Cầu Nguyện Theo Tông Thư Maximum Illud  Tuần 4 (21-27/10/2019)

print

THÁNG TRUYỀN GIÁO NGOẠI THƯỜNG

 Cầu Nguyện Theo Tông Thư Maximum Illud  Tuần 4 (21-27/10/2019)

THỨ HAI 21.10.2019.

THỨ BA 22.10.2019.

THỨ TƯ 23.10.2019.

THỨ NĂM 24.10.2019.

THỨ SÁU 25.10.2019.

THỨ BẢY 26.10.2019.

CHÚA NHẬT 27.10.2019.

THỨ HAI 21.10.2019

  1. Đọc Tông Thư Maximum Illud

Còn một khuyết điểm nữa mà người truyền giáo phải cẩn thận xa tránh, đó là ước muốn tìm kiếm lợi lộc vượt ra ngoài việc chinh phục các linh hồn. Đương nhiên, chúng ta không cần nói nhiều về điểm này. Nếu một người là nạn nhân của ước muốn tìm kiếm lợi lộc tài chánh thì làm sao họ có thể toàn tâm toàn ý chu toàn bổn phận tìm kiếm vinh quang Thiên Chúa? Và làm sao họ có thể làm tăng vinh quang Thiên Chúa, có thể luôn luôn sẵn sàng hi sinh mọi sự mình có, kể cả mạng sống, cho việc kêu gọi người khác trở lại trạng thái tốt lành của đời sống thiêng liêng được? (MI số 21)

  1. Ưu tư truyền giáo

Thử đặt một vấn đề: Hằng năm số người lương dân được đón nhận Tin Mừng, số người được Rửa tội vào đạo Công giáo. Trong số này, được bao nhiêu phần trăm là giới trí thức, được bao nhiêu phần trăm là những người thành đạt theo đạo?

Chưa thấy những con số thống kê cụ thể, nhưng quan sát trực tiếp nơi các giáo xứ, đa phần những người theo đạo là những người nghèo, trắc trở trong cuộc sống, bấp bênh về kinh tế (không kể những người theo đạo vì lấy chồng cưới vợ là người công giáo). Điều này phản ánh đúng với tinh thần của Giáo hội – Giáo hội của những người nghèo.

Nhưng xét ở bình diện con người, nếu toàn những người nghèo theo đạo thì phải chăm sóc, hỗ trợ, cứu nạn, cứu đói, trợ cấp… cho họ. Chính những điều này, dễ dẫn đưa người tông đồ truyền giáo, sa lầy vào những cám dỗ của vật chất, trong lúc tìm kiếm trợ giúp cho những người nghèo.

Nói theo hướng dẫn của tông thư: Nếu một người là nạn nhân của ước muốn tìm kiếm lợi lộc tài chánh thì làm sao họ có thể toàn tâm toàn ý chu toàn bổn phận tìm kiếm vinh quang Thiên Chúa? Và làm sao họ có thể làm tăng vinh quang Thiên Chúa, có thể luôn luôn sẵn sàng hi sinh mọi sự mình có, kể cả mạng sống, cho việc kêu gọi người khác trở lại trạng thái tốt lành của đời sống thiêng liêng được?

  1. Cầu nguyện cho truyền giáo

Lạy Chúa, sức hấp dẫn của vật chất, tiền của là vô cùng lớn lao. Không ai dám tự hào, vỗ ngực xưng tên: Tôi không bao giờ dính bén với tiền của vật chất. Trái lại, xin cho mỗi người chúng con biết đấm ngực, ăn năn thống hối, vì đã hơn một lần chúng con bị cám dỗ bởi sức quyến rũ của vật chất, và thậm chí là đã sa ngã.

Xin Chúa tha tội cho chúng con, và xin ban cho chúng con là những tông đồ trong cánh đồng truyền giáo, biết can đảm sống tinh thần khó nghèo, dù cho chúng con phải tìm kiếm vật chất và những phương tiện sống tốt cho anh chị em, nhưng xin đừng để chúng con sa vào chước cám dỗ của vật chất và đồng tiền. Amen.

