Học hỏi Phúc Âm Chúa Nhật XVII thường niên Năm A

print

HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT 17 THƯỜNG NIÊN NĂM A            

Mt 13,44-52

44 “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.

 45 “Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp.46 Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.

47 “Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá.48 Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài.49 Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, 50 rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.

51 “Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không? ” Họ đáp: “Thưa hiểu.” 52 Người bảo họ: “Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ.”

Câu hỏi:

1. Đức Giêsu nói những dụ ngôn trong bài Phúc âm này ở đâu và với ai? Đọc Mt 13,36.

2. Đọc Mt 13,44-46. Tìm những điểm giống nhau và khác nhau giữa hai dụ ngôn trên

3. Tại sao cả hai nhân vật trong hai dụ ngôn trên đều vui lòng bán tất cả để mua Kho Báu và Viên Ngọc quý?

4. Đâu là điều Chúa muốn dạy ta trong hai dụ ngôn Kho báu và Viên Ngọc quý?

5. Làm sao tôi có thể nhận ra Nước Trời là Kho Báu và Viên Ngọc quý? Làm sao để kho tàng vật chất ở đời này không hấp dẫn tôi hơn Kho Báu Nước Trời? Đọc Mt 6,19-21.24.33; 7,13-14.

6. Tìm những điểm giống nhau giữa dụ ngôn Chiếc lưới ở Mt 13,47-50 với dụ ngôn Cỏ lùng ở Mt 13,24-30.37-43.

7. Đọc Mt 13,48-50. Thế nào là cá xấu, thế nào là cá tốt? Đọc Lêvi 11,9-12. Cá tốt và cá xấu tượng trưng cho ai?

8. Đâu là điều Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta qua dụ ngôn Chiếc lưới? Nó có khác với điều Chúa muốn dạy ta trong dụ ngôn Cỏ lùng không?

9. Đọc Mt 13,51. Các môn đệ có “hiểu” ý nghĩa các dụ ngôn về Nước Trời không? Nhờ đâu mà họ “hiểu” được các dụ ngôn? Đọc Mt 13,10-11.

10. Các môn đệ có hiểu trọn vẹn không? Đọc Mt 15,16. Nếu họ “hiểu” thì kết quả ra sao? Đọc Mt 13,23.

CÂU HỎI & TRẢ LỜI

  1. Đức Giêsu nói những dụ ngôn trong bài Tin Mừng này ở đâu và với ai? Đọc Mt 13,36.
  2. Đọc Mt 13,44-46. Tìm những điểm giống nhau và khác nhau giữa hai dụ ngôn trên
  3. Tại sao cả hai nhân vật trong hai dụ ngôn trên đều vui lòng bán tất cả để mua Kho Báu và Viên Ngọc quý?
  4. Đâu là điều Chúa muốn dạy ta trong hai dụ ngôn Kho báu và Viên Ngọc quý?
  5. Tìm những điểm giống nhau giữa dụ ngôn Chiếc lưới ở Mt 13,47-50 với dụ ngôn Cỏ lùng ở Mt 13,24-30.37-43.
  6. Đọc Mt 13,47-50. Thế nào là cá xấu, thế nào là cá tốt? Đọc Lêvi 11,9-12. Cá tốt và cá xấu tượng trưng cho ai?
  7. Đâu là điều Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta qua dụ ngôn Chiếc lưới? Nó có khác với điều Chúa muốn dạy ta trong dụ ngôn Cỏ lùng không?
  8. Đọc Mt 13,51-52. Đâu là nhiệm vụ của các môn đệ Đức Giêsu sau khi được nghe Ngài giảng về mầu nhiệm Nước Trời?  

GỢI Ý SUY NIỆM:

Khi sống ở đời, dính bén với vật chất của cải, chúng ta thường thấy Nước Trời hay thiên đàng là chuyện xa xôi, không mấy hấp dẫn. Làm sao có thể thấy Nước Trời như kho báu, như viên ngọc quý, để chúng ta dám vui vẻ hy sinh thú vui của những sự đời này?

