Học Kinh Thánh của Cha Carôlô Hồ Bạc Xái: Luca Chương 18

print

Học Kinh Thánh của Cha Carôlô Hồ Bạc Xái: Luca Chương 18

BÀI 74: VIÊN THẨM PHÁN VÀ BÀ GÓA (18,1-8)

            Sau diễn từ về Ngày của Con Người, Đức Giêsu muốn khuyên các môn đệ mình đừng ngã lòng, nhưng hãy kiên trì cầu nguyện. Ngài nói điều này bằng một dụ ngôn.

c 1 Câu đầu tiên của đoạn Tin Mừng này tóm đại ý của cả dụ ngôn:

     * Dụ ngôn này bàn về sự cầu nguyện, Không phải chỉ là sự cầu nguyện cách chung mà là sự cầu nguyện củ những tín hữu đang gặp khốn khó bởi những quân bất công gây ra và đang cầu xin Thiên Chúa mau đến để cứu họ.

     * Thời gian khốn khó cứ kéo dài, lời cầu xin Thiên Chúa đến cứu xem ra không được Thiên Chúa nghe, vì thế nhiều người đâm ra nản lòng, không muốn cầu nguyện nữa

     * Đức Giêsu dùng dụ ngôn này khuyên môn đệ phải luôn luôn kiên trì trong sự cầu nguyện, đừng chán nản

     * Chú ý một số từ rất có ý nghĩa:

     – Dei, phải: kiên trì cầu nguyện không chỉ là nhân đức tốtmà còn là một sự cần thiết.

     – Pantote, luôn luôn: dù trong hoàn cảnh như thế nào đi nữa.

     – Egkakeo, nản lòng: động từ này thường được Phaolô dùng (Ep 3,13; Gl 6,9; 2Tx 3,13; 2Cr 4,1-16 và hầu như luôn luôn có sắc thái cánh chung).

c 2-3 Thẩm phán: Tv 82,2-7 nói sứ mạng của thẩm phán là đem lại công bình cho những người bị áp bức bất công.

     Thế nhưng trên thực tế thường có những thẩm phán không hề quan tâm tới sứ mạng ấy.

     Dụ ngôn này không nhằm so sánh Thiên Chúa với viên thẩm phán bất công, nhưng là một lối lý luận ngược lại: một thẩm phán bất công mà cuối cùng còn phải giải oan cho người ta, huống chi là Thiên Chúa…

     – Bà góa: đây là nhân vật tiêu biểu cho hạng người nghèo nàn, yếu đuối, chịu bất công(Xh 22,21t; Đnl 10,18; Is 1,17; Gr 22,3…)

     – Viên thẩm phán của dụ ngôn này là một kẻ ích kỷ, chỉ chịu xét xử khi nào có lợi cho bản thân ông. Bà góa này thì quá nghèo chẳng có gì để hối lộ cả. Nhưng sự nài nỉ kiên trì của bà đã khiến ông cuối cùng phải xét xử, Mặc dù chỉ để khỏi bị quấy rầy nữa.

c 4 “Tự nhủ”: Các vai trong những dụ ngôn của Lc thường ‘tự nhủ’, nghĩa là ‘suy nghĩ’.

c 5 Lý do khiến viên thẩm phán bất công chịu xét xử cũng là lý do ích kỷ: để khỏi bị bà góa quấy rầy mãi nữa.

c 7 “Lẽ nào Thiên Chúa lại không xử công minh…”: đây là lý luận ‘huống hồ’: một thẩm phán bất công mà còn cư xử như thế. Huống hồ Thiên Chúa… 7b. Nguyên văn là kai makrothumei ep autois. Câu này rất khó hiểu

     – Kai có hai nghĩa: mặc dù – thực ra.

