Dẫn Vào Thánh Lễ Và Suy Niệm CN 5 PhụcSinh – Năm C

print

CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH – C

Cv 14, 20b-26; Kh 21, 1-5a; Ga 13, 31-33a. 34-35

Chủ đề: YÊU THƯƠNG DẤU CHỈ CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA

Lời Chúa: “Thầy ban cho các con điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau” (Ga 13,34).

Nhập lễ:

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Phụng vụ Lời Chúa chúa nhật 5 Phục Sinh hôm nay cho chúng ta thấy, yêu thương là dấu chỉ của người môn đệ Chúa. Vì, người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau:

Luật xưa cũng dạy yêu người,

Nhưng còn hạn chế từng người từng nơi.

Điều răn Chúa dạy sáng ngời,

Yêu thương hết thảy trọn đời hiếu trung.

Hy sinh phục vụ thủy chung,

Mọi người lành dữ đều cùng con Cha.

Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin Chúa giúp chúng ta xác tín rằng: cốt lõi của Đạo Kitô giáo là Đạo Tình yêu. Xin cho chúng ta biết thể hiện giới luật yêu thương nơi hết thảy mọi người, không phân biệt màu da sắc tộc, ngôn ngữ hay tôn giáo để tình yêu Chúa được lan tỏa khắp nơi hoàn cầu. Trong tâm tình đó, giờ đây, chúng ta thành tâm sám hối.

Sám hối:

1. Lạy Chúa, Chúa là ánh sáng và ơn cứu độ của chúng con. Xin Chúa thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

2. Lạy Chúa Kitô, Chúa mời gọi chúng con hãy yêu thương nhau để trở nên dấu chỉ của người môn đệ Chúa. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

3.Lạy Chúa, Chúa đem tình yêu đến trần gian để xua đi bóng đêm của hận thù ghen ghét. Xin Chúa thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

Kết: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.

CĐ: Amen.

Suy niệm:

Kính thưa quý ông bà anh chị em,

Con người sinh ra ở đời này để yêu và được yêu, đó là kế hoạch yêu thương trong chương trình sáng tạo từ lúc khởi đầu của Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn muốn sống gần gũi và thân tình với con người bằng một tình yêu vô biên. Tình yêu ấy bắt nguồn từ nơi Thiên Chúa. Bởi, Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu này là cốt lõi trong Đạo và đã trở thành giới luật: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa là Thiên Chúa ngươi; Ngươi phải yêu mến tha nhân như chính mình”. Đó là món quà quí giá Thiên Chúa ban tặng cho con người, giúp con người vươn tới Thiên Chúa là suối nguồn Tình yêu.

Thưa anh chị em, Thiên Chúa tạo dựng nên con người giống hình ảnh Thiên Chúa bằng một tình yêu, và Ngài còn ban cho con người lòng yêu mến: Adam đã yêu Eva để trở nên một xương một thịt. Rebecca đã yêu Giacop, Giônathan đã yêu Đavit, … Thiên Chúa muốn diễn tả tình yêu này bằng một giao ước qua trung gian Môsê khi chọn Israel làm dân riêng của Ngài. Theo đó, họ phải yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân như chính mình làm thành giới luật. Nhưng đối với người Do thái, luật yêu thương này họ lấy chính mình làm tiêu chuẩn, làm thước đo nên mang nặng tính tiêu cực và vụ lợi, tính toán tránh tất cả những gì có thể gây oán thù, báo phục. Chúa Giêsu đã tái xác nhận luật yêu thương này và Người còn tiến xa hơn: “Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau. Như Thầy đã yêu thương các con, thì các con cũng hãy yêu thương nhau”. Như vậy, yêu như Chúa Giêsu đã yêu không phải là tình yêu vị kỷ (Eros), yêu người khác nhưng chỉ để lợi dụng, để chiếm đoạt cho riêng mình, vì mình mà thôi; nhưng chính là tình yêu vị tha (Agapé), sẵn sàng hiến dâng, hy sinh cho kẻ khác, một tình yêu tự hiến chết cho người mình yêu: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình”. Chính Chúa Giêsu đã dùng thập giá để biểu lộ tình yêu của Người cho nhân loại. Thập giá đã không còn là biểu tượng của tủi nhục mà là dấu chỉ một tình yêu. Vì yêu, Người đã dám chết cho người mình yêu. Và, “Căn cứ vào điều này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là nếu các con yêu thương nhau”. Như thế, yêu thương là dấu chỉ của người môn đệ Chúa.

Chuyện kể rằng, người mẹ hỏi đứa con trai 5 tuổi của mình: “Nếu hai mẹ con ta đang khát nước và chỉ có 2 quả táo này, con sẽ làm gì?”. Cậu bé suy nghĩ một lát rồi ngây thơ trả lời: “Con sẽ cắn mỗi quả táo một miếng mẹ ạ!”. Người mẹ nhẹ nhàng hỏi con: “Con có thể nói cho mẹ biết vì sao con làm điều đó?”. Và người mẹ đã bật khóc khi cậu bé ngây ngô đáp: “Con muốn thử và dành quả ngọt nhất cho mẹ”.

Kính thưa quý ông bà anh chị em,

Câu trả lời ngộ nghĩnh của cậu bé 5 tuổi trên đây thật tròn đầy ý nghĩa bằng hai chữ “Yêu Thương”. Cậu đã dám hy sinh thua thiệt để dành sự ngọt ngào cho người mẹ của mình. Hôm nay, chúng ta được mời gọi trở nên dấu chỉ tình yêu của người môn đệ Chúa. Dấu chỉ của người môn đệ Chúa Kitô là tình yêu thương như Chúa đã yêu thương chúng ta, đến nỗi: “Hãy xem họ yêu thương nhau biết bao và hiến mạng cho nhau chừng nào!”. Dấu chỉ yêu thương ấy được biểu hiện cụ thể chứ không chỉ ở đầu môi chót lưỡi: dám hy sinh cho nhau, yêu thương thứ tha để có thể giải hoà những đổ vỡ, những ngăn cách tình người đang làm cho các gia đình đau khổ, đang làm cho xã hội bất an vì những thù oán nhỏ nhen, để giới răn mới này từng bước biến đổi xã hội nên một trời mới, đất mới nơi Thiên Chúa sẽ ở với loài người để lau khô mọi giọt lệ đau khổ vì mọi sự đều được đổi mới trong Chúa Kitô. Hãy yêu như Thầy đã yêu!.

Nguyện xin Chúa Giêsu, Đấng đã chết và đã phục sinh khải hoàn giúp chúng con trở nên khí cụ tình yêu của Chúa trong muôn người, để đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm, để tình yêu thương của Chúa được lan tỏa đến với muôn người. Amen.

Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Quang.