Bài 28: Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới Thứ XIII Khuyến Khích Các Giáo Hội Tại Á Châu Tân Phúc Âm Hóa Bằng Ba Cuộc Đối Thoại

Bài 28:

THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC THẾ GIỚI THỨ XIII

KHUYẾN KHÍCH CÁC GIÁO HỘI TẠI Á CHÂU TÂN PHÚC ÂM HÓA BẰNG BA CUỘC ĐỐI THOẠI

          Dẫn nhập: Trong bài vế tân phúc âm hóa (đăng vào tháng 5 năm 2017) tôi đã tóm lược Sứ Điệp của Thượng Hội Đồng Giám mục thế giới gửi tất cả các giáo hội trên toàn cầu để “giúp đỡ và định hướng” cho công việc tân phúc âm hóa. Các giám mục nghĩ rằng: “Như Chúa Giêsu ở bờ giếng Gia-cop, giáo hội cũng có bổn phận ngồi bên cạnh những người nam và nữ ở thời chúng ta, để làm cho Chúa có mặt trong cuộc đời họ, để họ có thể gặp gỡ Chúa, vì chỉ có Chúa là Nước ban cho họ sự sống đích thực và đời đời bất diệt.”Sứ điệp cho rằng đây là việc khẩn cấp cho mọi miền trên thế giới, xưa cũng như nay. Sứ điệp nhận định rằng: sân khấu xã hội và văn hóa ngày nay đang thay đổi khác xưa, nó mời gọi giáo hội phải tân phúc âm hóa, phải đổi mới lòng hăng say, đổi mới phương pháp, đổi mới cách diễn tả. Tất cả mọi người trong giáo hội, từ giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân, giáo xứ, các giới… phải tập trung vào Chúa Kitô, và quan tâm chú đến con người, với chủ đích tạo ra một cuộc gặp gỡ thực sự với Chúa, để phúc âm của Chúa đổi mới con người, đổi mới xã hội và văn hóa…

          Sau đó, Sứ điệp đã dành cả số 13 để nói với từng giáo hội địa phương như: – giáo hội công giáo đông phương – giáo hội tại Phi Châu – giáo hội tại Bắc Mỹ – giáo hội tại Châu Mỹ La Tinh và vùng Caraibê – giáo hội tại Châu Á – giáo hội tại Châu Âu – giáo hội tại Châu Úc (Sứ điệp số 13).

          Vậy Sứ điệp của Thượng Hội Đồng nói gì về việc các giáo hội tại Châu Á phải tiến hành việc tân phúc âm hóa?

  1. Sứ điệp nhắn nhủ các giáo hội tại Châu Á.

“Các Kitô Hữu tại Châu Á, chúng tôi muốn gửi tới các bạn một sứ điệp để cổ võ và khuyến khích. Các bạn là một thiểu số nhỏ bé trong lục địa đón tiếp nơi mình hầu như hai phần ba dân số thế giới. Sự có mặt của các bạn là một hạt giống dồi dào sức sống, đã được trao phó cho quyền năng Chúa Thánh Thần, hạt giống lớn lên trong cuộc đối thoại với các nền văn hóa, với các tôn giáo kỳ cựu, với các người nghèo đếm không xuể . Mặc dầu giáo hội tại Châu Á thường bị gạt  ra bên lề trong xã hội, và đôi khi cũng bị khủng bố ở một số nơi, nhưng với đức tin chắc chắn, giáo hội là một sự có mặt quý báu của Phúc Âm Chúa Kitô luôn loan báo công bình, sự sống và hòa giải hòa hợp. Hỡi các Kitô hữu tại Châu Á, ước chi các bạn có thể cảm nhận được tình huynh đệ gần gũi của các Kitô Hữu trong các xứ khác trên thế giới, họ không thể quên được rằng Chúa Giêsu đã sinh ra, sống, chết và sống lại trên lục địa này, trên Đất Thánh!” (Sứ điệp số 13).

Sứ điệp riêng cho các giáo hội tại Châu Á ngắn gọn nhưng nói lên điều cốt lõi mà các giáo hội tại Chấu Á phải tiến hành để tân phúc âm hóa lục địa của mình. Tại sao Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới đã chọn cho các giáo hội tại Châu Á ba cuộc đối thoại trên để tiến hành việc tân phúc âm hóa?

