Tôma: Vị Tông Đồ Đa Nghi

print
TÔMA, VỊ TÔNG ĐỒ ĐA NGHI
( Ga 20, 24 – 29 )
 
 
Khỏi cần phải nói, đây là vị Tông Đồ bi quan nhất. 
Con người luôn luôn buồn rầu, sầu thảm, 
và hình như không thể tin điều gì mà ông không thấy.
Ông thực tế nhìn vào bề trái của vấn đề,
Ông nhìn thế gian, đời sống, khổ đau qua cặp kính màu đen.
Gọi ông là vị Tông Đồ đa nghi hình như chưa đủ,
Phải gọi ông là vị Tông Đồ nhăn nhó, 
sầu thảm, 
cằn nhằn, 
càu nhàu…
Ông đã làm gì với tư cách Tông Đồ Chúa Giê-su?
Vì sao ông được chọn?
Câu trả lời chân thành nhất là tôi không biết.
Phải chăng Chúa muốn khuyến khích tất cả mọi người,
dù người đó khó tính, càu nhàu, bi quan,
và trong lòng chỉ biết nghi ngờ?
Dù sao, trong sự nghi ngờ chính đáng,
vẫn có nhiều Đức Tin hơn một niềm tin nửa vời.
Chúng ta gặp Tôma lần đầu tiên khi nghe tin Ladarô chết. Lúc bấy giờ Chúa đang ở ngoài vùng Giuđê. Người muốn tránh mặt một thời gian vì ở Giuđê, Người đã tranh luận với người Do thái và nói những lời mà họ cho là phạm thượng. Hai lần họ đã muốn ném đá và bắt giữ Người. Người đã lánh đi, bỏ qua bên kia bờ sông Giođan (Ga 10, 29-40). Bây giờ, Chúa Giêsu muốn trở lại Giuđê. Tôma thấy sự nguy hiểm, nhưng ông không tìm cách ngăn cản. Ông biết rằng Chúa can đảm và dám đối diện với tất cả.
Nhưng dù sao thì người Do thái cũng có thể giết Chúa. Tôma bíết rõ như thế. Vả lại, Người cũng đã từng nói đến cuộc Thương Khó sắp tới của Người (Mc 10, 33). Khi Chúa Giêsu nói rằng Người sẽ về Giuđê sang Bêtania, Tôma quay lại nói với các Tông Đồ: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng hãy cùng qua để chết với Người” (Ga 11,10).
Đây là một câu nói tận hiến nhưng đồng thời cũng là tiếng nói u sầu buồn thảm của một người mà đầu óc lúc nào cũng đầy những ý tưởng bi quan, yếm thế. Ông không để ý rằng Chúa đi cứu sống Ladarô, ông chỉ nghĩ rằng mình đi chịu chết. Cách nói của ông có vẻ như không có một tí gì là hy vọng. Ông cam chịu định mệnh, tai ông nghe văng vẳng câu nói Cựu Ước:
“Ngày ngươi chết thì tốt hơn ngày ngươi sinh ra, tốt hơn là đi đến một nhà tang chế hơn là một nhà mừng tiệc, vì đấy là bước cùng của mỗi người…” (Giảng viên 7, 1-2)
Giọng nói của ông như thế đấy! Ý nghĩ của ông như thế đấy: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng hãy cùng đi để chết với Người”.
Chúng ta lại gặp Tôma bên bàn Tiệc Ly. Chúa Giêsu nhắn nhủ các môn đệ, họ yên lặng ngồi nghe:
“Lòng anh em chớ xao xuyến, hãy tin vào Thầy. Trong Nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở… Và Thầy đã dọn chỗ cho anh em, ắt Thầy sẽ đến lại mà đem anh em theo Thầy. Để Thầy ở đâu thì anh em cũng sẽ ở đó, Và Thầy đi đâu thì anh em cũng biết rõ đường rồi” (Ga 14,1-4).
