thời như Hégel, Marx, Hiện Sinh, Nhân bản chủ nghĩa… cũng quan niệm như vậy, vì thế họ đều công nhận sử tính như một kích thước của con người. Nhưng về cứu cánh của lịch sử, thì mỗi triết gia quan niệm mỗi khác: người thì cho là tương lai của tinh thần (Hégel), người thì cho là xã hội không giai cấp (Marx), người thì cho là siêu nhân (Nietzche), người thì cho là con người hoàn hảo (nhân bản chủ nghĩa)… Với các triết gia kim thời, cứu cánh của lịch sử ở trong lịch sử. Còn đối với Kitô giáo, cứu cánh con người siêu việt lịch sử, nhưng vẫn không ra ngoài lịch sử. Thật vậy, nếu thánh Augustinô đã viết: “Lạy Chúa, Chúa đã tạo nên chúng con cho Chúa và tâm hồn chúng con không yên cho đến khi được nghỉ trong Chúa” thì ông cũng viết: “Chúa ở thâm sâu chúng con hơn chính chúng con” (PL. 34,128). Hiến chế Giáo Hội trong thế giới ngày nay ghi nhận quan niệm Công giáo như sau: “Nhưng hướng về Chúa không có nghĩa là nhằm mục đích ngoài mình, vì đồng thời đó là trở nên con người toàn vẹn và được Kitô hoá; ai theo Chúa Kitô là con người hoàn toàn, thì sẽ trở nên người hơn” (n. 41a).

  4. Sử tính theo thần học công giáo
  5. Khác với nhiều tôn giáo, Kitô giáo coi lịch sử như một yếu tố chính yếu: ơn cứu độ của Thiên Chúa đã diễn ra trong lịch sử. Vũ trụ và con người không những được dựng nên để tồn tại mà còn phải tiến triển. Tiến trình này được Thiên Hựu an bài: có cứu cánh tự nhiên cho mỗi tạo vật theo những quy luật của bản tính chúng trên bước đường tiến hoá, có cứu cánh siêu nhiên, phải nhờ ân sủng của Thiên Chúa thì tạo vật mới đạt được. Nhưng vì Thiên Chúa sáng tạo và Thiên Chúa cứu độ cũng vẫn là một, nên cứu cánh siêu nhiên không tách rời với cứu cánh tự nhiên, và vì thế tiến trình biến hoá nội tại của vũ trụ và loài người cũng có ý nghĩa siêu nhiên. Chính vì thế mà Teilhard de Chardin đã nghĩ rằng có thể khám phá cứu cánh siêu nhiên trong tiến hoá tự nhiên. Thực ra thì phải nhờ ở mạc khải mới biết được cứu cánh siêu nhiên. Ngôi Lời nhập thể để thần hoá con người và vũ trụ (cfr. Rm 8,29; 2 Cr 3,18) là một hanh vi tự do của Thiên Chúa không lệ thuộc vào tiến hoá tự nhiên. Nói khác đi, con người được ơn cứu rỗi là “từ ngoài” đến. Nhưng Thiên Chúa tự ban mình cho con người trong thời gian, hành động của Người đã “nhập thể” thực sự, nên có thể kinh nghiệm như những biến cố khác trong thế gian. Điển hình là hoạt động của Đức Kitô, và từ khi Người về trời, hoạt động của Giáo Hội Người sáng lập. Thần học nói đến tính cách “thần nhân” của lịch sử cứu rỗi. J.Mouroux viết: “Thời gian của thế gian trước hết có một ý nghĩa thiêng liêng, nó là lịch sử cứu rỗi: nó có đầu đuôi, có Kitô tính (Christique) vì nó do một quá trình hiện sinh được Đức Kitô sáng lập, là trung tâm và là cứu cánh” (J.Mouroux, Le Mystère du temps, p.36).

    Thời gian Kitô giáo luôn ở trong ảnh hưởng của Chúa Kitô. Trước thời Người giáng sinh, các biến cố là biểu thị tiền trưng về Người, sau ngày Chúa về trời, mọi biến cố đều đưa quang lâm của Người. Vì thế mà tận cùng lịch sử không phải chỉ làm chất dứt thời gian, mà còn là viên mãn. Nhưng sử tính là phẩm chất hiện tại của nhân loại, do đó, sự viên mãn của Chúa Kitô đang thể hiện nơi ta (cfr. Ep 1,10). Nhờ Chúa Thánh Thần, ta đón nhận tử hệ của Người trong gia đình mà Người là trưởng tử (Rm 8,29) để tiếp tục công việc của Người (Ga 20,22-25), hợp tác với sứ điệp Người (Pl 1,27; 2 Tm 1,8). Người là Alpha và Omega của cuộc đời ta và vũ trụ.

  6. Sử tính của mạc khải
  7. Mạc khải của Kitô giáo gắn liền với sử tính. Ngay từ những trang đầu, Kinh Thánh nói đến sự sáng tạo như một lịch sử (Ge 1,2): Thiên Chúa dựng nên các tạo vật theo thời gian, từ những vật thô sơ đến vật phức tạp, loài người chỉ xuất hiện sau hết để tiếp nhận và làm chủ muôn vật, mọi loài đều phải sinh sôi nẩy nở, mọi vật đều ở trong thời gian, có tứ thời bát tiết, có sinh có tử, có tiến triển trong thời gian.

    Thiên Chúa cũng an bài các biến cố xảy ra trong vũ trụ. Về điểm này, Kinh Thánh có rất nhiều bằng chứng (cfr. Mt 25,34; 1 Cr 2,7; Ep 1,11; Act 1,7.2,23). Ý tưởng này đã là một đề tài cho thần học lịch sử ngày nay khai thác. Cả đến những việc bất ngờ như hành vi của vua chúa để thoả mãn kiêu căng, tàn bạo của họ cũng không ra khỏi quyền năng của Thiên Chúa: hành động của Cyrus (Is 44,24-28), của các vua Babylon (Gr 25,8-13; Ez 21,23-32) đều đã được Thiên Chúa xếp đặt; Isaia gọi vua Assyria là roi, là gậy của cơn giận Thiên Chúa. Như vậy, mọi sự, cả đến ý định tự do của con người, cũng vẫn phù hợp với chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

    Không những Thiên Chúa làm nên lịch sử, khi dựng nên con người, Người cũng cho họ khả năng làm lịch sử nữa. Nói cách khác, Thiên Chúa đặt định mệnh con người trong tay của chính họ, Người để cho họ tự tạo lấy tương lai cho mình. Thật vậy, nhân loại lúc ban đầu là như mầm mống của xã hội về sau; con người có khả năng định hướng và tự do hành động; vì thế mà tội ban đầu đã đưa con người vào một hướng đi thảm hại: tội sinh ra tội (Act 17,16-31; Rm 3,9-18;5,12), sát nhân đưa đến sát nhân (Gen 4,8; 4,23-24).

    Nhưng song song với con đường của tội lỗi, trong lịch sử, có một con đường hy vọng mà nguồn gốc là một lời hứa của Thiên Chúa cho loài người sa ngã (Gen 3,15). Lời hứa này đã có một lịch sử: lời hứa còn mờ ám ban đầu, đã trở nên rõ ràng hơn với Noe (Gen 8,21); đến Abraham, lời hứa ấy trở nên một lựa chọn, một mời gọi đòi phải có đáp trả bằng lòng tin vô điều kiện (Gen 12,2); đến dân Do Thái, thì lời hứa trở nên một giao ước, tương lai của dân này tuỳ thuộc ở sự trung thành của họ với Thiên Chúa; nhưng tương lai ấy cũng sẽ biến hoá trong ý thức họ với thời gian từ một hy vọng trần tục, nhờ các biến cố và lời giảng dạy của các tiên tri, họ chuyển đến một hy vọng siêu nhiên và sau cùng đạt đến ý niệm một cuộc cứu rỗi siêu việt là cánh chung.

    Khi thời giờ đã viên mãn, Thiên Chúa sai Con Một Người xuống thế (Gl 4,4; Mc 1,15; Lc 4,21) để lập một thời đại hồng ân. Lịch sử vẫn tiếp tục, nhưng Thiên Chúa đã nhập thể nên lịch sử có thêm một kích thước mới, một hy vọng mới. Xưa người ta mong đợi Đấng Messia, Đấng ấy đã đến và ngày nay người ta mong đợi ngày quang lâm. Trong lúc mong đợi ngày quang lâm, các tín hữu sống thời cuối cùng này dưới sự hộ vực và soi sáng của Chúa Thánh Thần (Act 3,20-21). Thời gian này là thời gian của Giáo Hội lữ hành. Tuy lữ hành, nhưng Chúa Kitô đã chiến thắng, vì thế, trong lúc tiến bước trên con đường thánh hoá, nhờ sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội vững tin mình sẽ tới đích: “Chúng ta được gọi là con Thiên Chúa và thật sự chúng ta là như vậy, nhưng chúng ta chưa ra trước Chúa Kitô, trong vinh quang” (HC. Giáo Hội n.48).

    Như trên sự sáng tạo, lời hứa và lời giao kết đã gắn liền với lịch sử, nhưng trong thời đại mới, khi Ngôi Lời nhập thể, Đấng bất biến đã trở nên thay đổi, Đấng vĩnh cửu đã trở nên có tuổi tác, Đấng hoàn hảo đã thêm tiến triển để trong ngày quang lâm loài hay chết được sống lại, loài giòn mỏng được trường tồn, loài tội lỗi được thánh thiện và lịch sử sẽ thay thế bởi đời đời.

Chúa Kitô và thời gian

  1. Chúa Kitô đã đến và đã hoàn thành ơn cứu chuộc, nhưng Người vẫn còn phải đạt đến “tầm vóc đầy đủ” (Ep 4,13) để trở nên “tất cả trong mọi sự” (1 Cr 15,28) trong mỗi người và trong vũ trụ, vì thế nên thời gian Kitô giáo vừa là một thực tại đã rồi và một dự phóng trong tương lai. Sau đây chúng tôi sẽ phân tích phương diện này.
  2. Chúa Kitô là ý nghĩa của thời gian

Chúa Kitô là ý nghĩa của thời gian vì Người vừa là mục đích vừa là nội dung.

1. Mục đích

015. Khi loài người vừa sa ngã và nhận thấy hoàn cảnh bi đát của mình, thì chỉ còn một mối hy vọng duy nhất là Đấng Messia. Tất cả Cựu Ước hướng về Người, các tiên tri báo điềm về Người và sửa soạn các tâm hồn để đón tiếp Người, đạo cũ hướng về đạo mới Người lập. Tất cả gia phả trong Phúc Âm (Lc 3,25-28; Mt 1,1-16) đều coi Người như cùng đích dù gia phả ấy nhìn cả loài người hay nhìn một dân được Thiên Chúa chọn. Người là “Đấng sẽ đến”, là ý nghĩa của “thời gian sẽ đến” mà thời gian hiện tại chỉ là biểu thị (cfr. Dt 10,1). Vì thế mà Người là hy vọng của loài người, Người được coi như Adam mới, tổ phụ của một dòng giống mới, (cfr. Rm 5,12-21; 1 Cr 10,6), như Melkisedechh, tư tế muôn đời, như Đavít, vua lý tưởng người Do Thái (cfr. Mt 21,9; Lc 20,41). Nói tóm lạii, Đức Kitô là Đấng “muôn dân trông đợi” (Gen 49,10). Tư tưởng này đã được tự sắc Ad Gentes diễn tả rất rõ ràng (Ad Gentes 10).

2. Nội dung

016. Lịch sử cứu rỗi không phân biệt với lịch sử Chúa Kitô, vì dưới vòm trời không có danh hiệu nào khác nhờ vào đó loài người được cứu rỗi, trừ danh hiệu Giêsu. Nơi Người vạn vật được quy tụ (Ep 1,3-13), loài người được công chính hoá và tiền định. Cả lịch sử vũ trụ đều chị ảnh hưởng Người như bột trong men; Người là sự sáng soi mọi người đến trong thế gian (Ga 1,9); chân lý nào, hy vọng nào, ánh sáng nào cũng bởi Người mà ra; lịch sử theo sát quá trình trưởng thành của Đức Kitô và nhiệm thể Người; Người là trưởng tử các loại thụ sinh (Cl 1,13), Người hằng giữ cho mọi loài tồn tại (Cl 1,17), Người là khởi nguyên và là chung cục (Ap 1,17.2,8. Nói tóm lại, với Đức Kitô, Thiên Chúa của lịch sử đã trở nên Thiên Chúa trong lịch sử.

 

  1. Chúa Kitô biến tính thời gian
  2. Biến cố Ngôi Lời nhập thể tách lịch sử ra làm hai phần: Cựu Ước là thời gian chờ đợi, đời Chúa là thời gian cuối cùng và Giáo Hội là thời gian đổi mới.

    Khi Chúa Giêsu ra rao giảng Tin Mừng, Người công bố: “Thời gian đã mãn và Nước Thiên Chúa đã đến gần” (Mc 1,15). Lời trên có ý nghĩa là các sấm ngôn xưa về ngày cuối cùng đang được ứng nghiệm (cfr. Mk 4,1; Is 2,2) và thời gian Thiên Chúa đảm nhận lịch sử đã đến gần. Các giáo phụ thường so sánh Đức Kitô với Noe, ông là gạch nối giữa thế gian trước và sau đại hồng thuỷ, Chúa Kitô cũng là gạch nối giữa Do Thái giáo và Kitô giáo.

    Khi trút hơi thở cuối cùng, Chúa Kitô đã kêu lớn tiếng “thế là hoàn tất”. Một trang sử đã lật. Giáo Hội được thiết lập ý thức rõ thời gian cuối cùng đã điểm. Thánh Phaolô giải thích biến cố “hiện xuống” được ứng nghiệm lời tiên tri Goel (Act 2,16). Các tông đồ, trong lúc truyền đạo, đều có xác tín ấy (cfr. 1 Cr 10,11; Tm 3,1; 1 Pet 1,20; 2 Pet 3,3; 1 Ga 2,18). Nhưng các ông cũng đề cập đến một ngày cuối cùng khác là giờ quyết liệt (cfr. 2 Tx 2,1) là ngày của Chúa (1 Cr 1,8), là giờ quang lâm (Mt 24,6; Act 20,29-30; Gc 5,3). Như vậy thời kỳ Giáo Hội được trải rộng giữa hai thời kỳ viên mãn: thời Chúa giáng ghế và thời Chúa tái giáng. Trong thời kỳ này; lịch sử vẫn còn, nhưng siêu lịch sử đã xâm nhập trần gian vì thế mà lịch sử của Giáo Hội có tính cách thần nhân. Tình trạng cánh chung này được coi như biện chứng giằng co giữa cái đã rồi và cái chưa đến. Giáo Hội đã có ơn cứu chuộc, đã là con Thiên Chúa và đã trở nên kẻ thừa tự (Rm 8,17; Gl 4,7; Tt 2,7), nhưng như kẻ thừa tự còn vị thành niên, các tín hữu vẫn chưa được hưởng gia tài (1 Pet 3,9). Gia tài ấy đã dành sẵn trên trời cho họ, và “đã sẵn sàng để mạc khải trong giờ sau hết” (1 Pet 1,4-5). Vì thế mà Kinh Thánh nhấn mạnh đến “bây giờ” như là thời hồng ân và ngày cứu độ (2 Cr 6,2). Thật vậy, chúng ta hy vọng ngày quang lâm vì chúng ta đã được ơn cứu rỗi, và vì chúng ta có đạt được cánh chung hay không cũng tuỳ ở như lúc bây giờ chúng ta có ép mình vào kỷ luật và tật dượt như người chạy đua để được đoạt giải hay không (1 Cr 10,24-25). Nước Trời đã sẵn, nhưng chỉ những ai “bạo hành” một giật được (Mt 11,12).

  3. Chúa Kitô giới hạn thời gian
  4. Thánh Gioan cho thấy Chúa Kitô, vì là Ngôi Lời nhập thể nên có trước thời gian. “Trước khi có Abraham thì đã có Ta” (8,58), Chúa xin Ngôi Cha ban lại vinh quang “Người đã có trước khi có thế gian” (17,5.24). Thánh Matthêu, trái lại, nhấn mạnh đến sự hiện diện của Chúa khi Giáo Hội đã hoàn thành sứ mạng Người trao (Mt 24,14), Người sẽ đến phán xét kẻ sống và kẻ chết (23,31). Những những mạc khải cho biết Chúa Kitô có mặt ở đầu mút lịch sử như trên, Người còn thống trị lịch sử. Lịch sử không có thể kéo dài vô tận hay ngừng trôi bất chợt vì một can thiệp của loài người. Lý do làm lịch sử tàn lụi phải quy về hai yếu tố sau này: một siêu việt, tức thánh ý Chúa, một nội tại, tức mức độ chín muồi của lịch sử. Khi nhân loại đã được “Kitô hoá” nhờ Chúa Thánh Thần, thì mọi người sẽ được triệu tập để chịu phán xét (Ap 6,11). Nói cách khác, khi các nguyên nhân đã sinh hết hiệu quả, khi con người đã thể hiện mọi sự theo khả năng của mình, thì tận cùng sẽ đến. Kinh Thánh nhấn mạnh đến ngày cuối cùng là ngày của Chúa Kitô (Pl 1,6; 2,16).
  5. Chúa Kitô phán xét thời gian
  6. Thường thường khi nói đến ngày cánh chung là người ta nghĩ ngay đến ngày Thiên Chúa xét xử thế gian. Các tiên tri nói đến ngày ấy như một phiên toà (Os 4,1; Is 1,2; Lo 3,8; Ge 4,2) hay một ngày mùa ông chủ phân lúa với cỏ, chiên với dê (Is 27,12; Gr 15,7; Ed 34,17). Nhưng trong Tân Ước có nhiều nơi nói đến cuộc xét xử ấy như đang được diễn ra. Thái độ của mỗi người đối với lời Chúa sẽ thẩm định họ. “Án xử như sau: sự sáng đã đến trong thế gian, mà người ta ưa tối tăm hơn sự sáng” (Ga 3,19); “Ai không tin đã bị xử án rồi (Ga 3,18). Người ta phải quyết định lấy số phận nay từ bây giờ (Ga 6,60-71). Mầu nhiệm chết và sống lại của Chúa xác định số phận thế gian: “Chính bây giờ thế gian phải phán xét, chính bây giờ, đầu mục thế gian phải đuổi ra ngoài” (Ga 12,31; 16,8-11). Thập giá là một biến cố xét xử hoàn toàn khách quan, nó phơi bày sự bất công của hàng tư tế và của chính quyền lúc ấy một cách thê thảm.

    Thập giá Chúa Kitô đã phán xét thế gian, nhưng bản án chưa thi hành. Từ chối lời Chúa đã bị kết án rồi (Ga 3,18) nhưng hiệu quả chỉ đến trong ngày phán xét (Ga 12,48). Như trong dụ ngôn cỏ lùng vực, tuy chủ ruộng đã định thiêu huỷ, nhưng vẫn để cỏ lùng vực mọc cho tới mùa gặt (Mt 13,24-30).

    Chúa Kitô phán xét thế gian nhờ “Thần Khí” của Người, vì Chúa Thánh Thần là “Thần Khí” sự thật. Người sẽ làm chứng và minh oan cho Chúa Kitô (Ga 15,26). Ai theo sự thật thì sẽ được rỗi, ai theo sự dối trá thì sẽ phải phạt. “Khi Người đến, Người sẽ bắt lỗi thế gian về tội và về sự công chính” (Ga 16,8), Người là trạng sư biện hộ cho Đức Kitô và môn đệ Người và tố cáo thế gian về tội không tin (Ga 16,9).

    Càng tiến hành, lịch sử càng tỏ rõ cho ta thấy thế gian chia làm hai, không phải căn cứ vào kinh tế, chính trị… nhưng vào tội phúc. Biên giới phân chia không tìm thấy ở không gian, nhưng ở ngay trong lòng mọi người. Có nhiều tiên tri, ai cũng vỗ ngực xưng mình là “Messia”. Số kiếp con người thật bi đát, phải chọn cho đúng vì con người chỉ có thể làm tôi một chúa mà thôi: hoặc là Chúa Kitô, hoặc là Belial (2 Cr 6,15). Nhưng Thần Khí Chúa Kitô hằng hiện diện trong trần gian để lột mặt nạ quân thù và buộc người ta phải chọn một chỗ đứng hoặc bên tả hay bên hữu Chúa Kitô trong ngày phán xét.

    Dẫu sao, trong lịch sử, cũng có những điềm báo nhắc nhở người ta về ngaphxét. Những tai ương, những chiến tranh… đều nhắc nhở đến ngày ấy. Chính Chúa Giêsu coi việc Giêrusalem bị tàn phá như dấu hiệu của ngày ấy.

    Trong Giáo Hội, cũng luôn xảy ra những điềm báo như thế. Một trong những dấu chỉ tiêu biểu là sự bách hại thì nơi ấy biến cố Golgotha được tái diễn để lên án thế gian (Ga 12,31; Cl 2,14-15). Nói tóm lại, mỗi cơn bách hại là một dấu chỉ về cánh chung.

    Mặt khác, nhiệm cục bí tích cũng là dấu chỉ về ngày cánh chung. Nhờ phép Rửa tội, người tín hữu chết đi với con người cũ để được sống lại trong con người mới (Rm 6,7; Cl 3,3). Nhờ phép Giải tội, người tội lỗi đáng lẽ đã phải mang án xét xử khi làm sự dữ, nay được xét xử trước kỳ hạn và được giải trừ khoản án treo ấy. Nhờ phép Mình Thánh, người ta thuộc về Chúa Kitô hoàn hảo hơn. Nhưng trước khi chịu bí tích này, người ta cũng phải tự phán xét kẻo “ăn và uống án phạt cho mình” (1 Cr 11,29).

Giáo Hội và cánh chung

  1. Cánh chung là một đặc tính của Giáo Hội. Vatican II đã nhấn mạnh trên đặc tính này ở nhiều nơi. “Phát sinh do tình yêu của Ngôi Cha đời đời, được thiết lập trong thời gian do Chúa Kitô là Đấng cứu chuộc, được quy tụ trong Chúa Thánh Thần, Giáo Hội có mục đích cứu thế và cánh chung. Mục đích này chỉ có thể thành tựu trong thời gian sẽ đến, nhưng giờ đây Giáo Hội đã có mặt trên trái đất, đã triệu tập những con người cũng là phần tử của xã hội trần gian. Họ được kêu gọi để họp thành gia đình con cái Thiên Chúa ngay trong lịch sử nhân loại, gia đình này phải tăng trưởng luôn mãi cho tới khi Chúa đến” (GS. 40b). Sau đây chúng tôi sẽ trình bày sơ qua bản chất và hành động cánh chung của Giáo Hội.
  2. Bản chất cánh chung của Giáo Hội
  3. Ngày nay, để diễn ả bản tính Giáo Hội, các nhà thần học nhận thấy không thể dùng các ý niệm trừu tượng, nhưng phải dùng hình ảnh tương tự để so sánh. Hiến chế về Giáo Hội của Vatican II là một thí dụ điển hình (HC/GH. Số 6). Các hình ảnh có nhiều, nhưng xoay quanh hai loại hình ảnh này là Giáo Hội là Mình mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội là dân Thiên Chúa. Cả hai hình ảnh này đều ngầm chứa kích thước cánh chung.

    Trước hết là hình ảnh Mình mầu nhiệm. Thuộc loại hình ảnh này, hình ảnh cơ thể mầu nhiệm của thánh Phaolô, hình ảnh cây nho và ngành nho của thánh Gioan. Nhờ hình ảnh này, người ta nhận thấy tuy Giáo Hội là một tổ chức hữu hình, nhưng vẫn có sự hiện diện bên trong của Chúa Kitô. Chính nhờ hình ảnh này mà người ta đã có về Giáo Hội nhưng quan niệm như sau: Giáo Hội nối tiếp Chúa Kitô sống trong thời gian và trần gian để tạo nên lịch sử cứu độ, Giáo Hội phải quan niệm ở toàn diện, cả đầu và mình (Augustinô), Chúa Kitô hiện diện giữa chúng ta trong lúc hiện tại (Newman). Dựa vào hình ảnh trên Mohler đã có một định nghĩa đầy màu sắc cánh chung về Giáo Hội như sau: “Giáo Hội là Con Thiên Chúa xuất hiện trong thời gian giữa loài người dưới một hình thức nhân loại, đổi mới luôn mãi, trẻ trung hoà đời đời. Giáo Hội là một cuộc nhập thể luôn mãi”. Nhưng không ai bằng thánh Phaolô để diễn tả bản chất cánh chung ấy: Giáo Hội là “viên mãn của Đấng chu toàn mọi sự trong mọi sự” (Ep 1,23).

    Hình ảnh trên rất phong phú, nhưng có nguy cơ đồng nhất Giáo Hội với Chúa Kitô, nên một hình ảnh khác đã được gợi lên để bổ khuyết hình ảnh trên. Đó là hình ảnh dân Thiên Chúa, nhà Thiên Chúa, hôn thê của Đức Kitô… Những hình ảnh này nhấn mạnh trên sự phân biệt giữa Đức Kitô và Giáo Hội Người. Trong các hình ảnh này, Đức Kitô là Chúa và là Đầu, Người điều khiển dân Người, Người yêu mến và trang điểm cho hôn thê Người. Mặt khác, Giáo Hội được thiết lập bởi Đức Kitô, lệ thuộc vào Người, phải biết ơn Người, tin tưởng ở Người, bắt chước Người, vâng lời Người, vác thập giá mình để được sống lại với Người. Phân biệt này cho thấy Giáo Hội không đồng nhất với Nước Thiên Chúa và phải hoạt động và cầu nguyện để Nước ấy đến, và vì thế hình ảnh này có tính cách cánh chung rất rõ ràng; dân Thiên Chúa còn đang trên đường lữ hành, họ tin ở Người, kính mến Người, vâng lời Người, bắt chước Người trong lúc chờ đợi để được “đồng hoá với Người”.

    Sau hết, tính bí tích của Giáo Hội cũng nêu cao tính cách cánh chung của mình. Thật vậy, mỗi bí tích là một thực thể trần tục đã được nâng lên làm dụng cụ cho ơn sủng siêu nhiên, vì thế mà vật chất đã đạt được mục đích cao nhất của mình là giúp vào việc thánh hoá con người. Nhờ Chúa Thánh Thần, nước, dầu, bánh, rượu… có khả năng “thần hoá” con người và đưa con người vào thế giới tương lai. Phép Rửa tội làm cho con người giũ bỏ con người cũ là con người tội lỗi để mặc lấy con người thánh thiện, nhờ đó mà có hy vọng được sống lại trong ngày cánh chung (cfr. Rm 6,1-11; Cl 2,12). Phép Giải tội làm cho con người phục hồi tình trạng con cái Thiên Chúa mình đã mất và thay đổi án con người phải chịu trong ngày cánh chung. Phép Thánh Thể biến bánh rượu nên Mình và Máu Chúa hiển vinh để những ai kết hiệp với Người trong hy tế và trong tiệc thánh thì được bảo chứng sẽ được hạnh phúc và được sống lại với Người.

  4. Hoạt động cánh chung của Giáo Hội
  5. Một trong những vai trò chính của Giáo Hội là làm chứng về Nước Thiên Chúa đã đến trong trần gian này. “Bằng gương lành và chứng tá, gia đình Kitô giáo thuyết phục thế gian nhận biết tội lỗi mình, đồng thời soi sáng những kẻ đang tìm kiếm chân lý” (LG. 35c). Nói khác đi, Giáo Hội tham dự vào vai trò thẩm phán thế gian với Chúa Kitô bằng đời sống và lời rao giảng của mình. Về đời sống, người ta quen nhắc đến đời sống tu trì, người ta coi đời sống này như là tiên báo của đời sống mai hậu, vì trong đời sống này, người ta khấn giữ ba nhân đức vâng lời, trong sạch, khó nghèo là những gì trái với thói tục trần gian. Nhất là đức trinh khiết được coi như chứng tá về đời sống phục sinh. Người ta cũng nhắc đến những người chịu bắt bớ vì Đức Kitô. Chịu đau khổ vì Đức Kitô thường được coi như điều kiện để vào Nước Trời (Act 14,22; 2 Tm 3,12) và sự bắt bớ thường được coi như dấu chỉ của thời gian cuối cùng, khai mào cho khốn quẫn lớn (Mt 24,21) là thử thách sau hết trước ngày quang lâm (cfr. Mc 13,5). Nhưng không có chứng tá nào quyết liệt bằng tử đạo, vì đó là bắt chước Chúa Giêsu trung thành nhất trong cái chết chứng nhân của mình (Ap 1,3.9).

    Còn hoạt động cánh chung thì người ta quen lưu ý tới hai: hoạt động bí tích và truyền giáo. Ở trên chúng ta đã nói đến bản chất cánh chung các phép bí tích. Ở đây, chúng ta sẽ chỉ nói đến việc truyền giáo.

    Khi Chúa Kitô về trời, Người trối cho các tông đồ “Các con se là chứng tá của Ta ở Giêrusalem, trong toàn cõi Giuđê và Samaria, và cho đến tận cùng trái đất” (Act 1,8). Thánh Matthêu giải thích: “va bấy giờ cùng tận sẽ đến” (Mt 24,14). Như vậy, thời gian Giáo Hội là thời gian truyền đạo cho hết mọi dân tộc. Chúa làm người đã hạ mình xuống (Kenosis) sống như một người, hành động như một người vì thế mà Giáo Hội khi nhận sứ mệnh truyền giáo, cũng chỉ có những phương tiện giới hạn của con người, trong đó vấn đề thời gian cũng là yếu tố quan hệ. Thời gian Giáo Hội được thánh Luca gọi là “thời gian dân ngoại” (Lc 21,24). Lịch sử cứu rỗi chia làm hai. Thời kỳ dân Do Thái: Thiên Chúa muốn dân này được giảng Tin Mừng trước (cfr. Rm 2,9.1,16; Act 13,46; 18,6), rồi họ đem đức tin loan truyền cho các dân ngoại sau. Nhưng vì dân Do Thái cứng lòng không tin, nên Thiên Chúa phạt Giêrusalem làm điềm báo về ngày thế mạt và thời kỳ dân ngoại: Thiên Chúa nhờ Chúa Thánh Thần mở lòng cho các dân ngoại “nhiều kẻ từ phương Đông, phương Tây được dự tiệc cùng Abraham, Isaac và Giacóp trong Nước Trời” (Mt 8,11). Nhờ đức tin của những người này, mong rằng một ngày kia dân Do Thái cũng sẽ trở lại (Rm 11). Hoạt động truyền giáo nhằm mục đích đưa toàn thể nhân loại vào Giáo Hội để sửa soạn ngày quang lâm (AG. 9).

Mầu nhiệm tội ác

  1. Một thần học lịch sử mà không xét đến khía cạnh tiêu cực của lịch sử thì thiếu sót. Ngay từ đời xưa, đã có nhiều triết gia nhị nguyên coi thế gian như bãi chiến trường của Thiện và Ác. Theo đức tin, ta biết rằng Thiên Chúa an bài mọi sự và tội ác cũng sẽ ăn khớp vào chương trình khoan dung của Thiên Chúa là cứu vớt nhân loại. Nhưng lịch sử không vì thế mà bớt bí hiểm. Như thánh Augustinô đã nghĩ, lịch sử loài người là tổng hợp của lịch sử cả hai thành trì: thành trì Thiên Chúa và thành trì của quỷ ác.
  2. Thời đại của dân ngoại

Luca 21,24 diễn tả tình trạng “Giêrusalem bị các dân ngoại giày xéo cho đến khi thời gian các dân ngoại mãn hạn”. Chúng ta đã hiểu đoạn văn này như thời đại hoạt động truyền giáo, nhưng chúng ta cũng có thể hiểu thời đại ấy như thời kỳ hỗn loạn mà dân Chúa phải chịu dưới quyền người “ngoại giáo”. Thật vậy, trước đoạn văn này, Phúc Âm nhất lãm đã nói đến các cuộc bách hại mà các tín hữu phải chịu vào thời cuối cùng (Mt 24,9; Mc 13,11; Lc 21,12). Trong Kinh Thánh khi nói về ngày cuối cùng của Giêrusalem, thì cũng tiên báo về ngày thế mạt với những tai ương ghê sợ.