  1. Đức Hồng y Gracias, Tổng giám mục Bombay bên Ấn độ đối với việc Tân phúc âm hóa tại các giáo hội Châu Á.

Sở dĩ Thượng Hội Đồng giám mục thế giới đã chọn cho các giáo hội tại Châu Á một định hướng đặc biệt để tiến hành việc tân phúc âm hóa  tại Châu Á là vì trong Thượng Hội Đồng giám mục thế giới có các giám mục của khắp các châu lục, các ngài là đại diện cho các giáo hội tại địa phương, các ngài nắm vững được bối cảnh và sân khấu xã hội cũng như văn hóa của mỗi địa phương, để có thể thực hiện được việc tân phúc âm hóa cho thích hợp và hiệu quả hơn.

Đức Hồng y Oswald Gracias, tổng giám mục Bombay bên Ấn Độ, và là Tổng thơ ký Liên hiệp các hội đồng giám mục tại Châu Á cũng tham dự Thượng Hội đồng, nên thông tấn xã Zénit đã phỏng vấn ngài và thuật lại cho biết rằng: “Theo đức Hồng y Tổng giám mục Bombay, tại Châu Á Giáo hội đáp ứng việc tân phúc âm hóa bằng đối thoại với những thách thức được đưa ra cho giáo hội”. Ngài nhấn mạnh rằng: “thật khó mà định nghĩa thế nào là “đặc tính của Châu Á” bởi vì những hoàn cảnh sinh sống trong vùng này khác nhau, nếu có những thử thách vô hạn thì cũng có những khả năng khổng lồ. Tuy nhiên ngài cũng nhắc tới mấy đặc điểm của Châu Á.

  • “Châu Á là lục địa hoàn toàn đúng là trung tâm của tương lai thế giới” vì là lục địa trẻ và gồm có 60% dân số thế giới, chỉ nguyên Ấn Độ và Trung Quốc đã tập hợp 37% dân chúng sống trên hành tinh, và đang nổi lên như những “tác nhân lớn trên sân khấu quốc tế trong nhiều phạm vi”.
  • “Châu Á có phúc vì giàu nhiều nền văn hóa cố cựu và đã phát triển”. Châu Á “là cái nôi cho hầu hết các tôn giáo trên thế giới”.
  • Các giáo hội tại Châu Á đã nhận ra rằng: “ba đường lối chỉ đạo để đối phó với ba thách thức lớn tại Châu Á, đó là đối thoại với các nền văn hóa, đối thoại với người nghèo, và đối thoại với các tôn giáo”. Ngài nhấn mạnh rằng “đối thoại là việc cần thiết chứ không phải là thứ xa xỉ phẩm”, bởi vì người công giáo chỉ chiếm “3% dân số Châu Á, họ phải đối thoại cách thực tế hàng ngày về cuộc sống”- còn về tôn giáo, ngài nghĩ rằng tại Châu Á “người ta theo đạo là trở thành môn đệ của một vị cao cả hơn là chỉ tán thành một giáo thuyết hoặc tuân theo một số luật lệ. Nói cách khác là trước khi tán thành một giáo thuyết phải trở nên môn đệ của một vị thầy, đây là gần gũi với cách sống của các Kitô hữu đầu tiên”. Do đó đối thoại với người Châu Á đa văn hóa, đa tôn giáo, đa số nghèo là cần thiết.
  • Ngài còn thêm: “Hồn người Châu Á tôn trọng sự sống cách sâu xa”, đang khi “nhiều phong trào nổi lên đòi quyền phá thai, gây chiến tranh sắc tộc, hủy diệt các niềm tin tôn giáo khác với mình, giết bào thai nữ giới”. “Hồn người Châu Á tìm đến với cộng đồng, đang khi chủ nghĩa duy cá nhân bành trướng, không chú ý đến người khác, dửng dưng vô cảm với những nhu cầu của họ và không hiếu khách.
  • Đức Hồng y cũng nhìn nhận một sự thật là ngày nay “việc toàn cầu hóa có một tác động không thể tránh khỏi được trên “hồn người Châu Á”. Bởi vì “việc toàn cầu hóa vuốt ve quyến rủ các giá trị văn hóa của Châu Á bằng cách đem du nhập vòng xoáy duy thế tục, duy vật, duy cá nhân chủ nghĩa, duy hưởng thụ và duy tương đối vào các nền văn hóa đó để vùi dập và xói mòn chúng”, như dùng áp lực loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống, làm xói mòn mối ràng buộc gia đình, khuyến khích ly dị, ủng hộ phá thai…”

