Học Kinh Thánh của Cha Carôlô Hồ Bạc Xái: Luca Chương 19

print

Học Kinh Thánh của Cha Carôlô Hồ Bạc Xái: Luca Chương 19

BÀI 80: ÔNG DAKÊU (19,1-10)

            Chuyện này còn mang ý nghĩa Ngôn sứ nghĩa là các cử chỉ và lời nói của Ngài, nhằm mạc khải một khía cạnh đặc biệt trong sứ mạng của Ngài.

c 2 “Một người tên là Dakêu”: (Lc ít khi nêu tên các nhân vật, ở đây Lc nêu tên Dakêu có lẽ vì có ngụ ý đặc biệt). Tên này có nghĩa là ‘Trong sạch’. Thật là mỉa mai vì Dakêu làm nghề thu thuế, một nghề khiến dân chúng khinh bỉ và coi là quân tội lỗi. Nhưng trước con mắt của Đức Giêsu, không nhất thiết là như vậy.

c 3 “Ông tìm xem Đức Giêsu là ai?: phép lạ chữa bệnh cho người mù ở Giêrikhô (18,35-43) đã được loan truyền đến tai Dakêu, nên ông muốn tìm gặp Ngài.

c 4 “Trèo lên cây vả”: cây này tuy to và cao, những những cành đầu tiên của nó lại thấp nên rất dễ trèo lên.

c 5 “Dakêu, liệu xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải lưu lại nhà ông”: câu này rất quan trọng, ta sẽ giải thích kỹ.

     – Đức Giêsu có thói quen hạ mình xin trước để rồi ban ơn cho người ta. Thí dụ: xin nước của một thiếu phụ Samaria (Ga 4) trong chuyện này, trong lời Ngài xin với Dakêu có tiếng ‘mau mau’ có vẻ Đức Giêsu đang đói khát lắm và cần được Dakêu giúp đỡ gấp. Thực ra Ngài đang nôn nóng cứu vớt một người tội lỗi.

     – “Hôm nay”: Lc thường nhấn mạnh đến khía cạnh ‘hôm nay’ của ơn cứu độ (2,11  3,22  5,26  13,32  23,43)

     – “Tôi phải”: sự cần thiết phải cứu độ kẻ tội lỗi.

     – “Lưu lại nhà ông”: người Do thái cho rằng nguyên việc đến nhà người tội lỗi cũng đủ làm ta ra nhơ uế và không tham dự các lễ nghi được, huống chi Đức Giêsu lại muốn ‘lưu lại’ nhà Dakêu (và dĩ nhiên là sẽ ăn cùng bàn với Dakêu).

c 7 “Mọi người lẩm bẩm”: không phải chỉ một số biệt phái và luật sĩ, những tất cả đám đông đều khó chịu vì quyết định ấy của Đức Giêsu.

     – “Ông trú nhà người bất lương”: sự giao tiếp với kẻ tội lỗi làm cho ta ra nhơ uế (5,30  7,34  15,2).

c 8 “Còn ông Dakêu thì thân thưa Chúa rằng”: đây không những là lời ông nói riêng với Đức Giêsu, và còn là lời tuyên bố công khai trước mặt mọi người. Sở dĩ tuyên bố công khai vì trước đây ông đã phạm tội công khai.

     – “Xin lấy phân nửa gia tài mà chia cho người nghèo”: Dakêu thực hiện ngay điều mà Lc thường khuyên: lấy của cải chia cho người nghèo, dùng của cải đời này đổi lấy gia tài không hư nát đời sau.

     – “Xin đền gấp bốn”: vượt quá đòi buộc của luật Do thái (Xh 22,3.6; Lv 5,21-24; Ds 5,6-7) những theo (Xh 21,37; 2 Sm 12,6; Tv 6,31) và tương xứng với hình phạt theo luật Rôma đối với trộm cắp công khai.

c 9 “Đức Giêsu tuyên bố về ông ấy rằng”: nhiều bản dịch là ‘tuyên bố với ông ấy’, nhưng không đúng, vì câu tiếp theo ở ngôi thứ ba (chứ không phải ở ngôi thứ hai).

     – “Con cháu của Abraham”: không phải chỉ là con cháu theo huyết thống mà đặc biệt là theo đức tin. Dakêu xứng đáng là con cháu tổ phụ những kẻ tin vì Dakêu có lòng quảng đại đặc biệt.

c 10 “Con Người đến để tìm cứu vớt những gì hư hỏng”: câu này xác định sứ mạng của Đức Giêsu

Ý NGHĨA PHONG PHÚ CỦA CHUYỆN NÀY

1/ Một lần nữa Đức Giêsu đánh tan thành kiến của người Do thái về người tội lỗi. Đồng thời cho thấy lòng nhân từ thương xót bao la của Thiên Chúa. Ngài cũng cho thấy sứ mạng của Ngài là cứu vớt người tội lỗi.

