Dẫn Vào Thánh Lễ Và Suy Niệm Lễ CGS Chịu Phép Rửa Năm A

CHÚA NHẬT CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA – A

Is 42, 1-4. 6-7; Cv 10, 34-38; Mt 3, 13-17

Chủ đề: CHÚA CHA GIỚI THIỆU CHÚA CON

Lời Chúa: “Này là con yêu dấu của Ta, con đẹp lòng Ta” (Mt 3,17)

Nhập lễ:

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Phụng vụ Lời Chúa chúa nhật Chúa Giêsu chịu phép rửa hôm nay cho chúng ta thấy, khởi đầu sứ vụ công khai loan báo Tin mừng của Chúa Giêsu, Người chịu phép rửa sám hối của Gioan Tẩy giả. Chính nơi đây, Thiên Chúa đã mặc khải cho nhân loại biết bản tính Thiên Chúa của Chúa Giêsu:

Lần đầu ra mắt muôn dân,

Chúa Cha long trọng ân cần truyền rao:

Người con yêu quí tối cao,

Sống nơi trần thế khác nào tôi trung !

Ý Cha luôn biết phục tùng,

Cho con từ bỏ, tín trung theo Ngài.

Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin Chúa giúp chúng ta nhận ra Chúa Giêsu là con Thiên Chúa, được Chúa Cha yêu mến. Đồng thời, hãy noi gương Người sống khiêm nhường sám hối để được Chúa yêu thương và cứu chuộc. Trong tâm tình đó, giờ đây chúng ta hãy thành tâm sám hối.

Sám hối:

1. Lạy Chúa, Chúa là người tôi trung của Thiên Chúa, được Chúa Cha sủng ái. Xin Chúa thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

2. Lạy Chúa Kitô, Chúa hằng đẹp lòng Chúa Cha mọi đàng. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

3. Lạy Chúa, Chúa đã mang lấy tội chúng con để tẩy rửa trong dòng sông Giođan. Xin Chúa thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

Kết: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.

CĐ: Amen.

Suy niệm:

Kính thưa quý ông bà anh chị em,

Hôm nay, chúa nhật khởi đầu sứ vụ công khai loan báo Tin mừng của Chúa Giêsu. Giáo hội mời gọi chúng ta khiêm nhường cùng với Chúa Giêsu bước xuống dìm mình trong dòng sông Giođan để chịu phép rửa. Phép rửa mà Chúa Giêsu đón nhận tại sông Giođan đã làm cho Người trở thành người tôi tớ được sủng ái. Người tôi tớ được sủng ái này có sứ mạng đem Tin mừng cho tất cả mọi loài thọ tạo. Người hằng làm đẹp lòng Cha, được Chúa Cha giới thiệu: “Này là con yêu dấu của Ta, con đẹp lòng Ta”.

Thưa anh chị em, vào thời lưu đày bên Babylon, một tác giả mang tên Isaia II đã sáng tác bài ca thứ I về người tôi tớ được sủng ái. Thiên Chúa cho biết ơn gọi mầu nhiệm và sứ mạng mà người đó phải thi hành: “mở mắt cho người mù, đưa ra khỏi tù người bị xiềng xích, đưa ra khỏi ngục những người ngồi trong tối tăm”. Danh xưng ấy đã được truyền thống Kitô giáo sớm nhận ra và muốn dành cho Chúa Kitô, người tôi tớ đã nhận lấy thân phận tội đồ tại sông Giođan giữa bao tội nhân khác. Người được Thiên Chúa tuyển chọn, được ban Thần trí, Thiên Chúa hài lòng về Người. Vì thế, khi Chúa Giêsu bước ra khỏi nước, Thiên Chúa từ trời cao đã tuyên dương Người: “Này là con yêu dấu của Ta, con đẹp lòng Ta”. Qua đây, hơn bất cứ người tôi tớ nào, Chúa Giêsu được Chúa Cha sủng ái. Nơi Chúa Giêsu, bề ngoài là người như bao người khác, nhưng thực chất Người là con Thiên Chúa. Thánh Phaolô cũng đã dạy chúng ta chân lý nền tảng này: “Chúa Giêsu đồng bản tính với Thiên Chúa Cha”. Bước đầu tiên trong đời hoạt động công khai của Chúa Giêsu, Người đã chọn đứng về phía những người tội lỗi. Người đã tự hạ dìm mình trong dòng sông Giođan để liên đới, chia sẻ hoàn cảnh nghèo khổ và yếu đuối hầu trở nên một người anh em của mọi người. Biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa của Gioan Tẩy giả tại sông Giođan là một trong những cách sống khiêm hạ mà Chúa Giêsu đã tự ý chấp nhận: “Người đã tự hạ, nhận lấy thân phận tôi tớ và nên giống chúng ta ngoại trừ tội lỗi”.

Năm 2008, tôi có dịp đặt chân đến sông Giođan, nơi Chúa Giêsu chịu phép rửa sám hối của Gioan Tẩy giả. Sông Giođan phát nguồn từ ngọn núi Héc-mon ở độ cao 520m và trải dài suốt 220km dòng sông không ngừng đi xuống chảy vào hồ Hu-lê chỉ còn 68m trên mực nước biển. Kế đó sông chảy vào biển hồ Galilê, ở đây lòng hồ sâu 212m dưới mực nước biển. Sông tiếp tục chảy xuống miền nam đổ vào Biển chết, ở đây độ sâu là 394m dưới mực nước biển. Có thể nói đây là điểm thấp nhất của địa cầu.

Kính thưa quý ông bà anh chị em,

Hôm nay, Giáo hội mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, bắt đầu cuộc đời công khai rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu. Người đã hạ mình bước xuống chỗ thấp nhất để hoà mình vào dòng thác người tội lỗi cần được thống hối ăn năn. Người đã dìm mình xuống ngang hàng với họ, liên đới với họ và trở nên anh em của họ. Cử chỉ khiêm nhường của Người là một lời mời gọi chúng ta: “ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”. Chính vì thế, khiêm nhường sám hối là bước khởi đầu để chúng ta đón nhận Tin mừng. Khiêm nhường sám hối là quay trở về nhà Cha, sống trọn tâm tình của người con thảo hiếu. Khi khiêm nhường trở về, ta sẽ gặp được người Cha nhân hậu đang đứng chờ ta. Người sẽ nói về ta: “Này là con yêu dấu của Ta, con đẹp lòng Ta”.

Nguyện xin Chúa giúp chúng ta biết sống khiêm nhường sám hối như chính Chúa đã nêu gương cho chúng ta. Amen.

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang.

print