Cách Thức Chống Trả Cám Dỗ

print

Chúa Nhật I Mùa Chay Năm A 2020

Cách Thức Chống Trả Cám Dỗ

Lm. Giuse Nguyễn

 

Thi sĩ Công giáo Hoài Thanh đã viết:

Con người thân phận mỏng giòn

Dễ bị “sa ngã”, lại còn chiều theo

Ma quỷ đủ cách kỳ kèo

Dỗ ngon, dỗ ngọt, bám đeo phỉnh phờ

Chúng bày mưu chước đợi chờ

Bủa vây, sập bẫy, ai ngờ được đâu!

Lòng nham, dạ hiểm thâm sâu

Đưa ra mọi kế, trước sau dỗ dành”

 

Kinh nghiệm đó được Tú Xương chia sẻ:Một trà, Một Rượu, Một Ðàn bà, Ba cái lăng nhăng nó quấy ta Chừa được cái nào hay cái nấy. Có chăng chừa rượu với chừa trà…” Bản thân ông cũng bị cám dỗ bởi nhiều thứ, và ông cũng đã thẳng thắn chia sẻ yếu đuối của bản thân về cái lăng nhăng thứ ba: đàn bà.

Chúa Nhật đầu tiên của Mùa Chay, phụng vụ Lời Chúa cũng nhắc lại cho chúng ta biết về sự thật hiển nhiên của con người: cám dỗ.

Cơn cám dỗ đầu tiên của con người được sách Sáng Thế kể lại là cơn cám dỗ của bà Evà. Bà bị con rắn cám dỗ rằng: “Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác” (St 3, 5), nên Thiên Chúa không cho ăn trái cây giữa vườn. Mà Thánh Kinh cho biết: “Rắn là loài xảo quyệt” (St 3,1). Vì vậy những gì nó nói là không đúng sự thật. Bà Evà đã bị hào quang của việc “biết lành biết dữ” che mờ đi mệnh lệnh của Đức Chúa, và thậm chí còn nghi ngờ tình thương của Thiên Chúa, nên bà đã vấp phạm.Ttừ đấy sự dữ đã vào thế gian. Và cũng từ đấy, những cơn cám dỗ lan tràn khắp nơi.

Mọi cơn cám dỗ là để ta sống không đúng với thực tại mà ta bị cám dỗ. Ví dụ ma quỷ cám dỗ Đức Giêsu nếu không có bánh là sẽ chết, bánh là thứ quan trọng nhất trong cuộc đời, vì vậy phải làm mọi cách để có bánh ăn. Trong khi Đức Giêsu đã chủ động nhịn ăn nhịn uống 40 đêm ngày. Hoặc ma quỷ cám dỗ Đức Giêsu về việc nó là chủ mọi vinh hoa lợi lộc trên thế gian này, chỉ cần Đức Giêsu sấp mình thờ lạy nó, nó sẽ ban cho Ngài. Trong khi Đức Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa, mọi loài phải sấp mình thờ lạy Ngài.

Như vậy cám dỗ là để ta sống không đúng với thực tại mà ta bị cám dỗ. Ông bà nguyên tổ đã thua để nhận ra thực tại không đúng với những gì ma quỷ cám dỗ. Thực tại đó là Thiên Chúa là Cha yêu thương, Ngài muốn con người được hạnh phúc, chứ không giống như ma quỷ cám dỗ, Thiên Chúa ích kỷ, muốn con người lệ thuộc Ngài.

Trong thân phận của con người, Đức Giêsu cũng bị ma quỷ cám dỗ, nhưng Ngài đã chiến thắng, để mở đường cho chúng ta là những môn đệ, nếu biết chiến đấu cùng với Đức Giêsu trong các cơn cám dỗ, thì ta cũng sẽ chiến thắng.