2/ Thiên Chúa cư ngụ ở đâu thì ở đó là Đền thờ. Chuyện này cho thấy Đền thờ thật mà Thiên Chúa yêu thích không phải là một nơi xây bằng gạch đá, mà chính là tâm hồn ăn năn sám hối chân thành. Đức Giêsu trong truyện này đã thực hành lời Ngài đã nói với người phụ nữ Samaria ‘Đã đến giờ những kẻ tôn thờ Cha trong Thánh Thần và Chân Lý’ (Ga 4,23).

 

BÀI 81: DỤ NGÔN ÔNG VUA ĐI XA (19,11-27)

I- GIẢI THÍCH

c 11 Hoàn cảnh của dụ ngôn này:

     a/ Đức Giêsu ‘đang ở gần Giêrusalem’, nghĩa là gần kết thúc cuộc hành trình lên Giêrusalem của Ngài.

     b/ Vào lúc gần kết thúc như thế, nhiều người ‘tưởng là triều đại Thiên chúa sắp xuất hiện đến nơi rồi’ (Cv 1,6; Mc 10,37). Trong hoàn cảnh đó, Đức Giêsu nói dụ ngôn này để điều chỉnh quan niệm của người ta. Triều đại Nước Thiên Chúa chưa đến với cuộc Ngài vào thành Giêrusalem, cũng chưa đến với việc Ngài sống lại (Cv 1,6-11), cũng chưa đến với biến cố thành Giêrusalem bị tàn phá (21,20-28). Triều đại ấy sẽ chỉ đến một cách trọn vẹn khi Ngài Quang lâm và Phán xét.

c 12-14 Dụ ngôn gồm hai phần: Trong phần 1 (12-14), có một người quý tộc trẩy đi phương xa để được phong vương. Nhưng đồng bào của ông ghét ông nên cử một phái đoàn đi ngăn cản cuộc phong vương đó. Chi tiết này hợp với bối cảnh lịch sử thời đó: chính Hoàng đế Rôma phong vương cho các nước chư hầu. Năm thứ tư tr.cn. Arkêlao, con của Hêrôđê cả, cũng sang Rôma để được phong vương. Nhưng dân Do thái đã cử một phái đoàn 50 người sang Rôma ngăn cản. Phái đoàn này lại được sự hỗ trợ của 8.000 người Do thái sinh sống tại Rôma. Vì thế mà cuộc phong vương bất thành. Arkêlao không được làm vua mà chỉ được làm châu trưởng (ethnaque) miền Giuđê và Samari. Dù vậy Arkêlao cũng vẫn tàn ác nên dân lại cử một phái đoàn nữa đi khiếu nại, kết quả là Arkêlao bị cách chức năm 6 sau cn. (Flavius Josèphe, chiến tranh Do thái II, 80-98, 111-113). Sở dĩ Lc gợi lại chuyện này là nhằm ám chỉ dân Do thái không chấp nhận vương quyền của Đức Giêsu.

     – Trước khi đi, nhà quý tộc trao cho 10 người tôi tớ mỗi người một yến bạc, tức một số tiền tương đối nhỏ (tương đương 100 quan tiền, khoảng 3 tháng lương). Nhưng điều quan trọng là lệnh bảo họ sinh lợi ra.

c 15-27 Phần 2 (15-27) được Lc triển khai rộng hơn vì là phần quan trọng hơn, chứa đựng sứ điệp của dụ ngôn.

     – Arkêlao không được phong vương. Nhưng vị quý tộc trong dụ ngôn thì được. Sau khi trở về, tân vương gọi các người tôi tớ đến để nghe họ báo cáo về việc xử dụng các yến bạc. Người thứ nhất báo cáo yến bạc đã sinh lợi được 10 yến khác, người thứ hai làm lợi ra 5 yến nữa. Lời khen của ông vua đáng ta ngạc nhiên ở chỗ ông không chú ý đến số lượng lời thêm, cũng không để ý tới tài khéo của họ, mà chú ý tới lòng trung thành của họ: nhiều người khác đã không nhận vương quyền ông và còn ngăn cản ông, nhưng những người này vẫn trung thành. Vì thế ông thưởng họ: người sinh lợi 10 yến được cai trị 10 thành, người 5 yến 5 thành. Nghĩa là họ được chia sẻ quyền cai trị của ông.

