Caritas Việt Nam: Phóng Sự Phòng Chống Nạn Buôn Người

print

Caritas Việt Nam: Phóng Sự Phòng Chống Nạn Buôn Người

Theo nguồn tin Vatican ngày 16/8/2018, mỗi năm có hàng chục triệu người trên thế giới trở thành nạn nhân của việc mua bán người. Đây là hiện tượng nô lệ mới trong thế kỷ 21. Nạn buôn người đã đạt đến mức kỷ lục và “tồi tệ hơn bao giờ hết trong lịch sử thế giới”.

Hiện nay, tại Việt Nam, nạn buôn người đang diễn ra vô cùng phức tạp và nghiêm trọng; Nó đã xuất hiện với 63 tỉnh thành trên cả nước. Theo thống kê, trung bình, mỗi năm Việt Nam phát hiện 500 vụ phạm tội, liên quan tới 700 người và lừa bán hơn 1,000 nạn nhân. Cụ thể, giai đoạn 2011-2015, các cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 2,200 vụ, với 3,300 người, lừa bán gần 4,500 nạn nhân.

“Ðáng chú ý, mua bán người không chỉ xảy ra với phụ nữ, trẻ em mà cả ở nam giới, trẻ sơ sinh và luôn cả bào thai. Hoạt động của bọn buôn người cũng ngày càng tinh vi với nhiều hình thức”.

Thực trạng cho ta thấy rằng: do siêu lợi nhuận mang lại cho buôn bán người nên chúng dùng mọi thủ đoạn để đạt được mục đích của mình trong khi những nạn nhân lại gặp khó khăn về kinh tế, không có việc làm, nhẹ dạ, cả tin đã rơi vào cạm bẫy của bọn buôn người. 

Ngoài ra trong việc kết hôn với người nước ngoài, nhiều trường hợp do hoàn cảnh khó khăn, trình độ học vấn thấp, muốn đổi đời đã phó mặc đời mình nơi đất khách quê người mà bất chấp rủi ro. Vì thế rất nhiều phụ nữ việt nam kết hôn với người nước ngoài đã bị đánh đập, bị coi là nô lệ tình dục và bị bán vào nhà chứa. 

Vì sự thiếu cảnh giác và thiếu tiếp cận thông tin mà tệ nạn buôn người luôn tiếp tục gia tăng tại Việt Nam.  Những nạn nhân nữ bị buôn bán phần lớn bị ép làm nô lệ tình dục, bị hãm hiếp, đánh đập, bỏ đói, lạm dụng thuốc, và bị tra tấn đến kiệt quệ. Họ có thể bị rối loạn về tinh thần và thường dẫn đến khuynh hướng tự sát…

Với những người bị bắt cóc cho mục đích lấy nội tạng, họ hiếm khi được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế. Họ phải chịu những di chứng nghiêm trọng do quá trình phẫu thuật không đảm bảo và đôi khi chết ngay trên bàn mổ. Những người sống sót cũng phải đối mặt với rất nhiều vấn đề và không bao giờ có thể sống một cuộc sống bình thường trở lại. 

Những người bị bán để ép làm việc, họ phải chịu sự cưỡng bức lao động, bị đối xử tệ bạc và không được hưởng những quyền cơ bản của con người.
Những hậu quả để lại cho những nạn nhân bị mua bán là không thể kể xiết đó là nỗi sợ hãi, bị mắc bệnh trầm cảm, tự ti mặc cảm, mất lòng tin vào cuộc sống đôi khi ngay cả với người thân của mình… Họ rất khó lòng vượt qua để có thể hoà nhập với cộng đồng.

Giáo hội không thể im lặng trước những tệ nạn buôn người và nhất là những người bị tước đi nhân phẩm, bị bóc lột một cách dã man. Vì thế, đã có rất nhiều hoạt động được tổ chức để cầu nguyện và kêu gọi chấm dứt nạn buôn người. 

Ngày 30 tháng 07 là ngày thế giới phòng chống nạn buôn người, Caritas Việt Nam xin gởi đến quý độc giả Video Clip phóng sự về phòng chống nạn buôn người.

BTT – Caritas Việt Nam