Manna Lương Thực Hàng Ngày Tuần 18 Thường Niên

print

Manna Lương Thực Hàng Ngày Tuần 18 Thường Niên

 

Chúa Nhật 18 Thường niên, năm A.

Thứ Hai tuần 18 Thường niên.

Thứ Ba tuần 18 Thường niên.

Thứ Tư tuần 18 Thường niên.

Thứ Năm tuần 18 Thường niên.

Thứ Sáu tuần 18 Thường niên.

Thứ Bảy tuần 18 Thường niên.

 

 

ANH EM HÃY CHO HỌ ĂN

Chúa Nhật 18 Thường niên, năm A

Lời Chúa: Mt 14, 13-21

Khi được tin ông Gioan Tẩy giả đã bị giết chết, Ðức Giêsu lánh khỏi nơi đó, đi thuyền đến một chỗ hoang vắng riêng biệt. Nghe biết vậy, đám đông từ các thành đi bộ mà theo Người. Ra khỏi thuyền, Ðức Giêsu trông thấy một đám người đông đúc thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ. Chiều đến, các môn đệ lại gần thưa với Người: “Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy giải tán đám đông, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn”. Ðức Giêsu bảo: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn.” Các ông đáp: “Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá!” Người bảo: “Ðem lại đây cho Thầy!” Rồi sau đó, Người truyền cho đám đông ngả mình trên cỏ. Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ. Và môn đệ trao cho đám đông. Ai nấy đều ăn và được ăn no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được mười hai giỏ đầy. Số người ăn có tới năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ em.

Suy niệm

Khi nghe tin Gioan bị giết, Ðức Giêsu rút lui.

Ngài rút lui vì chưa đến Giờ của Ngài (Mt 12,15).

Nhưng dân chúng đã đến nơi mà thuyền Ngài sắp cập bến.

Thấy họ, Ngài chạnh lòng thương và chữa những người bệnh.

Nơi thì hoang vắng, trời đã ngả về chiều,

các môn đệ xin Ngài cho đám đông đi mua đồ ăn.

Nhưng Ðức Giêsu đã làm cho họ chưng hửng khi nói:

“Chính anh em hãy cho họ ăn.”

Chỉ với năm chiếc bánh và hai con cá,

làm sao họ có thể cho đám đông này ăn được?

Các môn đệ thú nhận giới hạn của mình.

Họ chỉ có thế, nên không làm được điều Thầy muốn.

“Hãy đem lại đây cho Thầy.”

Ngài cần đến phần đóng góp nhỏ nhoi của chúng ta,

Ngài cần chúng ta trao cho Ngài tất cả những gì mình có,

tất cả những gì chính chúng ta đang cần:

năm cái bánh và hai con cá.

Chúng ta nên nhìn lại đường đi của những tấm bánh:

từ tay các môn đệ đến tay Ðức Giêsu,

từ tay Ðức Giêsu nâng cao dâng lên Cha,

rồi trở lại tay các môn đệ,

và cuối cùng đến tay của từng người trong đám đông.

Chúng ta tự hỏi phép lạ đã xảy ra ở trên tay ai.

Tin Mừng không nói Ðức Giêsu đã làm phép lạ

để có một đống bánh và cá thật to,

rồi các môn đệ cứ đến lấy mà phân phát.

Tin Mừng chỉ nói Ngài bẻ bánh trao cho họ,

rồi chắc họ phải bẻ ra để chia cho đám đông,

và có lẽ những người trong đám đông

cũng đã bẻ tấm bánh của mình để chia cho người khác.

Chẳng mấy chốc, ai cũng có bánh ăn.

Như thế, những tấm bánh từ tay Ðức Giêsu

đã được bẻ ra, trao đi và hoá nhiều.

Ðó là cốt lõi của phép lạ.

Có thể các môn đệ và dân chúng đã góp phần của họ:

bẻ ra, trao đi và hoá nhiều.

Ðây là phép lạ quan trọng vì có đông người chứng kiến,

vì được cả bốn sách Tin Mừng kể lại,

và vì Chúa muốn nó được kéo dài đến tận thế:

bẻ ra, trao đi và hoá nhiều.

