TPÂH Cuộc Sống Đời Thường Chương Chín: Chữa Trị “Chán Sống’ Bằng Phương Thê Siêu Nhiên

print

CHƯƠNG CHÍN

CHỮA TRỊ “CHÁN SỐNG’

BẰNG PHƯƠNG THÊ SIÊU NHIÊN

 Phải chăng Thiên Chúa góp phần sinh ra và nuôi dưỡng tình trạng chán sống

Để trả lời cho câu hỏi liệu có một nguồn gốc thần thiêng nào cho tình trạng chán sống, chúng tôi có thể trả lời là lúc nào chúng ta cũng có những hình ảnh về Chúa góp phần sinh ra và nuôi dưỡng tình trạng chán sống này. Ở đây không phải Chúa là lý do nhưng các lý thuyết thần học, các hình ảnh mà chúng ta dựng lên như một thực tế rốt cùng. Vì thế hình ảnh một Chúa toàn năng đứng trước hình ảnh con người yếu kém thì chẳng đem lại một động cơ, một an ủi nào… Không phải là không có lý khi văn sĩ Pháp Voltaire châm biếm “Càng đến với Thiên Chúa thì càng lui về loài người” khi đứng trước loại thần học sơ lược của các bình thông nhau. Vì thế hình ảnh Chúa toàn năng, biết hết, làm hết đưa chúng ta về với cái tầm thường, cái bất lực của mình không phải để giúp chúng ta chấp nhận con người của mình nhưng lại làm cho chúng ta tự kết án mình, tự ràng buộc mình vào ảo tưởng hoàn thiện, toàn năng, một ảo tưởng gò bó và có tính huỷ hoại. Như thế, một vài cách suy nghĩ về Chúa lại góp phần vào việc hạ thấp giá trị con người một cách sâu xa, loại bỏ mọi khả năng vươn lên cao, phủ nhận tầm cao cả trong ân sủng mà con người có thể có được. Trong công cuộc đi tìm nguồn cội thần học cho tình trạng chán sống, đạo Tin Lành cũng không tránh vấp lỗi lầm. Bởi vì đạo Tin Lành nâng cao giá trị một chủ thể tự do và đơn độc trong quan hệ của nó với Thiên Chúa, độc lập trong chọn lựa, trách nhiệm với các chú giải của mình và không uỷ trách nhiệm qua trung gian một thể chế giáo sĩ nào, cũng không qua một quyền uy nào mà chỉ dựa trên trách nhiệm của chính mình, một trách nhiệm thật sự rất đè nặng. Việc nâng giá trị vào cá thể, đặc nét mà Troeltrsch gọi là “Tân Tin Lành” đã, theo cách của nó, góp phần nuôi dưỡng cho tình trạng “mệt mỏi vì phải làm người” của con người thời đại này. Việc quá nâng giá trị cá thể trong đạo Tin Lành luôn luôn có nguy cơ làm cho đương sự cảm thấy tội lỗi, tự kết án mình không bao giờ ở tầm cao mà đáng lý mình phải đạt được qua cuộc sống và một tư tưởng là luôn luôn mình phải có trách nhiệm.

Trong khi đó, thần học Thiên Chúa Giáo không để cho quan điểm tiêu cực về nhân loại này làm giảm giá trị họ. Bởi vì một phần khoa biện giáo của họ được xây dựng trên việc họ đặt nhân loại vào bóng tối để bóng tối này được tràn ngập bởi chỉ một mình ánh sáng cao cả của Thiên Chúa, vì thế trong chân lý sâu thẳm của họ, Thiên Chúa Giáo vẫn còn duy trì một cuộc chiến chống sự huỷ hoại của con người, chống sự tước quyền con người của mình, nói một cách chính xác hơn là chống tình trạng chán sống. Đặc biệt nơi Đức Kitô đầy cả biểu hiện của cuộc chiến đấu này, qua lời rao giảng và các hành vi của Người, Người không nói gì khác hơn là thái độ không tách rời Thiên Chúa và thế giới này. Nhà thần học Tin Lành Karl Barth cũng đã nói: “Dứt khoát, nơi chính Đức Kitô, Đức Kitô cũng đã quyết định Thiên Chúa không hiện hữu nếu không có con người.” Phải chăng giao ước này lại không xây dựng trên khả năng nhân bản của người kitô, có nghĩa là một khả năng được đánh giá tích cực, được chứng nhận, có giá trị đó sao?[1]