     – Makrothumei: nghĩa đen là chần chờ, nấn ná lâu dài. Trong Tân Ước động từ này thường diễn tả sự kiên nhẫn của Thiên Chúa đối với kẻ gian ác, sở dĩ Thiên Chúa kiên nhẫn với họ là vì muốn họ ăn năn sám hối để được cứu độ (2 Pr 3,15) lòng nhẫn nại (makhothumia) của Chúa là dịp cho anh em được cứu độ.

     Ý nghĩa của trọn câu 7:

     – Viên thẩm phán kia dù là người xấu, cuối cùng cũng giải oan cho bà góa vì sự nài nỉ kiên trì của bà.

     – Huống chi Thiên Chúa, Ngài cũng sẽ đáp lại lời cầu nguyện kiên trì của các môn đệ xin đến giải thóat họ.

     – Cho dù trên thực tế môn đệ cảm thấy Thiên Chúa như cứ chần chờ mãi. Hầu như không để ý gì đến hoàn cảnh khổ sở của họ.

c 8 “Thầy bảo các con”: công thức long trọng mời người nghe hãy tin vào uy quyền của Đức Giêsu.

     – “Ngài sẽ xử mau mau cho họ”: nguyên ngữ Hy lạp là en tachei. Dịch ‘mau mau’ không đúng, vì không có nghĩa là Thiên Chúa sẽ xét xử nhanh chóng. Thành ngữ ‘en tachei’ còn có nghĩa là ‘đột ngột, bất ngờ’. Môn đệ cứ kiên trì cầu nguyện cho dù cảm thấy Thiên Chúa hình như không quan tâm tới mình, những cứ yên chí vì thế nào Thiên Chúa cũng giải quyết cho họ, và khi tới lúc giải quyết thì Thiên Chúa sẽ giải quyết một cách rất đột ngột, bất ngờ.

c 8b Câu này cũng rất khó hiểu:

     – Đức Giêsu biết rằng cảnh gian truân bắt bớ sẽ làm cho nhiều người nản long (2Tx 2,3; Mt 24,12). Do đó Ngài cũng biết có nhiều kẻ không còn cầu nguyện nữa, thậm chí không còn tin nữa.

     – Nhưng chính vì thế Ngài khuyên môn đệ phải (dei) kiên trì cầu nguyện.

KẾT LUẬN TÓM Ý

            Sống trong hoàn cảnh khó khan (của thời cuối cùng) người môn đệ mong Thiên Chúa mau đến cứu họ. Thế nhưng Thiên Chúa vẫn cứ nấn ná, vì Ngài còn chờ kẻ gian ác ăn năn sám hối để được cứu độ. Tình trạng đó khiến người môn đệ nản lòng. Nhưng Đức Giêsu khuyến khích: cứ kiên trì cầu nguyện, thế nào Thiên Chúa cũng ra tay can thiệp.

 

BÀI 75: NGƯỜI BIỆT PHÁI VÀ NGƯỜI THU THUẾ (18,9-14)

GIẢI THÍCH

c 9 “Cho mấy kẻ nghĩ mình công chính mà khinh kẻ khác”: Có nhiều ý kiến khác nhau về mục tiêu của dụ ngôn này.

  1. a) Nhiều người nghĩ rằng Đức Giêsu muốn đưa một bài học về sự khiêm tốn về sự cầu nguyện, hoặc sợ cầu nguyện cách khiêm tốn. Lý do họ dựa vào là câu kết của dụ ngôn ‘Ai tự tôn sẽ bị hạ xuống, ai tự hạ sẽ được tôn lên’.
  2. b) Nhưng thực ra Đức Giêsu muốn trình bày hai thái độ tự mãn và thái độ ý thức tội lỗi nhưng phó thác vào long thương xót của Thiên Chúa. Sở dĩ Đức Giêsu dùng hình ảnh cầu nguyện, bởi vì trong lúc cầu nguyện, người ta tỏ ra chân thành nhất, do đó dễ thấy thái độ sống của người ta nhất. Quan niệm này vững chắc vì ngay từ câu đầu của dụ ngôn, Lc đã cho thấy ý của Đức Giêsu: sửa lưng những người sống theo thái độ thứ nhất.