Hôm nay Ðức Giêsu cũng mời chúng ta tham dự

để biết phép lạ không phải là chuyện viển vông.

Ðừng sợ bẻ ra và trao đi sẽ làm hao hụt.

Nếu giữ lại, 5 chiếc bánh vẫn chỉ là 5 chiếc bánh.

Hãy nhìn đến biết bao người đang cần bánh:

bánh mì, bánh sự thật, bánh tự do, bánh công bằng,

bánh yêu thương, cảm thông và tha thứ.

Ðừng lo vì bạn không có chi nhiều.

Nếu bạn dám bẻ đôi những gì bạn đang có

thì thế giới sẽ được no nê.

Cầu nguyện

Giữa một thế giới

chạy theo tiện nghi, hưởng thụ,

xin cho con biết bằng lòng với cuộc sống đơn sơ.

Giữa một thế giới còn nhiều người đói nghèo,

xin cho con đừng thu tích của cải.

Giữa một thế giới mà sự sống bị chà đạp,

xin cho con biết quý trọng phẩm giá từng người.

Giữa một thế giới không tìm thấy hướng sống,

xin cho con biết xây lại niềm tin.

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho con cảm được

cơn đói đang giày vò bao người,

xin cho con nghe được lời mời của Chúa:

“Các con hãy cho họ ăn đi.”

Ước gì chúng con dám trao

tất cả những gì chúng con có cho Chúa,

để Chúa trao tất cả những gì Chúa có

cho chúng con và cho cả nhân loại.

 

 

 

BẺ RA VÀ TRAO ĐI

Thứ Hai tuần 18 Thường niên

Lời Chúa: Mt 14, 13-21

Khi nghe tin ông Gioan bị chặt đầu, Ðức Giêsu lánh khỏi nơi đó, đi thuyền đến chỗ hoang vắng riêng biệt. Nghe biết vậy, đám đông từ các thành đi bộ mà theo Người. Ra khỏi thuyền, Ðức Giêsu trông thấy một đám người đông đúc thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ. Chiều đến, các môn đệ lại gần thưa với Người: “Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy giải tán đám đông, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn.” Ðức Giêsu bảo: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn.” Các ông đáp: “Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá!” Người bảo: “Ðem lại đây cho Thầy!” Rồi sau đó, Người truyền cho đám đông ngả lưng trên cỏ. Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ. Và môn đệ trao cho đám đông. Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được mười hai giỏ đầy. Số người ăn có tới năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con.

Suy niệm

Tin về cái chết của Gioan Tẩy giả là một nhắc nhở cho Đức Giêsu

về số phận tương tự của một ngôn sứ đang chờ đợi Ngài.

Đức Giêsu cùng với môn đệ rút lui khỏi đó, đi thuyền đến một chỗ vắng.

Ngài không muốn đối đầu với kẻ thù khi giờ của Ngài chưa đến.

Nhưng lạ thay chỗ vắng này lại bất ngờ biến thành chỗ đông người,

khi người ta kéo nhau đi bộ mà đến trước nơi Ngài sắp đến.

Ra khỏi thuyền, Ngài đã thấy họ ở đó rồi.

Chắc họ vui vì họ đi bộ mà nhanh hơn người chèo thuyền!

Còn Đức Giêsu thấy họ thì chạnh lòng thương,

dù kế hoạch đi lánh mặt ở chỗ vắng của Ngài bị vỡ (c. 14).

Khi môn đệ xin Thầy giải tán đám đông, để họ đi mua thức ăn cho đỡ đói,

Ngài bảo: “Họ không cần phải đi đâu cả.

Chính anh em hãy cho họ ăn.”(c. 16).

Như thế môn đệ được mời gọi trở thành người cung cấp thức ăn miễn phí.

Hẳn là họ đã hết sức bối rối trước mệnh lệnh khó hiểu này.

Làm sao chuyện đó xảy ra được?

Làm sao nuôi được đám đông ngần này người ở nơi hoang vắng?

Tất cả những gì họ có trong tay chỉ là năm cái bánh và hai con cá (c. 17).

Nhưng những điều đó thì thấm vào đâu!

Họ thất vọng, chán nản, khi thấy sứ mạng thì lớn, mà khả năng lại bé nhỏ.

“Đem lại đây cho Thầy!” (c. 18).

