Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 5 Phục Sinh, Năm A

print

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 5 Phục Sinh, Năm A

Mỗi cộng đoàn giáo hội trong hoàn cảnh lịch sử riêng của mình đều đối diện với những vấn đề cần phải giải quyết. Các bài đọc Lời Chúa hôm nay có thể cho chúng ta thấy mỗi cộng đoàn đã giải quyết những vấn đề riêng của mình như thế nào. Nhờ thế chúng ta có thể nhìn thấy rõ hơn vấn đề của chúng ta hôm nay.

BÀI ĐỌC 1: Cv 6,1-7

Chỉ định các phó tế

Có nhiều điểm có thể làm chúng ta chú ý, nhưng có hai hình ảnh nổi bật hiện lên trong trình thuật lập nhóm Bảy người này. Trước tiên, đó là các thừa tác viên đầu tiên được thiết lập trong Giáo hội được gọi là “người phục vụ”, đó là ý nghĩa đầy đủ của chức phó tế. Thánh Phaolô sẽ nhấn mạnh hơn khi ngài viết cho cộng đoàn ở Côrintô rằng bất kỳ công việc nào trong Giáo hội cũng đều là để phục vụ cộng đoàn. Đó không phải là một chức danh để tự hào, ngoại trừ đó là sự tham dự vào hành động phục vụ của chính Chúa Kitô, người Tôi Trung của Thiên Chúa. Điều có thể coi là quan trọng của thừa tác vụ được trao ban, đó là để đáp ứng nhu cầu của cộng đoàn, chứ không phải để làm vinh danh bản thân việc có được một vị trí nổi nang trong một tập thể. Điểm thứ hai là, ngay từ buổi đầu trong cộng đoàn lý tưởng đã xảy ra một cuộc tranh chấp. Một nhóm cảm thấy rằng mình đang bị bỏ rơi. Sự chia rẽ thậm chí có thể tồi tệ hơn mà Luca đã không trình bày hết cho chúng ta thấy, vì tất cả các thừa tác viên mới được chỉ định đều thuộc về nhóm chịu thiệt thòi, nhóm người theo văn hóa Hi Lạp. Điều này chắc chắn cũng sẽ không đảm bảo việc phân phối thực phẩm đồng đều giữa hai nhóm! Người ta tự hỏi trong hoàn cảnh như thế này, phải chăng một tổ chức khác đang được thiết lập, mà trong đó các phó tế trên thực tế đang nắm giữ quyền lãnh đạo song song với các tông đồ? Bởi vì khi đọc thêm từ Cv 6,8 đến 8,13 chúng ta thấy nhóm bảy người này cũng làm những công việc giảng dạy, giáo huấn, và chữa lành như chính các tông đồ. Như vậy, ngay cả trong một cộng đoàn lí tưởng việc hòa giải những khác biệt cũng cần phải được thực hiện liên lỉ.

BÀI ĐỌC 2: 1 Pr 2,4-9

Hàng tư tế vương giả

Bối cảnh của bài đọc này là giao ước giữa Thiên Chúa và dân Israel trên Núi Sinai. Ngọn núi quá thánh thiêng đến nỗi người dân không được phép tiếp cận nó. Giờ đây tác giả nói với chúng ta rằng dân mới của Thiên Chúa, được Thiên Chúa chọn, đã trở thành một đoàn dân thánh thiện, và do đó chúng ta có thể tiến đến sát Chúa Kitô là đá tảng. Trong thời Cựu Ước, chỉ một mình Môsê mới đủ thánh thiện đến gần ngọn núi để dâng hi lễ; bây giờ toàn dân là hàng tư tế thánh. Giờ đây toàn dân hợp thành một hàng tư tế vương giả và một dân tộc thánh thiện, có chức năng dâng lễ. Một trong những điểm nhấn chính của Công đồng Vatican II là trình bày chức tư tế chung của cộng đoàn dân Chúa. Chức tư tế này được trao ban khi người ta lãnh nhận bí tích Rửa tội. Còn chức tư tế thừa tác, tức là các linh mục, có một chức năng đặc biệt là chủ sự Thánh Thể. Và nếu không có chức vụ này, Bí tích Thánh Thể không thể diễn ra. Tuy nhiên, chính lễ hy sinh của đoàn dân Chúa xét như một toàn thể, mà giáo dân cũng như linh mục cùng dâng tiến lên Thiên Chúa. Bài đọc cũng sử dụng một số hình ảnh khác: dân Chúa như một ngôi nhà được xây trên những viên đá sống động, tức là Đền Thờ thiêng liêng, là chính Chúa Kitô.