c 10 “Lên Đền thờ cầu nguyện”: khi cầu nguyện là lúc người ta thành thật nhất, do đó dễ thấy thái độ sống của người ta nhất. Lời cầu nguyện của cả hai người trong dụ ngôn này đều là thành thật chứ không giả dối.

c 11 “Biệt phải đứng nghênh ngang”: dịch như vậy là bóp mép nguyên văn. Nguyên văn chỉ viết ‘đứng’ thôi. Tư thế này chẳng có gì là kiêu căng, vì đó là tư thế thông thường của người cầu nguyện (Mc 11,25).

     – “Con xin cảm tạ ơn Ngài”: xưa nay ta đã quen in trí về người biệt phái là nghĩ ngay đến kiêu căng. Ta phải bỏ đi thành kiến này, để xét cách khách quan về người biệt phái.

     – Anh không giả dối, vì những việc anh kể ra đều là sự thật (xem giải thích phía sau về câu 12).

     – Lời cầu nguyện của anh hoàn toàn là tạ ơn chứ không hề xin điều gì cả. Đây chính là lời cầu nguyện tuyệt hảo nhất.

c 12 “Con giữ chay tuần lễ hai lần”: luật chỉ buộc mỗi năm ăn chay một lần vào lễ Đền tội (Lc 16,29). Anh này một tuần ăn chay hai lần (thứ hai và thứ năm), nghĩa là hơn mức độ buộc của luật. Có lẽ anh để bù cho những người khác đã không chu toàn luật ăn chay.

     – “Con nộp thuế thập phân mọi của con mua”: luật chỉ buộc đóng thuế thập phân về những gì mình sản xuất ra (Đnl 12,17). Anh này đóng luôn thuế thập phân cho những gì anh mua. Nghĩa là cũng hơn mức luật buộc.

     Tóm lại: người thu thuế này giữ luật chin chắn, cầu nguyện thành thật.

c 13 “Còn người thu thuế”: đây thuộc hạng người trúng thầu để thu thuế cho chính quyền Rôma. Đã có quy định về tỷ lệ mà họ được hưởng. Nhưng họ có nhiều mánh lới để thu hơn mức quy định, hầu bỏ vào túi riêng. Do đó dân chúng đồng hóa họ với bọn trộm cướp và xa lánh họ. Người thu thuế này ý thức thân phận của mình nên tự động ‘đứng xa xa’.

      – “Không dám ngước mắt lên trời”: tư thế lạ thường, vì thông thường khi cầu nguyện thì phải đứng, ngước mắt lên, giơ tay lên.

     – “Đấm ngực”: tay không giơ lên mà lại đấm ngực.

     – “Thân con tội lỗi”: anh cầu nguyện thành thật, vì anh ‘tội lỗi’ thật.

     – “xin thương con”: điểm đáng ta chú ý là anh thu thuế này đã trích những tiếng đầu của Tv 51 (Miserere). Mà trong Tv 51 có câu ‘Chúa gần gũi những tấm lòng tan nát’ tất cả những chi tiết vừa kể ở trên cho thấy người thu thuế này đang thực sự là một tấm lòng tan nát.

     * Tan nát vì biết mình tội lỗi nhiều.

     * Tan nát vì biết mình vô phương được tha: theo luật một người lỗi đức công bình nếu muốn được tha thì phải trả hết tiền, còn bồi thường them 1/5 nữa. Anh làm sao nhớ hết những kẻ mà anh làm hại,có nớ cũng không có tiền để trả, huống chi lại thường thêm 1/5.

     Anh chỉ còn mỗi một cách là ‘xin Chúa thương xót’ và đó chính là thái độ đúng nhất, vì ‘Chúa gần gũi những tấm lòng tan nát khiêm cung’.

c 14 “Kẻ sau khi về nhà thì được nên công chính”: ‘nên công chính’ ở đấy có nghĩa là ‘được tha. Được Chúa ban ơn’.