 

  1. Quang lâm của phản Kitô
  2. Thánh Gioan coi Phản Kitô như kẻ thù số một của tôn giáo sẽ xuất hiện ở thời cánh chung (1 Ga 2,18). Thánh Phaolô cũng nhắc đến nhân vật ấy và gọi là “kẻ thù”, là “người tội lỗi”. Cả hai tông đồ đều cho rằng Phản Kitô đang hoạt động rồi (1 Ga 2,18; 2 Tx 2,7; 1 Tm 4,1-3). Phúc Âm cũng nhắc đến những tiên tri giả, những Kitô giả sẽ đến lung lạc đức tin và gây tai hại cho cộng đoàn tín hữu để dọn đường cho Phản Kitô đến (cfr. Mc 13,22; Mt 24,24).

    Như trên song song với chương trình cứu thế đã và đang thực hiện để “thần hoá” con người và sửa soạn Nước Thiên Chúa, thì cũng có một chương trình nô lệ cho tội ác nhờ “quyền lực của tối tăm” đang bành trướng. Theo Rm 1, thánh Phaolô cho rằng: tội lỗi sinh tội lỗi, làm cho lương tri con người ra u mê,không còn phân biệt lành dữ, và đi đến những hành vi vô luân ghê tởm. Tội lỗi xuất hiện như một bạo chúa bắt làm nô lệ những người xa cách Thiên Chúa và cố tạo nên một cánh chung trái với ý định của Người. Dù Chúa Kitô đã thắng tội ác và các Kitô hữu đã chết với tội lỗi để sống cho Thiên Chúa, nhưng còn ở trần gian, vẫn có một lực lượng quái đản ẩn nấp sau các biến cố để mưu đạt đến tiêu diệt thế gian. Chính vì thế mà nhiều nhà thần học về cánh chung đã có một cái nhìn thật là đen tối về những ngày sau cùng. Ông H. Schmans viết: “Lịch sử càng tiến đến gần cánh chung thì càng có những chấn động lớn làm lung lay tình trạng của vũ trụ hiện tại đang đau đớn để sinh ra một trời mới đất mới (Rm 8,22). Tội lỗi, kiêu căng cứ cuồn cuộn đổ tràn trên mặt đất cho đến khi tiêu diệt nó. Thế lực của ma quỷ cứ dần dần biểu bộ và hưng thịnh theo gia tốc của lịch sử một cách tự nhiên cho đến khi nó tự huỷ diệt mình. Chính Satan đích thân trở nên người đào huyệt cho thế gian: nó ngạo nghễ dùng ám sát, nạn đói, chiến tranh giữa các dân tộc mỗi ngày một gia tăng kinh khủng để huỷ diệt thế gian chống Thiên Chúa và Đức Kitô” (M. Schmans: Probleme e Orientamenti di teologia dommatica II, Milano 1957, p. 956).

  3. Ý nghĩa cánh chung của tội ác
  4. Theo đức tin, tội ác cũng đóng góp vào vinh hiển cho người lành trong ngày cánh chung. Ai trong chúng ta cũng còn nhớ dụ ngôn cỏ lùng vực mà quân thù lén gieo và ruộng lúa. Cỏ lùng vực cứ mọc và lớn lên, nhưng số phận nó đã được ông chủ ruộng định đoạt rồi. Dẫu sao bề ngoài, nhiều lúc thật là một thử thách lớn lao. “Do Thái cũng như Hy Lạp, hết thảy đều ở trong vòng tội lỗi như đã viết: không ai công chính, không một ai” (Rm 11,32). Nhưng Thiên Chúa không hề bỏ rơi con người, Người gọi thầm nhân loại bằng nhiều cách để đưa họ về con đường chính (Act 14,16-17; cfr. Rm 2,14-16), Người dùng cả tội ác để gây sự thiện (Rm 8,28). Sau cùng, mầu nhiệm tội ác càng tò bày hơn quyền năng và lòng nhân từ của Thiên Chúa, vì kẻ yêu mến Thiên Chúa thì bù trừ mọi cách để sinh ơn ích cho mình” (Rm 8,28), và ở thời “viên mãn” khi Chúa Kitô đến chứng giám “giờ cuối cùng” thì thiện ác đều ở giai đoạn cánh chung, nghĩa là hoạt động của hai bên đều xích lại gần cực điểm là làm sáng danh Đấng đã chịu đóng đinh.
  5. Giao tranh cánh chung
  6. Từ Sáng Thế Ký đến Khải Huyền, Thánh Kinh đều nhắc đến cuộc giao tranh giữa Thiện-Ác, Ánh sáng-Tối tăm, Tinh thần-Xác thịt, Ân sủng-Tội ác.

    Cuộc giao tranh diễn ra ở khắp nơi trong muôn nghìn cách. Satan đi từ ám ảnh đến cám dỗ, nó có phần trong mọi âm mưu chia rẽ, bất thuận, nổi loạn, ghen tương, tà giáo.

    Riêng với Giáo Hội, “đầu mục thế gian” dùng mọi ám kế. Nó là thần “sự tối tăm” và “sự dối trá” nên đường lối của nó bao giờ cũng quanh co, lừa đảo. Chính vì thế mà các giáo phụ gọi nó là “khỉ”. Nó tìm cách nguỵ hoá chân lý, thay vào đức tin một niềm tin giả, thay vào Đức Kitô một đấng cứu thế giả, nó bày ra mọi thứ ngẫu tượng để thay thế cho Thiên Chúa. Nó có thể biến nên ngẫu tượng mọi tham vọng của con người: tiền bạc, dâm ô, kiêu căng; nó có thể thay thế cho đức tin đủ thứ niềm tin: bói bài, cầu cơ, ý thức hệ xã hội và chính trị; nó có thể làm cho người ta suy tôn một minh tinh, một lực sĩ, một nhân vật chính trị.

    Để thắng Satan, Chúa Giêsu đã vạch ra một con đường, con đường ấy là: “Người ta không sống nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra”. “Ngươi đừng thử thách Thiên Chúa là Chúa ngươi” và “ngươi chỉ phụng sự một mình Thiên Chúa” (Mt 4,1). Chúa đã không dùng ma thuật hay cường quyền, Người không cưỡng bức hay báo thù, nhưng Người đã thắng chính lúc ma quỷ tưởng rằng mình thắng: đó là bằng cây thánh giá (cfr. Ga 12,31; Cl 2,14). Khi Satan tưởng rằng mình thắng Chúa Giêsu trên núi Sọ, chính là lúc nó thảm bại không ngờ. Giao tranh của Giáo Hội với tội ác cũng theo định luật trên, Giáo Hội chỉ thắng trong âm thầm, bắt bớ. Còn những lúc Giáo Hội được hoan nghênh như “sứ giả” của “văn minh”, “hoà bình”, “tình thương”, thì chúng ta phải coi chừng: có lẽ đó chỉ là tiếng “Hosanna” của ngày Lễ Lá, năm bữa trước ngày chịu nạn.

Nhân sinh quan Kitô giáo trong thời cánh chung

  1. Người Kitô hữu đã biết rằng hy vọng của mình đặt ở tương lai, nhưng tương lai lệ thuộc vào hiện tại, vì Thiên Chúa đặt số kiếp của họ vào trong tay họ, vì thế nên họ phải “mua chuộc thời cơ” (Cl 4,5) để tạo lấy hạnh phúc cho mình.
  2. Ý thức vạn vật mau qua

Là Kitô hữu, ai cũng biết dụ ngôn người giàu có xấu (Lc 12,16-21): Người ấy đã tích luỹ nhiều của cải thóc lúa cho nhiều năm và tự hứa với mình là sẽ vui sướng từ ngày hôm ấy, nhưng đến đêm ấy, Thiên Chúa đã gọi hắn mà bảo: “Đồ ngốc, ngay đêm nay Ta sẽ đòi lại linh hồn ngươi”. Để tránh cái ngốc ấy, thánh Phaolô khuyên các tín hữu có dùng thế gian thì cũng như không tận hưởng “vì bộ mặt thế gian này đang qua đi” (1 Cr 7,25-31).

Vì ý thức trên mà người tín hữu sống ở đời này có nhân sinh quan của người lữ khách. Thánh Phêrô gọi họ là người “kiều dân” (1 Pr 1,1) vì trên trần gian này “ta không có thành trì nào bền vững và ta tìm cho được thành trì sẽ đến” (Dt 13,14) là quê trời (Dt 11,14.16).

Như vậy, mọi giá trị thế gian đều tuyệt đối, chẳng ó gì đáng cho con người hy sinh vì nó hay sao? Lời trách móc sau đây của Merleau Ponty có đúng hay không: “Khi nói đến chuyện gây một cuộc cách mạng hữu lý để trừ khử khỏi thế gian một hình thức bất bình đẳng nào đó, chúng tôi không thể tin cậy ở các Kitô hữu vì họ đã tương đối hoá hết mọi dấn thân trần tục”.

Phải công nhận rằng: đôi khi có những tác giả Kitô giáo quá ư yếm thế, có những người Kitô hữu có thái độ quá ư tiêu cực đáng những lời trách móc trên. Nhưng Kitô giáo và người Kitô hữu nói chung có một thái độ không quá đơn giản như Merleau Ponty nghĩ. Thật vậy, nếu người Kitô hữu nghĩ rằng mọi sự đời này sẽ qua đi, người ấy cũng nghĩ rằng hạnh phúc đời sau phải chiếm lấy ngay từ đời này, và tương lai tuỳ ở hiện tại. Hiến chế “Giáo Hội trong thế gian hiện tại” chứng tỏ Giáo Hội, trung thành với nguyên tắc “nhập thể để cứu chuộc” của Chúa Kitô, không thể thờ ơ với những công cuộc trần thế đưa con người đến phẩm giá và hạnh phúc hơn được. Nhớ lời của Chúa phán: “Nếu chúng con thương yêu nhau thì mọi người sẽ nhận biết chúng con là môn đệ Ta” (Ga 13,35), người Kitô hữu không thể có một ước vọng nào mạnh mẽ hơn là phụng sự người thời đại mình với một tấm lòng quảng đại mỗi ngày một lớn và hữu hiệu hơn. Thật vậy, trong lúc tuân theo Phúc Âm và thừa hưởng năng lực của Phúc Âm, cũng như liên kết với mọi người yêu chuộng và thi hành công bình, người Kitô hữu nhận lãnh một sứ mệnh lớn lao phải chu toàn ở trần gian này và phải trả lẽ với Đấng sẽ phán xét mọi người trong ngày sau hết. Không phải những ai nói: “Lạy Chúa, lạy Chúa, sẽ được vào Nước Trời, nhưng chỉ có những ai thực hiện ý Chúa Cha và can đảm hành động. Vì thánh ý Ngôi Cha là chúng ta nhìn nhận ở mọi người Chúa Kitô người anh em của ta và chúng ta yêu mến họ thật sự bằng hành động và lời nói” (GS. 93). Còn sự tương đối hoá mọi giá trị trần gian chính là điều giúp cho người Kitô giáo tránh được những thái độ cuồng tín và những hành động chuyên chế trong lúc theo đuổi các giải pháp mưu cầu hạnh phúc cho con người trên trần gian.

 

  1. Tự do của người tín hữu
  2. Khi bàn về tự do, triết học hiện đại thường cho rằng con người có tự do khi họ không còn bị trói buộc bởi một “vong thân” nào nữa. Vong thân là gì? Là những ảo tưởng nó làm cho chúng ta có một cái nhìn sai lầm về bản thân và vũ trụ khiến chúng ta không còn nhận biết quyền lợi và bổn phận đích thực của mình nữa. Vì vong thân, chúng ta không nhìn thấy bản ngã đích thực và không còn sống đời sống đích thực của mình nữa. Để giải thoát “vong thân”, phải nhìn biết sự thật, vì thế mà thánh Gioan đã viết: “Chân lý sẽ giải thoát anh em” (Ga 8,31-32).

    Nhưng chân lý là gì? Mỗi triết gia, mỗi ý thức hệ, mỗi tôn giáo đều có chân lý của mình. Con người xem ra bất lực để tìm ra chân lý. Nhưng Kitô hữu, chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã ngỏ lời với nhân loại chỉ có Người mới là “đường sự sống và sự thật”, còn mọi sự đều tương đối “Tất cả đều thuộc về anh em, nhưng anh em thuộc về Đức Kitô và Đức Kitô thuộc về Thiên Chúa” (1 Cr 3,22-23). Đó là nền tảng tự do của người Kitô hữu. Của cải, danh vọng, uy quyền, kiến thức, mọi sự trên trần gian đều tương đối. Đến cả sự chết xem ra tuyệt đối cũng trở nên tương đối cho người tín hữu vì Đức Kitô đã chinh phục nó rồi (cfr. Pl 1,21; 1 Cr 3,22; Rm 8,38). Do đó, người tín hữu có đức tin không bị nô lệ một thế lực nào nơi trần gian “tôi hoặc bị anh em hay bị toà án nhân loại xét xử tôi cũng chẳng xem sao” (1 Cr 4,3). Được như vậy là vì người tín hữu không còn bị ràng buộc nào ở bên ngoài (cfr. 1 Cr 12,13; Gl 13,25-29) và được giải thoát tự bên trong (Rm 8,1). Vì không phải khiếp sợ uy quyền nào ngoài Thiên Chúa nên người Kitô hữu chu toàn sứ mạng mình một cách can đảm (parresia) cả khi phải đối phó với các thế lực trần gian (Act 4,29) và không hề sợ sệt hoang mang (1 Pr 3,14).

  3. Tỉnh thức trong đợi chờ
  4. Chúa Kitô giữ kín giờ Người trở lại, Người chỉ khuyên nhủ các tín hữu phải tỉnh thức (Mc 13,37) để luôn có tư thế sẵn sàng (Ga 7,6). Các dụ ngôn về chủ nhà không biết giờ kẻ trộm đến (Mt 24,43-44), về tôi tớ chờ chủ đi xa về (Mt 24,45-51), về 10 người thiếu nữ đi đón chàng rể (Mt 25,1) đều dạy một bài học là phải tỉnh thức. Chính vì thế mà thái độ vô tư phải Kinh Thánh kết án là điên dại (Lc 12,20; Rm 1,22; 2 Pr 2). Lý do ở tại thời gian vắn vỏi, giờ Chúa đến bất thình lình và Satan luôn rình rập gieo tai hoạ cho loài người (Ap 12,12). Như đối với chính Chúa và các tông đồ, Satan luôn âm mưu “sàng sẩy” các tín hữu (cfr. Lc 22,28). Mặt khác vào thời cuối cùng sẽ xuất hiện đủ thứ tiên tri giả và tên lường bịp… chỉ có tỉnh thức đề phòng thì mới tránh được mưu thần chước quỷ của chúng (2 Pr 2,1s; Mc 13,6s; Rm 16,17-18).

    Phải chú trọng đến mọi giây phút vì nhiều lý do. Trước hết là mọi giây phút đều có kích thước vĩnh cửu. Thứ đến mọi giây phút không có đồng nhất tính, nghĩa là có những giây phút đặc biệt mà Thiên Chúa ban ân sủng. Chính vì thế mà thánh Phaolô nói đến “mua chuộc thời giờ” (Cl 4,5). Các cơ hội ân sủng (Kairos) liên kết với nhau làm thành lịch sử cứu rỗi. Mọi người đều phải đề phòng để khỏi lỡ mất các giây phút quý hoá ấy “Này Ta đến như kẻ trộm. Phúc cho người tỉnh thức và ăn mặc chỉnh tề, kẻo phải bắt đi mình trần thân trụi để thiên hạ trông thấy cải hổ nhục của mình” (Apoc 16,15).

Hy vọng, nhân đức cánh chung

  1. Hy vọng theo Kinh Thánh
  2. Không như người Hy Lạp, khi nói về hy vọng, chỉ hiểu là một đợi chờ, có thể áp dụng cho một đợi chờ mừng vui cũng như một đời chờ lo âu, trong Cựu Ước, hy vọng bao giờ cũng là đợi chờ phần rỗi, vì thế có nghĩa rất gần với cậy trông. Người công chính hy vọng trong mọi hoàn cảnh (Gr 17,7; Ps 40,5; 52,9; 91,2) nhất là trong sự vui mừng của ơn cứu độ (Is 12,2). Hy vọng bao giờ cũng hướng về Thiên Chúa và có nền giảng ở Người. Nhất là trong các Ca vịnh, người công chính nhận biết mình lệ thuộc vào Thiên Chúa nên không bao giờ nghĩ rằng tương lai của mình lại có thể xảy ra không liên hệ gì tới Người, vì thế người ấy luôn hy vọng vào Thiên Chúa. Thiên Chúa là Chủ cả hiện tại và tương lai, vì thế ai đặt hy vọng vào của cải (Ps 52,9; G 31,24), vào người ta (Gr 17,5), vào quyền thế phần đời (2 R 18,24; Is 31,1), vào các đặc ân tôn giáo (Gr 7,4; Lc 8,13; Ha 2,18) đều là sai lầm. Hy vọng của người công chính là bình thản đợi chờ ở Thiên Chúa cả ở hiện tại lẫn tương lai (Is 30,15; Ps 37,5-7). Như trong Cựu Ước, trong Tân Ước, hy vọng gồm ba yếu tố: chờ đợi một biến cố tương lai, cậy trông, nhẫn nại. Nhưng hình thức cụ thể của hy vọng còn được xác định bởi bầu không khí đặc biệt của cộng đoàn tín hữu trong buổi sơ khai. Hy vọng thường diễn tả một hoàn cảnh cụ thể trong đó sự cứu rỗi đã hiện diện nhưng vẫn phải đợi chờ. Đó là thời giờ của giữa tiêu biểu bởi lo âu, cố gắng và sợ bị thất bại. Dù đời sống của Kitô hữu đã là đời sống của kẻ được cứu độ, nhưng phần rỗi vẫn là cái gì người ta không nắm chắc trong tay được và vẫn cần phải đề phòng gìn giữ.

Hy vọng chứa chan trong tâm hồn Phaolô. Ông rên siết vì chưa được toại nguyện (2 Cr 5,5; Rm 8,23). Ông vui mừng phấn khởi khi nghĩ đến tương lai (1 Cr 15,54s). Với hy vọng cứu độ này, mọi hy vọng trần gian, dù chính đáng, cũng mất hết giá trị (Pl 3,8). Phaolô không cậy ở việc mình làm, nhưng chỉ cậy ở ơn Chúa (1 Cr 4,4; 15,10; Rm 3,27), tuy nhiên ông vẫn lo lắng hết sức chạy đua (Pl 3,13s) và anh dũng chiến đấu (2 Tm 4,7) để khỏi bị đào thải (1 Cr 9,26s). Lúc giờ chết đến gần ông đợi chờ phần thưởng là chính Chúa Kitô (Pl 3,8). Hy vọng của ông trước hết là được hưởng mặt Người (2 Cr 5,8), nhưng cũng bao hàm phần rỗi mọi người (2 Tm 4,8; 2,7). Vì thế mà hy vọng của Phaolô bao la như ý định của Thiên Chúa là cứu vớt hết mọi người (cfr. Tm 8,19).

Hy vọng ở thánh Gioan còn nặng màu sắc cánh chung hơn. Ông không chờ đợi ngày Chúa trở lại (Ga 14,3; 1 Ga 2,18) ngày người ta sống lại và chịu phán xét (Ga 5,28s; 6,39s), nhưng thánh Gioan cũng quả quyết “Người tín hữu đã được ban một đời sống vĩnh cửu” (Ga 3,15; 6,54). Như vậy, việc người Kitô hữu bước vào đời sống vĩnh cửu chỉ là sự tỏ lộ của một thực tại đã có (1 Ga 3,2).

Trong sách Khải Huyền, hy vọng cánh chung còn được diễn tả bằng những màu sắc huy hoàng hơn nữa. Con Chiên phục sinh có quây quần các thánh đã chiến thắng ở trên trời (Qp 5,11-14; 14,1-5). Giáo Hội bạn Người, sẽ đến (21,2) nhưng hiện giờ Giáo Hội vẫn còn ở trần gian (22,17) và phải đối diện với lịch sử trong niềm hy vọng, các chiến thắng bên ngoài của Satan có thể là cơn thử thách lớn lao cho hy vọng này, nhưng chiến thắng đã gần kề (Ap 1,1; 2,5; 3,11). Người Kitô hữu phải hy vọng cho đến khi có “vũ trụ mới”. Ở cuối sách, Con Chiên hứa hẹn: “Ngày Ta trở lại đã gần” và Giáo Hội đạp lại: “Chúa Giêsu, xin hãy đến! Maranatha”.

  • Hy vọng trong cuộc đời
  • Hy vọng cuối cùng là Chúa Kitô sẽ đến đổi mới mọi sự và làm cho Nước Thiên Chúa đến. Nhưng hy vọng ấy có chuyển tiếp giai đoạn trong thời gian. Con người phải luôn hướng về cái mới. Kitô giáo là một Tân Ước (cfr. Gr 18,31; Ed 11,19), Tin Mừng của Chúa Kitô là một rượu mới (Mt 9,17), Người ban một điều răn mới (Ga 13,34), một đời sống mới (Ep 2,15), một tạo vật mới (2 Cr 7,17) và hướng người ta về một trời mới và một đất mới (2 Pr 3,13; Ap 21,1). Cái mới nằm ở tương lai, chưa biết được, phải gáo bạo, mạo hiểm, sáng kiến thì mới đạt đến được. Lý tưởng cào cao, hy vọng càng mạnh thì người ta càng phải sẵn sàng dấn thân trong vất vả, khó nhọc (cfr. 1 Cr 9,24-27). “Ta hãy trút bỏ đi tất cả những gì làm cho ta ra nặng nề và tội lỗi, làm cho ta vướng víu, rồi ta hãy kiên nhẫn mà xông vào mặt trận đang chờ đợi ta” (Dt 12,1).

    Như vậy, hy vọng hướng ta về sự mới hơn, sự tốt hơn ngay trong cuộc sống và trong lịch sử. Mọi sự cải thiện, mọi nỗ lực canh tân đều dọn đường cho cái “novum ultimum”. Nói rõ ràng hơn, hy vọng cánh chung trong lịch sử là xây dựng một xã hội công bằng huynh đệ hơn theo như Chúa Kitô đã nhắc đến khi Người nói về tình yêu tha nhân và nghĩa vụ giúp đỡ anh em (cfr. Mt 25,31). Nếu ta muốn gặp Chúa đời sau, ta phải gặp những người nghèo khó, tù đày, bệnh tật, bé mọn và giúp đỡ họ ngay từ đời này: Người đã đồng hoá họ với chính Người (Mt 25,31-46). Hiến chế “Giáo Hội trong thế giới ngày nay” coi các việc người tín hữu làm trong trần thế để phục vụ con người là như “chất liệu chuẩn bị cho Nước Trời” (GS. 38). Vì thế “sứ điệp Kitô giáo không làm cho con người tránh né công cuộc xây dựng thế giới hoặc khiến họ không còn tha thiết đến ích lợi của đồng loại, nhưng trái lại, bổn phận thực hiện những điều đó còn thúc bách họ hơn nữa (GS. 34b). Thật vậy, đạt đến “Nước Thiên Chúa” không phải chỉ là vấn đề lập công để cứu linh hồn cá nhân, nhưng là vấn đề hành động để cứu rỗi cả nhân loại với mọi chiều kích của cuộc cứu rỗi ấy như hồn xác, xã hội, các giá trị nhân bản… Nhưng như chúng ta đã biết, công cuộc cứu rỗi ấy không phải chỉ xuất hiện trong ngày cánh chung, mà đã hiện diện rồi. Vì thế, khi giải thoát con người khỏi tội lỗi và các hậu quả của nó như bất công, ngu dốt, bệnh tật, đói khổ… thì chúng ta cũng xây dựng xã hội cánh chung mà Thiên Chúa đã biến hình vào ngày cuối cùng.

  • Hy vọng trong thần học
  • Có nhiều xu hướng giải thích “hy vọng cánh chung”, sau đây chúng tôi lược tóm một vài xu hướng chính.

    a) Xu hướng nhấn mạnh trên tính cách siêu nhiên của ơn cứu độ: sự phát triển Nước Trời không trùng hợp với sự tiến bộ của lịch sử. Nước Thiên Chúa đến là do quyền phép của Thiên Chúa, Người ảnh hưởng vào các biến cố và điều khiển lịch sử, nhưng tiến triển vật chất chưa chắc đã là dấu của tiến triển siêu nhiên, mà nhiều khi còn là dấu phản trái nữa. Tuy thế, xu hướng này cũng công nhận phải làm cho Phúc Âm “nhập thể” vào mọi lãnh vực trần tục như chính trị, văn hoá, xã hội (x. Denielou, Christianisme et histoire, Etudes 9 (1947) p. 182-183. Bouyer L.: Christianisme et Eschatologie, Vie intellectuelle 16 (1968) p. 6-38).

    b) Xu hướng nhập thể của ơn cứu độ từ hai mươi năm gần đây, xu hướng này rất thịnh hành và gồm có nhiều đường hướng tuỳ kinh nghiệm xã hội, chính trị của mỗi tác giả.

    Đường hướng tiến hoá của cha Teilhard de Chardin cho rằng vật chất đã tiến từ vật chất bất động đến vật chất có sự sống, rồi đến vật sống tự ý thức… để đi về điểm Oméga. Năng lực nội tại đẩy nó tiến lên nhưng đức tin cho biết đấy là con đường thần hoà con người mà Người đã ấn định nhờ Đức Kitô.

    “Thần học các thực tại trần gian” của Giavê Thils và M.D. Chenu đã nêu lên một cái nhìn tích cực về vũ trụ trong việc “thần hoá” con người. Với các ông, trong lúc “nhân hoá” thiên nhiên thì cũng là lúc “thần hoá” con người, vì thế người Kitô hữu phải đóng góp hăng say vào công việc phát huy vũ trụ.

    “Thần học hy vọng” tiến một bước xa hơn và đòi người Kitô hữu phải trực tiếp dấn thân vào chính trị. Đường hướng này có nhiều màu sắc. “Thần học chính trị” nhắc nhở các tín hữu và Giáo Hội rằng không thể coi đức tin như một việc riêng tư, vì dầu sao con người cũng đã có một lựa chọn chính trị. Thái độ tách biệt xưa thật ra chỉ là một thái độ cộng tác với chính quyền tại chức để bảo vệ các ưu đãi Giáo Hội đã được hưởng. Vì thế, ngày nay Giáo Hội phải trung thành với Phúc Âm, đứng lên bênh vực kẻ nghèo hèn và bị áp bức, nghĩa là Giáo Hội phải thiên tả và lên tiếng tố cáo các tệ đoan và bất công, áp bức của chính quyền đối với đại đa số dân nghèo. Các “thần học phát triển” và “thần học tiến bộ” cũng có nhãn quan trên, nhưng thường do các tác giả ở châu Mỹ Latinh. Một đàng họ thấy trên quê hương họ các phương tiện sản xuất và các của cải thiên nhiên đều ở trong tay một nhóm nhỏ giữ độc quyền kinh tế, mặt khác họ thấy đối với các dân tộc láng giềng, họ là một dân tộc kém mở mang bị bóc lột. Họ cho rằng như vậy là trái với Thánh Kinh vì trong Sáng Thế Ký, Thiên Chúa đã ban trái đất cho con người làm chủ và khai thác. Khi con người tranh đấu để có quyền làm chủ và khai thác cho hết mọi người và để mưu cầu hạnh phúc cho toàn dân thì đó xây dựng Nước Thiên Chúa. “Dù ý thức hay không khi những người không tên làm việc để mưu ích cho nhân loại, thì họ đã sống động gặp Thiên Chúa trong tâm hồn họ rồi. Và chung quy, khi hy vọng rằng con người tiến bộ sẽ không làm cho nhân loại thất bại và lịch sử vô ích, con người thấy mở ra cho mình một tương lai tuyệt đối mệnh danh là Thiên Chúa (J. Affars, Hacia una teologia del progreso humano, Barcelona 1969, p. 113). Sau hết, các “thần học cách mạng” và “thần học giải phóng”. Các thần học này khởi điểm từ nhận thức tình trạng khổ cực của ba phần tư dân số trên thế giới bị bóc lột nghèo nàn, không được hưởng một chút ân huệ của các phát minh khoa học hiện đại vì lệ thuộc vào ngoại bang và bị các ngoại bang ấy bóc lột một cách tinh vi, tàn nhẫn. Mặt khác, nhìn vào Thiên Chúa trong mạc khải, nhất là trong Cựu Ước, họ thấy Người luôn là Đấng giải thoát dân Do Thái khỏi mọi xiềng xích nô lệ, hoặc của các đế quốc thực dân (Ai Cập, Babylon, Syria) hoặc của các giai cấp áp chế (cfr. Am 2,6ss; Is 3,15; Gr 22,13ss). Các tác giả này cho rằng giữa các phong trào cách mạng và giải phóng hiện nay với Kitô giáo nguyên thuỷ, có một sự trùng phùng cần phải quan tâm suy nghĩ và họ kết luận: Phải áp dụng cách mạng để xây dựng xã hội Kitô giáo và phải mang hy vọng cánh chung cho đại đa số quần chúng. Khẩu hiệu của họ là: “Giải phóng là tên mới của sự cứu rỗi” (Giavê Gutierrez, Teologia de la liberacion, Salamanea 1973, p. 193; x. P. Vekemans, Desarrolle y revolucion, Bogota 1973).

    Ở đây, cần phải phân biệt nhiều vấn đề. Trước hết Nước Thiên Chúa thể hiện ngay trong trần gian, nhưng không đồng nhất không những với nước trần gian, mà còn không đồng nhất với cả Giáo Hội nữa.

    Thứ đến, liên lạc giữa Giáo Hội và nước trần gian như thế nào? Thật ra vì Giáo Hội và nước trần gian cũng đều là tổ chức hữu hình trong lịch sử, vì thế liên lạc ấy cũng có tính cách tương đối, tạm bợ. Ở ban đầu, vì Giáo Hội còn nhỏ bé chưa có ảnh hưởng xã hội và luôn bị bắt bớ, nên thái độ là khép kín để bảo toàn thuần chất. Đời Trung cổ, dân chúng Âu châu trở nên Kitô hữu toàn tòng, Giáo Hội có ảnh hưởng lớn lao vào đời sống trần gian của dân chúng nên Giáo Hội giữ vai trò lãnh đạo nhà nước. Đến thời Phục Hưng, ý thức về sự độc lập của phạm vi đời đã rõ ràng, nên người ta lại chủ trương phân biệt hai quyền đạo đời độc lập trong phạm vi của mình. Gần đây có những phong trào tục hoá lại muốn tôn giáo phải phục vụ trần tục.

    Nói như trên, không có nghĩa rằng Giáo Hội không có một quan niệm rõ ràng về tương quan đạo đời. Quan niệm ấy đã được thánh Tôma trình bày như sau: Ân sủng không tiêu diệt tự nhiên, nhưng công nhận có tự nhiên trước. Ân sủng chỉ đến sau để siêu nhiên hoá tự nhiên mà thôi: vì thế tự nhiên ở tự nó đã đủ cho nó: lý trí và các khả năng tự nhiên đủ để đạt đến cứu cánh tự nhiên. Nhưng vì con người không chỉ có một bản tính, nhưng còn có một định mệnh, mà định mệnh ấy siêu nhiên, nên Thiên Chúa đã ban ân sủng để nâng đỡ con người hầu đạt được cứu cánh siêu nhiên của mình.

    Theo quan niệm trên thì phạm vi đời và phạm vi đạo độc lập, nhưng vì cả hai đều nhằm phục vụ con người, mà con người chỉ là một, do đó tương quan lý tưởng giữa nhà nước và Giáo Hội là tôn trọng phạm vi riêng của nhau, nhưng cộng tác chân thành để đem lại hạnh phúc cho con người.
    Lý tưởng thì như vậy, nhưng cách áp dụng vào thực tế còn lệ thuộc nhiều điều kiện khách quan, vì thế mà ở mỗi thời đại đã có một hình thức quan hệ khác nhau.
    Ngày nay, Giáo Hội không xin một đặc ân nào, chỉ xin nhà nước cho được tự do làm tròn bổn phận Chúa Kitô đã trao phó. Phần Giáo Hội, Giáo Hội không những sẵn sàng phục vụ con người ở phạm vi phần rồi, nhưng cũng sẵn sàng cộng tác vào việc mưu cầu hạnh phúc trần gian cho con người tuỳ theo khả năng của mình (GS. 1-3).

