Học Kinh Thánh của Cha Carôlô Hồ Bạc Xái: Luca Chương 11
BÀI 48: TẦM QUAN TRỌNG CỦA CẦU NGUYỆN (11,1-13)
BÀI 49: QUỶ VƯƠNG BÊENDÊBUN (11,14-26)
BÀI 50: HẠNH PHÚC THẬT (11,27-28)
BÀI 51: DẤU CHỈ GIÔNA (11,29-32)
BÀI 53: KHIỂN TRÁCH PHARISÊU VÀ THÔNG LUẬT (11,37-54)
BÀI 48: TẦM QUAN TRỌNG CỦA CẦU NGUYỆN (11,1-13)
I- SO SÁNH VỚI MATTHÊU 6,9-13
1/ Về văn mạch:
– Kinh Lạy Cha trong Mt nằm trong một đơn vị văn chương kéo dài từ 6,1 đến 6,18, trong đó Đức Giêsu dạy môn đệ mình đừng làm những việc đạo đức thông thường với ý hướng khoe khoang như người Do thái (bố thí, cầu nguyện và ăn chay), nhưng kín đáo chỉ cần Cha trên trời biết mà thôi.
– Còn Kinh Lạy Cha trong Lc nằm trong đơn vị văn chương 11,1-13, trong đó Đức Giêsu nhấn mạnh đến hiệu quả của lời cầu nguyện kiên trì, bởi thế tiếp theo Kinh Lạy Cha, Lc còn ghi thêm dụ ngôn về người bạn thân ban đêm kiên trì gõ cửa vay bánh, và lời kết luận của Đức Giêsu khuyên kiên trì cầu nguyện.
2/ Về số lượng lời xin: Kinh Lạy Cha trong Lc chỉ có 2 ước nguyện và 3 lời xin, trong Mt tới 7 lời xin.
3/ Riêng lời xin tha thứ:
– Mt: “Xin Cha tha nợ của chúng con, như chúng con đã tha nợ cho những kẻ mắc nợ chúng con”.
– Lc: “Xin Cha tha tội cho chúng con, vì chúng con cũng tha cho những kẻ phạm tội đối với chúng con”.
II- GIẢI THÍCH CHI TIẾT
c 1 – “Lần kia Đức Giêsu cầu nguyện”: Lc thường nói tới việc Đức Giêsu cầu nguyện. Đây là lần thứ sáu trong Lc nói về việc này.
– “Như ông Gioan đã dạy môn đệ mình”: thời đó có nhiều nhóm tín ngưỡng, mỗi nhóm có một lời cầu nguyện riêng. Khi các môn đệ của Đức Giêsu xin Thầy dạy cho mình một lời cầu nguyện riêng, nghĩa là họ đã ý thức mình thuộc về một cộng đoàn Messia có nét độc đáo hơn những nhóm khác.
c 2 – Lời kinh Đức Giêsu dạy gồm một lời kêu Chúa, hai ước nguyện và ba điều xin.
– Lời kêu Chúa là “Lạy Cha”: từ thế kỷ thứ ba trước công nguyên, nhiều dân tộc cũng đã biết gọi thần linh của họ là Cha. Nhưng Cựu Ước không muốn người ta coi Thiên Chúa cũng giống như con người nên rất ít khi gọi Thiên Chúa là Cha (tất cả Cựu Ước chỉ gọi như thế có 14 lần), bởi thế không có một lời nguyện Cựu Ước nào dám gọi Thiên Chúa là Cha. Phần Đức Giêsu thì ngược lại, Ngài luôn gọi Thiên Chúa là Cha (10,21). Đặc biệt hơn nữa, tiến Ngài dùng trong nguyên ngữ Aram là Abba tức là tiếng mà trẻ thơ gọi ba của nó (Abba-Imma ba ba – má má). Chính vì tính cách quá thân mật của tiếng Abba nên trước đó chẳng ai dám dùng nó để gọi Thiên Chúa. Thế mà Đức Giêsu lại dùng, vì thế có thể nói Abba là ipsissima Vox của Đức Giêsu, Mt 11,27 “Chẳng ai biết Cha trừ ra Con và kẻ mà Con muốn mạc khải cho”, tiếng Abba biểu lộ cách sâu sắc giữa Thiên Chúa và Đức Giêsu. Hi Đức Giêsu dạy cho chúng ta inh Lạy Cha và ban quyền cho ta cũng được gọi Thiên Chúa là Abba thì Ngài cũng cho ta chia sẻ quyền làm con và sự hiểu biết sâu sắc ấy.
