Văn Hoá Ứng Xử  Bài 46-50

print

Văn Hoá Ứng Xử  Bài 46-50

 BÀI 46.

BÀI 47.

BÀI 48.

BÀI 49.

BÀI 50.

 

BÀI 46

VĂN HOÁ ỨNG XỬ –  GIÁ TRỊ CỦA SỰ KHIÊM TỐN

  1. LỜI CHÚA : Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng (Mt 11,29).
  2. CÂU CHUYỆN : EINSTEIN – NHÀ BÁC HỌC KHIÊM TỐN.

 

EINSTEIN là người phát minh ra học thuyết tương đối, mặc dù được giới khoa học tôn xưng là một trong những người vĩ đại nhất thế giới, nhưng ông vẫn luôn tỏ thái độ rất khiêm tốn.

– Một lần, cậu con trai chín tuổi hỏi ông : “Vì sao bố lại nổi tiếng như vậy?”. Ông trả lời : “Bởi vì có một con ruồi bò trên mặt quả địa cầu, nhưng nó không biết nó đang bò trên một đường cong. Còn bố thì may mắn hơn là biết được điều đó, nhờ thế mà bố được nổi tiếng”.

Qua đó, Einstein cho rằng, sự nổi tiếng của ông chỉ là một sự may mắn, may mắn hơn con ruồi khi hiểu biết được điều đó chứ không có gì hay ho, không có gì quan trọng hết. Đây thật là một lời nói hết sức khiêm tốn !

– Lần khác, một nhà báo phỏng vấn, nhờ đâu mà Einstein tìm ra được học thuyết tương đối ? Nhà bác học trả lời “Mọi người may mắn hơn tôi là hiểu được không gian và thời gian ngay từ khi còn bé. Còn riêng tôi, do trí khôn chậm phát triển nên lúc lớn rồi tôi vẫn chưa hiểu được thế nào là không gian và thời gian, vì vậy tôi đã gắng công để tìm hiểu và tình cờ tôi đã tìm ra học thuyết tương đối”. 

– Rồi cũng một lần khác, có người hỏi ông rằng “Thưa bác học, những tư tưởng vĩ đại thường xảy ra trong đầu Ngài vào lúc nào trong ngày ?”  Ông mỉm cười nói rất thật thà, khiêm cung : “Suốt cả đời, tôi chỉ may mắn có được một ý tưởng tạm dùng được, đó là học thuyết tương đối. Còn ngoài ra, hầu hết là những ý tưởng tủn mủn, vụn vặt, nhỏ nhặt, không có gì đáng nói cả”. 

– Người ta kể rằng : Khi ông đến nhận chức giáo sư tại trường đại học Bristol ở Anh, ông sai người tùy phái mang vào phòng cho ông một cái sọt rác rất to. Khi có người thắc mắc tại sao lại cần cái sọt rác lớn như vậy, thì ông đã giải thích : “Tôi cần nó để đựng các giấy tờ và bản thảo mà tôi thường hay viết sai”.

  1. SUY NIỆM :

1) Thế nào là người khiêm tốn ? :

Là người ý thức sự giới hạn về kiến thức và khả năng của mình, nên luôn có thái độ hoà nhã vui vẻ, ăn mặc giản dị, biết kính trên nhường dưới, nói năng nhỏ nhẹ lễ phép, xưng hô đúng vai vế, không khoe khoang ưu điểm của mình nhưng biết tôn trọng và thành thật khen ngợi thành tích của tha nhân, tỏ lòng biết ơn người làm ơn cho mình, thành tâm lắng nghe các lời phê bình và tu sửa các sai sót để ngày một hoàn thiện hơn; Tuân theo các quy tắc luật lệ của cơ quan tổ chức đoàn thể. Khi giao tiếp, luôn tỏ ra lịch sự, cởi mở, đối xử hoà đồng với mọi người…

2) Ích lợi của sự khiêm tốn ? :

Sự khiêm tốn sẽ giúp chúng ta có thêm nhiều bạn mới ; Được người khác quý mến kính trọng ; Nhất là được nhiều người sẵn sàng cộng tác giúp đỡ nên mọi việc chúng ta làm sẽ dễ thành công hơn.

3) Làm gì để học tập đức tính khiêm tốn ?