    ********************

  • Quang lâm
  • Quang lâm dịch từ ngữ Hy Lạp “Parousia” chỉ dùng trong Tân Ước thường có nghĩa là “hiện diện” (2 Cr 10,10), hay “đã đến” (2 Cr 7,6s). Trong các giới văn hoá Hy La, từ ngữ này thường dùng để chỉ một cuộc viếng thăm công khai của một vị đế vương. Tân Ước dùng để chỉ việc Chúa Kitô trở lại thế gian trong ngày sau hết. Ngoài từ ngữ này, Tân Ước còn dùng những từ ngữ như “apokalypsis” (mạc khải), “epiphania” (tỏ bày) để chỉ cũng một biến cố.

    Biến cố quang lâm được diễn tả rất nhiều trong Tân Ước vì đó là một biến cố căn bản cho đức tin, nhưng việc chủ giải rất khó khăn, vì các bản văn nói về biến cố ấy đều dùng một lối văn có nhiều hình ảnh bí hiểm mà ngày nay người ta quen gọi là lối văn khải huyền.

    Quang lâm ngày nay gồm có mấy sự việc sau đây:

    a) Chúa Kitô tái giáng trong vinh quang.
    b) Kẻ chết sống lại.
    c) Phán xét chung.
    d) Sáng tạo trời mới và đất mới.

Tái giáng trong vinh quang

Kinh Thánh

  1. Trong Cựu Ước, ý tưởng thông thường của ngày Giavê đến là để giải thoát dân riêng của Người. Từ ý tưởng ấy, Cựu Ước đi đến ý tưởng Giavê là chủ lịch sử và chính Người hướng dẫn lịch sử đến chung cục. Do đó, ý tưởng ngày Giavê đến trước dành riêng cho Israel, dần dần bao gồm cả các dân ngoại nữa: Giavê đến để Israel được cứu thoát và các dân ngoại được ăn năn trở lại (Soph 3,9-18). Với Ezechiel, ngày ấy là một cùng tận (7,6s). Với Daniel, đó là cùng tận của thế gian (Đức Nữ 9,26; 11,27; 12,13), và trước đó có “thời giờ của cùng tận” (8,18; 11,35-40). Trong thời giờ này Giavê sẽ đập tan mọi cuộc liên kết để hãm hại Giêrusalem (Za 12,3), trên trái đất sẽ chết nhiều người (Is 24,1), các dân tộc mà Gog dẫn đầu sẽ bị tiêu diệt (Ez 38). Ngày Giavê đến sẽ là khởi điểm trận thắng vĩnh viễn của Người trên quân thù và mở màn cho triều đại của Người (Ps 93,96-99).

Trong Tân Ước, ngày của Giavê đến trở nên ngày của Chúa Kitô đến. Để báo trước ngày ấy, những công thức của Cựu Ước vẫn được sử dụng lại “Nước Trời đã gần đến” (Mt 12,28). Đấng mà ngày tận thế chờ đợi là Chúa Giêsu vinh hiển (Lc 12,24s). Ở đây, khi tả về Chúa Kitô vinh hiển, người ta cũng dùng các hình ảnh về sự hiển linh của Cựu Ước, nhất là Mt 24 mà người ta quen gọi là “Khải Huyền Nhất Lãm”. Thật vậy, người ta thấy ở đoạn này loạn lạc (24,6s), xáo trộn tinh tú (24,29), sự bột phát các dị đoan (24,15), sự xét xử và phân loại (24,37-43), tính cách bất thần, không tiên đoán được của ngày ấy (24,44). Điều mới mẻ của Tân Ước là: Con Người sẽ đến trong vinh quang (24,30s). Thánh Phaolô còn nhắc đến tiếng loa và các thiên thần (1 Tx 4,16s; 1 Cr 15,52), việc các người đã chết sống lại và Chúa Kitô từ trời xuống (1 Tx 4,16s). Thánh Gioan, trong sách Khải Huyền cũng nói đến loạn lạc, toà phán xét (Ap 20,11s) và xáo trộn tinh tú (21,1).

Nói tóm lại, Tân Ước cũng như Cựu Ước đều nói đến một ngày tỏ rõ sự toàn thắng của Thiên Chúa nhờ Con Người, ngày ấy mọi sự sẽ được sắp xếp lại cho phần rỗi loài người (1 Pr 1,4s) và xác chúng ta sẽ biến hình (Pl 3,20s.

Quang cảnh ngày tái giáng

  1. Tân Ước dùng những hình ảnh huy hoàng để tả ngày Chúa Giêsu tái giáng. Để diễn tả sự vinh quang của ngày ấy, các tác giả thường dùng các hình ảnh sau đây:

    1. Chúa ngự xuống trong đám mây. Theo tưởng tượng của người xưa, đâu có thần hiện (theophanie) là ở đấy có mây. Chúa ngự xuống trong đám mây vì Người có vinh quang Thiên Chúa, Người dùng mây làm xe (Mc 13,26s; 14,62s; 1Tx 4,7; cfr. Dn 7,15; Ex 13,22).

    2. Có loa vang, tiếng hô lớn (Mt 24,31; 1 Tx 5,16; 1 Cr 15,52), cả hai đều được nghe thấy khi Thiên Chúa hiện ra trên núi Sinai (Ex 19,16). Đó là phương tiện để triệu tập dân Chúa, số người sót lại, những kẻ được chọn.

    3. Có các thiên thần và các thánh theo hầu. Thường thường các thiên thần là triều thần của Thiên Chúa (Ap 5,11; 7,1s), sự hiện diện của thiên thần nói lên vinh quang của Thiên Chúa (Đức Nữ 7,10). Các thánh cũng có vai trò như các thiên thần (Zac 14,5; cfr. Dn 7). Các thiên thần phân biệt người lành kẻ dữ trước toà thẩm phán của Chúa (Mt 16,27; Lc 12,8) và là chứng nhân về họ.

    4. Có dấu chỉ của Con Người xuất hiện. Dấu ấy là gì? Nhiều giáo phụ cho là cây thánh giá rực rỡ như mặt trời (PG. 58,698). Nhưng nhiều nhà chú giải Kinh Thánh cho là việc Chúa Giêsu sống lại. Cũng có người cho là việc Người bị treo trên thập giá.

    5. Có lửa bừng sáng đi theo Chúa Giêsu (2 Tx 1,8). Lửa thường ám chỉ Thiên Chúa khi Người hiển linh như Thiên Chúa hiện ra với Maisen trong bụi gai. Lửa còn chỉ sự phán xét nghiêm thẳng của Thiên Chúa (1 Cr 3,13), vì lửa thử thách và linh luyện (Mt 3,10-11; 1 Pr 1,7).

    6. Thảm hoạ cuối cùng: Các tầng trời rung động biến tan, các tinh tú hỗn loạn đụng nhau bốc cháy (2 Pr 3,10; Mt 24,29; Mc 13,24-25). Các hình ảnh này thuộc loại văn khải huyền Do Thái, trong Tân Ước, kiểu nói chừng mực hơn. Tại sao có cảnh hãi hùng ấy? Vì theo Cựu Ước, Thiên Chúa hiện ra ở đâu thì núi non, biển cả đều lay chuyển, đá chảy thành sáp (Gdt 16,15), mặt trời, mặt trăng u ám (Mt 24,29), đất động và bão tố nổi lên (G 38,1).

    7. Chúa Giêsu xuất hiện. “Mọi giống nòi trên mặt đất sẽ đấm ngực và sẽ thấy Con Người đến trên mây trời” (Mt 24,30), “Mắt mọi người phàm sẽ trông thấy Người, cả những kẻ đã đánh Người” (Ap 1,7). Nhưng theo thánh Luca (22,69) thì người ta sẽ không trông thấy đích thân Chúa Giêsu, nhưng chỉ xem thấy Giáo Hội hiển vinh mà thôi. Vì thế mà các nhà chú giải không biết phải giải thích thị kiến trên thế nào: thực sự hay tượng trưng.

    8. Chúa Giêsu chiến thắng các thần ác, Người dùng “hơi thở ở miệng Người mà huỷ diệt nó” (2 Tx 2,8). Khải Huyền đoạn 19 cũng diễn tả sự Chúa tái giáng như một chiến thắng lớn.
    Thật khó mà xác định phải hiểu các hình ảnh trên theo nghĩa nào. Dẫu sao, có một nghĩa sâu xa cần phải nhớ: là ngày ấy Chúa Kitô đã thắng mọi quyền năng tội lỗi và sự dữ, Người đã quy tụ tất cả những người được cứu rỗi nên một dân tộc mới được tuyển chọn.

Ngày giờ Chúa Giêsu tái giáng

  1. Công đồng Lateranô V cấm không cho dạy về ngày tháng Chúa sẽ tái giáng. Phúc Âm dạy ngày giờ ấy chỉ có Ngôi Cha biết chứ Ngôi Con cũng không biết (Mt 24,36). Như vậy, ngày Chúa Kitô tái giáng là một ngày Thiên Chúa giữ kín không ai có thể biết được. Nhưng căn cứ vào Tân Ước thì ngày giờ ấy đến sớm và bất ngờ.
  2. Đến sớm

Trong lời giảng dạy của Chúa Kitô, có nhiều lời làm cho người ta nghĩ rằng ngày tái giáng rất gần. “Quả thật Ta bảo các ngươi, trong những kẻ có mặt ở đây, có người sẽ không nếm cái chết, trước khi thấy Nước Thiên Chúa đến trong quyền uy” (Mc 9,1) và rõ ràng hơn nữa: “Trước khi thấy Con Người đến trong nước của Người” (Mt 16,28). Các môn đệ sẽ không đi hết các thành của Israel trước lúc Con Người đến (Mt 10,23). Thế hệ Chúa rao giảng sẽ không qua đi trước mọi điều ấy xảy đến (Mt 24,34; Mc 13,30; Lc 21,32). Dù hiểu thế nào đi nữa, thì người ta cũng phải hiểu rằng biến cố đã gần và sẽ đến sớm.

Ban đầu các tông đồ đã hiểu như vậy. Các cộng đồng Do Thái mà thánh Phaolô sáng lập chờ ngày ấy vào năm 50. Chính thánh Phaolô cũng e ngại không biết mình có sống đến ngày ấy không nhưng hy vọng sẽ được lĩnh triều thiên trong ngày ấy (1 Tx 2,19). Cộng đoàn thành Corinthô tin chắc ở “thời chung cuộc” (1 Cr 10,11) và tin họ sẽ được đón tiếp Chúa đến (15,51) tiệc tạ ơn (Eucharistia) nuôi dưỡng họ trong hy vọng ấy (11,26).

Niềm tin trên đã bén rễ sâu trong các cộng đoàn Kitô giáo đến nỗi triển hạn ngày tái giáng đã đặt lên vấn đề cho thánh Phêrô. Ông chuyển ý nghĩa từ “sớm” ra “bất thình lình” (2 Pr 3,10) vì Thiên Chúa kiên nhẫn và nhân từ nên không để cho ngày ấy đến quá sớm mà nhiều người phải hư đi.

Thánh Gioan đã giải thích đầy đủ hơn về cái “gần” ấy phải hiểu như thế nào. Trong sách Khải Huyền, ngày Chúa tái giáng khi thì đến sớm, lúc lại ở vào một thời gian bất thình lình. Cái gần không phải là một dữ kiện thời gian, nhưng một dữ kiện thần học: đây là một biến cố quan hệ, phải lưu ý luôn, quyết liệt, gắn liền vào định mệnh của mỗi người. Trong Phúc Âm, thánh Gioan còn giải thích rõ hơn: sự đến sớm không phải là một ngày tháng, nhưng một tình trạng Chúa ở gần. Thời cùng tận là thời cứu rỗi, thời ấy đã bắt đầu và lúc nào Chúa cũng có thể đến, vì thế lúc nào cũng phải “sớm” sửa soạn để đón tiếp, vì giờ ấy chỉ đến một lần.

 

  1. Đến bất chợt

Ngày tái giáng đến bất chợt như nạn hồng thuỷ đã đến cho người đương thời (Lc 17,26-30). Chúa Giêsu không những nói mình không biết, mà còn dạy chẳng nên hỏi về ngày ấy (Act 1,6-7). Theo ý muốn Thiên Chúa, Người giữ kín ngày ấy. Con Người sẽ đến như “kẻ trộm ban đêm”. Các dụ ngôn về người chủ đi xa trở về bất ngờ trong đêm tối (Mc 13,33-37), về người quản gia (Mt 24,45-51), về mười trinh nữ (Mt 25,1-13) đều nói lên tính cách bất thần của ngày Chúa lại đến. Nếu căn cứ vào các dụ ngôn nói trên, ta thấy rõ ý hướng các tác giả: các ông đều nhắc đến phải tỉnh thức, phải sửa soạn trước mọi điều cho giờ ấy, vì tuy giờ ấy trì hoãn, đến chậm nhưng chỉ đến một lần, nếu không chuẩn bị trước mà bị lỡ, là hết mọi hy vọng. Thánh Marcô trong đoạn 13, đã bốn lần nói đến “blépete” (hãy coi chừng) và ba lần kêu gọi “hãy tỉnh thức”.

Vấn đề “trì hoãn”

037. Như ta đã thấy, nếu căn cứ vào lời giảng dạy của Chúa, thì có thể hiểu rằng ngày ấy đã đến gần. Giáo Hội sơ khai đã hiểu theo ý ấy. Và khi chờ lâu không thấy lời tiên báo được thể hiện, một số tín hữu đâm ra hoang mang: “Này lời Chúa về việc Chúa đến ở đâu? Vì từ khi tổ phụ ta qua đi, vạn vật vẫn tồn tại y nguyên như khi mới tạo dựng” (2 Pr 3,4).

Một số nhà chú giải Kinh Thánh (Loisy, Schweitzer) cho rằng Chúa Giêsu đã lầm khi Người giảng dạy rằng ngày trở lại rất gần, và về sau trước sự kiện ngày ấy cứ trì hoãn hoài trong lúc các giáo đoàn đều mong đợi thì các tông đồ đã phải tìm cách làm an lòng các giáo đoàn và vì thế đã xuất hiện cách tu chính sứ điệp của Chúa Kitô mà thánh Luca đã trình bày. Theo các nhà chú giải Kinh Thánh này thì thánh Luca đã biến quang lâm có tính cách khải huyền của Chúa thành lịch sử cứu độ, dời ngày Chúa trở lại vào thời cuối cùng, thay Nước Thiên Chúa bằng Giáo Hội và biến niềm hy vọng sớm đến bằng ý thức phải tỉnh thức chờ đợi một biến cố quyết định nhưng có thể còn xa (Act 2,39). Theo ông E. Graesser, để giải đáp vấn nạn trì hoãn, các tông đồ đã nêu lên những tư tưởng sau:

a) Nhấn mạnh rằng không ai được biết thời giờ, trừ Ngôi Cha;
b) Mời gọi mọi người tỉnh thức;
c) Cầu nguyện để xin cho Nước Chúa mau đến;
d) Khẳng định có trì hoãn;
e) Cảnh cáo mọi người phải coi chừng.

Các giải thích trên không quan tâm đến bản chất các lời tiên tri có tính cách khải huyền. Thật vậy, biến cố quang lâm thường không chỉ một biến cố nhất định, nhưng những giai đoạn đưa đến thế mạt, do đó, nó có thể chỉ ngày Giêrusalem bị tàn phá, cuộc bắt bớ các tông đồ, các nhóm lạc đạo buổi ban đầu, sự sống lại và lên trời của Chúa… lịch sử bị co rút, thiếu viễn tượng, các biến cố tượng trưng không phân biệt với biến cố chính, vì thế mà người ta khó hiểu và có thể hiểu sai. Việc hiểu sai “sớm” trong thời gian với “sớm” tâm lý nghĩa là phải luôn tỉnh thức cũng vẫn có một hiểu quả là làm cho người ta phải chuẩn bị. Sự thật thì cũng có người nóng lòng vì thấy ngày quang lâm chậm đến, nhưng các tông đồ không cần phải sửa lại Phúc Âm, hai lý do của thánh Phêrô đã đủ để làm họ an lòng: 1.- Với Chúa, một ngày như ngàn năm; 2.- Chúa trì hoãn vì lòng nhân lành không muốn cho ai bị hư đi, nhưng chỉ muốn cho mọi người thống hối (2 Pr 3,8s). Đó cũng là ý nghĩa của “thời đại dân ngoại” (Lc 21,24) và hy vọng về ơn cứu rỗi người Do Thái (Rm 11,11-32).

Về phương diện tín lý, quan niệm về “Kenosis” của Ngôi Lời chẳng có gì cấm chúng ta tưởng rằng Chúa Giêsu đã có ý tưởng một ngày quan lâm sớm hơn thật sự, vì với trí khôn loài người, Người không biết ngày giờ (Mc 13,32) và chỉ dự đoán thôi. Nhưng hình như Chúa Giêsu và các tông đồ đều ý thức một thời gian chờ đợi lâu dài vì các dụ ngôn về vấn đề đều giả thích như vậy: dụ ngôn về Nước Trời giống như hạt giống (Mt 13) giả thiết Giáo Hội mở mang tiệm tiến; các dụ ngôn dạy phải tỉnh thức chờ đợi đều nói đến một cuộc đợi chờ khuya khoắt, lâu la có thể làm cho người ta lơ là, dụ ngôn men trong bột (Lc 13,20-21) nhắc đến một hành động hiệu lực nhưng âm thầm, kiên nhẫn… Vì thế lời quả quyết Chúa Giêsu đã lầm không có nền tảng. Mặt khác, các nhà chú giải trên cũng giả thiết một điều sai lầm là nghĩ rằng trong Tân Ước, trung tâm điểm của sứ điệp Chúa Kitô là hy vọng cánh chung, nhưng thực ra là mầu nhiệm “Chết và Phục sinh”. Phải nhìn sự trì hoãn theo mầu nhiệm phục sinh thì chúng ta mới mong có một giải đáp thoả đáng.
Sau hết, còn vấn đề trì hoãn quang lâm có do ảnh hưởng của loài người hay không? Nhiều dấu hiệu trong Tân Ước cho thấy phải quả quyết rằng có. Chúa dạy chúng ta phải cầu nguyện cho “nước Cha trị đến”. Theo sách Khải Huyền thì lời cầu nguyện của Giáo Hội không vô ích (Ap 22,17). 2 Pr cũng khuyến khích các giáo hữu sống thánh thiện trong lúc “chờ đợi và hối thúc ngày quang lâm của Chúa” (3,12).

 

Điềm báo ngày tái giáng

  1. Ngày Chúa tái giáng sẽ được báo hiệu như khi cây vả đâm chồi nẩy lá, là dấu hiệu mùa hè sắp đến (Mt 24,32-33; Mc 13,29; Lc 21,31). Sau đây chúng tôi sẽ lược qua các điềm báo ấy.
  2. Tin Mừng được rao giảng khắp muôn dân

Nhân loại sẽ phải ra trước toà của Chúa để chịu phán xét, vì thế họ phải biết trước luật lệ và tiêu chuẩn của cuộc thẩm phán, nên họ phải được nghe Tin Mừng trước (Mt 24,14; Mc 10,13).
Nhiều vấn đề được đặt ra về việc rao giảng Tin Mừng như: Thế nào là muôn dân đã được nghe Tin Mừng? Có phải là hết mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới không? Có cần phải trở lại hay chỉ cần nghe biết? Hiện tại, Tin Mừng đã đến mọi dân tộc chưa? Khi Tin Mừng đã rao giảng khắp nơi Chúa đã trở lại chưa, hay còn phải chờ đợi? Việc rao giảng Tin Mừng là một điều kiện, một nguyện vọng hay một sứ mệnh?

 

  1. Dân Do Thái sẽ trở lại

Theo thánh Phaolô thì dù dân Do Thái đã thất tín, Thiên Chúa cũng đã chọn làm dân của Người, Người không ân hận và không thất tín (Rm 11), khi toàn thể dân ngoại đã gia nhập Nước Chúa, thì dân Do Thái cũng vào theo. Một số nhà chú giải cho rằng trong Mt 23,37-39, Chúa Giêsu cũng quả quyết như vậy.

 

  1. Một số tiên tri sẽ đến trước

Theo truyền thống sẽ có một số tiên tri đến trước; đó là Elia; Hénoch và Maisen.

Elia là tiên tri lớn của Cựu Ước đã nói tiên tri rõ nhất về Chúa Kitô. Theo tục truyền ông không phải chết và sẽ trở lại chuẩn bị thời gian cho Đấng Messia. Phúc Âm coi Gioan tiền hô như Elia (cfr. Ga 1,21) và sách Khải Huyền nhắc đến ông sẽ đến trong thời tận cùng (11,3-4).

Hénoch theo tục truyền cũng không phải chết. Ông được Cựu Ước coi là một tiên tri thời cánh chung (Gda 14-15). Nguỵ thư mang danh ông cho rằng Hénoch sẽ đến vào ngày tận thế (90,31).

Maisen có mặt trên núi Tabor với Elia và theo một truyền thống thì ông sẽ đến, nhưng Phúc Âm không nói gì.

 

  1. Các tiên tri giả và Phản Kitô

Tân Ước báo tin có nhiều tiên tri giả xuất hiện trước ngày phán xét (Mc 13,22), vì thế khuyên các giáo đoàn phải coi chừng (Mt 7,15). Thánh Gioan tố giác chúng đã đến (1 Ga 4,1) và thánh Phêrô nói chúng sẽ đánh lừa được nhiều người (2 Pr 3,3). Thánh Phaolô coi những bè rối đương thời là tiên tri giả và sách Khải Huyền coi chúng là đồ đệ của Phản Kitô (Ap 16,13; 19,20).
Phản Kitô (hay quỷ vương) là một yếu tố cánh chung cổ truyền. Danh từ Phản Kitô xuất hiện ở 1 Ga 2,18, có nghĩa là một hay một loại người đối thủ với Chúa Kitô, liên minh với Satan để đánh một trận cuối cùng chống Nước Thiên Chúa. Các tiên tri như Gioel (3), Daniel (7-12), các tông đồ như Phaolô (2 Tx 2,4), Gioan (1 Ga 2,18; Ap 13,1; Ap 13,11), đều có nhắc tới với những màu sắc phong phú. Đại ý có thể coi như đó là một cá nhân hoá của mầu nhiệm tội ác. Vì thế, trước hết phải coi đó là một quyền lực chống lại Chúa Cứu Thế để làm cho nhân loại hư đi, quyền lực ấy có thể biểu lộ nơi một người hay một tập đoàn. Riêng trong thời cánh chung quyền lực ấy sẽ xuất hiện hung hãn hơn.

 

  1. Một cuộc bỏ đạo tập thể

Gần đến giờ quang lâm, ma quỷ như muốn ăn thua một lần chót nên càng đánh mạnh hơn. “Khốn cho đất và biển! vì ma quỷ đã xuống với các ngươi, mang theo một mối căm thù vĩ đại, bởi vì nó biết rằng chỉ còn ít thời giờ mà thôi” (Ap 12,12). Cố gắng của Satan và bè lũ là tiêu diệt đức tin và hình ảnh Thiên Chúa nơi loài người và nó sẽ thành công lớn; có nhiều người bỏ đạo (2 Tx 2,2s; 2 Tm 3,1-5). Khải huyền nói con thú làm được nhiều phép lạ và sẽ thắng được các thánh nên có nhiều người tin theo nó (Ap 13,3s). Chúa Giêsu cũng phán: “Kho Con Người đến, hỏi còn có đức tin trên mặt địa cầu nữa hay không?” (Lc 18,8). Thiên Chúa im lặng, loài người tiếm đoạt quyền Đấng sáng tạo. Phản Kitô sẽ thay thế tín ngưỡng siêu nhiên bằng tín ngưỡng tự nhiên, thay thế Thiên Chúa bằng đủ thứ ngẫu tượng trần gian.

 

  1. Ý nghĩa các điềm báo trên

Một mặt, truyền thống và Tân Ước nói đến những việc sẽ xảy ra trước, mặt khác Tân Ước lại nói đến khi các việc ấy xảy đến cũng “chưa phải tận cùng” (Mc 13,5s). Thánh Luca quả quyết: “Nước Thiên Chúa không đến một cách nhãn tiền” (Lc 17,20). Thánh Phaolô cũng có một luận điệu như vậy (2 Tx 2,3). Trái lại, từ Chúa đến các tông đồ đều căn dặn ta phải tỉnh thức vì không biết lúc nào Con Người sẽ đến. Như vậy, có điềm báo thì cũng không phải là để cho người ta biết trước thời giờ nhưng chỉ là để người ta tỉnh thức.

Các điềm báo trên chỉ có ý nghĩa thần học. Nó soi sáng cho người có đức tin sống ở đời này biết nhìn ở các biến cố xảy đến trong lịch sử một ý nghĩa tôn giáo: các tai nạn thiên nhiên, các cuộc chiến tranh, các cuộc bách hại Giáo Hội, các ý thức hệ sai lầm, các cứu chúa giả… đều là những phương tiện luyện lọc, đều là những cách dọn đường để đưa Giáo Hội đến cánh chung. Vì thế khi thấy những biến cố ấy, người tín hữu phải vững lòng tin rằng Chúa sắp đến vì lúc nào thì “ơn cứu chuộc cũng đến gần rồi” (Lc 21,28).

 

Kết luận

  1. Người Kitô hữu mong chờ Chúa tái giáng (2 Tm 4,8), và làm cho hy vọng của họ được thoả mãn. Vì thế mà trong Giáo Hội, người ta luôn nhắc đến lời cầu: Maranatha.

    Sự mong chờ này giải thích do bản chất của hai lần Chúa đến. Lần trước trong tình trạng hèn mọn, tôi đòi (Kénosis), lần sau trong vinh quang, chiến thắng; lần trước là giờ “của kẻ thù và của quyền hành tối tăm” (Lc 22,53), lần sau Chúa đến trong “giờ của mình” (cfr. 1 Cr 3,13; 2 Cr 1,14; Pl 1,1; 6,10); lần trước Chúa đến để gánh tội thế gian và chịu xét xử (Ga 8,13-15; 12,47), lần sau Người đến phán xét thế gian (Act 10,42; 2 Tm 4,1; 1 Pr 4,5). Đã đành sự Chúa sống lại đã chứng tỏ công cuộc cứu chuộc của Chúa là thật, nhưng sự sống lại chỉ có một số nhỏ được thấy, còn hầu hết nhân loại vẫn phải tin. Nếu Chúa không trở lại trong vinh quang không có gì bảo đảm đức tin của Giáo Hội là thật trước mặt quân thù và những người vô tín ngưỡng. Trái lại, nếu Chúa đến trong vinh quang trước mặt muôn dân thì không những Người chứng tỏ Người là Thiên Chúa và những người theo Người là khôn ngoan, nhưng Người cũng cho thầy rõ những kẻ chạy theo trần gian và vinh quang của nó là sai lầm.

    Vì nghĩ như trên nên có nhiều người cho rằng việc Chúa trở lại ở trong lịch sử; nói khác đi đó là một biến cố sẽ xảy ra trong thời gian, vì nếu không phải là một biến cố trong thời gian thì Chúa sẽ không minh chứng được cho mình và cho các người theo mình trước mặt muôn dân. Nhưng thiết nghĩ, ta không thể nhìn việc Chúa trở lại như một biến cố theo nghĩa hẹp được, cũng như việc Chúa sống lại khó mà coi như một biến cố trong thời gian và không gian. Việc Chúa trở lại vượt khỏi kích thước thông thường của thời gian và không gian. Lúc trở lại, Chúa Giêsu vẫn là con người đã sinh ra bởi Đức Trinh Nữ, đã chịu đóng đinh thời Philatô, nhưng không còn thuộc về thế gian trần gian nữa: Người đã thuộc về “đời sau”, đã trở nên “tinh thần” (1 Cr 3,17). Vì thế, để am hiểu tường tận về việc Chúa trở lại, ta cũng phải có cái gì đổi mới như vạn vật trong ngày Người trở lại.

    Khi ta nói: Người trở lại, đó không phải là một phạm trù “chuyển động”, nhưng là một phạm trù “hiện diện”. Người không từ trời xuống, nhưng Người đang “vắng” mà “đến”. Giáo Hội kinh nghiệm cái vắng đó (Mt 9,15; Mc 16,19), vì thế nên Giáo Hội tha thiết nài xin Chúa “hãy đến” (Ap 22,17). Có thể nói rằng: Chúa Kitô không đến từ ngoài, nhưng “nở ra” từ chính trong lòng Giáo Hội. Quang lâm không phải là tình trạng hoàn toàn mới, nhưng là sự hiện diện đã có, nay thêm hoàn hảo: tiến trình “Kitô hoá” ở Giáo Hội, ở các Kitô hữu vô danh, ở vũ trụ đã đạt tới viên mãn, nên tiếng loa thổi lên báo tin “ngày mạc khải của Chúa Kitô” (1 Tx 1,7; 1 Cr 1,7; Cl 3,4).

    Thị kiến lúc ấy sẽ thế nào? Có phải như các tông đồ trong ngày phục sinh và Phaolô trên đường Đamas không? Chúng ta không quả quyết được gì vì chúng ta không biết thị giác những người sống lại sẽ ra sao. Tuy nhiên, với kẻ lành Người đến như Đấng Cứu Thế, và với kẻ dữ, như quan thẩm phán chí công. Khi đọc các đoạn văn khải huyền về ngày Chúa trở lại, ta phải coi những hình ảnh ngự xuống trên đám mây, giữa lửa sáng rực… như những cách diễn gả về một sự toàn vẹn, viên mãn sẽ đến mà thôi, chứ không phải là những sự kiện thị giác thông thường. Bây giờ, ta tin trong mờ tối chưa có gì hiển nhiên, lúc ấy ta sẽ thấy rõ ràng, trong hiển nhiên những gì ta đã tin mà thôi.

    Quang lâm là giờ sự thật. Phải tập cho quen để nhìn nhận mọi sự theo ánh sáng của ngày ấy. Thật vậy, Giáo Hội, vũ trụ, con người, xã hội, đau khổ, sự chết… là gì hiện giờ chúng ta chưa nhìn thấy và còn bị nhiều ảo tưởng che khuất, nhưng lúc ấy sự thật sẽ phơi bày, dù chúng ta không muốn nhìn nhận. Vì thế mà bây giờ chúng ta phải khiêm nhường khi tưởng mình có được chân lý nào, và phải dè dặt khi phê bình sự sai lầm của kẻ khác. Nhưng chính vì quang lâm là giờ sự thật mà các tín hữu đã tin ở con đời khổ giá đưa đến vinh quang sẽ tìm được trong khổ cực đời này và trong sự bắt bớ vì đạo Chúa sự yên ủi để kiên nhẫn chiến đấu và tỉnh thức chờ đợi. Đó là lý do vì sao người Kitô hữu chân chính lại “yêu mến giờ quang lâm” (2 Tm 4,8).

III. Sự sống lại

  1. Phải có sự sống lại mới giải đáp được một số vấn đề nêu lên cho con người về thân phận của họ. Nhưng sống lại là một điều khó chấp nhận cho lý trí con người, từ những người duy vật đến những người duy linh. Với người duy vật, cái gì là vật chất đều chung một định luật là có sinh có tử, có đổi thay. Với người duy linh, cái chết giải thoát linh hồn khỏi tù đày trong thân xác, nên không thể còn có việc sống lại nghĩa là linh hồn lại trở về ngục tù của mình xưa kia nữa. Nhưng trong Giáo Hội qua các công thức đức tin là kinh Tín Kính, luôn luôn tín hữu tuyên xưng “tôi trông đợi kẻ chết sống lại”.

Sự sống lại trong Kinh Thánh

  1. Tư tưởng về sự sống lại của Kinh Thánh khác hẳn với quan niệm về bất tử của người Hy Lạp. Theo quan niệm Hy Lạp, linh hồn thiêng liêng, không thể hư nát được, vì thế sau khi chết là lúc linh hồn được giải thoát khỏi thể xác vật chất, linh hồn bất tử bước vào thế giới các thần linh. Trái lại quan niệm Kinh Thánh cho rằng con người ở tình trạng hiện thời sẽ phải chết, lúc ấy hồn sẽ vào “âm phủ” (schéol) và xác sẽ tiêu tan trong mồ. Nhưng đó chỉ là một tình trạng sẽ qua đi. Nhờ quyền lực Thiên Chúa, người ta sẽ sống lại.

