Thực tại cao siêu trên trời

Thực tại cao siêu trên trời

Cn 18 Tn B (2018)

Lm. Giuse Nguyễn

Theo thống kê của tổ chức lương nông thế giới (FAO), hiện nay thế giới có khoảng 1 tỉ người thiếu đói, chủ yếu ở châu phi và châu á; và cứ mỗi 6 giây lại có thêm một người chết vì nguyên nhân thiếu lương thực. Trong khi đó, theo thống kê của một tổ chức chuyên về hoạt động xã hội, thì Hàn Quốc và Nhật Bản là hai quốc gia có tỉ lệ người tự tự hoặc có ý định tự tử cao nhất thế giới. Đối tượng tự tử ở hai quốc gia này cũng thật đặc biệt, có tới 40% các vụ tự tử ở Hàn Quốc là các nghệ sĩ, và ¼ những vụ tự tử ở Nhật Bản là các doanh nhân thành đạt. Như vậy rõ ràng không phải họ tìm đến cái chết vì thiếu thốn về vật chất, và tỉ lệ thống kê của những người tự tử vì đói là dường như không có, mà điều họ thiếu là giá trị tinh thần, tình yêu thương, sự thông cảm, tha thứ… ; nhưng trên hết là giá trị vô biên, tuyệt đối, giá trị mà chỉ một mình Đấng Tuyệt Đối, Đấng Vô Biên mới có thể làm cho con người thỏa mãn mà thôi. Khi giải quyết được khao khát này, con người sẽ giải quyết được tất cả,  giống như những lời bộc bạch của thánh Augustinô: “Chúa đã dựng nên con cho Chúa, linh hồn con khắc khoải khôn nguôi, cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa, nguồn hạnh phúc đời con”. Phụng vụ lời Chúa ngày hôm nay sẽ cho chúng ta thấy đâu là khao khát đúng đắn của con người.

  1. PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
  2. Bài Đọc I: Xh 16, 2-4. 12-15

Dân Israel đã kêu trách ông Môsê và ông Aharon chỉ vì cái đói, cái khát trong sa mạc. Họ đã quên đi công trình kỳ diệu Chúa đã làm trước mặt muôn dân, là cho họ được vượt qua biển đỏ, thoát ách nô lệ của người Ai Cập một cách lạ lung. Họ đòi quay trở lại Ai Cập để tiếp tục làm nô lệ cho người ta nhưng được ngồi bên nồi thịt với mùi hành, mùi tỏi quyện vào nhau làm cho họ sung sướng. Đây không chỉ đơn thuần là cám dỗ về thức ăn, nhưng sâu xa là cám dỗ về niềm tin, vì họ không tin tưởng vào Chúa. Cám dỗ này xuất phát từ việc họ chọn một giá trị quá tầm thường: giá trị vật chất để thỏa mãn cuộc sống của mình; trong khi Thiên Chúa muốn đưa họ đến một giá trị cao hơn: giá trị tinh thần, và nhất là để họ từ từ tiến tới giá trị tuyệt đối, nguồn sống của mình là chính Chúa.

  1. Tin Mừng: Ga 6, 24-35

Bài Tin Mừng hôm nay nằm trong “diễn từ về bánh” của Gioan. Trong phần này, Gioan muốn hướng con người từ thứ bánh vật chất nuôi dưỡng phần xác đến của ăn cao trọng hơn là Thịt, Máu Chúa để nuôi dưỡng linh hồn con người. Cụ thể sau phép lạ hóa bánh ra nhiều cho 5000 người ăn, dân chúng đi theo Chúa chỉ vì muốn có bánh ăn. Đức Giêsu đã nói thẳng với họ: “Các ông tìm tôi không phải vì dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê”. Rồi Ngài dạy họ: “Hãy ra công làm việc không phải vì của ăn mau hư nát, nhưng để có lương thực trường tồn, đem lại phúc trường sinh”.

Từ phụng vụ lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy có một giá trị cao hơn vật chất, cao hơn những thứ chúng ta thấy được, đó chính là Chúa và hạnh phúc đời sau với Chúa. Giá trị vật chất ở đời này chỉ có ngần có hạn và sẽ chấm dứt. Còn hạnh phúc đời sau là vô biên, tròn đầy, viên mãn và sẽ tồn tại mãi mãi. Như vậy khao khát đúng đắn của con người không phải là cơm, áo, gạo, tiền, danh vọng, dục vọng; mà là ước vọng hướng đến trời cao, hướng đến một thực tại cao siêu ở trên trời. Chúng ta biết được điều đó là nhờ có Đấng từ trời xuống là Đức Giêsu Kitô, nhờ những con người đã tiếp xúc với Đấng đó là các Tông Đồ. Hay nói cách khác niềm tin của chúng ta là có căn cứ.

  1. HƯỚNG ĐẾN THỰC TẠI CAO SIÊU

Với niềm tin chắc chắn là có hạnh phúc đời sau với Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô đã rao giảng, các tông đồ truyền lại, và nhờ biết bao con người đã sống và sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng đó, trong đó có cha ông chúng ta là các thánh tử đạo tại Việt Nam;  điều chúng ta phải sống là tuy còn ở thế gian này nhưng không thuộc về thế gian này; sống ở thế gian này nhưng luôn hướng lòng về thực tại cao siêu ở trên trời. Vậy đâu là cách sống thể hiện được khao khát của chúng ta?