Muốn luyện đức tính khiêm tốn, chúng ta nên thực hiện những điều sau :

– Tỏ lòng biết ơn : Hãy năng mở miệng nói lời cám ơn khi được ai làm ơn cho mình như : Tặng quà, cho vay tiền bạc, giúp đỡ phục vụ. Hãy nghĩ đến công ơn của cha mẹ, thày cô và các vị ân nhân để tỏ lòng biết ơn cụ thể qua việc : khi các ngài còn sống biết quan tâm phục vụ, biếu quà các dịp lễ tết, kỷ niệm…, và nhớ ngày kỵ giỗ sau khi các ngài qua đời…

– Tôn trọng tha nhân : Trong cuộc sống, đừng bao giờ nghĩ mình giỏi, cũng chớ bao giờ nghĩ mình biết hết mọi điều. Vì bất cứ ai cũng có điểm yếu điểm mạnh. Hãy biết tôn trọng tha nhân và sẵn sàng học hỏi kinh nghiệm từ người khác. Albert Einstein, được coi là một trong những người có trí thông minh phi thường, đã nói “Tôi chưa bao giờ gặp một người ngu đến nỗi tôi không học được điều gì từ người ấy”.

– Sẵn sàng lắng nghe và tu sửa : Ý thức về sự bất toàn và thiếu sót cả về thể chất, lẫn tinh thần của mình, nên sẵn sàng lắng nghe các lời phê bình góp ý của người khác và quyết tâm tu sửa để ngày một hoàn thiện hơn.

– Chân thành khen ngợi và tránh nói hành tha nhân : Kính trọng và biết ơn những ai đã làm ơn cho mình và thành thật khen ngợi các ưu điểm của họ. Lời khen chân thành sẽ giúp người được khen thêm tự tin và hăng hái làm việc. Nếu thấy người thân có khuyết điểm, thay vì khích bác, hãy tìm cách giúp họ tu sửa.

  1. SINH HOẠT :

Phân biệt khiêm tốn và kiêu ngạo ? Khiêm tốn và tự tin ? Khiêm tốn và nhu nhược ?

Kiêu ngạo là người nghĩ mình hơn người khác nên thường tỏ thái độ coi thường tha nhân qua lời nói khoe khoang thành tích của mình, có thái độ kẻ cả qua lời xưng hô và thường hay lấn lướt những ai yếu thế hơn mình.

Tự tin : là thái độ của người ý thức khả năng của mình, sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm và quyết tâm hoàn thành công việc được cấp trên trao phó.

Nhu nhược : Là thái độ của kẻ hèn nhát, e sợ những kẻ quyền thế, không vững lập trường nên dễ ngả theo kẻ mạnh, không dám can đảm nhận các sai sót của mình mà thường đổ lỗi các thất bại cho người khác.  

  1. LỜI CẦU :

Lạy Chúa Giê-su. Xin cho chúng con ý thức giá trị của sự khiêm tốn và quyết tâm sống khiêm hạ khi giao tiếp, qua cách nói năng nhỏ nhẹ, thái độ lắng nghe người khác; năng nói lời cám ơn và xin lỗi, biết thành thật khen ngợi các ưu điểm của người khác; sẵn sàng tu sửa các khuyết điểm khi bị phê bình, biết quan tâm phục vụ tha nhân vô vụ lợi… Nhờ đó chúng con hy vọng sẽ gây được thiện cảm với mọi người và ngày một nên hoàn thiện noi gương Chúa là “Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng”.- AMEN.

LM ĐAN VINH – HHTM

 

BÀI ĐỌC THÊM

BÀI HỌC NHỚ ĐỜI VỀ SỰ KHIÊM TỐN

Một học giả sau khi đi chu du nhiều năm cho rằng mình đã học được tất cả kiến thức trên đời, ông lên đường trở về quê hương.

Về đến đầu làng, trông thấy 1 người nông dân đang nhặt củi dưới chân núi, ông ta nghĩ ngay tới việc khoe khoang về vốn liếng kiến thức uyên bác của mình.

