Bổn Đạo…Mới
Theo lịch năm thánh hai ngàn, thì trong tháng tư có hai ngày đáng được lưu ý, đó là Chúa nhật lễ lá, ngày mười sáu, thánh hóa giới trẻ và Chúa nhật thứ hai Phục sinh, ngày ba mươi, cầu cho các tân tòng. Giới trẻ thì đã được nhiều người chiếu cố, nếu gã có nói thêm thì cũng bằng thừa vì chỉ lặp lại những cao kiến của thiên hạ, khiến cho những người dễ tính nhất cũng phải lên tiếng ca cẩm :
-Biết rồi, khổ lắm, nói mãi.
Thế là đành phải chọn đề tài về tân tòng, được gọi một cách nôm na là bổn đạo mới. Một đề tài hơi khô khan và khó nuốt, nhưng một liều thì ba bảy cũng liều. Đêm nằm “vắt chân lên trán”, lục lạo trong đầu óc tìm xem có cái gì hay ho để mà tán hiêu tán vượn, rồi thì phó mặc, đứng ngó xem “con tạo xoay vần đến đâu” thì đến.
Đi tìm những lý do khiến người ta trở lại, gã xin ghi nhận mấy lý do sau đây.
Lý do thứ nhất đó là vì khắc khoải muốn đi tìm chân lý.
Thực vậy, có những người đã từng băn khoăn với những câu hỏi muôn thuở của kiếp người:
– Tôi từ đâu mà đến ? Tôi sống để làm gì ? Và rồi tôi sẽ đi về đâu ? Cuộc đời tôi liệu có một cái gì khác hơn là việc kiến tiền, rồi ăn uống và ngủ nghỉ hay không ?
Họ mò mẫm trong đêm tối để tìm lời giải đáp. Họ ghé bến này, họ dừng ở bến kia. Có bến trong nhưng cũng có bến đục. Họ đến với tôn giáo này, họ học hỏi nơi tôn giáo kia.
Và sau cùng họ đã tìm thấy phần nào sự thực nơi đức tin công giáo, để rồi từ đó, họ đã đổi đời, đã thoát xác và trở nên một con người mới.
Gã được biết một cô bé sống trong gia đình “bên lương”, nhưng không hiểu do một nguyên nhân nào thúc đảy, mà ngay từ lúc chưa trưởng thành là mấy, cô bé đã cảm thấy dường như còn thiếu một cái gì đó trong cuộc sống của mình. Làm sao để lấp đầy cái khoảng trống ấy…
Được sự chấp thuận của gia đình, cô bé đã bắt đầu tìm hiểu về đạo dưới sự hướng dẫn của một ma xơ. Và sau cùng cô bé đã trở lại. Nhưng cũng kể từ đó, bản thân cô bé trở nên như một ngọn đèn dầu leo loét cháy giữa đêm tối, hay như một chứng nhân âm thầm.
Cuộc sống của cô bé là như một chút men làm cho những người chung quanh phải cảm phục với những cử chỉ dịu dàng và những lời nói từ tốn, hay là như một chút muối mặn ướp cho môi trường hạn hẹp của mình, không những khỏi ươn thối mà còn dậy lên hương thơm của sự thánh thiện. Để rồi một thời gian sau, những người thân yêu của cô bé cũng đã xin trở lại.
Lý do thứ hai đó là vì gương sáng của người trong đạo lôi cuốn.
Đúng thế, rất có thể vì đời sống đạo đức và thánh thiện, rất có thể vì những hành động bác ái và yêu thương của người trong đạo đã chinh phục họ, khiến họ có cảm tình với đạo. Và từ chỗ có cảm tình với đạo, họ bắt đầu học đạo, tin đạo và theo đạo. Đúng như tục ngữ đã bảo :
– Lời nói như gió lung lay,
Việc làm như tay lôi kéo.
Hay như một câu danh ngôn đã nói :
– Gương sáng mới là một bài giảng hùng hồn nhất có sức hấp dẫn và lôi cuốn người ta đến với Chúa.
Gã xin đưa ra một vài trường hợp điển hình.
