Học Kinh Thánh của Cha Carôlô Hồ Bạc Xái: Luca Chương 16

print

Học Kinh Thánh của Cha Carôlô Hồ Bạc Xái: Luca Chương 16

 

BÀI 67: NGƯỜI QUẢN LÝ BẤT TRUNG (16,1-13)

I- GIẢI THÍCH

c 1 “Quản lý”: đối với dân Do thái, quản lý không phải chỉ là một trong những người làm mướn ăn lương của chủ, mà là một nhân vật rất có thế lực.

     * Quản lý là người thay mặt chủ để lo những chuyện tài sản trong nhà. Do đó có quyền thu xếp tài sản của chủ cách nào tùy ý miễn sao có lợi cho chủ thôi.

     * BJ nói quản lý không có lương, nên thường tìm thu nhập thêm bằng cách kê thêm số của cho vay. Thí dụ cho vay 100 kê thành 120.

c 3 “Tự nhủ mình rằng”: Lc thường cho các nhân vật diễn tả ý nghĩ bằng cách tự nói với mình (12,17  15,17-19  18,4  20,13).

c 5 “Thùng”: bath khoảng 21-45 lít.

c 7 “Bao”: kor, bằng 10 bath, tức khoảng 210-450 lít.

c 8 “Gian ngoan”: chữ này rất khó giải thích, ta sẽ giải thích riêng ở phần sau.

      “Khôn khéo”: Cựu Ước dùng từ này để mô tả sự khéo léo, không cần phân biệt sự khéo léo công chính hay bất chính (St 3,1)

     – “Con cái thế gian”: kiểu nói Sêmít chỉ những người chỉ quan tâm tới thế gian này.

     – “Con cái sự sang”: cũng là kiểu nói Sêmít chỏ những người biết đón nhận ánh sáng Thiên Chúa.

c 9 “Họ rước các con vào nhà ở muôn đời”: đại từ ‘họ’ số nhiều là một cách nói về Thiên Chúa.

c 12 “Làm tôi”: động từ này có tính cách phụng vụ. Hoặc là phụng thờ Thiên Chúa, hoặc là phụng thờ thần tài.

II- SỰ GIAN NGOAN CỦA NGƯỜI QUẢN LÝ

            Đây là điểm khó khăn nhất của đoạn Tin Mừng này, các nhà chú giải phân ra nhiều lập trường khác nhau

1/ M.J. Lagrange, D. Buzy v.v…

     – Gian ngoan ở chỗ ăn gian của chủ.

     – Trong quá khứ, người quản lý này đã từng ăn xén ăn bớt tài sản của chủ nên bị phát giác và bị báo cho biết sẽ thôi việc. Lúc đó hắn còn gian ngoan hơn nữa bằng cách sửa đổi giấy nợ để mua lòng các con nợ, nhưng càng làm thiệt hại thêm cho chủ.

     Lối giải thích này gặp nhiều khó khăn:

     * Hắn đã bị chủ phát giác đã ăn gian, nay làm theo cách này nữa thì làm sao có thể giấu chủ được. Ít hôm nữa hắn phải báo cáo sổ sách thì mọi sự sẽ lộ ra thôi.

     * Hắn làm vậy là thiệt hại thêm cho chủ, sao chủ có thể khen hắn được?

     * Phần Đức Giêsu thì không thể lấy một gương xấu như thế để làm bài học cho môn đệ mình được.

2/ M. Evers, W.D. Willer v.v… và nhất là JDM Derrelt:

     – Gian ngoan ở chỗ đến lúc cần thiết thì dám bỏ quyền lợi vật chất riêng tư trước mắt để đầu tư cho những quyền lợi lâu dài.

     Trong quá khứ: người quản lý này đã có cách tìm thu nhập rất khéo léo.

     * Theo luật Do thái (Xh 22,25; Lv 25,36; Đnl 23,20-21) không được phép cho vay lấy lãi đối với người Do thái.

     * Thế nhưng nhiều người đã có biện luận để vẫn có thể cho vay.

     Chẳng hạn họ giải thích luật đó là để không gây hại cho kẻ túng thiếu ngặt nghèo. Vậy nếu có thể chứng minh rằng người vay không túng thiếu ngặt nghèo thì ta có thể cho vay.