ĐÁP CA: Tv 33

Ca ngợi Chúa là Đấng Toàn Năng

Trong bài thánh ca tuyệt vời này, người công chính được mời gọi ca ngợi Thiên Chúa, Đấng tạo thành thế giới chỉ bằng một lời (cc. 4 và 9). Thế giới được miêu tả như có ba tầng: tầng trên cùng là trời với các sinh thể trong đó, vùng nước bao quanh vũ trụ, tầng trái đất và con người cư ngụ (cc. 6-9). Những tâm tư và kế hoạch của con người đi ngược lại với lời Chúa, đều bị Chúa làm đảo lộn (cc. 10-11).

Trong tất cả những điều kỳ diệu do lời Chúa tác thành, con người là thụ tạo đặc biệt nhất vì họ được tự do hoạch định các chương trình của mình cũng như họ nhận biết và tôn thờ Thiên Chúa (cc. 8, 10-11). Câu 12-19 phác họa đường lối một dân tộc và vua chúa của họ cần phải hành xử như thế nào trên trái đất mà Thiên Chúa đã sáng tạo. Sự vĩ đại của con người nằm ở chỗ họ được Thiên Chúa chọn và được Chúa hiểu rõ tâm can (cc. 12-15), cũng như việc họ nhìn nhận Chúa lãnh đạo họ (cc. 16-17). Tác giả Thánh vịnh hướng mọi người tin tưởng và quy phục Đấng làm cho mọi người trở nên cao trọng (cc. 20-22).

TIN MỪNG: Ga 14,1-12

Toàn chương 14 có thể được phân chia như sau:

Ga 14,1-4: Chúa trấn an môn đệ đừng xao xuyến!

Ga 14,5-7: Ông Tôma hỏi và Chúa trả lời

Ga 14,8-21: Ông Philípphê hỏi, Chúa trả lời

Ga 14,22-31: Ông Giuđa Tađêô hỏi, Chúa trả lời

Năm chương Tin mừng Gioan 13 đến 17 là một kiểu mẫu về cách các cộng đoàn của người môn đệ yêu dấu tiến triển dần dần trong giáo lý của Chúa Kitô. Những câu hỏi của ba môn đệ, Tôma (Ga 14,5), Philípphê (Ga 14,8) và Giuđa Tađêô (Ga 14,22), cũng là những câu hỏi của các cộng đoàn trong bối cảnh cuối thế kỷ thứ nhất. Chúa Giêsu trả lời cho ba nhân vật, giống như qua một tấm gương, ở đó mỗi cộng đoàn tìm thấy cho mình những câu trả lời để tháo gỡ những nghi ngờ và khó khăn mà họ đối diện. Do đó, chương Gioan 14 đã là và vẫn là một thiên giáo lý chỉ dạy các môn đệ cách sống khi Chúa Giêsu không còn hiện diện thể lí nữa.

Gioan 14,1-12 là câu trả lời Chúa đưa ra cho những vấn nạn luôn làm con người băn khoăn.