Tôma thấy khó hiểu. Vấn đề này có vẻ lạ. Ông biết rằng Chúa sẽ chết và ông theo để cùng chết. Nhưng bây giờ thì Người lại nói đến chỗ ở, đến nhà cửa, đến sự sống. Tôma là người bi quan, ông chỉ nghĩ đến đêm tối chứ không bao giờ nghĩ đến mặt trời. 
Ông không hề biết rằng có con đường đó, thế mà Chúa lại bảo: “Anh em biết rõ đường rồi… “
Tôma không thể im lặng nữa. Vị Tông Đồ sầu thảm bi quan đó đã hỏi lại Chúa: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?”
Và Chúa Giêsu trả lời: “Thầy là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống, không ai đến được với Cha Thầy mà không qua Thầy” (Ga 14,5-6).
Anh không biết đường sao? Hỡi Tôma, 
“Thầy là Đường đây…”
Anh là người bi quan, anh nghĩ nhiều đến điều sai lầm,
“Thầy là Sự Thật…”
Anh chỉ nghĩ đến cái chết,
“Thầy là Sự Sống…”
Anh không biết Nhà Cha, 
thì hãy đi qua Thầy…
Tôma được trả lời nhiều hơn ông hỏi.
Nhưng con người thực tế, bi quan đó khó mà hiểu được ngay.
Bằng chứng?
Bằng chứng là ngày Chúa sống lại, ông cũng chưa kịp hiểu. 
Ta gặp lại ông vào ngày thứ nhất trong tuần Phục Sinh. 
Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết,
Người hiện ra cho Maria Mácđala,
Người hiện ra cho các Tông Đồ, cho tất cả mọi Tông Đồ,
chỉ trừ Giuđa, vì Giuđa đã chết,
chỉ trừ Tôma, vì Tôma vắng mặt.
Tại sao Tôma lại không gặp Chúa? Lại hụt mất cơ hội?
Tôma buồn rầu, bi quan, choáng váng 
đến độ không muốn gặp các thân hữu,
Ông đóng cửa ở nhà một mình.
Ông luôn ôm ấp sự bất mãn, thất vọng, buồn phiền…
Thế là Tôma vắng mặt khi Chúa hiện đến với các Tông Đồ.
Thử nghĩ xem: 
Tôma đánh mất cơ hội gặp Chúa Kitô Phục Sinh,
Tôma mất dịp thấy Sự Thật và Sự Sống,
Tôma mất dây liên lạc của cộng đoàn tín hữu.
Trên con đường ngắn ngủi của cuộc đời này,
Chúng ta đánh mất quá nhiều cơ hội.
Chúng ta bỏ lỡ mất cơ hội để tin, 
để hy vọng, 
để lớn lên trong Chúa.
Chúng ta bỏ lỡ sự hiện diện của Chúa,
ơn tha thứ của Chúa,
lòng can đảm để chịu thử thách,
niềm hy vọng tỏa lên từ những khổ đau,
sự thu hút khiến ta không thất vọng,
và sự chiến thắng vinh quang trên cái chết…
Phải chăng vì bỏ lỡ những cơ hội như thế
Mà Đức Tin của chúng ta bị già nua, tuổi tác, cằn cỗi, khô gầy,
thay vì một Đức Tin tươi trẻ và sống động ?
Vì Tôma đã vắng mặt,
Nên ông không tin những gì mà các bạn ông chia sẻ.
Họ nói với ông rằng:
Họ đã gặp Chúa Giêsu Phục Sinh, Người vẫn hằng sống!
Tôma không thể tin được,
Ông biết rằng các bạn ông là những người đáng tin cậy,
nhưng trước một việc như thế thì ông không tin.
Ông biết rằng họ là những người đáng trọng,
nhưng lời nói của họ thì không thể trọng trong vụ này.
Ông đã quá quen với những tin tức đen tối.