Ông ta đi đến gần, vỗ vai người nông dân và nói :

– Chào bác nông dân khốn khổ, tôi vốn là dân trong làng này nhưng đã đi chu du thiên hạ được nhiều năm, và đã học được rất nhiều kiến thức trên đời. Hôm nay tôi trở về thăm lại quê hương xem nơi này có gì đổi mới hay không.

– Ra vậy – Người nông dân chỉ đáp 1 câu rồi lại tiếp tục công việc.

Ông học giả lại nói :

– Hay thế này đi : Bác sẽ hỏi tôi một câu mà nếu tôi không trả lời được thì tôi sẽ phải trả bác 10 đồng. Sau đó tôi cũng hỏi bác một câu, mà nếu bác không trả lời được thì bác chỉ phải đưa cho tôi một đồng.

Bấy giờ người nông dân liền ngẩng mặt lên suy nghĩ một lát rồi trả lời :

– Vậy cũng được.

– Bác hãy ra câu hỏi trước đi – Ông học giả nói.

Bác nông dân chỉ tay lên dãy núi xa xa và hỏi :

– Con gì khi lên núi thì đi 4 chân. Nhưng khi xuống núi lại chỉ đi hai chân ?

Ông học giả suy nghĩ hồi lâu mà không thể trả lời được nên đành chịu thua và phải móc túi ra 10 đồng đưa cho bác nông dân.

– Vậy đó là con gì vây ? – Ông ta hỏi.

Bác nông dân cầm lấy 10 đồng tiền, trả lại cho ông học giả 1 đồng và nói :

– Rất tiếc, tôi cũng không biết đó là con gì.

Ông học giả lúc này đã hiểu ra mọi điều, ông ta cảm thấy xấu hổ liền cầm lấy đồng tiền, chào tạm biệt bác nông dân, rồi đi một mạch ra khỏi làng.

Sau này nhờ biết khiêm tốn và chịu khó học hỏi, ông học giả đó đã trở thành một vị giáo sư nổi tiếng. Nhưng trong lòng ông vẫn nhớ mãi bài học người nông dân tại quê hương đã dạy cho mình.

Khiêm tốn bao nhiêu còn chưa đủ, tự kiêu một chút cũng là thừa!

SƯU TẦM

 

BÀI 47

VĂN HOÁ ỨNG XỬ – TRÁNH THÓI KIÊU CĂNG TỰ MÃN

  1. LỜI CHÚA : Đức Giê-su còn kể dụ ngôn : “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế. Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm : “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác : tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.” Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” (Lc 18,9-13).
  2. CÂU CHUYỆN : QUAN VÂN TRƯỜNG ANH HÙNG NHƯNG TỰ KIÊU.

Vào thời Tam Quốc, có một danh tướng rất nổi tiếng là Quan Vân Trường. Ông là người đứng đầu trong Ngũ Hổ Tướng và đã góp phần quan trọng trong việc giúp Lưu Bị gầy dựng nhà Thục Hán.

Dưới cái nhìn dân gian, hình ảnh Quan Vân Trường cưỡi ngựa Xích Thố, tay cầm thanh long đao là biểu tượng của một con người hào hiệp, anh hùng, trượng nghĩa, trung thành. Tuy nhiên, dưới con mắt của các sử gia, Vân Trường lại bị coi là kẻ kiêu căng, ngạo mạn khinh thường tha nhân.

– Nghe tin tướng Mã Siêu xin hàng Lưu Bị ở Tây Xuyên, Vân Trường đang ở Kinh Châu liền viết thư hỏi quân sư Gia Cát Lượng như sau : “Nhân phẩm, tài năng của Mã Siêu có thể sánh với ai ?”. Biết tính Quan Vũ kiêu ngạo, Khổng Minh đã phải lựa lời để ông không bị phật lòng như sau : “Mã Siêu chỉ có thể sánh ngang với Trương Phi, không thể siêu phàm tuyệt luân được như ngài”. Mấy câu này của quân sư không những đã xoa dịu được sự thù ghét của Vân Trường với Mã Siêu, mà còn khiến ông rất tâm đắc, nên đã mang thư của quân sư ra khoe với thuộc hạ.