     Và đã có câu ‘chẳng ai mà không có dầu để thắp một ngọn đèn’. ‘chẳng ai mà không có bột để làm một miếng bánh’ (sách Mishna). Như thế là ta có quyền cho vay dầu và bột (chính là hai món mà dụ ngôn này kể ra).

     Lãi suất của bột là khoảng 25%, của dầu ôliu thì có thể lên đến 100%.

     Tuy nhiên dù sao thì cũng là một cách cho vay và cũng lỗi luật, cho nên người ta thỏa thuận kín đáo, không có người làm chứng bằng cách trong giấy nợ thì ghi một số lượng cao hơn mức nợ thực tế gồm vốn và lãi cộng chung.

     Người quản lý của dụ ngôn này bị chủ phát giác cách làm lươn lẹo do đó nên dọa đuổi việc. Lúc đó để lấy lòng các con nợ, ông gọi họ đến sửa lại giấy nợ: bỏ đi phần lãi, chỉ còn lạiphần vốn thôi.

     Khi làm như vậy, một mặt ông ‘ăn năn hoán cải’ trở về sống đúng tinh thần của luật, mặt khác ông cũng làm đúng ý chủ. Chính vì thế mà ông được chủ khen. Chẳng những thế, Đức Giêsu cũng khen.

3/ Bản dịch do Tòa Tổng Giám Mục/TP HCM 1994: “Theo một thông lệ thời đó tại Palestina, quản gia có thể cho người khác vay tài sản của chủ. Thường họ không có thù lao, nên khi lập hợp đồng thì hay ghi số lượng trội hơn số lượng cho vay, để đến lúc hoàn trả, họ thu lấy số dư làm của tiêng. Trong dụ ngôn này, có thể người quản gia tính lại để chủ thu hồi đúng số tài sản của ông, và như vậy lầm này hắn hy sinh số dư đáng lẽ thuộc về hắn. Người chủ sẽ không bị thiệt mà con nợ lại rất biết ơn hắn. Vậy phải hiểu hắn bất lương không phải vì sửa đổi số lượng kỳ này nhưng vì những thao túng trước đó. Kỳ này hắn khôn khéo nên mới được khen.

III- KẾT LUẬN

            Dụ ngôn đưa ra bài học về cách sử dụng tiền của. Người quản lý nàylà ‘con cái thế gian’, thế mà còn biết sử dụng của cải một cách khôn khéo bằng cách cho đi (dù chỉ là cho đi phần thu nhập không hợp luật). ‘Con cái của sự sáng’ phải noi gương đó, phải biết dùng của cải thế gian mà mua sắm của cải trên trời.

 

BÀI 68: LẠI CÔNG KÍCH BIỆT PHÁI (16,14-18)

c 14 Đến đây thính giả thay đổi: những người pharisêu trở vào cuộc. Nhưng Lc nối kết chuyện này với phía trước bằng chi tiết ‘họ nghe các điều ấy liền cười nhạo’. ‘Các điều ấy’ là gì mà họ ‘cười nhạo’? Là những lời Đức Giêsu dạy về cách sử dụng tiền của: phải làm chủ chứ đừng làm tôi nó (c 13). Tại sao họ cười nhạo? Vì họ ‘vốn ham hố tiền bạc’. Họ cho rằng tiền bạc chính là dấu chỉ phúc lành Thiên Chúa ban cho những người công chính.

c 15 Đức Giêsu không đồng ý với suy nghĩ đó. Câu nói của Ngài gồm 3 ý:

     a/ Vạch mặt sự công chính giả tạo của pharisêu: “Các ông là những người làm bộ công chính”. Sự giàu có không hẳn là dấu chỉ Thiên Chúa tán đồng và ban thưởng cho họ. Ngược lại, tiền bạc còn có thể ngăn cản người ta phụng sự Thiên Chúa. Hơn nữa sẽ có một sự thay đổi số phận ở đời sau như dụ ngôn phía sau sẽ cho thấy.

c 16 b/ Lý luận dựa trên Sách thánh: Đức Giêsu chia lịch sử cứu độ làm 2 giai đoạn chính mà Gion Tẩy Giả làm bản lề. Giai đoạn Cựu Ước (*Luật và các ngôn sứ)và giai đoạn Tân Ước từ Gioan trở về sau. Bắt đầu giai đoạn Tân Ước là một biến cố quan trọng: Nước Thiên Chúa được Đức Giêsu loan báo. Ai muốn vào Nước đó thì ‘phải dùng sức mạnh mà vào’ nghĩa là phải có một cố gắng đặc biệt, cách riêng là cố gắng không làm nô lệ cho tiền bạc, để có thể toàn tâm toàn ý phụng sự Thiên Chúa (xem câu 13).