– Tiếp theo là hai ước nguyện: nguyện cho Danh Cha vẹn hiển và Triều đại Cha mau đến. Chúng rất giống phần cuối của kinh Qaddish của người Do thái: “Xin cho Đại Danh của Ngài được tác thành trong thế giới mà Ngài tạo dựng theo ý Ngài. Xin cho Vương quyền của Ngài được thành lập trong đời sống chúng con một cách nhanh chóng và sớm sủa. Amen”.
Như thế hai lời xin này có mầu sắc cánh chung vì nhắm tời lúc Danh Chúa và Vương quyền của Ngài được tác thành vĩnh viễn (Kh 11,15). Chỉ có điều khác nhau là người Do thái không biết rằng thời cánh chung ấy đã đến, còn Kitô hữu thì tin rằng nó đã đến rồi, họ cầu xin là cho nó được hoàn tất trọn vẹn.
– “Ước nguyện thứ nhất”: Danh là biểu thị chính người mang nó ‘được tác thành’, bản dịch tiếng pháp là ‘soit sanctifié’ ở thể thụ động, ám chỉ tác nhân là Thiên Chúa. Thực ra Thiên Chúa tự bản chất đã là ‘Thánh’ chẳng ai có thể thêm chút gì vào sự thánh thiện ấy. Ta chỉ xin Thiên Chúa làm cho nọi người nhận biết sự thánh thiện của Ngài. Nghĩa là biết Ngài là chủ tể vạn vật. Hiện nay còn nhiều người chưa biết, ta xin cho tới ngày mọi người đều biết.
– “Ước nguyện thừ hai”: theo luật của bút pháp sóng đôi, ta có thể hiểu lời xin này có cùng nội dung và cùng viễn tượng với lời xin thứ nhất. Cựu Ước vẫn tin rằng Thiên Chúa là Vua của họ. Đến thời Đức Giêsu, dân chúng càng mong ước Thiên Chúa đến thiết lập vương quyền trên thế giới. Lời xin này của Đức Giêsu đáp ứng đúng nguyện vọng ấy, nhưng Đức Giêsu thanh lọc nó khỏi những yếu tố trần gian và chính trị (Lc 13,29; Mt 8,11). Thực ra khi Đức Giêsu đến thì Vương quyền của Thiên Chúa cũng đến, ta cầu xin cho Vương quyền ấy được hoàn thành trọn vẹn.
c 3 – Sau hai ước nguyện là ba lời xin. Đại từ chỉ người xin ở số nhiều (“chúng con”) nhắc các môn đệ rằng họ thuộc về một cộng đoàn huynh đệ, và họ có cầu xin là cầu xin trong tư cách là thành phần của cộng đoàn ấy.
– Lời xin thứ nhất là về “Lương thực”: nghĩa là chính lương thực vật chất, nhưng cũng hàm ý xin những ơn cần thiết khác. Mt ghi ‘lương thực hôm nay’. Còn Lc ghi ‘lương thực mỗi ngày’ để hợp với tâm thức lương dân hơn.
c 4 – Lời xin thứ hai:
“Xin Cha tha tội của chúng con”: Mt thì dùng chữ ‘nợ’. Thực ra tội cũng giống như nợ, nhưng cũng có khác: nợ thì con người có thể trả, còn tội thì con người không thể trả, chỉ biết xin tha mà thôi.
– “Vì chúng con cũng tha”: có liên hệ chặt chẽ giữa việc ta tha thứ kẻ khác với việc Thiên Chúa tha thứ cho ta. Về động từ diễn tả việc con người tha thứ, Mt đặt ở thì quá khứ (chúng con đã tha) để nhấn mạnh ta phảo tha thứ trước rồi Thiên Chúa mới tha cho ta. Còn Lc đặt ở thì hiện tại để cho thấy cần phải tha thứ trong cả cuộc đời.
