Truyền Giáo với loan báo Tin Mừng khác nhau ở chỗ nào?
Trích chuyên mục Giáo Hội Học số 17
nguồn: nguoitinhuu.org
“Truyền Giáo” và “loan báo Tin Mừng” có gì khác nhau không?
Theo tôi nghĩ, giữa “truyền giáo” và “loan báo Tin Mừng” không khác gì về nội dung và mục đích. Tuy nhiên, những từ ngữ khác nhau giúp chúng ta ý thức hơn sự phong phú của một thực tại, mà có lẽ chúng ta thường chỉ có một khái niệm lơ mơ trong đầu.
Ngoài ra, như chị đã biết, những từ ngữ thần học bắt nguồn từ tiếng La Tinh, và không phải lúc nào cũng tìm được một danh từ tương đương trong tiếng Việt. Tôi xin bắt đầu bằng từ “truyền giáo” trước. Tôi nghĩ rằng từ này không có gì khó hiểu: truyền là trao lại, đưa đi; truyền giáo là truyền bá giáo lý, lời dạy dỗ. Đôi khi người ta cũng dùng từ “truyền đạo, giảng đạo”.
Điều thú vị là một từ ngữ “truyền giáo” được dùng để chuyển dịch hai từ ngữ khác nhau trong tiếng Tây Âu, đó là “propaganda fide” và “missio”. Chẳng hạn khi nói Bộ Truyền Giáo hay trường Truyền Giáo ở Rôma, thì phải hiểu là propaganda fide; còn khi nói ngày Truyền Giáo hoặc sắc lệnh Truyền Giáo của Công Đồng Vaticano II, thì phải hiểu là “missio”.
Hai từ ngữ ấy có gì khác nhau không?
Có chứ. Tự nó từ propaganda fide có nghĩa là: “truyền bá (hay quảng bá) đức tin”, nghĩa là làm cho đức tin được mở rộng. Bằng cách nào? Thưa rằng bằng việc giảng dạy, phụng tự, những công tác bác ái.
Còn missio (tiếng La Tinh, mission tiếng Pháp, mission tiếng Anh) có nghĩa là việc “cử đi, phái đi, gửi đi, sai đi”. Từ này được sử dụng rất rộng rãi, kể cả ngoài phạm vi tôn giáo, thí dụ như các phái đoàn chính phủ được cử thi hành một công tác nào thì cũng được gọi là “missio”: phái đoàn, phái bộ.
Trong thần học Công Giáo, từ này có một lịch sử lâu dài với nhiều nghĩa khác nhau. Tân Ước, đặc biệt là trong Tin Mừng Thánh Gioan, nói đến nhiều phái vụ (hay ngày nay thường dịch là “sứ vụ”, gọi nôm na là “sai đi”). Trước tiên, Chúa Cha sai Đức Giêsu đến thế gian để cứu độ nhân loại. Sau khi phục sinh, đến lượt Chúa Giêsu sai các môn đệ ra đi, và Người cũng hứa sẽ xin Chúa Cha sai Thánh Linh đến với các môn đệ. Vì thế ta có thể nói đến ba cuộc sai đi: thứ nhất, Chúa Cha sai Chúa Con; thứ hai, Chúa Cha sai Thánh Linh; thứ ba, Chúa Kitô sai các tông đồ.
Như vậy là có ba cuộc truyền giáo phải không?
Không phải. Có ba sự sai đi nhưng chỉ có một cuộc truyền giáo. Nói đúng hơn, người ta chỉ gọi việc Chúa Giêsu sai các tông đồ là công cuộc truyền giáo, còn những việc Chúa Cha phái cử Chúa Con và Thánh Linh thì không gọi là truyền giáo. Như vậy “truyền giáo” thì hẹp hơn là “sai đi”. Tuy nhiên, vào thời cận đại, người ta còn thu hẹp từ missio hơn nữa, đó là áp dụng từ truyền giáo vào những vùng chưa có đạo, được đặt dưới thẩm quyền của Bộ Truyền Bá Đức Tin.
Con nghe nói rằng Công Đồng Vaticano II đã xét lại quan điểm đó phải không?
Đúng thế. Người ta muốn tìm cách trình bày một thần học mạch lạc hơn về missio. Như vừa nói, missio có nghĩa là sai đi. Tức khắc nhiều câu hỏi được nêu lên và phải tìm cách trả lời: ai sai? sai ai? sai làm gì?
Sắc lệnh Ad gentes đã tìm cách trả lời cho các câu hỏi đó. Ai sai? Thưa: Thiên Chúa Cha, qua Chúa Giêsu và Thánh Linh. Sai ai? Thưa: sai Hội Thánh đến với muôn dân.
Sai làm gì? Thưa: để truyền thông ơn cứu độ cho hết mọi người. Những câu trả lời này đòi hỏi phải sửa lại một não trạng, làm sao nêu bật rằng truyền giáo là công việc của toàn thể Hội Thánh, chứ không phải chỉ dành riêng cho vài nhà truyền giáo quen gọi là các “thừa sai”. Mặt khác, phạm vi truyền giáo bao gồm toàn thể địa cầu, chứ không phải chỉ có vài khu vực được đặt dưới sự điều khiển của Bộ Truyền Giáo.
Bởi vì Công Đồng Vaticanô thay đổi quan điểm về truyền giáo, cho nên Bộ Truyền Giáo cũng đổi tên thành Bộ Rao giảng Phúc Âm, có phải vậy không?
Như đã nói lúc nãy, trong tiếng Việt, chúng ta dùng cùng từ ngữ “truyền giáo” để dịch hai từ trong tiếng La Tinh “missio” và “propaganda fide”. Lẽ ra phải dịch Propaganda Fide là quảng bá đức tin, và đây chính là danh xưng của Bộ Truyền Giáo.