    Quan niệm của Kinh Thánh về sự sống lại cũng khác hẳn quan niệm của Cổ Đông phương. Thật vậy, theo các tôn giáo tự nhiên của Cổ Đông phương, người ta rất quan tâm đến huyền thoại một vị thần chết rồi sống lại tiêu biểu cho mùa đông ảm đạm được tiếp nối bằng một mùa xuân đầy nhựa sống. Thần Osiris ở Ai Cập, thần Tammous ở Mésopotamia và thần Adonis ở Canaan là những thần thuộc loại ấy. Tấn kịch của các thần ấy diễn lại không ngừng trong chu kỳ của thiên nhiên. Sự tái diễn này rất cần cho các dân tộc canh nông và du mục, vì thế nên các dân tộc này đã nghĩ ra những nghi lễ để làm cho chu kỳ được diễn tiến tốt đẹp.

    Quan niệm của Kinh Thánh cũng khác với thuyết luân hồi của Ấn Độ và Phật giáo. Theo tư tưởng Ấn Độ thì nền tảng của luân hồi là Nghiệp (Karma); một cách máy móc, công việc con người làm trong lúc hiện tại định đoạt về số kiếp sau này, và cứ như thế hết kiếp này sang kiếp khác. Còn Phật giáo thì định nghĩa luân hồi như sau: “Chúng sinh từ vô thuỷ tới nay luân chuyển mãi, hết xuống rồi lên, hết lên rồi xuống, cũng như một cái bánh xe lăn tròn mãi không lúc nào thôi” (Kimura Taiken, Nguyên thuỷ Phật giáo tư tưởng luận, Sàigòn 1971, tr. 171tt). Trong Kinh Thánh sau khi tái sinh, con người không chết nữa.

    Sau đây là tiến trình của mạc khải về sự sống lại trong Cựu Ước. Ngay từ ban đầu, với người Do Thái, Thiên Chúa duy nhất cũng là Đấng duy nhất có quyền trên đời sống con người: “Người bắt chết và Người cho sống, Người bắt vào âm phủ và Người cho ra khỏi đó” (Is 2,6; Dt 32,39). Với kẻ Người thương, Người chẳng để cho ở âm phủ và phải hư đi (Ps 16,10). Có lẽ lúc ban đầu, những cách nói trên chỉ muốn diễn tả một cách huy hoàng lòng ước ao muốn được sống lâu ở đời này thôi. Nhưng các tiên tri như Elia và Elisêu có thể làm cho người chết sống lại (1 R 17,17-23; 2 R 4,33ss), chứng tỏ Giavê có quyền trên âm phủ và làm cho người ta ở đó ra, nghĩa là sống lại. Những bản văn đầu có ý tưởng về sự sống lại là những bản văn nói về hy vọng tập thể của Israel. Vì Chúa phạt nên dân ấy ví như người bệnh trong tay tử thần (cfr. Is 1,5s), nhưng nếu họ trở lại thì Chúa lại ban cho họ sự sống (Os 6,18). Sau thời lưu đày, Giavê sẽ cho dân Người sống lại như Người làm cho xương khô lại có sự sống (Ez 37,1-14), Chúa sẽ đánh thức Giêrusalem chỗi dậy từ bụi bặm và xác chết (Is 51,17). Những kẻ trung tín với Giavê trong dân Israel có thể bị rơi vào quyền lực âm phủ một thời gian, nhưng như người tôi tớ Giavê đã bị kẻ ác giết và chôn trong mồ, nhưng rồi lại được Thiên Chúa cho thấy ánh sáng và được hưởng chiến thắng, thì những người này cũng được hưởng một số phận như vậy (Is 53,8ss).

    Những tư tưởng trên còn bí ẩn, người lành bị đau khổ sẽ được Thiên Chúa trả công, nhưng cách nào thì người ta còn chưa rõ (cfr. G 19,25s). Phải chờ thời Maccabée và kinh nghiệm “tuẫn giáo” thì vấn đề phần thưởng cá nhân mới đặt ra một cách dứt khoát. Tiên tri Daniel trả lời về số phận những người công chính đã chết: “Phần lớn những người nghỉ trong xứ của tro bụi sẽ tỉnh dậy, người này để hưởng sự sống đời đời, kẻ khác để chịu ô nhục” (Dn 12,2). Vì thế những người tuẫn giáo tuy phải chịu cực hình và bị giết, nhưng Thiên Chúa sẽ cho họ sống lại (24,7-9). Từ thời kỳ này, trong dân Do Thái, chỉ có ít người không tin ở sự sống lại mà thôi (Act 23,8).

    Với Kitô giáo, những tín hữu đầu tiên ý thức rằng trong vấn đề người ta sẽ sống lại, họ vẫn theo truyền thống Do Thái (Act 23,6; 24,15; 26,6s), nhưng sự sống lại của Chúa Kitô cho niềm tin ấy một nền tảng vững chắc: “Đấng đã làm cho Chúa Kitô sống lại từ kẻ chết, cũng sẽ ban sự sống cho thân xác phải chết của anh em nhờ Thần Khí ở trong anh em” (R 8,11).

    Theo Phúc Âm thánh Matthêu, khi Chúa Giêsu chịu chết rồi, xuống lâm bô và ra khỏi đó như người chiến thắng thì các người lành chờ Người ở đó để được Người đưa vào hạnh phúc đời đời đi theo Người ra khỏi cõi chết (Mt 27,52s). Với thánh Phaolô, không những ông kể sự sống lại của mọi người trong cảnh khải huyền ngày phán xét (1 Tx 4,15ss; 2 Tx 1,7s), nhưng ông còn cho biết nhiều yếu tố ở kẻ lành sống lại: “Thân xác trở nên thiêng liêng, không hư nát và không chết nữa” (1 Cr 15,35-53). Sự sống lại này là một tham dự vào sự vinh hiển của Chúa Kitô (1 Cr 15,12) có thể đến bất cứ lúc nào (1 Tx 4,17) và là mối hy vọng của người tín hữu (2 Cr 5,1-10). Thánh Gioan, trong sách Khải Huyền (Ap 20,11-15) vẽ một bức hoạ huy hoàng về sự sống lại. Sự chết và lâm bô phải trả lại hết mọi người để họ chịu phán xét, người lành cũng như kẻ dữ. Những kẻ dữ thì phải chịu một “cái chết thứ hai”, còn kẻ lành thì được hưởng một đời sống mới trong Giêrusalem thiên quốc (Ap 21-22). Trong Phúc Âm, thánh Gioan cũng nhắc lại kẻ đã chết sẽ chỗi dậy (Ga 5,28; 6,40-44), người thì để hưởng sự sống đời đời, người thì để chịu luận phạt (Ga 5,29).

Thánh truyền

  1. Các giáo phụ nhất loại khẳng định tín điều sống lại, vì thế mà thánh Augustinô đã có thể viết: “Không Kitô hữu nào nghi ngờ việc xác phàm sẽ sống lại, mọi người đã sinh ra hay sẽ sinh ra, đã chết hay sẽ chết thì cũng vậy” (Denz 23,84). Nhiều vị tên tuổi đã viết khảo luận về chân lý này. Tuy nhiên, vì có nhiều vị không dứt bỏ được với quan niệm nhị nguyên của Platon nên rất lúng túng trong lúc suy luận. Giáo phụ có một lập luận thần học vững chãi là thánh Irenée. Ông căn cứ ở ba lý do để minh xác người ta sẽ sống lại: 1.- Chúa Kitô liên đới với nhân loại như Ađam, vì thế mà Người cũng gọi là “Ađam mới”, là “trưởng tử” của nhân loại. Nhưng vì tội của Ađam nên xác loài người phải chết, nên vì sự cứu chuộc của Chúa Kitô, xác loài người cũng sẽ được sống lại như xác hiển vinh của Chúa Kitô. 2.- Ý định cứu rỗi của Thiên Chúa là sáp nhập nhân loại vào Chúa Kitô trong một nhiệm thể,Người là đầu và chúng ta là chi thể. Đầu đã phục sinh thì chi thể cũng sẽ phục sinh, nhất là vì chúng ta đã được nuôi dưỡng bằng Mình và Máu đã phục sinh của Người. 3.- Nếu xác loài người không sống lại, thì công cuộc cứu chuộc đã không có thể coi là viên mãn được (PL 2,842).

    Nhiều giáo phụ căn cứ vào sự công bình thưởng phạt. Theo ông Athenagoras thì vì cả hồn lẫn xác lập công nên phần thưởng không có thể chỉ ban cho hồn hay cho xác, nhưng cho toàn thể con người, cả hồn lẫn xác (De Resurr. Carnis 18). Thánh Clêmentê cũng viết: “Vậy như anh em được gọi trong thể xác, thì cũng trở về trong thể xác… chúng ta sẽ lãnh phần thưởng trong thân xác này (2 Clementis 9,1-5). Ông Tertulianô cũng nhấn mạnh: “Con người toàn vẹn đã sống thì toàn vẹn phải dự cuộc phán xét” (De Carnis resurrectione 14).

    Còn về xác sẽ ra sao sau khi sống lại thì các vị đều nói có sự biến đổi như hạt khi mọc lên, “nec alius sed aliud”, trước sau vừa là một, vừa khác… nhưng không có một giải thích sâu xa hơn nữa.

Quyền giáo huấn

  1. Ngay từ ban đầu Giáo Hội, tín điều “sống lại” đã được các công thức đức tin, các kinh Tín Kính ghi chép, từ kinh Tín Kính của các tông đồ tin “thể xác sống lại” đến kinh Tín Kính ở Tiểu Á mong chờ “kẻ chết sống lại” (DS 42). Thánh Athanasiô quảng diễn: “Khi Người đến, mọi người phải sống lại với xác của mình” (DS 76,40). Sau đó các Công đồng Constantinopoli (năm 381), Toledo (năm 400), Lateranô IV (1215), và sau cùng là Vatican II đều đã xác nhận tín điều này.

Những vấn đề thần học sự sống lại nêu lên

1) Thời gian sống lại

Theo Kinh Thánh thì kẻ lành sau khi chết đã được hưởng hạnh phúc với Chúa Kitô; mặt khác, sẽ sống lại trong ngày tận thế. Nhưng linh hồn con người có thể sống tách biệt khỏi xác trong một thời gian mịt mù không? Các quan niệm thần học tuỳ theo thái độ của họ về vấn đề “linh hồn tách biệt” (anima separata).

Một số nhà thần học thiên về sự sống lại hơn là về linh hồn bất diệt. Bên Tin Lành có K. Barth, E. Brunner. Các ông cho rằng sự sống lại là một mặt khác của sự chết, vì giữa sự chết và sự sống lại, không có quãng cách thời gian. Đời sống con người sẽ không hiểu được nếu không có xác. Sự tồn tại của linh hồn tách biệt không hợp với bản tính con người. Bên Công giáo, Ur von Balthasar và Ruffini cũng quan niệm như trên. Các ông căn cứ ở quan niệm về “vĩnh cửu” (Aevum) mà người ta gán cho đời sau. Ở đời này có trước có sau, ở đời sau không có trước sau, vì thế ở đời này có người chết trước chết sau, nhưng ở đời sau mọi người đồng thời sống lại với Chúa Kitô, vì thế mà ở dưới đất có xác tách khỏi hồn, nhưng ở trên thiên đàng, không có hồn tách khỏi xác. Thuyết này có khuyết điểm là không giải thích được đặc ân của Đức Mẹ đã được “hồn xác lên trời”. Một số nhà thần học khác cũng công nhận người ta sống lại khi chết, nhưng sự sống lại ấy chưa hoàn hảo vì thân thể phục sinh cần một thế giới biến đổi và vinh quang để làm chỗ ở. Giáo lý Hoà Lan đã chấp nhận quan điểm này và coi sự chết như khởi điểm của sự sống lại diễn tiến.

Nhưng phần lớn các nhà thần học Công giáo vẫn theo quan niệm của thánh Tôma chấp nhận sự sống lại là một biến cố của thời tận thế, trong thời gian giữa sự chết và ngày phán xét chung, linh hồn tách biệt vẫn tồn tại tự lập.

 

2) Thân xác sống lại

  1. Có hai điều cần phải ghi nhận ở xác sống lại, đó là đã biến đổi sâu xa, nhưng vẫn là xác đã chết.

a) Đã biến đổi sâu xa

Sống lại không phải là lấy lại sự sống đã mất vì chết, cũng không phải là hồn nhập vào xác khi xưa để làm cho nó sống lại, nói tóm lại không phải là lại nối tiếp trong không gian và thời gian đời sống đã có. Sống lại là bắt đầu một đời sống mới mà Thiên Chúa đã tạo nên cho chúng ta. Thánh Phaolô, vì muốn nhấn mạnh trên sự sáng tạo này, nên đã gán công việc làm cho sống lại vào Ngôi Cha là Đấng tạo thành muôn vật: Người đã làm cho Chúa Kitô sống lại (Rm 4,24), ban sự sống (2 Cr 13,4), và làm cho kẻ chết sống lại (2 Cr 1,7). Nói khác đi, đời sống mới khác hẳn đời sống cũ vì là một tạo dựng mới của Thiên Chúa.

Sự mới mẻ ấy ra sao? Thật khó để mà diễn tả với ngôn ngữ và hình ảnh mà chúng ta có. Vì thế, Tân Ước, nhất là thánh Phaolô đã phải diễn tả bằng nhiều cách. Xác mới không còn là xác tội lỗi (corpus peccai), nhưng là xác đã được cứu chuộc, nó đã biến hình (Pl 3,21). Nhưng sự biến hình này không như sự biến hình từ con bướm tới con sâu, chẳng có tiềm năng nội tại nào gây ra cả, nhưng hoàn toàn nhờ ở quyền lực Thiên Chúa (Mt 22,29; 1 Cr 15,38; 2 Cr 1,9).

Tình trạng con người sống lại sẽ ra sao? Thánh Phaolô viết:

“Gieo xuống trong hư nát, sống lại trong bất diệt, gieo xuống trong ô nhục, sống lại trong vinh quang, gieo xuống trong yếu hèn, sống lại trong quyền năng, gieo xuống là khí huyết, sống lại là thần thiêng” (1 Cr 15,42-44).

Còn Phúc Âm cũng nói đến người ta sẽ như thiên thần (Mt 22,30) có nghĩa là xác người ta sẽ bất diệt (Lc 20,36) giống như tinh thần, không còn đam mê, tình dục, không còn cưới vợ lấy chồng, nhưng vẫn có nam có nữ. Thánh Phaolô gọi xác mới là “xác thần thiêng” (pneumatikón). Thần thiêng ở đây không có nghĩa là “vô chất”, nhưng là được Thần Khí làm cho sống động, như vậy cái gì làm cho con người sống lại không phải nguyên sinh khí của linh hồn (psyché), nhưng là linh hồn linh hoá bởi Thần Khí. Vì thế mà thân xác sống lại không đối nghịch, nhưng phục tùng, hợp tác và là tiêu biểu cho linh hồn. Ta có thể kết luận rằng: Theo thánh Phaolô, thì thân xác khí huyết không sống lại, mà chỉ có thân xác thần thiêng sống lại thôi (1 Cr 14,47-49).

Vì thân xác đã đổi mới, lại vũ trụ cũng đổi mới nên tương quan giữa con người với vũ trụ cũng khác bây giờ. Không còn có đau khổ, hao mòn, không gian, thời gian… như ngày nay nữa. Các nhà thần học quen gán cho xác sống lại các ơn trừ nhiên của ông bà nguyên tổ ở vườn địa đàng.

b) Nhưng vẫn là một thân thể duy nhất

045. Theo Kinh Thánh thì người ta sống lại “từ kẻ chết” (ek nekron) (Act 4,2; Lc 20,23) nghĩa là người chết và người sống lại vẫn là một. Anh em Maccabées tin tưởng rằng thân xác họ phải chịu đau khổ sẽ được hiển vinh (2 Macc 7,11). Chúa Giêsu sống lại hiện đến với các tông đồ trong xác Người đã chịu đóng đinh. Thánh Phaolô tuy nhấn mạnh đến sự đổi mới của thân xác sau ngày sống lại, nhưng vẫn khẳng định đó là xác đang có ở đời này (1 Cr 15,51; Pl 3,21). Quyền giáo huấn từ xưa tới nay đều nhắc đến “người ta sống lại trong thân xác người ta sống” như văn kiện Fides Damasi (năm 500), Công đồng Toledo (năm 675), Lateranô IV (năm 1215), Lyon II (năm 1274).

Theo ngôn ngữ của chúng ta thì có sự “đồng nhất” giữa xác ta đang sống và xác sống lại. Sự đồng nhất ấy là như thế nào? Đó là một điều cần phải giải thích.

Khi nói đến đồng nhất của thân xác, chúng ta nghĩ đến đồng nhất vật chất, nhưng khoa học cho biết chỉ khoảng thời gian độ bảy năm các tế bào của ta thay đổi hết. Như vậy sự đồng nhất ở một người không phải là vật chất, nhưng là cái “tôi”. Mọi cái khác có thể biến đổi, nhưng cái tôi tồn tại. Do đó mà đã xuất hiện giải thích về đồng nhất ở mô thức. Chúng ta biết rằng theo thánh Tôma thì linh hồn là mô thức của thân thể. Mà cái gì xác định một vật, đó là mô thức, con chất thể thì vô định, vì thế mà sự đồng nhất lệ thuộc vào mô thức. Do đó một nhóm nhà thần học đã kết luận rằng: miễn là có một linh hồn thì bất cứ chất thể nào hợp với linh hồn ấy cũng là xác của linh hồn ấy. Thật ra, thánh Tôma không cực đoạn như vậy. Theo ông, xác sống lại phần lớn (praecipue) là do xác đời này (Compendium Theologiae, cap.154, comment. in 1 Cr 15, lect.9). Nhưng ông cũng nghĩ rằng linh hồn có thể mô hiệp với “chất thể sơ khởi” (materia prima).

Ngày nay, A. Winklhofer đề xướng một giải đáp mới. Ông dựa vào quan niệm của thánh Tôma trong biến bản thể. Cũng như trong phép Mình Thánh, thân xác Chúa có thật mà không có các yếu tố thuộc thế giới hiện tượng, cũng vậy xác sống lại cũng chỉ cần có bản thể của xác cũ là đồng nhất với xác ấy. Ông cho rằng khi người ta chết thì bản thể ấy sống lại ngay với linh hồn, nên thây ma không còn hoàn toàn là xác của người chết nữa. Ngày tận thế, Thiên Chúa dùng bản thể này để tái tạo thân xác vinh quang.

Những giải thích trên tuy tài tình, nhưng không làm cho chúng ta thoả mãn vì sự sống lại là một mầu nhiệm nhờ mạc khải mới biết được.

Kết luận

  1. Trở nên Kitô hữu khi chịu phép Rửa tội, con người đã được tham dự vào sự chết của Chúa Kitô để được sống lại với Người (Rm 6). Ở đời này, sự tham dự ấy còn bất toàn. Về phương tiện tâm lý, sự sống lại là một mục đích chúng ta phải đạt đến một cách ý thức; về phương diện hữu thể, đó là ân sủng Chúa ban cho ta để ta trở nên chi thể của Mình mầu nhiệm của Người mỗi ngày một bền chặt hơn. Về phương diện. Về phương diện bí tích, nhờ ăn uống Mình và Máu Chúa đã phục sinh, chúng ta như nhận được “liều thuốc trường sinh”, và “hạt giống phục sinh” (cfr. Ga 6,27,33,40,54,58). Nói tóm lại, ta đang sống dưới quyền năng giải thoát của Chúa Kitô phục sinh, vì thế ta cũng được sống lại (1 Cr 6,14; Ep 2,6; Cl 2,12).

    Nhưng Chúa Kitô chỉ sống lại sau khi đã chết, vì thế chúng ta cũng phải chết đi với con người cũ và với tội lỗi: “Vì nếu được đồng hình với sự chết của Người thì chúng ta cũng sẽ được đồng dạng với sự sống lại của Người” (Rm 6,5). Chúa Thánh Thần đã biến đổi thân xác của Chúa Kitô nên “thân xác thần thiêng” cũng sẽ ngự trong chúng ta để làm cho chúng ta nên hình ảnh Chúa Kitô và được sống lại (Rm 6,4-12; 22-23) vì Người chính là “Thần Khí ban sự sống” (DS 150/86).

    Như trên, sự sống lại của loài người gắn liền với sự sống lại của Chúa Kitô. “Ai thắng, Ta sẽ cho ngự trên ngai của Ta với Ta” (Ap 3,21). “Ta ở đâu kẻ phụng sự Ta cũng ở đó” (Ga 12,26). Dây liên lạc của ta với Chúa Kitô là dây liên lạc của đầu và chi thể, đầu có trạng thái nào thì thân thể cũng có trạng thái ấy, thân xác Chúa Kitô đã sống lại thì thân xác loài người cũng sẽ sống lại. “Người nên trưởng tử một đoàn em đông đảo” (Rm 8,29), vì thế “Người là người đầu trong số kẻ chết sống lại” (Act 26,23). Nói tóm lại, thần học về sự sống lại của loài người hoàn toàn dựa vào thần học về sự sống lại của Chúa Kitô.

    Sự sống lại là kết quả của tình yêu sáng tạo của Ngôi Cha. Người tạo dựng con người vì yêu thương và giống như hình ảnh mình. Nhưng hình ảnh ấy ở đời này luôn luôn bất toàn, cần phải có đời sau để con người chu toàn hình ảnh ấy và sự sống lại chính là sự chu toàn ấy.

    Sự sống lại là chiến thắng của Chúa Kitô. Đã đành ngay từ bây giờ Chúa Kitô đã chiến thắng sự tội và sự chết và đã quy nhân loại về Người (Ga 3,28). Nhưng sự sum họp chỉ thật sự bền chặt khi mọi người đã sống lại. Thật vậy chỉ lúc ấy, thân xác biến đổi trong một thế giới biến đổi mới cung cấp cho nhân loại những điều kiện cho một cộng đoàn hoàn hảo. Các thể xác không còn là yếu tố phân cách và gây hiểu lầm cho các bản vị nữa, vũ trụ cũng không còn là đối tượng tranh chấp cho các cá nhân nữa, vì thế nên cộng đồng có đủ điều kiện để đạt đến lý tưởng. Nhưng tuy liên lạc giữa các hiển thánh đã trở nên khác, bản vị phục sinh vẫn là một vì mỗi vị thánh vẫn có tiểu sử và ân huệ riêng làm nên định mệnh cá nhân của mình.

    Giáo lý về sự sống lại đem lại sự kính trọng thân xác con người. Người ta thường lầm lẫn việc tu thân (ascèse) của Kitô giáo với tinh thần khắc kỷ của triết lý duy tâm. Nhưng như ta đã thấy, không bao giờ Kinh Thánh phân biệt hồn với xác và coi hồn như bị tù đày trong thân xác. Mặt khác, người Kitô hữu không coi thân xác như chẳng có một định mệnh nào và khai thác nó một cách tinh vi để lợi dụng trong thời gian nó sống như người duy vật thực tiễn. Trái lại, Kitô giáo chủ trương với thánh Phaolô rằng: Thân xác là đền thờ Chúa Thánh Thần và nhắn nhủ mọi người “anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em” (1 Cr 6,19-20).

    Sau hết, con người phục sinh sẽ giải thoát tạo vật (Rm 8,18-23). Vì tội lỗi con người mà trái đất bị nguyền rủa (Gn 3,17-18). Con người là trung gian để biến hoá vũ trụ, vì thế khi con người sa đoạ, con người cũng kéo theo vũ trụ trong sự sa đoạ của mình. Trái lại, khi con người đã được “thần hoá”, nhờ sự sống lại, con người cũng kéo theo trong sự “thần hoá” của mình tất cả vũ trụ. Vì thế mà sự vinh thăng của con người không phải là sự thoát ly khỏi thế gian, nhưng là sự biến đổi thế gian nên hoàn hảo hơn.

  2. Phán xét chung
  3. Mỗi lần Thiên Chúa viếng thăm loài người đều là một biến cố cứu độ và phán xét. Trong ngày tận thế, Chúa sẽ kiện toàn việc cứu độ, nhưng Người cũng kiện toàn cả việc phán xét nữa.

    Phán xét là nhận diện kẻ lành và kẻ dữ để ban phần thưởng và án phạt đời đời cho họ. Đó là việc riêng của từng cá nhân, nhưng cũng là việc chung của cả nhân loại. Vì thế, phán xét không những cho biết sự thánh thiện hay tội lỗi của mỗi người, nhưng cũng cho biết giá trị đích thực của xã hội, thế gian, Giáo Hội… Nói tóm lại, tất cả ân sủng đã ban xuống cho nhân loại và tất cả những gì tự do đã gặt hái được đều sẽ biểu lộ.

Phán xét trong Kinh Thánh

Trong Cựu Ước, nguồn gốc của ý niệm phán xét là hy vọng của dân Do Thái coi Giavê như Đấng sẽ xét xử cho mình (Jg 3,9s; Nb 21,14). Lịch sử dân Do Thái được quan niệm như một cuộc phán xét của Giavê sẽ tuyên bố phần thắng lợi cho dân này trước mặt muôn dân (Ex 6,6; 1 Sam 18,17; cfr. Am 5,14.18-20) trong ngày của Giavê.

Các tiên tri dùng nhiều hình ảnh có tính chất phán xét để diễn tả hoạt động cánh chung của Thiên Chúa như hình ảnh một bản án (Os 4,1; Is 1,2.18), một mùa gặt (Is 27,12), một chủ chăn phân biệt chiên với dê (Ez 34,17), người thợ xây trước máy xay (Is 63,1-6). Các ông tả Giavê bừng bừng thịnh nộ, tiếng nói oang oang, mũi phập phồng, tay giơ lên, giận dữ (Is 30,27-30; cfr. Ex 15): đó là lần xuất hiện cuối cùng và định đoạt của Thiên Chúa (Is 24,21-23), có kèm theo sự rung động kinh hoàng của trời và đất (Jr 14,16; Is 34,4).

Thiên Chúa phán xét trước hết để phạt dân Do Thái (Am 5,18s; Is 1,4), các nước láng giềng (Is 13-27), và cả thế giới (So 1,14-18), thứ là để đem lại ơn cứu độ cho nhóm nhỏ trong dân Do Thái (Am 5,15; Is 6,13) để họ là nguồn gốc cho một dân mới (Am 9,11-15; Is 10,20-23). Giavê cũng muốn cứu nước Ai Cập (Is 19,22s), làm cho các dân tộc trở lại (Jr 18,7), và cho một phần các dân tộc ngoại được cứu độ với dân Do Thái. Mục đích của phán xét là hạ kẻ địch xuống, thanh luyện kẻ lành và thiết lập Nước Thiên Chúa.

Các lời giảng dạy trong Tân Ước đều hướng vào sự mong chờ ngày phán xét chung mà Thiên Chúa đã ấn định (Act 17,30s). Ngày ấy sẽ đem lại phần rỗi cho những kẻ trung thành (Lc 18,1-8; 2 Tx 1,5-10) nhưng cũng đem lại diệt vong cho những kẻ chống lại thánh ý Thiên Chúa, dù họ là thiên thần (1 Cr 6,2s; Ap 12,7-9) hay loài người (Rm 2,5; 2 Pr 2,9). Phán xét không những có hiệu quả cho thiên thần và loài người, nhưng cho cả vũ trụ nữa (Mc 13,24; Lc 21,25s; 2 Pr 3,7-13). Phán xét không căn cứ ở tiêu chuẩn quốc gia nhưng tôn giáo và luân lý (Rm 2,6; 2 Cr 5,10). Kết quả là hạnh phúc, bình an và thịnh vượng trong Thiên Chúa hay buồn phiền, sợ hãi đau đớn đời đời (He 9,15; 2 Pr 1,11).

Trong Tân Ước, điều mới mẻ là chính Chúa Kitô đã loan báo nhiều lần về ngày phán xét như một hiện tượng đã gần kề, hoặc trong bài giảng trên núi (Mt 7,24-27), hoặc trong bài giảng về cánh chung (Mc 13), hoặc trong bài giảng cho các tông đồ (Mt 10,28-33) hay cho người Pharisêu (Mt 23,13-35), hoặc trong các dụ ngôn. Chỉ có ai theo và thi hành Lời Chúa thì mới tránh khỏi án phạt, vì thế nên khi loan báo ngày phán xét, Chúa cũng luôn cảnh cáo mọi người: phải coi chừng và tỉnh thức (Mt 13,5.9.23.33.35.37). Đấng loan báo về ngày phán xét cũng là Đấng sẽ đến phán xét (2 Tt 4,1; 1 Pr 1,5). Đây là điểm đặc biệt của Tân Ước. Tân Ước vừa theo tục truyền loan báo Đấng phán xét là Thiên Chúa, vừa quả quyết rằng Chúa Giêsu được Thiên Chúa uỷ cho việc phán xét (Ga 5,22), vì thế mà “ngày của Giavê” trở nên ngày của Chúa (1 Cr 1,8; 1 Tx 5,2; He 10,25). Đấng loan báo chính là Đấng sẽ phán xét làm cho tín hữu thêm lòng cậy trông (Ph 2,12; 3,20).

Theo Tân Ước thì bản án đã thành hình ở hiện tại trong thái độ người ta có đối với Chúa Kitô: Ai xưng Người ra trong giờ quyết định thì được cứu rỗi, ai chối Người sẽ bị ruồng bỏ (Mt 7,22s; 23,31-46; Lc 13,25). Mọi điều lành ở đời này đều làm vì Chúa, mọi điều dữ đều làm chống lại Chúa, cả khi ta không ý thức, và đều ảnh hưởng vào ngày phán xét (Mt 25,40-45). Với thánh Gioan, phán xét đã thể hiện khi phân biệt người lành kẻ dữ (Ga 3,18s; 9,39) vì thế tin hay không tin ở Chúa là ta đã tạo cho ta một bản án rồi (Ga 8,24). Tuy thánh Gioan nhắc đến tính cách hiện tại của sự phán xét, ông cũng nhắc đến một giây phút tỏ bày long trọng của bản án hiện tại khi loài người gặp Con Thiên Chúa trong ngày tận thế (Ga 3,28s; 1 Ga 4,17).

 

Thánh truyền

  1. Các công thức đức tin buổi ban đầu như các kinh Tín Kính từ Đông sang Tây đều nói đến Chúa Kitô “sẽ đến phán xét kẻ sống và kẻ chết” (DS. 10-30). Về sau, các giáo phụ cũng đều nhắc đến không chút hồ nghi tín điều này. Ông Tertullianô trong “Regula Fidei”, thánh Hyppolytô trong “Ad Graecos”, thánh Cyprianô trong “Epistolae” đều tả phán xét như giây phút thưởng công người lành và phạt kẻ dữ. Sau đây, thánh Gioan Damascenô thâu tóm Thánh truyền như sau: “Chúng ta sẽ sống lại… và run sợ ra trước toà Chúa Kitô. Lúc ấy, Satan, ma quỷ và các tay sai cua chúng, nghĩa là Phản Kitô và những người độc ác, không tín ngưỡng sẽ phải ném vào lửa đời đời… trái lại, những người đã làm điều phúc đức sẽ sáng chói như mặt trời và sẽ cùng các thiên thần vào cõi đời đời với Chúa Kitô Chúa chúng ta” (De Fide Orthodoxa 4,27).

