Việc làm quan trọng hơn lời nói.
CN 26 TN A
Chàng thanh niên bước vào siêu thị tìm mua mấy thứ cần dùng, vài phút sau anh nhận ra một phụ nữ lớn tuổi đang chăm chú nhìn mình. Không để tâm nhiều đến ánh mắt ấy, vì anh còn nhiều việc phải làm. Khi đến quầy tính tiền, thấy người đàn bà lúc nãy đang đứng đợi, anh lịch sự nhường cho bà xếp hàng trước. Người phụ nữ cười buồn:
– Xin cảm ơn. Tôi thành thật xin lỗi vì đã làm cho cậu khó chịu. Thú thực, trông cậu rất giống con trai tôi, nó mới qua đời cách đây vài tháng.
Động lòng trắc ẩn trước người phụ nữ đáng thương, chàng trai đáp:
– Cho con chia buồn, con có thể làm gì để giúp má?
Người đàn bà vui hẳn lên:
-Khi còn sống, con trai thường đi sắm đồ chung với má, nếu phải chia tay, bao giờ nó cũng nói: “tạm biệt má.” Con có thể nói như thế để ta vơi nỗi buồn không?
Không cần suy nghĩ, chàng thanh niên trả lời:
– Ồ! Con sẵn sàng làm tất cả để má vui.
Chàng trai giúp người phụ nữ bỏ các món hàng vào túi, trước khi bà bước ra cửa, anh đưa tay chào:
– Tạm biệt má!
Người phụ nữ quay lại cười thật tươi và gật đầu. Khi nhận hóa đơn, anh vô cùng ngạc nhiên vì thấy số tiền phải trả là 1.500.000đ, nên hỏi:
-Xin lỗi, cô có tính nhầm không? Những món hàng tôi mua chỉ đáng giá khoảng 400.000đ.
Nhân viên thâu ngân trả lời:
– Người phụ nữ hồi nãy nói anh là con và sẽ trả tiền cho bà.
Câu chuyện nghe thật buồn! Người đàn bà bịa ra chuyện thương tâm và dùng lời ngon ngọt để lừa dối chàng trai tốt bụng. Những chuyện tương tự như thế vẫn xảy ra hàng ngày trong mọi ngõ ngách cuộc sống hôm nay.
Giữa đời thường, có hai hạng người: nói nhiều hơn làm, hứa hẹn đủ điều, nhưng rồi không làm gì cả; làm nhiều hơn nói, không hứa hẹn, không ba hoa khoác lác, nhưng làm những việc đạo đức, nhân hậu, tốt lành, có khi làm một cách kín đáo. Ai cũng thích hạng người thứ hai vì họ chân thành, lấy việc làm chứng minh lời nói.
***
Trang Tin Mừng hôm nay kể dụ ngôn hai người con nhận cùng một lời mời gọi của cha và đáp trả với hai thái độ khác nhau.
– Người con thứ nhất: Lúc đầu từ chối, không vâng lời cha. Nhưng sau đó nghĩ lại, nó đi làm vườn nho cho cha. Đứa con này tượng trưng cho các người thu thuế và người tội lỗi.Tuy đã phạm tội, nhưng sau đó đã hồi tâm và tin theo Chúa Giêsu mà quay về với Thiên Chúa.
– Người con thứ hai: Lúc đầu ngoan ngoãn vâng lời cha, nhưng sau đó nó lại không đi làm vườn theo ý cha. Đứa con này có vẻ công chính, tượng trưng cho các Thượng tế Kinh sư và Pharisiêu. Tuy giữ luật Môsê trong từng chi tiết, nhưng họ lại từ chối Gioan Tẩy Giả, người đã đến chỉ đường công chính. “Thưa cha, con đây”: câu trả lời lễ phép của một đứa con ngoan ngoãn hiếu thảo, sẵn sàng vâng nghe lời cha dạy bảo; “Nhưng rồi lại không đi”: đứa con này mới chỉ vâng lời cha bằng môi miệng bề ngoài. Sau đó nó không đi làm vườn nho theo lời cha dạy. Nó có thái độ “ngôn hành bất nhất“, “nói mà không làm“, “nói một đàng mà làm một nẻo”. Một lối sống vụ hình thức bề ngoài. Một thái độ đạo đức giả. Người con thứ hai ám chỉ những Thượng tế, Kinh sư và Pharisiêu. Thời ấy, họ là những bậc vị vọng, họ tự xưng mình là đạo đức, công chính, trong sạch. Thực tế họ rất giả hình. Nói rất hay nhưng không thực thi điều mình nói. Họ nói mà không làm.
Giữa lời nói và việc làm thường có một khoảng cách rất lớn. Nói thì dễ nhưng làm thì khó. Con người dễ rơi vào thói nói nhiều làm ít, hoặc chỉ nói suông mà không làm, hoặc còn tệ hơn nữa khi việc làm mâu thuẫn với lời nói.
- Nói và làm, một tiêu chuẩn để xét định đời sống.
Kể dụ ngôn, Chúa Giêsu hỏi: “Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?”. Họ trả lời: “Người thứ nhất”. Đó là người nói không, nhưng đã hối hận và đi làm việc. Ở đây rõ ràng có hai loại người: nói ít làm nhiều và nói nhiều làm ít.
- Nói ít làm nhiều.