  1. Để hiểu tình trạng chán sống hãy nhìn vào Đức Giêsu và mầu nhiệm Thập Giá

2.1.Để hiểu tình trạng chán sống hãy nhìn vào Đức Giêsu

Cắt đứt với hết mọi giải thích lôgic và hữu lý với tình trạng chán sống, như thế, một cách chính xác, chúng ta có thể xem chính vì nhà thần học lơ đi các câu hỏi tại sao nên nhà thần học có thể lắng nghe và xem trọng nỗi đau khổ trong những gì khắc nghiệt nhất, thật nhất của nó, có nghĩa là không giả bộ, không ảo tưởng. Như thế, trong sự từ bỏ này là cả một tư tưởng chấp nhận các giới hạn riêng của mình, vì nó vừa không trả lời rõ ràng, xem như đầu hàng về mặt thần học, vừa không có khả năng trả lời. Mặt khác, xem trọng người khác có phải là cách duy nhất đáng kể cho một minh hoạ cụ thể “với” tính nhân bản mà chúng ta vừa nêu lên đó không? Mặt khác, Đức Giêsu là ai, nếu đó không là người hiệp thông với đau khổ của nhân loại và lấy đau khổ của nhân loại làm thập giá cho mình đó sao? Mặc lấy thân phận loài người trong các khả năng giới hạn của nó có thể dùng để chú giải lại đời sống nhân loại, gộp vào, một cách tích cực, khả năng sai lầm của mình. Vì thế, trong tập bài giảng có nhan đề Vĩnh Cửu Là Bây Giờ, nhà thần học tin lành Paul Tillich viết về vấn đề phức tạp này qua khái niệm cả về sức khoẻ. “Sự phong phú của cuộc sống bao gồm cả nguy cơ về bệnh tật. Cuộc sống của con người là một cuộc sống phong phú, vô cùng phức tạp, không tài nào cạn kiệt trong các khả năng của nó, ngay cả nơi người tưởng như nghèo nàn nhất trên quan điểm về sức sống (…) Trong cuộc sống con người, hơn tất cả các cuộc sống khác, có những khuynh hướng, trái ngược nhau mà chúng phải liên tục duy trì đưa nó về một đơn vị hiệp nhất. Chữa lành người bệnh có nghĩa là giúp họ tìm lại được đơn vị hiệp nhất của họ đã bị đánh mất mà không tước đi nét phong phú con người họ, không để họ bị đặt vào trong một đời sống nghèo nàn dù họ bằng lòng ở đó.” Cách chú giải cuộc sống con người như vậy bắt nguồn từ cách tái ghi nhận một cách tích cực trong sự thông hiểu chính chủ thể, với những thiếu sót, những giới hạn, những căng thẳng mà ngay khi chúng xuất hiện là đã có những yếu tố cấu thành trọn vẹn cho những gì nó là. Ngoại trừ để thoả mãn cho những lý do thần học nhằm giải thích một tình trạng chán sống, chúng ta có thể tìm thấy ở bên phía kia câu hỏi tại sao là những ý đồ và cùng đích, những tiền đề mới.