Quyền giáo huấn

  1. Các Công đồng từ Nicéa đến Constantinopoli qua Lateranô IV đều tuyên xưng đến ngày tận thế Chúa Kitô sẽ đến “phán xét kẻ sống và kẻ chết” (DS. 801/429). Trong Vaitacan II, có nhiều tài liệu cũng nhắc đến như LG. 48d; 16; GS. 93.
  2. Ai sẽ phải phán xét

Kinh Tín Kính tuyên xưng: Kẻ sống và kẻ chết”. Như vậy, hết mọi người đã chết và giả như có ai trong giờ phút ấy chưa chết, thì cũng sẽ ra trước toà Chúa (1 Cr 15,51-52).

a) Trước hết loài người cách tổng quát như Chúa Kitô nói “người ta” (Mt 12,31.36), “con cái loài người” (Mc 3,28), “mọi người trên mặt đất” (Lc 21,35). Thánh Phaolô dùng những công thức khác nữa như “Do Thái và Hy Lạp”, “người tin và không tin”, “người tự do và nô lệ” (cfr. Rm 2,3; 2 Tx 1,8; Ep 6,8-9).

b) Các dân tộc sẽ xuất hiện với tính cách tập thể trước toà Chúa. Chúa triệu tập “mười hai chi tộc Israel” (Mt 19,28), “các bộ lạc trên trái đất” (24,30), “các dân tộc” (25,32), dân các thành Tyrô, Sidôn, Sodoma, Corozain… (11,21s).

c) Các Kitô hữu. Vì là hình ảnh Chúa Kitô, nên các Kitô hữu sẽ phải xét xử cách riêng. Thánh Phêrô nói đến Chúa phán xét khởi từ nhà mình là Giáo Hội (1 Pr 4,17), thánh Phaolô có vẻ lạc quan, đó là “giờ giải thoát ta khỏi cơn thịnh nộ hòng đến” (1 Tx 1,10; 5,9; Rm 5,9) vì thế mà ông tả trong hai thư cho thành Thessalonica ngày phán xét như ngày vinh quang mong đợi vì lúc ấy “án phạt không có nữa cho những ai ở trong Chúa Giêsu Kitô” (Rm 8,1). Chúa Thánh Thần sẽ là bảo đảm vinh quang của họ (Ep 1,13-14; 4,30). Nhưng người Kitô hữu ở đời này mới được ơn cứu rỗi như một hy vọng (Rm 8,24), vì thế họ phải “run sợ mà lo lắng cứu rỗi bản thân” (Pl 2,12). Thái độ ông khuyên răn là “coi chừng kẻo ngã” (1 Cr 10,1-13), vì ông đã thấy trong Giáo Hội nhiều tội lỗi (1 Cr 6,9-20). Thánh Gioan cũng có một thái độ như thánh Phaolô, vừa coi chừng vừa trông cậy, người có đức tin đã có sự sống đời đời (Ga 5,24; 6,47), nhưng nếu họ không “ở lại trong Chúa”, họ sẽ bị “quăng vào lửa và bị thiêu đốt” (Ga 15,6).

d) Các thiên thần. Tân Ước nói nhiều đến phán xét các thiên thần, nhất là thần dữ. Các thiên thần cũng đã có dịp thi hành tự do của mình là thừa nhận hay khước từ phụng sự Thiên Chúa và Đức Kitô của Người. Ngày phán xét sẽ biểu lộ công khai thái độ tuân phục hay phản loạn trên (1 Cr 6,3; 2 Pr 2,4; Gđ 6). Riêng Satan sẽ phải chứng kiến sự thất bại nhục nhã của mình trước chiến thắng vẻ vang của cây thánh giá. Nó sẽ phải phạt đời đời với bè lũ của nó, nhất là Phản Kitô (Ap 19,17-20).

 

  1. Đối tượng của sự phán xét

Trước hết là thái độ của người ta đối với Chúa, “tuỳ theo ta đối đãi với Người thế nào thì Người cũng sẽ đối đãi với ta như vậy” (Mt 10,32-33). Ai yêu mến Người hơn cha mẹ, hơn đời sống thì Người sẽ yêu mến lại (Mc 8,34; Lc 18,28-30). Ai nghe lời Người (Mt 12,41-42) hay lời môn đệ Người (Mt 10,14s) thì cũng được Người đón nhận. Sở dĩ việc thương xót cứu vớt tha nhân có giá trị là vì Người đồng hoá mình với tha nhân (Mt 15,31-46).

Vì thế, ai tin ở Chúa thì sẽ được thưởng. Cuộc phán xét sẽ phân chia người tin và người không tin (2 Tx 1,7-10). Lý do là ai tin thì ở cùng Người và đã ở cùng Người thì không còn phải sợ gì (Rm 8,1,10,11), ai ở cùng Người thì cũng có Chúa Thánh Thần ở cùng và Chúa Thánh Thần chính là “ấn chứng cho ngày cứu rỗi” (Ep 4,30). Do đó, thánh Gioan cho rằng kẻ từ chối không tin ở Chúa thì không còn có phương thế nào cứu chữa được (Ga 10,38; 14,11).

Nhưng đức tin phải đưa đến việc làm, vì thế việc làm của mỗi người là đối tượng chính của giờ phán xét. “Hết thảy mọi người sẽ phải ra trước toà Chúa Kitô để lãnh lấy thành quả đời sống mình trong thân xác, xứng với các việc mình đã làm, hoặc lành hoặc dữ” (2 Cr 5,10). Những khả năng và của cải Chúa ban thì ta phải coi như nén bạc Chúa trao để làm sinh sôi nẩy nở chứ không phải để chôn vùi một nơi (Mt 15,25s).

Không những phải có việc làm, cũng phải có lương tâm trong sạch. Tâm khảm là nguồn mọi tội ác (Mt 5,21a), ý hướng xấu làm hư hỏng những việc bề ngoài xem ra tốt (Mt 6,4.6.18). Theo thánh Phaolô, thì với người ngoại, lương tâm sẽ biện hộ hay cáo tội họ (Rm 2,15). Người khuyên mọi người phải “cắt bì trong lòng” (Rm 2,29) nghĩa là phải thanh tẩy bề trong hơn là bề ngoài.

 

  1. Diễn tiến của ngày phán xét

Thời giờ: Vì là ngày chung cục, nên ngày ấy không tách biệt với ngày “quang lâm”, “ngày của Giavê”, “ngày của Chúa”. Này ấy là ngày “tóm lược” của lịch sử, cho nên lịch sử đã hoàn tất mới có thể khai mào việc phán xét được (cfr. Ap 14,14s; Mt 10,15; 11,24; 12,36; 2 Pr 2,9; 1 Ga 4,17).

Nơi chốn: Căn cứ vào Gioel (3,2-12), người ta đã nghĩ rằng phán xét sẽ diễn ra ở thung lũng Yosaphát. Ngày nay các nhà chú giải Kinh Thánh đều cho rằng tiếng Yosaphát chỉ có nghĩa là “Giavê phán xét thôi”. Sách Zacharia (14,4) cũng nói đến vườn Cây Dầu, nhưng vườn Cây Dầu là lý do phán xét thế gian hơn là nơi phán xét. Còn Tân Ước (Mt 25,31s; Act 1,11; 1 Tx 4,15-17) nói phán xét sẽ xảy ra trên trái đất thì ta cũng phải e dè đâu là ý nghĩa thật, vì phán xét chỉ xảy ra sau tận cùng thế giới khi mọi người đã sống lại trong một trời mới và một đất mới, nên khó mà quy định gì trong trái đất hiện nay.

Cách thức: Khi tả về quang cảnh ngày phán xét, Tân Ước đã dùng những hình ảnh huy hoàng của loại văn khải huyền như mây, lửa, thiên thần, tiếng loa… nhưng đó chỉ là hình ảnh.

Điều căn bản về ngày phán xét là mạc khải về sự công bình của Thiên Chúa, Người sẽ cho mọi người thấy rõ tội phúc một cách hết sức quang minh. Thánh Augustinô giải thích: “Chúng ta có thể hiểu có một sức lực thần linh nào đó khiến cho mọi người nhớ đến hành vi lành dữ của mình đã làm. Với một tốc độ linh diệu, trí khôn sẽ trực giác điều đó để cho hiểu biết tố cáo hay bầu chữa lương tâm, và như vậy hết thảy mọi người đều đồng thời bị phán xét (De Civitate Dei 22,14). Có tác giả nói tới hiện tượng “tự phán” (Autojudicium) nghĩa là mỗi người sẽ nhận thấy mình đã chọn một số phận và số phận ấy là thế nào. Thánh Gioan nói tới một phân chia (Krisis) giữa lành và dữ và một bày tỏ (ephanérosis) của sự lành và sự dữ. Nói tóm lại, mọi người sẽ nhận biết và sẽ xuất hiện trước mặt thiên hạ ở tình trạng thật của ả đời mình tạo nên.

 

Suy luận thần học

  1. Phán xét chung là giai đoạn quan hệ trong lịch trình cứu chuộc đó là “giai đoạn áp chót” khi Chúa Kitô, sau khi đã quy phục mọi loài thụ sinh dưới chân Người, thì trao lại vương quyền cho Chúa Cha (cfr. 1 Cr 15,24-28). Đó là giờ tỏ bày đầy đủ hiệu quả của ơn cứu chuộc; lúc ấy, thiên hạ sẽ thấy một thụ sinh là Chúa Kitô, đạt tới tuyệt đỉnh cao sang ở trên chỉ còn có Tam Vị Nhất Thể; lúc ấy Chúa Kitô sẽ mạc khải cho ta thấy bên trong của Người là Ngôi Hiệp và bên ngoài của Người là Giáo Hội; Người sẽ trao Giáo Hội mà Người đã giành từ tay Satan cho Thiên Chúa; sau đó vai trò cứu chuộc chấm dứt và Người chỉ còn là trung gian về tử hệ giữa Thiên Chúa và loài người thôi (meditation de filiation).

    Ngày phán xét chung sẽ là giờ sự thật cho thế gian. Thật vậy, ở đời này, nhiều lần người ăn ngay ở lành xem ra như ngu muội, hèn kém, kẻ ác đức xem ra như người hiểu biết tinh khôn; sự giả hình dễ đánh lừa xã hội và khéo tước đoạt công nghiệp của nhân đức; trái lại người thánh thiện dễ bị hiểu lầm và thường bị người đời khinh bỉ. Vì thế, cần phải có một cuộc phán xét để chứng tỏ rằng sự công chính bao giờ rút cục cũng vẫn có lý và tội ác bao giờ cũng vẫn là sự điên rồ. Phán xét ban cho lịch sử một ý nghĩa riêng biệt: đó là chỉ có sự thiện mới đưa đến thành công thật, còn tội ác chỉ là mầm mống cho sự tiêu diệt mà thôi. Như vậy, giờ phán xét cũng là giờ thống nhất mọi sự trong Thiên Chúa. Thật vậy, bè lũ Satan sẽ bị tiêu diệt, tội ác sẽ không còn nữa, trong “đất mới” sẽ chỉ có yêu thương hoà đồng và hợp nhất mà thôi.

    Ngày phán xét sẽ tỏ cho muôn dân biết sự công bình của Thiên Chúa đối với các dân tộc và các cá nhân. Người sẽ cho thấy nguyên nhân của mọi biến cố, đường lối bí nhiệm của Chúa quan phòng, những đòi hỏi của ân sủng và đáp ứng của tự do các cá nhân, những gì thành cong đều bởi ơn Chúa, những gì thất bại đều do con người. Đường lối của Thiên Chúa trước kia vô lý, vô hiệu, kẻ vô tội trước kia chịu cơ cực thất bại vì phải theo con đường thập giá thì nay được minh oan. Trái lại, kẻ bị luận phạt cũng phải công nhận Thiên Chúa nhân từ và công chính vì Người đã tôn trọng tự do của họ; nhưng vì họ đã từ chối ân sủng, họ sẽ chẳng đem theo được gì xuống địa ngục ngoài chính bản thân họ như họ đã muốn.

    Sau hết, dù sau khi chết mọi người đã phải chịu phán xét riêng, phán xét chung trong ngày tận thế cũng không vô ích. Đã đành ân xử trong lúc phán xét riêng sẽ không thay đổi, nhưng bản án ấy còn thiếu nhiều yếu tố như quốc gia, chủng tộc, văn minh, tổ chức… trong đó mỗi cá nhân sinh sống, vì con người không thể tách biệt khỏi xã hội được. Có thể nói: mỗi người, một phần nào, là kết quả của cả lịch sử xã hội mình trong quá khứ, và sẽ có ảnh hưởng vào tương lai của xã hội ấy. Thí dụ như một người viết một cuốn sách, lập một dòng tu, một đảng chính trị. Những việc trên có một quá khứ lâu dài hơn một cá nhân và có những dư âm trong xã hội lâu hơn đời của cá nhân ấy. Vì thế để phân phối trách nhiệm ác cá nhân do ảnh hưởng của việc làm của họ trong xã hội thì phải chờ đến ngày chung thẩm. Ai bước vào gia phả của Chúa Kitô, hay gia phả của Satan đều phải nhìn theo toàn thể gia phả vì như chúng ta biết “ân sủng này sinh ân sủng khác” và “tội ác sinh tội ác”. Phải có phán xét chung thì mới thẩm xét được về trách nhiệm lịch sử của con người.

    Các nhà thần học còn nghĩ rằng: Cần phải có phán xét chung thì sự thưởng phạt mới đầy đủ, vì thứ nhất là lúc ấy con người mới kết hợp với xác mình, thứ hai là sẽ thông phần vào số phận của toàn thể loài người. Trong phán xét riêng, mỗi người biết số phận mình, phải chờ phán xét chung thì tất cả nhân loại mới biết số phận mình, lúc ấy người lành mới dứt khoát tách biệt khỏi kẻ dữ.

  2. Cùng tận hay đổi mới
  3. Tuy không có bản văn nào của quyền giảng dạy nói rõ về sự đổi mới của vũ trụ trong ngày phán xét, nhưng đó là đạo lý đã được diễn ta rõ ràng trong Thánh Kinh và Thánh Truyền.

Thánh Kinh

Trong khi nói về quang lâm và ngày phán xét, chúng ta đã đề cập đến những đoạn Thánh Kinh nói về vấn đề này vì cánh chung nhìn ở Chúa Kitô thì là quang lâm, nhìn ở nhân loại thì là phán xét và nhìn ở vũ trụ là đổi mới. Sau đây, chúng tôi chỉ nói sơ qua đến mấy bản văn chính về vấn đề này. Chúa Giêsu đã tiên đoái “trời đất” sẽ bị huỷ diệt (Mt 5,18; 28,20; Mc 13,31; Lc 16,17; 21,23), nhưng Người cũng báo sẽ có một thế giới mới, một sự “sinh lại” và một “biến đổi” vũ trụ trong ngày quang lâm (Mt 19,28). Theo thánh Phaolô thì tạo vật chờ ngày giải thoát và hướng về ngày kiện toàn (Rm 8,19-23). “Khuôn mặt thế gian qua đi” (1 Cr 7,32) nhưng chúng ta đợi “một trời mới và một đất mới là nơi có sự công chính” (cfr. 2 Pr 3,7). Và thánh Gioan loan báo: “Một trời mới và một đất mới… và Đấng ngồi trên ngai phán: ‘Này Ta sẽ đổi mới mọi sự’” (Ap 21,1.5).

 

Thánh Truyền

  1. Các giáo phụ căn cứ vào Thánh Kinh đều nói đến một biến đổi, một canh tân, một trẻ trung hoá vũ trụ. Một vài vị thánh như Giustinô, ông Tertullianô, thánh Clementê Alexandrinô, vì chịu ảnh hưởng ngoại giáo của thời đại, nên đã nói tới một cuộc tàn phá bằng lửa. Một số khác chịu ảnh hưởng Do Thái của thời kỳ sau lưu đày đã tưởng rằng “Giêrusalem trên trời” sẽ đưa xuống dưới trần để nên một nơi cư ngụ lý tưởng, nhưng vẫn chỉ là một nơi cư ngụ trần thế cho các thánh mà thôi. Phần lớn cho rằng biến đổi trên dứt khoát một lần mà thôi. Chỉ có một nhóm nhỏ, dẫn đầu là ông Origènes, vì ảnh hưởng triết lý Platon, nên nghĩ rằng vũ trụ sẽ luân hồi tái sinh. Một nhóm tin ở thuyết thiên niên, nghĩa là các thánh sẽ sống lại trong một thế giới trần tục nhưng đổi mới trong một ngàn năm trước khi được hưởng thiên đàng. Dù quan niệm thế nào, có một ý tưởng dứt khoát trong các giáo phụ: đó là việc đổi mới vũ trụ. Thánh Basiliô viết: “Mọi tạo vật hữu hình sẽ đổi mới với chúng ta” (PG. 29,390). Thánh Augustinô giải thích: “Phàn xét xong rồi, trời này và đất này sẽ chấm dứt, và khi ấy bắt đầu có một trời mới và một đất mới, vì thế giới này qua đi bằng cách đổi khác chứ không phải bằng cách tiêu huỷ hoàn toàn” (De civitate Dei PL. 41,679). Nhất là thánh Augustinô đã cho thấy sự đổi mới vũ trụ là cần thiết cho việc thân xác đổi mới sống lại: “Hoả hoạn thế giới sẽ thiêu huỷ tận gốc những tính chất của các yếu tố hư nát thích hợp với thân xác hư nát của chúng ta, để rồi các yếu tố ấy sẽ nhận được những tính chất thích hợp với thân thể bất diệt. Như vậy, thế giới đổi mới tốt đẹp để thích hợp với con người đã đổi mới trong một thân thể tốt đẹp hơn” (PL. 41,682).

Quyền giáo huấn

  1. Như đã nói ở trên, quyền giáo huấn không có một xác định theo nghĩa một định tín bao giờ. Nhưng Công đồng Constantinopoli II (năm 553) cũng đã nói tơi trong tương lai vẫn còn vật chất. Vatican II cũng quả quyết: “Chắc chắn hình ảnh của một thế giới lệch lạc vì tội lỗi sẽ qua đi, nhưng chúng ta cũng biết rằng Thiên Chúa đã dọn sẵn một chỗ ở mới và một đất mới, nơi công bằng ngự trị” (GS. 39s).

Suy luận thần học

  1. Lý do cuộc đổi mới
  2. Lý do cuộc đổi mới có thể căn cứ ở tương quan giữa Chúa Kitô và vũ trụ và giữa con người và vũ trụ.

a) Giữa Chúa Kitô và vũ trụ

Khi Chúa Kitô nhập thể và phục sinh, Người đã thấm nhuần vũ trụ một tiềm năng sống lại. Thánh Ambrosiô viết: “Nơi Người, thế giới đã sống lại, nơi Người địa cầu đã sống lại, vậy sẽ có trời mới và đất mới” (PL. 16,1344). Theo Cl 1,16 thì mọi sự đều được tạo dựng trong, bởi và cho Chúa Kitô nên nếu Người sống lại không chết nữa, thì muôn vật cũng sẽ tồn tại. Mặt khác, Chúa Kitô không những là “trưởng tử giữa kẻ chết”, mà còn là “trưởng tử giữa muôn vật”, vì thế nếu Người là nguyên nhân sống lại cho loài người, thì cũng là nguyên nhân cho tạo vật đổi mới. Sau hết, thần học thường coi Chúa Kitô như vừa là nguyên nhân tác thành, vừa là nguyên nhân mô phạm, vừa là nguyên nhân mục đích của vũ trụ. Do đó, tạo vật tuỳ theo khả năng, sẽ phải bắt chước Chúa chết đi và sống lại. “Chính Thiên Chúa muốn thâu tóm vũ trụ lại trong Chúa Kitô thành một tạo vật mới, khởi sự ở trần gian và hoàn tất trong ngày sau hết” (Tông đồ giáo dân, số 5). Nói khác đi, ngày cánh chung, không những Chúa giữ cho muôn vật hiện hữu mà còn nâng lên một bậc hiện hữu tốt đẹp hơn.

b) Giữa con người và vũ trụ

Người ta thường quan niệm sự vật trần gian như phần thân thể “nối tiếp” của con người, vì nhờ có chúng, hoạt động của chúng ta trở nên muôn phần hữu hiệu hơn; mặt khác, Thiên Chúa đã ban mọi loài cho con người (cfr. Gen 1,28; 2,19) để họ làm chủ và là mục đích để muôn vật hướng vào; vì thế “tạo vật nao nức mong đợi sự tỏ hiện của con cái Chúa” (Rm 8,19), để một khi họ đã được giải thoát thì tạo vật cũng trải qua từ sự hư nát đến vinh quang (Rm 8,21). Thánh Tôma đã quan niệm như vậy. Ông viết: “Vì tất cả thực tại hữu hình một phần nào đã được dựng nên cho con người, vì thế tạo vật đổi mới tình trạng cho cân xứng với loài người lúc ấy là điều thích hợp… con người không những được giải thoát khỏi sự hư nát, mà còn được mặc lấy vinh quang nên các vật hữu hình cũng sẽ được một thứ vinh quang theo như khả năng mình có” (Contra Gentes IV, c. 97). Sau hết, Vatican II cũng quả quyết như vậy: “Khi thời cải tạo mọi sự đến (Act 3,21), toàn thể vũ trụ và loài người sẽ được thiết lập trọn vẹn trong Chúa Kitô vì vũ trụ liên kết mật thiết với con người, và nhờ con người đạt đến mục đích của mình” (LG. 48a. cfr. GS. 39a).

  • Cách đổi mới
  • Trước hết, phải nói đến cách mà Kinh Thánh diễn tả với màu sắc khải huyền. Trong Cựu Ước, ngày ấy “trái đất sẽ vỡ tan, địa cầu đổ nát, đất liền rung chuyển…” (Is 24,19), “ngày đó, ngày phẫn nộ, ngày tai nạn, đau khổ, ngày khốn đốn sầu thương…” (Soph 1,15). Trong Tân Ước, bản văn tiêu biểu nhất là 2 Pr 3,10-13: “Các tầng trời sẽ qua đi trong sự rung chuyển mạnh mẽ, các vật đều tan biến vì sức nóng, còn trái đất và mọi công trình trong đó đều bị tiêu huỷ… và chúng ta, căn cứ vào lời Chúa hứa, mong đợi trời mới đất mới và nơi có đầy đủ sự công bình”. Ta không có thể hiểu theo nghĩa đen tất cả các hình ảnh ấy. Dẫu sao, nhiều nhà thần học nghĩ rằng có sự tiêu diệt tất cả những gì gây nên do tội lỗi và bất chính trên địa cầu trước khi có “trời mới đất mới”. Còn các hình ảnh kinh hoàng chỉ nhằm mục đích diễn tả uy quyền của Thiên Chúa có sực tiêu diệt và luyện lọc mọi sự một cách hiệu năng mà thôi.

    Còn cách đổi mới theo ngôn từ triết học ngày nay đã được K. Rahner trình bày như sau: Vũ trụ sẽ hoàn tất theo hai phương diện: nội tại và ngoại tại. Thật vậy, như ta đã thấy, không thể tách biệt vũ trụ với con người, vì thế phải nhìn vũ trụ là một “vũ trụ nhân bản”, nói khác đi một vũ trụ hướng dẫn bởi “một tinh thần nhập thể tự do” (un esprit in carné libre). Như thế, chính vũ trụ phải giữ vai trò chủ động trong lúc tiến về cứu cánh nhờ ở con người. Nhưng cứu cánh ấy vượt quá khả năng của con người, vì vậy, để công việc được thành tựu, cần phải có Thiên Chúa giúp đỡ. Hoạt động trợ lực của Thiên Chúa không phải là một cái gì cộng thêm vào hoạt động của tạo vật, nhưng là hoạt động trong chính hoạt động cua tạo vật để nâng từ bên trong hoạt động ấy lên một mức độ hiệu nghiệm hoàn hảo hơn. Vì thế, trong công cuộc tiến về chung cục, tuy có hai nguyên nhân, nhưng vẫn có một kết quả. Nói khác đi, khi một hữu thể tự do tiến đến viên mãn, ta phải công nhận “sự hoàn tất nội tại của lịch sử một tinh thần có tự do, đó chính là một cách hoàn tất ngoại tại”, và ngược lại “sự hoàn tất ngoại tại của một nhân vị tự do, đó chính là cách hoàn tất thực sự nội tại duy nhất” (Ecrits theologiques vol. 10, 1970, p. 123-140).

    Trong cuộc “thần hoá” con người và vũ trụ, nguyên lý hướng về sự thành tựu là chính Thiên Chúa ở tự tại. Vì thế nơi con người và vũ trụ, Thiên Chúa hướng về chính mình qua lịch sử, kéo theo trong chiều hướng ấy cả vạn vật. Do đó vũ trụ liên đới với tinh thần và được tinh thần làm cho sống động: con người có xác có ồn tiêu biểu cho liên đới nói trên. Từ lúc ban đầu, Đấng sáng tạo đã ban cho vũ trụ một tiềm năng hướng về cứu cánh, cho đến khi đạt đến chung cục, Thiên Chúa sẽ thần hoá nó theo như tiềm năng nói trên mà các nhà thần học gọi là “khả năng tuân mệnh” (potentia obedientialis). Vì thế cả vũ trụ và con người đều đi đến hoàn tất vừa nội tại vừa ngoại tại; nó đang “chín” như quả trên cành, nhưng con người chẳng có tiêu chuẩn nào để phỏng đoán lúc nào thì sẽ chín muồi và lúc nào sẽ gặt hái.

  • Liên hệ giữa trời đất cũ và trời đất mới
  • Nhân loại phục sinh sẽ sinh tồn trong một khung cảnh vật chất vì thế vũ trụ hiện tại phải biến đổi cho thích hợp với tình trạng phục sinh của con người. Hiến chế Gautium et Spes quả quyết trần gian đang có sẽ được giải thoát khỏi ách nô lệ của sự biến đổi chứ không phải một tạo vật khác (số 39). Hiến chế còn đi xa hơn nữa: “Mọi giá trị về nhân bản hiệp thông huynh đệ và về tự do, nghĩa là mọi thành quả tốt đẹp do bản tính và hành động con người đem lại, thì chúng ta sẽ gặp lại sau khi chúng được thanh tẩy khỏi mọi tì ố, được chiếu sáng và biến đổi”.

    Như trên, trời đất mới vẫn là trời đất cũ, nhưng đã được đổi mới. Có một sự liên tục, nhưng cũng có một khác biệt giữa hai tình trạng ấy. Thần học “các thực tại trần gian” nhấn mạnh ở khía cạnh liên tục: con người, nhờ ơn sủng hỗ trợ, sẽ dùng tài trí và lao lực của mình để đưa vũ trụ và xã hội đến một tình trạng hoàn mỹ xứng đáng với hy vọng hạnh phúc của con người. Họ bị phê bình là lẫn lộn bình diện tự nhiên và siêu nhiên, lãnh vực sinh lý và lịch sử, nhân quả định chế và tự do. Thần học “cánh chung” nêu lên sự khác biệt: vũ trụ này sẽ tan đi và Thiên Chúa sẽ “tái tạo” một vũ trụ mới vì con người phục sinh sẽ trở nên “thần thiêng” phải có một vũ trụ “thần thiêng” thì mới là môi trường thích hợp. Họ bị chê trách là khinh chê các giá trị vật chất, bỏ quên các nỗ lực của con người để làm cho vật chất và xã hội phát triển và thu hẹp định mệnh của con người vào việc lập công cho linh hồn mà thôi. Rm 8,19-22 có vẻ thiên về sự liên tục, nhưng 1 Cr 7,31; 2 Pr 3,12-15 và Ap 21,1-2 lại thiên về khác biệt. Trong Vatican II, các nghị phụ tỏ ra muốn giữ quân bình giữa hai khuynh hướng, vì thế sau khi trích dẫn Ep 1,10 và Cl 1,20 nghiêng về liên tục thì đã trích dẫn 2 Pr 3,12-15 nghiêng về khác biệt (LG. 48a). Hiến chế Gaudium et Spes, sau khi nhắc đến các nỗ lực của con người để xây dựng trần thế là đóng góp vào ngày cánh chung, cũng thêm một nhận xét: “Tuy nhiên, phải phân biệt rõ rệt trong tiến bộ trần thế với sự bành trướng của nước Chúa Kitô (GS. 39b).

    Như vậy, phải nhận có liên tục và có khác biệt, nhưng liên tục như thế nào và khác biệt làm sao thì chưa có giải đáp thoả đáng. Người ta không có giải đáp thoả đáng vì nhiều lý do. Trước hết, mạc khải không cho biết gì về vũ trụ học của thế giới vì thế tất cả những ý tưởng chúng ta có “chỉ là phỏng đoán chứ không phải lý luận khoa học” (Albertô Magnô Jn 4 Sententia, ca. 47, a.7), thế giới mới chưa có nên chưa có ai đã có kinh nghiệm. Mặt khác, tư tưởng nhị nguyên của văn minh Hy Lạp dù muốn dù không đã ảnh hưởng nặng nề vào cách suy tưởng của các nhà thần học Kitô giáo, nên họ khó mà hiểu được một thế giới vật chất có thể “linh thiêng hoá” như thế nào. Trong Kinh Thánh, tuy cũng có phân chia vật chất và tinh thần, và vật chất cũng thường đối nghịch với tinh thần, như vật chất là yếu đuối, tối tăm, hư hỏng và tinh thần là sức mạnh, ánh sáng, vững bền… Nhưng trong Kinh Thánh, nếu vật chất được “thần khí” linh hoạt thì nó cũng có thể “thần hoá”. Trường hợp điển hình là thân xác Chúa Kitô sau ngày phục sinh. Vì thế mà thánh Phaolô đã quả quyết “nếu có thể xác súc sinh thì cũng có thể xác linh thiêng (pneumatikón)” (1 Cr 15,44). Quan niệm này hình như khoa học ngày nay cũng biện hộ, thật vậy, các tiến bộ của khoa học cho thấy càng ngày người ta càng nhận thấy biên giới giữa tinh thần và vật chất hầu như biến mất, và chúng có vẻ như là hai khuôn mặt của một thực tại mà thôi.

    Với người tín hữu, hai hiện tượng có thể tiêu biểu cho biến đổi thời cánh chung, đó là phép lạ và bí tích. Phép lạ cho biết ảnh hưởng của tinh thần trên vật chất to lớn như thế nào. Các luật tự nhiên có thể đảo lộn để vật chất có thể tỏ ra sự hiện diện của Thiên Chúa. Còn trong bí tích, vật chất không những có thể tiêu biểu mà còn là nguyên nhân dụng dụ cho ân sủng: nhất là trong bí tích Thánh Thể, vật chất còn có thể trở nên Mình Máu Chúa để làm của ăn thiêng liêng nuôi linh hồn người ta. Như trên, ta thấy Thiên Chúa đặt trong vật chất một tiềm năng thật lớn lao, dù chỉ là khả năng tuân mệnh. Như vậy, chúng ta chưa biết vật chất sẽ có thể trở nên như thế nào và “linh hoá” hay “nhân hoá” đến đâu. Vì thế con người càng phải say sưa góp phần vào việc “nhân hoá” ấy, để chóng đưa vũ trụ đến ngày cánh chung.

  • Sự chết
  • Con người đi vào cuộc đời là để mà chết, vì thế chúng ta sẽ không hiểu con người là gì nếu không tìm hiểu sự chết, hay ngược lại, chúng ta sẽ không hiểu sự chết là gì nếu chúng ta không có một quan niệm về nhân loại học. Sau đây chúng tôi sẽ trình bày quan niệm về sự chết trong nhãn quan của Do Thái – Kitô giáo.

Sự chết trong Cựu Ước

Cái nhìn của người Do Thái là một cái nhìn theo tôn giáo, các đặc điểm của cái nhìn ấy như sau:

 

  1. Hiện tượng chết
  2. Người Do Thái nhìn sự sống và sự chết như hai lãnh vực đối lập nhau. Lãnh vực của sự chết gọi là “shéôl” (một nơi buồn thảm). Nơi này cũng giống như thế giới người sống, có nhà (Jb 17,13), có phòng (Pr 7,27), có cửa (Jb 38,17). Nơi này ở dưới trái đất, nhưng giới hạn của nó luôn có xu hướng mở rộng ra, vì thế mà mồ mả, vực thẳm, sa mạc và biển cả cũng được coi như tiêu biểu của sự chết. Cả những lúc sự sống không dồi dào, vững chắc thì hình như lãnh vực của sự chết cũng tràn vào thế giới người sống như khi bệnh tật (Ps 13,22; 30,38), tù đày (Ps 142;143), sự ghen ghét của quân thù (Ps 18,144), hoạn nạn, nghèo đói… Nhất là những người tội lỗi thì dù còn sống cũng đã ở trong shéôl rồi.

    Vì quan niệm sự chết như một lãnh vực, nên bản tính sự chết cũng có kích thước không gian. Chết là từ biệt thế giới người sống, là cùng tận không thể tránh. Ai đã vào shéôl thì không còn ra được nữa (Jb 3,11s; 7,9s), đó là một nơi quên lãng (Ps 88,13; Qo 9,5), một ngục tù (Qo 9,10), một nơi khủng khiếp (Ps 116,3), đầy bụi bặm (Ps 22,30; 30,10) và tối đen (Ps 88,7; Jb 18,18). Ở đó người ta không còn ca tụng Giavê nữa vì người ta ở xa Người.

  3. Con người trước sự chết
  4. Con người có sinh là có tử (Qo 3,2). Đời người như “nước chảy trên mặt đất” (2 S 14,14), như “cỏ héo đi” (Is 40,6s), như “giấc mơ ban mai” (Ps 90,5), con người là tro bụi, nên sẽ trở thành tro bụi khi Thiên Chúa rút sức sống của Người ra (G 2,7; 3,19).