– “Kẻ phạm tội đối với chúng con”: TOB dịch quiconque nghĩa là tha cho bất cứ ai, tha cho mọi người. Ý nghĩa mạnh hơn.
– Lời xin thứ ba là “Đừng để chúng con sa cơn cám dỗ”: thực ra Thiên Chúa không cám dỗ ai cả (Gcb 1,13) sở dĩ động từ ở thể chủ động (actif) là vì viết theo quan niệm chung của người Do thái vốn gán mọi việc cho Thiên Chúa mà không phân biệt nguyên nhân đẹ nhất và các nguyên nhân đệ nhị. Trong lời này, ta xin Chúa giúp ta đừng sa ngã lúc bị cám dỗ.
Cám dỗ nào? Không chỉ là những cám dỗ thường ngày, mà nhất là cám dỗ từ chối Đức Giêsu Kitô (8,12 22,40). Chính vì nghĩ tới cơn cám dỗ quan trọng này, do Satan xúi giục nên Mt ghi thêm vào lời nguyện một câu nữa ‘nhưng cứu chúng con khỏi Ác thần’.
* Có hai điểm đáng chú ý trong lời kinh này:
a/ Mọi lời nguyện đều quy về Chúa Cha, không một lời nào nhắc tới Chúa Con là Đấng Cha sai đến. Đức Giêsu không hề nghĩ tới bản thân mà chỉ nghĩ tới Chúa Cha.
b/ Lời kinh Qaddish của người Do thái thường nhắc tới ‘nhà Israel’, ‘thành Giêrusalem’, ‘Đền thánh’ hay ‘Đất thánh’. Còn lời kinh Đức Giêsu dạy không nói tới một nơi, một địa danh nào cả. Như thế tức là lời kinh này mang tính cách phổ quát, có thể cầu nguyện ở mọi nơi, và ai ai cũng cầu nguyện được (không riêng gì dân Do thái).
c 5-8 Tiếp theo lời kinh Lạy Cha, Lc ghi một dụ ngôn nhằm soi sáng cho một cách cầu nguyện: cầu nguyện để xin ơn.
– Về dụ ngôn người bạn vay bánh, ta cần biết một chi tiết về phong tục: ở Palestine thời Đức Giêsu, nhà ở thường chỉ có một cửa duy nhất, ban đêm cả gia đình trải thảm trên nền nhà và ngủ trên đó. Khi có người nào đi mở cửa thì thường gây ồn ào vừa động giấc ngủ của những người khác.
– Câu chuyện dụ ngôn gồm 3 vai: Anh A đột ngột đến xin tá túc nhà anh B; anh B rất muốn làm tròn nghĩ vụ hiếu khách nhưng kẹt trong nhà không còn bánh cho khách ăn. Bởi thế B đổ đường chạy đến nhà của C (có lẽ vì A đến vào lúc ngày đã xế, nên khi B tới nhà của C thì đã tối và C đã lên giường ngủ). Dù vậy B cũng kêu cửa để vay C 3 chiếc bánh. Thực ra B không xin gì cho mình mà chỉ xin cho người bạn đường xa của mình. Tuy nhiên C đâu có coi A là bạn nên từ chối. Bởi đó trong phần kết của dụ ngôn, Đức Giêsu phân biệt hai thái độ cho: nếu không vì tình bạn (A không phải là bạn của C) thì ít ra cũng phải cho vì người kia cần. Lý do khiến sau cùng C chịu cho là sự kiên trì của B.