THỨ BA 22.10.2019

  1. Đọc Tông Thư Maximum Illud

Trước khi bước vào đời hoạt động tông đồ của mình, người truyền giáo phải có một sự đào tạo rất cẩn thận. Điều này đúng cả khi người ta có thể vấn nạn rằng một người được kêu gọi để rao giảng Đức Kitô tại những nơi xa cách nền văn minh thì không cần một trình độ giáo dục cao siêu. Đương nhiên, chắc chắn là đối với việc cải hóa tâm hồn người ta, sự trau dồi nhân đức thì quí giá hơn là một sự hiểu biết về những điểm tinh tế của văn chương. (MI số 22)

  1. Ưu tư truyền giáo

Bản tính của Giáo hội là truyền giáo, một người sau khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội tự khắc mang trong mình sứ mạng truyền giáo. Giáo hội lữ hành là truyền giáo, nhưng không có nghĩa tất cả mọi thành phần dân Chúa trong Hội thánh đều thực hiện việc truyền giáo theo một cách thức giống nhau.

Giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ có cách thức truyền giáo của họ. Người giáo dân có cách thức truyền giáo theo kiểu của người giáo dân. Hàng giáo sĩ, tu sĩ được đào tạo bài bản, cẩn thận, kỹ lưỡng cho hoạt động loan báo Tin Mừng. Vì thế, cách thức truyền giáo của hàng giáo sĩ, tu sĩ mang tính chiến lược, hoạch định những chính sách, là đầu tàu thúc đẩy và vực dậy tinh thần truyền giáo, cũng như hoạt động truyền giáo trong vùng, lãnh thổ mà các ngài đang phụ trách.

Người giáo dân thực hiện hoạt động truyền giáo cách hữu hiệu nhất, thiết thực nhất, phù hợp nhất, dễ thực hiện nhất là sống gương mẫu. Sống gương mẫu nơi mỗi cá nhân, và tổ chức gia đình của mình sống gương mẫu. Gương mẫu trong trách nhiệm và nghĩa vụ của một người công dân, và gương mẫu trong trọng trách của một người giáo dân nơi xứ đạo.

Gương mẫu về điều gì? Giữ đạo sốt sắng, đọc kinh tham dự thánh lễ, chăm lo giáo dục con cái, chu toàn trách nhiệm của một người con, người chồng người cha, người mẹ… trong gia đình của mình. Nói cách khác, là tổ chức gia đình của mình thành một tổ ấm yêu thương. Làm được như vậy, anh chị em giáo dân đã truyền giáo cách hiệu quả nhất rồi.

Thời đại ngày nay, Giáo hội cổ võ việc tông đồ giáo dân. Để người giáo dân có thể làm tông đồ mang lại hiệu quả, nhất là hoạt động tông đồ truyền giáo, thì đòi hỏi phải được đào tạo cách cẩn thận như tông thư đã nêu: Trước khi bước vào đời hoạt động tông đồ của mình, người truyền giáo phải có một sự đào tạo cẩn thận.

Nếu chưa đươc đào tạo cách cẩn thận, thì tốt hơn hết là sống gương mẫu, sống chứng nhân yêu thương ngay tại gia đình của mình là đã quý lắm rồi.

  1. Cầu nguyện cho truyền giáo

Lạy Chúa Giêsu là nhà truyền giáo vĩ đại. Xin Chúa ban cho các linh mục của Chúa có trí khôn ngoan sáng suốt, để có thể hoạch định những phương thức truyền bá đức tin cách hữu hiệu nhất.

Lạy Chúa Giêsu là công dân gương mẫu của đất nước Do Thái ngày xưa. Xin Chúa ban cho mỗi anh chị em giáo dân, biết sống gương mẫu tốt đạo, đẹp đời. Biết vâng lời hướng dẫn của các cha sở, và nhất là biết cộng tác sức người sức của, cho những hoạch định truyền giáo nơi giáo xứ. Amen.