     – Đáng lưu ý là cảm tưởng của quần chúng trước lời tuyên bố này của Đức Giêsu. Như đã trình bày ở trên, thái độ và lời cầu xin của người biệt phái thì như vậy, và dân chúng vẫn coi như vậy là bình thường, là tốt nữa là đàng khác. Còn thu thuế thì xấu xa tội lỗi cũng là đương nhiên, và dân chúng vẫn nghi hạng xấu xa tội lỗi như thế chắc chắn sẽ bị Thiên Chúa trừng phạt.

     Thế nhưng, Đức Giêsu tuyên bố thật bất ngờ: Thiên Chúa không ‘công chính hóa’ (ban ơn) cho người biệt phái, nhưng lại công chính hóa người thu thuế.

 

BÀI 76: ĐỨC GIÊSU VÀ TRẺ THƠ (18,15-17)

            Đức Giêsu đã nhiều lần tỏ ra ưu ái đối với những hạng người bị xã hội coi khinh, như người nghèo, người tội lỗi, người thu thuế. Trong đoạn này Lc giới thiệu một hạng người nữa bị xã hội coi khinh nhưng lại được Ngài ưu ái, đó là trẻ thơ.

c 15 – “Trẻ thơ”: không phải là những em bé quá nhỏ. Theo nguyên ngữ Hy lạp (paidion) thì đây là những em tuổi khoảng 7-14.

     – “Để Ngài chạm tay vào chúng”: (Mc 10,13 chỉ ‘Để Ngài sờ đến chúng’): Nhiều lần người ta mang các bệnh nhân đến để được đụng chạm Ngài hầu được khỏi bệnh (Mc 3,10  5,25-28). Trường hợp này khác hơn, vì những đứa trẻ này không có bệnh. Vậy lý do người ta muốn Đức Giêsu chạm tay vào chúng có lẽ chỉ vì mộ mến Ngài hoặc vì mong cho chúng cũng được một ơn lành nào đó.

     – “Thấy vậy các môn đệ trách mắng họ”: đây cũng là thái độ chung của người Do thái thời do không tôn trọng trẻ em. Lý do là trẻ nhỏ ồn ào, nhất là trẻ nhỏ chưa thuộc Luật Môsê. Người ta coi rẻ chúng và xếp chúng vào số những người ‘sống ngoài luật’ như phụ nữ , nô lệ và ngoại kiều.

c 16 Đức Giêsu không đồng ý cách đối xử đó. Ngài bày tỏ lập trường của mình qua 2 câu nói (cc 16-17).

     – “Cứ để trẻ nhỏ đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng”: Xã hội đã khai trừ trẻ nhỏ, nên Đức Giêsu không muốn môn đệ mình cũng có thái độ khai trừ như thế. Ai bị người đời khai trừ thì Thiên Chúa lại che chở. Xem ra Đức Giêsu muốn dạy các môn đệ mình rằng quy luật đầu tiên của Nước Trời là các giá trị sẽ đổi ngược.

     – “Vì Nước Trời là của những người giống như chúng”: quy luật thứ hai là mọi sự đều là ơn cho không của Thiên Chúa. Nước Trời thuộc về trẻ nhỏ và những ai giống như chúng, chính vì chúng chẳng có một tư cách nào để có quyền đòi vào Nước ấy!

c 17 – Đức Giêsu còn nói thêm câu thứ hai dưới dạng phủ định. Lại còn kèm theo công thức long trọng ‘Thầy bảo thật anh em. Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào’. Điểm nhấn mạnh trong câu này không còn phải là ơn cho không nữa. mà là thái độ phải có để đón nhận Nước Thiên Chúa: đó là hãy đón nhận Nước ấy như một đứa trẻ khiêm tốn đón nhận tất cả từ tay cha mẹ nó. Giống như thái độ đón nhận của người thu thuế mà Đức Giêsu vừa khen ở phía trên (18,13-14); anh biết mình chẳng có gì cả, anh ý thức mình hoàn toàn lệ thuộc Thiên Chúa nên anh khiêm tốn đón nhận tất cả từ Thiên Chúa.