Nói ít không phải là “ít nói” vốn thường hiểu theo nghĩa tiêu cực bộc lộ một lòng trí tối tăm hay lòng dạ mưu mô. Nói ít cũng chẳng phải là không có gì để nói hay không biết nói gì. Trái lại người nói ít là người biết mình nói gì và cũng là người có khả năng nói nhiều với chính mình bằng ngôn ngữ tư tưởng, với người bằng ngôn ngữ hành động. Chính vì thế họ dễ trở thành những người “làm nhiều”. Những người nói ít làm nhiều thường là những người tốt bụng, nhiệt thành với công việc, chu toàn nhiệm vụ và biết trách nhiệm. Họ không làm phiền người bên cạnh. Họ thích làm tốt cho người khác. Họ không bận tâm đến tiếng chê, chẳng nặng nợ với lời khen. Họ chăm chỉ làm việc và quan tâm tới từng việc làm. Với họ, làm là cách nói tốt nhất.
- Nói nhiều làm ít.
Có những người nói nhiều mà làm chẳng được bao nhiêu. Họ là những người hay nói. Hay nói chưa chắc nói hay nhưng chắc chắn một điều: hay nói là một cánh cửa luôn rộng mở cho những người thích nói hay nói tốt về mình, để làm điều kiện thuận lợi cho việc dèm pha phê bình người khác. Đây là một nguy cơ của việc nói nhiều. Có biết đâu phê bình người khác lại là một cách bộc lộ lòng dạ mình ra. Mang kính đen thì phê bình sao người khác đen quá, giống như lưỡi đắng có bao giờ thấy canh ngọt. (x. Làm nụ hoa trắng, trang 90-91, ĐGM Vũ Duy Thống).
- Nói và làm, hai thái độ sống
Sau câu hỏi, Chúa Giêsu tuyên bố một câu nghe thật nhức nhối: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm sẽ vào nước trời trước các ông”. Các Thượng tế, Kinh sư và Pharisiêu không chịu nghe Lời Chúa, không ăn năn sám hối. Những người thu thuế và gái điếm, khi được mời gọi đã thành tâm sám hối ăn năn.
Có hạng người nói mà không làm và hạng người làm mà không nói.
- Người nói mà không làm. Họ tự cho là mình đạo đức, nhưng khi Chúa Giêsu rao giảng, họ không những không tin mà còn phê phán chỉ trích những người tin Chúa, chỉ trích chính Chúa đã đón tiếp người tội lỗi.
- Người không nói nhưng lại làm. Đó là những người thu thuế và những cô gái điếm. Tuy sống tội lỗi, nhưng khi nghe Chúa rao giảng, họ đã ăn năn sám hối và tin vào Chúa.
- Những bài học
Qua dụ ngôn, Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta hai bài học quan trọng.
- Việc làm quan trọng hơn lời nói.
Chính việc làm minh chứng lời nói. Chính việc làm mới có sức thuyết phục. Lý thuyết dù có hay có đẹp đến đâu nếu không thực hiện được thì cũng vô ích. Trong đời sống, chúng ta gặp không ít những người nói hay, nói nhiều, nhưng làm chẳng bao nhiêu. Nhưng trái lại, có những người nói không hay, có khi không nói gì cả, nhưng lại làm rất nhiều. Nhất thời chúng ta có thể thích những người nói hay. Nhưng sống càng lâu, chúng ta càng mến những người nói ít làm nhiều. Con đường đi từ trái tim đến đôi tay là một con đường dài và gian khổ. Rung động trước nổi khổ của người khác là điều tốt, giúp cho họ bớt khổ là điều tốt hơn. Thánh Gioan khuyên rằng: “Hỡi anh em, đừng yêu mến bằng lời nói suông, nhưng bằng việc làm thực sự” (1Ga 3,18).
Trong đời sống thiêng liêng cũng vậy. Chúa yêu chuộng những người làm việc hơn là những người chỉ biết nói suông. Những Luật sĩ Biệt phái Kinh sư bị lên án dữ dội vì họ giả hình. Họ nói mà không làm. Họ đặt gánh nặng lên vai người khác nhưng bản thân lại tránh né. Ngày nay cũng vậy, có những bậc cha mẹ dạy con cái phải giữ đạo, phải cầu nguyện, dự lễ, nhưng chính mình lại biếng nhác, không làm gương sáng cho con cái. Chúa đòi hỏi phải thực hành: “Không phải những ai nói rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa mà được vào Nước Trời, nhưng là những kẻ làm theo ý Cha Ta trên trời” (Mt 7,21). Đức tin phải biểu lộ bằng việc làm mới là đức tin sống động. Thánh Giacôbê dạy: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17). Tình yêu cũng phải có việc làm. Việc làm minh chứng tình yêu đích thực. Tin yêu Chúa phải được biểu lộ bằng việc làm.
- Hãy làm một cách khiêm tốn.
Những người Pharisiêu làm gì cũng muốn phô trương. Muốn tỏ ra mình đạo đức, họ đeo lề luật trên trán, trên tay. Ðeo rồi, sợ người khác không nhìn thấy, họ phải “đeo những hộp kinh thật lớn, may những tua áo thật dài” để cho mọi người biết họ yêu mến lề luật, giữ đạo cặn kẽ. Thói phô trương dễ biến thành tự phụ tự mãn, hợm hỉnh. Nên những người Pharisiêu “ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là thầy“.
Khi phê phán người Pharisiêu, Chúa Giêsu muốn cho môn đệ hãy sống đạo trong kín đáo: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. . . Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. . . Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. . . Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Ðấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Ðấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh” (Mt 6,1-6). Kín đáo làm việc đạo đức là dấu chỉ lòng mến Chúa chân thực. Lòng mến Chúa chân thực sẽ dẫn đến thái độ khiêm tốn, luôn biết kính trọng người khác và luôn biết phục vụ anh em.
Xin Chúa giúp chúng con biết sống “ngôn hành như nhất” để lời nói và việc làm của chúng con luôn đẹp lòng Chúa và mưu ích cho tha nhân. Amen
Lm Giuse Nguyễn Hữu An