Sau cuộc cải tổ giáo triều vào năm 1968, danh xưng của Bộ được đổi tên là Pro Gentium evangelizatione. Tại sao phải đổi tên như vậy? Tôi không biết lý do đích xác, nhưng tôi đoán là bởi vì trong ngôn ngữ hằng ngày bên châu Âu, propaganda mang nghĩa không đẹp, đó là: tuyên truyền, cách riêng là các ý thức hệ. Vì thế, để tránh hiểu lầm việc truyền giáo như là một công tác tuyên truyền, người ta thay thế bằng một từ ngữ bộc lộ nội dung cách chính xác hơn, đó là evangelizatio, mà khi dịch sang tiếng Việt, có người nói là: Loan báo Phúc Âm, Truyền giảng Phúc Âm, Phúc Âm hóa, Loan báo Tin Mừng.
Chúng ta trở về với câu hỏi ban đầu: truyền giáo với Loan báo Tin Mừng có khác nhau không?
Xét về từ ngữ trong tiếng Việt thì chắc chắn là khác rồi. Truyền giáo chỉ có nghĩa thông truyền một giáo lý, một tôn giáo, một đạo. (Đạo gì thì không biết). Còn Loan báo Tin Mừng thì nói rõ nội dung hơn.
Tin Mừng là gì?
Trong ngôn ngữ hàng ngày, tin mừng đối lại với tin buồn hoặc là “tin tức” (theo nghĩa là tin gây tức tối). Như vậy tin mừng đồng nghĩa với “tin lành, tin vui”. Tuy nhiên, Tân Ước đã dùng thuật ngữ này theo một nghĩa chuyên môn khi gắn với lời giảng và sứ điệp của Chúa Giêsu.
Thánh Marco đã thuật lại cuộc đời công khai của Chúa Giêsu như sau: “Sau khi ông Gioan bị nộp, Đức Giêsu đến Galile rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: Thời kỳ đã mãn, và Triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,14-15).
Tin Mừng ấy như thế nào? Thánh Luca đã áp dụng những lời của ngôn sứ Isaia cho Người: “Thần Khí Chúa ngự xuống trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa”.
Như vậy, theo như Thánh Luca giải thích, thì Tin Mừng được hiểu như là sự giải phóng con người khỏi hết mọi thứ nô lệ. Ý nghĩa này trở thành rõ rệt hơn sau khi Chúa Giêsu phục sinh. Người sai các môn đệ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15).
Nội dung của Tin Mừng ấy được Thánh Phaolô tóm tắt ở trong thư thứ nhất gửi Corinto chương 15: “tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng tôi đã loan báo và anh em đã lãnh nhận cùng đang nắm vững. Nhờ Tin Mừng đó, anh em được cứu thoát, nếu anh em giữ đúng như tôi đã loan báo . Tôi đã truyền lại cho anh em điều mà tôi đã lãnh nhận, đó là Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, rồi Người được mai táng và ngày thứ ba đã trỗi dậy”.
Tin Mừng ngắn gọn có mấy hàng như vậy thôi sao?
Cốt lõi của Tin Mừng ngắn lắm, bởi vì tập trung vào cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Kitô, qua đó Thiên Chúa đã ban ơn cứu độ cho loài người. Nhưng dựa theo cốt đó, các thánh tông đồ khai triển thêm về thân thế và sự nghiệp của Chúa Giêsu, cũng như lời mời gọi đón nhận Tin Mừng với những yêu sách của nó. Đó là nguồn gốc của các sách Tin Mừng (hay là sách Phúc Âm).
Việc truyền giáo cốt ở loan báo Tin Mừng phải không?
Đúng thế. Nhưng cần phải nói thêm rằng công tác truyền giáo không thể nào chỉ giới hạn vào việc đọc hay rao giảng sách Tin Mừng. Tin Mừng không phải là một cuốn sách, nhưng là một nhân vật sống động, đó là chính Chúa Giêsu Kitô. Hội Thánh loan báo Tin Mừng bằng việc rao giảng, nhằm nói cho thiên hạ biết về Chúa Kitô. Hội Thánh cử hành Tin Mừng, khi cống hiến những ân huệ cứu độ của Chúa qua các hành vi phụng vụ.
Điều khó hơn nữa là Hội Thánh phải thực thi những lời mà mình rao giảng, thực hành những lời mời gọi của Chúa, được Thánh Matthêu cô đọng trong bài giảng trên núi. Điều này đòi hỏi Hội Thánh không ngừng phải hoán cải và trở về với Tin Mừng, ngõ hầu có thể làm chứng tá cho Tin Mừng.
Tại sao có chuyện phải rao giảng Tin Mừng, tái rao giảng Tin Mừng, rao giảng Tin Mừng cách mới mẻ?
Đây chỉ là những sự phân biệt mang tính cách chiến lược. Không bao giờ Hội Thánh tự hào là mình đã chu toàn sứ mạng loan báo Tin Mừng.
Có những người chưa bao giờ nghe giảng Tin Mừng, và Hội Thánh phải mang Tin Mừng đến cho họ, (điều mà trước đây chúng ta gọi là truyền giáo).
Có những người đã nghe giảng Tin Mừng, đã tin theo Tin Mừng, nhưng dần dần không còn sống hợp với Tin Mừng nữa; vì thế cần phải “tái rao giảng Tin Mừng”.
Như đã nói, Tin Mừng không phải là một cuốn sách nhưng là chính Chúa Kitô: Giáo Hội luôn luôn cần trở về với Chúa để hiểu biết và yêu mến Chúa hơn, và tìm những phương thế mới để đem Chúa đến với thế giới hôm nay.