Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật Chúa Thăng Thiên, Năm A

print

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật Chúa Thăng Thiên, Năm A

Các bài đọc hôm nay trình bày ý nghĩa của việc cử hành lễ Chúa Thăng Thiên: Chúa Kitô được tôn vinh trên mọi phẩm trật thần thiêng cũng như trần thế, vượt qua mọi chiều kích thời gian. Người được tôn vinh cũng chia sẻ cho chúng ta phần gia nghiệp vinh quang phong phú và nhiều ơn lành trọng đại, thư Êphêsô. Trong vai trò là Đầu Hội Thánh và với quyền năng vô biên, Chúa Phục Sinh sai chúng ta đi vào thế giới để loan báo Tin Mừng cứu rỗi, bài kết thúc Tin Mừng Mátthêu.

 

BÀI ĐỌC 1: Cv 1,1-11

Chúa lên trời

Chúng ta phải hiểu những gì diễn ra trong biến cố Chúa lên trời như thế nào? Hình bóng Người, có lẽ đôi bàn chân còn được nhìn thấy sau cùng, đã mất hút trong đám mây trước mắt các tông đồ. Biến cố này chỉ được sách Công vụ Tông đồ nói tới, còn các sách Tin Mừng khác dường như ngụ ý rằng Chúa Kitô Phục sinh đã được tôn vinh vào chính ngày sống lại. Tuy nhiên, Luca tác giả muốn trình bày một số sứ điệp qua trình thuật này. Trước tiên, 40 ngày kể từ lễ Phục sinh không nên được tính cẩn thận từng chi tiết. Theo ngôn ngữ Kinh Thánh, số 40 có ý nghĩa là một khoảng thời gian khá dài, mà thường là giai đoạn chuẩn bị, như Chúa Giêsu 40 ngày chay tịnh trong sa mạc để chuẩn bị sứ vụ, hay Israel trải qua 40 năm trong hành trình chuẩn bị vào đất hứa. Trong suốt thời gian này, Chúa Giêsu đã chuẩn bị cho các tông đồ nối tiếp sứ vụ của Người đi vào thế giới. Thứ hai, đó là sự chia tay quyết định giữa Chúa Giêsu và các môn đệ: Chúa Kitô Phục sinh không còn hiện diện hữu hình với các môn đệ của Người nữa. Giờ đây, Chúa Thánh Thần, Đấng được Chúa Giêsu gửi đến, hiện diện giữa lòng Giáo hội, Ngài điều khiển và thôi thúc mọi hoạt động của Giáo hội. Thứ ba, Luca mô tả Chúa Giêsu như là một ngôn sứ (và còn hơn cả một vị ngôn sứ nữa), vì vậy Người đã để các môn đệ của mình ở lại, giống như ngôn sứ Êlia đã làm. Trước khi được đưa lên trời trong một cỗ xe bằng lửa, ngôn sứ Êlia trao cho đồ đệ của mình là Êlisê tiếp tục công việc, chia sẻ cho ông hai phần thần khí của mình (x. 2 V 2,9-13).

 

ĐÁP CA: Tv 47:1-2, 5-8

Chúa là Vua khắp hoàn vũ

Thánh vịnh này mời gọi muôn dân cùng ngợi khen Thiên Chúa, và sau đó đưa ra những lý do cho việc làm này (cc. 2, 5, 7-8). Thiên Chúa đã chọn Israel để làm cho vinh quang của Ngài được tỏ hiện trước các quốc gia. Do đó, tác giả Thánh vịnh kêu gọi tất cả các dân tộc trên trái đất thừa nhận quyền cai trị phổ quát của Thiên Chúa của Israel (câu 2-3, 5). Trong câu 6, tác giả kêu gọi ca ngợi và chiêm ngắm Thiên Chúa ngự lên trong Đền Thánh của Ngài, ở tại đó Ngài cai trị khắp cả địa cầu trong vai trò là Vua, vua của Israel cũng như của mọi dân tộc (8-9).

