Ai Rồi Cũng Phải Đi

print

Radio đặc biệt dành cho Tháng 11: Ai Rồi Cũng Phải Đi

Chào bạn,

Tháng 11 lại về với chúng ta, mang theo cơn gió lành lạnh, báo hiệu những ngày cuối năm sắp đến. Với tôi thì tháng 11 thật đặc biệt: Hai chữ số giống hệt như nhau, được đặt nằm bên cạnh nhau trước sau như một, làm thành cái tên  “Tháng 11”  thật gần gũi thân thương.

Chẳng những thế, cái bầu không khí của tháng 11 dường như đang làm chuyển động không gian, vạn vật và ngay cả tâm tình của mỗi người chúng ta cũng dần bị đánh động.

Với anh em Phật giáo, thì Tháng 7 âm lịch được gọi là tháng Vu Lan báo hiếu, hay còn gọi là Tiết xá tội vong nhân. Đây là tháng đẹp nhất trong năm của nhà Phật. 

Giáo Hội Công giáo chúng ta dành riêng tháng 11 dương lịch để tưởng nhớ cầu nguyện đặc biệt cho tất cả các Tín hữu đã qua đời. Chúng ta gọi tháng 11 là Tháng Các Đẳng.

Các Đẳng linh hồn có thể là Tổ Tiên, Ông Bà Cha Mẹ, hay những người mà chúng ta thương mến, những người tưởng chừng sẽ mãi gắn bó không bao giờ rời xa, nhưng… cuộc sống này chỉ là tạm bợ, ai rồi cũng phải đi, ai rồi cũng phải về với Chúa…

Thiên đàng, Luyện tội, Thế trần

Theo nguồn giáo lý: ba phần hiệp thông.

Riêng phần luyện tội đành lòng,

Cầu cho nhân thế – đợi trông giúp mình…

(Thế Kiên Đominic)

Nhạc: Mong về (Ns. Giang Ân) – Xuân Trường

Trên chuyến xe thời gian tìm về quá khứ

Giữa tiết trời tháng 11 này đây, mời bạn và tôi hãy cùng bước lên một chuyến xe thời gian, để quay ngược về quá khứ… Ở nơi đó, bạn và tôi hãy đi tìm lại hình bóng những người đã từng rất thân quen với mình, mà nay họ đã không còn trên cõi đời này nữa…

Chuyến xe chầm chậm xuyên qua từng lớp phủ bụi mờ của thời gian, chở theo bao nhiêu là ký ức của bạn, của tôi…

Ở nơi đó, tôi thấy hình ảnh Ba đạp xe chở tôi trên con đường ngập nắng, thấy Mẹ đang tỉ mỉ ngồi may cho tôi chiếc áo để kịp đến trường. Hai đấng sinh thành một đời tần tảo sớm hôm, lo cho chị em tôi từng miếng ăn giấc ngủ… Rồi những biến cố ập đến trong đời khiến Ba Mẹ tôi càng già thêm vì bao nỗi lo cơm áo gạo tiền nặng gánh oằn vai… Quả thật công lao khó nhọc của các bậc sinh thành dày theo năm tháng…

Trên bến đò Phường 10 ngày nào, có bóng dáng nhỏ gầy của Bà Ngoại tôi, đang cầm gậy lần mò bước lên chiếc xuồng nhỏ chòng chềnh chao đảo. Cuộc sống khó khăn, mỗi ngày Bà phải đi bộ hàng chục cây số từ Hòa Thành ra Cà Mau và ngược lại để mưu sinh…

Tôi gặp lại Bà Nội tôi đang lui cui nhen bếp lửa bằng củi khô, còn Ông Nội thì khom lưng bào mấy tấm ván để đóng bàn ghế như công việc của Ông thường ngày…

Tôi còn nhìn thấy một Nữ tu già với dáng người mập mạp, bà đeo cặp kính gọng đen với gương mặt phúc hậu nhưng không kém phần nghiêm khắc, mấy đứa trẻ xa xa gọi bà bằng hai tiếng “Bà Ngoại” thân thương…

Tiếp đến là hình ảnh Ngôi thánh đường cũ kỹ dần dần hiện rõ, ở nơi đó: có Cha xứ già, mặc chiếc áo bạc màu đang say sưa đứng dạy giáo lý. Tôi còn nhìn thấy ngài đứng trên bục sách, giọng run run hát Bài Thương Khó, dù sức khỏe đã yếu đi nhiều…

Văng vẳng bên tai tôi là tiếng đọc kinh cầu của các Ông, các Bà thời xa ấy… Tiếc là những âm vọng này mãi mãi không còn nghe được nữa…

Tôi gặp lại các Bà dì, Ông dượng, những người họ hàng và bà con chòm xóm thân thiết… Ngày ấy ai cũng nghèo lắm! thiếu thốn cái ăn, cái mặc, nhưng con người đối đãi với nhau bằng một tấm chân tình!