c 17 Tuy nhiên lời này không có nghĩa là Cựu Ước đã hết giá trị, vì giáo huấn của Đức Giêsu chỉ là làm cho rõ những gì mà Thiên Chúa đã dạy trong lề luật thời Cựu Ước.

c 18 Đức Giêsu đề cập đến vấn đề ly dị. Mặc dù Đnl 24,1-4 chấp nhận việc rẫy vợ và lấy người khác, nhưng Đức Giêsu không chấp nhận vì Ngài coi đó là tội ngoại tình. Mà theo Xh 20,14 không ai được ngoại tình. Mt 5,32 cũng chép vấn đề này nhưng giải thích rõ hơn: việc cho phép ly dị chỉ là nhân nhượng của thời Cựu Ước thôi, chứ Luật thì  không bao giờ chấp nhận như thế.

     c/ Ý thứ ba trong câu trả lời cho các người biệt phái là một dụ ngôn: sẽ có cuộc thay đổi số phận ở đời sau.

 

BÀI 69: DỤ NGÔN PHÚ HỘ VÀ LADARÔ (16.19-31)

            Dụ ngôn người quản lý (16,1-13) dạy về cách sử dụng tiền của, còn dụ ngôn này (phú hộ và Ladarô: 16,19-31) cảnh cáo việc sử dụng tiền của một cách sai lầm.

I- GIẢI THÍCH CHI TIẾT

c 19 “Có một người giàu kia”: dụ ngôn có hai vai chính. Điểm đáng lưu ý làvai người nghèo có tên (Ladarô), còn vai người giàu lại không có tên (vài thủ bản có ghi tên ông là Nevès hoặc Pinées). Có lẽ ý tác giả là không coi trọng người giàu này.

c 20 “Ladarô”: kiểu nói tắt của Êleâzrô nghĩa là ‘Thiên Chúa giúp’. Tên người nghèo này rất có ý nghĩa.

     1/ Thông thường các vai trong dụ ngôn không có tên, nhưng người nghèo này lại có tên.

     2/ Tên này là ý nghĩa của nó rất hợp với người nghèo là được Thiên Chúa thương giúp.

     – “Ăn mày”: người này nghèo đến mức thê thảm.

     – “Mình đầy ghẻ lở”: đã nghèo thê thảm lại mang bệnh tật.

     –  “Nằm ngoài cửa ngôi nhà người kia”: người giàu có một cơ hội thường xuyên để giúp đỡ người nghèo này.

c 21 “Những miếng vụn từ bàn ăn rơi xuống”: không phải những mụn bánh tình cờ rơi xuống, mà là những miếng bánh người ta dùng để chùi tay rồi vất xuống.

     – “Bầy chó”: chi tiết này không nhằm làm dịu cảnh khổ của người nghèo (bị con người bỏ rơi, nhưng vẫn được thú bật quan tâm), nhưng là để cho thấy cảnh khổ của người nghèo lên đến mức cùng cực.

     * Trong Thánh Kinh, chó được coi là loài vật ghê tởm và hung ác (Tv 22,17.21; Cn 26,11; Mt 7,6)

     * Câu 21 bắt đầu bằng chữ alta kaib nghĩa là ‘hơn thế nữa’.

     * “Đến liếm vào ung nhọt”: không phải chó thương tình đến liếm để xoa dịu đau đớn của người nghèo, mà chúng muốn tấn công người này, mà người này yếu liệt đến nỗi không còn đủ sức để đuổi chúng đi.

c 22 “Được thiên sứ đem vào long Abraham”: ở đây tác giả dùng những hình ảnh thông dụng của Thánh Kinh để mô tả cảnh hạnh phúc.