THỨ TƯ 23.10.2019

  1. Đọc Tông Thư Maximum Illud

Vì những đòi hỏi này của việc tông đồ, các sinh viên mà Chúa đã kêu gọi để học các môn học thánh phải đạt được sự thông thạo mọi nghành kiến thức đang khi chuẩn bị cho công việc tương lai của họ. Các nghành này sẽ bao gồm cả các môn học thánh và các môn học thế tục, bất cứ môn học nào có thể cần thiết tại các xứ truyền giáo. (MI số 23)

  1. Ưu tư truyền giáo 

Có thể nói được, tầm nhìn của tông thư là tầm nhìn xuyên thế kỷ. Chỉ dẫn của tông thư cách đây 100 năm vẫn đang phù hợp với thời đại hôm nay. Để thực hiện việc truyền giáo, không đơn giản chỉ là giảng đạo, không đơn giản chỉ là rủ rê người khác theo đạo.

Trái lại, để diễn tả và chuyển tải sứ điệp của Tin Mừng phải vận dụng đến nhiều phương thức khác nhau, với nhiều loại kiến thức khác nhau. Với thời đại văn minh, số hóa và truyền thông ngày nay. Nền dân trí và nhận thức của người dân cao hơn ngày xưa rất nhiều. Vì thế, việc truyền đạo, giảng đạo, loan báo Tin Mừng luôn phải đối diện với những chất vấn từ phía người nghe.

Vì thế, để có thể thuyết phục được thính giả, đòi hỏi phải vững vàng, thông thạo những kiến thức thánh: Thánh Kinh, thần học, tín lý, luân lý, phụng vụ… Mà còn phải có sự hiểu biết nhất định về kiến thức phổ thông, nếu không nói là phải chuyên sâu ở một số lãnh vực nào đó.

Để có thể thông thạo mọi nghành kiến thức thánh lẫn thế tục, đòi hỏi phải trải qua quá trình học tập, đào tạo, huấn luyện kỹ lưỡng. Về khoản này, hiện nay chỉ có hàng giáo sĩ và tu sĩ là được đào tạo bài bản chuyên sâu. Còn người giáo dân thì chịu nhiều thiệt thòi, bởi nhiều lý do cản trở.

Vì thế, hoạt động truyền giáo tại Việt Nam cụ thể nơi các giáo phận vẫn là trọng trách của hàng giáo sĩ và tu sĩ. Còn người giáo dân, chỉ nên tham gia ở một vài công tác phù hợp nào đó thôi, chẳng hạn như dạy giáo lý, làm trung gian tiếp xúc với chính quyền, cộng tác tích cực với các linh mục, tham gia vào các đoàn thể, đóng góp tài chánh, sức lực…

  1. Cầu nguyện cho truyền giáo

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã trải qua thời gian sống ẩn dật, trao dồi, học tập tu dưỡng đến 30 năm, để rồi sau đó Chúa đi giảng đạo chỉ có 3 năm. Truyền giảng Tin Mừng 3 năm, nhưng phải chuẩn bị đến 30 năm. Xin cho các linh mục, chủng sinh, tu sĩ và anh chị em giáo dân, luôn ý thức được điều này, để trong mọi sự rao giảng Tin Mừng, cần có sự chuẩn bị thật chu đáo, nhằm mang lại những kết quả có tính chiều sâu, hơn là ngẫu hứng, hời hợt thành tích. Amen.

THỨ NĂM 24.10.2019

  1. Đọc Tông Thư Maximum Illud

[…] Nếu nghiêm túc trong công việc của mình, họ sẽ không dễ dàng khoán trắng cho các giáo lý viên công việc giảng dạy giáo lý Kitô giáo. Họ sẽ cố gắng dành bổn phận này cho chính mình. Suy cho cùng, vì họ đã được sai đến các nơi truyền giáo không phải vì một mục đích nào khác hơn là rao giảng Tin Mừng, nên họ thậm chí sẽ coi những giờ giảng dạy này như là phần quan trọng nhất trong công việc của họ. (MI số 24) 

  1. Ưu tư truyền giáo

Nghiêm túc nhìn nhận, ích lợi của giáo lý viên là san sẻ được rất nhiều trọng trách trong việc dạy giáo lý giúp cho các linh mục tại các giáo xứ. Nhưng cũng phải khiêm nhường, đấm ngực, tạ lỗi, cũng chính vì đội ngũ giáo lý viên hùng hậu, đã dẫn đến việc khoán trắng công tác dạy giáo lý, mà đáng lý ra là của linh mục, thì giờ đây việc làm này được dành cách trọn vẹn cho giáo lý viên.

Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng: Những giáo xứ lên đến hàng ngàn giáo dân, thì không có cách chi các linh mục chăm lo giáo lý đầy đủ cho người tín hữu được. Đành lòng phải nhờ đến sự cộng tác, san sẻ của các giáo lý viên, thì mới có thể tổ chức các lớp giáo lý ổn định và đầy đủ được.

Nhưng cho dù, giáo lý viên có cộng tác đắc lực và mang lại kết quả mỹ mãn đi chăng nữa, thì hoạt động giảng dạy vẫn là trọng trách của các linh mục. Bởi vì, không đơn giản chỉ là dạy giáo lý, nhưng tư cách của người giảng dạy mới là bài học giáo lý thuyết phục và sống động. Chính vì thế, một giáo lý viên có dạy giỏi cách mấy, vẫn không thể so sánh được với một linh mục đứng lớp dạy giáo lý.

  1. Cầu nguyện cho truyền giáo

Lạy Chúa, nhiệm vụ giảng dạy là trọng trách mà Chúa đã truyền lại cho các linh mục. Xin cho các linh mục luôn ý thức tầm quan trọng của việc loan báo sứ điệp Tin Mừng của Chúa, bằng những bài giảng trong thánh lễ, cũng như những giờ giáo lý trên các lớp. Nhờ ý thức này, mà các ngài chuyên tâm chuẩn bị bài giảng lễ trong cầu nguyện, soạn thảo chu đáo cho những giờ giáo lý. Nhờ đó, Tin Mừng và sứ điệp của Lời Chúa được trao ban cho nhiều người cách tích cực. Amen

THỨ SÁU 25.10.2019

  1. Đọc Tông Thư Maximum Illud

[…] Tôi đã thiết lập tại Rôma này một học viện đặc biệt cho những người sẽ được sai đi hoạt động tông đồ tại vùng này trên thế giới. Họ sẽ học thành thạo các ngôn ngữ Phương Đông và một sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa Phương Đông, đồng thời có sự thành thạo các kỹ năng khác có ích cho họ. (MI số 25)

  1. Ưu tư truyền giáo 

Đã có một thời gian, trên các tờ khai lý lịch cá nhân, hoặc các mẫu kê khai nhân thân, thông tin cá nhân, hay mẫu đơn xin việc làm… Ghi là trình độ văn hóa. Mãi cho đến một thời gian dài về sau, mới nhận ra rằng; Văn hóa thì không có thứ bậc so sánh cao thấp. Văn hóa là đặc thù, đặc sắc, mang tính độc đáo, khác hoàn toàn với trình độ học vấn và văn minh.

Một người ít học, một dân tộc nghèo kém phát triển thì không đồng nghĩa với việc không có văn hóa. Vì thế, cách đánh giá và nhìn nhận của tông thư trong việc đào tạo sự thông thạo và sâu sắc về các nền văn hóa Phương Đông, cho thấy tầm nhìn đi trước thời đại, trong việc vận dụng những nét văn hóa bản địa để loan báo Tin Mừng, làm cho Tin Mừng cấm rể sâu vào nền văn hóa đó.

Tại Việt Nam nói chung và cách riêng là nơi các giáo phận, luôn có sự đa dạng về sắc thái văn hóa. Sở dĩ có điều này, là vì địa bàn một giáo phận bao gồm nhiều vùng lãnh thổ: Thành phố, nông thôn, đồng bằng, miền núi, vùng biển, hải đảo, kênh rạch, sông ngòi… Có nhiều tôn giáo cùng sinh hoạt trên một địa bàn. Chưa kể vấn đề di dân, kéo theo những nét văn hóa pha trộn, giao thoa với nhau.