– Trong dụ ngôn này, Đức Giêsu dùng lý luận a fortion: người phàm đối với nhau mà cũng còn phải mở cửa cho dù trong lòng rất khó chịu, huống chi Thiên Chúa; nếu ta cầu xin cách kiên trì thì chắc chắn Ngài sẽ ban cho ta.
c 9 – Các câu 9-13 là áp dụng dụ ngôn
– Đức Giêsu dùng 3 động từ mô tả 3 cách cầu xin ‘xin.. tìm.. gõ cửa’ và kết quả của 3 cách đó “Xin thì sẽ được; tìm thì sẽ thấy; gõ thì sẽ được mở”: những động từ này trong nguyên ngữ ở thì thụ động ‘sẽ được ban… sẽ được mở’ ngụ ý tác nhân là Thiên Chúa. Như thế tuy sự việc khởi đầu do sự kiên trì của người xin những kết quả cuối cùng (ơn ban) là do lòng tốt của người ban (Thiên Chúa) chứ không phải do công lao kiên trì của ngưỡi xin. Bởi đó cần phải trông cậy vào Đấng ban ơn.
c 12 – Đức Giêsu đưa thêm những hình ảnh để minh họa cho thái độ trông cậy.
– “Ai trong anh em là một người cha”: từ liên hệ bạn bè của dụ ngôn, Đức Giêsu chuyển sang liên hệ Cha Con trên thực tế với Thiên Chúa.
– “Xin cá mà cho rắn”; “Xin trứng mà cho bọ cạp”: vì theo hình dáng bên ngoài, đối với người không nhìn kỹ hay người không biết rõ thì có thể lẫn lộn con rắn với con cá, con bọ cạp với cái trứng. Kẻ nào làm như thế thực chất là lừa gạt người xin.
c 13 – và Đức Giêsu dùng lý luận a fortion ‘các con dù là người xấu…’: chữ ‘xấu’ này không phải là một phán đoán về luân lý mà chỉ vì yêu cầu của bút pháp song đôi nghịch nghĩa, chữ ‘xấu’ tương phản mạnh hơn với chữ ‘tốt’ ở vế thứ hai.
– Lý luận a fortion của Ngài như sau: cha mẹ thế gian còn sẵn sàng ban của tốt cho con cái, huống chi là Thiên Chúa. Ngài không tiếc bất cứ thứ gì đối với chúng ta, thậm chí sẵn sàng ban thứ tốt nhất là chính ‘Thánh Thần’ cho chúng ta. Theo Lc, Thánh Thần là ơn ban tuyệt hảo nhất.
III- KẾT LUẬN
Từ chìa khóa của đoạn này là Cha. Đây chính là nền tảng của sự cầu nguyện. Kitô hữu vì là con nên phải thường xuyên cầu nguyện với Abba của mình và cũng vì là con nên hãy tin tưởng rằng lời nguyện của mình chắc chắn sẽ được Abba nhậm.
BÀI 49: QUỶ VƯƠNG BÊENDÊBUN (11,14-26)
GIẢI THÍCH
c 14 – Một lần nữa Đức Giêsu bị các đối thủ của Ngài bắt bẻ. Hoàn cảnh lần này là Ngài cứu một người bị quỷ câm ám. Trường hợp người này bị câm không giống như trường hợp ông Dacaria (1,20), anh bị câm do ‘quỷ’ gây nên.
– Lc không chú ý mô tả việc trừ quỷ, nên chỉ nói rất gọn “Khi quỷ câm xuất rồi thì người câm nói được”. Điều Lc quan tâm mô tả ở đây là phản ứng của quần chúng, một phản ứng chia rẽ: Đa số dân chúng thì ‘lấy làm ngạc nhiên’, sự ngạc nhiên thán phục và tin tưởng.
c 15 – Nhưng một nhóm không phục. Họ xuyên tạc rằng Ngài đã dùng tà thuật, do dựa thế của Bêendêbun. Bêendêbun là một vị thần chính của dân Canaan, mà người Do thái coi là quỷ vương.
c 16 – Nhóm thứ ba không xuyên tạc như trên, nhưng đòi Đức Giêsu đưa ra một dấu lạ ‘từ trời’, tức là một kiểu nói tránh ‘từ Thiên Chúa’.