Kitô hữu cùng hợp nhất với nhau để dâng lời ngợi khen Chúa, theo lời mời gọi của Thánh vịnh này, đồng thời chiêm ngắm vương quyền của Chúa Giêsu Kitô bao trùm trong vũ trụ, trời đất. Vào thời các tông đồ, Giáo hội đã nhìn nhận câu 6 báo trước biến cố Chúa thăng thiên (x. Cv 1,1-11; Hr 9,24-28; 10,19-23). Đây là lý do Thánh vịnh này được sử dụng trong lễ trọng Chúa Thăng Thiên. Giáo hội tuyên xưng niềm tin vào Chúa Kitô là Vua vũ trụ, mà vương quyền của Người vượt trên mọi thủ lãnh trần gian cũng như mọi quốc gia dân tộc. Là vua của tất cả các dân nước, Thiên Chúa nối kết toàn thể nhân loại như một dân tộc, qua sứ vụ của Con Thiên Chúa là Chúa Giêsu Kitô, vào vương quốc của Ngài là Giáo hội. Giáo hội phổ quát (công giáo) bao gồm các tín hữu thuộc mọi ngôn ngữ, chủng tộc và quốc gia, gắn kết với nhau như một Thân Thể trong Chúa Kitô là Vua.

 

BÀI ĐỌC 2: Ep 1,17-21

Chúa Kitô được siêu tôn

Các phúc lành trình bày trong bài đọc này mang lại ý nghĩa trọng đại cho Giáo hội qua việc cử hành biến cố Chúa lên trời. Chắc chắn điều quan trọng không phải là cách thế Chúa ra đi như sách Công vụ Tông đồ mô tả, nhưng là vị trí cao quý Chúa Kitô được tôn vinh. Quyền năng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết cũng được thể hiện hơn nữa. Bởi vì chính quyền năng này đã mời gọi chúng ta trở thành những người tin Chúa Kitô, làm cho chúng ta được giàu có trong gia nghiệp vinh quang của Người, đồng thời cho chúng ta sức mạnh để bước theo Chúa Kitô. Các Kitô hữu tin rằng Chúa Giêsu vẫn là Thiên Chúa khi Người đến thế gian này, không phải từ biến cố hạ sinh mà ngay từ khi thụ thai. Cũng chính từ giây phút đó mà Lời đã trở nên xác phàm. Tuy nhiên còn một điều trọng đại hơn nữa đã xảy ra trong hành động Thiên Chúa tôn vinh Đức Kitô. Phaolô xác quyết rằng, qua biến cố phục sinh Chúa Giêsu đã được đặt ngự bên hữu Thiên Chúa đầy quyền năng. Chính Chúa nói: “Tôi nói cho các ông hay: từ nay, các ông sẽ thấy Con Người ngự bên Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến” (Mt 26,64). Đây là lời tuyên bố mà trong cuộc xét xử, vị thượng tế cho rằng phạm thượng. Trong phần cuối cùng của Tin Mừng Mátthêu, Chúa Giêsu tuyên bố: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28, 18), và Sách Khải Huyền cho thấy Chúa Kitô Phục sinh được chia sẻ ngai tòa của Thiên Chúa (Kh 22,3).

 

TIN MỪNG: Mt 28,16-20

Lệnh truyền cuối cùng cho các môn đệ

Trình thuật Chúa Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng bao gồm nhiều chủ đề thần học quen thuộc. Các môn đệ trở về Galilê, nơi  Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ của Người. Điều này là để đưa ra tính xác thực cho những ai vẫn còn nghi ngờ về con người huyền nhiệm và sứ vụ của Đức Giêsu. Con người này thật sự cũng vẫn là Đấng mà họ đã cùng sống với Người trước đó. Chúng ta không được cho biết tên của ngọn núi mà các môn đệ được dẫn đến, nhưng mối tương quan giữa việc Chúa ra huấn lệnh trên một ngọn núi hôm nay, và bài giảng khai mạc sứ vụ của Người những năm trước cũng diễn ra trên núi, đã không thể phai mờ trong tâm trí và trải nghiệm của các môn đệ.