– Khi phải đối kháng với quân Tào Ngụy tại Kinh Châu, Tào Tháo muốn liên kết với Tôn Quyền cùng đánh Vân Trường. Tôn Quyền đã phái sứ giả cầu hôn xin cưới con gái của Vân Trường cho con trai mình để thăm dò thái độ Vân Trường trước khi quyết định. Lúc đó, Quan Vân Trường đã quên lời dặn khôn ngoan của quân sư Khổng Minh, không những từ chối hôn ước mà còn nói lời sỉ nhục sứ giả và Tôn Quyền như sau : “Loài hổ không thể gả cho loài chó”. Lời nói này cho thấy Vân Trường là một kẻ kiêu căng ngông cuồng và ngạo mạn”. Chính sự kiêu ngạo này của Vân Trường đã làm cho thành Kinh Châu bị thất thủ và ông cũng phải đón nhận trái đắng là cái chết đau thương. Thật đúng như lời Kinh Thánh : “Kiêu căng đưa đến sụp đổ, ngạo mạn dẫn đến té nhào.” (Cn 16,18).

  1. SUY NIỆM :

– Tại sao kiêu ngạo lại bị Thiên Chúa gớm ghét và ghê tởm ? Thưa vì nó chính là tác nhân làm cho con người trở nên xấu xa với các thói hư như : khoe khoang, ích kỷ, coi thường tha nhân… Đức Giê-su, cũng đã cho biết số phận của kẻ kiêu ngạo : “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Mt 23,12).

– Trên thiên đàng, Lu-xi-phe vốn là tổng lãnh thiên thần ánh sáng, nhưng đã bị phạt ra khỏi thiên đàng do tội kiêu ngạo khi nêu khẩu hiệu : “Ta không phụng sự”. Và, nguyên tổ A-dam E-va của loài người cũng bị đuổi khỏi địa đàng do tội kiêu ngạo khi không vâng phục lệnh truyền của Thiên Chúa cố tình ăn quả trái cấm để hoàn toàn được tự do không phải vâng phục thánh ý Thiên Chúa.

  1. SINH HOẠT : Một người kiêu ngạo thường biểu lộ qua lời nói, thái độ và hành động thế nào ?
  2. LỜI CẦU :

Lạy Chúa Giê-su. Xin cho chúng con tránh thói kiêu căng tự mãn bằng việc sống nhân đức hiền lành và khiêm nhường noi gương Chúa xưa. Xin cho chúng con tránh khoe khoang thành tích để tỏ ra mình hơn người khác và được mọi người kính trọng và được ăn trên ngồi trước nơi công cộng. Xin cho chúng con biết nhìn nhận sự yếu kém của mình, sẵn sàng đón nhận những phê bình để sửa sai hầu ngày một nên hoàn thiện hơn.- AMEN.

 LM ĐAN VINH – HHTM

 

BÀI 48

VĂN HOÁ ỨNG XỬ – GIÁ TRỊ CỦA TINH THẦN PHỤC VỤ

  1. LỜI CHÚA : “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.” (Mc 9,35).
  2. CÂU CHUYỆN : TÀI XẾ TAXI THAY OÁN TRÁCH BẰNG SỰ PHỤC VỤ.

Tại một thành phố của nước Mỹ, có một ông khách trung niên đã kêu ta-xi đi đến sân bay.

Sau khi lên xe, ông khách phát hiện ra chiếc ta-xi mình đang đi không những bề ngoài có mầu sắc bắt mắt, mà cách bố trí trong xe cũng ngăn nắp trang nhã. Viên tài xế ăn mặc chỉnh tề, lịch sự. Khi xe vừa chạy, Tài xế liền hỏi hành khách về độ ấm trong xe đã thích hợp chưa ? Không lâu sau, ông lại hỏi hành khách có muốn nghe nhạc hay radio ? Hành khách chọn nghe nhạc và cuộc hành trình ra sân bay khá thoải mái.

Khi xe dừng trước một đèn đỏ, lái xe quay đầu lại và bảo cho vị khách biết trên xe có tờ báo buổi sáng và tờ tạp chí định kỳ. Ngoài ra, phía trước còn có một tủ lạnh nhỏ, trong tủ lạnh có nước trái cây và nước giải khát co-ca co-la, hành khách có thể tự lấy dùng. Nếu muốn uống cà phê, cạnh đó có chiếc bình thủy chứa cà phê nóng.