     *Hình ảnh thiên sứ đưa: thái độ ưu ái với kẻ lành (hình ảnh này được dùng trong các sách Khải Huyền ngụy thư như Le Testament d’Abraham, l’Assomption de Moise, le Targum in Cant…)

     *”Vào lòng Abraham”: cảnh thân mật, hạnh phúc.

c 23 “Âm ty”: cũng là một hình ảnh thông dụng của quan niệm Do thái chỉ nơi cư ngụ của kẻ đã chết. Có khi là nơi giam cầm kẻ xấu (4 Er; 4 Mcb; 2 Baruth…)

II- NHỮNG BÀI HỌC CỦA DỤ NGÔN NÀY

     1/ Bài học truyền thống: hoàn cảnh ở đời sau sẽ đổi ngược lại. Dụ ngôn này cũng trình bày sự thay đổi hoàn cảnh ấy.

     Ở đời này người phú hộ và Ladarô sống lại hoàn cảnh đối nghịch tuyệt đối: người phú hộ thì quá giàu, mặc toàn gấm tía với hàng gai mịn, ngày nào cũng yến tiệc linh đình (c 19); còn Ladarô thì quá nghèo đến nỗi phải ăn mày, đã nghèo lại còn bệnh tật, mình đầy ghẻ lở (c 20), hơn nữa lại quá yếu đuối nên bị bầy chó tấn công mà không đủ sức đuổi chúng (c 21); đói khát mong ăn của dơ vất bỏ mà cũng không được (c 21).

     Sang đời sau, hoàn cảnh đảo ngược hẳn: Ladarô được sống trong tình thân thiết ‘trong lòng’ Abraham (c 22) còn người phú hộ thì ở âm ty giữa những khổ hình (c 23) khát đến rát cổ (c 24)

     Tuy nhiên dụ ngôn không nghĩ rằng sự thay đổi ấy là đương nhiên mà có nguyên nhân:

     * Sở dĩ người phú hộ bị khổ ở đời sau là vì ở đời này đã không biết sử dụng của cải cho tốt bằng cách bố thí cho người nghèo Ladarô ‘nằm sẵn ngoài cửa nhà ông’ như một cơ hội thường xuyên cho ông bố thí (c 20), thế mà ông không hề bố thí dù chỉ là những vụn đồ ăn dơ vất bỏ (c 21).

     * Lc 18,14-25: người giàu cũng có thể được cứu; Lc 12,13-14 và 14,25-27: người nghèo mà quá ham mê của cải cũng có thể bị trầm luân.

     2/ Bài học về cách sử dụng của cải đời này:

     – Văn mạch của chương 16 cho thấy những nét chính của bài học này:

     * Phải biết dùng của đời này để lo cho đời sau (cc 1-8).

     * Chính việc bố thí chuẩn bị cho đời sau (cc 9-12).

     * Sự giàu sang tự nó không phải là dấu chỉ được chúc phúc như các người pharisêu vẫn tưởng (cc 14-15).

     * Cần phải biết từ bỏ (cc 16-17).

     – Cựu Ước vẫn thường xuyên nhắc nhở người giàu phải có bổn phận bố thí cho kẻ nghèo. Vào thời Đức Giêsu, bbó thí được coi là bổn phận đạo đức quan trọng, là dấu cho thấy ai là người đạo đức (Mt 6,2-4; Lc 21,1-4; Ga 12,5).

     – Còn trong dụ ngôn này, người phú hộ có sẵn cơ hội thường xuyên là Ladarô đang nằm ở cửa nhà ông, thế mà ông không hề bố thí.

     3/ Bài học về số phận đời sau:

     – Ở đời sau không thể cậy dựa vào công nghiệp của Tổ tiên (c 24) cho dù người phú hộ có cha là Abraham, nhưng không vì thế mà xin xỏ gì được.

     – Số phận đời sau được hoàn toàn định đoạt bởi cách sống ở đời này (c 25).

     – Và không thể nào thay đổi được số phận ấy nữa (c 26)

     4/ Bài học về tầm quan trọng của Thánh Kinh: cc 28-31 phản ánh hai quan niệm ngược nhau: người phú hộ nghĩ rằng nếu có một điềm lạ (người chết hiện về) thì anh em của hắn sẽ hoán cải; nhưng Abraham (tức là Đức Giêsu) bảo rằng lời mời gọi hoán cải có giá trị duy nhất là Thánh Kinh (Moisê và các Ngôn sứ), nếu không tin theo lời Thánh Kinh thì dù có phép lạ to lớn đến đâu đi nữa cũng vô ích.