– Tóm lại cả hai nhóm đối thủ đều phủ nhận quyền lực của Đức Giêsu trong việc Ngài trừ một người bị quỷ câm ám.
c 17-20 – Đức Giêsu trả lời ngay cho nhóm thứ hai. Nhưng đối với nhóm thứ ba (đòi một dấu từ trời) thì chúng ta phải đợi đến 11,29 mới gặp câu trả lời của Đức Giêsu. Cách bố cục này của tác giả rất hợp để triển khai chủ đề ‘phép lạ’ của đơn vị 9,51-19,28: bước thứ nhất, trong những đoạn trước Đức Giêsu làm phép lạ để khơi lên những thắc mắc về căn tính của Ngài (thí dụ 8,25); từ nay sang bước thứ hai, các phép lạ ấy sẽ gây nên tranh luận và qua những cuộc tranh luận ấy, tác giả sẽ vạch trần nguyên do tại sao có người đã chống lại Đức Giêsu.
– Lập luận của Đức Giêsu để trả lời cho nhóm thứ hai là: ma quỷ chẳng dại gì mà đi phá hủy chính nước của nó, vì thế lý luận của các đối thủ chỉ là ngụy biện. Thực ra chính do thái giáo (“con cái các ông”) cũng trừ quỷ. Thế mà các đối thủ này đâu có gán việc ấy cho ma quỷ. Vậy họ lấy quyền gì mà bảo Ngài dựa thế Bêendêbun để trừ quỷ! Như thế việc Ngài trừ quỷ là do quyền phép Thiên Chúa, cốt để thiết lập Nước Thiên Chúa giữa nhân loại.
– Thực ra lý luận của nhóm thứ hai này cũng có cơ sở Thánh Kinh. Đó là Đnl 13,2-6 mà đại ý như sau: Nếu có một ai xưng mình là ngôn sứ rồi làm một phép lạ, nhưng sau đó dùng phép lạ ấy để khuyên người ta đi theo một vị thần khác ngoài Thiên Chúa độc nhất, thì đó chỉ là một ngôn sứ giả. Người đó phải bị xử tử về tội loan truyền tà giáo chống lại Thiên Chúa. Theo tinh thần của khoản luật này, tiêu chuẩn giúp phân biệt một người có phải là ngôn sứ hay không phải là tầm vóc của phép lạ mà là lời rao giảng của người đó có trung thành với Thiên Chúa hay không: một việc lạ khiến người ta không tin Thiên Chúa nữa thì không phải là một phép lạ xuất phát từ Thiên Chúa. Đức Giêsu cũng chấp nhận tiêu chuẩn mà khoản Đnl trên đưa ra. Cho nên hậu ý đằng sau lập luận của Ngài là: cũng như ‘xem quả thì biết cây’ (6,43-45), thì cũng thế, ta phải đánh giá những phép lạ dựa theo chúng có liên hệ hay không tới việc Nước Thiên Chúa đến. Áp dụng vào vụ này: bằng chứng Đức Giêsu không hành động dựa thế Satan là Ngài rao giảng về Nước Thiên Chúa chứ không hề kêu gọi người ta không tin vào Thiên Chúa.
c 21-22 – Đức Giêsu nói thêm về kết luận người ta phải rút ra từ phép lạ Ngài vừa làm: Từ trước tới nay, ma quỷ từng khống chế thế gian như một kẻ mạnh. Nhưng nay Đức Kitô xuất hiện như kẻ “mạnh hơn” nên đã tống khứ hắn ra ngoài và giải thoát loài người.
c 23 – Sự kiện Đức Giêsu đến tống khứ Satan để thiết lập Nước Thiên Chúa khiến từ nay người ta phải chọn lựa chứ không thể đứng trung lập nữa: không tin theo Đức Giêsu là đứng về phe ma quỷ.
c 24-26 – Phía trên Đức Giêsu đã cho biết Ngài đã tống khứ Satan. Bây giờ Ngài khuyến cáo các môn đệ đừng vì thế mà không cảnh giác. Một người đã được cứu thoát khỏi quyền lực Satan vẫn có thể bị rơi lại vào tròng của hắn, và khi đó tình hình càng tồi tệ hơn.
