Tìm Hiểu Lời Chúa CN 17 Thường Niên, Năm A

print

Tìm Hiểu Lời Chúa CN 17 Thường Niên, Năm A

Các bài đọc Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta rằng tin vào Chúa Giêsu là Thiên Chúa và Đấng Cứu Chuộc, đồng thời hi sinh mọi sự trong cuộc đời này để thực thi ý Người thì cũng giống như việc khám phá và sở hữu một kho báu và một viên ngọc có giá trị nhất. Nói cách khác, sống thân mật với Chúa và bước theo giáo huấn của Ngài là hồng ân cao quý nhất mà mỗi người phải mãi tìm kiếm.

 

BÀI ĐỌC 1: 1 V 3,5-12

Vua Salômôn cầu xin ơn khôn ngoan

Có bao nhiêu chính trị gia và nhà lãnh đạo của chúng ta hôm nay biết làm một việc tốt đẹp như vua Salômôn khi ông lên ngôi! Vua ý thức về sự bất cập và non yếu kinh nghiệm của mình. Ông không xin bất cứ điều gì đem lại lợi ích cho bản thân, mà chỉ xin những kỹ năng cần thiết để cai trị dân nước. Đáp lại, Chúa hứa ban cho vua nhiều phần thưởng vật chất cao quý.

   Ngay lập tức sau đó, như minh họa cho sự khôn ngoan được trao cho vua, chúng ta có câu chuyện nổi tiếng về việc “Salomon xử kiện”, thuật lại cách ông giải quyết tranh chấp giữa hai gái điếm, mỗi người cương quyết nhận đứa con còn sống là của mình, còn đứa chết là của người kia. Sự khôn ngoan của vua trở nên nổi tiếng đến mức một số bộ sưu tập những câu tục ngữ cao siêu và thâm thúy trong Kinh Thánh được gán cho vua. Chúa cũng giúp vua trở thành thành một thương nhân tài giỏi, vì vua đã tích lũy  được một gia tài của cải đồ sộ bằng hoạt động môi giới: bán ngựa từ Tiểu Á sang Ai Cập, rồi lại bán các chiến xa kèm theo với ngựa từ Ai Cập sang Tiểu Á, cũng như khai thác những khoáng sản trong vùng đất giàu tiềm năng xứ Palestine. Không có gì ngạc nhiên khi Nữ hoàng Shêva phải cúi đầu thán phục nhà vua! Bài đọc được chọn ở đây có lẽ để phù hợp với bài Tin Mừng về người môn đệ trong dụ ngôn biết truy tìm sự khôn ngoan từ cả trong cái mới và cái cũ.

 

ĐÁP CA: Tv 119:57,72,76-77,127-130

Kho tàng Lề Luật của Chúa

Thánh vịnh này có tựa đề: Ca ngợi Lề Luật. Thánh vịnh này dài nhất trong Kinh Thánh và theo một hình thức mỗi phần bắt đầu bằng một mẫu tự Hípri, chữ đầu tiên là “aleph” và chữ cuối cùng là “tau.” Thánh vịnh luôn nhắc nhớ rằng tuân giữ Lời Thiên Chúa là con đường dẫn đến sự sống và hạnh phúc.

  1. 57 : “Lạy Chúa, con đã nói: phần của con là tuân giữ Lời Ngài.”

Luật của Đức Chúa là “gia phận” của tác giả Thánh vịnh, đó là gia tài theo giao ước của Chúa mà ông trân trọng hơn bạc vàng (cc. 57 và 72). Ông hy vọng được sống trong lòng thương xót của Chúa với các giới răn trong Lề Luật, mà ông coi là người hướng dẫn và an ủi ông (cc. 76-77). Ông yêu mến lời Chúa và Lề Luật, như là kho báu lớn nhất của mình. Do đó, ông hết lòng tuân giữ, và ông hy vọng Chúa sẽ cho ông nghiệm thấy ông được Chúa ưu ái và được ban cho ơn hiểu biết cần thiết để sống trọn vẹn hơn dưới ánh sáng của Luật Chúa (cc. 127-130). Tác giả Thánh vịnh bày tỏ lòng yêu mến của mình đối với Thiên Chúa qua việc tuân giữ Lề Luật (c. 127).