Thầy Giê su bảo môn đệ đem đến cho mình tất cả bánh và cá họ có.

Vấn đề không phải là ít hay nhiều, nhưng là tất cả.

Ngài cần đóng góp nhỏ bé của chúng ta để làm những điều lớn lao.

Hãy đem lại cho Ngài tất cả bánh và cá của đời ta:

một chút thời giờ, một chút khả năng, một chút thiện chí.

Rồi để mặc Ngài định liệu.

Cảnh tượng thật đẹp trong mùa xuân có bãi cỏ xanh mướt.

Dân chúng ngồi trên cỏ thành từng nhóm nhỏ.

Bánh và cá được trao từ tay các môn đệ đến tay Đức Giêsu.

Từ tay Đức Giêsu dâng lên Cha Ngài trên trời với lời tạ ơn chúc tụng.

Rồi từ tay Đức Giêsu trở lại tay các môn đệ,

từ tay các môn đệ đến tay đám đông dân chúng (c. 19),

và dân chúng hẳn đã bẻ ra chia sẻ cho nhau.

Phép lạ bánh hóa nhiều diễn ra thật mầu nhiệm.

Đức Giêsu đã không làm nên một núi bánh để các môn đệ đến lấy mà phát.

Dường như bánh đã hóa nhiều khi được bẻ ra và trao đi từ tay nọ đến tay kia.

Đức Giêsu đã phải bẻ năm cái bánh cho mười hai môn đệ.

Các môn đệ cũng phải bẻ ra để trao cho đám đông.

Nếu họ cứ giữ cho mình thì năm cái bánh sẽ mãi chỉ là năm cái bánh.

Bẻ ra và trao đi không làm người ta trở nên nghèo, nhưng trở nên dư dật.

Nếu bạn dám trao hết cho Ngài mọi sự bạn có, thì thế giới sẽ được no đủ.

Phép lạ bánh hóa nhiều mãi mãi xảy ra khi ta chia sẻ qua tay Giêsu.

Hôm nay Thầy Giêsu vẫn mời chúng ta: Các con hãy cho họ ăn.

Cầu nguyện

Giữa một thế giới chạy theo tiện nghi, hưởng thụ,

xin cho con biết bằng lòng với cuộc sống đơn sơ.

Giữa một thế giới còn nhiều người đói nghèo,

xin cho con đừng thu tích của cải.

Giữa một thế giới mà sự sống bị chà đạp,

xin cho con biết quý trọng phẩm giá từng người.

Giữa một thế giới không tìm thấy hướng sống,

xin cho con biết xây lại niềm tin.

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho con cảm được cơn đói đang giày vò bao người,

xin cho con nghe được lời mời của Chúa:

“Các con hãy cho họ ăn đi.”

Ước gì chúng con dám trao

tất cả những gì chúng con có cho Chúa,

để Chúa trao tất cả những gì Chúa có

cho chúng con và cho cả nhân loại.

 

 

XIN CỨU CON

Thứ Ba tuần 18 Thường niên

Lời Chúa: Mt 14, 22-36

Khi ấy, Ðức Giêsu bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán đám đông. Sau khi giải tán đám đông, Người đi riêng lên núi mà cầu nguyện. Chiều đến, Người vẫn ở đó một mình, còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ nhiều dặm, bị sóng đánh vì ngược gió. Vào khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: “Ma đấy!”, và sợ hãi la lên. Ðức Giêsu liền bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” Ông Phêrô liền thưa với Người: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài”. Ðức Giêsu bảo ông: “Cứ đến!” Ông Phêrô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Ðức Giêsu. Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và bắt đầu chìm, ông la lên: “Thưa Ngài, xin cứu con với!” Ðức Giêsu liền đưa tay nắm lấy ông và nói: “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?” Khi thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay. Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!” Khi qua biển rồi, thầy trò lên đất liền, vào Ghennêxarét. Dân địa phương nhận ra Ðức Giêsu, liền tung tin ra khắp vùng, và người ta đem tất cả những kẻ đau ốm đến với Người. Họ nài xin Người cho họ chỉ sờ vào gấu áo của Người thôi, và ai đã sờ vào thì đều được khỏi.