Mười một môn đệ nhìn thấy Chúa Giêsu trên núi và họ bái lạy Người, nhưng họ không hiểu được tất cả những gì đang diễn ra. Đây cũng là khung cảnh gợi nhớ biến cố hiển dung của Người trước đây. Chúa Giêsu tuyên bố rằng tất cả quyền năng trên trời dưới đất đã được trao cho Người, những lời này nói đến Đấng là Con Người được Thiên Chúa tôn vinh và ban cho quyền bính thời cánh chung (x. Đn 7,14). Sử dụng quyền năng đó, giờ đây Người ủy thác cho các môn đệ đi vào thế giới. Bản văn không nói rõ Người trao quyền bính cho các tông đồ. Thay vào đó là một lời bảo đảm rằng Người sẽ ở lại với họ cho đến tận thế. Người là Đấng Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta khi còn hiện diện trong thân xác; và Người cũng vẫn là Emmanuel cho đến khi kết thúc thời gian.

Lệnh truyền này thật rõ ràng và bao gồm mọi đối tượng. Các môn đệ được mời gọi ra đi và làm cho muôn dân nước trở thành môn đệ. Mọi ranh giới xã hội và rào cản văn hóa đều được giải tỏa; những giới hạn về dân tộc và giới tính cũng được dỡ bỏ. Tính phổ quát của lệnh truyền này đã trở thành hiệu lệnh thôi thúc đối với mọi tín hữu từ thời điểm phát ngôn cho đến ngày nay. Mỗi thời đại khác nhau đều phải trực diện những đòi hỏi khác nhau của lệnh truyền này. Giáo hội sơ khai đã trải qua giai đoạn căng thẳng khi phải dịch chuyển từ bối cảnh Do Thái toàn tòng sang thế giới dân ngoại. Còn ngày nay chúng ta xây dựng cộng đoàn với sự đa dạng văn hóa, tâm thức trong nỗ lực hội nhập. Tuy nhiên lệnh truyền của Chúa vẫn không hề thay đổi: Làm cho muôn dân trở thành môn đệ.

Cách thức để thực hiện lệnh truyền có hai việc: bằng cách rửa tội và giảng dạy. Công thức ba ngôi trong bí tích Rửa tội cho thấy các yếu tố vẫn lưu truyền trong giáo huấn của Chúa Giêsu. Trong suốt sứ vụ của mình, Người đã nói về Thiên Chúa là Cha (x. Mt 11,25-27), Người cho thấy mối tương giao mật thiết của Người với Chúa Cha. Người cũng nói về Thánh Thần, Đấng đã xuất hiện trong biến cố phép rửa tại sông Giorđan (x. Mt 3,16) và nhờ quyền năng của Ngài mà Chúa xua đuổi quỷ dữ (x. 12,28-32). Chính trong danh xưng Thiên Chúa Ba Ngôi mà các môn đệ được rửa tội. Đúng với nguồn gốc Do Thái của cộng đoàn của Mátthêu, danh Thiên Chúa không được xướng lên mà chỉ được nhắc đến. Những người rửa tội được dìm mình vào mầu nhiệm của danh xưng đó và được tái tạo thành những tạo vật mới. Mặc dù các yếu tố của công thức rửa tội bắt nguồn từ chính Chúa Giêsu, nhưng công thức này lại không xuất hiện trong sách thủ bản của Giáo hội cho đến thế kỷ thứ hai (x. Didache 7.1), khiến một số người muốn tìm hiểu rõ việc thực hành này xuất hiện khi nào trong lịch sử.

Giáo huấn mà các tông đồ nhận để dạy bảo muôn dân mang ý nghĩa luân lí hơn là giáo thuyết. Những người nghe theo giáo huấn phải tuân giữ những gì Chúa Giêsu mời gọi. Người đã khai mở triều đại của Thiên Chúa, mà tâm điểm của thực tại ấy là một đời sống hoàn toàn đổi mới. Đây là cốt lõi giáo huấn các tông đồ truyền lại. Chúa Giêsu bảo đảm với môn đệ Người sẽ ở với họ cho đến tận thế. Mặc dù bản văn không nói rõ, nhưng chúng ta có thể xác tín rằng qua lời hứa này, tất cả những người đã được rửa tội và thực thi lời Chúa dạy sẽ được ở với Người mãi mãi.

——

            THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+  GLHTCG 659-672, 697, 792, 965, 2795: Chúa Giêsu lên trời

Lm. Giuse Ngô Quang Trung