     – Sau đó Lc chỉ nói thêm về người thứ ba, không nói chi đến 7 người còn lại (thói quen của Lc là chỉ nói tới 3 nhân vật trong mỗi câu chuyện. Ba nhân vật này đại diện cho tất cả mọi nhân vật). Người này không sinh lợi gì cả, lại còn biện luận rằng vì ôn chủ mình hà khắc và keo kiệt. Ở đây ta cũng hãy chú ý tới cách đối xử của ông vua: lấy lại yến bạc của hắn không phải để ông giữ mà để trao cho người đã có 10 yến, Chi tiết này chứng tỏ ông không chú ý tới tiền lời, nhưng chú ý tới cách nghĩ của tôi tớ về ông: ai trung thành với ông thì ông thưởng, còn ai bất trung thì ông phạt. Các yến bạc đươc giao chỉ là dịp để ông trắc nghiệm lòng họ mà thôi. Sau đó nhà vua trừng trị những kẻ phản đối việc phong vương của ông.

II- Ý NGHĨA DỤ NGÔN

            1/ Ông vua trong dụ ngôn này chính là Đức Giêsu. Ngài khác các vua trần thế: Ngài được phong vương bởi Chúa Cha chứ không phải bởi một hoàng đế trần gian nào cả hoặc do sự ủng hộ của nhóm người nào cả, kể cả các môn đệ Ngài.

            2/ Các tôi tớ là các tín hữu: ai trung thành với Ngài thì đươc chia sẻ quyền cai trị của Ngài.

            3/ Trong bối cảnh đời Đức Giêsu, dụ ngôn vừa nhằm xóa tan ý tưởng Ngài sắp thiết lập vương quyền, vừa chuẩn bị tâm lý các môn đệ về sự vắng mặt (‘đi xa’) sắp tới của Ngài. Sở dĩ Đức Giêsu nói dụ ngôn này vì Ngài sắp vào thành Giêrusalem. Khi đó Ngài sẽ được tung hô như một vị vua. Nhưng Ngài muốn người ta hiểu rằng đó chưa phải là lúc Ngài thiết lập vương quyền. Vương quyền chỉ được thiết lập khi Ngài chịu chết trên thập giá, và sẽ được thiết lập trọn vẹn khi Ngài quang lâm trở lại.

PHẦN VI: SỨ VỤ TẠI GIÊRUSALEM

 

BÀI 82: THƯƠNG KHÓC GIÊRUSALEM (19,28-44)

GIẢI THÍCH

c 28-34 Cuộc chuẩn bị cho Đức Giêsu vào thành Giêrusalem với các chi tiết tỉ mỉ do chính Đức Giêsu đưa ra và đã xảy ra đúng như vậy nhằm cho thấy:

     a/ Việc này là quan trọng nên Đức Giêsu phải đích thân thu xếp từng chi tiết.

     b/ Đức Giêsu là một ngôn sứ thấy trước mọi việc. Thêm một chi tiết nhỏ nhưng quan trọng: “Chúa cần đến nó”. Đây là lần đầu tiên Đức Giêsu áp dụng cho mình tước hiệu ‘Chúa’, vì Ngài đã đi đến giai đoạn cuối cùng của cuộc hành trình lên Giêrusalem.

c 35-38 Lc ghi nhiều chi tiết nhằm làm nổi bật vương quyền Đức Giêsu:

     a/ Tước hiện “Đức Vua” (c 38).

     b/ Các môn đệ “đặt Ngài lên lừa”, ‘xuống núi Ô-liu’ ám chỉ đến cuộc phong vương Salomom (1V 1,38-40).

     c/ Các môn đệ lấy áo trải lên lưng lừa cũng ám chỉ lễ phong vương Salomon (2V 9,13)

     d/ “Lừa con chưa ai cỡi”: thích hợp với vị vua Messia (1Sm 6,7)

     e/ Lời tung hô ‘bình an’ nói đến phúc lành cao quý nhất thời Messia.

     * Nhưng có vài điểm khác với Mt, Mc và Ga:

  1. a) Lc không nói đến dân thành Giêrusalem tung hô Đức Giêsu: chỉ có các môn đệ tung hô.
  2. b) Họ không tung hô ‘chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vủa Đavít tổ phụ chúng ta’ (Mc 11,10). Ta thấy Lc vẫn tiếp tụctriển khai đề tài dân Giêrusalem không chấp nhận vương quyền Đức Giêsu. Và một lần nữa Lc muốn người ta hiểu rằng việc Đức Giêsu vào thành Giêrusalem chưa phải là lúc thiết lập lại vương quyền. Ngài thực là vua đấy, nhưng chưa thiết lập vương quyền ngay đâu.

c 39-40 Một số người pharisêu khó chịu khi nghe các môn đệ Đức Giêsu tung hô Ngài là vua. Họ yêu cầu Ngài bảo các ông ấy im đi. Thêm một chi tiết cho thấy dân Giêrusalem không chấp nhận vương quyèn Đức Giêsu.