Người tài xế mở lời :

– Tôi là một người dễ nói chuyện, nếu anh muốn nói chuyện phiếm thì tôi có thể nói với anh. Nếu anh muốn được nghỉ ngơi hoặc ngắm phong cảnh, tôi sẽ yên lặng lái xe mà không quấy rầy anh.

Sự phục vụ đặc biệt này khiến khách rất ngạc nhiên, anh hỏi tài xế :

– Anh bắt đầu thêm sự phục vụ này từ bao giờ vậy ?

Sau một lát im lặng, người tài xế trả lời :

– Thực ra, lúc đầu, xe của tôi cũng không cung cấp dịch vụ toàn diện như bây giờ. Tôi cũng giống những tài xế khác : Hay phàn nàn với khách về nhiều vấn đề : Nào là chính phủ bất tài, tình trạng giao thông không tốt, giá xăng quá đắt, con cái không biết nghe lời, vợ lại thiếu sự hiền thục… cuộc sống nói chung khá ảm đạm.

Nhưng một lần kia, tôi vô tình nghe được cuộc đàm thoại về hạnh phúc của cuộc sống trong một tiết mục ra-di-o. Đại ý là nếu bạn muốn thay đổi thế giới thì trước hết bạn hãy thay đổi bản thân và những gì trong tầm tay của mình.

Nếu bạn cảm thấy không hài lòng thì tất cả những chuyện khác đều khiến bạn không vui. Trái lại, nếu bạn cảm thấy công việc hôm nay tốt đẹp may mắn, thì mỗi người bạn gặp đều có thể là quý nhân của bạn.

Cho nên tôi tin rằng, nếu tôi muốn vui vẻ, thì tôi phải ngưng phàn nàn than trách. Tôi phải thay đổi bắt đầu từ bản thân. Từ lúc đó, tôi quyết định sẽ đối xử thân thiện tử tế với mỗi hành khách bước lên xe của mình.

Năm thứ nhất, tôi sửa sang xe trong ngoài sạch sẽ, trang trí lại mới hoàn toàn. Tôi luôn nở nụ cười với mỗi hành khách. Kết quả là thu nhập năm đó tăng lên gấp đôi.

Năm thứ hai, tôi chân thành quan tâm thăm hỏi niềm vui nỗi buồn của khách đi xe. Kết quả là thu nhập năm thứ hai của tôi đã tăng gấp đôi năm thứ nhất.

Đến năm thứ ba là năm nay, tôi đã biến chiếc xe của mình thành một chiếc xe “5 sao” độc nhất này. Ngoài thu nhập tăng lên, hiện tại khách hàng mà tôi chở phần lớn đều là khách quen.

Khi xe đến chỗ đậu, anh tài xế liền xuống xe và đi ra phía sau để giúp tôi mở cửa. Anh còn đưa một tấm danh thiếp có thiết kế khá đẹp và nói :

– Mong lần sau sẽ có thể được tiếp tục phục vụ anh.

Việc chạy xe của anh tài xế đã không bị ảnh hưởng dù nền kinh tế có bị trì trệ, là do anh không những đã có sáng kiến tạo ra nguồn thu nhập tốt, mà còn làm cho cuộc sống được vui vẻ như vậy đó.

  1. SUY NIỆM :

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường gặp phải không ít người luôn mang trong lòng sự bất mãn oán trách. Họ phàn nàn oán trách cha mẹ đã không công bằng; bạn bè không hiểu mình; Thậm chí oán trách cả ông trời đã cho thời tiết mưa nắng thất thường…

Những người này không biết rằng : oán trách là một loại cảm xúc tệ hại nhất khiến mối quan hệ giữa đôi bên trở nên căng thẳng và mâu thuẫn ngày càng nặng nề hơn. Nó không chỉ khiến sức khỏe của bản thân người ấy bị xấu đi mà còn khiến các người thân và bạn bè dần dần xa lánh, không muốn gặp gỡ tiếp xúc với họ.