PHẦN TRẢ LỜI
 

  1. Từ Mt 13,36 đến Mt 13,52 Đức Giêsu nói riêng cho các môn đệ tại nhà. Ngài giải thích cho họ dụ ngôn Cỏ lùng (Mt 13.36-43). Sau đó Ngài kể thêm ba dụ ngôn nữa: dụ ngôn Kho báu, dụ ngôn Viên ngọc quý và dụ ngôn Chiếc lưới (Mt 13,44-50). Cuối cùng, Ngài nói cho các môn đệ biết về nhiệm vụ của họ trong tư cách những kinh sư của Nước Trời (Mt 13,51-52).
  2. Dụ ngôn Kho báu và dụ ngôn Viên ngọc quý có những nét giống nhau và khác nhau. Cả hai đều bắt đầu bằng câu “Nước Trời giống như” (Mt 13,44.45). Sau đó là một câu chuyện được kể lại. Cả hai câu chuyện đều ví Nước Trời với một vật có giá trị lớn lao, đó là kho báu hay viên ngọc quý. Có người “tìm thấy” (= gặp được = tìm được) kho báu hay viên ngọc đó, thì “đi và bán tất cả những gì người ấy có và mua”. Tuy nhiên, hai dụ ngôn cũng có những chi tiết khác nhau, dù không quan trọng mấy. Trong dụ ngôn trước, kho báu được ai đó chôn trong một thửa ruộng. Một người tình cờ “tìm thấy” kho báu đó, chứ anh không phải mất công tìm kiếm. Anh vội chôn lấp lại, vì sợ người khác biết được. Sau đó anh mới đi và bán mọi sự để mua thửa ruộng đó. Như thế anh có thể làm chủ được kho báu một cách hợp pháp. Trong dụ ngôn sau, một thương gia phải cất công để đi tìm ngọc đẹp. Như một sự tình cờ, tuy cũng do nỗ lực tìm kiếm của bản thân, người thương gia tìm thấy một viên ngọc quý hiếm. Với con mắt lành nghề, ông nhận ra giá trị cao của nó, nên ông cũng đi và bán tất cả để mua viên ngọc đó cho bằng được.
  3. Trong cả hai dụ ngôn, để có được kho báu hay viên ngọc quý, người ta đều phải “đi và bán tất cả những gì mình có mà mua” (Mt 13, 44.46). Bán tất cả là một quyết định khó thực hiện. Khi bán tất cả, người ta chẳng còn gì. Để dám bán tất cả, người ta phải xác tín rằng kho tàng trong ruộng hay viên ngọc quý có giá trị hơn “tất cả những gì mình đang có”. Dù sao người ta cũng phải liều lĩnh để làm cuộc đánh đổi quan trọng này. Phải chấp nhận trắng tay trước khi hy vọng sẽ trở nên giàu có. Phải bảo đảm là khi bán tất cả tài sản của mình, mình sẽ có đủ tiền để mua được thửa ruộng có chứa kho báu hay mua được viên ngọc quý.
  4. Cả hai dụ ngôn đều nhấn mạnh đến việc bán “tất cả những gì mình có”, chứ không chỉ “một phần những gì mình có”. Để chiếm hữu được Nước Trời, người ta phải đánh đổi toàn bộ những gì mình sở hữu trên trần gian. Đó là điều Đức Giêsu đã đòi hỏi nơi người thanh niên giàu có (Mt 19,21). Vấn đề là chúng ta có khám phá ra được giá trị của Nước Trời không. Nước Trời có thật sự là kho báu hay ngọc quý dưới mắt chúng ta chưa? Nếu chưa, chúng ta sẽ khó lòng hy sinh những gì mình đang có và đang là, để sở hữu được Nước Trời. Người thanh niên giàu có buồn rầu bỏ đi vì anh chưa thấy Nước Trời lớn hơn khối tài sản dưới đất của anh (Mt 19,22). Còn người tìm được kho báu trong dụ ngôn thì vui sướng đi bán tất cả (Mt 13,44).
  5. Dụ ngôn Chiếc lưới (Mt 13,47-50) và dụ ngôn Cỏ lùng (Mt 13,24-30.36-43) có những điểm giống nhau. Trong chiếc lưới có cá tốt và cá xấu, còn trong ruộng có lúa tốt và cỏ lùng. Khi lưới được kéo lên bãi, người ta lấy cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì quăng đi. Khi đến mùa gặt, người ta thu lúa tốt vào kho, còn cỏ lùng thì bó lại và đốt đi. Nói chung cả hai dụ ngôn này đều nói về ngày tận thế, khi các thiên thần xuất hiện và tách biệt kẻ dữ với người lành. Vào ngày ấy, kẻ dữ bị trừng phạt nặng nề, còn người công chính thì được ở trong Nước Cha.
  6. Chiếc lưới được thả xuống biển, bắt được mọi loại cá tốt xấu. Ngư phủ thường ngồi lựa cá sau khi kéo lưới lên bờ. Có cá tốt và cá xấu. Theo sách Lê-vi 11,9-12, chỉ những loài dưới nước có vây và có vảy người Do-thái mới được phép ăn. Không hội đủ hai tiêu chuẩn này, thì chúng là “loài kinh tởm”. Thí dụ như tôm, nghêu sò , lươn… Cá cũng vậy, có thứ cá không được phép ăn như cá da trơn, chỉ quăng đi thôi. Hình ảnh chiếc lưới có cá tốt và cá xấu, giống với hình ảnh thửa ruộng có lúa tốt và cỏ lùng. Đó là hình ảnh về thế giới loài người. Có người tốt, người xấu, kẻ ác và người công chính.
  7. Dụ ngôn Chiếc lưới có cùng bài học như dụ ngôn Cỏ lùng. Chuyện thưởng phạt là chuyện của Thiên Chúa. Ngài chỉ làm việc này vào ngày tận thế (Mt 13,40.49). Lúc đó Ngài mới tách biệt kẻ dữ và người lành, cỏ lùng và lúa tốt, cá xấu và cá tốt. Chúng ta không nên phán xét thay Thiên Chúa. Cần kiên nhẫn và khoan dung, vì bây giờ chưa phải là lúc thưởng phạt cuối cùng!
  8. Mát-thêu 13,51-52 là phần kết cho cả chương Mt 13. Khi các môn đệ hiểu được những lời giảng của Đức Giêsu về mầu nhiệm Nước Trời, họ có nhiệm vụ trở nên những “kinh sư” dạy lại cho người khác những gì họ đã thông hiểu về Nước Trời (x. Mt 28,20). Họ giống như ông chủ nhà biết vận dụng cái mới của Thầy Giêsu, và cái cũ của Luật Môse.

 Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J.