Nếu vì sợ gây sốc khi cho rằng đau khổ này có một lý do cao cả, để phải trả lời ngay lập tức rằng tình trạng chán sống sẽ chẳng giải quyết cho một cùng đích nào và cũng chẳng có ích cho một cái gì, là có nguy cơ che lấp quá nhanh và quá dễ cho chiều kích của một tiềm năng hé mở và sáng tạo của trải nghiệm tình trạng chán sống. Chính vì thế, triết gia người Đức Heidegger năm 1930 trong quyển sách Các Khái Niệm Nền Tảng Của Siêu Hình Học đã xem tình trạng buồn bã và chán chường là nằm trong “tổng thể nền tảng của chủ thể”. Và trong chừng mực này, tình trạng buồn bã tỏ cho thấy một cuộc cắt đứt giữa những gì là cốt tuỷ của chúng ta và những gì chúng ta mong được trở thành. Còn lâu mới bị tê liệt, trải nghiệm này mở ra một sự thật sâu xa về con người của mình, một sự thật luôn luôn lọt ra khỏi tầm tay chúng ta và đẩy chúng ta đi về phía trước, cho chúng ta động cơ để hành động và sáng tạo. Triết gia Heidegger còn nói: “Mọi tác động của người sáng tạo là ở trong sự buồn bã.” Theo triết gia, chúng ta có thể tìm thấy sau thử thách này một dịp để thấy sự thật về chính mình, không còn hoang tưởng là mình tài giỏi, là dịp để mình khiêm tốn hơn, đoàn kết hơn với người khác, với điều thiết yếu, có được một tấm lòng nhạy cảm tinh tế hơn, ít nghiêng về chuyện phù du. Chính Antonin Artaud cũng đã viết: “Người ta chỉ đến được với Chúa sau khi bị thiêu sống, bị lật nhào, bị quay trở lại phía bên kia thập giá của Người, sau khi đi qua chặng đường thập giá của Người.”[2]

2.2.Để hiểu tình trạng chán sống phải cảm nhận được mầu nhiệm Thập Giá

Các phương cách khác nhau để xua đuổi tình trạng chán sống như giải mã nó, nhìn vào sự thật của chính mình và của thế giới bên ngoài, cho thấy bao nhiêu là chiến thuật để đến gần, để hoá giải tình trạng này, theo gương những gì chúng ta đã nêu ở trên, về các câu trả lời theo Thiên Chúa Giáo đối với các thử thách của thần thiêng và của tình trạng bị ám. Lúc nào nỗi khổ cũng là một trải nghiệm thực tế sâu xa giúp con người khám phá nó và đến được với nó: dù là sự thật trần trụi trong cái khắc nghiệt và bền chịu của công việc sáng tạo, của một tính nhân văn họp thành qua những căng thẳng và tính sai lầm của nó, hoặc một Thiên Chúa được nghĩ như cấp quyết định cao nhất cho tất cả mọi sự.

Nhưng dù cùng đích nào của tình trạng chán sống này, nếu có một hữu ích nào có thể có cho tình trạng đau khổ thì nó không dùng để dạy cho bất cứ ai mà chỉ có đương sự chịu đau khổ cảm nhận và nhận ra mà thôi. Và chỉ duy nhất cái “hữu ích có thể có” này mới làm cho đương sự có được khôn ngoan chứ không phải là một công cụ cho tình trạng đau khổ. Trong một tác phẩm nói về sự xấu, triết gia Paul Ricoeur mô tả các dạng khác nhau về sự “thiêng liêng hoá” của lời rên rỉ: sự phân tích tình trạng vô minh để nhận biết sự xấu nó không tuân bất cứ một tình trạng khắc nghiệt nào và Chúa không tạo ra nó, sự phản kháng và kết tội chống lại ý tưởng một Chúa dung thứ sự xấu, sự khám phá rằng “các lý do để tin tưởng vào Chúa chẳng dính gì với nhu cầu giải thích nguồn gốc của đau khổ”, đức tin luôn luôn là một đức tin dù cho có chuyện gì xảy ra đi nữa, kể cả cái xấu. Cũng trên chiều hướng này, triết gia viết: “Trong đau khổ, có người minh định được giá trị giáo dục và thanh tẩy. Nhưng phải nói ngay ý nghĩa này không thể nào giảng dạy cho ai: nó chỉ được cảm nhận và nhận ra; và vì thế có thể nỗi lo chính đáng của công việc mục vụ là ngăn không cho nạn nhân tự kết tội mình và tự huỷ mình.” [3] 

  1. Chữa lành “chán sống” bằng đức tin

3.1.Chữa lành “chán sống” bằng đức tin

Đức tin có giúp chúng ta sống tốt hơn và có thể mang lại một hạnh phúc chen vào tình trạng chán sống này không. Nhà thần học lúc nào cũng dè dặt không muốn đức tin kitô giáo là cái nạng của người què mà triết gia Nietzsche từng đả kích. Một đức tin như vậy lúc nào cũng có nguy cơ bị cho là sự đào ngũ hèn nhát của người tín hữu khi họ đứng trước thế giới bên ngoài và một chuỗi đau khổ phi lý. Một đức tin làm chúng ta vô cảm và miễn nhiễm cho chúng ta các đau khổ của cuộc đời cũng có nguy cơ thành thuốc phiện làm ru ngủ và làm tha hoá nhân cách như Karl Marx đã từng nói tôn giáo là thuốc phiện. Tuy nhiên các dè dặt này cũng không làm cho việc cầu cứu vào đức tin là vô ích.