 

Chúa Giêsu đã dạy về mối liên hệ giữa việc yêu mến và tuân giữ Lời Chúa khi Người nói với các môn đệ: “Ai yêu mến Thầy thì tuân giữ Lời Thầy” (Ga 14,15, 21). Thánh Gioan cũng đã lặp lại mối liên hệ ấy khi ngài viết: “Chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Thiên Chúa: đó là chúng ta tuân giữ các điều răn của Người” (1 Ga 2,3) và, “Ai tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy. Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, đó là nhờ Thần Khí, Thần Khí Ngài đã ban cho chúng ta.” (1 Ga 3,24). Sự tuân phục các điều răn là kim chỉ nam giữ chúng ta đi trên “con đường hẹp” để được cứu rỗi và đón nhận niềm hy vọng kết hiệp với Thiên Chúa trong Nước Trời.

 

BÀI ĐỌC 2: Rm 8,28-30

Được khuôn đúc theo hình ảnh Con của Ngài

Đã đến lúc Phaolô bắt đầu tóm tắt những ơn ban của Thần Khí mà ngài đã nêu chi tiết trong chương 8. Trong niềm phấn khởi của mình, ngài chuyển sang sử dụng một thủ pháp văn chương gọi là phép tu từ, áp dụng một hình thức ba chuỗi ý nghĩa mà ngài cũng sử dụng ở những nơi khác trong kết luận tuyệt vời của mình: “tiền định- được kêu gọi, được kêu gọi- nên công chính, nên công chính – được tôn vinh.”

 

   Nội dung mà Phaolô vô cùng phấn khởi đó là những người được Thiên Chúa chọn thì được khuôn đúc theo hình ảnh, hình dạng hoặc hình mẫu của Con Ngài. Không chỉ đơn thuần là đồng thừa kế mà còn trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô. Để nhấn mạnh sự đồng hóa này với Chúa Kitô, Phaolô đã sử dụng mọi phép ẩn dụ mà ngài có thể tìm thấy: được đóng đinh cùng-với Chúa Kitô, được mai táng cùng-với Người, được sống lại cùng-với Người, được nên đồng hình động dạng cùng-với Người. Khi sống sự sống của Chúa Kitô và được khuôn đúc theo khuôn mẫu của Chúa Kitô, Kitô hữu tiếp nhận lịch sử của Chúa Kitô như của chính mình. Đây là khía cạnh cá nhân của việc được dìm vào cái chết của Chúa Kitô trong Bí tích Rửa tội. Còn khía cạnh cộng đồng sẽ được khai triển trong các thư gửi cho tín hữu tại Côrintô: vì tất cả các Kitô hữu cùng sống sự sống của Chúa Kitô, các Kitô hữu tạo thành một thân thể duy nhất, được sống động bởi cùng một Thánh Thần, và do đó phải giúp đỡ và phục vụ lẫn nhau như là chi thể của cùng một thân thể. Mỗi người đóng góp một ơn ban khác nhau: người này là tai nghe, người khác là con mắt, và người khác nữa là đôi bàn tay.

 

TIN MỪNG: Mt 13,44-52

Các kho tàng mới và cũ

Chúa Giêsu tiếp tục giáo huấn các môn đệ về Nước Trời bằng các dụ ngôn. Bài đọc trong Chúa nhật hôm nay gồm có ba trong số những dụ ngôn này. Hai dụ ngôn đầu tiên (kho báu và viên ngọc quý) nói đến giá trị vô giá của Nước Trời. Dụ ngôn thứ ba (chiếc lưới) trình bày các thành phần đa dạng của Nước Trời. Bài đọc khép lại với cuộc đối thoại ngắn giữa Chúa Giêsu và các môn đệ.