 

BÀI 77: CỦA CẢI – TỪ BỎ (18, 18-30)

c 18 – Chuyện này cả 3 Tin Mừng nhất lãm đều ghi (Mt 19,16-22; Mc 10,17-22). Nhưng trong khi Mt ghi là ‘có một người’. Mc ghi ‘Một thanh niên’, thì Lc ghi ‘Một thủ lãnh’.

     – Câu hỏi của người này mang tính chất chuyên môn về luật pháp, vì ông là một thủ lãnh. Nhưng câu trả lời của Đức Giêsu vượt ra khỏi phương diện chuyên môn đó, đề cập đến nguy hiểm của giàu có, và khuyến khích sự từ bỏ để làm môn đệ Ngài.

c 19 – Trước tiên Đức Giêsu điều chỉnh cách nói của ông. Ông đã nói: “Thưa Thầy nhân lành”, Ngài điều chính lại: “Chẳng ai nhân lành ngoài một mình Thiên Chúa”. Không phải Đức Giêsu phủ nhận thiên tính của mình, nhưng vì anh chưa biết thiên tính ấy nên làm như Ngài không phải là Thiên Chúa, và nhắc anh một ín điều quan trọng về sự tốt lành của Thiên Chúa mà thôi.

c 20 – Sau đó Đức Giêsu trích Xh 20,12-16 (Đnl 5,16-20) quy định những bổn phận đối với tha nhân và lòng hiếu thảo đối với cha mẹ. Đối với người bình thường, giữ bấy nhiêu thôi cũng tạm đủ để ‘được sự sống muôn đời’.

c 21-22 – Khi nghe người thanh niên cho biết đã tuân giữ những điều ấy từ nhỏ. Đức Giêsu bảo: “Ông chỉ còn thiếu có một điều”. Điều mà Đức Giêsu sắp nói ra không phải là bó buộc đối với hết mọi người, nhưng là mời gọi đối với một số người. Đó là: ‘bán tất cả những gì ông có mà phân phát cho người nghèo rồi hãy đến theo tôi”.

     – “Bán tất cả những gì ông có”: không dính bén.

     – “Phân phát cho người nghèo”: điều này được Đức Giêsu và GH đề cao (Cv 2,44  4,32-35).

     – “Theo tôi”: đây là điểm quan trọng nhất trong ba điểm. Người Do thái (và nhiều người thời nay) cho rằng giữ đạo là chỉ cần giữ đủ các điều luật. Đức Giêsu mời tiến thêm một bước quan trọng hơn nữa là theo Ngài.

c 23 – Nhưng người đó đã không đáp lại lời mời gọi đó, vì ông còn tiếc của.

c 24-27 Vai thứ hai trong câu chuyện này là dân chúng. Sau chuyện trên Đức Giêsu khuyến cáo họ về sự nguy hiểm của giàu có. Hình ảnh ‘con lạc đà chui qua lỗ kim’ hẳn nhiên chỉ là một hình ảnh cường điệu để cho thấy người giàu không thể nào tự mình vào Nước Thiên Chúa. Tuy nhiên sau đó Ngài nói thêm một điều cũng không kém phần quan trọng: Thiên Chúa có thể làm được những điều người ta không thể làm. Đây cũng là một tư tưởng mà Lc nhiều lần nhấn mạnh (Lc 1,37). Vậy Thiên Chúa có thể cứu cả người giàu nữa, câu chuyện Dakêu là một thí dụ (19,8-10).

c 28-30 Vai trò thứ ba là các môn đệ mà Phêrô là người phát ngôn. Đây là những người đã đáp ứng tích cực với lời Đức Giêsu kêu gọi ở câu 22 (bán tất cả những gì mình có, phân phát cho người nghèo, rồi đi theo Đức Giêsu). Họ được thưởng gì?

