Hạt Giống Nẩy Mầm Tuần 8 Mùa Quanh Năm

Hạt Giống Nẩy Mầm Tuần 8 Mùa Quanh Năm

Thứ Hai :

Thứ Ba :

Thứ Tư :

Thứ Năm :

Thứ Sáu :

Thứ Bảy :

 

Thứ Hai :

Mc 10,17-27

 

A. Hạt giống…

Nhân vật của câu chuyện này đã gây ra hai tình cảm của Chúa Giêsu đối với anh, biểu lộ qua hai ánh mắt Ngài nhìn :

  1. Khi biết anh đã giữ trọn các điều răn, Ngài “Chăm chú nhìn anh và đem lòng thương”. Ngài còn mời gọi anh tiến cao thêm một bước nữa là đem hết tài sản bố thí cho người nghèo rồi đi theo làm môn đệ Ngài.
  2. Khi anh tiếc của bỏ đi, Ngài cũng tiếc anh, Ngài “nhìn chung quanh” (một cái nhìn tiếc rẽ) và thốt lên một chân lý “Những kẻ cậy dựa vào của cải thật khó vào Nước Thiên Chúa biết bao”

 

B…. nẩy mầm.

  1. “Anh chỉ còn thiếu một điều, là anh hãy bán đi tất cả tài sản, đem bố thí cho người nghèo…” : Câu này cũng đúng cho tôi. Hình như cái gì tôi cũng sẵn sàng với Chúa cả, miễn là tôi không phải từ bỏ, nhất là từ bỏ tiền bạc của cải.
  2. “Chúa Giêsu chăm chú nhìn anh và đem lòng thương”. Nhưng sau đó anh đã làm cho Ngài thất vọng. Bây giờ Chúa cũng đang chăm chú nhìn tôi bằng cái nhìn đậm đà yêu thương. Nhưng nếu tôi không từ bỏ, không nhất quyết đi theo Ngài thì tôi cũng sẽ làm cho Ngài thất vọng.
  3. “Những kẻ cậy dựa vào tiền bạc thật khó vào Nước Thiên Chúa biết bao”. Đây không phải là nhận định của ai khác mà là của chính Chúa. Bởi thế, trong Tin Mừng, biết bao lần Chúa kêu gọi các môn đệ mình phải có tinh thần nghèo khó và từ bỏ. Không phải Chúa muốn cho môn đệ mình nghèo và khổ, mà vì Ngài muốn cho họ một thứ quý hơn nhiều, là hạnh phúc Nước Thiên Chúa.
  4. Tại một thành phố nọ, có một người hành khất rất đặc biệt. Ông xin như sau :

– Hãy cho tôi tiền bạc của ông bà, hãy cởi bỏ gánh nặng của tiền bạc để được tự do.

Một người khách qua đường thắc mắc, thì anh giải thích :

– Tôi ngửa tay xin vì tôi muốn ích lợi cho người ta, bởi vì tiền bạc đầy túi làm cho người ta bận tâm lo lắng.

Người khách không tin nên rình xem người ăn xin này xử dụng tiền bạc ra sao. Chiều hôm đó ông thấy người hành khất bước đến gần đầu cầu, đổ hết tiền bố thí vào cái mũ cũ kỹ, chọn lấy vài đồng đủ để mua lương thực cho ngày hôm sau, số còn lại ông đổ hết xuống sông, rồi quay về cái chòi lụp xụp ở ngoại ô thành phố để nghỉ qua đêm. (Chờ đợi Chúa)

  1. ” Đức Giêsu Đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh : Anh chỉ thiếu có một điều là hãy đi bán những gì anh có cho người nghèo (Mc 10,21)

Bất kỳ ai xin vào Tu hội Nữ Tử Bác Ái của Mẹ Têrêsa đều nhận được một tờ giấy có ghi câu hỏi này : Tại sao bạn muốn trở nên một Nữ Tử Bác Ái ? Các bạn trẻ thường trả lời :

– Con muốn tìm một đời sống cầu nguyện

– Con muốn sống đời khó nghèo

– Con muốn hiến thân phục vụ người nghèo

Nhưng một trong các bạn trẻ viết như sau : “Thưa mẹ, đã nhiều lần con như nghe thấy tiếng Chúa Giêsu mời gọi con tận hiến trọn đời sống cho Ngài. Con đã suy nghĩ nhiều, tự hỏi chính mình và các vị linh hướng xem Chúa muốn con vào dòng nào. Cuối cùng con đã quyết định chọn tu hội của Mẹ vì con muốn có cơ hội từ bỏ mọi giầu sang trần thế. để bước vào cuộc sống nghèo khó và hy sinh.”