Nếu họ nói cho ông những tin tức buồn nản đau đớn, 
hoặc bị bách hại, thì ông sẽ tin ngay.
Nhưng với tin tức đầy lạc quan kia, ông đâm ra nghi ngờ.
Không phải vì họ không đáng tin,
Nhưng vì con người của ông không cho phép ông tin.
“Nếu tôi không thấy dấu đinh nơi tay Người, và tra tay tôi vào lỗ đinh và cạnh sườn Người, tôi sẽ không tin…” (Ga 20,25).
Đây không phải là một người yếu Đức Tin,
Đây là một người không có một chút Đức Tin nào cả.
Không phải là một Tôma đa nghi nữa, 
mà là một Tôma đóng cửa, bịt tai và cứng lòng.
Câu nói của ông xúc phạm đến Đức Kitô quá!
Tuy nhiên, 
ông nói “nếu” tức là ông còn cho Chúa một điều kiện.
Chúa đã chấp nhận điều kiện ấy.
Chúa đã chấp nhận một lời thỉnh cầu,
Dù cho lời thỉnh cầu ấy xúc phạm đến đâu, miễn là chân thành.
Một tuần trôi qua.
Mỗi ngày, các bạn ông đều thuyết phục ông.
Vô ích, ông không nghe gì cả.
Thế nhưng, sự nhiệt thành của nhóm môn đệ đã kêu gọi Tôma đến cầu nguyện với họ tám ngày sau đó.
Và Chúa Giêsu lại hiện đến.
Người chịu thua sự cứng lòng của kẻ đa nghi,
Người hạ mình trước một kẻ nghi ngờ và bi quan,
Người hiện đến với câu nói hôm trước của Tôma,
Người lập lại:
“Tôma, hãy đặt ngón tay anh vào đây,
Hãy nhìn xem tay Thầy,
Hãy đưa ngón tay anh tra vào cạnh sườn Thầy,
Và đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy Tin” (Ga 20,27).
Đây là một việc quá sức tưởng tượng của Tôma,
Trong khoảnh khắc,Tôma biến đổi 
từ một kẻ thờ ơ thành một người bạn,
từ một kẻ chối Chúa thành một kẻ tuyên xưng Chúa,
từ một kẻ hoài nghi thành một người đầy tin tưởng.
Hơn thế nữa, ông còn qua mặt tất cả các bạn khi ông tuyên xưng: “Lạy Chúa của con và là Thiên Chúa của con…” (Ga 20, 28).
Từ một người tối đen, ông trở nên một kẻ tin ngời sáng…
Ông đã không thực hiện điều ông đòi hỏi trước đây .
Ông không tự đặt tay mình vào các vết thương,
Không còn cần thiết nữa rồi…
Dù cho đường ông đi tràn đầy nghi ngờ và sợ hãi,
Ông đã đến được vùng ánh sáng.
Bây giờ, tất cả đối với ông là chắc chắn, tất cả nhũng gì mà trước đây ông đã nghi ngờ…
Truyền thống cho thấy rằng ông đã đến rao giảng ở Ấn độ và chịu tử đạo ở đây. Vâng, trong sự nghi ngờ chính đáng vẫn có nhiều Đức Tin hơn là một niềm tin nửa vời… 
Chúa còn nói thêm với Tôma,
câu Người nói với kẻ nghi ngờ giờ đây đã trở nên thành tín:
“Bởi thấy Thầy, anh đã tin,
Phúc cho những ai không thấy mà vẫn tin” (Ga 20,29).
Nếu tìm ý nghĩa cho câu nói ấy, thì ta phải hiểu rằng:
Không phải các Tông Đồ may mắn, còn chúng ta thì thiệt thòi.
Chúng ta không có quyền nói: “Như vậy là thiếu công bình…
Các Tông Đồ đã thấy Người, còn chúng ta thì không được thấy.
Nếu chúng ta không thấy được Người
Thì làm sao Người lại có thể chờ đợi lòng tin ở chúng ta?”
