Tuần Lễ Cầu Cho Các Kitô Hữu Hợp Nhất (18 – 25.01.2019)
Theo truyền thống ở Bắc bán cầu, tuần lễ cầu nguyện cho các Kitô hữu hợp nhất diễn ra từ ngày 18 đến 25 tháng Giêng. Năm 1908 Mục sư Anh giáo và sau là Linh mục Công giáo Paul Wattson đã đề xướng tuần lễ này. Lúc đầu, tuần lễ này là thời gian giữa lễ thánh Phêrô và thánh Phaolô, và do đó rất có ý nghĩa biểu tượng. Trong khi đó ở Nam bán cầu, tháng Giêng là mùa nghỉ nên các giáo hội ở đây tìm một thời điểm khác để cử hành tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hợp nhất, chẳng hạn thời gian gần lễ Hiện xuống (do phong trào Đức tin và Hiến chế của các giáo hội đại kết đề nghị vào năm 1926), vốn cũng là thời gian có ý nghĩa cho sự hợp nhất của Giáo hội.
Đoạn Thánh Kinh cầu nguyện cho các Kitô hữu hợp nhất trong năm 2019 (Đnl 16, 11-20).
Ở nơi ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), đã chọn cho Danh Người ngự, anh (em) sẽ liên hoan trước nhan ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), cùng với con trai con gái, tôi tớ nam nữ, với thầy Lê-vi ở trong các thành của anh (em), với ngoại kiều và cô nhi quả phụ sống giữa anh (em). Anh (em) hãy nhớ mình đã làm nô lệ bên Ai-cập, anh (em) phải giữ và đem ra thực hành các thánh chỉ này.
Còn lễ Lều, anh (em) sẽ mừng trong vòng bảy ngày, khi đã thu hoạch lúa trong sân và rượu trong bồn đạp nho. Anh (em) sẽ liên hoan mừng lễ, cùng với con trai con gái, tôi tớ nam nữ, với thầy Lê-vi, ngoại kiều và cô nhi quả phụ ở trong các thành của anh (em). Trong vòng bảy ngày, anh (em) sẽ mở lễ kính ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), tại nơi ĐỨC CHÚA chọn, vì ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em) chúc phúc cho anh (em) là ban cho anh (em) mọi hoa lợi và cho mọi công việc tay anh (em) làm được kết quả; anh (em) chỉ có việc hân hoan.
Mỗi năm ba lần, tất cả đàn ông con trai của anh (em) phải đến trình diện ĐỨC CHÚA, ở nơi Người chọn: vào dịp lễ Bánh Không Men, lễ Ngũ Tuần và lễ Lều. Người ta sẽ không đến trình diện ĐỨC CHÚA tay không. Nhưng mỗi người sẽ đem lễ vật theo khả năng, tuỳ theo phúc lành ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), ban cho anh (em).
Anh (em) phải đặt cho các chi tộc của anh (em) những thẩm phán và ký lục trong mọi thành mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), ban cho anh (em); họ sẽ xét xử dân cách công minh. Anh (em) không được làm sai lệch công lý, không được thiên vị ai và không được nhận quà hối lộ, vì quà hối lộ làm cho những kẻ khôn ngoan hoá ra đui mù và làm hỏng việc của những người công chính. Anh (em) hãy theo đuổi sự công chính, chỉ sự công chính mà thôi, để anh (em) được sống và được chiếm hữu đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), ban cho anh (em).
Tài liệu dùng trong Tuần lễ cầu cho các Kitô hữu hợp nhất cũng như trong suốt năm 2019 do Hội đồng Giáo hoàng cổ võ sự hợp nhất các Kitô hữu và Ủy ban Đức tin và Hiến Chế thuộc Hội đồng Thế giới các Giáo hội cùng chuẩn bị và công bố.
Tùy nhu cầu thực tế, tài liệu này được sử dụng trong suốt năm để diễn tả mức độ hiệp thông mà các giáo hội đã đạt được, và cùng cầu nguyện cho sự hợp nhất trọn vẹn theo ý muốn của Chúa Kitô.