Chúng ta đã nghe đức tin được giải thích như một kinh nghiệm sống vừa đơn độc vừa phổ quát, được cảm nhận qua một lời nói, một hành vi, một biến cố…làm cho cuộc đời trở nên hưng phấn, mở ra một chân trời mới và mang đến cho cuộc sống một ý nghĩa. Như thế, một cách tổng quát, chúng ta hiểu đức tin như một cái gì làm chúng ta lệch tâm, mang chúng ta ra khỏi con người của mình, mở ra cho một ước muốn, một cách làm lại bộ mặt, một cách tái xuất trên cuộc đời. Để nói đến các hành động tưởng như đơn giản và tầm thường (nhưng đôi khi là cả một phép lạ) như thức dậy hay đứng dậy, Tân Ước dùng một chữ cũng đơn giản và bình thường ở nguyên bản, mà chúng ta dịch nghe như phi thường và có sức thuyết phục, đó là chữ sống lại. Trước khi diễn giải như Kitô Giáo vẫn hay diễn giải sự sống lại là chiến thắng tối hậu của sự sống trên cái chết, là vũ khí chống lại sức mạnh của sự chết, là mừng sự sống trong những gì huy hoàng nhất của nó thì sống lại đơn giản là sự thức dậy, mỗi buổi sáng… Như thế đức tin là một loại đà vươn lên của sự sống, một sức mạnh sống lại, làm cho chúng ta đứng lên kiểm lại hành lý, mà đối với chúng ta, nó là một cái gì có giá trị cho cuộc sống, mang lại cho cuộc sống một ý nghĩa; một cuộc sống lại chống lại sự dửng dưng trước các ước muốn, một cuộc nổi dậy chống lại những gì khoá chặt và làm chúng ta bị tha hoá.

Sức mạnh của đức tin là sức mạnh làm bừng lên sức sống của tác giả thánh vịnh khi  đặt câu hỏi: “Ai sẽ đến giúp tôi?” Trước hết đức tin này không phải là tin vào một cái gì hay vào ai, nó cũng không phải là việc trước hết phải dính vào một tín điều hay một tôn giáo nào, đức tin là chính cuộc sống trong cuộc chiến kiên nhẫn và can đảm để vượt lên tất cả những gì ngăn cản không cho chúng ta hiện hữu. Chính trong bối cảnh này mà đức tin có một sức mạnh sống lại để làm sáng tỏ cái mật đen và làm tiêu tan cơn buồn bã. Và có thể lúc đó, Chúa thể hiện một cách tối hậu cái gọi là đà sống, là mang ước muốn tuyệt diệu. Thật ra Chúa là gì, nếu không là một giới hạn áp đặt vào thế giới của những chuyện hữu hạn, giống như một điểm nhọn đục vào bề mặt của mọi sự? Chúa mang dấu hiệu của điều không cạn kiệt của mọi sự, của tất cả những gì đáng phải là của một thế giới hữu hình và sờ mó được, là một cách để tin vào khả năng của một điều chưa từng nghe, vào ước muốn một cái gì mới, là hướng về một tương lai chưa hoàn toàn quyết định bởi điều duy nhất cần thiết và sức nặng của các điều ngẫu nhiên của chúng ta.

