Giáo Lý 5 Phút GPCT Tháng 6/2019: Giáo Huấn 27-31 (Có Giải Thích)

Giáo Lý 5 Phút GPCT Tháng 6/2019: Giáo Huấn 27-31 (Có Giải Thích)

GIÁO HUẤN SỐ 27 (2/6/2019)

GIÁO HUẤN SỐ 28(9/6/2019)

GIÁO HUẤN SỐ 29  (9/6/2019)

GIÁO HUẤN SỐ 30 (23/6/2019)

GIÁO HUẤN SỐ 31 (30/6/2019)

GIÁO HUẤN SỐ 27 LUẬT TIN MỪNG (2/6/2019)

H. Luật mới hay luật Tin mừng là gì? (454)

T. Luật mới là luật được Đức Ki-tô rao giảng và thực hiện, là sự viên mãn và hoàn thành Luật Thiên Chúa. Luật mới tóm kết trong điều răn mến Chúa yêu người, và yêu như Đức Ki- tô đã yêu.

Toàn bộ Luật Tin Mừng thu gọn trong Lời Chúa Giê-su: “Thầy ban cho anh em điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau… như Thầy đã yêu thương anh em”. Luật mới, được trình bày cách đặc biệt trong Bài giảng trên núi, dạy ta thực hành các việc bố thí, cầu nguyện, chay tịnh, tất cả qui hướng về Cha, Đấng thấu suốt những gì kín đáo. Kinh Lạy Cha là  lời cầu nguyện của Luật mới. Luật này được tóm lược trong khuôn vàng thước ngọc: “Tất cả những gì anh em muốn người khác làm cho mình, thì anh em cũng hãy làm cho người  ta”.

Các Thánh tử đạo Việt Nam luôn nêu cao gương thực thi Luật mới, “Luật-Yêu-Thương”: Thánh Trùm Đích thường xuyên thăm viếng trại cùi, và còn nuôi người mắc bệnh dịch tại  nhà

Cha Phi-lip-phê Minh dặn dò giáo dân đừng tổ chức an táng tốn kém, hãy để dành tiền giúp người nghèo  khổ.

 

GIÁO HUẤN SỐ 28(9/6/2019)

ÂN SỦNG VÀ CÔNG CHÍNH HÓA

H. Ơn công chính hoá là gì? (456)

T. Là Ơn Chúa ban, giúp ta thông phần đời sống Ba Ngôi Thiên Chúa, và có khả năng hành động vì yêu mến Chúa.

Lời Chúa đã nói rất rõ: “Không có Thầy, anh em chẳng làm   gì được”. Như vậy, ơn công chính hóa là sáng kiến của Thiên Chúa giàu lòng thương xót và tha thứ, cho ta được nên con cái Ngài, nhờ ân sủng của các bí tích, nhất là bí tích Thánh tẩy; cũng như nhờ các đặc sủng khác nhau , nhưng tất cả đều hướng về đức mến, để xây dựng Hội thánh. Công trình đầu tiên của Chúa Thánh Thần là gióng lên trong ta lời mời gọi hoán cải của Đức Giê-su. Ơn Ngài không làm ta mất tự do, nhưng chuẩn bị và khơi dậy sự tự nguyện của ta, hướng dẫn ta đến sự toàn thiện, trong niềm vui của những người là con cái, chứ không trong nỗi lo sợ của những kẻ là nô lệ.

Một trong những minh họa tuyệt đẹp của thái độ phải có đối với ân sủng, là câu trả lời của thánh nữ Gio-a-na, khi các quan tòa vặn hỏi rằng: Cô biết mình có ân nghĩa với Chúa không? Ngài trả lời: “Nếu tôi chưa có, xin Chúa ban cho tôi. Nếu tôi có rồi, xin Chúa thương gìn giữ tôi trong ân nghĩa Ngài”.

GIÁO HUẤN SỐ 29  (9/6/2019)