BÀI 50: HẠNH PHÚC THẬT (11,27-28)
Trong bài trên (11,14-24), Lc cho thấy có những người xuyên tạc Đức Giêsu và hoài nghi quyền năng của Ngài. Bây giờ Lc cho thấy một hình ảnh ngược lại: một phụ nữ ngưỡng mộ cất lời ngợi khen Ngài.
c 27 – Nguyên văn lời khen ngợi là “Phúc thay dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú”: ‘dạ’ và ‘vú’ tượng trưng cho người mẹ. Ý người này là: phúc thay người phụ nữ nào được làm mẹ của Thầy, tức là Đức Maria.
c 28 – Đức Giêsu không phủ nhận hạnh phúc của kẻ làm mẹ Ngài, nhưng Ngài cho biết còn một thứ hạnh phúc lớn hơn nữa: đó là hạnh phúc của người lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa. Như thế Đức Giêsu coi trọng liên hệ đức tin hơn liên hệ huyết nhục.
Câu này không hạ giá Đức Maria vì Lc 1,45 đã cho thấy Maria là ‘kẻ đã tin’. Ngược lại câu này càng đề cao Đức Maria hơn nữa, vì Ngài quả thực là gương mẫu của việc lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.
BÀI 51: DẤU CHỈ GIÔNA (11,29-32)
Ở bài 49, chúng ta đã biết rằng sau khi Đức Giêsu làm phép lạ cứu một người bị câm thì dân chúng chia ra thành 3 nhóm phản ứng khác nhau: nhóm thứ nhất (đa số) tin Ngài; nhóm thứ hai không tin, cho rằng Ngài đã làm tà thuật do dựa vào thế lực Bêendêbun. Đức Giêsu đã trả lời cho họ; nhóm thứ ba cũng không tin, họ đòi phải đưa ra một dấu chỉ ‘từ trời’ chứng mình Ngài là kẻ được Thiên Chúa sai đến. Trong đoạn này, Đức Giêsu sẽ đưa ra dấu chỉ đó
c 29 – Nhân dịp có “đám đông tụ họp đông đảo”. Đức Giêsu trả lời cho đòi hỏi của một số người muốn thấy dấu lạ rồi mới tin theo lời giảng của Ngài.
– “Thê hệ này”: kiểu nói trong Thánh Kinh có nghĩa xấu hàm ý về những người cứng tin (Đnl 1,30).
– Đối với những người cứng tin, Thiên Chúa sẽ chẳng cho dấu lạ nào ngoài dấu lạ Giôna. Ta biết Giôna là một ngôn sứ ban đầu không vâng lệnh Chúa để đi rao giảng cho dân thành Ninivê, nhưng sau khi phải bị một con cá nuốt vào bụng 3 ngày thì ông đành vâng theo. Kết quả là toàn dân thành ấy đã hối cải. Khi nhắc chuyện Giôna, Đức Giêsu không nhắm đến việc ông bị cá nuốt, mà nhắm đến sự hoán cải của dân thành Ninivê, để khuyên người Do thái hãy nghe theo lời rao giảng của Ngài như dân Ninivê xưa nghe lời Giôna.
– Ta cũng dựa vào câu này để suy rằng Thiên Chúa không thích cho dấu lạ. Dụ ngôn người phú hộ và Ladarô (16,31) cho biết đối với kẻ cứng tin thì cho dù họ có thấy người chết hiện về họ cũng không tin.
c 31-32 – Tiếp theo Đức Giêsu dùng hai thí dụ để cho thấy Ngài biết trước người Do thái sẽ không chịu nghe lời giảng của Ngài như dân Ninivê ngày xưa đã chịu nghe lời giảng của Giôna (Nữ hoàng Phương Nam và dân Ninivê). Bởi thế, tới ngày phán xét, tội của họ sẽ nặng hơn.
KẾT LUẬN
Nhóm thứ ba đòi một dấu lạ, Đức Giêsu nói chính thân Ngài là dấu lạ, Ngài chính là ngọn đèn và ánh sang (cc 33-36) được đặt ở nơi cao để soi sáng cho mọi người thấy đường mà ‘vào nhà’. Vấn đề có thấy đường để vào nhà hay không là tùy ở cặp mắt người ta có nhận ánh sáng đó hay không, tùy người ta có để cho ánh sáng đó soi dẫn mình hay không. Điều này Đức Giêsu sẽ giải thích rõ hơn trong đoạn tiếp theo.