Nhà thần học chỉ có thể để một cánh cửa mở ra với câu hỏi ý nghĩa thần học của tình trạng chán sống. Đó là lý do mà tiến trình đề cập ở đây, giữa các khái niệm và tư tưởng thần học, làm hụt hẫng mọi mong chờ cho câu trả lời của câu hỏi tại sao có sự xấu và ngay cả nó còn tỏ ra chính đáng cho những câu trả lời về câu hỏi tại sao này. Hãy để câu hỏi mở ra ở đó nhất là nó làm cho những câu trả lời khác nhau gợi lên là phải chú tâm đến những gì tình trạng chán sống làm mình phải suy nghĩ, như nơi chốn mà câu hỏi về Chúa đóng một vai trò để chúng ta học hỏi. Thiên Chúa của tình trạng chán sống và Thiên Chúa của đức tin chữa lành, Thiên Chúa để vắng những lý do không dò tìm được và Thiên Chúa của sự thật được phơi bày trần trụi, Thiên Chúa của lắng nghe, của đà sống, của ước muốn cũng là những bộ mặt của Thiên Chúa của tiếng vọng buồn bã. Bao nhiêu là ý nghĩa mang lại cho mỗi người chúng ta câu trả lời riêng cho cuộc sống của mình, giữa bóng tối và ánh sáng, như hằng có đời đời.[4]

3.2.Chữa lành “chán sống” bằng đức tin và với đức tin chúng ta bước vào cuộc sống đời thường hôm nay

3.2.1. Cuộc sống đầy gai góc

Đó là một chân lý vĩ đại, một trong những chân lý vĩ đại nhất. Đó là một chân lý tuyệt vời một khi chúng ta đã hiểu nó là chính lúc chúng ta vượt qua nó. Một khi chúng ta thực sự biết rằng đời là khó – và đón nhận nó, thì cuộc sống sẽ không còn khó nữa. Bởi vì nếu chúng ta chấp nhận nó thì nó không còn là vấn đề nữa.

Đa số người ta không hoàn toàn nhìn nhận “đời là khó”. Thay vào đó, họ rên rỉ, thét la về mớ ngổn ngang rối rắm của họ, về những gánh nặng và những thử thách của họ – cơ hồ như cuộc sống nói chung vốn dĩ, cơ hồ như cuộc sống đáng ra phải dễ. Họ gào lên rằng những phiền toái mà họ phải gánh chịu là những phiền toái không đáng có, họ nghĩ đó là những khó khăn dành riêng một cách nghiệt ngã cho họ hoặc gia đình, dòng họ, giai cấp, dân tộc, chủng tộc họ… còn kẻ khác thì khỏe re.[5]

3.2.2. Đau khổ giúp chúng ta trưởng thành về mặt tâm linh.

Đời sống là một chuỗi dài những vấn đề. Chúng ta muốn rên rỉ về chúng hay là muốn giải quyết chúng?

Việc đương đầu và giải quyết các khó khăn là một tiến trình không mấy êm ả, và chính bởi đó nên đời mới khó. Một cách tự nhiên, các khó khăn khơi lên trong trong ta tâm trạng nản lòng, hay cảm xúc đớn đau, u sầu, cô đơn, mặc cảm, hối tiếc, giận dữ, lo sợ, hoang mang, khổ sở, tuyệt vọng…Những cảm xúc ấy chẳng dễ chịu chút nào, chúng hành hạ không kém gì những đớn đau trên thân xác, một đôi khi ta có thể so sánh với những cơn đau khủng khiếp nhất của thân xác mình.

Thật vậy, do bởi chúng ta đau nên chúng ta mới gọi các sự cố gây ra các nỗi đau ấy là các vấn đề. Và vì cuộc sống không ngừng phô bầy ra hết các vấn đề này đến vấn đề khác nên cuộc sống bao giờ cũng gai góc, bao giờ cũng đầy những nỗi khổ cùng với niềm vui.