Các dụ ngôn về kho báu trong ruộng và viên ngọc quý đều giống nhau. Cả hai đều diễn tả Nước Trời đang hiện diện mặc dù người ta không nhận ra. Chỉ có người rất khôn ngoan mới khám phá thấy được. Khi họ phát hiện ra nó, họ bán tất cả để sở hữu. Cũng như mọi trường hợp của ngôn ngữ ẩn dụ, trọng tâm của dụ ngôn bị hạn chế. Điểm so sánh trong dụ ngôn trước tiên là giá trị của chính kho báu, chứ không phải việc mua bán thửa ruộng, vốn có thể trở thành một giao dịch gian lận. Những người lần đầu tiên nghe dụ ngôn sẽ vui mừng với người tìm thấy kho báu. Người tìm thấy viên ngọc quý có lẽ là một nhà kinh doanh ngọc trai chuyên nghiệp chứ không chỉ đơn thuần là một người bán lẻ. Mắt anh ta nhận ra được giá trị mà người khác đã bỏ qua. Và có lẽ ông cũng sẽ được hoan nghênh bởi khối thính giả ban đầu của Chúa Giêsu.

Dụ ngôn chiếc lưới lại hoàn toàn khác. Nó giống như dụ ngôn cỏ lùng (x. Mt 13,40b-42: Chúa nhật 16). Chiếc lưới được mô tả ở đây có lẽ có phao ở viền mép trên và gắn chì ở phía dưới. Sau khi buông ra, lưới được kéo bằng dây thừng, và nhiều con cá sẽ mắc vào lưới. Kiểu bắt cá đại trà này cần phải phân loại một khi cá đã được đưa lên bờ, nhưng không cần phải gấp gáp lắm. Những người nghe câu chuyện dụ ngôn này hẳn đã quen thuộc với cảnh huống nó mô tả. Đặc tính cánh chung của dụ ngôn được nhìn nhận khi nội dung đề cập đến sự kết thúc (syntéleia) thời gian và vai trò của các thiên thần tại thời điểm phán xét cuối cùng. Khi đó những người lành thánh sẽ được tách riêng khỏi kẻ ác.

Trong khi cuộc trao đổi giữa Chúa Giêsu và các môn đệ nói đến các dụ ngôn trước đó, thì phần này cũng có thể được coi là kết luận của toàn bộ giáo huấn của Chúa Giêsu bằng dụ ngôn (x. Chúa nhật 15 và 16). Chúa Giêsu hỏi các môn đệ xem họ có hiểu những gì Người đã dạy họ không. Họ trả lời khẳng định. Điều này có thể là đúng bởi vì các dụ ngôn vừa được công bố thật dễ hiểu, hoặc, như trong trường hợp các Chúa nhật trước, chính Chúa Giêsu đã giải thích ý nghĩa của các nội dung ấy. Các kinh sư mà Chúa Giêsu nói đến có lẽ đã làm việc nhiều hơn là chỉ sao chép các cuộn Sách Thánh. Họ là những người giải thích Lề Luật. Chúa Giêsu cũng coi các môn đệ của Người là những phiên dịch viên của Luật, vốn đã được răn dạy trong Nước Trời. Giống như một chủ nhà nọ biết lấy ra từ trong kho tàng cả cái mới lẫn cái cũ, thì các môn đệ cũng cần hiểu rằng giáo huấn của Chúa Giêsu, mặc dù đặt nền tảng trên truyền thống ban đầu nhưng lại hoàn toàn khác biệt.

——

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+  GLHTCG 407: Bản tính nhân loại đã bị tổn thương và nghiêng chiều về sự dữ

+  GLHTCG 1777-1785: Quyết định theo lương tâm phù hợp với ý Chúa

+  GLHTCG 1786-1789: Tìm ý Chúa trong những hoàn cảnh khó khăn

+  GLHTCG 1038-1041: Tách biệt thiện và ác trong ngày Phán xét

+  GLHTCG 1037: Thiên Chúa không tiền định cho ai xuống hỏa ngục

 

Lm. Giuse Ngô Quang Trung