BÀI 52: NÓI VỀ ĐÊM (11,33-36)
Kết thúc đoạn nói về Giôna là 2 hình ảnh: cây đèn và ánh sáng. Cây đén tượng trưng cho bản thân Đức Giêsu, được đặt trên cao cốt cho ánh sáng là lời rao giảng của Ngài soi đường chỉ lối cho con người.
c 33 – Mục đích của đền là soi sáng, cho nên người ta đặt đèn ở chỗ cao để cho mọi người đều thấy nó và được nó soi sáng.
c 34 Mắt được so sánh với cây đèn vì tác dụng soi sáng. Tuy nhiên muốn soi sáng rõ thì phỉa có điều kiện là đèn phải sang
– “Khi mắt anh sáng”: nguyên ngữ chữ ‘sáng’ là ‘đơn sơ’ hàm ý tinh tuyền, không bệnh hoạn, không sai lệch. Khi ‘con mắt’ (nghĩa là cái nhìn) của con người đơn sơ tinh tuyền và đúng đắn thì ‘toàn thân’ (nghĩa là cách sống) sẽ ‘sáng’ (nghĩa là tốt) và trái lại.
c 35-36 – Hai câu này đã chịu nhiều đợt tam sao thất bản. Nhưng ý chính là: sứ điệp của Đức Giêsu rất rõ ràng ai cũng có thể đọc được, với điều kiện là phải có cái nhìn tinh tuyền và lòng không được cứng tin.
BÀI 53: KHIỂN TRÁCH PHARISÊU VÀ THÔNG LUẬT (11,37-54)
GIAỈ THÍCH
Ta có thể chia đoạn này làm 4 phần:
- a) Hoàn cảnh (cc 37-38)
- b) Những lời khiển trách Pharisêu (cc 39-44).
- c) Những lời khiển trách nhóm luật sĩ (cc 45-52).
- d) Phản ứng (cc 53-54).
- a) Hoàn cảnh
c 37 Một người pharisêu mời Đức Giêsu đến nhà dùng bữa. Lc không có ác cảm với người pharisêu vì nhiều lần chép việc người pharisêu mời Đức Giêsu dùng bữa (ở đây và 14,1), báo tin cho Ngài hay Hêrôđê hăm dọa Ngài (13,31). Về điểm này Lc gắn bó với lịch sử hơn Mt và Mc vì thực ra sự thù nghịch từ phía nhóm pharisêu chỉ thực sự gay gắt sau năm 70.
– Vừa vào nhà, Đức Giêsu ‘tiến vào bàn ăn’, nghĩa là Ngài không rửa tay trước. Nhóm pharisêu coi các nghi thức thanh tẩy rất quan trọng, không phải vì lý do vệ sinh mà vì lý do luân lý, nhằm tẩy xóa những ô uế mà ta có thể vô tình bị lây nhiễm khi tiếp xúc với những kẻ tội lỗi. Trong câu chuyện này, không phải Đức Giêsu quên, mà đó là lập trường cố hữu của Ngài (11,14.29)
c 38 Dĩ nhiên người pharisêu ấy ngạc nhiên và thầm khó chịu trong long.
- b) Khiển trách nhóm pharisêu
c 39-41 – “Nhưng Chúa nói với ông ấy”: Tước hiệu Lc dành cho Đức Giêsu ngay từ đầu bài khiển trách là ‘Chúa’, nhằm đề cao tư cách của Ngài và cũng nhằm cho thấy những lời sau đó rất quan trọng.
– Vấn đề được Ngài đề cập là cặp bên ngoài/bên trong: bên ngoài là việc tuân thủ những quy định về nghi thức; bên trong là lòng đạo đức thật. Nhóm pharisêu chỉ chú trọng tới cái bên ngoài và bỏ quên cái bên trong.