Vì sự đa dạng của các sắc thái văn hóa, cũng như ảnh hưởng của các tôn giáo trong tâm thức người dân theo kiểu: Đạo nào cũng tốt. Đã làm hạn chế sức ảnh hưởng của hoạt động truyền giáo. Để hoạt động mục vụ truyền giáo có chất lượng, đòi hỏi phải tiếp cận theo cách tiệm tiến, từ từ, mưa dầm thấm sâu, bằng chính đời sống chứng tá của mỗi thành phần dân Chúa ngay trong đời sống thường ngày.

Nếu vì số lượng và thành tích, dẫn đến tìm cách chèo kéo người dân vào đạo bằng sự hấp dẫn của các hoạt động cứu trợ, xây nhà tình thương, làm từ thiện… chắc chắn sẽ thu hút được nhiều người theo đạo, nhưng cũng đồng thời về lâu dài, chính họ sẽ là những người rời bỏ đạo sớm nhất.

  1. Cầu nguyện cho truyền giáo

Lạy Chúa Giêsu, công cuộc truyền giáo ở trần gian mà Chúa đã truyền lại, là hoạt động kéo dài cho đến tận thế. Xin cho mỗi người chúng con ý thức điều này, để cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của chúng con, luôn phản ảnh sứ điệp yêu thương của Tin Mừng qua suy nghĩ, lời nói và việc làm. Nhờ đó, Tin Mừng của Chúa dần dần thấm nhập sâu vào xã hội, và môi trường mà chúng con đang sinh sống. Amen.

THỨ BẢY 26.10.2019

  1. Đọc Tông Thư Maximum Illud

Có một thuộc tính không thể thiếu đối với những người bước vào đời sống tông đồ. Một điều tối quan trọng và thiết yếu, đó là họ phải có đời sống thánh thiện. Bởi vì, ai rao giảng Thiên Chúa thì bản thân họ phải là một người của Chúa. Ai khuyên người khác chê ghét tội lỗi thì chính mình phải chê ghét tội lỗi. Giảng bằng gương sáng thì hiệu quả hơn nhiều so với giảng bằng lời, đặc biệt khi giảng cho những người không tin, họ dễ bị ấn tượng bởi những gì mắt họ nhìn thấy hơn là bằng những lý luận được trình bày cho họ. (MI số 26)

  1. Ưu tư truyền giáo 

Đời sống thánh thiện của một linh mục ở giữa cộng đoàn, có sức tác động và lôi kéo được nhiều người đến với đạo của Chúa. Nói theo cách diễn giải của tông thư: Giảng bằng gương sáng thì hiệu quả hơn nhiều so với giảng bằng lời.

Sâu xa trong suy nghĩ của người dân, người tu hành là đã làm chủ và chế ngự được dục vọng. Làm chủ được ham muốn dục vọng thể xác, chế ngự được ham muốn tiền của vật chất. Chính vì thế, đời sống độc thân linh mục diễn tả được sự thánh thiện, và có sức thuyết phục người dân. Đồng thời, tinh thần nghèo khó thật sự, không phải là giả hình về của cải vật chất, trở thành tiếng nói vô hình có trọng lượng, đủ sức nặng và mạnh cho việc diễn giải Tin Mừng của Chúa.

Có nhiều cách giải thích cho cụm từ “tinh thần nghèo khó”, giải thích bằng thần học, thánh kinh, tín lý, luân lý và tu đức. Nhưng cách giải thích dễ hiểu nhất, là căn cứ vào cách tiêu tiền và giữ tiền. Người giáo dân nhận thấy cha tiêu tiền cho những việc chung, cho lợi ích chung của cả cộng đoàn, mà không phải là cá nhân của cha. Vậy là cha sống có tinh thần nghèo khó.