Suy niệm

Bài Tin Mừng hôm nay là một loạt những kinh nghiệm thiêng liêng.

Có thể chúng ta ít nhiều đều đã có những kinh nghiệm này.

Thầy Giêsu là một nhà giáo nhân từ và cương quyết.

Ngài giáo dục các môn đệ bằng cách đưa họ vào những kinh nghiệm.

Kinh nghiệm bị Thầy bắt buộc phải qua bờ bên kia (c. 22),

dù họ rất muốn ở lại bờ bên này để nếm dư vị của thành công vừa rồi.

Sau phép lạ nhân bánh, người ta định tôn Thầy lên làm vua (Ga 6, 15).

Chỉ cần Thầy gật đầu là trò được chia sẻ tiếng tăm và quyền lực.

Các môn đệ đã bị ép lên thuyền, ngay lập tức, lúc chạng vạng tối.

Kinh nghiệm bị sóng đánh vì ngược gió.

Thuyền đã xa bờ mấy cây số, tiến tới không được, lùi lại cũng không xong.

Vào lúc khó khăn ấy lại không có Thầy ở trong thuyền.

Hầu như suốt đêm các môn đệ phải vất vả chèo chống với sóng gió.

Họ phải tập chiến đấu trong đêm tối khi không có Thầy ở bên.

Họ có nghĩ quyết định của Thầy là sai lầm, vội vã không?

Kinh nghiệm hốt hoảng, sợ hãi và được trấn an.

Mãi đến lúc gần sáng, Thầy Giêsu mới đi trên biển mà đến với các môn đệ.

Ngài đến khi họ chưa thấy rõ mặt Ngài.

Ngài đến vào lúc bất ngờ và đến theo cách bất ngờ, khiến họ khiếp kinh.

Ngài đến đem bình an mà họ tưởng là ma quái đe dọa (c. 26).

Quả thật có những lúc không dễ nhận ra là Chúa đang đến với mình.

Chúa đến làm các môn đệ sợ hãi hơn cả sóng gió.

Nhưng “Cứ yên tâm, chính Thầy đây. Đừng sợ!” (c. 27).

Kinh nghiệm tự đưa mình vào một thách đố của lòng tin.

Một mặt Phêrô vẫn chưa tin trọn vẹn khi nói câu: Nếu quả là Thầy…(c. 28).

Nhưng mặt khác ông lại rất táo bạo khi dám xin ơn đi trên mặt nước.

Ông coi đó là cách thức chắc chắn nhất để biết có phải là Thầy không.

Nếu đúng là Thầy thì Thầy cũng có thể cho mình làm được như Thầy.

Chỉ cần Thầy truyền lệnh là đủ, Phêrô tin như thế.

Kinh nghiệm đi trên mặt nước và kinh nghiệm bị chìm.

Khi được Thầy cho phép, Phêrô đã dám từ thuyền bước xuống biển động.

Và ông đã đi được một quãng không rõ bao xa (c. 29).

Mặt nước cứng như đá hay người ông trở nên nhẹ bổng?

Bây giờ thì đúng là Thầy rồi, chỉ Thầy mới cho mình làm được như Thầy.

Phêrô sung sướng tiến về phía Thầy với lòng tin đang lớn lên.

Nhưng khi gặp gió thổi mạnh thì ông lại sợ, lại hoài nghi, yếu tin.

Ông mất tập trung vào sự hiện diện quyền năng của Thầy và bị chìm.

Người ta có thể bị chìm ngay khi biết Chúa ở trước mặt.

Kinh nghiệm được Thầy nắm tay mà dắt vào thuyền.

Khi Phêrô kêu cứu, Thầy Giêsu đã giữ ông khỏi bị nước nuốt chửng.

Sau đó hẳn hai Thầy trò đã cùng nhau đi trên sóng mà về thuyền.

Khi cả hai lên thuyền thì gió lặng, chẳng cần Thầy phải dẹp yên sóng gió.

Các kinh nghiệm môn đệ vừa trải qua thật kinh khủng và gần gũi với ta.

Buồn bực, sợ hãi, căng thẳng, bình an, nghi ngờ, chới với, hạnh phúc.

Đời Kitô hữu là một chuỗi những kinh nghiệm như thế.