Thi sĩ Hoài Thanh đã chia sẻ cách thức để chiến thắng cám dỗ của ma quỷ:

 

Thế nên phải nhớ khắc ghi

Ma quỷ cám dỗ tức thì tránh xa

Phương thế chống trả sẽ là:

CẦU NGUYỆN liên lỉ giúp ta thắng liền

HY SINH cắt bỏ lụy liên

Thực hành BÁC ÁI ưu tiên cho người

Vững tâm tiến bước trên đời

Hân hoan phấn khởi sống “Lời Yêu Thương”

Để không “sa ngã, lạc đường”

Tín thác vào Chúa, náu nương tựa Ngài”

 

Cầu nguyện, hy sinh, bác ái là 3 phương thế giúp ta chiến thắng cám dỗ. Mùa Chay năm nay diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19, vô tình là cơ hội để nhiều người chạy đến cầu nguyện với Chúa. Hy vọng với lời cầu nguyện tha thiết của nhân loại, Chúa sẽ “dừng cơn giận Chúa!” mà cho đại dịch sớm qua đi. Nhưng từ đó để con người chúng ta biết cầu nguyện không chỉ trong cơn đại nạn, mà cầu nguyện nhiều hơn trong đời sống để có sự hiệp thông với Thiên Chúa là tình yêu. Cầu nguyện bằng Lời Chúa, bằng Thánh Lễ, bằng các Bí tích, bằng những việc đạo đức, và nhất là bằng chính tâm tình của mỗi người.

Hy sinh là chấp nhận thiệt hại, mất mát về tinh thần, vật chất vì mục tiêu cao cả hơn. Ví dụ các thánh tử đạo đã sẵn sàng hy sinh mạng sống mình để bảo vệ đức tin. Cụ thể trong thư Mục vụ Mùa Chay – Phục Sinh năm nay, Đức cha Stêphanô, Giám mục Giáo phận Cần Thơ đã hướng dẫn cụ thể: “Linh mục, tu sĩ và các bậc cha mẹ dành nhiều thời giờ và tiền bạc hơn để chăm sóc, gặp gỡ, đồng hành cùng giới trẻ trong những sinh hoạt cụ thể để “làm cho các bạn trẻ hiểu rằng chúng ta yêu thương họ, rồi họ sẽ thực hành điều chúng ta mong muốn” (Thánh Gioan Boscô). Đó là sự hy sinh cụ thể chúng ta dành cho các bạn trẻ. Ngoài ra sự hy sinh còn là dành thời giờ, tiền bạc, công sức cho Giáo xứ và những đối tượng khác. Sự hy sinh này vừa góp phần làm việc có ích, vừa là phương thế để chống lại những cơn cám dỗ.

Bác ái là những việc làm xuất phát từ tình yêu thương để giúp đỡ người khác. Bác ái là một trong những hành động đẹp nhất của người Công giáo, vì “người ta cứ dấu này mà nhận ra anh em là môn đệ của Thầy, là anh em hãy yêu thương nhau” (Ga 13, 35).

Cũng trong thư mục vụ Mùa Chay-Phục sinh năm nay, Đức cha Stêphanô hướng dẫn: “Mỗi họ đạo tiếp tục lập sẵn quỹ bác ái-caritas, để có thể hỗ trợ kịp thời trong những lúc quẫn bách”. Ước mong khi biết cho đi tâm hồn chúng ta sẽ được mở rộng để đón nhận ơn Chúa. Hơn bao giờ hết, mùa Chay năm nay cho chúng ta thấy những giá trị vật chất không vững bền, nhưng nó sẽ được chuyển hóa. Tiền bạc sẽ mất, nhưng tiền giúp người nghèo, tiền để làm việc chung sẽ trở thành công đức của người hiến tặng, trao ban.

Ước mong Mùa Chay năm nay, khi đối diện với cám dỗ, chúng ta sẽ dùng vũ khí linh thánh là: Cầu nguyện, hy sinh, bác ái để chiến đấu với ma quỷ, và chắc chắn sẽ dành phần thắng.

Xin ơn Chúa qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria, thánh cả Giuse, cha Phanxicô Trương Bửu Diệp cho mỗi người chúng ta hãy biết “làm hòa với Thiên Chúa” (2Cr 5, 20b).