Lạy Chúa, xin cho con có được niềm vui hiến dâng, biết quan tâm phục vụ những người nghèo khổ thiếu thốn. (Hosanna)

 

Thứ Ba :

Mc 10,28-31

 

A. Hạt giống…

Hôm qua, Chúa Giêsu dạy phải từ bỏ mọi sự để đi theo làm môn đệ Ngài. Hôm nay Ngài cho biết phần thưởng của sự từ bỏ. Phần thưởng ấy là :

– được lại gấp trăm ở đời này

– cùng với sự bắt bớ : nghĩa là được chia xẻ số phận của Chúa Giêsu.

– và hạnh phúc vĩnh cửu đời sau.

 

B…. nẩy mầm.

  1. Khoa toán học của Tin Mừng rất lạ thường : “Bỏ thì được, giữ thì mất”. Quả thật, làm môn đệ Chúa, chúng ta phải bỏ rất nhiều : bỏ nhiều khoảng thời giờ xem Vidéo để cầu nguyện buổi tối, bỏ nhiều món tiền rất dễ “ăn” để giữ đức công bình, bỏ thời giờ và công sức để thực thi bác ái, bỏ ý riêng để sống đức vâng lời… Kẻ dâng mình cho Chúa bỏ hạnh phúc lứa đôi… Nhiều khi tôi không bỏ nổi, hoặc vừa bỏ vừa tiếc, là vì tôi vẫn còn tính toán theo khoa toán học của thế gian. Tôi có thể nói như Phêrô chưa : “Đây con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy” ?
  2. Người ta chỉ bỏ cái này để lấy cái kia khi biết cái kia quý hơn cái này. Nếu tôi chỉ bỏ những thứ mà tôi thừa thải, những thứ mà tôi đã chán chê thì cái bỏ đó không có giá trị. Bởi đó Chúa nói rõ “Bỏ… vì Thầy và vì Tin Mừng”. Muốn bỏ cho có giá trị, muốn bỏ mà lòng vẫn vui, tôi phải yêu mến Chúa và Tin Mừng hơn tất cả mọi sự khác.
  3. “Cùng với sự bắt bớ” : Chúa Giêsu kể cả sự bắt bớ vào số phần thưởng gấp trăm Ngài ban cho kẻ từ bỏ. Nghĩa là, đối với kẻ thực sự từ bỏ, thì ngay cả khi bị bắt bớ họ vẫn cảm thấy hạnh phúc. Được như vậy quả là một phần thưởng quá lớn.
  4. “Thầy bảo thật anh em : chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà bây giờ, ngay ở đời này, lại không nhận được gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống đời ở đời sau.” (Mc 10,29-30)

Một người nữ bệnh nhân đếm từng ngày sống thoi thóp của mình bằng những chiếc lá rụng dần từ một cành cây nhìn thấy qua khung cửa sổ. Đến khi trên cành chỉ còn một chiếc lá duy nhất, cô nói với người thân của mình : “Nếu đêm nay, chiếc lá cuối cùng không còn nữa, em sẽ chết !” Ở phòng trọ bên dưới, có một hoạ sĩ tình cờ nghe được. Nửa đêm, giữa trời tuyết lạnh lẽo, ông bắc thang vẽ một chiếc lá vàng ở bức tường sát cành cây khô. Lúc hoàn tất kiệt tác cũng là lúc người ta thấy ông chết trong băng giá. Nhưng sáng hôm sau, người bệnh thức dậy, nhìn lên cành cây và reo lên : “Em vẫn còn có thể sống một hôm nữa !”

Không biết cô gái ấy sống bao nhiêu nữa, nhưng điều chắc chắn là người hoạ sĩ đã nằm xuống trong hạnh phúc tuyệt vời. Ông đã dám sống từ bỏ.