  1. Sống thánh thiện:  

Cách sống trước tiên phải là sống thánh thiện. Chỉ một mình Chúa mới là Đấng Thánh, nhưng con người được chia sẻ sự thánh thiện của Ngài khi biết sống gắn bó, kết hiệp với Ngài. Chúng ta sống thánh thiện ngay chính trong môi trường, hoàn cảnh của mình. Trong một gia đình, một lối xóm, một tập thể, một nhóm bạn bè… mà chúng ta gặp những con người tốt lành, thánh thiện: không biết ăn gian, không biết nói dối, sống thật lòng, yêu thương, giúp đỡ anh chị em. Trên bàn nhậu, ngoài sân banh, trong công việc… mà chúng ta may mắn gặp những con người thánh thiện, tốt lành: không chơi xấu, không nói tục, chửi thề, không rủ nhau làm việc bậy bạ, không bán đứng anh em…Với môi trường, hoàn cảnh như vậy thì chúng ta sẽ dễ thánh thiện hơn. Còn ngược lại, gia đình đó, lối xóm đó, tập thể đó, nhóm bạn bè đó; chầu nhậu đó, trận đá banh đó mà có nhiều những con người với lối sống phóng túng, buông thả, làm điều xấu, gian dối, không thật lòng, muốn lợi dụng anh em, chơi xấu anh em… thì chúng ta cũng dễ bị ảnh hưởng. Nhưng đó lại là thực tế và đòi hỏi chúng ta phải biết thể hiện sự thánh thiện, dù chỉ một mình mình, để cho người khác thấy tôi sống ở thế gian nhưng không thuộc về thế gian; tôi dù sống giữa cuộc sống này nhưng vẫn hướng lòng về thực tại cao siêu ở trên trời. Có nhiều người nói chuyện đó là chuyện của mấy người đi tu; thậm chí khi thấy một người hiền lành, thánh thiện người ta nói bộ mày tính đi tu hả?! Đâu phải chỉ mấy người đi tu mới hiền lành thánh thiện, còn mấy người không đi tu thì được phép làm những điều sai trái. Sự thánh thiện là đòi hỏi của tất cả những người con cái Chúa, vì Chúa chúng ta là Đấng thánh thiện.  

  1. Sống yêu thương:

Cách sống thứ hai là cách sống yêu thương, vì Nước Trời chúng ta hướng đến là vương quốc của Tình Yêu, và vì Thiên Chúa của chúng ta là Tình Yêu, Ngài đã noi gương sống phục vụ, tha thứ… thể hiện một tình yêu thương tuyệt vời. Tình yêu thương này đòi hỏi chúng ta phải sống hết tình, hết mình với những con người mà chúng ta gặp gỡ; bất chấp tất cả những hy sinh, những thiệt thòi, những đau khổ, những hiểu lầm mà chúng ta phải gánh lấy vì người khác, miễn làm sao thể hiện được tình yêu thương của mình đối với họ. Từ đó chúng ta nhìn lại mối liên hệ với những người thân trong gia đình, với lối xóm, với tập thể, với bạn bè của mình, với những con người chúng ta gặp gỡ, chúng ta đã sống hết tình, hết mình với họ chưa?

Đó là hai việc cụ thể chúng ta phải làm để thể hiện khao khát hướng về thực tại cao siêu ở trên trời. Nói là hai việc chứ thực sự nó là cách sống của chúng ta. Nghĩa là nếu muốn được hạnh phúc với Chúa đời đời, chúng ta phải sống thánh thiện và yêu thương như Chúa.

Một khi đã biết như vậy rồi, chúng ta phải bắt đầu hành động, vì đức tin của chúng ta theo lời của thánh Gioan, không phải là một mớ lý thuyết, mà là chúng ta cảm nghiệm được Thiên Chúa trong từng hành động của mình, nhất là trong cách sống thánh thiện và yêu thương. Hay như lời của thánh Giacôbê: “Đức tin không việc làm là đức tin chết”. Vậy thì ngay từ bây giờ chúng ta hãy quyết tâm những việc cụ thể sau đây: Ai chưa đi xưng tội thì hãy lo đi xưng tội càng sớm càng tốt; đọc kinh hôm, kinh mai; bằng mọi giá không bỏ lễ ngày Chúa Nhật; tìm một tật xấu mà chúng ta áy náy nhất và quyết tâm từ bỏ nó. Đó là bước khởi đầu để chúng ta tập sống sự thánh thiện để trở nên giống Chúa. Kế đến hãy ý thức lại trách nhiệm của mình trong gia đình để chia sẻ với cha mẹ và người thân; biết chơi đẹp với bạn bè, và thông cảm với anh chị em mình. Đó là chúng ta đang tập sống yêu thương.

Tóm lại, phụng vụ lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết hướng đến thực tại cao siêu ở trên trời, vì đó mới là cùng đích cuộc đời chúng ta. Để hướng đến thực tại đó, chúng ta phải biết sống thánh thiện và yêu thương ngay chính trong cuộc sống của mình. Khi mọi người ai cũng sống thánh thiện và yêu thương thì chúng ta trở thành một cộng đoàn đức tin thực sự, điều mà Chúa Cha muốn chúng ta sống, và Giáo Hội đang tích cực củng cố.       

print