Chúng ta tưởng Chúa bỏ rơi, Chúa vắng mặt, Chúa là ma làm ta sợ hãi.

Đơn giản Chúa là Thầy biết cách làm ta trưởng thành qua kinh nghiệm.

Cuối cùng chúng ta sẽ nhìn nhận: “Quả thật Thầy là Con Thiên Chúa” (c.33).

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

con chẳng dám xin đi trên mặt nước như Phêrô,

nhưng nhiều khi con cảm thấy

sống đức tin giữa lòng cuộc đời

chẳng khác nào đi trên mặt nước.

Có bao thứ sóng gió đẩy đưa và lôi cuốn.

Có bao cám dỗ muốn hút con vô vực sâu.

Cả sự nặng nề của thân xác con

cũng kéo ghì con xuống.

Đi trên mặt nước cuộc đời chẳng mấy dễ dàng.

Nhiều khi con thấy mình bàng hoàng sợ hãi.

Xin cứu con khi con hầu chìm.

Xin nắm lấy tay con khi con quỵ ngã.

Xin nâng đỡ niềm tin yếu ớt của con,

để con trở nên nhẹ tênh

mà bước những bước dài hướng về Chúa. Amen.

 

 

LÒNG TIN CỦA BÀ LỚN THẬT

Thứ Tư tuần 18 Thường niên

Lời Chúa: Mt 15, 21-28

Khi ấy, Ðức Giêsu lui về miền Tia và Xiđon, thì này có một người đàn bà Canaan, ở miền ấy đi ra, kêu lên rằng: “Lạy Ngài là con vua Ðavít, xin dủ lòng thương tôi! Ðứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!” Nhưng Người không đáp lại một lời. Các môn đệ lại gần xin với Người rằng: “Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi!” Người đáp: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Israel mà thôi.” Bà ấy đến bái lạy mà thưa Người rằng: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!” Người đáp: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con.” Bà ấy nói: “”Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.” Bấy giờ Ðức Giêsu đáp: “Này bà, lòng tin của bà lớn thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy.” Từ giờ đó, con gái bà được khỏi.

Suy niệm

Bài Tin Mừng hôm nay kể lại chuyện Đức Giêsu chữa bệnh từ xa,

tại Tia và Xiđon, vùng đất của dân ngoại.

Nhưng chuyện chữa bệnh không quan trọng lắm.

Chuyện quan trọng là lòng tin của người phụ nữ Canaan.

Hẳn bà biết ít nhiều về Do Thái giáo, khi gọi Đức Giêsu là Con Vua Đavít.

Con Vua Đavít là tước hiệu người Do Thái dùng để chỉ Đấng Mêsia.

Bà tin Đức Giêsu có thể chữa lành con gái của bà.

Người phụ nữ trực tiếp gặp Đức Giêsu và ngỏ lời nài xin:

“Xin thương xót tôi… con gái tôi bị quỷ hành hạ dữ lắm.”

Người mẹ đau vì con của mình đau.

Bà kêu xin Đức Giêsu thương mình, bằng cách chữa lành cho cô con gái.

Nhưng bà chỉ gặp sự thinh lặng như thể Người không nghe thấy.

Dầu vậy bà vẫn không ngừng đi sau và kêu to.

Tiếng kêu dai dẳng của bà đuổi theo các môn đệ khiến họ bực bội.

Khi không chịu nổi được nữa, họ mới chạy đến với Thầy Giêsu.

“Xin Thầy cho bà ấy đi đi, vì bà ấy cứ kêu sau lưng chúng ta mãi.”

Có vẻ các môn đệ muốn Thầy gặp bà và cho điều bà cần.

Cho đến nay vẫn chưa có cuộc đối thoại giữa bà và Đức Giêsu.

Người phụ nữ vẫn là người độc thoại.

Nhưng Đức Giêsu vẫn chưa muốn nói chuyện với bà.

Người chỉ nói với các môn đệ và xác định sứ vụ của mình:

“Thầy chỉ được sai đến với những chiên lạc nhà Israel thôi.”

Đây là lời từ chối đầu tiên, rõ ràng và dứt khoát.

Nó như đặt một dấu chấm hết cho mọi hy vọng của người mẹ.