     – Nhưng Đức Giêsu nói: “Họ mà làm thinh thì sỏi đá cũng kêu lên”:

     a/ Việc Đức Giêsu làm vua là một việc hiển nhiên không cần ai phong vương, kể cả các môn đệ.

     b/ Cho dù các môn đệ có bị áp lực phải câm miệng (Kb 2,11) thì Ngài vẫn là vua.

     c/ Tiên báo thành Giêrusalem sẽ bị tàn phá, khi đó những viên đá đã bị nằm rải rác trên mặt đất sẽ là một lời cáo tội dân thành đã không nhìn nhận Ngài.

c 41-44 Nên biết rằng Đức Giêsu 3 lần nói tiên tri về Giêrusalem: đây là lần thứ nhất; lần thứ hai là khi Ngài đang giảng trong Đền thờ (21,20-24); và lần thứ ba khi Ngài đang vác Thập giá (23,28-31).

     – Đức Giêsu khóc: đây là lần duy nhất các sách Tin Mừng nói Đức Giêsu khóc.

     – Sau đó Ngài loan báo thảm họa sẽ đổ xuống trên thành Giêrusalem. Ngài liệt kê 5 việc: quân thù đắp lũy chung quanh, bao vây, công hãm, đè bẹp dân chúng, không để lại hòn đá nào trên hòn đá nào. Những chi tiết này là trích dẫn những lời tiên tri trong Cựu Ước (Er 29,3; Tv 137,9). Đây không phải là chuyện may rủi mà có lý do được Đức Giêsu nói rõ. Vì thành này đã không nhận ra “thời giờ được Thiên Chúa viếng thăm” nghĩa là không đón nhận ơn cứu độ mà Đức Giêsu mang đến cho nó. Thiên Chúa muốn đem cho nó sự ‘bình an’, tức là sự hòa thuận với mọi dân nước chung quanh. Nhưng vì nó không đón nhận cho nên nó mới nị các nước chung quanh thành kẻ thù công hãm nó.

 

BÀI 83: THANH TẨY ĐỀN THỜ (19,45-48)

c 45 – Đức Giêsu vào Đền thờ: Ngài làm ứng nghiệm lời tiêm tri Malakhi 3,1: “Này Ta sai thần sứ của Ta… thình lình sẽ đến nơi Đền thờ của Ngài”, Đền thờ này chính là của Ngài. Trước đây Ngài chỉ mới ghé đó một lần lúc 12 tuổi (2,49). Hôm nay Ngài lại đến. không phải chỉ để ‘nhìn chung quanh’ (Mc 11,11) mà để tiếp nhận nó trong tư cách của một chủ nhân đích thực.

     – Ngài đuổi những kẻ đang buôn bán: Lc chỉ dùng một động từ chung chung là ‘đuổi’ chứ không mô tả cách Ngài đuổi như Mt và Mc, có lẽ để tránh hình ảnh một Đức Giêsu hung dữ.

c 46 – Thực ra việc buôn bán này là cần thiết vì phục vụ cho nhu cầu lễ vật của tín hữu. Tuy nhiên giới tư tế quản lý Đền thờ đã càng ngày càng ít chú trọng phương diện phục vụ hơn phương diện lợi nhuận. Thành thử dần dần mục tiêu kinh tế chiếm ưu thế. Và như thế Đền thờ đã mất ý nghĩa (“Nhà Ta là nhà cầu nguyện mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp”); các tư tế cũng không làm như lời Đức Giêsu đã chỉ: ‘Không thể phụng thờ Thiên Chúa đồng thời với tiêng bạc được’ (16,13); và thay vì nuôi dân, họ lại cố nuôi bản thân mình.

c 47 Sau khi thanh tẩy Đền thờ cho sạch khỏi những gì nghịch với bản chất của nó. Đức Giêsu trả lại cho nó bản chất đích thực: “Hằng ngày Ngài giảng dạy trong Đền thờ… và toàn dân say mê nghe Ngài”.

     – Nhưng các thượng tế và các thân hào trong dân – những kẻ mà quyền lợi bị chạm- tìm cách giết Ngài.