Việc giữ tiền, thể hiện qua của cải vật chất: Nhà cửa, xe cộ, điện thoại, quần áo, giày dép, tiền bạc… tất cả những thứ này, người giáo dân cũng nhận thấy cha sử dụng nó là phương tiện hữu hiệu cho hoạt động mục vụ, mà không phải là để phô trương, khoe mẻ, chứng tỏ, hay tìm sự an nhàn cho cuộc sống… Vậy là cha sống có tinh thần nghèo khó.

Sống độc thân trong sạch thánh thiện trong chức linh mục, sống tinh thần nghèo khó ở giữa cộng đoàn. Là đang giảng Tin Mừng của Chúa, bằng gương sáng cho người dân.

  1. Cầu nguyện cho truyền giáo

Lạy Chúa, giữa trào lưu đam mê sự tiện ích của vật chất. Xin cho các linh mục can đảm tách mình ra khỏi sự lôi cuốn vật chất, để toàn tâm toàn ý cho công cuộc loan báo Tin Mừng của Chúa. Giữa những cổ võ nhằm giản lược, hoặc muốn xóa bỏ đời sống độc thân linh mục. Xin cho các linh mục luôn vững vàn trong niềm xác tín: Độc thân linh mục là trở nên giống như Chúa Giêsu. Nhờ đó, lời giảng dạy của các linh mục có sức thuyết phục và lôi kéo được nhiều linh hồn về cho Chúa. Amen.

CHÚA NHẬT 27.10.2019

  1. Đọc Tông Thư Maximum Illud

Vì vậy, họ hãy là một gương sáng cho những người họ gặp. Họ hãy sống khiêm nhường, vâng phục và khiết tịnh. Và đặc biệt họ hãy là một người sốt sắng đạo đức, chăm chỉ cầu nguyện và liên lỉ kết hợp với Thiên Chúa, một người đến trước mặt Đấng Uy Nghi và sốt sắng cầu xin cho các linh hồn. (MI số 27) 

  1. Ưu tư truyền giáo 

Có thể nói, số 27 của tông thư khái quát toàn bộ trọng tâm đời sống linh mục trong sứ vụ truyền giáo, đó là: Làm gương sáng cho người dân, Khiêm nhường trong thái độ, vâng phục trong thánh chức linh mục, khiết tịnh trong đời sống, sốt sắng trong công việc, đạo đức trong cách làm, siêng năng cầu nguyện để kết hợp và tìm thánh ý Chúa và cầu xin Chúa cho phần rỗi các linh hồn.

Đây là những đòi hỏi gắt gao, triệt để, bắt buộc, không thể thiếu đối với anh em linh mục nói chung, và càng quyết liệt hơn nữa cho tất cả những ai đang dấn thân trong cánh đồng truyền giáo. Quả thật, hoạt động loan báo Tin Mừng không phải là làm theo kiểu cho xong việc, lấy thành tích, số lượng, tạo tiếng vang. Nhưng đây là sứ mệnh thánh thiện cao quý của Chúa Giêsu đã trối lại.

Vì thế, cần phải đầu tư trong cách làm, đào sâu trong suy nghĩ và thực tế hiệu quả tốt đẹp, chất lượng khi thực hiện.

  1. Cầu nguyện cho truyền giáo

Lạy Chúa, khi ngẫm nghĩ, suy gẫm và nhìn lại. Chúng con mới nhận thấy: Đem được nhiều người trở về với đạo của Chúa, nhưng cũng đồng thời có nhiều anh chị em rời bỏ đạo và nguội lạnh trong đời sống đức tin. Điều này có phần lỗi của chúng con, vì chúng con ham mê khoe với Chúa về số lượng, nhưng rồi sau đó lại thiếu hoạt động chăm sóc nuôi dưỡng. Xin Chúa tha thứ cho chúng con. Xin ban cho chúng con biết thực hiện sứ mệnh truyền giáo một cách chất lượng, sâu sắc và nhất là kiên trì thực hiện đến nơi đến chốn. Amen.

Ban Văn hóa Giáo dục – Giáo phận Mỹ Tho