Để Biết Mình – Giám Mục Gb. Bùi Tuần

print

Để Biết Mình

Nói Với Chính Mình
+ Giám Mục Gb. Bùi Tuần

Các người đạo đức bảo tôi rằng: Biết mình là đầu mối sự khôn ngoan, là điều kiện trước tiên của mọi sự cải tiến.
Đúng lắm. Nhưng biết mình không phải dễ. Không ai gần tôi cho bằng tôi. Nhưng chính tôi thường xa lạ với tôi hơn ai hết.

Làm sao để biết mình?

Cách thứ nhất tôi thử dùng là so sánh mình với kẻ khác. Thấy không bằng họ, thì coi mình kém. Thấy không thua họ, thì yên trí chẳng sao.
Nhưng có chuyện làm tôi nghi ngờ cách biết mình này: Một ông Pharisêu và một ông nhân viên thuế vụ vào đền thờ cầu nguyện. Ông Pharisêu so sánh mình với ông thu thuế thì thấy mình khá quá, thì nói với Chúa rằng: Con không như tên thu thuế kia. Rốt cuộc, người thu thuế lại được Chúa thương hơn (x. Lc 18,9-14). Thế là ông Pharisêu đã lầm lớn.
Hay là tôi so sánh mình với những người hơn tôi xem sao, nhưng tôi vẫn sợ lầm. Vì thế nào để phân biệt được chắc chắn ai hơn ai kém. Đàng khác, so sánh mình với người khác dễ gì đúng được. Mình thiên vị mình là chuyện thường. Chủ quan mà cứ tưởng khách quan mới thực là nguy.

Không tin vào cách so sánh mình với người khác, tôi thử dùng cách hai để biết mình là dựa vào dư luận. Người ta nói về tôi thế nào thì tôi cũng coi tôi là thế.
Nhưng Phúc Âm lại có chuyện dạy tôi phải coi chừng dư luận. Trong lịch sử đạo Công giáo lần đầu tiên dư luận đại chúng được phát biểu là vấn đề nên tha Giêsu hay Baraba. Kết quả là tất cả đã lên án Chúa Giêsu. Thực là mỉa mai cho chủ trương lấy ý kiến đại chúng làm tiêu chuẩn để phân biệt lành dữ. Dư luận nhiều khi chỉ là luận dư và vô trách nhiệm.

Thấy dư luận không bảo đảm, tôi lại dùng cách thứ ba để biết mình, đó là căn cứ vào các điều răn để biết mình xem có phạm gì nặng không. Nếu không phạm gì nặng thì chẳng thánh, ít ra cũng chẳng đến nỗi nào.
Nhưng có mấy lời Chúa phán làm tôi phải dè dặt. Thời Chúa Giêsu, những người thu thuế và đĩ điếm đều bị xã hội xếp vào hạng người tội lỗi quái gở. Còn Pharisêu và các thầy cả thì được dân chúng tôn trọng như các bậc đạo đức mô phạm. Thế mà có lần Chúa nói với các vị này rằng: “Ta nói thực với các ông, những người thu thuế và đĩ điếm sẽ vào thiên đàng trước các ông” (Mt 21,31). Mà mấy vị đó xem ra có phạm gì nặng nề đâu. Thì ra Chúa biết nhiều quá. Và Chúa xét đoán khác thiên hạ.

Hay là tôi sẽ căn cứ vào nếp sống hình thức hàng ngày để biết mình? Hễ tôi thấy mình làm đủ việc luật dạy, năng đi nhà thờ, kinh kệ đàng hoàng, thì là dấu tốt. Bằng không thì là dấu xấu.
Nhưng cách này cũng không làm tôi yên trí. Còn ai giữ luật cặn kẽ bằng ông Pharisêu! Thế mà Chúa mắng bọn họ là “Những mồ mả ngoài thì sơn trắng, nhưng trong thì đầy xương hôi tanh” (Mt 23,27). Nếp sống hình thức chỉ là cái vỏ, chỉ là mặt nạ. Nó không phải là tôi.

Vậy còn một cách sau chót tôi thử dùng để biết mình, là căn cứ vào lương tâm. Hễ lương tâm an ổn thì là dấu tôi tốt. Hễ lương tâm bứt rứt không an, thì là dấu tôi có gì trục trặc.
Nhưng cách này cũng không chắc chắn. Lương tâm tôi thì bình an lắm. Nhưng biết đâu chỉ vì lương tâm tôi đã quen sai lầm, đã ra chai đá? Và dù lương tâm tôi thuộc loại chính xác, thì tình trạng yên ổn của nó cũng có thể rất chủ quan. Chính thánh Phaolô cũng đã nói: “Thực, lương tâm tôi không trách tôi điều gì. Nhưng không vì thế tôi là người công chính. Chỉ có Chúa là Đấng phán xét tôi” (1 Cr 4,4).

Thì ra năm cách tôi thử dùng để biết mình đều không bảo đảm.

Vậy phải làm sao bây giờ?
Tôi thấy một trả lời từ Kinh Thánh: Saolô từ Damas đi Giêrusalem bị một ánh sáng từ trời đánh ngã. Ngài hỏi: Chúa muốn con làm gì? Rồi ngài mờ mắt. Ba ngày đêm không ăn uống. Chỉ suy nghĩ cầu nguyện. Trong cảnh cô tịch nội tâm đó, ngài đã để lòng mình đối diện với Chúa và ngài đã được biết rõ mình. Từ đó ngài đã trở lại và nên thánh (x. Cv. 9).

Muốn biết rõ mình, tôi cũng hãy dùng cách của thánh Phaolô: suy nghĩ và hỏi Chúa trong cõi thinh lặng. Chúa là đường và là sự thật. Chúa rất thương tôi. Tôi tin chắc chắn khi nhìn vào Chúa, thì tôi sẽ thấy tôi. Sự biết này vừa rõ, vừa gợi niềm cậy trông và khiêm tốn. Nó êm đềm chứ không làm tôi kiêu căng, sợ hãi hay bối rối. Nó cho biết và đồng thời cũng chữa trị. Vì thực ra, lúc đó Chúa đã ở trong tôi rồi.
Lạy Chúa, con biết tin vào đâu? Con đặt niềm tin trọn vẹn vào Chúa. Sự thực của Chúa bao giờ cũng đầy đủ dịu dàng, êm đềm và khích lệ, rất khác với những chỉ giáo của loài người. Xin giúp con năng biết tìm Chúa, hỏi Chúa trong thinh lặng nội tâm, để nhờ đó con biết mình, biết đời và biết Chúa.