Tuy nhiên, chính trong toàn bộ cái tiến trình đương đầu và giải quyết các vấn đề này mà cuộc đời có được ý nghĩa của nó. Các vấn đề của cuộc sống chính là mặt cắt phân biệt giữa thành công và thất bại. Các vấn đề ấy huy động lòng can đảm và óc sáng suốt của chúng ta; hay nói đúng hơn, chúng tạo ra cho chúng ta lòng can đảm và sự sáng suốt. Nếu cuộc sống không có vấn đề thì chúng ta chẳng thể nào trưởng thành tinh thần và tâm linh được. Để giúp phát triển tâm linh của một người, chúng thách đố và trang bị cho người ấy khả năng giải quyết các vấn đề – không khác gì ở trường người ta đưa các bài toán cho bọn nhóc của chúng ta tự giải lấy. Chúng ta có học hỏi được gì chăng là nhờ ở quá trình đương đầu và giải quyết các vấn đề, một quá trình luôn gắn liền với sự nhức nhối. Như Benjamin Franklin đã nói: “Those things that hurt, instruct” (những gì gây đau đớn cho ta đều giúp dậy khôn ta). Đó là những lý do tại sao những người khôn ngoan không học cách để sợ hãi mà là học cách để đón nhận các vấn đề và các phiền nhiễu của chúng.[6]

3.2.3. Nhưng chúng ta thường tránh né vấn đề

Đa số chúng ta lại không được khôn ngoan như thế. Chính vì sợ đớn đau mà hầu như chúng ta kẻ ít, người nhiều – đều cố tránh né các vấn đề. Chúng ta chần chừ nấn ná, hy vọng bão tố đi qua. Chúng ta định phớt lờ chúng, quên chúng, là như chúng không có đó. Để có thể phớt lờ chúng, ta không ngại tìm hỗ trợ bằng thuốc ngủ và ma tuý; ta nghĩ rằng mình có thể quên nỗi khổ bằng cách tránh né nỗi khổ. Ta tìm cách đi lòng vòng xung quanh các vấn đề hơn là xông vào trực diện chúng. Ta cố thoát ra khỏi chúng hơn là đón nhận trọn vẹn chúng. 

Xu hướng tránh né các vấn đề và tránh né nỗi khổ do các vấn đề chính là căn chứng của mọi thứ bệnh tâm thần nơi con người. Vì đa số chúng ta đều có ít nhiều xu hướng này, nên đa số chúng ta ít nhiều bị suy nhược tâm thần, không có một tâm thần hoàn toàn lành mạnh. Một số trong chúng ta còn đi xa trong việc tránh né các vấn đề và các nỗi khổ gây ra bởi chúng. Ta xa lánh tất cả những gì là thực tiễn, cố tìm một ngõ thoát dễ dãi. Ta vun quén mộng mị và nấp vào trong đó, đôi khi đến mức hoàn toàn gạt bỏ thực tại. Như một câu nói thật hàm xúc của Carl Jung: “Để tránh né những đau khổ thường tình, người ta luôn luôn gặp rối loạn tâm thần”.[7]

3.2.4. Hậu quả của việc tránh né vấn đề

Cuối cùng thì cái mà người ta gặp thấy lại làm họ khổ sở hơn nhiều so với cái mà người ta muốn tránh né. Rối loạn tâm thần tự nó trở thành vấn đề khốn khổ nhất. Thế là nhiều người lại loay hoay tìm cách tránh né chính vấn đề này, tức vấn đề loạn tâm thần, họ tìm đủ cách để che lấp nó. Rất may là có một số có đủ can đảm để đối diện với tình trạng tâm thần của mình, với sự hỗ trợ của khoa tâm lý trị liệu, họ bắt đầu học cách cảm nhận những nỗi đau khổ đời thường. Bất luận trường hợp nào, hễ chúng ta tránh né những nỗi đau khổ do các vấn đề gây ra thì chúng ta cũng đang tránh né sự trưởng thành mà các vấn đề ấy yêu cầu nơi chúng ta. Điều đó giải thích tại sao khi chúng ta ở trong tình trạng suy nhược tâm thần kinh niên thì chúng ta ngừng trưởng thành và trở nên “lún lầy”. Nếu không được chữa trị, tinh thần con người sẽ bắt đầu teo rút lại rồi khô héo.[8]

3.2.5. Hãy học cách đón nhận đau khổ và rút ra những giá trị từ đau khổ

Nếu mục đích của bạn là tránh né đau khổ, tôi sẽ không bao giờ khuyên bạn tìm cách vươn lên cao hơn về mặt ý thức – nghĩa là vươn lên một tầm mức trưởng thành cao hơn, bởi chỉ hoài công vô ích. Thứ nhất, bạn không thể đạt mức trưởng thành cao hơn nếu bạn không đau khổ; thứ hai, trong mức độ trưởng thành mà bạn đạt được, cơ hồ như bao giờ cũng có một sức thúc đẩy bạn cống hiến, phục vụ một cách nhiệt thành hơn – và do đó cũng đòi bạn hy sinh nhiều hơn là bạn có thể dự tưởng.[9]

