Giáo Huấn 24: Công Bằng Xã Hội

print

Giáo Huấn 24: Công Bằng Xã Hội

H. Công bằng xã hội là gì ?

T. Công bằng xã hội là những điều kiện thuận lợi, giúp cho cá nhân cũng như tập thể đạt được những gì thuộc quyền lợi của họ.

***

Lời Chúa:“Có lời chép: khi cầy, thợ cầy phải mong được chia phần; khi đạp lúa, kẻ đạp lúa phải mong được chia phần”[i].

Như vậy, để có công bằng xã hội,  ta phải thực hiện 3 điều:

1. Tôn trọng con người: vì con người là mục đích tối hậu của xã hội, xã hội phải luôn phục vụ phẩm giá con người, nghĩa là phải luôn tôn trọng những quyền căn bản của con người, như quyền sống, quyền tự do, quyền theo lương tâm…

2. Xây dựng bình đẳng: Con người có những dị biệt, nhưng luôn bình đẳng với nhau về phẩm giá, vì mọi người đều được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh Ngài, và vì nhờ hy tế của Chúa Ki-tô cứu chuộc, mọi người đều được mời gọi chung hưởng vinh phúc của Thiên Chúa. Tuy dù, trong thực tế, con người có những dị biệt về tuổi tác, thể lực, trí tuệ, của cải… Nhưng những dị biệt này không được làm cớ tạo nên những phân biệt đối xử; trái lại, vì chính Chúa Quan Phòng đã muốn có những dị biệt này nhằm dạy con người bài học ‘liên đới và chia sẻ’, nên mỗi người phải đón nhận những gì mình cần có từ tay người khác, và cũng cần phải chia sẻ những gì mình có cho người khác, cách rộng lượng, hảo tâm, nhờ đó cuộc sống bình đẳng và phong phú hơn.

3. Xây dựng tình liên đới nhân loại: Phải sống tình liên đới, vì chúng ta đều là con người hoặc đều là Ki-tô hữu với nhau.

+Tình liên đới được thực hiện cách cụ thể qua việc chia sẻ của cải và công việc cách đồng đều.

+Tình liên đới mời gọi chúng ta phải nỗ lực dàn hòa, thương lượng, chứ không giải quyết những khó khăn bằng cãi vã, ẩu đả, chiến tranh.

+Tình liên đới còn đòi chúng ta chia sẻ với nhau về tinh thần, nhất là về đức tin, như các nhà truyền giáo đã mang đức tin, văn minh, văn hóa đến cho nhiều dân tộc…

[i] 1 Côrintô 9,10b.