Công việc chuẩn bị tài liệu năm 2019 được thực hiện bởi một nhóm đại diện của các cộng đoàn Kitô hữu khác nhau ở Indonesia. Nhóm đại kết này được thiết lập bởi Các giáo hội hiệp thông ở Indonesia dưới sự lãnh đạo của Mục sư Tiến sĩ Henriette T. Hutabarat Lebang và Hội đồng Giám mục Công giáo Indonesia do Đức cha Ignatius Suharyo đứng đầu.
Dẫn vào chủ đề của năm 2019
Anh em hãy theo đuổi sự công bằng và chỉ sự công bằng mà thôi (Đnl 16,18-20).
Hằng năm các Kitô hữu toàn thế giới qui tụ cầu nguyện cho sự hợp nhất. Chúng ta thực thi công việc này trong một thế giới mà việc hối lộ, tham nhũng và bất công đang dẫn đến sự mất bình đẳng và chia rẽ. Lời cầu nguyện hợp nhất trong thế giới rạn nứt có sức tác động mạnh mẽ. Trong tư cách cá nhân hay cộng đoàn, chúng ta thường đồng lõa với sự bất công, tuy nhiên chúng ta được kêu gọi cùng nhau tạo nên một chứng từ hợp nhất cho công lý và nên khí cụ ân huệ chữa lành của Chúa Kitô đối với thế giới đổ vỡ này.
Tài liệu Tuần cầu nguyện các Kitô hữu hợp nhất năm 2019 do các Kitô hữu Indonesia chuẩn bị. Indonesia nổi tiếng là quốc gia có số người theo đạo Hồi đông hơn bất kỳ nước nào khác, với 265 triệu dân trong đó có 86% dân số theo Hồi giáo. Dù vậy, cũng có khoảng 10% dân số là các Kitô hữu thuộc những truyền thống khác nhau. Indonesia là quốc gia với dân số đông đúc và diện tích trải rộng vào hạng bậc nhất ở Đông Nam Á. Đất nước này có trên 17.000 hòn đảo, 1.340 nhóm sắc tộc khác nhau và 740 loại ngôn ngữ bản địa, song vẫn giữ được tính thống nhất ngay trong sự đa dạng đó bằng một ngôn ngữ chính thức là tiếng Indonesia. Quốc gia này được xây dựng trên 5 nguyên tắc (gọi là Pancasila), với khẩu hiệu Bhineka Tunggal Ika (Thống nhất trong đa dạng). Ngang qua sự khác biệt về sắc tộc, ngôn ngữ và tôn giáo, người Indonesia vẫn sống nguyên tắc gotong royong là sống đoàn kết và cộng tác, nghĩa là chia sẻ trong mọi khía cạnh của cuộc sống, công việc, nỗi đau buồn và các lễ hội, và coi mọi người Indonesia như anh chị em với nhau.
Hiện nay sự hài hòa mỏng manh này đang bị đe dọa dưới nhiều cách thức mới mẻ. Phần lớn sự tăng trưởng kinh tế mà Indonesia đang trải nghiệm trong những thập niên vừa qua đều xây dựng ngay trên trọng tâm của sự cạnh tranh. Đây là điều tương phản rõ rệt với nguyên tắc sống đoàn kết và cộng tác. Tham nhũng có mặt với nhiều hình thức làm tiêm nhiễm hoạt động chính trị và thương mại, đôi khi với hậu quả là tàn phá cả môi sinh. Cách đặc biệt, nạn tham nhũng làm xói mòn công lý và việc thi hành luật pháp. Những người có trách nhiệm thực thi công lý và bảo vệ người yếu thế thì thường làm điều ngược lại. Hậu quả là hố ngăn cách giữa người giàu và nghèo ngày càng sâu; và một đất nước giàu tài nguyên như Indonesia lại bị mang tiếng là nơi có nhiều người phải sống trong đói nghèo. Thật đúng như một ngạn ngữ của người Indonesia “con chuột phải chết đói trong hũ đầy gạo”. Trong khi đó thì các nhóm sắc tộc và tôn giáo đặc thù lại thường liên can đến của cải dẫn đến căng thẳng. Sự cực đoan làm cho việc chống đối giữa cộng đoàn này với cộng đoàn kia gia tăng và thêm trầm trọng bởi sự lạm dụng truyền thông xã hội làm hủ hóa các cộng đoàn đặc thù.