Vì thế, chúng ta hãy tạo cho mình và cho con em mình những phương thế khả dĩ đem lại sự cường tráng cho tâm hồn và tâm linh. Tôi có ý muốn nói rằng, chúng ta hãy ý thức và dậy cho con em mình ý thức về sự cần thiết của đau khổ và giá trị rút ra từ đau khổ, ý thức về sự cần thiết phải đối diện trực tiếp với các vấn đề và đảm nhận nỗi phiền toái gắn liền với các vấn đề. Tôi đã khẳng định rằng qui phạm là vấn đề cần có, để giải quyết các vấn đề khó khăn của kiếp người. Những khí cụ này chính là những kỹ thuật đau khổ, là những phương thế đảm nhận nỗi đau của các vấn đề sao cho có thể nắm hiểu chúng và giải quyết chúng một cách hữu hiệu, và chính trong tiến trình ấy ta học hỏi và lớn lên. Quả vậy, học qui phạm chính là học cách đau khổ và đồng thời cũng là học cách để trưởng thành.[10]

Lợi ích của đau khổ

Vậy thì đau khổ có lợi ích gì? Nó thúc đẩy con người chiến đấu chống lại nó nhờ sự giúp đỡ của Thiên Chúa và nhờ bàn tay của chính mình, để rồi dần dần vượt thắng đau khổ bằng cách biến đổi con người thành một hữu thể ngày càng thiêng liêng hơn, ngày càng thần linh hơn. Chẳng thế mà ca dao tục ngữ Dân Việt đã nhận định rất thực tế và sâu sắc là: “Có thân thì khổ, có khổ mới nên thân”.

Trong quá trình tiến hóa loài người, khát vọng hoàn thiện là động cơ, nghịch cảnh là nhiên liệu.[11] 

Người thiếu tin tưởng thì thấy nghịch cảnh trong mọi cơ hội, còn người biết tin tưởng thì thấy cơ hội trong mọi nghịch cảnh

Nếu đau khổ làm cho đức tin của một số người giảm sút đi, thì nơi một số người khác, đau khổ lại giảm bớt đi, nhờ có lòng tin.

Tài trí con người phát triển bằng cách ra sức đánh tan những nghịch cảnh trầm trọng gặp phải trong cuộc sống hoặc khi không tránh được, thì bằng cách chấp nhận, coi đó là thành phần trong một kế hoạch rộng lớn nhằm tới lợi ích của toàn thể.

Để chấp nhận một cách êm đẹp những nghịch cảnh không thể tránh được, thì cần phải có một lòng tin minh xác vào Thiên Chúa, là Đấng mà Đức Kitô đã mặc khải. Còn để chiến thắng các nghịch cảnh khác, thì chỉ cần một niềm tin mặc nhiên cũng đủ, cho dù niềm tin minh xác có vững mạnh và nâng đỡ được nhiều hơn.

Chúng ta cũng gọi đức tin mặc nhiên vào Thiên Chúa là chính niềm tin cơ bản mà ngay cả khi đứng trước những bất hạnh to lớn nhất gặp phải giữa cuộc đời trần thế, con người cũng vẫn được mời gọi để gìn giữ và nuôi dưỡng, nếu không muốn phải rơi vào tình cảnh suy yếu, thảm bại và gục ngã: là niềm tin tưởng vào nơi chính mình, vào nơi những người đồng loại, vào nơi thiên nhiên, nơi thực tại đã từng có những lúc khác, tỏ ra, tự bản chất và trong những đường nét lớn, là tốt đẹp và thuận lợi cho cuộc sống của mọi người.