Trường hợp thứ nhất đó là một người Tin lành đã trở lại Công giáo chỉ vì đã nhìn thấy mấy em nhỏ ở trong nhà thờ. Thái độ trang nghiêm sốt sắng của các em đã làm cho người Tin lành phải suy nghĩ :
– Nếu không có Chúa ngự thật trong bí tích Thánh thể, thì tại sao các em bé này lại trang nghiêm và sốt sắng như thế ?
Rồi từ đó, người Tin lành đã bắt đầu tìm hiểu đạo và tin theo đạo.
Trường hợp thứ hai đó là một anh học trò đã trở lại chỉ vì hành động bác ái của sư phụ mình.
Tại một ngôi làng nọ, có một ông thày dạy võ. Ngày kia, một anh thanh niên đến xin học. Anh ta là một người mồ côi, không nhà không cửa và không cả thân bằng quyến thuộc. Cảm thông trước hoàn cảnh tang thương ngẫu lục của anh ta, ông thày đã bằng lòng nhận anh ta làm học trò, cho ăn ở trong nhà mình và rồi còn gả cô con gái cưng của mình cho anh ta.
Nhưng rồi thời thế đổi thay.Chiến tranh xảy ra. Anh học trò đi theo quân giặc. Ngày nọ, anh ta dẫn bọn phiến loạn về làng. Đốt nhà của ông thày và giết cả bà vợ của ông thày nữa.
Rất may là chẳng bao lâu, hòa bình trở lại, quân phiến loạn bị dẹp tan… nhưng anh học trò thì vẫn còn sống sót. Kể từ ngày mất vợ, ông thày quyết tìm cho bằng được anh học trò phản phúc để trả thù cho hả giận. Mọi người trong làng hết lời khuyên bảo, can ngăn nhưng xem chừng cũng chả ăn thua gì.
Nhân dịp cấm phòng mùa chay trong giáo xứ, đích thân cha sở đã đến thăm và “năn nỉ ỉ ôi”, xin ông thày hãy vì Chúa mà tha thứ cho anh ta. Ông thày lầm lầm lì lì chẳng nói chẳng rằng. Mãi sau, ông thày mới bảo :
– Thì cha cứ dẫn tên ấy đến đây.
Và khi anh học trò tới, ông thày sắn tay áo, mắt long lên còng cọc, hùng hổ nhảy bổ vào anh học trò, nắm lấy cổ anh ta và quát :
– Mày là đồ đểu, là thằng phản phúc. Tao đã yêu thương mày, cho mày ăn ở trong nhà tao, dạy cho mày những ngón võ bí truyền, lại còn gả con gái tao cho mày, thế mà mày nỡ lòng nào, dẫn bọn phiến loạn về đốt nhà tao, giết vợ tao…tội mày thật đáng chết.
Mọi người trong làng đều hồi hộp và sợ hãi theo dõi những diễn biến, cứ ngỡ rằng ông thày sẽ giết chết hay ít nữa cho tên học trò phản phúc này một trận đòn nhừ tử. Cuối cùng, như đã hả cơn giận, ông thày mới nói :
– Nhưng vì Đức Kitô, tao tha thứ cho mày.
Nói xong, ông thày lẳng lặng bỏ đi và mọi người đều thở phào nhẹ nhõm. Rồi sau đó, người ta thấy anh học trò xin học đạo và trong ngày anh được lãnh nhận bí tích rửa tội, thì chính ông thày đã bằng lòng làm người đỡ đầu cho anh ta.
Những người trở lại với hai lý do trên thường sống đạo một cách nghiêm chỉnh, có khi còn hơn cả những người vốn vỗ ngực tự xưng mình là con nhà có đạo từ tấm bé, hay thuộc nòi đạo dòng nữa. Bởi vì, rất nhiều khi thiên hạ thường phàn nàn :
– Tin đạo thì tin, nhưng chớ có tin kẻ có đạo nhé.
Sở dĩ như vậy vì cuộc sống của chúng ta, nhưng người có đạo, cũng chẳng hơn gì thiên hạ, thậm chí còn bê bối hơn nhiều : Cũng gian tham, cũng điêu ngoa xảo trá, cũng đèo bòng vợ nọ con kia.