Đức Giêsu như muốn nói: Đừng kêu la vô ích.

Chị không phải là chiên của nhà Israel.

Dân ngoại lúc này không phải là sứ vụ của tôi,

vì Cha tôi chưa sai tôi đến.

Lòng tin của người phụ nữ bị thử thách đến tột độ.

Chắc bà bị cám dỗ bỏ đi vì sự thinh lặng lạnh lùng,

và sự từ chối cương quyết của Đức Giêsu.

Nhưng trái tim của một người mẹ không cho phép bà làm thế.

Bà trở nên táo bạo hơn và dám vượt lên trước để gặp Đức Giêsu.

Trong thái độ cung kính bái lạy, bà tiếp tục nài xin:

“Lạy Ngài, xin giúp tôi” (c. 25);

khác với lúc nãy: “Lạy Ngài, xin thương xót tôi” (c. 22).

Cả hai lời nài xin đều nhắm đến người con, dù có vẻ bà chỉ xin cho bà.

Xin giúp tôi bằng cách giúp con tôi khỏi móng vuốt quỷ dữ.

Hạnh phúc của người mẹ gắn liền với hạnh phúc của con,

vì tình yêu nối kết cả hai nên một.

Tuy vậy lời nài xin này của trái tim người mẹ

dường như vẫn chưa đụng được vào trái tim Thầy Giêsu.

Người đưa ra lời từ chối thứ hai

quyết liệt hơn và có thể gây tổn thương nghiêm trọng:

“Không nên lấy bánh dành cho con mà ném cho chó.”

Con ở đây là dân Israel, là người trong nhà, có quyền hành.

Dân ngoại đôi khi được ví với chó nuôi trong nhà.

Hai bên không ở trên cùng một mặt phẳng.

Câu nói này của Đức Giêsu phản ánh cái nhìn của người Do Thái.

Họ tự hào về tính ưu việt của mình

trong tư cách là Dân riêng của Chúa.

Nói chung họ cho rằng chỉ họ mới xứng đáng hưởng ơn cứu độ.

Người phụ nữ không phản đối cái nhìn của Đức Giêsu

Bà không cảm thấy mình bị xúc phạm và giận dữ bỏ đi.

Trái lại, bà đón nhận cái nhìn ấy và tìm thấy một kẽ hở cho ơn Chúa:

“Thưa Ngài đúng thế.

Nhưng chó con cũng được ăn các mảnh vụn rơi xuống từ bàn của chủ.”

Bà chấp nhận mình chỉ là chó con nuôi trong nhà,

không phải là ông chủ đang ngồi tại bàn ăn.

Bà tin rằng dù mình không đủ tư cách

để ngồi dự bàn tiệc cánh chung như những người Do Thái,

bà vẫn có thể được hưởng chút vụn bánh từ bàn ăn rớt xuống.

Bà vẫn giữ niềm hy vọng ngay khi bị từ chối thẳng thừng.

Chính lời từ chối của Đức Giêsu lại mở ra niềm hy vọng.

Đức Giêsu bị ấn tượng bởi lòng tin của bà.

Người kêu lên: “Này bà, lòng tin của bà lớn thật.”

Đức Giêsu từng ngỡ ngàng trước lòng tin của viên bách quản (Mt 8,10-11).

Giờ đây Người đối diện với lòng tin của một người mẹ thương con.

Chính tình thương thêm sức mạnh cho lòng tin,

khiến lòng tin trở nên kiên trì, bất chấp thinh lặng và từ chối.

Lòng tin không mất hy vọng ngay khi có vẻ chẳng còn gì để hy vọng.

Lòng tin mạnh mẽ và khiêm hạ của người mẹ đã chinh phục Đức Giêsu,

và cuối cùng đã chạm được vào trái tim của Người.

Đức Giêsu đã để mình bị cuốn đi, ngỡ ngàng và ngây ngất…

Bây giờ Người mới thực sự nói chuyện với bà: “Này bà…”

Người sẽ làm điều trước đây Người không định làm.

Người sẽ đáp lại lòng tin của bà, lòng ao ước của bà

chỉ bằng một lời nói từ xa cho một cô bé chưa hề gặp mặt:

“Hãy xảy ra cho bà như bà muốn”.