Mục sư người Mỹ – Will Bowen trong cuốn “A Complaint Free World” (Thế giới không có lời phàn nàn) đã viết như sau :

“Những người hay mở miệng phàn nàn có thể có nguy cơ bị cô lập và bị mọi người xa lánh. Oán giận là một loại độc dược. Nó có thể làm giảm đi nhiệt huyết, phá hủy ý chí, hạ thấp địa vị, hủy hoại cả tâm thân của con người. Cho nên, thay vì oán trách vận mệnh thì chi bằng mỗi người hãy tìm cách thay đổi vận mệnh của mình. Thay vì oán trách cuộc sống thì hãy quyết tâm cải thiện cuộc sống của mình thì sẽ tốt hơn”.

  1. SINH HOẠT :

Bạn có đồng ý với lời nhận định nói trên : “Thay vì oán trách vận mệnh thì chi bằng mỗi người hãy tìm cách thay đổi vận mệnh của mình. Thay vì oán trách cuộc sống thì chi bằng mỗi người hãy cố cải thiện cuộc sống của mình thì sẽ tốt hơn”.

  1. LỜI CẦU :

Lạy Chúa. Xin cho chúng con tránh những suy nghĩ tiêu cực và lời nói oán trách số phận và tha nhân về những điều không hay gặp phải trong cuộc sống. Xin cho chúng con luôn suy nghĩ tích cực, quyết tâm cải thiện điều không vừa ý ngay trong tầm tay của mình. Nhờ đó chúng con sẽ được thành công trong mọi việc.- AMEN.

LM ĐAN VINH – HHTM

 

BÀI 49

VĂN HOÁ ỨNG XỬ – HỌC LÀM NGƯỜI TỬ TẾ

  1. LỜI CHÚA : Thánh Gio-an viết thư khuyên các tín hữu như sau : “Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được ? Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm.” (1 Ga 3,17-18).
  2. CÂU CHUYỆN : ÍCH LỢI CỦA THÁI ĐỘ TỬ TẾ

Tại một cửa hàng bách hóa tại Mỹ, trời đột nhiên mưa lớn, một bà lão ăn mặc giản dị bị ướt sũng cả người. Bà chạy vào trong cửa hàng trú mưa. Hầu như không một nhân  viên nào trong cửa hàng quan tâm đến bà.

Nhưng rồi cũng có một chàng trai mặc áo nhân viên cửa hàng bước tới gần nói : “Chào bà, cháu có thể giúp được gì cho bà không ?”

“Không cần đâu, tôi chỉ vào để tránh mưa một lát rồi sẽ đi ngay.” Nhưng sau đó cảm thấy bất an khi bất đắc dĩ phải mượn chỗ trong cửa hàng trú mưa, nên bà quan sát tìm mua một món đồ nào đó để bù đắp lại phần nào. Nhưng sau khi đi một vòng quan sát mà bà cũng không biết nên mua thứ gì.

Chàng trai trẻ khi nãy thấy vậy, bèn đến nói với bà lão : “Bà ơi, bà không cần làm vậy đâu ạ ! Cháu sẽ mang một chiếc ghế tới để bà ngồi nghỉ chờ tạnh mưa nhé”.

Sau hai tiếng đồng hồ cơn mưa mới dứt hẳn. Bà lão hỏi xin danh thiếp của chàng trai rồi bỏ đi. Vài tháng sau, chàng trai nhận được một giấy mời làm đại diện cho một công ty bách hóa khác, hứa hẹn sẽ nhận được mức lương hậu hĩnh.

Sau này cậu mới biết giấy mời đó là cơ hội mà bà lão hôm trú mưa đã cho người mang tới. Bà lão ấy không ai khác hơn là mẹ của Andrew Carnegie, ông “vua thép”, là người giàu thứ ba trên thế giới.

Chàng trai trẻ nhờ vậy đã thuận buồm xuôi gió và thăng tiến lên tận ‘mây xanh’, trở thành cánh tay đắc lực của Andrew Carnegie. Đồng thời sau này anh cũng trở thành nhân vật trọng yếu giàu có chỉ đứng sau Andrew Carnegie.

  1. SUY NIỆM :

Tử tế chính là sự tốt bụng, là phẩm chất cao quý và đáng trân trọng của con người. Người tử tế là người lương thiện, không nghĩ xấu cho ai và cũng không làm hại ai. Hơn nữa, người tử tế còn luôn biết quan tâm, cảm thông với những hoàn cảnh khó khăn và sẵn sàng tận tình giúp đỡ  tha nhân với hết khả năng.