    Người Do Thái nghĩ rằng họ chỉ có thể kiện toàn bản thân ở đời này vì thế chỉ khi nào cùng cực lắm họ mới mong sự chết (Gr 8,3; 20,14-18; Qo 4,1-3), nhưng họ chấp nhận sự chết như một ân huệ của Thiên Chúa (2 S 12,13-24). Họ nghĩ rằng kẻ lành sẽ được sống lâu để hưởng hạnh phúc của đời mình (Ex 20,12; Dt 5,16). Các tổ phụ đều có “một tuổi già sung sướng” (Gn 15,15; Ương 8,32), đều “tuổi tác và no đủ ngày tháng (Gn 25,8; 35,29). Ngày cứu rỗi đối với người Do Thái cũng chỉ là “được sống lâu hạnh phúc” (Is 65,20.22).

    Như trên, chết sớm sẽ không còn cho phép con người kiện toàn bản thân nữa; vì thế “chết giữa đời mình” (Ps 102,25) là “tai vạ lớn nhất cho một người”. Người ta cầu xin Giavê đừng để họ phải chịu cảnh ấy (2 R 20,6; Ps 26,9) vì Người có quyền trên sự sống và sự chết (Dt 32,39). Do đó, được sống lâu là nhờ ở sự vâng lời Giavê (Dt 8,3; 30,15-20) và ở sự “khôn ngoan” (Ps 8,36; 10,27; 13,14).

    Ý nghĩ về sự thưởng phạt ở đời này như trên và kinh nghiệm thường ngày luôn trái với ý nghĩ ấy đã làm xao xuyến tâm hồn người đạo đức của Cựu Ước (cfr. Ps 49,8s; 73,2s). Xao xuyến trên đưa đến thái độ âm thầm vâng phục Giavê của ông Gióp (Jb 40,1s; 42,1s), và nhẫn nại chấp nhận của sách Ecclesiaste.

  5. Giavê và sự chết
  6. Tin tưởng đau buồn nhất của Cựu Ước là tuy Giavê là Chúa của shéôl và của sự chết (Am 9,2; Ps 139,8), nhưng Người không còn nhớ tới người chết nữa (Ps 88,6). Trong shéôl, người ta không còn ca tụng Giavê nữa, vì thế sự ca tụng Giavê là dấu chỉ sự sống (Ps 6,6.8; 30,10; Si 17,27s).

    Sự thờ phượng Giavê là nguồn sự sống và chỉ có trong giữa người sống, còn người chết thì phải loại trừ. Giữa sự sống và sự chết có sự đối lập của sự trong sạch và sự ô uế. Sự chết được coi như nguồn gốc của mọi sự ô uế. Vì phải chống trả xu hướng thờ người chết, trong dân Do Thái sự chết chẳng bao giờ được sát nhập vào tín ngưỡng một cách tích cực. Làm thế nào họ có thể duy nhất nhân sinh quan? Trước hết, ta nên biết rằng: người Do Thái kinh nghiệm sự chết không với tính cách cá nhân, nhưng như phần tử của một dân tộc đã được Giavê hứa cho tồn tại ở con cháu (Gn 12,7; 22,17), người ta chua xót vì phải chết, nhưng niềm tin trên không bao giờ lay chuyển. Mặt khác, người Do Thái xưa có một khả năng lạ lùng để đối đầu với các thực tại tiêu cực khi họ không có thể chấp nhận nổi ở phạm vi tinh thần. Lời ông Gióp: “Nếu ta nhận hạnh phúc như một ân huệ của Thiên Chúa, tại sao ta lại không chấp nhận tai vạ?” (2,10) nói lên rất đúng tâm trạng người Do Thái trước sự chết. Trước “bất lực để khuất phục sự chất bằng ý thức hệ và thần thoại, dân Do Thái đã chứng tỏ một sứ khuất phục duy nhất trong lịch sử tôn giáo, trước thực tại của sự chết” (Vonrad, Theologie de l’A.T. I,338). Với người Do Thái, quyền lực của sự chết là chính quyền lực của Thiên Chúa, nó không làm cho họ hồ nghi về Người, mà còn làm cho họ nhớ đến Người nữa (cfr. Ps 90,12).

    Tư tưởng Giavê sẽ giải thoát cá nhân và dân tộc khỏi sự chết (Ez 37; Ps 49) chỉ xuất hiện sau lưu đày khi đã có một biến đổi sâu xa trong quan niệm về vũ trụ và về cánh chung và khi người ta đã tin có sự sống lại (Dn 12,2).

Sự chết trong Tân Ước

  1. Như Cựu Ước chỉ nhìn sự chết trong tương quan với Giavê, Tân Ước chỉ nhìn sự chết trong tương quan với Chúa Giêsu, nghĩa là trong tương quan với sự thắng trận của Người.
  2. Phúc Âm nhất lãm

Phúc Âm, khi nói đến sự chết, thường là ở trong bối cảnh sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu, vì thế sứ điệp lúc nào cũng không quên lời hứa loài người sẽ được sống lại và Nước Thiên Chúa đã đến gần.

Những người nghe sứ điệp Phúc Âm đã ngồi trong bóng tối sự chết (cfr. Is 8,23). Nhưng nay Chúa Giêsu đã đến hoàn tất lời hứa của tiên tri Isaia (Mt 11,5; Lc 7,22): Người chữa lành tật bệnh, Người cho kẻ chết sống lại… Đó là những dấu hiệu nhãn tiền về ơn cứu độ cho những ai có lòng tin (Mc 5,36). Với mầu nhiệm sống lại, sự chết trở nên một giấc ngủ (Mc 5,39) một sự trở về của đứa con phung phá, một bước vào đời sống thật.

Chúa Giêsu đã theo con đường thập giá và sự chết để đi đến sống lại vinh quang (Lc 24,26). Môn đệ Người cũng phải bước theo con đường ấy (Mc 8,34), nghĩa là phải chấp nhận sự chết bất cứ dưới hình thức nào. Đó là quy luật nền tảng của người Kitô hữu mà Chúa Giêsu luôn nhắc tới trong câu Phúc Âm sau: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, nhưng ai mất mạng sống mình vì Ta… sẽ tìm thấy nó” (Mt 10,39; 16,25; Mc 8,35; Lc 9,24; 17,33; Ga 12,25).

 

  1. Thánh Phaolô
  2. Thánh này nhìn Ađam cũ và nhân loại bởi ông mà ra như là phàm trần và phải chết. Nhưng nếu Ađam cũ và nhân loại phải chết, đó là vì tội lỗi của Ađam và của mỗi người trong nhân loại (Rm 5,12; 3,23). Sự chết là kết quả và là lời lãi của tội lỗi (Rm 6,16; 21,25). Nhưng tội lỗi gặp thấy ở con người một đồng loã: sự tham lam (Rm 7,7). Sự tham lam đưa đến sự tội và sự tội đưa đến sự chết. “Dục vọng là sự chết và làm sinh sôi cho sự chết” (Rm 7,5; 8,6). Vì thế mà thân xác ta là tạo vật của Thiên Chúa đã trở nên “thân xác của sự chết” (Rm 7,24). Trong cuộc chiến chống lại sự chết, lề luật đã được đưa ra như một khí giới; nhưng tội lỗi đã lợi dụng lề luật để đưa con người đến sự chết một cách hiệu quả hơn và vì thế lề luật đã trở nên “sức mạnh của tội lỗi” (1 Cr 15,56). Thật vậy, lề luật ở tự nó thánh và thần thiêng, (Rm 7,12.14), nhưng chữa lề luật không đem lại sức mạnh của Thánh Thần, mà chỉ là công bộc cho sự chết thôi (2 Cr 3,7). Để cứu vớt con người bị án phạt của lề luật, Chúa Kitô sinh trong lề luật (Gs 4,4) và mặc lấy “một xác thịt giống như xác thịt tội lỗi” (Rm 8,3). Vì thế Người trở nên liên đới với loài người. “Thiên Chúa đã coi Người như tội lỗi vì ta” (2 Cr 5,21), Người đã chịu lấy phần phạt mà tội loài người đã đáng phải chịu, do đó sự chết của Người là “chết cho tội lỗi” (Rm 6,10), tuy rằng Người vô tội, vì Người đã nhận lấy đến cùng thân phận người tội lỗi. Người đã “nếm sự chết” như mọi người (He 1,18; 2,8s). Nhưng sự chết của Chúa Giêsu tuy bên ngoài là một hình phạt tội lỗi, mà thật ra là một lễ tế đền tạ (Heh 9). Người chết thay cho ta (1 Tx 5,10), để cho ta một dấu về tình yêu cao cả của Người (Rm 5,7). Người đã chết vì tội lỗi chúng ta (1 Cl 15,3) nên Người đã làm hoà chúng ta với Thiên Chúa (Rm 5,10) và cho chúng ta được hưởng gia tài Thiên Chúa đã hứa ban (He 9,15s). Nhờ sự chết đau đớn của Người, Thiên Chúa đã tôn vinh Người (He 2,9) và sẽ làm cho “kẻ chết sống lại như Kinh Thánh đã báo trước” (1 Cr 15,14). Chúa Kitô trở nên “con đầu lòng giữa các kẻ chết” (Cl 1,18), vì thế kẻ nắm quyền lực của sự chết là ma quỷ trở nên bất lực (He 2,24): “Dux vitae mortuus regnat vivus” (Ca xướng lễ phục sinh).

    Từ khi Chúa Giêsu chết và sống lại, tương quan giữa con người và sự chết đã thay đổi. Chiến thắng của Chúa đã giải thoát con người “khỏi luật tội lỗi và sự chết” mà đến nay họ vẫn bị trói buộc (Rm 8,2; cfr. He 2,15), và sau này, trong ngày tận thế, chiến thắng của Chúa sẽ hoàn thành một cách vinh quang khi mọi người sẽ sống lại. Lúc ấy sự chết sẽ bại trận một cách vĩnh viễn (1 Cr 15,26).

    Thánh Phaolô coi Chúa Kitô như đứng đầu một nhân loại mới, ông gọi Người là Ađam mới (1Cr 14,45; Rm 5,14). Theo một cách nào đó thì trong cái chết của Người, “Mọi người đều đã chết” với con người cũ (2 Cr 5,14). Nhưng cái chết ấy phải trở nên hiệu nghiệm thực sự. Nhờ có phép Rửa tội, “ta phải chôn cất với Người trong sự chết” (Rm 6,3s) nghĩa là chúng ta chết đi với những gì tỏ ra quyền năng của sự chết, chúng ta chết đi với tội lỗi (Rm 6,11), với con người cũ (Rm 6,6), với thể xác (Rm 8,10), với lề luật và với mọi sự nơi trần gian (Cl 2,20). Cái chết ấy chỉ là chết cho sự chết. Vì bao lâu ta còn nô lệ sự tội, thì ta còn phải chết (Cl 2,13). Nay ta đã từ “cõi chết trở về” (Rm 6,13), ta đã được “giải thoát khỏi những công cuộc phải chết” (He 6,1), nên ta phải làm chết đi trong ta “các công cuộc của thể xác” (Rm 8,15), “các chi thể phàm trần của ta với các đam mê của nó” (Cl 3,5). Nói tóm lại, ta phải biết hãm mình, lập công, sống xứng đáng là con người mới, con người thần thiêng. Khi ta đã sống cho Chúa, ta cũng chết cho Người (Rm 14,7s) và “Đấng đã làm cho Chúa Giêsu Kitô sống lại từ kẻ chết cũng sẽ ban sự sống cho thân xác hay chết của ta” (Rm 8,11). Vì thế mà người tín hữu nóng lòng muốn được mắc “áo vinh quang của người sống lại” để những gì là chết chóc trong họ được tiêu hoá đi bởi sự sống (2 Cr 5,1-4; cfr. 1 Cr 15,51-52).

  3. Thánh Gioan
  4. Theo thánh Gioan, Thánh Gia chối từ đức tin, sống trong tội lỗi (cfr. Ga 1,9-11; 1 Ga 1,8s). Nhưng tội lỗi đưa đến sự chết (Ga 8,21s), vì thế, thế gian phải chết (Ga 5,24). Trong thánh Gioan, sự sáng đi đôi với sự sống, và tối tăm đi đôi với sự chết, do đó, thế gian thuộc về tối tăm (Ga 12,35.46), thế gian thuộc về Satan (Ga 12,31; 14,30). Satan là quyền lực của tối tăm, của dối trá, của tội lỗi và của sự chết (Ga 8,44). Loài người yêu tối tăm hơn sự sáng (Ga 3,19) nên họ mù quáng (Ga 9,39s) và phải làm nô lệ cho Satan (Ga 16,11).

    Để giải thoát loài người, Thiên Chúa đã sai Con Một mình xuống thế gian (Ga 3,17.19; 6,14; 9,39). Nhờ sự chết của Người, Người đã xoá tội lỗi (Ga 1,29; 1 Ga 2,2) và đã thắng chúa thế gian (Ga 5,24), ai giữ lời Người thì sẽ không bao giờ thấy sự chết (Ga 8,51s), sau hết ai yêu mến anh em mình thì có sự sống, trái lại ai ghét anh em mình đi vào sự chết (1 Ga 3,15).

    Theo Ga 3,3s phép rửa tội làm cho người ta tái sinh vào đời sống mới và Ga 6,51-58 cho thấy ai ăn và uống Mình máu Chúa sẽ được sự sống đời đời.

Suy luận thần học

  1. Thần học buộc phải nói đến sự chết, không những vì Kinh Thánh đã nói đến, nhưng còn vì sự chết đối với con người là một biến cố quyết định, nên một giải thích về con người mà không đả động đến sự chết hay tránh né thì không phải là một giải thích thật sự. Con người không có thể tìm hiểu ở tự nó phải nhờ đến một giải thích, và giải thích trước tiên là về sự chết. Đức tin Kitô giáo không phải chỉ có tham vọng là một trong muôn vài giải thích về con người, nhưng có tham vọng là giải thích duy nhất đầy đủ vì đáp lại mọi kích thước của con người. Nhưng đức tin ấy không nói nguyên về sự chết như thể rằng con người chỉ là một “hữu-thể-cho-sự-chết”. Bản chất của đức tin ấy ở tại “Đấng đã chịu chết vì chúng ta trên cây thánh giá bây giờ đang sống và chúng ta có sự sống trong Người”. Như vậy, đức tin không tìm một thoả hiệp với sự chết, nhưng mời gọi người ta tin vào Đấng đã thắng sự chết. Sau đây, chúng tôi sẽ trình bày những nét chính của nền thần học ấy về sự chết.
  2. Chết là mất sự sống
  3. Chết là mất sự sống, chính ở điều này mà ta thấy rõ tính chất huỷ hoại của tội lỗi. Nhưng khi quả quyết chết là mất sự sống, người ta cũng đã nói lên một quan niệm về con người rồi. Thật vậy, con người là một duy nhất cụ thể gồm có một nguyên lý vật chất và một nguyên lý tinh thần mà ta gọi là xác và hồn. Tuy hồn xác hợp lại nên một người nhưng vẫn phân biệt với nhau: xác không làm hồn hư nát và hồn không làm xác bất diệt. Vì thế khi xác hư nát thì người ta chết; hồn tuy là yếu tố cấu tạo, nhưng không phải là yếu tố duy nhất.

    Dù Kinh Thánh quả quyết hồn bất diệt, điều ấy không làm giảm bớt ý nghĩa của sự chết là mất sự sống. Thật vậy, sự tồn tại của hồn không phải là sự tồn tại của con người. Khi chúng ta tin rằng các thánh có một đời sống hiện tại và có thể cầu bầu cho chúng ta, tín điều này không có nghĩa là hồn các thánh bất diệt mà thôi, nhưng còn có nghĩa là hồn các ngài đã được ơn cứu độ giải thoát: “Tuis enim fidelibus Domine, vita mutatur, non tollitur, et, dissoluta terrestris hujus incolatus domo, aeterna in caelis habitatio comparatur”. Như vậy, phải phân biệt sự sống của những người “chết trong Chúa” với sự bất diệt của linh hồn. Sự bất diệt ấy không làm cho con người tồn tại, vì con người gồm có hồn và xác.

    Tuy sự bất diệt của linh hồn không ngăn cản được con người phải chết nhưng cũng làm cho con người có một nguyên lý tồn tại không có nó người ta sẽ rất khó mà nghĩ ra sự đồng nhất giữa người sống lại với người đã chết. Thật vậy, một người sống lại sẽ chỉ là một tạo vật mới dù rất giống người đã chết chứ không phải cá nhân duy nhất ấy nếu không còn tồn tại trong người sống lại bản ngã đã sinh tồn trong đời sống trần gian.

    Mặt khác Kinh Thánh không nói kẻ chết không còn nữa, vì nếu có sự sống lại cho người lành, với người dữ, cũng có “sự sống lại để chịu đoán phạt”. Như vậy, tuy công nhận sự chết, tín lý công giáo không chối bỏ sự bất tử của linh hồn thiêng liêng.

  4. Chết là kết quả của tội lỗi
  5. Tuy có hồn có xác, con người theo tự nhiên phải chết, nhưng trong lịch sử nhân loại, Kinh Thánh cho biết con người đã được dựng nên để sống nhờ được tham dự vào sự sống Thiên Chúa. Như vậy, ân sủng được coi như đời sống siêu nhiên ngay trong đời sống của thể xác con người và tội lỗi được coi như sự chết thiêng liêng ngay trong cái chết thể lý của con người.

    Nếu tội lỗi và sự chết có một tương quan nhân quả ta không có thể nói rằng tội sinh ra sự chết, nhưng tội đã phá huỷ một tương quan của con người với Thiên Chúa làm cho họ có phần rỗi. Quả quyết trên cho thấy giữa tự nhiên và siêu nhiên có một liên hệ bền chặt. Không những sự tội ảnh hưởng đến sự chết phần xác, mà ân sủng, trong quá trình tiến triển của nó để đưa đến cánh chung, cũng ảnh hưởng lớn lao vào bản tính con người. Xưa kia ông bà nguyên tổ đã nhờ ân sủng mà không phải chết. Ngày nay, sự sống lại của Chúa Giêsu đã đem lại một sự sống thắng được sự chết, loài người đã được hứa ban đời sống ấy. Như vậy, ân sủng không phải là một thực tại độc lập, nó chỉ có trong biến đổi một nhiên tính và có ở cường độ dị biệt trong mỗi hoàn cảnh của nhiên tính. Ở nguyên tổ, ân sủng tiêu biểu bằng các ơn trừ nhiên trong bản tính; ở giai đoạn đức tin, nghĩa là ở con người còn tại thế, ân sủng hầu như không có dấu gì tỏ ra trong tự nhiên, và ở giai đoạn cánh chung ân sủng sẽ tỏ hiện rõ ràng nơi con người sống lại vinh hiển.

    Như trên, con người cụ thể không những được xác định bởi bản tính mình, mà còn được xác định bởi tính chất tương quan mình có với Thiên Chúa nữa. Tuy rằng con người có một bản tính, nhưng cũng có một lịch sử, nghĩa là có một tiến trình. Và không có gì thay đổi con người sâu đậm bằng tương quan họ có với Thiên Chúa và tương quan này có thể đưa họ từ tội lỗi đến công chính, từ thù địch tới bạn hữu (Công đồng Trentô, Denz. 799).

  6. Ân sủng Chúa Kitô đã biến đổi sự chết
  7. Tội lỗi sinh sự chết thiêng liêng mà sự chết phần xác là hiệu quả và là hình ảnh. Ân sủng Chúa Kitô chiến thắng tội lỗi và sự chết thiêng liêng vì đem lại một cuộc tái sinh và một đời sống bất diệt. Còn sự chết phần xác thì ngày nay, thay vì chỉ có một nghĩa xấu do liên hệ với tội lỗi mà ra, đã có một ý nghĩa tốt nhờ cuộc cứu chuộc của Chúa Giêsu. Cuộc cứu chuộc này không hoàn lại tình trạng nguyên thuỷ ở mọi phương diện, nó đã giải thoát loài người khỏi sự tội (Rm 5,20-21), nhưng hiệu quả của sự tội vẫn còn y nguyên; vì thế mà sự chết vẫn không biến đi với sự tội ở người đã được chịu phép Rửa tội. Tuy nhiên các hậu quả ấy không còn liên lạc với sự tội như xưa, nhưng đã được biến đổi nhờ sự chết của Chúa Kitô. Thật vậy, từ nay sự chết có thể là một dấu hiệu và một hình thức để trở nên giống như Chúa Giêsu. “Chúng ta là thừa tự của Thiên Chúa, và đồng thừa tự của Chúa Kitô, nếu thật sự chúng ta đã chịu đau khổ với Người để được vinh hiển với Người” (Rm 8,17).
  8. Chết là cùng tận đời sống trần gian
  9. Con người sẽ đi về một trạng thái chung cuộc có tính cách vĩnh viễn trong tương quan với Thiên Chúa. Từ tình trạng tạm bợ đến tình trạng vĩnh viễn, có một bước phải qua, đó là sự chết và phán xét. Giờ chết là giờ con người có quyết định cuối cùng của mình và đạt được hiệu quả của quyết định ấy. Sau đó, ai “an nghỉ trong Chúa Kitô” (1 Tx 4,14) sẽ được kết hiệp với Người trong đời sống bất diệt, ai từ chối Người sẽ phải một “cái chết thứ hai” (Ap 20,6.14).

    Như lịch sử cứu rỗi có một khởi điểm và một kết thúc, đời sống con người cũng có một kết thúc, kết thúc ấy tuỳ ở quyết định tối hậu của con người, vì thế sự chết thật là quan trọng cho một kiếp người. Ai đánh mất giờ phút ấy sẽ đánh mất cả một tương lai đời đời. Tín điều về lửa luyện ngục không phản trái với chân lý trên. Linh hồn ở luyện ngục không “trở lại” và đi từ tội lỗi đến lành thánh, nhưng chỉ được thanh luyện cho nên trong sạch mà thôi. Sự thanh luyện này chỉ là thể hiện một quyết định đã có nơi trần gian.

    Như trên, giờ chết không phải chỉ là giây phút linh hồn ra khỏi xác, mà còn là giây phút quyết định số phận đời đời của ta.

  10. Chiến thắng cuối cùng trên sự chết
  11. Chúa Giêsu đã chết và sống lại, Người đã chiến thắng sự chết cho Người. Sự sống lại ấy hứa hẹn sự sống lại của mọi thể xác. Chỉ lúc toàn thể loài người sống lại trong một thế giới mới, thì sự thắng trận của Chúa Giêsu trên sự tội và sự chết mới hoàn thành đầy đủ vì chỉ lúc ấy con người mới hoàn toàn là con người và sự sống bất diệt mới hoàn toàn ngự trị trong vũ trụ được tái tạo.

VII. Phán xét riêng

  1. Phán xét riêng là phán xét mỗi cá nhân ngay sau khi chết, Thiên Chúa công bình và thương xót chiếu vào con người ánh sáng của Người để họ nhận biết mình công chính hay tội lỗi, được vinh quang hay phải phạt đời đời.

Kinh Thánh

Trong Kinh Thánh thường chỉ nói đến phán xét chung, còn phán xét riêng thì không nói trực tiếp đến. Nhưng vì khẳng định người ta sẽ được thưởng phạt sau khi chết, nên mặc nhiên đã công nhận Thiên Chúa đã “cân nhắc” tội phúc người ta rồi.

Cựu Ước chuẩn bị giáo lý này khi dạy cá nhân mỗi người sẽ được thưởng phạt (Gr 31,29; Ez 18,2). Habacuc viết: “Người không tin có tâm địa bất chính, người công chính sống bằng đức tin” (2,4). Các sách Khôn Ngoan thường khai triển đề tài mỗi người sẽ được thưởng phạt theo hành vi của mình (Ps 1,1). Số phận kẻ lành người dữ khác nhau ngay sau khi chết (Ecc 15,16-17).

Tân Ước có một lập trường giống như người Do Thái thời ấy là tin có phán xét riêng. Chúa Giêsu dạy sẽ phán xét riêng trong dụ ngôn người phú hộ và Ladarô (Lc 16,19-31). Chúa Giêsu cũng hứa với người trộm lành nước thiên đàng ngay hôm ấy (Lc 23,43). Sau hết, những dụ ngôn nói về sự cần phải tỉnh thức đợi giờ Chúa đến như dụ ngôn về kẻ trộm ban đêm (Mt 24,43s), về mười người trinh nữ (Mt 25,1s) đều nhắc đến tính cách cấp thời của ngày Chúa đến.

Nhưng đoạn Thánh Kinh xem ra có giá trị nhất về phán xét riêng là Dt 9,27: “… đã định cho mỗi người chết có một lần, sau đó là phán xét”.

 

Giáo truyền

  1. Các giáo phụ lúc ban đầu thường không nói đến phán xét riêng. Mãi đến thế kỷ IX, thánh Hilariô mới viết: “Cơn giận của Thiên Chúa không trì hoãn, nó đánh bại người bất công kẻo người ta tự lừa dối, sinh ra mê muội mà nghĩ rằng mình chưa chịu phạt vì phán xét hoãn lại (PL. 9.290). Các giáo phụ như Basiliô, Chrysostomô, Augustinô cũng tin có phán xét riêng. Thánh Hieronimô tóm lược giáo truyền như sau: “Khi nghe ‘ngày Chúa’, hãy hiểu ngày phán xét, nghĩa là ngày mỗi người ra khỏi thân thể. Quả thật, ngày chết sẽ hoàn tất cho mỗi người cái gì sẽ xảy ra cho tất cả trong ngày phán xét chung” (PL. 25,965).

Quyền giáo huấn

  1. Ngày từ Công đồng Lyon (năm 1275) và Florentinô (1439) đã quả quyết ngay sau lúc chết người công chính vào thiên đàng và tội nhân sa hoả ngục. Công đồng Vatican I đã có một dự án nói về phán xét riêng, nhưng không có thời giờ nên phải bỏ lại. Vatican II là Công đồng đề cập trực tiếp đến phán xét riêng như sau: “Thật vậy, trước khi được ngự trị với Chúa Kitô vinh hiển, chúng ta sẽ phải ra trước toà Chúa Kitô để nhận phần thưởng về tội phúc mà chúng ta đã làm trong đời sống trần gian, và đến tận thế, ai làm việc lành sẽ được sống lại, ai làm sự tội sẽ phải đoán phạt” (LG. 48). Hình như Hiến chế đã phân biệt phán xét riêng và phán xét chung. Phán xét riêng chưa có sự sống lại của thể xác, nhưng đã có thưởng phạt.

Suy luận thần học

  1. Khi nói về phán xét chung, chúng ta đã nhắc đến tính cách đặc biệt của mỗi lần phán xét. Phán xét riêng nhằm khía cạnh chủ quan và trách nhiệm cá nhân của con người, còn phán xét chung nhằm lịch sử của hành vi cá nhân và trách nhiệm tập thể trong sự lành cũng như trong sự dữ. Vì thế các xu hướng hoặc chối phán xét riêng, hoặc thu cả hai làm một đều không cần thiết.

    Một vấn đề khác cũng được đặt ra cho phán xét riêng là: đó là một cuộc tha thẩm (hétéro-jugement) hay một cuộc tử thẩm (auto-jugement). Khi nói về phán xét, Kinh Thánh thường dùng lối văn khải huyền, có quan toà, có bản án, có thiên thần và ma quỷ làm luật sư và công tố viên… Ta không nên cho tất cả những chi tiết ấy như sẽ có thật, mà chỉ nên coi đó như một cách diễn tả giây phút nghiêm trọng ấy mà thôi. Hiện nay, nhiều nhà thần học lại nghiêng về tự thẩm. Nghĩa là Chúa ban cho người vừa chết một ánh sáng siêu nhiên hay tự nhiên để họ nhận biết tình trạng của mình chứ không có phán xét gì cả. Thuộc nhóm này những người cho rằng khi ta chết, ánh sáng đức tin biến nên ánh sáng vinh hiển và tức khắc ta nhận biết hạnh phúc mình được. Cũng thuộc nhóm này những người cho rằng đã có phán xét ngay ở đời này, khi người ta từ chối đức tin và đức mến mà Thiên Chúa ban cho. Sau hết, chủ trương cho rằng: quyết định cuối cùng trước khi chết sẽ xác định tình trạng vĩnh viễn của con người cũng là một chủ trương tự thẩm. Đã đành, giờ phán xét có tự thẩm chỉ vì khi người ta nhận biết mình có công hay có tội thì phần thưởng hay án phạt mới có đủ ý nghĩa của nó. Tuy nhiên, thiết tưởng không thể quên rằng: Đấng thẩm phán là Thiên Chúa vì Người vừa là tiêu chuẩn để phân biệt công tội, vừa là Đấng quyết định về thân phận của mọi người. Thiên Chúa xét xử nhờ Đức Kitô (Ga 5,22) vì thế, ai ở trong Đức Kitô sẽ cảm thấy Người là Đấng cứu rỗi mình, và ai ở ngoài Đức Kitô sẽ cảm thấy mình tách rời với Người: đó là hoả ngục.

    Còn về thời gian và không gian như phán xét rồi mới có bản án hay phán xét ở đâu thì không thể nói được vì sau khi chết, con người bước vào vĩnh cửu, phán xét và bản án có ngay và thiên đàng địa ngục cũng có ngay không cần thời gian và di chuyển.

VIII. Hạnh phúc đời sau

  1. Mục đích sau cùng của Kitô hữu là hạnh phúc đời đời, hạnh phúc ấy sẽ đến sau ngày sống lại. “Điều này anh chớ ngạc nhiên: vì sẽ đến giờ mọi người ở trong mồ đi ra, người lành phục sinh để được sống và kẻ dữ phục sinh để phải phạt” (Ga 5,25-28).

    Về tình trạng cuối cùng mà mọi Kitô hữu đều mong đợi này, Thánh Kinh đã dùng nhiều từ ngữ để mà ám chỉ. Vì thực tại vượt quá mọi kinh nghiệm nên từ ngữ nào cũng chỉ gợi nên một khía cạnh nào đó của thực tại mà thôi.

  2. a) Trời:
  3. Đây là một danh từ rất phổ thông của các tôn giáo để chỉ nới ở của các thần linh. Có khi trời còn đồng hoá với chính Thượng Đế hay Hữu Thể tối cao.
    Kinh Thánh không bao giờ thần thoại hoá trời và chỉ coi trời như một tạo vật (Gen 1,1). Giavê là “chủ của trời” (Esdr 1,2). Cựu Ước thường không coi trời là nơi cư ngụ của nhân loại được cứu độ. Theo Isaia (28), bữa tiệc cánh chung sẽ diễn ra trên núi Sion; sách Khôn Ngoan nói đến các người công chính sẽ ở trong tay Chúa (3,1); trừ thánh Phaolô (2 Cr 5,1), Tân Ước cũng không coi trờ là nơi ở của các thánh. Nhưng vì các thánh ở với Chúa, mà Chúa ngự trên trời, nên Giáo Hội thường gọi nơi hạnh phúc đời đời là “trời”.
  4. b) Thiên đàng:

Từ ngữ này dịch ở tiếng Hy Lạp “paradoisos” (vườn hoa trái tươi tốt) đồng nghĩa với “địa đàng” thời nguyên thuỷ (Gen 2,3). Quãng thế kỷ VI trước Tây lịch, người Do Thái cho địa đàng là nơi người công chính đã chết cư ngụ. Từ đó, văn chương khải huyền đã trang điểm thiên đàng bằng nhiều màu sắc huyền thoại. Tân Ước nhắc đến “paradoisis” ba lần: lần thứ nhất khi Chúa chịu đóng đinh hứa cho người trộm lành được về thiên đàng (Lc 23,43), lần thứ hai khi thánh Phaolô được nâng lên thiên đàng để thấy những điều khôn tả Chúa dọn sẵn cho người kính mến Người” (1 Cr 2,9), lần thứ ba khi sách Khải Huyền hứa cho người chiến thắng được ăn trái trường sinh (2,7). Như vậy, thiên đàng là nơi ta được ở với Chúa và được hưởng sự sống.

 

  1. c) Chúa Giêsu sử dụng từ ngữ “sự sống vĩnh cửu” nhiều lần nhất (20 lần).

Dù thành ngữ ấy đã ám chỉ tình trạng ân sủng ngay từ đời này (Cl 3,3) nhưng cũng có nghĩa phần thưởng cánh chung ở đời sau (Mc 10,30). Sự sống này không phải là một tình trạng thụ động, nhưng là một động lực mạnh mẽ, đầy ý thức, tự chủ và sáng suốt. Sức sống ấy vĩnh cửu nghĩa là không trải rộng trong thời gian mà có một cách đầy đủ, trọn vẹn ngay trong hiện tại của đời đời.

 

  1. d) Vinh quang (gloria) là ưu phẩm của Thiên Chúa đôi khi tỏ lộ ra cho tạo vật (Is 6,1; Ps 29).