     – Trong phần trả lời, trước hết Đức Giêsu liệt kê những gì mà người môn đệ từ bỏ: nhà, vợ, anh em; cha mẹ, con cái. Tóm lại là từ bỏ gia đình. Một chi tiết nhỏ: Lc ghi thêm chi tiết ‘bỏ vợ’ trong khi các Tin Mừng nhất lãm khác không ghi (14,26); sau đó Ngài cho biết phần thưởng, gồm hai điều:

a/ Đời này: họ sẽ được một gia đình đông đảo (‘gấp bội’) bù cho việc họ đã bỏ gia đình ự nhiên, một gia đình nhiều khi chia rẽ, thậm chí thù nghịch (12,52-53). Gia đình mới là cộng đoàn tín hữu.

b/ Đời sau: được sự sống vĩnh cửu. Đây cũng là điều vai thứ nhất (thủ lãnh) tìm kiếm (câu 18). Như thế, câu cuối cùng của câu chuyện cũng là câu trả lời cho câu hỏi ở đầu câu chuyện.

 

BÀI 78: BÁO TIN CHỊU NẠN LẦN THỨ BA (18,31-34)

            Trong Mt và Mc, có ba lần Đức Giêsu báo trước cuộc chịu nạn, còn trong Lc có tất cả 6 lần: 9,22  9,44  12,50  13,32-33  17,25 và ở đây. Điều này cho ta thấy cuộc chịu nạn có tầm quan trọng đặc biệt trong Tin Mừng Lc như thế nào. Như thế nói ‘loan báo lần thứ ba’ là để giống với các Tin Mừng nhất lãm kia. Nói cho đúng phải là ‘lần thứ ba loan báo long trọng’. Ta hãy so sánh lần này với những lần long trọng trước đó.

9,22 Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và ngày thứ ba sống lại.

9,44 Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.

            Lần này có nhiều điểm khác biệt:

    – Đức Giêsu nói với nhóm 12 (những lần trước thì nói với các môn đệ).

     – Nói trong khung cảnh cuộc xuất hành lên Giêrusalem, và đây là lần đầu tiên Ngài chỉ rõ Giêrusalem là nơi Ngài hoàn tất cuộc xuất hành đó (những lần trước chỉ nói cách mơ hồ).

            – Bảng liệt kê những đau khổ dài hơn (hãy so sánh lần thứ nhất với lần này).

     – Có công thức dẫn nhập long trọng: “Tất cả những gì các ngôn sứ đã viết về Con Người sẽ được hoàn tất”: như thế cuộc chịu nạn này nằm sẵn trong kế hoạch mà Thiên Chúa đã định từ lâu.

     – Lần này Đức Giêsu không nói rõ về những nhà lãnh đạo Do thái nữa (chỉ hiểu ngầm trong câu ‘sẽ bị nộp’. Mà ‘giao nộp’ này không nên hiểu theo nghĩa luật pháp hay cảnh sát, mà theo nghĩa thần học: Thiên Chúa giao nộp, Giuđa giao nộp, chình Đức Giêsu tự giao nộp), thay vào đó là ‘dân ngoại’. Lc cho dân ngoại đóng một vai trò trong cuộc chịu nạn (Cv 2,23).

     – Và có kèm lời loan báo phục sinh ‘Ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại’.

     Đoạn này kết thúc bằng đề tài ‘không hiểu’, một chủ đề quen thuộc trong Lc.

 

BÀI 79: NGƯỜI MÙ THÀNH GIÊRIKHÔ (18,35-43)

            Đức Giêsu tiến đến chặng chót của cuộc hành trình lên Giêrusalem: tới thành Giêrikhô. Tại đây Đức Giêsu đã gặp gỡ 2 người đại diện cho 2 hạng người khác hẳn nhau: a/ Một anh mù, đại biểu của những người nghèo. b/ Dakêu, đại biểu của những người giàu. Cả hai đều được Đức Giêsu cứu. Chúng ta tìm hiểu câu chuyện người mù trước.