Từng dáng vẻ… từng khuôn mặt… từng nụ cười… từng giọng nói quen thuộc… từng việc Họ làm dần dần tái hiện rồi biến mất vào hư không một cách bất ngờ như chính sự ra đi của Họ.

Tôi bỗng thấy lòng hổ thẹn vì nhiều khi quên mất Họ, quên mất những viên kẹo, những cái bánh, những tờ tiền thời ấy, và cả sự dạy bảo cũng như tình yêu thương mà các Bậc Cố Nhân đã dành cho mình ở năm tháng ấu thơ…

Bạn thân mến,

Ở trên chuyến xe thời gian này, bạn đã gặp được những ai?

Chúng ta hãy cùng dâng lên Chúa lời kinh, nguyện cầu cho Tổ Tiên, Ông Bà Cha Mẹ, tất cả bạn bè thân quyến và ân nhân của mỗi người chúng ta đã ly trần. Xin cho các ngài được nghỉ yên trong Chúa mà thôi, nghỉ yên trong Chúa… ngàn… đời…

Nhạc: Lk Cầu cho cha mẹ – Angelo Band

Ai rồi cũng phải đi

Có ai đó đã nói rằng: Cuộc đời này có nhiều ngã rẽ, sau mỗi ngã rẽ, người ta lại mất đi một vài người bạn hay người thân, thôi không còn nhìn thấy nhau được nữa. Chẳng mấy ai có được một người đồng hành với mình đến cuối chân trời. Ai rồi cũng phải đi…

Có những cuộc ra đi đã dự báo từ trước nên người thân, bạn bè kịp chuẩn bị tinh thần để nói lời giã biệt. Nhưng cũng có những cuộc chia ly ập đến một cách bất ngờ, mới đó còn nói cười, một chốc thôi đã thành cái xác lạnh lẽo…

Giữa những tháng ngày dịch bệnh tràn lan, bỗng thấy cái chết dường như cận kề trong gang tấc. Chỉ một con virus nhỏ nhoi, lại có thể “cào bằng” tất cả mọi người trong xã hội, không phân biệt sang hèn hay sắc tộc; không loại trừ độ tuổi; nó cũng không ngần ngại tấn công vào những người giàu có, các chính trị gia, và cả các Giám mục, Linh mục, Tu sĩ trên khắp hoàn cầu.

Cứ mỗi một ngày trôi qua, chúng ta lại phải chứng kiến những câu chuyện nhói lòng đến nghẹt thở. Cái chết không chừa một ai, từ những nghệ sĩ nổi tiếng, đến các tu sĩ âm thầm đi làm thiện nguyện; từ những người giàu có kinh tế đủ đầy, sẵn sàng chi bạc tỷ để giành lại sự sống, đến những phận người bần cùng nhất trong xã hội.

Cách đây không lâu, trên các phương tiện truyền thông đưa tin: Có một người vô gia cư đã chết trên xe lăn trong khi trên tay vẫn còn cầm gói thức ăn mà mạnh thường quân tặng, bỏ lại người vợ tào khang gục bên chiếc xe lăn với chuỗi ngày tăm tối trong cảnh đói nghèo…

Còn có những người đứng xa xa… mắt dõi theo chiếc xe chở quan tài vừa hé cửa, để kịp quỳ lạy người thân yêu của mình lần sau cuối, trước khi xe đưa người đi hỏa táng… Thậm chí, có những bệnh nhân Covid-19, trước khi trút hơi thở cuối cùng, ánh mắt vẫn luôn tìm kiếm bóng dáng của người thân… nhưng… chỉ là vô vọng…

        Bạn thân mến,

Cuộc sống vốn dĩ mong manh, không ai biết trước được ngày mai, thế nên hãy yêu thương khi còn có thể. Dù bận rộn đến đâu, vất vả như thế nào, dù muốn hay không, ai rồi cũng phải đối diện với cùng đích của đời mình là cái chết: sẽ chết như thế nào và điều gì sẽ đến sau cái chết?