Vinh quang này ở Chúa Kitô là sự sống thần linh tỏ lộ ra trên núi Taborê hay trong lúc Người về trời. Chúa Kitô thông ban cho người tín hữu vinh quang ấy như mầm giống sẽ mọc lên ở đời sau (Mt 13,43; Rm 5,2; Cl 3,4). Vinh quang không phải là hào quang bên ngoài mà thôi, nhưng là biến đổi nội tại làm cho con người giống như Chúa Kitô.

 

  1. e) Hạnh phúc (beatitudo):

Đó là điều mà mọi người hướng về. Ban đầu người Do Thái trong Cựu Ước hướng về hạnh phúc trần gian như được sống lâu, được nhiều con cái, được giàu có, được bình yên, nhưng về sau họ đi dần đến quan niệm chỉ có người công chính mới có hạnh phúc. Đến Chúa Kitô, Người là hiện thân của hạnh phúc vì nơi Người có đủ mọi phúc đức (Mt 11,29). Phúc cho những người trong lúc trông chờ Chúa đến, sống tỉnh thức, chịu nghèo hèn, chịu bắt bớ vì danh Người: “Phúc cho người chết trong Chúa” (Ap 14,13).

Sau đây, chúng tôi sẽ tìm hiểu một vài từ ngữ có ý nghĩa hơn cả. Thật ra thì đôi khi một từ ngữ bao gồm cả ý nghĩa một từ ngữ khác như chúng ta sẽ thấy ở sau.

 

  1. Đời sống vĩnh cửu
  2. a) Trong Cựu Ước

    Sự sống với người Do Thái không phải chỉ là sự tồn tại, nhưng gồm tất cả những gì làm nên một cuộc đời hạnh phúc như: Phúc, lộc, thọ… chỉ có Giavê mới làm chủ sự sống, Người “hằng sống” (Dn 5,23), Người sống muôn đời (Dn 32,40; 12,7s). Người coi sự sống là quý nhất, vì thế, Người đã lấy sự sống mà thề (Is 49,18).

    Giavê ban sự sống cho con người bằng cách chuyền sự sống bằng hơi thở: “Người thở hơi vào con người và con người có sự sống” (Gen 2,5) vì thế “vía” của con người thuộc về Chúa và hướng về Người. Sự sống có thể tăng triển nhờ ở việc lành, phúc đức (Prov 3,2; 16,22) không phải riêng cho cá nhân, mà còn cho cả đoàn thể nữa. Ngay từ lúc chưa vó ý niệm về đời sau, thi nhân Do Thái đã có những lời có ý nghĩa cánh chung: ‘Xin chỉ cho tôi biết nẻo trường sinh, để tôi được hưởng nhan Chúa thoả tình, bên hữu Người muôn đời sảng khoái” (Ps 16,11). Ý nghĩa ấy càng rõ ràng với các tác giả đã có ý niệm về đời sau. “Còn người lành được sống vĩnh cửu, họ lãnh phần thưởng nơi Chúa là Đấng đã thương mà nghĩ đến họ” (Sap 5,16).
    Như trên, sống hạnh phúc là được sống với Giavê. Tiên tri Daniel đã hoàn bị mạc khải căn bản trên: “Hết mọi người an giấc trong lòng đất sẽ chỗi dậy, người được hưởng phúc trường sinh, kẻ phải tủi nhục muôn kiếp” (12,2). Như vậy, sống vĩnh cửu là sống trong tình thương yêu của Chúa, còn sống mà xa cách Người vì tội lỗi thì dù còn tồn tại cũng không phải là sống thật.

    b) Trong Tân Ước

    077. Tân Ước nói rất nhiều về đời sống vĩnh cửu. Thường các tác giả Phúc Âm coi đó như phần thưởng cánh chung (Mt 19,16; 25,46; Mc 10,17). Kẻ lành sẽ được sống đời đời, đó là mục đích duy nhất của người khôn ngoan, vì thế, khi người trẻ tuổi giàu có hỏi Chúa Giêsu phải làm gì để được sống vĩnh cửu, Người đã trả lời: “Hãy về bán hết của cải cho kẻ khó” (Mt 19,16). Vì mục đích cao quý như vậy, nên đường đi dốc và khó, cửa vào hẹp (Mt 7,14). Chúa Giêsu đánh giá đời sống vĩnh cửu cao quý đến nỗi nếu mắt hay tay chân có ngăn trở ta có đời sống ấy thì cũng phải loại bỏ đi (Mt 18,8-9; Mc 9,42-44).

    Thánh Gioan có cả một giáo lý về sự sống vĩnh cửu. Với ông, sự sống thuộc về Ngôi Lời. “Trong Người có sự sống” (Ga 1,4). Vì thế, nếu Ngôi Lời mặc lấy xác phàm, đó là để cho loài người được sống (1,14s). Nhưng người ta muốn được tham dự vào đời sống ấy thì phải được “tái sinh”. Cuộc tái sinh ấy không do khí huyết hay xác thịt, nhưng bởi Thiên Chúa (1,15) nhờ “nước và Thần Khí” (3,5).

    Sự sống vĩnh cửu có ngay từ đời này; ai tin ở Chúa Giêsu, thì có sự sống đời đời (3,36), người ấy đã qua sự chết mà vào sự sống (5,24); trái lại, ai không tin đã bị xử án rồi (3,18). Nhưng tin ở lời Chúa chưa đủ, còn phải yêu mến Người mà yêu mến tha nhân nữa. Ai không yêu mến thì ở lại trong sự chết (1 Ga 3,14), ghét anh em đã là sát nhân rồi (1 Ga 3,15).

    Nói tóm lại, “Thiên Chúa đã ban cho ta sự sống đời đời và sự sống ấy ở trong Con Người. Ai có Ngôi Con thì có sự sống, ai không có Con Thiên Chúa thì không có sự sống” (1 Ga 5,11-12).

  3. Thiên đàng
  4. Thiên đàng là nơi Thiên Chúa ở, là chốn toả sự vinh quang của Người, ở đó kẻ lành được kết hiệp với Người, được chiêm ngưỡng dung nhan Người và được hạnh phúc. Sau đây, chúng ta sẽ tìm hiểu Kinh Thánh nói gì về các điểm trên.

    a) Sống thân mật với Chúa

    trong Cựu Ước, sách Khôn Ngoan và Ca vịnh đã nhắc đến ý nghĩa này. Trong Tân Ước, thánh Phaolô dùng những từ ngữ như “ở với Chúa Kitô” (Pl 1,23), “ở với Người luôn mãi” (1 Tx 4,17). Chính Chúa Kitô cũng nhắc đến cuộc sống thân mật như bạn bên người bạn của mình ấy (Ga 14,2-3). Sách Khải Huyền tả cảnh chung sống này trong tư tưởng dân du mục như sau: “Kìa, nhà tạm Thiên Chúa ở giữa nhân loại, Người sẽ ở với họ, chính họ là quốc dân Người, Thiên Chúa ở với họ sẽ là Chúa họ và sẽ lau khô mọi giọt lệ ở mắt họ” (21,3).

    b) Kính mến Chúa

    079. Theo thánh Phaolô, trên thiên đàng, đức tin và đức cậy sẽ không còn, nhưng đức mến tồn tại luôn mãi (1 Cr 13,18). Thiên Chúa là tình yêu, sống thân mật với Người là sống trong tình yêu (1 Ga 4,8). Vả lại, theo thánh Gioan, thì yêu mến và hiểu biết là một, “ai không yêu thì không nhận biết Thiên Chúa”. Tình yêu làm cho đời sống hạnh phúc. Ngay từ đời này, tình yêu đã gây được những giây phút đầy đủ đến nỗi người ta đã thấy trong những giây phút ấy thời giờ như ngừng trôi. Tình yêu cũng mãnh liệt đến nỗi vì yêu người ta có thể coi như không mọi sự khác, kể cả sự chết (Dt 8,6). Vì thế, nên thánh Phaolô đã quả quyết chẳng có gì chia rẽ được ông khỏi tình yêu Đức Kitô (Rm 8,35).

    c) Chiêm ngưỡng thần tính

    080. Có lẽ đây là yếu tố chính của nước thiên đàng. Có hai đoạn văn Kinh Thánh về yếu tố này:

    1 Ga 3,2: “Các con yêu dấu, ngay bây giờ ta đã là con cái Thiên Chúa, và ta ra sao thì vẫn còn chưa được tỏ lộ. Ta biết rằng bấy giờ, khi tỏ lộ, ta sẽ giống như Người, vì ta sẽ trông thấy Người đúng như Người là gì”.

    Thánh Gioan so sánh hiện tại với ngày cánh chung, bây giờ khi chưa tỏ lộ và bấy giờ lúc đã tỏ lộ. Các nhà chú giải cắt nghĩa câu cuối cùng theo hai nghĩa:

    – Lúc ấy ta giống như Thiên Chúa vì ta được tham dự vào thần tính của Người và vì đó ta nhìn thấy thần tính của Người: Lý do là chỉ có Thiên Chúa mới biết được mình mà thôi.

    – Lúc ấy ta nhìn thấy Chúa Kitô không phải ở tình trạng “Kénosis” nữa, nhưng ở tình trạng “doxa” (quang vinh) Chúa đã có tự khi chưa có trời đất trong lòng Ngôi Cha, nghĩa là thần tính (Ep 1,4; 1 Pr 1,26). Dù hiểu theo nghĩa nào thì cũng vẫn là chiêm ngưỡng thần tính.

    1 Cr 13,12: “Bây giờ chúng ta trông thấy trong gương một cách mù mờ, nhưng lúc ấy sẽ là nhìn đối diện. Bây giờ tôi biết một cách không hoàn hảo, nhưng lúc ấy tôi biết như tôi được biết”.

    Thánh Phaolô, như thánh Gioan, cũng so sánh bây giờ và lúc ấy, nghĩa là ngày cánh chung. Theo ông, bây giờ ta nhìn trong gương, nghĩa là ta biết Thiên Chúa qua tạo vật, nhưng lúc ấy ta nhìn trực tiếp, rõ ràng, không còn qua trung gian nữa. Bây giờ tôi phải biết rằng một phương tiện không hoàn hảo, lúc ấy tôi nhìn Thiên Chúa với ánh sáng mà chính Thiên Chúa nhìn tôi, nghĩa là bằng ánh sáng hưởng kiến.

    Nên chú ý rằng: Chiêm ngưỡng Thiên Chúa ở bản tính Người và sống thân mật với Người là hai cách diễn tả của cùng một thực tại: sự thông hưởng bản tính Thiên Chúa.

    d) Hạnh phúc

    081. Để mô tả phúc thiên đàng, Phúc Âm thường sánh với bữa tiệc (Lc 22,29-30; Mt 25,1-10). Bàn tiệc không những biểu thị hạnh phúc vật chất, nhưng biểu thị cả hạnh phúc tâm lý nữa, vì trong bữa tiệc, những bạn bè thân thuộc gặp gỡ hàn huyên với nhau. Vì thế mà Ladarô “dựa vào lòng Abraham” như thánh Gioan dựa vào lòng Chúa Giêsu. Hạnh phúc cánh chung là được “đồng bàn với Abraham, Isaac và Giacop trên nước thiên đàng” (Mt 8,11).

    Hạnh phúc này là niềm vui mừng đầy đủ, như sự vui mừng của đôi tân hôn, không còn có gì phải ao ước nữa (Ga 15,11; 16,22; 1 Ga 1,4). Trên thiên đàng, Chúa lau sạch giọt lệ trên mặt các thánh, không còn gì đau buồn, chỉ có hân hoan (Ap 7,17). Thiên đàng sẽ vắng bóng Satan (Ap 20,10), váng bóng tội lỗi (1 Cr 13,8), váng bóng người cường bạo, gian ác (Mt 25,41; 13,40s), vắng bóng sự chết (Lc 20,36). Trái lại, trên thiên đàng người ta kết hiệp trong tình yêu với Thiên Chúa, Chúa Kitô và hết mọi người; người ta sẽ được an ủi (Mt 5,4), mãn nguyện (Mt 5,6), nghỉ ngơi (2 Tx 1,6s), vinh hạnh (2 Cr 4,17); sự sống của người ta sẽ đạt tới mức dồi dào tuyệt hảo (Ga 10,10).

    e) Vĩnh cửu

    082. Hạnh phúc thiên đàng vĩnh cửu. Phúc Âm thường gọi thiên đàng là “nhà ở đời đời” (Lc 16,9), thánh Phaolô gọi là “nhà vĩnh viễn trên trời” (2 Cr 51), thánh Phêrô gọi là “cơ nghiệp bất diệt, không vẩn đục, không tàn lụi” (1 Pr 1,4). Người được vào thiên đàng sẽ “hằng sống” (Sap 5,15), phần thưởng của họ là “mũ miện bất diệt” (1 Cr 9,25) hay “triều thiên không hư hỏng” (1 Pr 5,4). Họ sẽ không già đi, sự vui mừng của họ sẽ không bao giờ nhàm, và phần thưởng của họ không bao giờ hao mòn (2 Cr 1,17). Trong thiên đàng, Thiên Chúa soi sáng như mặt trời không lặn (Ap 21,25), thần chết không bao giờ bén mảng được (21,4) và người ta sẽ được “thống trị muôn đời với Thiên Chúa” (22,5).

    Nói tóm lại, trên thiên đàng người ta được hạnh phúc no đầy và trường cửu vì người ta được thông hưởng chính Thiên Chúa.

  5. Trời

Trời có thể là không gian của muôn vì sao và cũng có thể là nơi Thiên Chúa quy tụ thần thánh của Người. Kinh Thánh không bao giờ lầm lẫn mặt trời làm nên với đất một vũ trụ mà người Do Thái không có tên riêng để chỉ nhưng gọi là “trời và đất”, và trời của Thiên Chúa khác với đất của người phàm. Trời vật chất tiêu biểu cho loài người thiên đàng của Thiên Chúa, nhưng không đồng nhất với thiên đàng.

a) Trời là hy vọng của người Kitô hữu

083. “Quê hương chúng ta ở trên trời, vì thế, chúng ta nóng lòng chờ đợi Chúa Giêsu Kitô như Cứu Chúa, Người sẽ biến đổi thân xác đầy khổ nhục của chúng ta để trở nên giống thân thể vinh hiển của Người (Pl 3,20s). Trời là quê hương, là xã hội dựng nên cho ta, là Giêrusalem mới (Ap 3,12; 21,3.10s). Đây là nơi ở mà mọi người hướng về (2 Cr 3,1). Đấy là một vũ trụ mới gồm có “trời mới và đất mới” (2 Pr 3,13; Ap 21,1). Trên ấy không còn “chết chóc, khóc lóc, kêu la, khó nhọc” (Ap 21,4). Khi trời ấy đến thì “trời đất cũ” sẽ trốn chạy và biến mất (Ap 20,11). Nhưng vẫn là vũ trụ của ta vì vẫn là vũ trụ của Ngôi Lời nhập thể và của thân xác Người (1 Tx 4,17; 2 Cr 5,8).

b) Trời là nơi Thiên Chúa ngự

các hình ảnh của Cựu Ước rất huy hoàng, mục đích là để tỏ ra mọi loài đều thuộc quyền Thiên Chúa và ở dưới con mắt Người. Nếu “Chúa ngự trên trời” đó là vì Người coi khinh các vua chúa dưới đất và các mưu chước của họ (Ps 2,2s) và vì Người nhìn thấu mọi con cái Ađam (Ps 11,4). Thiên Chúa phải có “vinh quang ở trên trời” để phán xét mọi người và nâng đỡ “người khó hèn khỏi bụi bặm” (Ps 113,4). Tuy nhiên, Chúa ở gần ta, “vinh quang Người chứa đầy trái đất” (Is 6,3) nhưng chẳng có nơi nào đủ để chứa Người dù là “trời và các tầng trời: les cieux et les cieux des cieux” (1 R 8,27). Ở trên trời vừa diễn tả sự siêu việt khỏi trần gian trên ao vút mây xanh, vừa diễn tả sự hiện diện ở khắp mọi nơi vì ở đâu cũng có trên đầu là trời.

c) Chúa Giêsu từ trời xuống

084. Thật vậy, trời không phải là một cái gì xa lạ với Chúa Kitô, Người nói về trời như thế giới của Người và như một thực tại sâu xa và quan trọng cho thế giới chúng ta. Người biết các mầu nhiệm của Nước Trời (Mt 13,11), Cha chúng ta có ở trên trời là chính Cha của Người (Mt 12,50). Để nói được như vậy về trời, thì phải từ trời xuống, “không có ai đã lên trời, trừ Đấng từ trời xuống, đó là Con Người là Đấng ngự trên trời” (Ga 3,13). Vì Con Người là một người từ trời xuống để rồi lại trở về trời (Ga 6,62) nên công việc của Người thuộc về trời, nhất là lễ tế Mình và Máu Người dưới hình bánh và hình rượu. Mình Người là “bánh từ trời đến” (Ga 6,51-58) bánh ấy ban cho người chịu sự sống trên trời.

d) Trời là nơi ở của thiên thần và các thánh

085. Các thiên thần thuộc về trời (Mt 24,36) và “ở trên trời” (Mc 12,25). Các vị trông thấy thánh nhan Thiên Chúa (Mt 18,10), và đoàn quân hầu hạ Người (Ap 19,14). Gabriel từ trời xuống cùng Daniel (Dn 9,21). Gabriel cũng được gởi đến từ trời với thầy cả Dacaria và Đức Mẹ (Lc 1,19). Trong đêm giai, thiên thần từ trời xuống ca hát: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời và bình an dưới thế cho người lòng ngay” (Lc 2,15).

Trời cũng là nơi ở của kẻ lành. Những người chết trong Chúa Kitô sẽ về trời (Pl 1,23; 2 Cr 5,1; Ga 14,2), tên người lành được ghi trên trời (Lc 10,20). Sách Khải Huyền diễn tả họ như rất đông đảo (3,21; 7,9). Ở đó, chẳng còn gì làm phiền lòng họ được nữa (7,16; 21,4) vì chính Thiên Chúa và Chiên Con chăm nom họ (22,1-5).

Tất cả những hình ảnh về trời nói trên không gợi một phong cảnh nhưng một ý niệm. Trời không phải là nơi chốn cho bằng đời sống với Thiên Chúa. Nó gợi lên hai đặc tính căn bản là hạnh phúc và vĩnh cửu. Thiên Chúa hiện diện trong mọi tạo vật, nhưng sự hiện diện của Người nơi kẻ lành sau giờ chết là một sự hiện diện đặc biệt, đó là Trời.

 

Giáo truyền

  1. Không những Kinh Thánh đã mạc khải về hạnh phúc đời sau, mà còn có một văn chương khải huyền rất phong phú để nói về hạnh phúc ấy. Các giáo phụ chỉ còn phải phân tích các yếu tố của hạnh phúc ấy để xem yếu tố nào là nền tảng hay nguyên nhân những yếu tố khác mà thôi.

    Các tông phụ cho rằng sự có Thiên Chúa với mình (posseder Dieu) là nguồn hạnh phúc trên trời (Ignatiô Ant. Ad Ep. 10,1; Ad Rm 4,1). Nhưng từ thánh Irénée về sau, ảnh hưởng văn minh Hy Lạp coi sự hiểu biết là sự hảo cao quý nhất của con người, nên thường các giáo phụ coi sự chiêm ngưỡng Thiên Chúa là nền tảng hạnh phúc thiên đàng. Thánh Cyprianô cho rằng sự chiêm ngưỡng ấy là nguồn suối mọi hạnh phúc của các thánh (PL. 4,357), thánh Grêgoriô thành Nazianzo cho rằng hạnh phúc ấy là chiêm ngưỡng Chúa Ba Ngôi (PG. 35,816). Các ông thường căn cứ vào câu thánh Phaolô: “Được nhìn đối diện Thiên Chúa”.

    Nhưng đến thế kỷ IV, vì ảnh hưởng của lạc thuyết Ariô, có người chủ trương con người có thể nhờ tri năng tự nhiên để biết Thiên Chúa như chính Người biết mình, do đó, đã có một phong trào quả quyết tạo vật ở tự mình không có thể trực tiếp hiểu biết Thiên Chúa được. Từ thái độ này, đã có người quả quyết thiên thần cũng không thấy thần tính Thiên Chúa. Họ phân biệt ở Thiên Chúa bản tính (Ousia) và vinh quang (doxa), loài thụ tạo không biết được bản tính, mà chỉ nhìn thấy vinh quang của Người mà thôi. Nếu bởi phân biệt trên, người ta chỉ có ý nói loài tạo vật không có một nhận thức quảng hàm (compréhensif) về Thiên Chúa thì đúng, nhưng nếu có ý quả quyết, dù với ân sủng, người ta cũng không có một nhận thức trực tiếp thì sai. Theo lịch sử, phân biệt trên đã đưa đến nhiều sai lạc nên thánh Grêgoriô Cả đã nhân danh đơn thuần tính của Thiên Chúa mà phủ nhận phân biệt ấy. Các giáo phụ Tây phương phần lớn đã đồng ý như vậy.

    Thời Trung cổ cũng còn những nhà thần học chủ trương phân biệt bên Tây phương như Almaricô de Bena, ở Đông phương như Grêgoriô Palamas. Ngày nay, ở Byzantiô và ở Nga cũng vẫn có người chủ trương phân biệt trên.

Quyền giáo huấn

Trong Hiến chế Benedictus Deus (năm 1336), Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XII quả quyết kẻ lành “vident divinam essentiam visione intuitiva et etiam faciali”, vì thế “họ được hưởng chính bản tính Thiên Chúa” và có “hạnh phúc thật, sự sống và an nghỉ đời đời” (DS. 1000,530).

Trong Công đồng Florentinô (năm 1459), các giáo phụ quả quyết: Người lành đã được đón nhận vào thiên đàng đều “nhìn thấy rõ ràng “Tam Vị Nhất Thể” như Người là thế nào, tuy nhiên kẻ nhiều người ít tuỳ công trạng của mỗi người” (DS. 1305,693).

Thông Điệp Mystici Corporis (DS. 3815) và Công đồng Vatican II (LG. 48,49) cũng quả quyết như trên.

 

Suy luận thần học

  1. Như ta đã thấy, Kinh Thánh đã phải dùng nhiều hình ảnh để diễn tả hạnh phúc đời sau. Thần học, vì nhu cầu duy nhất kiến thức, đã đi tìm nguyên lý nền tảng của hạnh phúc ấy. Trong Giáo Truyền, chúng ta đã thấy các giáo phụ, vì ảnh hưởng văn minh Hy Lạp, đã cho nguyên lý ấy là sự chiêm ngưỡng bản tính Thiên Chúa. Sau đây, chúng tôi sẽ trình bày, bình luận và bổ khuyết quan niệm này.

    1. Bản tính của sự chiêm ngưỡng ấy

    Theo đúng triết lý của Platon, các giáo phụ cho rằng: người ta phải biết rồi mới yêu “nihil volitum quin prae-cognitum”, và càng biết rõ thì càng thêm lòng yêu mến vì thế các ông nghĩ rằng: hạnh phúc căn bản trên thiên đàng là “chiêm ngưỡng trực tiếp”.

    “Chiêm ngưỡng” chỉ là một ý niệm tương tự chứ không phải là hoạt động của giác quan, vì con mắt, dù đã biến đổi trong ngày sống lại, cũng không thể nhìn thấy Thiên Chúa là thần tính. Đó là một hoạt động của trí tuệ được nâng lên bởi ân sủng đặc biệt mà thần học gọi là “ánh sáng vinh hiển” (Lumen gloriae). Ở đời này, ta biết Thiên Chúa nhờ ánh sáng đức tin, ở đời sau, nhờ ánh sáng vinh hiển. Tuy nhiên, ánh sáng ấy không phải chỉ giúp bên ngoài như ánh sáng giúp con mắt, nhưng biến đổi trí tuệ ta để nó tự hiểu Thiên Chúa. Nhận thức này trực tiếp, không có trung gian. Theo thường tình, con người chỉ biết nhờ trung gian, ta biết sự vật ngoại giới nhờ ý niệm ta có về chúng. Tri năng các thánh không gặp mô hiệp một ý niệm về Thiên Chúa, nhưng kết hiệp trực tiếp với thần tính.

    2. Bình luận và bổ khuyết

    088. Nói đến hạnh phúc mà chỉ nói đến chiêm ngưỡng là một hoạt động của trí tuệ e còn thiếu sót. Thật vậy, nhận thức khoa học là một hoạt động của trí tuệ, nó cho người ta hiểu biết sự vật hơn, nhưng để mà khuất phục sự vật, chứ không phải để mà mến yêu. Mặt khác, hiểu biết chỉ đem lại vui thích khi là một khám phá mỗi ngày một sâu xa hơn, nếu nhận thức ấy không tiến, thì dù đã đạt đến tuyệt đỉnh cũng sẽ nhàm chán. Do đó, coi chiêm ngưỡng Thiên Chúa như yếu tố nền tảng của hạnh phúc đời sau thật khó giải thích. Chính vì thế mà nhiều giáo phụ không những đã nói đến sự chiêm ngưỡng mà còn nói đến một tình yêu trực tiếp nữa. Thánh Augustinô viết: “Cuộc sống đầy hạnh phúc cốt ở tại điều này là hưởng lạc đang khi hướng về Chúa, hưởng lạc ở cùng Chúa, hưởng lạc vì Chúa, chỉ vì điều ấy thôi chứ không có gì khác nữa” (PL. 32,793). Đức Giáo Hoàng Clêmentê VI, trong văn kiện gởi người Armenia, đã viết: Hạnh phúc thật và vĩnh cửu ấy ở tại sự chiêm ngưỡng Thiên Chúa và yêu mến người đối diện với mình” (DS 1067,570).

    3. Tham dự thần tính

    089. Kinh Thánh và Giáo Truyền mở đường cho một quan niệm khác sâu sắc hơn: đó là nền tảng hạnh phúc đời sau ở tại tham dự (participatio) vào thần tính của Thiên Chúa. Thần tính hay đời sống của Thiên Chúa tiêu biểu bằng sự “đối thoại” không ngừng giữa Ba Ngôi trong đó mỗi Ngôi tự ban mình cho Ngôi khác và nhớ đó mà Ngôi ấy hiện hữu. Do đó, khi nói tới sự sống luân chuyển trong Ba Ngôi là nói tới Tình Yêu tuyệt đối. Các thánh tham dự vào chu kỳ tình yêu ấy: họ tự hiến mình cho Thiên Chúa và nhờ đó họ có thể kính mến Thiên Chúa với chính tình yêu Người thông ban. Thiên Chúa ban cho các thánh tất cả và các thánh trả lại cho Thiên Chúa tất cả, trao đổi ấy là hạnh phúc đời đời. Ở đời này, chúng ta nhờ đức tin biết rằng Thiên Chúa ngự trong linh hồn người lành. Ở đời sau, mầu nhiệm này sẽ nẩy nở một cách minh nhiên làm cho kẻ lành sẽ cảm thấy trong liên lạc của mình với Ngôi Cha như một người con, với Ngôi Con như một người em và với Thánh Thần như một người yêu. Do đó mà các nhà thần học đã gọi hạnh phúc đời sau là “hiệp nhất hạnh phúc” (unio beatifica), hay chiếm hữu gây hạnh phúc (possessio beatificans).

    4. Thần hoá

    Dù quan niệm nền tảng hạnh phúc đời sau ở tại chiêm ngưỡng trực tiếp hay ở tại tham dự vào đời sống Thiên Chúa thì cũng giả thiết sự “thần hoá”. Thật vậy, nếu ta có được hoạt động thần linh, đó là vì bản tính ta đã thần hoá. Thánh Kinh nói rõ nhờ Ngôi Lời nhập thể nên loài người đã được thần hoá (cfr. Ga 1,8; 6,46; Mt 11,27; Lc 10,22). Thật vậy, Chúa Kitô là sự sống (Ga 14,6) và mọi người chúng ta đều nhận được sung mãn sự sống của Người (Ga 1,4.16), Người là ánh sáng soi tối tăm, chính nhờ Người mà ta có thể nhìn biết Ngôi Cha (cfr. Cl 1,12s; 2 Cr 4,6), Người là sự thật, chỉ có tin ở Người, loài người mới không lầm lạc. Chúa Cha nhận ta là nghĩa tử trong Người và vì Người. Chúa Thánh Thần là “Thần Khí” của Người và Người đã sai xuống “thần hoá” chúng ta. Vì thế mà thánh Gioan đã nói đến phải “sinh lại bởi nước và Thần Khí” (Ga 1,13; 3,5) và thánh Phaolô đã nói về Kitô hữu là “con và là thừa tự” (Rm 8,17).

    5. Hạnh phúc đời sau không đồng đều

    090. Theo Công đồng Florentinô thì hạnh phúc đời sau “tuỳ theo công trạng khanh” (DS. 1305,693). Phúc Âm nói tới Thiên Chúa “sẽ thưởng công cho từng người tuỳ theo việc họ đã làm” (Mt 16,27). Mỗi người ở thế gian này đều được trao một số vốn, kẻ năm nén, người ba nén, nhưng ai cũng phải làm ra lời lãi, không ai được chôn giấu đi, phần thưởng sẽ tuỳ theo lời lãi mình làm ra (Lc 19,17-19). Như vậy, ở trên trời hạnh phúc không đồng đều, mỗi người nhận được tuỳ theo khả năng của mình. Thánh Phaolô viết: “Mặt trời sáng khác, mặt trăng sáng khác, các tinh tú cũng sáng khác nhau, sao này khác với sao kia” (1 Cr 15,41). Lý do là “ai nấy sẽ lãnh phần thưởng tuỳ lao công khó nhọc của mình” (1 Cr 3,8). Tuy hạnh phúc không đồng đều nhưng ai cũng nhận đầy đủ theo khả năng của mình nên ai cũng cảm thấy toại nguyện. Sự khác nhau căn cứ ở cường độ: Thiên Chúa vô cùng, loài tạo vật không bao giờ bao gồm được trọn vẹn, nhưng không trọn vẹn không có nghĩa là chỉ được một phần mảnh, không được tất cả, vì Thiên Chúa đơn thuần, nên đã nhận được Người thì ta nhận được tất cả. Theo lối nói kinh viện thì ta nhận được “totum sed non totaliter”. Nói cách khác: Mỗi người sẽ nhận được theo cường độ khác nhau, tuy vẫn một Thiên Chúa. Các nhà thần học cũng nói đến sự khác nhau ở phẩm chất. Có hào quang cho các tông đồ là các vị thiết lập các giáo đoàn. Có hào quang cho các tiên tri giảng dạy lời Chúa (Mt 10,32). Có hào quang cho các vị tử đạo đã “làm chứng bằng máu” (Mt 5,7s), có hào quang cho bậc trinh khiết (Ap 14,1-5) là bậc tiên báo thế giới cánh chung (cfr. LG. 44). Nói tóm lại, thuyết hào quang muốn nêu lên tương quan giữa cách mến Chúa ở đời này và đời sau.

    6. Hạnh phúc đời sau có thời gian tính không?

    091. Đây là một vấn đề khó khăn vì chúng ta không biết trời mới đất mới sẽ ra sao, hạnh phúc thiên đàng tiến triển hay tĩnh chỉ. Ông Betz cho rằng hạnh phúc ấy có tiến triển, vì thế có trước có sau, nhưng không có thời gian. L. Boros cho rằng sự tiến triển ấy vô tận, nhưng không bao giờ đạt được thần tính vì giữa Thiên Chúa và tạo vật vẫn có một khác biệt vô cùng. Hạnh phúc ấy cũng không vì tiến triển mà sẽ giống nhau ở các thánh, vì nhịp tăng triển chính là mức độ hạnh phúc các ngài. Có nhà thần học khác (Pozo) lại cho rằng hạnh phúc đời sau bất biến và không có thời gian vì hạnh phúc ấy ở tại tham dự vào bản tính Thiên Chúa, do đó cũng tham dự vào bất biến tính của thần tính. Sự tham dự vào bất biến tính của Thiên Chúa không ngăn trở các thánh có một đời sống hoạt động vì đó là tham dự vào sự bất biến của “động thể tĩnh” (Motor immobilis).

    Tuy không chấp nhận có thời gian như chúng ta tại thế, nhưng các nhà thần học cũng nghĩ rằng các thánh không vĩnh cửu vì chỉ Thiên Chúa mới thực sự vĩnh cửu. Cho đến ngày phán xét chung, các linh hồn biết phần nào các biến cố ở trần gian, và sau ngày phán xét thân thể loài người sẽ tồn tại, tuy rằng chúng ta chưa biết cách tồn tại ra sao.

