Chất Nam bộ nơi ông cha đa tài

print

Chất Nam bộ nơi ông cha đa tài

Trong cuộc đời mục tử, cha Phêrô Phan Thanh Điềm thường  gây ấn tượng cho mọi người qua dáng vẻ của một nông dân miền Tây hoặc nghệ sĩ đàn cổ miệt vườn.

LINH MỤC NÔNG DÂN

Bến phà Châu Giang làm nhịp dẫn nối thành phố Châu Đốc và thị xã Tân Châu bên kia sông, đều thuộc tỉnh An Giang. Giáo xứ Phú Vĩnh, nơi cha Điềm hiện coi sóc, cách bến phà hơn 10 cây số, thuộc địa bàn xã Phú Vĩnh, thị xã Tân Châu.

Bữa chúng tôi ghé, cha giản dị với chiếc áo thun bình dân, đang thăm chừng đàn heo trên chục con trong chuồng. Nở nụ cười thật tươi, cha mau mắn giới thiệu: “Heo nuôi để giúp người nghèo đó con!”. Ấy là hiện tại, còn trước đây, cha từng chăn nuôi nhiều giống loài khác…

Thụ phong linh mục năm 1992, cha Điềm được cắt cử làm phó xứ Tân Châu kiêm phụ trách Phú Vĩnh. Phú Vĩnh bấy giờ có khoảng 300 giáo dân, trong đó, chừng 30 hộ gốc địa phương có đất đai, còn lại 40 hộ từ Campuchia hồi hương, hầu hết làm thuê vất vả. Lúc mới về đây, thấy cạnh nhà thờ có vuông ao rộng 500m2, cha nghĩ đến chuyện nuôi cá để tìm thu nhập trang trải các chi phí cho giáo xứ và làm bác ái. Không chần chừ, cha bắt tay mua đủ loại cá giống về thả xuống, trông chờ ngày thu hoạch. Nhờ nguồn lợi này, khi xây cất nhà thờ năm 1997, tiền lời mua được 100 ngàn viên gạch, gánh đỡ không ít chi phí cho công trình chung vì bổn đạo vốn nghèo, không đóng góp được bao nhiêu. Cha còn nhớ, sau 6 tháng kêu gọi, chỉ nhận được vỏn vẹn 2,5 triệu đồng, càng thấy thương đàn chiên khốn khó !

Nuôi cá ổn ổn, lại chuyển sang nuôi ba ba và bồ câu. Ban đầu, chưa rõ kỹ thuật chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh, cha mày mò tìm hiểu, ghi chép các chỉ dẫn trên mạng, báo đài và các tài liệu liên quan. Dần dà, cha trở thành một nhà chăn nuôi thạo việc. Có thời điểm, 200 cặp bồ câu phủ kín các chuồng. Ai nấy đều trầm trồ, suýt xoa. Tưởng làm “văn nghệ”, vậy mà đủ để chi cho các sinh hoạt của giáo xứ, và còn giúp giáo dân mua túi gạo, viên thuốc lúc ốm đau. Khi thị trường chuyển đổi nhu cầu, cha rẽ sang nuôi heo cho tới nay. “Hằng ngày, tôi và một người nữa phụ xay chuối cho heo ăn và làm thêm những việc lặt vặt khác. Tới cuối tháng, cha gởi lương. Gia cảnh chúng tôi vốn khó khăn nên được cha hỗ trợ bằng cách này”, chị Thiểu, giáo dân trong xứ khoe.

 

Với những hộ chật vật khác, cha tặng heo con cho họ nuôi, tạo vốn liếng làm ăn. Không dừng lại, học hỏi mô hình VAC của nhiều nhà nông, cha còn trồng chuối, phủ xanh rau muống trên các bờ ao. Chỉ tay về khu vườn tốt tươi chừng 200 gốc, giọng cha phấn khích: “Thân chuối mình xay cho heo ăn, lá và trái thì bán để phụ tiền mua cám. Thỉnh thoảng dặm thêm rau muống cho chúng, coi vậy mà tiết kiệm đáng kể”. Rành rẽ về nuôi trồng và lao động chân tay như những người nhà quê chất phác, thuần hậu, cha xóa tan khoảng cách với giáo dân. Ngày ngày miệt mài cùng ao chuồng, bãi bờ, cha chẳng khác một nông dân với nước da đen cùng nét mộc mạc toát lên qua dáng vẻ. Quý mến ông cố sở, bổn đạo câu được con cá, bắt được con lươn đều mang tới nhà thờ. Tình quê nhờ vậy thêm khắng khít, đậm đà.

Nuôi heo để giúp đỡ bà con nghèo

Luôn gần gũi và hòa đồng nên sau lễ Chúa nhật, thiếu nhi thường vào nhà bếp đổ bánh khọt, bánh xèo hay làm rau câu, chuối chiên rồi cha con cùng thưởng thức. Nói tới ẩm thực, cha nhớ hoài tấm lòng, sự đơn sơ của họ đạo nghèo thuở mới về: “Lần đó, bà con hỏi tôi nấu gì ăn nhân ngày bổn mạng Phêrô, tôi nói không có tiền nên khỏi bày biện. Tờ mờ sáng, nghe tiếng chặt lốp bốp sau nhà, ra coi thì giật mình khi thấy mấy bà đang bằm thịt nhái. Hỏi ra mới vỡ lẽ họ bàn nhau đổ bánh xèo bằng ‘nhưn’ nhái. Hồi khuya, đám đàn ông đi soi được hai thau lớn đầy vung. Hôm ấy đổ tất cả 600 cái bánh. Một buổi tiệc mừng quan thầy không thể ấn tượng hơn!”.