I- GIẢI THÍCH

c 35 Ở Mt 20,29 và Mc 10,46, câu chuyện này xảy ra khi Đức Giêsu ra khỏi Giêrikhô. Còn Lc thì ghi lúc Đức Giêsu vào thành này. Đây là cách Lc sắp xếp để sau đó còn nói tới chuyện Dakêu và dụ ngôn nhà quý tộc đi lãnh phong vương.

     – “Thành Giêrikhô”: Đức Giêsu đang đi theo hướng lên Giêrusalem, và do đó phải ngang qua thành Giêricô.

     – “Có một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường”: Người mù bị coi là ở bên lề xã hội. Người mù này lại thê thảm hơn nữa vì quá nghèo phải quen đi ăn xin. Thân phận bị loại ra rìa xã hội được làm nổi bật thêm với chi tiết anh ta đang ở ‘bên vệ đường’.

c 37-38 Nhưng con người bị loại ra rìa xã hội này là một người đang tìm kiếm. Bởi đó khi nghe tin có Đức Giêsu người Nazarét đi ngang qua thì anh ta liền kêu cứu.

     – “Lạy ông Giêsu”: Trước hết anh gọi Ngài bằng tên thông thường.

     – “Con Vua Đavít”: Và liền sau đó anh lại gọi Ngài là ‘Con Vua Đavít’, tước hiệu bình dân của Đấng Mesia, dựa theo lời của ngôn sứ Natan (2Sm 7,1-17). Điểm đáng lưu ý  là anh này tuy mù những đã ‘thấy’ rằng Đức Giêsu chính là Đấng Messia mà ngôn sứ Natan tiên báo. Như thế lời kêu của anh cũng là một lời tuyên xưng đức tin mạnh mẽ.

c 39 –Thế nhưng những người theo Đức Giêsu lại la rầy và buộc anh im. Tại sao? Vì theo suy nghĩ thường tình, một kẻ ở ngoài rìa xã hội như anh mù không được phép quấy rầy một nhân vật quan trọng như Đức Giêsu, huống chi Ngài lại đang bận rộnvới cuộc hành trình.

     – Nhưng anh càng kêu to hơn.

c 40 – Đức Giêsu dừng lại, truyền dẫn anh đến: cũng như lúc trước Ngài cho gọi những trẻ nhỏ bị xua đuổi đến, nay Ngài cũng gọi một kẻ ở ngoài rìa xã hội đến với Ngài.

c 41 Câu hỏi của Đức Giêsu có vẻ thừa ‘Anh muốn tôi làm gì cho anh?’. Nhưng Đức Giêsu tôn trọng tự do con người nên hỏi ý con người. Anh đáp: “Lạy Ngài xin cho tôi được thấy”. Tiếng ‘Chúa’ anh dùng là một chi tiết nữa về lòng tin của anh.

c 42 Đức Giêsu bảo anh thấy. Ngài còn nói thêm: ‘Lòng tin của anh đã cứu anh’: một động từ súc tích, không phải chỉ chữa lành bệnh tật phần xác mà còn mang ơn cứu rỗi cho linh hồn. Cũng giống như lời Đức Giêsu nói với người phụ nữ loạn huyết (8,48). Động từ này cho thấy ý nghĩa đích thực của những phép lạ Đức Giêsu làm.

     – “Anh ta liền thấy được và đi theo Ngài”: ‘đi theo’ cũng là một động từ tả thái độ của người môn đệ.

II- Ý NGHĨA

1/ Tình trạng anh mù lúc đầu và lúc sau khác hẳn nhau: mù, ăn xin, ngồi, bên vệ đường… sang, đi theo Đức Giêsu.

2/ Câu chuyện này được đặt vào lúc quan trọng của cuộc hành trình lên Giêrusalem lại càng cho thấy rõ thái độ phải có của người môn đệ: phải mở mắt ra để thấy Đức Giêsu là ai và sứ mạng của Ngài là gì.