Những người thiếu tin tưởng thì thấy nghịch cảnh trong mọi cơ hội, còn những người biết tin tưởng thì thấy cơ may trong mọi nghịch cảnh.[12] 

3.2.6. Đau khổ chỉ có thể cắt nghĩa được khi chấp nhận con người có một mục đích siêu trần thế

Những ai chỉ nhìn vào cuộc đời ngắn ngủi nơi trần thế này và tưởng như thế là hết, để rồi đâm ra bực tức khó chịu trước số phận bi đát ngắn ngủi của đời người, thì chưa biết nhìn ra và đánh giá đúng toàn bộ vận mạng con người. Trong cuộc sống của nhiều người, chuỗi dài của những khổ đau phức tạp xem ra như là một giá phải trả quá đắt và không thể nào thoả đáng bằng những niềm vui vừa nhỏ lại vừa hiếm được cả. Cũng không thể tìm thấy một niềm vui đáng kể nào nếu cứ đinh ninh nghĩ rằng tất cả những điều ấy xẩy đến không phải là do Thiên Chúa, mà là do những lỗi lầm của con người trong hiện tại hay trong quá khứ, do bản chất bất toàn tất yếu của vật chất và do nhu cầu cần được kích động của quy trình tiến hóa loài người. Chỉ có tiêu đích vinh quang và siêu trần thế, mới cắt nghĩa thoả đáng cho sự có mặt của đau khổ ở trong cuộc đời này, và những ai không chịu chấp nhận điều đó, tất nhiên họ phải kết luận rằng cuộc đời đầy phi lý.

Một người khách đến viếng thăm một xưởng máy thiết bị tự động, như xưởng sản xuất máy kéo FIAT chẳng hạn, và quan sát gian nhà rộng đầu tiên: ông thấy người ta đưa nhiên liệu và những thỏi sắt vào gian nhà, và từ đó những cặn sắt với thán khí từ ống khói tuôn xả ra. Nếu cuộc tham quan chỉ ngừng tại đó và ông ta không biết thêm chút gì về những phân xưởng khác, thì có thể ông khách sẽ kết luận rằng tất cả các máy kia đều là những thứ lăng nhăng vô nghĩa. Nhưng ít ra ông cũng nên suy đoán để hiểu ra rằng ngoài các thứ lăng nhăng kia, còn có các giai đoạn khác trong quy trình sản xuất cho tới giai đoạn chót là lúc sản phẩm hoàn thành tức là những chiếc máy kéo.

Nếu bỏ qua một bên không kể chi đến cứu cánh cao cả và vĩnh cửu mà Thiên Chúa đã xếp đặt cho cuộc sống con người, và con người phải đạt tới, qua những bước tiến bộ cam go về mặt tinh thần, tất sẽ thấy cuộc sống chỉ là chuyện điên rồ. Đau khổ của con người chỉ có thể cắt nghĩa được khi người ta chấp nhận thực sự là có một cuộc sống siêu trần thế. Amen.[13]

GIUSE ĐỖ VĂN THỤY, MSV

[1] Raphael Picon, Le mal de vivre, pourquoi? (Chán Sống, tại sao?) trg.97-99  

[2] Raphael Picon, Le mal de vivre, pourquoi? (Chán Sống, tại sao?) trg. 99-101.

[3] Raphael Picon, Le mal de vivre, pourquoi? (Chán Sống, tại sao?) trg.101-102  

[4] Raphael Picon, Le mal de vivre, pourquoi? (Chán Sống, tại sao?) trg. 103-106

[5] M. Scott Peck MD, The Roadless traveled (con đường chẳng mấy ai đi) trg.5

[6]   M. Scott Peck MD, The Roadless traveled (con đường chẳng mấy ai đi) trg.6-7

[7]  M. Scott Peck MD, The Roadless traveled (con đường chẳng mấy ai đi) trg.7-8

[8]   M. Scott Peck MD, The Roadless traveled (con đường chẳng mấy ai đi) trg.8

[9] M. Scott Peck MD, The Roadless traveled (con đường chẳng mấy ai đi) trg.95

[10] M. Scott Peck MD, The Roadless traveled (con đường chẳng mấy ai đi) trg.9

[11] Giovanni Martinetti, Khổ Đau: vấn đề gai góc, trg.24

[12] Giovanni Martinetti, Khổ Đau: vấn đề gai góc, trg.35

[13]Giovanni Martinetti, Khổ Đau: vấn đề gai góc, trg.42-43