– Tiếp theo Đức Giêsu nói về ‘sự bố thí’. Đây là chủ đề được Lc rất quan tâm. Đức Giêsu khẳng định rằng bố thí có thể thay thế mọi quy định lề luật; đối với người bố thí cho kẻ nghèo thì mọi cái đều tinh sạch.
c 42-44 – Rồi Đức Giêsu nêu đích danh 3 điều lầm lạc của nhóm pharisêu, thể hiện việc họ đã sai lầm trong vấn đề ‘bên ngoài và bên trong’ ấy:
a/ Quan tâm đến việc nộp thuế thập phân về cả những rau cỏ tầm thường vốn không có ghi trong những bộ luật xưa (Nkm 13,10-13) mà lạo bỏ quên những nhân đức rất lớn như công bình và yêu thương.
b/ Thích danh vọng bề ngoài, bằng cách chọn ghế đầu trong hội đường. Thực ra trong buổi họp ở hội đường thì phải có người ngồi ghế đầu. Việc những người pharisêu được ngồi như thế chưa phải là đáng trách; điều đáng trách là họ ‘thích’ và nhất là họ không xứng đáng mà lại thích như thế.
c/ Thích được chào ở nơi công cộng. Và Ngài đúc kết: họ giống như những nấm mồ. Mồ là cái chôn dấu xác chết vốn là một thứ ô uế. Do đó ai đạp lên mồ mả thì cũng bị nhiễm ô uế. Vì thế các nấm mồ cần phải có các dấu hiệu cho người ta biết để tránh đạp lên. Người pharisêu vì trong long đầy sự xấu xa, nên cũng chứa đựng nhiều thứ ô uế những người khác lại không biết.
c/ Khiển trách nhóm luật sĩ
“Một luật sĩ lên tiếng”: sở dĩ người này lên tiếng bênh vực cho nhóm phrrisêu là vì cách sống của pharisêu chính là dựa theo cách giải thích luật của các luật sĩ.
c 46 Đức Giêsu cũng trách nhóm luật sĩ 3 điều: a) ‘chất gánh nặng lên vai người khác’. Trong Thánh Kinh, chữ ‘gánh nặng’ ám chỉ luật lệ. Các luật sĩ cứ miệt mài nghiên cứu luật và càng ngày cáng đưa thêm nhiều khoản luật khiến người ta không lham nổi, trong khi chính họ lại không tuân giữ.
c 47-51 b) “Xây lăng cho các ngôn sứ”: có một truyền thống truyền khẩu rằng các ngôn sứ thường bị bách hại: Isaia đã bị cưa làm hai khúc, Giêrêmia bị dân ném đá chết, Amos bị đập đến chết (Dt 11,32-40; 2Sb 24,22). Khi người Do thái thời Đức Giêsu xây lăng cho các ngôn sứ thì họ chứng tỏ họ chẳng ăn năn gì về việc tổ tiên họ đã giết chết các vị ấy mà lại còn tán thành. Thái độ ấy còn cho thấy rằng sứ điệp của các vị ấy chẳng có ý nghĩa gì đối với họ, cùng lắm chỉ là những sứ điệp cho các thế hệ xa xưa thời trước.
– Đức Giêsu duyệt lại lịch sử: Chương trich của Thiên Chúa(‘Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa’) là gởi ‘các ngôn sứ và các tông đồ đến với loài người để kêu gọi loài người ăn năn. Thế nhưng loài người đã chẳng đón nhận sứ điệp ấy, lại bách hại các vị ấy. Mặc dù Đức Giêsu chỉ nêu tên hai người là Aben và Dacaria, những vì trong Cựu Ước hippri, tên Aben ở đầu sách và tên Dacaria ở cuối sách, nên ý của Ngài là nói đến toàn bộ tội giết các ngôn sứ trong lịch sử. Và Đức Giêsu cảnh cáo: nếu người Do thái thời nay không chấm dứt thái độ ấy thì họ sẽ bị Thiên húa công bình hỏi tội (‘thế hệ này sẽ bị đòi nợ máu’)
c 52 c) “Cất giấu chìa khóa sự hiểu biết”: do những kiến thức về Thánh Kinh, các luật sĩ đã nắm trong tay chìa khóa mở cửa vào Nước Trời. Nhưng do thái độ của họ, chẳng những họ không vào đó được mà lại còn nagưn cản người khác nữa.
- c) Phản ứng
c 53-54 Những lời khiển trách của Đức Giêsu lẽ ra phải giúp các biệt phái và luật sĩ ăn năn, nhưng trái lại, họ ‘căm giận’ Ngài và tìm cách ‘gài bẫy’ Ngài.