Thực ra, đức Hồng y Gracias chỉ nhấn mạnh đến việc các giáo hội tại Châu Á phải thực hiện việc tân phúc âm hóa bằng tiến hành ba cuộc đối thoại theo như chọn lựa của Liên Hội đồng giám mục Châu Á; còn việc tại sao các giáo hội đã chọn tân phúc âm hóa bằng tiến hành ba cuộc đối thoại thì cần tìm hiểu chính ở Liên Hiệp các Hội đồng giám mục Châu Á (quen gọi là FABC).

  1. Tại sao Liên hiệp các Hội Đồng giám mục Châu Á đã chọn tiến hành ba cuộc đối thoại để phúc âm hóa tại Châu Á?

Hy vọng nhiều độc giả đã biết Liên hiệp các hội đồng giám mục Châu Á (viết tắt là FABC), đó là một Hội do các Hội Đồng giám mục Châu Á tình nguyện liên kết với nhau để thành lập, được Tòa Thánh chuẩn nhận. Mục đích để đẩy mạnh sự liên đới và đồng trách nhiệm giữa các thành viên, để nghiên cứu những phương pháp và cách thức trong việc phúc âm hóa tại Châu Á. Năm 1972 có quy chế thành lập, gồm 18 thành viên, trong đó có Việt Nam.

Liên Hiệp đã suy tư về giáo hội tại Châu Á và nhiều lần đã nói tới việc giáo hội tại Châu A phải là giáo hội của Chúa Giêsu cho người Châu Á, là những người vốn có nhiều tôn giáo cố cựu, có nhiều nền văn hóa phát triển, và nhất là có nhiều người nghèo.

Từ năm 1991 Liên Hiệp đã nhìn nhận rằng: Giáo hội tại Châu Á vẫn còn mang phong cách xa lạ, ngoại lai trong lối sống và cơ cấu tổ chức, trong việc phụng tự và cách thức lãnh đạo, rập khuôn theo kiểu Tây phương cũng như trong phương thức nghiên cứu thần học. Thường thì các nghi thức phượng tự Kitô giáo vẫn còn thiên nặng về hình thức, thiếu tính cách tự phát mà cũng chẳng có gì là đặc thù Châu Á.

Có một sự cách biệt giữa giới lãnh đạo và các tín hữu thường cấp trong giáo hội, và còn hơn nữa đối với tín đồ các tôn giáo khác. Giáo hội đã tạo ra một giai cấp tư tế quyền thế, không mấy cần đến phần hợp tác của giới giáo dân. Thường khi việc huấn luyện trong chủng viện biến chủng sinh trở thành xa lạ với dân chúng. Thần học Kinh Thánh, hệ thống và lịch sử thường được dạy theo một chương trình đào luyện không phù hợp với thực tế mục vụ và tính chất Châu Á. Và giáo hội thường sống và hành động như là một phản chứng đối với sứ mạng phúc âm hóa của chính mình. Điều đó nổi bật rõ nhất qua việc giáo hội đã không đồng nhất hóa cho đủ trong đời sống thực tế với người nghèo, đã không dấn thân cụ thể cho đủ vào trong cuộc đối thoại liên tôn, cũng như đã không thực sự quan tâm đến việc hội nhập các nền văn hóa…Giáo hội xuất hiện như là một tổ chức bứng trồng vào vùng Châu Á hơn là một cộng đoàn phúc âm hóa của Châu Á. Những lời lẽ thể ấy, nghe ra tựa như một chuỗi ngôn từ khích bác, chống báng Kitô giáo, đã chẳng do một cơ quan chính thức của FABC gióng lên đó sao!” (Nhìn nhận trên được trích trong tập Truyền giáo học, Felipe Gomez, Antôn & Đuốc Sáng, trang 246).