Lạy Chúa, xin cho con hiểu hết giá trị của sự từ bỏ và dám sống từ bỏ. (Hosanna)

 

Thứ Tư :

Mc 10,32-45

 

A. Hạt giống…

Hai cảnh tượng đối nghịch nhau một cách trắng trợn :

– Chúa Giêsu loan báo (đây đã là lần thứ ba) rằng Ngài sắp chịu nạn, chịu chết và sống lại.

– Hai môn đệ Giacôbê và Gioan lại xin hai địa vị ưu tiên trong “nước” mà họ nghĩ Chúa Giêsu sắp thành lập. 10 môn đệ kia bực tức. Không phải vì cho rằng hai môn đệ này sai mà vì nghĩ họ đã muốn “chơi trội” hơn mình trong cuộc chạy đua tranh dành địa vị.

Trong bối cảnh đó, Chúa Giêsu dạy về Nước Thiên Chúa và nước trần gian, về cách cư xử của những người lớn trong hai nước đó :

– Trong nước trần gian, kẻ làm lớn thì lấy quyền mà trị dân, bắt dân phục vụ mình.

– Trong Nước Thiên Chúa, làm lớn là làm đầy tớ, càng làm lớn thì càng phải phục vụ.

 

B…. nẩy mầm.

  1. “Chúa Giêsu lên đường đi Giêrusalem. Chúa Giêsu dẫn đầu đi trước họ, và các ông hết sức bỡ ngỡ, những người theo sau thì sợ hãi” : Khi viết câu này, có lẽ thánh Mác-cô cũng muốn nói lên tâm trạng của các kitô hữu trong giáo đoàn của ngài. Họ đang bị đế quốc rôma bắt bớ. Họ biết rằng làm môn đệ là phải đi theo Chúa Giêsu. Họ cũng biết có Chúa Giêsu dẫn đầu đi trước họ. Nhưng họ vẫn bỡ ngỡ và sợ hãi. Đó cũng là tâm trạng của chúng ta ngày nay.

Lạy Chúa, chúng con sợ. Nhưng xin Chúa nâng đỡ chúng con, để chúng con kiên trì theo chân Chúa cho đến cùng.

  1. “Các con không biết các con xin gì” : nhiều khi tôi cũng xin Chúa những điều mà tôi không hiểu, những điều hoàn toàn ngược với thánh ý Chúa.
  2. “Lãnh tụ các nước thì sai khiến dân chúng như ông chủ…. Còn các con… ai muốn làm lớn thì hãy làm đầy tớ…” : Trong cộng đoàn, tôi cũng có một chút “quyền”, một chút “địa vị”. Tôi đã dùng chúng như thế nào : như một ông chủ hay như một đầy tớ ?
  3. “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em, ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em.” (Mc 10,43-44)

Lượm cuốn sách lên cho nội, bé Thảo thắc mắc :

– Tại sao bà không cúi xuống được hở bà ?

– Chân người già yếu lắm con, vả lại, khi cúi xuống bà thường bị chóng mặt, hoa mắt chỉ chực té thôi !

– Ồ, “cúi xuống” mà khó đến vậy sao ? cô bé thốt lên đầy kinh ngạc…

… Đã từ lâu, người ta thường nhắc tới căn bệnh “sĩ” trong thời sinh viên, những kẻ “coi trời bằng vung”. Vì “sĩ” người ta có thể làm tất cả, người ta học giỏi, chấp nhận nghèo khổ ; vì “sĩ” người ta ăn chơi, người ta đánh nhau vì một câu nói vô tình v.v… Nhưng mấy ai vì “sĩ” mà “cúi xuống” để phục vụ người ?

Lạy Chúa, xin cho đôi chân con thật vững, trái tim con đầy ắp yêu thương, để con biết “cúi xuống”, dẫu có lúc chỉ vì thế mà phải chịu nhiều chuyện rắc rối, bởi xác tín rằng ngày xưa và mãi mãi, Ngài vẫn luôn làm như thế. (Hosanna)

 

Thứ Năm :

Mc 10,46-52

 

A. Hạt giống…

Liền sau chuyện Giacôbê và Gioan xin địa vị ưu tiên trong “nước” Chúa Giêsu sắp thành lập, Mc viết tiếp chuyện anh Bartimê như để “sửa lưng” các môn đệ. Bartimê là tấm gương cho tất cả những ai muốn “thấy” Chúa Giêsu thực sự là ai và thực lòng muốn “đi theo” Ngài.