Cô bé đã được chữa lành kể từ lúc đó.

Mẹ cô đã được thương xót và trợ giúp.

Đức Giêsu không cứng nhắc và bó hẹp trong sứ vụ Cha giao.

Người vẫn nghe tiếng kêu của con người và chấp nhận những ngoại lệ.

Ngoại lệ cũng nằm trong Ý Cha.

Ý Cha vẫn mở ra mới mẻ từng ngày đòi ta phải tìm kiếm liên tục.

Ngoại lệ hôm nay sẽ mở đường cho sứ vụ ngày mai:

“Các con hãy đi, hãy làm cho mọi dân tộc thành môn đệ,”

để “nhiều người từ Đông sang Tây sẽ đến và dự tiệc trong Nước Trời.”

Xã hội hôm nay không thiếu những bà mẹ khổ vì con mình bị ám.

Ám vì đủ thứ nghiện ngập do cuộc sống đem lại.

Các bà mẹ thấy mình bất lực, chỉ biết hy vọng vào Chúa.

Nhiều khi có cảm tưởng Chúa không nghe và lạnh lùng trước nỗi đau.

Hãy có lòng tin lớn của người phụ nữ Dân ngoại,

tiếp tục tin, tiếp tục yêu, tiếp tục hy vọng

và biết mình có thể chạm được vào trái tim của Thiên Chúa.

Cầu nguyện

Lạy Chúa,

xin ban cho con đức tin lớn hơn hạt cải,

để con làm bật rễ khỏi lòng con

những ích kỷ và khép kín.

Xin cho con đức tin can đảm

để con chẳng sợ thiệt thòi khi trao hiến,

chẳng sợ từ bỏ những gì con cậy dựa xưa nay.

Xin cho con đức tin sáng suốt

để con thấy được thế giới

mà mắt phàm không thấy,

thấy được Đấng Vô hình,

nhưng rất gần gũi thân thương,

thấy được Đức Kitô nơi những người nghèo khổ.

Xin cho con đức tin liều lĩnh,

dám mất tất cả chỉ vì yêu Chúa và tha nhân,

dám tiến bước trong bóng đêm

chỉ vì mang trong tim một đốm lửa của Chúa,

dám lội ngược dòng với thế gian

và khước từ những mời mọc quyến rũ của nó.

Xin cho con đức tin vui tươi,

hạnh phúc vì biết những gì

đang chờ mình ở cuối đường,

sung sướng vì biết mình được yêu

ngay giữa những sa mù của cuộc sống.

Cuối cùng, xin cho con đức tin cứng cáp

qua những cọ xát đau thuong của phận người,

để dù bao thăng trầm dâu bể,

con cũng không để tàn lụi niềm tin

vào Thiên Chúa và vào con người.

 

 

ANH LÀ TẢNG ĐÁ

Thứ Năm tuần 18 Thường niên

Lời Chúa: Mt 16, 13-23

Khi Ðức Giêsu đến vùng kế cận thành Xêdarê Philípphê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?” Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ”. Ðức Giêsu lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Simon Phêrô thưa: “Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Ðức Giêsu nói với ông: “Này anh Simon con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Ðấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Ðá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy”. Rồi Người cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Ðấng Kitô. Từ lúc đó, Ðức Giêsu Kitô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại. Ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” Nhưng Ðức Giêsu quay lại bảo ông Phêrô: “Xatan, lui ra đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”.

Suy niệm

Chúng ta đã quen cầu nguyện cho Đức giáo hoàng với bài hát:

“Này con là đá, trên viên đá này Ta xây Giáo hội…”

Theo Tin Mừng Gioan, ngay từ lần đầu gặp gỡ (Ga 1, 42),

Đức Giêsu đã đặt cho anh Simon một tên mới: Kêpha, nghĩa là Đá.

Trong bài Tin Mừng bằng tiếng Hy Lạp, Đức Giêsu nói với Simon:

“Anh là Petros (Phêrô), và trên petra (đá) này, Thầy sẽ xây Giáo Hội Thầy.”

Rất có thể Ngài đã nói với Simon bằng tiếng Do Thái thời của Ngài như sau:

“Anh là Kêpha, và trên kêpha này Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy.”