– Thái độ tử tế thường được biểu lộ qua những hành vi nhỏ như : Ăn nói lễ độ, biết nhường nhịn người khác, không khinh dể kẻ thấp kém, không chấp nhất những sai sót lầm lỗi của tha nhân …

– Tử tế còn được biểu lộ qua những việc lớn như : Rộng rãi đóng góp tiền bạc cho phúc lợi công cộng, luôn đứng về phía lẽ phải, sẵn sàng đấu tranh cho công lý để chống lại cái xấu cái ác… Một khi những việc tử tế được nhân lên, thì những cái xấu cái ác sẽ bị đẩy lùi và xã hội sẽ ngày một tốt hơn.

– Nếu trong gia đình, con cháu biết quan tâm đến ông bà, cha mẹ; Anh chị em trong nhà biết yêu thương đùm bọc nhau; Hàng xóm láng giềng biết quan tâm giúp đỡ nhau… thì xã hội chúng ta đang sống sẽ ngày càng văn minh và nhân ái hơn.

– Hãy sống tử tế và tránh thói xấu vô cảm :  Cần sống theo châm ngôn : “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”; Tránh thái độ ích kỷ trong câu : “Đèn nhà ai, nhà ấy rạng !”. Hãy nhớ lời Chúa Giê-su dạy để biết ứng xử theo luật nhân quả : Anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (Lc 6,38).

  1. SINH HOẠT : Anh nhân viên cửa hàng bách hoá đã làm gì giúp bà lão trú mưa, chứng tỏ anh là người tử tế, xứng đáng được trao trách nhiệm lớn sau đó ?
  2. LỜI CẦU :

Lạy Chúa Giê-su. Thái độ quan tâm và tận tình giúp đỡ tha nhân cho thấy thế nào là một người tử tế. Xin cho chúng con biết quan tâm đến mọi người và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của họ để chúng con ngày một nên trưởng thành về nhân cách, trở thành người tử tế, gây được thiện cảm với nhiều người, là điều kiện để làm mọi việc được thành công .- AMEN.

LM ĐAN VINH – HHTM

 

BÀI 50

VĂN HOÁ ỨNG XỬ – TRỞ THÀNH NGƯỜI TỬ TẾ

  1. LỜI CHÚA : Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (Lc 6,38).
  2. CÂU CHUYỆN : THĂNG CHỨC VƯỢT CẤP NHỜ BIẾT ỨNG XỬ TỬ TẾ

Hoàng đế NAPOLEON

Một hôm hoàng đế NA-PÔ-LÊ-ÔNG đem theo viên sĩ quan cận vệ vào một nhà hàng nọ. Vì không muốn cho người khác nhận ra thân phận vua của mình, nên hoàng đế và viên sĩ quan cải trang thành hai thường dân. Sau khi đã ăn xong, chủ nhà hàng đến tính tiền, tổng cộng số tiền phải trả là 14 quan. Viên sĩ quan mở chiếc cặp xách tay lấy tiền, bỗng ông tái mặt khi không tìm thấy đồng tiền nào trong đó cả ! Thấy thế, Na-po-lê-ông hiểu ý, ông nói nhỏ với viên sĩ quan : “Đừng lo, để ta trả cho”, nói rồi vua móc túi lấy ví tiền, nhưng sờ túi trên túi dưới, túi trước túi sau, vẫn không tìm thấy chiếc ví vẫn mang theo người đâu cả ! Trước tình thế đó viên sĩ quan nói với bà chủ nhà hàng : “Thực là rủi ro hôm nay chúng tôi quên đem tiền theo. Xin bà vui lòng cho chúng tôi thiếu, một tiếng đồng hồ  nữa tôi sẽ trở lại thanh toán tất cả cho bà”. Nhưng bà chủ nhà hàng nhất định không chịu và đe sẽ kêu cảnh sát đến làm việc !