Chúng ta phải làm sao đảo lộn được câu nói trên, nghĩa là : qua cuộc sống của người có đạo, thiên hạ sẽ có cảm tình với đạo và từ đó sẽ dễ dàng tin theo đạo.
Lý do thứ ba đó là vì lợi lộc hay vì sợ hãi.
Gã cũng xin đưa ra một vài trường hợp cụ thể và điển hình.
Ngày xưa, khi một ông tổng thống là người công giáo trên đất nước này, thì đạo được ưu đãi và dễ dàng. Chính vì thế, nhiều người cũng rắp ranh theo đạo, để lấy điểm với “xếp nhớn” của mình, để dễ bề thăng quan tiến chức hay để cầu xin ơn mưa móc, cũng nhữ để khỏi bị trù dập cách này hay cách khác…
Nhưng rồi khi ông tổng thống ấy không còn nữa, người ta cũng sẽ quên đạo và bỏ đạo, thậm chí còn quay lại chửi đạo nữa, vì dậu đổ bìm leo… Đạo chỉ là như một chiếc áo không còn hợp thời trang nữa nên phải sẵn sàng cởi bỏ để tìm kiêm một chiếc áo khác “mô đen” hơn…Khuôn măt của họ là khuôn mặt của những kẻ đón gió trở cờ. Gió chiều nào phe phẩy theo chiều ấy. Không lập trường, không xác tín, không niềm tin.
Cũng ngày xưa, khi tới giảng đạo ở nơi nào, các vị thừa sai thường cố gắng nâng cao dân trí, đem ánh sáng văn minh đến với những vùng đất còn ngồi trong tăm tối. Bao lâu còn viện trợ, còn được giúp đỡ bằng vật chất thì còn theo đạo và giữ đạo.
Chính vì thế, một số người đã hiểu lầm những hành động bác ái kể trên : Đi đạo để có gạo mà ăn và khi hết gạo thì cũng thôi đạo.
Có người đã đến gặp cha sở và thẳng thừng đặt câu hỏi :
– Nếu cha cho gạo…Nếu cha cấp đất…thì tui và gia đình tui xin theo đạo liền à.
Theo đạo kiểu này cũng chẳng khác gì đặt tình yêu trên nền tảng tiền tài vật chất, theo kiểu “hết cơm thiếp tếch, cơ hàn thiếp lui”, hay như tục ngữ đã diễn tả :
– Còn tiền, còn bạc, còn đệ tử.
Hết cơm, hết gạo, hết ông tôi.
Sau cùng, lý do thứ tư đó là vì hôn nhân, vì tình yêu.
Đây là chuyện chúng ta gặp phải nhiều nhất trong đời thường. Cũng dễ hiểu mà thôi.
Đọc lại Kinh thánh gã thấy : đầu tiên Thượng đế đã dựng nên Adong. Khi thấy Adong cu ky, vò võ một mình, Ngài liền động lòng thương và tự nhủ :
– Ta sẽ dựng nên cho nó một người nội trợ giống như nó.
Nói thế rồi, lợi dụng lúc Adong ngủ say, Thượng đế đã lấy một chiếc xương sườn của ông mà dựng nên Evà. Sau đó, Ngài dẫn bà tới trình diện ông. Thoạt nhìn thấy bà, mắt ông đã bừng sáng và hớn hở kêu lên :
-Mình ơi !
Sở dĩ gã xử dụng hai tiếng “mình ơi”, bởi vì hai tiếng này đã diễn tả rất đúng tư tưởng của sách Sáng thế ký :
-Này đây xương bởi xương tôi và thịt tôi…Vì thế, người nam sẽ lìa bỏ cha mẹ mình để kết hợp với vợ mình và cả hai đã trở nên một xương một thịt.
Và Chúa Giêsu còn thêm :
-Vậy sự gì Thiên Chúa liên kết, loài người không được phân ly.
Cũng trong chiều hướng này, tục ngữ Việt Nam đã diễn tả rất đúng khi bảo :
– Mình với ta tuy hai mà một,
Ta với mình tuy một mà hai.