Các cộng đoàn Kitô giáo trong một môi trường như vậy sẽ ý thức trở lại về sự hợp nhất khi họ có một mối quan tâm và sự đáp trả chung đối với một thực tế bất công. Đồng thời, khi đương đầu với những bất công như vậy, các Kitô hữu buộc phải xét lại những cách thức mà mình đã đồng lõa. Chỉ khi để tâm đến lời cầu “xin cho họ nên một” của Chúa Giêsu chúng ta mới có thể làm chứng tá cho tinh thần sống hợp nhất trong đa dạng. Thông qua việc hợp nhất với Chúa Kitô mà chúng ta có thể chiến đấu chống lại bất công và phục vụ nhu cầu của nạn nhân bất công.
Được đánh động bởi những điều quan tâm này, các Kitô hữu Indonesia tìm thấy tiếng nói đầy uy lực cho các nhu cầu và tình trạng của mình nơi những lời trong sách Đệ nhị luật “Anh em hãy theo đuổi sự công bằng và chỉ sự công bằng mà thôi” (Đnl 16,18-20). Trước khi tiến vào hứa địa, Dân Chúa đã gia hạn cam kết với Giao ước mà Thiên Chúa đã thiết lập với họ. Đoạn trích Kinh Thánh nằm trong chương với chủ đề chính là việc dân Giao ước tổ chức ngày hội trong sự hoan hỷ. Sau mỗi lễ hội, dân chúng được chỉ thị phải “hân hoan mừng lễ với cả con trai con gái, tôi nam tớ nữ, cũng như với các thầy Lêvi, các ngoại kiều, cô nhi quả phụ trong thành” (Đnl 16,14; x. Đnl 16,11). Các Kitô hữu Indonesia mong muốn khôi phục lại một tinh thần bao gồm hết mọi người của các lễ hội nơi các cộng đoàn mà trước đó họ đã vui hưởng. Kết thúc trích đoạn Kinh Thánh này có lẽ kỳ lạ khi có hai câu về việc đặt các thẩm phán, thế nhưng trong bối cảnh này của Indonesia thì những liên kết giữa các lễ hội cho mọi người và công lý trở nên sinh động. Là dân Giao ước được thiết lập trong Chúa Giêsu, chúng ta biết rằng niềm sung sướng dự tiệc thiên đàng sẽ được dành cho những ai đói khát và bị bách hại vì công lý “vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,6-10).
Giáo hội Chúa Kitô được mời gọi hưởng nếm trước Nước Trời. Tuy vậy, chúng ta không có sự hưởng nếm trước này vì thiếu hợp nhất. Chúng ta đã không trở thành dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa cho dân Chúa. Giống như sự bất công đã nới rộng sự phân rẽ làm xã hội Indonesia rạn nứt thì sự bất công cũng nuôi dưỡng sự phân rẽ trong Giáo hội. Chúng ta ăn năn về sự bất công gây chia rẽ, nhưng là Kitô hữu chúng ta tin vào sức mạnh thứ tha và chữa lành của Chúa Kitô. Và như thế, chúng ta tìm ra chính mình đang được hợp nhất dưới thánh giá Chúa Kitô, khẩn nài ân sủng Chúa để chấm dứt sự bất công và lòng xót thương Chúa đối với những tội lỗi gây ra sự chia rẽ.
Những suy niệm cho 8 ngày và việc thờ phượng sẽ tập trung vào chủ đề đã chọn. Để chúng ta đào sâu suy tư về sự hợp nhất và công lý, đề tài mỗi ngày đã được tuyển chọn chu đáo để trình bày những cuộc chiến đấu gây ra do những bất công. Các đề tài bao gồm:
Ngày 1: Hãy để công lý tuôn trào như nước nguồn (Am 5,24)
Ngày 2: “Có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không” (Mt 5,37)
Ngày 3: Chúa nhân từ và giàu tình thương với tất cả (Tv 145,8)
Ngày 4: Hãy coi những gì mình đang có là đủ (Dt 13,5)
Ngày 5: Loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn (Lc 4,18)
Ngày 6: Danh Người là Đức Chúa các đạo binh (Gr 10,16)
Ngày 7: Này bà, lòng tin của bà mạnh thật! (Mt 15,28)
Ngày 8: Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi (Tv 27,1)
Bài dịch của Ban Văn hóa ĐCV Sao Biển