NHẠC CÔNG TÀI BA

Có dịp ghé Phú Vĩnh vào tháng hè, nhiều người không khỏi thích thú khi thấy vài em nhỏ chăm chú chơi đủ loại nhạc cụ dân tộc. Đồng hành cùng các em, vị quản xứ “Hai lúa” mọi khi đã hóa thân thành một nghệ sĩ đàn ca tài tử. Ít ai biết cha Điềm chơi được tám loại nhạc cụ khác nhau. Đây vốn dĩ là năng khiếu, niềm đam mê từ thuở nhỏ của vị linh mục vùng quê.

Nhiều năm trước, thấy trẻ nhỏ không có sân chơi, giải trí vào mùa hè do đoàn Thiếu nhi Thánh Thể giáo xứ còn non yếu, cha nảy ra ý tưởng dạy đàn, đào tạo một “ca đoàn nhí”. Nghĩ là làm, cha quy tụ các em đến nhà thờ rồi hướng dẫn. Ban đầu, biết được nhạc cụ nào, cha dạy môn đó. Không lâu sau, cha học thêm đàn bầu, đàn nhị… với suy nghĩ vừa để bảo tồn bản sắc quê hương, vừa thông qua đó, lại tạo sự gần gũi, thân thiết với bà con lương dân hoặc người Chăm trong vùng. Không dư giả để tới trường lớp, cha vào mạng học cách lên dây đàn ra sao, điều chỉnh như thế nào, rồi mày mò tự học. Nhờ tinh thần chịu khó, lần lượt đàn tranh, đàn nguyệt…, cha đều quen thuộc.

Mỗi tuần 3 – 4 buổi, các trò tập tễnh làm quen, rèn luyện cùng “thầy – cố”. Ở nông thôn, có được cơ hội học hỏi, trau dồi năng khiếu, trẻ nào cũng khoái chí, hào hứng. Qua đôi tay đào luyện, uốn nắn của cha, nhiều em giờ thông thạo 2- 3 loại đàn khác nhau. Phương Uyên 14 tuổi, chơi organ và đàn bầu, bẽn lẽn chia sẻ: “Nhờ học đàn suốt 5 năm qua, em biết thêm nhiều kiến thức về âm nhạc và thấy những tháng hè ý nghĩa, thú vị hơn. Lúc dạy, cố khá nghiêm khắc nhưng sau những giờ đó, cố lại trở về hình ảnh vui vẻ, dễ gần mọi khi”.

Mỗi em có thể thông thạo 2-3 loại nhạc cụ khác nhau

Sau ba năm, một tốp “nghệ sĩ nhí” ra lò và được tuyển mộ vào ca đoàn nhà thờ. Các nhạc công này tham gia phối hợp biểu diễn vào những dịp lễ trọng bởi việc phối khí nhiều nhạc cụ đòi hỏi lắm công phu. Còn lễ hằng tuần, ngoài organ, thi thoảng các em đệm thêm ghita. Mấy lần chứng kiến học sinh của mình biểu diễn đầy ngỡ ngàng trong đêm mừng Chúa ra đời, nhiều thầy cô ở trường thốt lên sung sướng: “Ô, học trò tui kìa!”. Hay biết việc ấy, trường cũng đã chọn các em vào đội văn nghệ đi thi ở xã, huyện. Mỗi khi giành được giải, cả làng vui lây.

Trưa hè, tiếng đàn nguyệt réo rắt, tiếng đàn nhị nỉ non của cha như đưa mọi người về miền ký ức. Ngón tay uyển chuyển buông bắt, lả lướt trên dây đàn điệu nghệ, cha tựa như người nghệ sĩ thực thụ. Nhưng nào chỉ có vậy, cha còn một ngón nghề khác không kém phần thú vị : sáng tác cải lương. “Nhiều bận bà con lương dân nói rằng Giáng sinh năm nào cũng toàn hát múa, kịch ngắn nên chán, phải chi có cải lương nghe thì đã! Biết chưa gãi đúng chỗ ngứa của dân miền Tây, tôi bèn bấm bụng làm thử hoạt cảnh bằng cải lương, chớ để họ đi gần chục cây số trong đồng ra coi mà thất vọng, thấy cũng tội. Kỷ niệm này vậy mà đã 8 năm nay. Khi chưa chịu chức, tôi từng học lỏm món này ở nhà văn hóa Chợ Mới, ngờ đâu có lúc lại hữu ích”, cha cười giải thích lý do làm “soạn giả”.

Thế là, soạn xong điệu lý và câu vọng cổ thích hợp cho từng vai, cha nhờ ban đờn ca tài tử của xã hát phụ, thâu vào băng rồi cho thiếu nhi tập. Có đất cho anh em lương giáo dụng võ, mọi người sẵn lòng hợp tác trước ý tưởng mới mẻ của ông cha. Lần đầu xem diễn nguyện bằng cải lương, bổn đạo mắt tròn mắt dẹt vì quá lạ. Bà con chưa biết Chúa thì mát lòng mát dạ, chú tâm nghe “ông Giuse” ca có mùi không, “bà Maria” có bị hụt hơi… Còn trẻ con, sau đó hát ra rả trên đường, ngoài ruộng những câu ca cổ về đêm Thánh mà chúng đã ghi nhớ. Dư âm của tuồng cải lương Nô-en rặt chất Nam Bộ lan xa khắp vùng quê nghèo.

Chia tay, cha còn tiết lộ đang soạn tuồng cải lương “Cuộc thương khó”. Ngoái nhìn vị mục tử đang vẫy chào kèm nụ cười thường trực, tâm trí tôi vẫn còn ẩn hiện hình ảnh nông dân và nghệ sĩ của cha. Dù mang dáng vẻ nào chăng nữa, cha vẫn vậy, dung dị và thân thương!

PHÚ KHANG