Đã là vợ chồng thì phải cố gắng trở nên một, không phải chỉ nơi thân xác, mà còn cả trong tâm hồn nữa. Và trong phạm vi tâm hồn, trong phạm vi tư tưởng, thì niềm tin và tôn giáo cũng đóng một vai trò rất quan trọng.
Thực vậy, rất khó mà nên một nếu người này thờ Phật, còn người kia lại thờ Chúa. Rất khó mà nên một nếu người này đi chùa, còn người kia lại đi nhà thờ. Rất khó mà nên một nếu người này tin vào điều mà người kia lại cho là nhảm nhí.
Rồi một mai, khi đã có con cái, sự khác biệt về tôn giáo sẽ gây nên những khó khăn trong việc giáo dục. Bố bảo một đằng, mẹ dạy một nẻo, với đầu óc còn non nớt, đứa con sẽ chẳng biết đường nào mà lần…thành thử đứng ở giữa thì bị…chết chẹt.
Vì thế, ngày xưa Giáo Hội có vẻ khắt khe về chuyện hôn nhân khác đạo. Chỉ ban phép chuẩn trong những trường hợp bất khả kháng. Còn hôm nay, thái độ của Giáo Hội tương đối rộng rãi hơn, nhưng vẫn khuyến khích đôi hôn phối phải lo liệu và bàn định trước với nhau để có được một sự nhất trí trong đời sống vợ chồng, cũng như trong việc giáo dục con cái…Bởi vì cả hai phải cố gắng trở nên một. Mình ơi !
Để trở thành “bổn đạo mới”, gã xin tạm chia thành ba thời kỳ.
Thời kỳ thứ nhất đó là thời kỳ học đạo.
Trong giai đoạn này, xem ra người ta rất ư là chăm chỉ, chắc hẳn là do động cơ của tình yêu thúc đảy, bởi vì có học đạo thì mới lấy được người mình yêu. Hơn nữa, mỗi lần đi học, đều có người mình yêu tháp tùng, kè kè một bên, thì ngu gì mà bỏ lỡ những cơ hội chính đáng, có phép tắc hẳn hoi để mà gặp gỡ và chuyện trò cùng nhau.
Hồi năm 1978, gã được cha sở nhờ day giáo lý cho tân tòng. Lúc bấy giờ gã vô cùng “khẩu phục tâm phục” một anh lơ xe đò đường Saigon-Rạch giá. Cứ cách một ngày anh ta lại đến học kinh bổn một lần theo tuyến xe chạy. Nếu hôm nay, xe từ Rạch giá lên Saigon thì anh ta nghỉ, bởi vì xe chạy sớm và nhà thờ thì lại cách xa Rạch giá. Nhưng hôm sau, xe từ Saigon xuống Rạch giá, khi đi ngang qua nhà thờ, anh ta sẽ bỏ xe để vô học, rồi khi học xong, thì đón xe đi tiếp xuống Rạch giá, để sáng sớm hôm sau trở lên Saigon. Cứ thế, cứ thế…kéo dài suốt cả một năm trời. Quả là hết ý.
Ngày xưa, Giáo Hội thường kéo dài thời kỳ học đạo và người ta phải trải qua những nghi thức cho từng giai đoạn một. Còn bây giờ, vì công ăn việc làm, một số người lại muốn đốt giai đoạn, học tốc hành trong một thời gian thật ngắn, rảo qua một vòng “bổn dạy những lẽ cần cho được rỗi linh hồn” mà thôi, rồi phó mặc cho gió muốn thổi đâu thì thổi.
Vì thế, những lời cắt nghĩa chỉ trợt trạt bên ngoài, như nước đổ lá khoai hay nước đổ đầu vịt, chứ chưa thể bén rễ sâu trong tâm hồn, khả dĩ biến đổi được cuộc sống. Người học còn đang bỡ ngỡ và chưa thể tiêu hóa nổi những sự nhiệm màu, thì đã vội vã bước vào thời kỳ thứ hai, đó là thời kỳ theo đạo.
Nhiều người quan niệm rằng : dẫn được một một kẻ ngoại đạo trở về cùng Thiên Chúa là một việc làm đáng khen ngợi và đem lại nhiều công phúc, nên rửa tội càng nhiều thì càng tốt. Việc truyền giáo đặt nặng số lương hơn chất lượng, thành thử học vội học vàng rồi chuẩn bị cho chịu phép rửa tội ngay. Người lãnh nhận còn lơ mơ, thậm chí chẳng hiểu gì cũng vui vẻ trở nên…bổn đạo mới.