Gioan 14,1-4: Các cộng đoàn hỏi Chúa: “Làm thế nào chúng con có thể sống trong một cộng đoàn với rất nhiều lập trường khác biệt nhau?” Chúa Giêsu trấn an trả lời: “Anh em đừng xao xuyến. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở”. Chúa nói những lời khích lệ giúp vượt qua những rắc rối và sự khác biệt phát sinh trong mỗi tập thể con người. Luôn có những xu hướng khác nhau giữa các cộng đoàn, bởi vì mỗi cộng đoàn đều tuyên bố mình là chính thống hơn người khác. Chúa Giêsu nói: “Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở.” Không nhất thiết là mỗi người phải suy nghĩ giống nhau. Điều quan trọng là tất cả đều đón nhận Chúa Giêsu là Đấng mặc khải của Chúa Cha và rằng, vì tình yêu mến Người, tất cả cần sống thái độ phục vụ và yêu thương. Tình yêu và phục vụ phải cụ thể và mạnh mẽ, để có thể gắn kết nhiều viên gạch của một ngôi nhà lại với nhau, và biến các cộng đồng đa dạng thành một Giáo hội của mọi người là anh chị em với nhau.

Gioan 14,5-7: Ông Tôma hỏi Chúa: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao biết được đường?” Chúa trả lời: “Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống”. Ba hạn từ rất quan trọng. Không có đường đi chúng ta không thể bước đi. Không có sự thật chúng ta không thể biết chắc điều gì. Không có sự sống thì sự chết thống trị. Chúa giải thích Người là con đường, bởi vì “không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy”. Người là cửa để chiên ra vào (Ga 10,9). Chúa Giêsu là sự thật, bởi vì khi thấy Người chúng ta nhìn thấy Chúa Cha. “Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy!” (14,7). Chúa Giêsu là sự sống bởi vì khi chúng ta bước theo Người, chúng ta được kết hợp với Chúa Cha và sẽ được sự sống đời đời.

Gioan 14,8-11: Ông Philípphê nói với Chúa: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện. Chúa Giêsu nói với ông: Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha.” Ông Philípphê bày tỏ mong muốn của nhiều người trong cộng đoàn của Gioan, và chắc chắn cũng là mong muốn của tất cả chúng ta: Tôi phải làm gì để thấy Chúa Cha, Đấng mà Chúa Giêsu nói nhiều đến như vậy? Câu trả lời của Chúa Giêsu rất hay: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philípphê, anh chưa biết Thầy ư? Ai Thấy Thầy là thấy Chúa Cha.” Chúng ta không được nghĩ rằng Chúa ở rất xa, rất cách biệt và không ai hay biết. Bất cứ ai muốn biết Chúa Cha là ai, là Đấng như thế nào chỉ cần nhìn vào Chúa Giêsu. Người đã mặc khải Chúa Cha bằng những lời nói và dấu chỉ trong suốt cuộc đời của Người “Tôi ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong tôi.” Thông qua cách sống của mình, Chúa Giêsu đã biểu lộ một dung mạo mới của Thiên Chúa, và đã thu hút mọi người đến với Người. Nhờ hết lòng tuân phục, Người hoàn toàn đồng nhất với Chúa Cha. Lúc nào Người cũng thi hành điều Chúa Cha chỉ bảo (Ga 5,30; 8,28-29,38). Đó là lý do tại sao nơi Chúa Giêsu, tất cả đều là mặc khải về Chúa Cha! Những dấu chỉ và công việc Chúa Giêsu làm cũng đều là công việc của Chúa Cha! Theo cùng một cách như thế, mỗi người chúng ta, qua đời sống và gương sáng của mình, phải cùng nhau biểu tỏ gương mặt của Thiên Chúa.

—-

            THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+  GLHTCG 2746-2751: Chúa cầu nguyện trong Bữa Tiệc Li

+ GLHTCG 661, 1025-1026, 2795: Chúa Kitô mở đường cho chúng ta vào Nước Trời

+ GLHTCG 151, 1698, 2614, 2466: Tin vào Chúa Giêsu

+ GLHTCG 1569-1571: Chức phó tế

+ GLHTCG 782, 803, 1141, 1174, 1269, 1322: “Một dân được tuyển chọn, một hàng tư tế vương giả”

Lm. Giuse Ngô Quang Trung