Một anh bồi bàn theo dõi sự việc từ đầu, cảm thông với hoàn cảnh của hai vị khách, nên nói với bà chủ : “Quên đem theo tiền là điều thường hay xảy ra. Vì thế, xin bà đừng gọi cảnh sát đến làm gì, theo tôi nghĩ : hai ông này  là người thật thà, không có ý lường gạt gì đâu”. Nhưng bà chủ vẫn không chịu cho hai người kia thiếu tiền, và nhất quyết đòi kêu cảnh sát. Thấy thế anh bồi bàn liền móc túi lấy ra 14 quan trao cho hai vị khách và nói : “Đây tôi cho hai ông mượn để thanh toán với bà chủ”. Thế là nhờ anh bồi bàn sẵn sàng trợ giúp, Na-po-lê-ông và viên sĩ quan mới có thể  an toàn rời khỏi nhà hàng.

Một lát sau, viên sĩ quan trở lại nhà hàng gặp bà chủ và hỏi : “Bà đã tốn bao nhiêu tiền để thành lập nhà hàng này ?” Bà chủ đáp : “Ba mươi ngàn quan”. Viên sĩ quan mở chiếc cặp xách tay ra lấy 30.000 quan đặt trên bàn và nói : “Vâng lệnh ông chủ tôi là hoàng đế Na-po-lê-ông, xin bà hãy giao lại nhà hàng này cho anh bồi bàn, người đã giúp chúng tôi đang lúc chúng tôi bị kẹt tiền”.

  1. SUY NIỆM :

– Anh bồi bàn trong câu chuyện trên được đánh giá là người tử tế khi biết cảm thông với người khác và sẵn sàng giúp hai vị khách lạ thanh toán chi phí bữa ăn cho nhà hàng. Qua đó anh chứng tỏ có lòng nhân ái, biết sẵn lòng giúp đỡ tha nhân giải quyết khó khăn họ gặp phải.

– Từ hơn 30 năm trước đây, bộ phim tư liệu được đoạt giải thưởng truyền hình quốc tế tựa đề “Chuyện tử tế” đã ra đời. Đạo diễn đã đi đó đây để đưa ra đáp án cho vấn nạn “Thế nào là người tử tế ?” qua nhiều con người có hoàn cảnh sống khác nhau : Từ người công nhân lao động sản xuất trong thành phố tới người nông dân vất vả làm việc đồng áng chốn thôn quê; Từ người khoẻ mạnh đến người đau yếu, nhất là các bệnh nhân bị phong cùi, một căn bệnh bị xã hội ghê sợ xa lánh.

– Trong phim, một bô lão đã trả lời thế nào là người tử tế : “Tử tế, gốc của nó là từ chữ Hán. Chữ “tử” có nghĩa là những chuyện nhỏ bé. Chữ “tế” có nghĩa là những chuyện bình thường.

Hai chữ “tử tế” ghép lại có nghĩa là : sự cẩn thận, chu đáo, thận trọng trong mọi công việc, trong lối sống và cách đối xử với mọi người xung quanh. Người sống tử tế là người có tấm lòng nhân ái, luôn biết tôn trọng bản thân và người khác, có thái độ sống nhân hậu, hòa hợp với thế giới, đề cao giá trị đạo đức, sự lịch thiệp, nhã nhặn, tình yêu thương và lẽ công bằng. Đặc biệt, họ luôn biết yêu thương, quý trọng những thứ nhỏ nhặt, bình thường nhất để tạo nên lối sống đẹp.

  1. SINH HOẠT : Sự tử tế, phải được dạy dỗ, tập luyện mới tồn tại lâu dài. Tử tế giống như hoa thơm, hoa đẹp không thể thiếu được của cuộc đời mỗi người. Vậy bạn sẽ làm gì để dạy con em mình biết đối xử hiếu thảo với cha mẹ, yêu thương anh chị em trong gia đình, tôn sư trọng đạo với bạn bè ở nhà trường, và tử tế với mọi người trong các giao tiếp xã hội ?
  2. LỜI CẦU :

Lạy Chúa Giê-su. Xin cho chúng con biết đối xử tử tế với người thân trong gia đình, bạn bè nơi nhà trường và mọi thành phần trong xã hội. Cho chúng con luôn biết quên mình để nghĩ đến người khác và khiêm tốn đáp ứng nhu cầu chính đáng của họ với hết khả năng. Nhờ đó chúng con sẽ được mọi người nhìn nhận là người tử tế, sẽ gây được thiện cảm với nhiều người, là điều kiện để thành công trong mọi công việc.- AMEN.

LM ĐAN VINH – HHTM