Chuyện kể lại rằng :
Ngày xưa, khi người ta còn cử hành rửa tội bằng cách dìm xuống nước. Một tân tòng nọ, khi được dìm xuống như thế, cứ nhất quyết giơ một bàn tay lên khỏi nước. Người ta hỏi anh ta tại sao lại làm như vậy, anh ta đã trả lời :
– Tôi xin thuộc về Đức Kitô tất cả chỉ trừ bàn tay này mà thôi , bởi vì tôi vốn có nghề ăn trộm ăn cắp. Tôi không dìm bàn tay xuống nước vì tôi muốn xử dụng nó cho nghiệp vụ chuyên môn của tôi là đi chôm chỉa của thiên hạ.
Chính vì thế mà đã sản xuất ra một thứ bổn đạo mới “ba rọi”, nửa nạc nửa mỡ, một thứ giáo dân “dổm”, có tên gọi là kitô hữu nhưng chẳng hề sống niềm tin kitô giáo của mình. Và thế là chúng ta bước sang thời kỳ thứ ba, đó là thời kỳ sống đạo.
Đây mới quả thực là một thời kỳ quan trọng bởi vì nó sẽ kéo dài bằng tất cả phần đời còn lại của người bổn đạo mới. Bình thường, nếu chị vợ trở lại, theo đạo của anh chồng thì việc sống đạo sẽ dễ dàng, bởi vì người nữ vốn có khuynh hướng nghiêng chiều về những tâm tôn giáo hơn người nam, đồng thời được sống trong một môi trường đã mang sẵn dấu ấn của tôn giáo, như gia đình, xứ đạo…cùng với sự nhắc nhở của những người chung quanh, nên ở vào thế triệt buộc, không sống đạo cũng chẳng được.
Còn nếu anh chồng trở lại, theo đạo của chị vợ thì việc sống đạo quả là gian nan khốn khó. Bởi vì sau ngày cưới, chị vợ, mặc dù đã là con nhà đạo dòng, đạo gốc…cũng phải khăn gói quả mướp về nhà chồng như cha ông đã dạy :
– Buồm theo lái, gái theo chồng.
Mà môi trường sống bên nhà chồng vốn dĩ đã là một môi trường bên lương, một môi trường ngoại đạo, thành thử việc sống đạo gặp phải rất nhiều khó khăn cho cả hai vợ chồng trẻ, để rồi cuối cùng, anh chồng cũng chẳng giữ đạo, còn chị vợ thì cũng mất đạo luôn. Chỉ có chị vợ nào thánh thiện và kiên vững lắm trong đức tin như Monica thì mới xoay chuyển được tình hình.
Chuyện kể lại rằng :
Năm 22 tuổi, Monica kết hôn với một người ngoại đạo tên là Patriciô, một con người vừa cộc cằn, vừa hung ác. Monica bèn dùng sự hiền hòa của mình để cảm hóa sự tàn bạo của anh chồng và tính khí thất thường của bà mẹ vợ. Cuối cùng, Patriciô đã trở lại được ít lâu trước khi chết.
Monica sinh được ba người con. Và như chúng ta đã biết Augustinô là người con đầu lòng. Thế nhưng càng lớn, Augustinô càng biểu lộ những thói hư tật xấu của mình. Ỷ vào trí thông mình, Augustinô đâm lười biếng. Bị sửa phạt, Augustinô bèn lừa dối, lường gạt cả cha mẹ lẫn thày dạy, rồi từ đó đắm mình trong lạc thú, ăn chơi và ham hố danh vọng. Ngoài ra còn chạy theo bè rối Manikê mà chống lại đức tin.
Còn gì đau khổ hơn cho Monica khi thấy đứa con yêu quí của mình ngày càng lún sâu vào còn đường tội lỗi, nhưng tin vào tình yêu và sức mạnh của ơn Chúa, Monica lại càng kiên nhẫn cầu nguyện và làm việc lành phúc đức. Cuối cùng, lời cầu nguyện và những giọt nước mắt của Monica đã đem lại kết quả : Augustinô đã được ơn trở về cùng Thiên Chúa.