Tháng Mười Một giữa lòng đại dịch như một lời nhắc nhở mỗi người chúng ta: hãy nhìn lại mình để thấy chúng ta đã bỏ qua quá nhiều thời gian lãng phí cho những thú vui, cho những đam mê công việc. Mọi tất bật hơn thua, tiền bạc, giàu sang, đồ dùng xa xỉ… cuối cùng còn lại được gì khi bệnh tật ập đến, và cái chết chực chờ?

Nhạc: Sự sống thay đổi – Lm Nguyễn Sang

Tháng 11 – Mùa Xuân của những Linh hồn đã khuất

Ngày đầu tiên của Tháng 11, chúng ta mừng Lễ Các Thánh Nam Nữ trên trời, ngày 02/11 hướng về Các Linh hồn nơi luyện ngục, và những ngày tiếp theo trong Tháng, Giáo Hội lữ hành trần thế tiếp tục dâng những việc làm hy sinh phúc đức, để rút ngắn thời gian đền tội của Các Đẳng nơi luyện hình.

Mầu nhiệm Các Thánh thông công được mặc khải rõ rệt nhất vào thời điểm này, cơn mưa ơn toàn xá được tuôn đổ nhiều nhất trong năm. Thế nên có thể nói Tháng 11 chính là mùa xuân của những linh hồn đã khuất.

Thời gian là một trong những thứ hiếm hoi duy nhất, mà khi đã mất rồi không thể nào tìm lại được. Cũng như các Linh hồn nơi luyện ngục không thể làm gì được nữa, vì thời gian để lập công phúc đã qua, giờ đây các ngài chỉ còn biết nhờ vào những việc lành của chúng ta ngày hôm nay, để cầu thay nguyện giúp.

Bạn thân mến,

Nếu có một ngày nào đó, khi đang đi trên đường, bạn bỗng gặp một chiếc xe tang lướt qua, dù bạn không hề biết người nằm trong quan tài đó là ai, họ tên gì, và bao nhiêu tuổi;

Nếu có một ngày… bạn nhớ đến Ông Bà Cha Mẹ, hay là một người bà con họ hàng thân thuộc;

Nếu có một ngày… bạn chợt nhớ đến hình ảnh người thầy, hay một ân nhân đã từng cho bạn, dù chỉ là một viên kẹo hay vài đồng bạc;

Nếu có một ngày… bạn nhớ đến một người bạn, người anh em đã từng trải qua những tháng ngày vui buồn có nhau;

Và nếu có một ngày… bạn bỗng nhớ lại kỷ niệm với một người nào đó, mà nay họ đã không còn trên cõi đời này nữa…

Thì… xin bạn… hãy làm một chút gì đó… cho Họ!

Dâng một thánh lễ sốt sắng, một lời cầu nguyện đơn sơ, một việc làm bác ái, một sự hy sinh hãm mình nho nhỏ…

Làm như thế, bạn sẽ giúp Họ vơi bớt sức nóng từ lửa luyện ngục;

Làm như thế, bạn sẽ giúp Họ mau chóng được đoàn tụ Các Thánh vinh hiển trên quê trời;

Và… nếu làm như thế, Thiên Chúa nhân từ sẽ âu yếm nhìn bạn mỉm cười…

Tất cả những người mà bạn vừa nhìn thấy, vừa nhớ đến, dù hiện giờ họ đang trên thiên đàng vinh quang xán lạn, hay đang mỏi mòn chờ đợi trong luyện ngục, chắc chắn họ sẽ rất rất vui và sẽ cầu bầu cho bạn trước tòa Thiên Chúa.

Trần gian – Luyện ngục không ngừng

Nghĩa tình thân thiết, xin đừng quên nhau.

                                                                           (Hoài Thanh)

Lời kết:

Ước mong với Radio nhỏ này, có thể mang đến cho các bạn hồi ức tươi đẹp nhất về những người thân đã quá cố.

Nguyện xin cho lời kinh cũng như mỗi việc hy sinh đạo đức mà chúng ta làm hôm nay, được Thiên Chúa nhân từ xót thương đón nhận ban mưa Hồng Ân dọi mát Linh Hồn Các Đẳng.

Manna Bảo Lộc