Chắc chắn sau 26 năm đã có những thay đổi, nhưng nhiều cái vẫn còn giá trị thời sự, và từ những nhận định này mà Liên Hiệp đã chọn phải đối thoại với các tôn giáo, với các nền văn hóa, với các người nghèo để tiến hành việc tân phúc âm hóa tại Châu Á.

  1. Giáo hội Việt Nam đối với việc tân phúc âm hóa bằng ba cuộc đối thoại.

Liên Hội đồng giám mục Châu Á đã chọn ba cuộc đối thoại, tôi cũng muốn biết Hội Đồng Giám mục Việt Nam chọn gì. Tìm trong bản tin Hiệp Thông không thấy có, chỉ thấy mẩu tin trong Bản Tin Hiệp Thông số 98, năm 2017, trang 103, cho biết: “Trong quá khứ, vì hoàn cảnh riêng, Hội thánh Việt Nam ít liên lạc với những văn phòng (của Liên Hiệp) này”. Hèn chi chẳng thấy có tin gì . Tuy nhiên tôi nhớ mang máng trước đây Đức Tổng Phaolô Bùi Văn Đọc có nói đến: “Giáo hội Việt Nam là giáo hội của người nghèo và cho người nghèo”. Tôi tìm lại và thấy trong Bản Tin Hiệp Thông số 80, 2014, Đức Tổng trong bài nói chuyện với Hội Nghị các  Bề Trên Thượng cấp các dòng tu có mặt tại Việt Nam, ngài không nhân danh Giáo Hội Việt Nam và không đối chiếu với các nhận định của Liên Hiệp. Ở đây chỉ xin trích dẫn lời ngài :

  • Đức Tổng xác định về giáo hội Việt Nam rằng: “Giáo hội Việt Nam đúng ra là Giáo hội của Chúa Giêsu Kitô tại Việt Nam, giáo hội hoàn vũ tại Việt Nam, giáo hội công giáo Latinh mà người đứng đầu là Đức Thánh cha Phanxicô cùng với toàn thể các giám mục công giáo trên thế giới hiện diện và hoạt động cụ thể tại địa phương Việt Nam.
  • Đức Tổng đề ra một vài “dấu nhấn khái quát”:
  • Giáo hội là của người nghèo và cho người nghèo. Giáo hội phải lưu tâm nhiều hơn đến những hạng người này, chăm sóc đặc biệt hơn, đồng hành với họ, trợ giúp thực tế khi họ cần. Những hệ luận thực tế là: nếp sống khó nghèo của các thành viên có ơn gọi đặc biệt như giáo sĩ và tu sĩ, các giáo phận và giáo xứ, các Dòng tu, “bớt xây dựng các cơ sở có quy mô quá lớn và tốn kém quá nhiều”.
  • Giáo hội của mọi người … của mọi thành phần Dân Chúa. Hệ luận thực tế là cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn, phong phú và đa dạng hơn giữa các Dòng tu và các giáo sĩ triều. Cần phát huy tối đa vai trò của người giáo dân trong Giáo hội…
  • Giáo hội là cho mọi người, không phân biệt một ai. Chính vì thế mà sự đối thoại với mọi hạng người, là hết sức cần thiết…
  • Giáo hội dấn thân loan báo Tin mừng. Giáo hội tại Việt Nam trong thời hiện đại, chưa chu toàn đầy đủ sứ vụ loan báo Tin mừng. Có những cố gắng còn rời rạc, chưa được nối kết và hướng dẫn. Cần phải có Phúc Âm hóa và Tân Phúc Âm hóa …
  • Hội nhập văn hóa: Để có thể Phúc Âm hóa cả chiều rộng, lẫn chiều sâu, cần có một “cố gắng vượt bậc” trong tiến trình “hội nhập văn hóa”… vì lâu nay Giáo hội tại Việt Nam hơi quên lãng khía cạnh “hội nhập văn hóa”… Nếu nhìn hiện trạng như hôm nay, thì phải công nhận là “một thiếu sót lớn”. Riêng trong lãnh vực “tư duy”, chúng ta còn tư duy theo kiểu Tây phương nhiều hơn: các tu sĩ, giáo sĩ đều được gởi du học bên Tây. Các nhà thờ, tu viện, đều được xây dựng theo kiểu bên Tây. Lãnh vực Phụng vụ cũng chưa hội nhập gì đáng kể. Ngôn ngữ nhà đạo mà chúng ta sử dụng, còn xa lạ và khó hiểu đối với những người chưa biết Chúa Kitô”… Trên đây chỉ là những gì đức Tổng phát biểu, không nhân danh Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, nhưng độc giả có thể thấy phảng phất những “nhìn nhận” của Liên hiệp các giám mục Châu Á về giáo hội tại Châu Á.
  • Cuối cùng Đức Tổng kết luận rằng: “Để tránh sự hiểu lầm có thể có nơi một số người nghĩ rằng giáo hội tại Việt Nam không đi vào “thực tế đời sống” mà chỉ nói chung chung. Chúng tôi rất ý thức, nhưng chỉ cũng có thể nhấn mạnh một số điều cơ bản. Phần còn lại là công việc của mỗi Kitô hữu muốn là người môn đệ đích thực của Chúa Kitô.”
  1. Để kết:

Tháng trước tôi nhận được thư của một cựu chủng sinh tiểu chủng viện Thánh Quý, tuổi hơn lục tuần, anh đã đọc bài “Dấn thân cam kết với người nghèo” tôi đăng trên gpcantho.com vào năm 2016. Anh góp ý với tôi là: “cha phải phổ biến những gương sống cụ thể như thế cho thật nhiều người, bởi vì những phong cách sống cụ thể thì ai cũng dễ biết và có sức thuyết phục cũng như lôi cuốn cao, hơn là những lời nói chung chung”. Thực ra trong bài đó tôi có đăng bức thư của Đức Giám Mục Devoto, bên Argentina, cam kết với giáo dân dịp lễ Phục sinh năm 1966, để đem ra thực hành 10 điều cụ thể. Ở đây tôi chỉ xin nhắc lại ít điểm.

  • Tôi cố gắng sống như mọi người bình thường trong lối sống, trong cách ăn mặc, trong phương tiện di chuyển.
  • Tôi từ bỏ mọi dáng vẻ bề ngoài hoặc mọi thực tế giàu sang, đặc biệt đối với những đồ trang sức và huy hiệu.
  • Tôi không sở hữu một động sản hay bất động sản nào, không có tài khoản ở ngân hàng theo danh nghĩa cá nhân, mà độc nhất chỉ có nhân danh giáo phận hoặc những công cuộc bác ái trong mức độ cần thiết.
  • Tôi trao phó càng nhiều càng tốt việc quản tri tiền bạc vật chất của giáo phận cho một ủy ban giáo dân có khả năng và có ý thức về vai trò tông đồ của họ, như thế để tôi ít là nhà cai trị hơn, và đúng là chủ chăn và là tông đồ hơn.
  • Tôi tránh trong phong cách và lời nói, những gì có thể tỏ ra là mình dành ưu tiên cho người giàu hoặc cho những người nào có ảnh hưởng.
  • Tôi trao hiến, tùy theo nhu cầu: tình yêu, thời giờ, bận tâm, các phương tiện v.v… cho công việc tông đồ và mục vụ dành cho những người hèn mọn nhất và cần đến nhất, nhưng không vì thế gây thiệt thòi cho việc mà tôi phải quan tâm đến nhiều người khác nữa…

Khi để cho anh chị em chứng kiến những tâm trạng này là hoa trái của một tiến trình dài trưởng thành theo Công đồng, tôi xin anh chị em giúp tôi bằng lời cầu nguyện, bằng cảm thông, và ủng hộ tôi.

   “Lễ Phục sinh 1966”.

Và tôi đã trả lời vắn tắt cho anh là “Tôi đã cố gắng phổ biến theo hết khả năng của một cụ xứ già về hưu. Tôi xin anh và quí độc giả phổ biến tiếp.”

Linh mục Antôn Nguyễn Mạnh Đồng

Nhà Hưu Dưỡng linh mục Cần thơ 2017

print