May hơn một tí là anh chồng cắm dùi bên nhà chị vợ, trong một môi trường có đạo, nhưng không phải vì thế mà không có những trục trặc.
Thực vậy, nếu những người thân yêu trong gia đình chị vợ chỉ là những kitô hữu khô khan nguội lạnh, chỉ biết giữ đạo ở lằn mức tối thiểu chẳng hạn : đi “xem” lễ một tuần một lần vào ngày chúa nhật, xưng tội rước lễ một năm một lần vào mùa phục sinh, thì anh chồng bổn đạo mới này cũng chỉ là một kitô hữu xoàng xĩnh, mới giữ đạo chứ chưa sống đạo. Bởi vì giữ được cái lằn mức tối thiểu này là đã cảm thấy yên ổn lương tâm : vì ta đây cũng là dân có đạo.
Anh chồng sống bên nhà chị vợ, không ít thì nhiều cũng mang một mặc cảm tự ti nào đó, nhất là khi kinh tế gia đình bị thiếu hụt và lâm vào cảnh nghèo túng. Nếu chị vợ và nhà vợ không biết đối xứ một cách tế nhị thì thế nào cũng xảy ra những va chạm, khiến cho anh chồng chẳng còn thiết tha gì tới vấn đề đạo nghĩa cả.
Đây là một chuyện hoàn toàn có thật mà bản thân gã đã từng chứng kiến. Anh chồng bổn đạo mới sống bên nhà vợ và bên nhà vợ cũng chẳng sốt sắng gì cho lắm.
Gia đình túng thiếu phải kiếm ăn từng ngày. Thế rồi một bữa nọ, cuộc cãi vã với bố mẹ vợ xảy ra và thế là cả gia đình bên vợ xúm lại “chửi hội đồng”. Một mình anh chồng, như người hùng cô đơn, chẳng thể địch nổi mồm mép của mấy bà chị và của mấy cô em vợ.
Tức quá chịu không nổi, anh chồng liền vác giấy bút ngồi xuống và hí hoáy viết một chặp, rồi hối hả chạy thẳng lên nhà xứ, đòi gặp cho bằng được cha sở để…nộp đơn. Đơn xin…nghỉ đạo.
Cha sở nhìn anh ta rồi hỏi :
– Tại sao con lại làm đơn xin…nghỉ đạo.
Anh ta trả lời :
– Trước kia, con đã làm đơn xin theo đạo, thì bây giờ vì không chịu nổi người có đạo nữa, nên con làm đơn xin nghỉ đạo. Đơn giản chỉ có vậy mà thôi.
Bi đát hơn nữa là có những anh chồng một khi đã ẵm được cô vợ, bèn đánh bài…”lờ tít”, ngay cả lằn mức tối thiểu cũng chẳng thèm giữ, ơn Chúa xin trả lại cho Chúa, chuyện đời này lo chưa xong, hơi sức đâu mà ngó ngàng đến chuyện đời sau, như thiên hạ vốn thường diễn tả:
– Con quì lạy Chúa trên trời,
Con mà được vợ, con thôi nhà thờ.
Như thế, đời sống đạo đức và thánh thiện, bác ái và yêu thương của chị vợ, cũng như của gia đình bên vợ, rất cần thiết cho việc nuôi dưỡng đức tin còn non trẻ của anh chồng bổn đạo mới, bởi vì như trên gã đã nói :
– Lời nói thoảng bay, gương bày lôi kéo.
Chính những chứng tá bằng việc làm, bằng đời sống của người có đạo mới có được một sức mạnh cuốn hút người ta đến cùng Chúa.
Để kết luận, gã xin mượn lại ý tưởng đã viết ở trên, đó là :
– Hãy sống thế nào để qua cuộc sống của người có đạo, kẻ ngoại đạo sẽ cảm phục và tìn đường trở về cùng Chúa, chứ đừng như thiên hạ đã bảo : Tin đạo, chứ đừng tin kẻ có đạo.
Chuyện phiếm của Gã Siêu.