– Mặc dù mù, nhưng anh tha thiết “xin cho tôi được thấy”, và cuối cùng anh đã thấy. Khi thấy rồi, anh còn “đi theo” Chúa Giêsu lên Giêrusalem (ở đó Ngài sẽ chịu nạn chịu chết và sống lại).

– Trước đó, khi được Chúa Giêsu gọi, anh đã từ bỏ (“liệng áo choàng”), thay đổi nếp sống (từ “ngồi ở vệ đường” đến “đứng dậy”), quy hướng về Chúa Giêsu (“nhảy đến với Chúa Giêsu”).

 

B…. nẩy mầm.

  1. “Xin cho con được thấy” : Đây cũng là lời cầu xin của các tín hữu trong cộng đoàn của Mác-cô. Họ đang sống trong một thời kỳ bị bách hại, nghi kỵ và khinh miệt. Họ không biết phải sống như thế nào. Họ xin Chúa cho họ thấy con đường mà họ phải sống và đi theo Ngài. Một phần nào đó, tôi cũng không biết phải sống thế nào trong hoàn cảnh hiện tại của tôi. Tôi hãy mượn lời anh Bartimê để cầu xin với Chúa : “Lạy Chúa, xin cho con được thấy”.
  2. “Nhiều người mắng anh… Người ta gọi anh mù và bảo ‘Hãy vững tâm đứng dậy. Ngài gọi anh đó” : tha nhân có khi là cản trở, có khi là trợ lực giúp ta đến với Chúa. Xin Chúa giúp con, khi bị tha nhân cản trở, vẫn cương quyết một lòng hướng về Chúa ; và khi được tha nhân trợ lực, con càng tiến đến Chúa cách tích cực hơn.
  3. “Mỗi năm một lần vào mùa xuân, những sức mạnh ẩn mình của trái đất bỗng bừng dậy. Hoa nở, lá cây đâm chồi, cỏ mọc, lúa vươn lên… Sức sống mà Thiên Chúa dấu ẩn bấy lâu trong lòng đất bỗng đột ngột vươn dậy. Vài tháng trước đó, nếu không có kinh nghiệm của những mùa xuân đã qua, thì có ai mà ngờ sẽ thấy được cảnh sống lại huy hoàng của thiên nhiên như vậy. Đối với mùa xuân vĩnh cửu cũng thế. Có nhiều điều rất kỳ diệu tự ta không thấy nhưng Chúa có thể cho ta thấy… Lạy Chúa, xin mở mắt con” (Newman)
  4. Lời kể của một bà mẹ :

Tôi có một đứa con mù từ lúc mới sinh. Khi cháu được 20 tháng, lần đầu tiên tôi đưa cháu đến một siêu thị. Cứ vài bước, nó lại dừng lại để lắng nghe những tiếng động chung quanh : tiếng chân của những người đi bộ, tiếng xe chạy, tiếng chim đang hót, tiếng gió mát từ xa thổi đến…

Trên đường về, tôi nhận thấy con tôi vui vẻ rộn rã hơn bao giờ hết. Nụ cười của nó nói với tôi rằng buổi sáng hôm đó là buổi sáng đẹp nhất đối với nó vì nó đã khám phá được những điều mới mẻ kỳ diệu.

Riêng tôi, tôi tự hỏi : con tôi và tôi, ai thực sự là kẻ mù loà ? (Chờ đợi Chúa)

  1. “Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy tới gần Chúa Giêsu. Người hỏi : Anh muốn tôi làm gì cho anh ? Anh mù đáp : Thưa Thầy, xin cho con nhìn thấy được”. (Mc 10,50-51)

“Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”