HỘI THÁNH LÀ MẸ VÀ THẦY

H. Vì sao gọi Hội thánh là Mẹ và Thầy ? (463)

T. Gọi Hội thánh là Mẹ và Thầy, vì Hội thánh sinh thành, dưỡng dục người tín hữu trong đời sống đức tin.

Giáo huấn này dựa trên Lời Chúa Giê-su: “Anh em hãy đi, làm cho muôn dân thành môn đệ, làm phép rửa cho họ… dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy truyền…” Như vậy, Chúa trao cho Hội Thánh sứ mạng làm Mẹ sinh ra ta qua Phép Rửa; cùng với sứ mạng làm Thầy, dạy dỗ ta đón nhận Lời Chúa, nhận lãnh các ân sủng, nhất là từ bí tích Thánh Thể, và học đòi gương thánh thiện của Mẹ Ma-ri-a cùng các thánh. Hội Thánh có trách nhiệm rao giảng về những điều ta phải tin, phải sống, nhất là Hội Thánh thông truyền lòng thương xót của Thiên Chúa, một Lòng Thương luôn lớn hơn tội lỗi, và không ai có thể đặt giới hạn cho tình yêu tha thứ của Ngài, đặc biệt qua bí tích Hòa Giải. Và mỗi ngày qua phụng vụ, Hội Thánh còn nuôi dưỡng ta bằng Lời và Thánh Thể Chúa.

Chính vì ý thức sâu xa trách nhiệm làm Mẹ và Thầy của Hội thánh, nên Đức cha Clê-men-tê Y đã bất chấp bách hại, vượt qua hàng trăm cây số núi rừng, để nhiều lần thăm viếng những họ đạo nhỏ nhất… Còn thầy Đa-minh Mậu thì dạy giáo lý, và rửa tội được 44 người ngay trong tù. Trong đó có một tử tội tên Hưng xin quan hoãn giờ lại, để được rửa tội, rồi vui vẻ tiến ra pháp trường.

GIÁO HUẤN SỐ 30 (23/6/2019)

CÁC ĐIỀU RĂN CỦA HỘI THÁNH

H. Các điều răn của Hội thánh có mục đích gì? (467)

T. Có mục đích nâng đỡ đời sống luân lý, gắn liền với đời sống phụng vụ, và được đời sống phụng vụ nuôi dưỡng.

Giáo huấn này dựa trên Lời Chúa trong Tin mừng Lu-ca: “Ai nghe các con là nghe Thầy, ai từ chối các con là từ chối Thầy; mà ai từ chối Thầy là từ chối Đấng đã sai Thầy”. Hội thánh dạy ta:

Thứ nhất: dự lễ và kiêng việc xác ngày Chúa nhật, cùng các ngày lễ buộc.

Thứ hai: xưng tội trong một năm ít là một lần.

Thứ ba: rước Mình Thánh Chúa trong mùa Phục sinh.

Thứ bốn: giữ chay và kiêng thịt những ngày Hội thánh buộc.

Thứ năm: góp công của xây dựng Hội thánh, tùy theo khả năng của mình.

Hội thánh mời gọi ta giữ các điều răn trên, để giúp cho ta có được tinh thần cầu nguyện, sống theo luân lý, thêm lòng mến Chúa yêu người; nhờ đó, lôi kéo người khác tin vào Thiên Chúa, góp phần xây dựng Hội thánh, làm cho Nước Chúa trị đến.

Các thánh tử đạo Việt Nam luôn giữ chín chắn luật Hội thánh, từ trong tù, các Ngài luôn tìm cách để được xưng tội, rước lễ. Thánh Đa-minh Đạt, Au-gu-ti-nô Huy, Ni-cô-la Thể, dù trong nhà tù, vẫn ăn chay 4 ngày trong tuần.

 

GIÁO HUẤN SỐ 31 (30/6/2019)

MƯỜI ĐIỀU RĂN ĐỨC CHÚA TRỜI

H. Vì sao mọi người phải tuân giữ Mười Điều Răn? (475)

T. Vì Mười Điều răn trình bày những bổn phận căn bản, của con người đối với Thiên Chúa và tha nhân.

Giáo huấn này dựa trên Lời Chúa: “Hãy tuân giữ các huấn lệnh của Thiên Chúa… như đã ghi trong luật Môsê”. Chúa Giê-su tóm tắt các điều răn cách tích cực rằng: “Hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn con… Và hãy yêu người lân cận như chính mình”. Mười điều răn có giá trị cho mọi thời mọi nơi. Không ai có thể chuẩn miễn những điều đã được chính Thiên Chúa ghi khắc trong tâm khảm con người. Ta có thể tuân giữ Mười điều răn, vì Đức Ki-tô đã ban cho ta Thánh Thần và ân sủng của Ngài.

Các thánh tử đạo Việt nam luôn giữ trọn điều tinh túy nhất của Mười điều răn, là “mến Chúa yêu người”, nhất là “mến Chúa hết lòng…”, nên các ngài đã sẵn lòng hiến dâng cả mạng sống mình; Á thánh An-rê Phú yên còn tuyên xưng: “Ước chi tôi có được ngàn mạng sống, để hiến dâng tất cả cho Thiên Chúa, hầu đền đáp ơn Ngài”.

print