Thế thì, Đức Tin là gì?
Tin có nghĩa là hiểu biết điều mình không trông thấy.
Và quả thật, phúc cho những ai Tin vì họ sẽ thấy.
Ta để ý chỉ có Gioan mới nhắc tới Tôma, nhắc tới ba lần.
Lý do là vì Gioan viết Phúc Âm cốt để nhấn mạnh về Đức Tin.
Một người như Tôma sẽ cho chúng ta một bài học,
một niềm hy vọng.
Tôma thực tế đến như thế…
Tôma bi quan đến thế,
Tôma thực tế đến thế,
Tôma nghi ngờ đến thế,
Vậy mà cuối cùng Tôma đã tin mà không cần phải thử nữa…
Điều này nói lên rằng: 
Chúng ta không thể nào sống mãi trong bóng tối,
nếu chúng ta vẫn còn thắc mắc một cách chính đáng,
trong khi vẫn một lòng sánh bước với Đức Kitô…
Nếu ngày nay chúng ta có đi đến Thánh Địa,
Chúng ta sẽ thấy nơi Chúa đã đến, đường Chúa đã đi qua,
Nhưng chúng ta không thể chứng kiến Chúa chữa bệnh,
không thể nghe tận tai Lời Chúa giảng,
không thể chiêm ngưỡng Chúa Kitô Phục Sinh.
Chúng ta chỉ thấy núi non, sông biển, sa mạc,
Nhưng Chúa Giêsu thì chúng ta không thể gặp.
Vậy, có đến đó hay ở nơi đây cũng chẳng khác gì…
“Phúc thay ai không thấy mà tin”
Nếu chúng ta thật sự thắc mắc
Thì chúng ta có thể tìm đến Chúa Kitô Phục Sinh qua Đức Tin.
Ngay cả Tôma, khi ông nói: “Lạy Chúa của con…”
thì ông đã nói bằng kinh nghiệm,
Nhưng khi ông nói thêm: “… và là Thiên Chúa của con”
thì ông đã nói bằng Đức Tin.
Cái gì mắt thấy tai nghe đã cho phép ông kết luận rằng:
Thầy của ông là Thiên Chúa Hằng Sống?
“Tin là cách chiếm hữu những điều còn trong hy vọng,
Tin là cách nhận thức những thực tại không trông thấy,
Còn không có Đức Tin thì vô phương làm đẹp lòng Thiên Chúa,
Vì ai đến gần Thiên Chúa thì phải tin là Người hiện hữu,
Và Người sẽ thưởng công những ai tìm kiếm Người” (Dt 11,1-6).
Chúa Giêsu đã sống lại:
Người đã hiện ra cho các Tông Đồ,
Người đã hiện ra cho Tôma.
Đó là sự kiện không thể phủ nhận.
Vậy mà, điều đó chúng ta lại không có đủ chứng cứ.
Kitô giáo đặt nền tảng là Chúa Kitô Phục Sinh.
Vì thế, vấn đề của chúng ta là chọn lựa:
Chọn Tin Người hay là phủ nhận Người mà thôi.
Nhưng, dù ta Tin hay là ta phủ nhận thì… 
Người vẫn còn đó: Con Thiên Chúa,
Người đã sống lại và Người hằng sống,
Người ở giữa chúng ta…
“Ở giữa các ông có một Người mà các ông không biết” (Ga 1,26).
Người ở đó, trước mặt chúng ta,
Tay Người đưa ra, vết thương còn rướm máu, 
Người bảo chúng ta:
“Hãy tra tay vào đây,
Hãy nhìn rõ tay Thầy,
Hãy đặt tay vào cạnh sườn Thầy, 
Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy Tin…”
Quả thật,
“Phúc Cho Những Ai Không Thấy Mà Vẫn Tin…”
 
(13 NGƯỜI LÀM THAY ĐỔI THẾ GIỚI)