Mắt là cảm hứng cho thi sĩ làm thơ, cho nhạc sĩ viết nên cung nhạc. Mắt là hồn cho thơ, là sóng cho nhạc. Có người nhìn đôi mắt như mùa thu. Có người nhìn đôi mắt như dòng sông. Trong văn chương và nghệ thuật, cảm hứng về mắt bao giờ cũng đẹp. Trái lại khi nói về mắt, Phúc Âm lại nói về đôi mắt mù. Mù đôi mắt thân xác đã bất hạnh, còn mù đôi mắt tâm hồn lại là một bất hạnh lớn. Mù đôi mắt tâm hồn là “mù” mà không chấp nhận mình “mù”, vì nghĩ rằng mình vẫn sáng suốt để nhận ra Chúa. Nhưng đâu ngờ, đằng sau đôi mắt ấy, có thể chỉ là một màn đêm lạnh lẽo. Một tâm hồn trống trải, buồn tênh. Chẳng buồn nghe và thực thi lời Chúa nữa. 

Lạy Chúa Giêsu, xin mở mắt tâm hồn con vì con cần được khai mở để nhận ra Chúa và bước theo Ngài là Đường, là sự Thật và là sự Sống của con (Hosanna)

 

Thứ Sáu :

Mc 11,11-26

 

* Đặt trong sơ đồ chung của Tin Mừng Mc :

Các bài Tin Mừng từ hôm nay đến hết tuần IX (tức là Mc 11,1–13,37) tường thuật cuộc đối đầu quyết liệt giữa Chúa Giêsu với các nhà lãnh đạo tôn giáo do thái.

 

A. Hạt giống…

  1. Liền trước đoạn này là đoạn tường thuật Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem cách long trọng. Sau khi vào thành, nơi đầu tiên Chúa đến là đền thờ Giêrusalem, Ngài rảo mắt nhìn một lượt, rồi lui về Bêtania.
  2. Đoạn này tường thuật những chuyện xảy ra ngày hôm sau :

a/ Chuyện rủa cây vả : cây vả là hình ảnh của dân do thái. Cách sống đạo của họ bề ngoài rất tốt đẹp như một cây xanh lá, nhưng thực chất không có tâm tình thờ phượng Thiên Chúa đích thực.

b/ Cụ thể của lối sống đạo đó là sinh hoạt nơi Đền thờ : một mặt người ta chỉ lo mua bán lễ vật mà không quan tâm tới thi hành ý Thiên Chúa, mặt khác là kỳ thị không cho người ngoại vào đền thờ. Như thế là việc thờ phượng Thiên Chúa đã bị làm lệch lạc : “Nhà Ta là nhà cầu nguyện cho muôn dân, thế mà các ngươi đã biến thành hang trộm cướp”. Qua hành động đánh đuổi những người buôn bán, Chúa Giêsu muốn thanh tẩy việc thờ phượng.

c/ Sau đó, các môn đệ thấy cây vả hôm qua nay đã bị héo khô. Họ hỏi Chúa Giêsu, và Ngài nhân đó dạy cho họ một bài học về sức mạnh của đức tin : Nếu ai có đức tin thì có thể chẳng những khiến một cây vả đang tươi trở thành khô héo, mà còn làm được những điều trọng đại hơn nữa, chẳng hạn như chuyển núi dời non.

 

B…. nẩy mầm.

  1. Tâm hồn tôi là đền thờ của Thiên Chúa. Nếu hôm nay Chúa Giêsu vào đó và “đưa mắt quan sát mọi sự”, Ngài sẽ thấy gì ? Có những gì khiến Ngài không hài lòng ? Ngài sẽ nổi giận đánh đuổi và lật đổ những gì ?
  2. Phải chăng tâm hồn tôi cũng như cây vả trong đoạn Tin Mừng này : nếu chỉ nhìn tôi đọc kinh, dự lễ, người ta tưởng tôi đạo đức sốt sắng lắm. Nhưng nếu nhìn vào tận đáy lòng tôi, người ta sẽ thấy đó chỉ là một cái cây khô héo ?
  3. “Khi các con đang cầu nguyện, nếu các con có điều gì bất thuận với ai, hãy tha thứ”. Chúa đang nói với tôi đó. Tôi hãy mau mắn làm như lời Chúa dạy.
  4. “Nào đã chẳng có lời chép rằng : Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện dành cho mọi dân tộc sao ? thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp !” Các thượng tế và kinh sư nghe thấy vậy, thì tìm cách giết Đức Giêsu. (Mc 11,17-18)

Các thượng tế và kinh sư cứ muốn bắt bẻ Đức Giêsu.