    7. Hạnh phúc ấy là phần thưởng hay ơn nhưng không?

    092. Công đồng Trentô vừa quả quyết phúc thiên đàng là “ân huệ” Thiên Chúa nhân hậu hứa ban cho con cái Người nhờ Đức Giêsu Kitô”, vừa quả quyết phúc ấy là “phần thưởng mà Thiên Chúa trung thành với lời hứa của Người sẽ trả cho người ta vì việc lành và công lênh của họ (DS. 1545,809). Đạo lý này có nền tảng ở Kinh Thánh. Thật vậy, một mặt Kinh Thánh khuyên người ta phải làm lành lánh dữ để được thưởng và khỏi phải phạt (Cl 3,34; 2 Tx 1,5; 2 Tm 4,8), mặt khác Kinh Thánh cũng dạy cù con người có công chính cũng không có quyền đòi công lênh (Ga 35,7) và phải nghĩ mình chỉ là tôi tớ vô ích mà thôi (Lc 17,7.10) vì phần tưởng cao quý hơn công lênh bội phần (Mt 20,1-16; 25,21-23) và vì công lênh chúng ta có được cũng chỉ là ơn huệ của Chúa, ta phải cố gắng để ơn ấy đừng hư đi (1 Cr 15,10), còn thành tích của riêng ta thì chẳng có gì đáng hãnh diện (Rm 5,27). Thánh Augustinô đã dung hoà biện chứng vừa là ơn vừa là nợ ấy như sau: công phúc của chúng ta tựu chung là ơn của Chúa, Chúa ban đức tin không phải vì chúng ta là tín hữu, nhưng để chúng ta trở nên tín hữu, Chúa ban đời sống vĩnh cửu để trả công cho ta, nhưng cái công ấy chính là ơn của Người (PL. 33,880).

    Ngày nay, có người cho rằng: làm việc lành để được thưởng thì không cao thượng vì chỉ là vụ lợi. Nhưng vấn đề không đơn giản như vậy. Nếu người ta ích kỷ chỉ nghĩ đến hạnh phúc riêng tư thì không thể đạt đến hạnh phúc thiên đàng được, vì muốn đạt đến hạnh phúc này phải lấy thánh ý Chúa làm hơn ý riêng mình, ích lợi phần rỗi người ta làm hơn vui sướng cá nhân mình…

    8. Hạnh phúc thiên đàng đã khởi sự
    093. Như Nước Thiên Chúa đã đến ngay ở đời này, tuy Giáo Hội ở đời này không phải là Nước Thiên Chúa, chúng ta cũng đã có hạnh phúc thiên đàng ngay ở đời này, tuy chúng ta chưa được hưởng. Thật vậy, người lành đã có Ba ngôi ngự trong mình. Người ấy đã được tái sinh nhờ phép Rửa tội, được “thần hoá” mỗi ngày một hơn nhờ các bí tích khác nhất là phép Mình Thánh. “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy” (Ga 6,56) “và Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại trong ngày tận thế” (6,54).

Phụ chú

  1. Trời mới đất mới
  2. Hạnh phúc đời sau ở tại một tương quan mới với Thiên Chúa, nhưng một tương quan mới với vũ trụ cũng đem lại hạnh phúc cho các thánh. Con người sống lại được tham dự một phần nào và quyền năng của Chúa Kitô trên vũ trụ. Thật vậy, Chúa Kitô là Vua của tạo vật (1 Cr 15,24-28). Người cũng ban cho chúng ta trị vì với Người (Ap 6,22; Rm 5,7; 1 Cr 9,8). Dấu hiệu của quyền năng ấy là đôi khi các thánh có thể làm phép lạ ngay từ đời này.
  • Bản ngã của các thánh

Sau ngày phục sinh, các phúc nhân vẫn giữ trọn vẹn bản ngã của mình. Sách Khải Huyền diễn tả chân lý này như sau: “Ta sẽ tặng cho kẻ chiến thắng một phiến đá trong trắng, trong phiến đá ấy sẽ khắc một tên mới, ngoài kẻ lãnh nó chẳng ai biết được” (Ap 2,17). Như vậy tuy có tiến triển, biến đổi nhưng vẫn là sự vượt mức của một bản ngã. Vả lại để tương thân, tương ái với Thiên Chúa cần phải có bản ngã, vì chỉ có tình yêu khi có một tương quan giữa bản ngã và tha thể. Nhưng thân xác vinh hiển sẽ đổi thay và sẽ không còn là giới hạn cho sự hiệp thông giữa bản ngã với tha thể nữa. Ở trên trời không còn ích kỷ, thiển cận, sai lầm nên mọi liên hệ giữa bản ngã với tha thể đều trong suốt và đầy hiến dâng.

 

  1. Hoả ngục
  2. Trong Ga 5,29, Chúa Giêsu đã báo cáo về tương lai kẻ lành là “được sống lại để được hằng sống” và về tương lai kẻ dữ là được sống lại “để chịu phán xét”. Chúng ta đã nói đến hạnh phúc đời đời, bây giờ chúng ta sẽ nói đến hoả ngục hay hình phạt đời đời.

Kinh Thánh

Trong Cựu Ước, đầu tiên chỉ có ý niệm về âm phủ, nghĩa là thế giới của người đã chết bất phân lành dữ. Đó là thế giới của sự chết, tối tăm, lạnh lùng, xa vắng Giavê. Nhưng lần lần người Do Thái ý niệm rằng sự chết là hậu quả của sự tội, và từ đó tư tưởng một hoả ngục giam cầm người có tội xuất hiện (Is 5,14; Ps 73,19). Để tả chung cục ghê sợ này, người Do Thái đã dùng hai hình ảnh: Sự bốc cháy của thành Sodoma và Gomorrha và sự tàn phá của thành Tophét, trong thung lũng Gehenna. Nếu hoả ngục này là “một vực thẳm không đáy” và “có mưa lửa” (Ps 140,11), đó là vì nó được đốt cháy bởi “hơi thở của Giavê” (Is 30,33) và “sự nóng nảy của cơn thịnh nộ của Người” (30,27). Những hình ảnh trên sau này Tân Ước cũng lại sử dụng.

Trong Tân Ước, chính Chúa Giêsu, Đấng sẽ phán xét muôn dân đã mạc khải về hoả ngục. Đó là một điều làm cho ta cần phải suy nghĩ; một điều khác cũng làm cho ta phải suy nghĩ là Người đã dùng những hình ảnh trong Kinh Thánh về hoả ngục rùng rợn nhất: “Khóc lóc và nghiến răng trong lò lửa hồng” (Mt 13,42), “địa ngục là nơi giòi bọ không chết và lửa không tắt” (Mc 9,43-48).

Không những Chúa Giêsu nói tới hoả ngục như một thực tại phải lo sợ mà Người còn báo trước rằng chính Người “sẽ sai thiên thần ném vào lò lửa hồng ấy những người làm điều bất chính” (Mt 13,41s), Người sẽ tuyên án kẻ tội lỗi: “Hỡi quân vô phúc, hãy rời xa Ta, và lửa đời đời” (Mt 25,12).

Hình khổ hoả ngục không những có thất khổ là xa mặt Chúa, mà còn có giác khổ là lửa thiêu đốt và giòi bọ xâu xé. Theo Tân Ước thì hình khổ ấy còn vĩnh cửu nữa. Sách Khải Huyền nói đến “khói sự thống khổ của chúng sẽ bốc lên đến muôn kiếp” (eis aiônas aiônôu). Trong các Phúc Âm, hình khổ ấy được gọi là “lửa đời đời” (Mt 18,8), “lửa không thể dập tắt” (Mc 9,43-48). Thư thánh Giuđa cũng nói đến “xiềng xích đời đời” và “u ám tối tăm cho đến đời đời” (Gd 6,7.13) dành cho kẻ dữ.
Nói tóm lại, theo Tân Ước, thì chắc chắn có hoả ngục và hoả ngục dài muôn kiếp.

 

Giáo truyền

  1. Vì Tân Ước đã nói quá rõ ràng đầy đủ nên các giáo phụ ngay từ ban đầu đã có một giáo lý vững chắc về hoả ngục. Tuy nhiên, qua các thời đại cũng có một vài chủ trương sai lầm:

    1. Một số người cho rằng không có hoả ngục vì kẻ dữ sẽ phải tiêu diệt như nhóm Ngộ đạo và bè Socini.

    2. Một số khác cho rằng hoả ngục không đời đời và chỉ là nơi luyện các linh hồn nên tinh sạch. Thuyết này do ông Origênê xướng xuất có một số giáo phụ tin theo như Grêgoriô Nyssénô, Didimô Alexandrinô.

    3. Một số khác nữa chủ trương luân hồi và nghĩ rằng thiên đàng và hoả ngục cũng đều tạm thời vì loài người luôn có tự do lập công và phạm tội.

Quyền giáo huấn

  1. Ngay từ kinh Tín Kính “Quicumque”, tín điều về hoà ngục đã được xác định, về sau đó nhiều văn kiện khác nhắc lại tín điều ấy, sau đây là mấy văn kiện quan hệ nhất:

    – Công đồng Lateranô IV (1215) quả quyết có hoả ngục và hoả ngục vĩnh cửu (DS. 801,211).

    – Hiến chế Benedicuts Deus của Đức Giáo Hoàng Benedictô qquý các khổ hình có ngay sau khi chết (DS. 1002,531).

    – Quicumque đã nói đến thất khổ và giác khổ, nhưng không có một văn kiện định nghĩa. Như vậy, chân lý này thuộc đức tin nhưng chưa được định nghĩa.

    – Vatican II chỉ nhắc lại Tân Ước chứ không định nghĩa gì Lumen Gentium 48).

Suy luận thần học

  1. Thần học có ba vấn đề phải quan tâm, đó là: có hoả ngục không? Hoả ngục có vĩnh cửu không? và hình khổ hoả ngục là gì?

    1. Có hoả ngục không?

    Thời đại nào cũng có những người hưởng giàu sang quyền thế nhờ bất công áp bức, vì thế họ không muốn nghĩ đến hoả ngục vì hoả ngục quấy phá hạnh phúc tội lỗi của họ. Họ cho rằng nếu Kinh Thánh nói đến hoả ngục đó là vì mục đích giáo dục để con người lo sợ mà làm lành lánh dữ thôi, chứ Chúa nhân lành mà tạo nên hoả ngục thì không còn phải là nhân lành nữa.

    a) Nhưng đó là một tín điều, nếu ta không tin thì sẽ làm tan rã cả mầu nhiệm cứu chuộc. Thật vậy, nếu không có hoả ngục, cần gì phải có Ngôi Lời nhập thể, cần gì những đau khổ của Chúa Kitô, cần gì sự chết của Người?

    b) Vả lại, không có hoả ngục, chúng ta sẽ không có giải đáp cho thắc mắc muôn đời về thân phận con người. Họ thấy để sống xứng đáng một con người, họ phải làm lanh, lánh dữ. Nhưng tại sao tôi phải làm lành và phải hy sinh cho điều lành khi tôi thấy trong thực tế người lành không luôn được hưởng giàu sang quyền thế ở đời này. Vấn nạn của ông Gióp là vấn nạn muôn thuở của con người.

    c) Mầu nhiệm hoả ngục đi liền với mầu nhiệm con người. Con người được Thiên Chúa ban cho một định mệnh vượt mọi ước mong của họ: đó là được trở nên con cái Người và tham dự vào chính hạnh phúc Người có. Để đạt tới định mệnh ấy, con người có tự do phải tự định đoạt lấy. Họ có thể nhận biết thân phận tạo vật của mình, ơn huệ nhưng không của Thiên Chúa, ơn khiêm nhượng đón nhận định mệnh ấy, họ sẽ được hưởng thiên đàng. Nhưng họ cũng có thể dừng lại các ân huệ Thiên Chúa ban, kiêu hãnh vì thấy ở mình có các sự hảo ấy và nghĩ rằng mình có thể là hạnh phúc cho chính mình. Lúc ấy con người cắt đứt liên hệ với Thiên Chúa, tự cô lập mình và đó là hoả ngục. Vì hoả ngục chính là con người cô độc trước hư vô của mình. M. Jouhandreau viết: “Tôi có đủ sức để thiết lập một đế quốc chống Thiên Chúa, một đế quốc trong đó Thiên Chúa chẳng có thể làm gì được, đó là hoả ngục…, sở dĩ con người chưa hiểu được hoả ngục vì họ chưa hiểu được chính lòng mình” (Algèbre des valeurs morales, 1955, p.229).

    d) Mầu nhiệm hoả ngục cũng không tách rời với mầu nhiệm tội ác được. Như ân sủng gây thêm ân sủng và “thần hoá” con người, tội ác cũng gây thêm tội ác và “tà hoá” con người. Người tội lỗi là nô lệ của “chúa thế gian” (Deus hujus saeculi), là chỉ thể của “phản nhiệm thể”. Người tội lỗi dứt bỏ liên hệ tuỳ thuộc vào Thiên Chúa, không phục tùng và tin theo Chúa nữa. Người ấy chỉ nghĩ đến mình và chỉ chạy theo tạo vật. Trong xã hội người tội lỗi, chỉ có ích kỷ, kiêu căng và thú vui trần tục. Cái văn minh của thế giới tư bản mà người ta mệnh danh là “văn minh tiêu thụ” tạo ra một thứ người theo kích thước hoả ngục chỉ nghĩ đến thú vui vật chất của cá nhân mình và tránh mọi dịp hy sinh cho kẻ khác. Một triệu chứng văn minh ấy thuộc về hoả ngục là thái độ của nó đối với tình yêu không còn hiến dâng và kết hợp nữa, nhưng chỉ có lợi dụng và chiếm đoạt.

    2) Hoả ngục có đời đời không?

    099. Như ta đã thấy, Kinh Thánh và Thánh Truyền đều quả quyết hoả ngục đời đời. Lý trí ở tự nó không thể chứng minh được, nhưng có thể suy nghĩ để tìm hiểu điều ấy, và muốn hiểu điều ấy thì phải hiểu chính sự tội vì hoả ngục là hiệu quả của sự tội.
    a) Có những nhà thần học nghĩ rằng: hoả ngục vĩnh cửu vì tội có tính cách vô cùng. Họ lý luận rằng tội phạm đến Thiên Chúa là Đấng vô cùng, nên cũng có tính chất vô cùng. Lý luận này đã bị Duns Scott bẻ gẫy. Con người ở tự mình không có thể làm được một việc gì có tầm vóc vô cùng, tội lỗi cũng có hơn có kém, nghĩa là có giới hạn.

    b) Ngày nay các nhà thần học nêu lên một lý do khác. Hoả ngục là hình phạt của tội, bao lâu người ta chưa dứt bỏ tội thì người ta còn phải ở hoả ngục. Như vậy, nếu hoả ngục vĩnh cửu, đó không phải vì Thiên Chúa thiếu tình thương nhưng vì tội nhân chai đá không chịu ăn năn trở lại.

    Về sự chai đá ấy, các nhà thần học có những cắt nghĩa khác nhau:

    1. Người ta chỉ có thể thay đổi trong thời gian. Khi thời gian đã chấm dứt thì người ta ở tình trạng nào sẽ ở nguyên tình trạng ấy. “Tội nhân không còn thời gian để đổi ý kiến và thống hối… họ ở một giây lát chẳng có giây lát nào tiếp theo” (Giavê Biffi, l’Al di là, p.88).

    2. Con người là một bản vị có tự do, bản vị tự do ấy là phản ảnh bản vị tự do của Thiên Chúa. Bao lâu con người còn “đối thoại” với Thiên Chúa, và còn được Thiên Chúa đáp lại, thì còn có tự do. Nhưng khi con người đã cắt đứt liên lạc với Thiên Chúa như bài thai đã cắt cuống rốn mình với người mẹ, thì không còn hoạt động tự do được nữa. Tình trạng tội nhân trong hoả ngục là như vậy: người ấy đã xa lìa Thiên Chúa nên không còn tự do ở phạm vi siêu nhiên nữa.

    3. Những nhà thần học chủ trương với thánh Tôma rằng có tình trạng linh hồn sống tách biệt với xác sau khi chết, suy luận như sau: tinh thần thuần tuý có khả năng định ý tuyệt đối trong một hành vi duy nhất, vì thế khi chết nếu linh hồn nhất định phản nguỵ cùng Chúa, thì sẽ không thay đổi được nữa.

    Những nhà thần học chủ thương “lựa chọn cuối cùng” cũng suy luận tương tự như vậy. Con người quyết định số phận mình trong giờ chết, vì đó là kết thúc lịch sử của đời mình. Khi con người kết liễu đời minh trong tội ác, người ấy đã chủ trương kiêu ngạo, nên không còn có thể chấp nhận ai ở trên mình và xin ơn tha thứ được.

    Những giải đáp trên không thoả mãn được băn khoăn của chúng ta vì chúng ta chưa hiểu được mầu nhiệm tội ác và những kết quả tội ác có thể gây nên.

    3) Khổ hình hoả ngục thế nào?

    100. Căn cứ vào hai khía cạnh của tội là “aversioa Deo” và “conversio ad creaturas”, người ta thường phân biệt hai thứ khổ hình: thất khổ và giác khổ.
    a) Thất khổ (peine du dam)

    Về thất khổ, Cựu Ước đã tiên báo bằng hình ảnh một shéol tối tăm, lạnh lẽo, xa cách Giavê. Tân Ước nói đến những ẩn dụ “khoảng cách”, “bên ngoài” (Ga 15,16; Ap 22,15), tối tăm (Mt 25,30), những gợi ý tâm lý như “xa lìa khỏi ta” (Mc 7,23), “Ta chẳng biết các ngươi bao giờ” (Mt 7,23; 25,12), “nó sẽ không thấy sự sống” (Ga 3,36), “chúng sẽ không được nếm tiệc của Ta” (Lc 14,24), “chúng sẽ không được vào Nước Trời” (Ep 5,5; Gl 5,21).

    Thần học nói đến tội nhân không có “ánh sáng vinh hiển”, nên không có thể chiêm ngưỡng Thiên Chúa được. Thất khổ là hình phạt chính trong hoả ngục. Tội nhân bị Chúa ruồng bỏ, nó còn hiện hữu mà như đã hư vô hoá vì vó đã tự cắt đứt khỏi nguồn mọi sự lành, bản tính nó hướng về Chúa mà tội nó tách rời không hàn gắn được, nên nó đời đời thất vọng.

    Vì không kết hiệp với Thiên Chúa, tội nhân cũng không còn hiệp thông với tha nhân và vũ trụ, nó là một kẻ cô đơn khép kín trong sự ích kỷ tuyệt vọng. Vì mất Thiên Chúa là tình yêu, tội nhân mất khả năng yêu mến, nhưng Thiên Chúa vẫn còn, tạo vật vẫn tiêu biểu tình thương của Người, nên tội nhân sống như cá không nước, chim trời không không khí, sống đầy thù hận ghen ghét giữa một vũ trụ chứa chan tình yêu. Nó có đấy mà không hoà điệu được với ai và với vật gì.

    b) Giác khổ (peine du seus)

    101. Giác khổ là hình phạt gây nên từ bên ngoài do tạo vật như dụng cụ “nộ khí của Thiên Chúa”. Giác khổ là cuộc sống chung với các tội nhân khác, lửa, giòi bọ…

    Trong các yếu tố ấy, có lửa là được đề cập đến nhiều nhất trong Kinh Thánh (25 lần), vì thế, trong thần học, lửa cũng được đem ra bàn luận rất nhiều.

    Có người cho rằng lửa chỉ là hình bóng và chỉ tình trạng của kẻ ngã lòng vì phải lìa mặt Thiên Chúa đời đời. Người khác cho rằng lửa là một nguyên nhân bên ngoài nhưng thiêng liêng, gây đau khổ cho tội nhân. Sau hết, phần lớn các nhà thần học công nhận lửa là một thực tại vật chất tuy phải hiểu vật chất theo nghĩa tương tự. Nhón này cũng cắt nghĩa lửa theo nhiều cách. Winklhofer nghĩ rằng: lửa là toàn thể vũ trụ. Tội nhân đã cô lập với vũ trụ nên vũ trụ trở nên hình khổ cho nó như ánh sáng làm nhức nhối con mắt bị đau vậy. K. Rahner nghĩ rằng: Linh hồn không “vô vũ trụ” (accosmique), nhưng vũ trụ luôn là hình ảnh Thiên Chúa, nên tội nhân đã chối từ Thiên Chúa mà phải vây quanh bởi những hình ảnh ấy thì bứt rứt như bị chúng thiêu đốt vậy. Ch. Journet viết: “Tội nhân bám vào tạo vật, và tạo vật bây giờ dính vào nó như một xiềng xích”.

    Theo Thánh Kinh và Thánh Truyền, thất khổ và giác khổ rất nặng nề, các khổ hình đời này không ví được, nhưng các khổ hình ấy khác nhau tuy theo tội trạng của mỗi người.

  2. Luyện ngục
  3. Luyện ngục là một chân lý có trong kho tàng mạc khải, nhưng không minh nhiên. Đó là nơi thanh luyện các linh hồn có ơn nghĩa trong khi chết, nhưng hãy còn tì ố của tội hay hình phạt của tội.

Luyện ngục trong Kinh Thánh

Trong Cựu Ước, đoạn văn nói rõ về luyện ngục nhất là 2 Mac 12,40-46. Theo đoạn văn này thì sau trận đánh, có một số binh sĩ Do Thái tử trận. Khi lục soát tử thi thấy có một số có giấu dưới áo các đồ vật cúng tế các thần của Jannia mà luật cấm không cho sử dụng. Người Do Thái tưởng rằng: tuy họ chết vì tội ấy, nhưng họ cũng sẽ được cứu rỗi. Bản văn tiếp: “Các binh sĩ bắt đầu cầu nguyện để xin cho tội ấy được tha… rồi họ quyên tiền độ 2000 quan đem cho Giuđa gởi lên Giêrusalem để tế lễ cầu siêu. Đó là một hành vi tốt đẹp và cao quý do niềm tin những người đã chết được sống lại” (42-44). Thánh ký kể sự việc xảy ra và khen ngợi hành vi của Giuđa là tốt đẹp. Như vậy, ông đã mặc nhiên chấp nhận niềm tin của Giuđa là đúng. Có người nghĩ rằng đây là nói tới những người ở shéôl chứ không phải ở luyện ngục. Thật ra, đây không nói về nơi chốn, nhưng nói về trạng thái người đã chết, vì thế có thể áp dụng cho luyện ngục.

Trong Tân Ước, Thánh Truyền đã cắt nghĩa một vài bản văn theo ý nghĩa luyện ngục, nhưng các bản văn ấy ở tự chúng không được rõ ràng như Mt 12,32 (Lc 12,10), Mt 5,25-30 (Lc 12,58-59) và 1 Cr 3,12-15.

 

Giáo truyền

  1. Giáo lý về luyện ngục phát triển không đồng đều ở Tây phương và Đông phương.

    1. Tây phương

    Ở thế kỷ thứ III, đã thấy tài liệu chứng minh lòng tin có luyện ngục. Trong truyện kể cuộc tuẫn giáo của hai trinh nữ Perpetua và Felicita, bà Perpetua trước mộng thấy em mình là Dinocrares đã chết còn bị giam cầm và bà cầu nguyện cho , sau lại mộng thấy em về nói mình đã được ra khỏi tù ngục. Ông Tertullianô trong cuốn “De anima” cũng nói về linh hồn có tội nhẹ phải đền trước khi sống lại. Thánh Cyprianô căn cứ vào Mt 5,26 nói tới những linh hồn đã chết mà chưa tiến tới vinh quang thì phải vào ngục đền trả cho tới đồng xèng cuối cùng (PL. 39,936). Thánh Augustinô căn cứ vào 2 Macc nhắc đến phong tục xin lễ và cầu siêu vẫn hằng có lâu đời trong Giáo Hội (PL. 40,283).

    2. Đông phương

    104. Giáo Hội Đông phương không có một giáo lý rõ rệt về luyện ngục. Nhưng từ lâu đời, vẫn chấp nhận việc dâng lễ chỉ cho các linh hồn. Thế kỷ thứ IV, thánh Cyrillô ở Giêrusalem qquý dâng lễ cho các linh hồn giúp họ rất nhiều (PG. 35.1116). Thánh Basiliô cho rằng: những người chiến thắng trọn vẹn không thương tích thì được nghỉ an với Chúa Kitô còn ai bị thương tích, hoen ố thì phải thanh luyện (PG. 29,232). Thánh Grêgôriô Nyssenô, thánh Ephrem và thánh chrysostomô cũng quả quyết như vậy.

Giáo huấn của Giáo Hội

  1. Theo Công đồng Lyon (năm 1274), linh hồn người chết chưa đền bù đầy đủ “sẽ phải thanh tẩy sau lúc chết” (DS. 856,464). Giáo lý này được nhắc lại năm 1439 ở Công đồng Florentinô. Đến Công đồng Trentô quả quyết có luyện ngục và các linh hồn bị giam trong đó được cứu giúp bởi các tín hữu nhờ cầu nguyện, việc lành và nhất là thánh lễ (Ds. 1820,938).

Suy luận thần học

  1. Lý trí không chứng minh được có luyện ngục, nhưng có thể giải thích rằng có luyện ngục thì hợp tình hợp lý. Thánh Tôma cho rằng người ta ít ai ăn năn được đầy đủ và lòng công bình của Thiên Chúa đòi con người phải thật tinh luyện thì mới hưởng mặt Người được, vì thế đa số người ta sau khi chết còn tội nhẹ hay vết nhơ của tội và do đó chưa có thể hưởng mặt Chúa được. Nhưng lúc ấy linh hồn người ta không còn có thể lập công nữa (Ga 9,4), vì thế luyện ngục là một ân huệ Thiên Chúa quan phòng để các kẻ lành thanh luyện cho đáng ra trước mặt Người.

    Mạc khải nói rất ít về luyện ngục, nhưng ta cũng biết được rằng đó là nơi thanh luyện linh hồn để chuẩn bị đón tiếp Chúa một cách xứng đáng. Con người ở đời này dù đã bỏ tội, nhưng chưa thầm nhuần sâu xa sự từ bỏ ấy, cần phải xoá bỏ dấu vết dĩ vãng bằng đạo hạnh và khổ hạnh lâu ngày. Luyện ngục cũng có công dụng như đạo hạnh và khổ hạnh nói trên. Các nhà thần bí thường nói đến trước khi được xuất thần thì phải qua “đêm của tinh thần” nghĩa là một thời gian chịu khổ trong tối tăm để tinh luyện trước khi được kết hiệp với Chúa. Ta có thể nghĩ luyện ngục là như vậy với linh hồn kẻ lành.

    Còn về hình phạt, trước đây người ta mắc phải sai lầm so sánh với hoả ngục, nhưng phải so sánh với thiên đàng là mục đích của luyện ngục thì mới đúng. Thần học, ngoài thất khổ là chưa được hưởng tôn nhan Chúa, còn nói đến giác khổ, nhưng không phải là một tín điều vì Giáo Hội Hy Lạp không tin.

    Các linh hồn ở luyện ngục tuy phải chịu tinh luyện nhưng biết mình được Chúa thương yêu (DS. 1488,778) và kính mến Người hết sức, vì vậy tuy chịu khổ, nhưng họ vẫn vui lòng đón nhận vì biết rằng đó là phương thuốc duy nhất để được gặp mặt Chúa. Thánh Catarina cho rằng: Hạnh phúc luyện ngục chỉ kém hạnh phúc thiên đàng thôi.

    107. Việc tinh luyện các linh hồn cũng gặp một số vấn đề cần giải quyết:

    1. Sau khi chết không còn đền tội (satisfactio) nữa, mà chỉ còn khổ luyện (satispassio) vì sau khi chết linh hồn không còn lập công đền bù được nữa, nhưng khổ luyện cũng không hoàn toàn tiêu cực vì các kẻ lành chấp nhận phương pháp và muốn được tinh luyện.

    2. Có còn tội nhẹ cố ý chưa được tha nơi các linh hồn ở luyện ngục không? Đây là một vấn đề tế nhị. Nếu còn tội nhẹ cố ý thì linh hồn đã chết cũng sẽ không còn tự do để mà từ bỏ để được tha nữa vì thế các nhà thần học thường cho rằng sau khi chết mọi tội nhẹ đều đã được tha.

    Về thời gian thì các nhà thần học không biết rõ và nói tới cường độ có thể thay thời gian. Dẫu sao, họ đều công nhận đến ngày sống lại thì không còn luyện ngục nữa.

    Về nơi chốn, các nhà thần học công nhận đó không phải là một nơi trong không gian ba chiều và nhắc đến châm ngôn của triết lý rằng: vai trò của chỗ đối với vật hữu hình tương tự như trật tự đối với vật vô hình; nói khác đi, đó là một tình trạng và nếu nói tới nơi chốn chỉ là một ý niệm tương tự.

    Sau hết, những ai phải vào luyện ngục? Giáo Hội dạy các thánh tử đạo và các hài nhi đã chịu phép Rửa tội không phải qua luyện ngục. Còn các người khác, phép Xức Dầu xoá bỏ mọi vết tích tội lỗi, người lâm tử được Giáo Hội ban đại xá. Mặt khác, theo thuyết “lựa chọn cuối cùng” hay thuyết “sự chết là một hy lễ” thì cũng chẳng còn ai phải vào luyện ngục nữa. Nhưng trong lịch sử huyền bí, hình như có rất nhiều linh hồn phải vào luyện ngục. Đây là một mầu nhiệm Thiên Chúa không mạc khải gì.

Độ vong (suffragia)

  1. Độ vong là những phương thế Giáo Hội đã thiết lập để cứu giúp các linh hồn còn phải giam cầm nơi luyện ngục được chóng ra khỏi nơi ấy. Đó là một tín điều đã được Công đồng Trentô xác định (DS. 1753,950). Các việc giúp vào độ vong gồm có lễ Misa, lời cầu nguyện, các việc lành như hãm mình, bố thí, ăn chay và hưởng nhờ các ân xá.

    Độ vong có nền tảng ở tín điều các thánh cùng thông công: Ba Giáo Hội chiến thắng, đau khổ và chiến đấu có thể ảnh hưởng, tương thân tương trợ lẫn nhau. Vì thế, nhưng, người còn sống nhờ hoàn cảnh còn lập công được để đền bù thay cho các linh hồn. Đó là một việc do bác ái đòi hỏi nhưng nhiều lần cũng là do bổn phận hiếu thảo, công bằng nữa. Công đồng Vatican II diễn tả giáo lý trên như sau: “Nhận biết sâu xa sự hiệp thông này của toàn thể mình mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô, ngay từ ban đầu của Kitô giáo, Giáo Hội lữ hành đã hết lòng kính nhớ và dâng lời cầu nguyện cho những người đã khuất… để họ được giải thoát khỏi tội lỗi” (LG. 50).

    Có người nghĩ rằng giáo lý này sẽ phủ nhận công nghiệp vô cùng của Chúa Giêsu để cứu chuộc ta. Nhưng ta cần thấu hiểu nhiệm cục cứu rỗi sâu xa hơn. Nếu ta được cứu rỗi, đó là nhờ Chúa Kitô, nhưng Chúa không cứu ta dù ta không muốn, mà với sự cộng tác của ta. Thánh Phaolô đã nói đến phải bổ túc cho Đức Kitô để đưa nhiệm thể đến mỹ mãn (Cl 1,24).

    Mức độ sự giúp đỡ ra sao? Đó là một mầu nhiệm; Giáo Hội không ngừng cầu nguyện cho mọi người đã khuất, Thiên Chúa không lệ thuộc thời gian và lúc nào của thời gian cũng vẫn ở hiện tại của Người, vì thế những lời cầu nguyện của ta dù xa cách trong thời gian trước hay sau khi một người chết vẫn có thể giúp ích cho họ trong lúc họ ra trước mặt Chúa, chứ không phải chỉ giúp ích cho họ trong khi họ đang phải thanh luyện. Trong các phương thế để độ vong, có lễ Misa và các ân xá có một hiệu nghiệm đặc biệt, nhưng ta cũng không biết Chúa phân phối ơn Người như thế nào?

    Việc xin các linh hồn nơi luyện ngục cầu bầu cho ta là một vấn đề còn tranh luận, nhưng trong thực hành có nhiều tín hữu vẫn thi hành. Dẫu sao, ta không nên đồng hoá họ với các thánh ở trên trời.