Con người đứng trước Thiên Chúa, lại cứ muốn bắt bẻ, hạ bệ Người.

Trong cuộc sống hàng ngày, cũng có lúc tôi muốn bắt bẻ Chúa, để bắt bí Ngài, để hạ bệ Ngài hầu được an toàn làm điều mình thích.

Lạy Chúa, xin thứ tha và cho con luôn biết đón nhận Ngài. (Hosanna)

 

Thứ Bảy :

Mc 11,27-33

 

A. Hạt giống…

  1. Việc Chúa Giêsu đánh đuổi những người buôn bán trong đền thờ đã khiến các trưởng tế, luật sĩ và kỳ lão nổi giận. Họ đến chất vấn Ngài : “Ông lấy quyền nào mà làm sự đó ?”
  2. Chúa Giêsu không tự đưa ra câu trả lời, nhưng hỏi ngược lại họ về nguồn gốc phép rửa của Gioan tẩy giả. Không phải Ngài tránh né vấn đề, nhưng đây là cách Ngài khuyến khích họ suy nghĩ : nếu họ đừng có thành kiến nhưng biết sáng suốt nhận định thì họ sẽ thấy rõ sứ mạng của Gioan là bởi trời, và sứ mạng cùng quyền năng của Chúa Giêsu cũng bởi trời.
  3. Nhưng vì muốn bám chặt vào thành kiến nên họ đã không chịu suy nghĩ.

 

B…. nẩy mầm.

  1. Thành kiến là ngục tù giam hãm con người. Thành kiến làm cho người ta phán đoán sai lệch “Thương ai thương cả đường đi, ghét ai ghét cả tông chi họ hàng” ; “Đã thương quả ấu cũng tròn, không thương bồ hòn cũng méo”. Tôi có thành kiến không ? Thành kiến với ai ? Thành kiến chuyện gì ?
  2. Chúa cũng thích đối thoại với tôi. Nhưng nếu Ngài bảo “Hãy trả lời Ta đi” mà tôi tránh né “Con không biết”, thì Ngài cũng lại nói “Vậy thì Ta cũng không nói cho con biết”. Xin cho con biết lắng nghe những câu Chúa chất vấn con. Xin cho con cảm đảm trả lời thành thật. Và xin cho con được biết Chúa muốn dạy con làm gì.
  3. Có một nhà thiên văn nọ sáng chế được một viễn vọng kính. Đêm nọ ông bỗng phát hiện một con rồng trên mặt trăng. Ông chạy khắp thành phố mời bạn bè đến xem khám phá của ông. Mọi người xem đều tấm tắc khen ngợi tài năng của ông. Nhưng trong đám đông hiếu kỳ, có một nhà thiên văn học kỳ cựu cũng đến để tìm hiểu thực hư. Vừa đưa mắt nhìn vào viễn vọng kính, ông mỉm cười một cách bí ẩn rồi mở ống kính ra, cho mọi người thấy có một con ruồi đã chết cứng trong đó. Thì ra con rồng trên mặt trăng không là gì khác hơn là con ruồi nằm trong ống kính.

Chúng ta dễ có khuynh hướng nhìn người khác qua lăng kính những thành kiến có sẵn.

  1. “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy ?” (Mc 11,28)

Các thượng tế và ký lục đã chất vấn Chúa Giêsu như thế, khi Người xua đuổi những kẻ buôn bán trong đền thờ.

Tôi cũng là đền thờ của Chúa nhưng tội lỗi đã làm ô uế đến thời ấy. Tôi cũng hỏi Chúa câu trên khi Ngài yêu cầu tôi đánh đổ những thành kiến, xua đuổi các tật xấu và ý nghĩ xấu xa…

Chúa Giêsu muốn con người hiểu rằng Ngài có quyền đòi hỏi mọi người phải tôn trọng đền thờ Cha Ngài.

Tại sao tôi lại chất vấn quyền của Chúa nhỉ ?

Lạy Chúa, xin cho con đừng tra hỏi Ngài nhưng biết khẳng định quyền của Ngài trên đời sống hàng ngày của con. (Hosanna)

print