Người Do Thái hầu như không có thói quen đặt tên con là Đá, Kêpha.

Khi đặt cho Simon cái tên lạ, Đức Giêsu đã muốn trao sứ mạng cho anh.

Anh sẽ là nền cho ngôi nhà mới của Thầy, do tay Thầy xây dựng (c. 18).

Ngôi nhà ấy chính là Giáo hội, là cộng đoàn giao ước mới do Thầy lập nên.

Chúng ta rất ngạc nhiên vì Đức Giêsu muốn đặt nền trên Kêpha (Phêrô),

một con người bình thường, một ngư phủ ít học.

Làm sao Giáo hội có thể xây nền trên một con người yếu đuối như thế?

Kêpha vững như bàn thạch không nhờ sức riêng, nhưng nhờ ơn Chúa.

Quyền lực của Tử thần, của Ác thần không thắng được cộng đoàn này.

Bất chấp những tấn công trong ngoài từ hai mươi thế kỷ qua,

Giáo hội vẫn đứng vững trên nền đá Phêrô, anh ngư phủ vùng Galilê,

đơn giản vì Chúa Phục Sinh vẫn luôn ở với Giáo hội (Mt 28, 20),

và vẫn tiếp tục xây dựng Giáo hội của Ngài trong sự thăng trầm của lịch sử.

Nhưng Phêrô cũng có những yếu đuối của mình.

Khi Thầy Giêsu loan báo về con đường khổ nạn và cái chết sắp đến,

Phêrô không thể chấp nhận được con đường hẹp này.

Dù đã được Cha mặc khải để biết Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa,

nhưng Phêrô lại chưa thể hình dung được một đấng Kitô thất bại ê chề.

“Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy” (c. 22).

Nếu Thầy là Con Thiên Chúa, thì Cha chẳng để Thầy phải chịu như vậy.

Trong phút chốc, từ Đá Tảng vững chắc (kêpha, petra)

Phêrô trở thành viên đá làm cho Thầy vấp phạm (scandalon),

trở thành cơn cám dỗ lớn cho Thầy đến từ Satan (c. 23).

Đức Giêsu đã phản ứng mạnh mẽ đối với anh môn đệ mà Ngài tin tưởng.

“Lui đi sau Thầy!”: Ngài nói giống như lần bị cám dỗ bởi Satan (Mt 4, 10).

Ngài muốn Phêrô trở lại vị trí đi sau của người môn đệ.

Cần có thời gian Phêrô mới hiểu được con đường Thầy đã đi.

và tự nguyện đón lấy cái chết thập giá mà chính Thầy đã chịu.

Cám dỗ tránh con đường hẹp của khổ đau, nhục nhã, thất bại, khó nghèo

là cám dỗ muôn thuở mà Thầy Giêsu và anh Phêrô đã trải qua,

cũng là cám dỗ muôn thuở của Giáo hội mọi thời.

Làm thế nào để chúng ta nghĩ như Thiên Chúa, chứ không như thế gian,

chọn sự ngu dại của Thập Giá hơn là sự khôn ngoan người đời (x. 1Cr 1,25)?

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

Xin nhìn đến Hội Thánh của Chúa trên khắp hoàn cầu,

Hội Thánh Chúa đã lập bằng rất nhiều tình yêu.

Xin nhìn đến những nơi thiếu nhà thờ, cần chủ chăn,

những đồng lúa chín vàng chờ người gặt.

Xin nhìn đến những thánh đường vắng bóng giáo dân,

những chủng viện và tập viện phải đóng cửa vì thiếu ơn gọi.

Xin thương những kitô hữu đang bị bách hại ở nhiều nơi,

và bao người trẻ mất đức tin, mất niềm hy vọng vào Chúa.

Lạy Chúa Giêsu,

Hội Thánh sau hai ngàn năm đã lớn mạnh hơn nhiều,

nhưng vẫn bị đe dọa bởi bao sóng gió bên ngoài và bên trong.

Xin cho Hội Thánh biết không ngừng canh tân nhờ Thánh Thần,

để có thể đồng hành và đối thoại với con người hôm nay.

Xin cho các kitô hữu sống thánh thiện như Cha trên trời.

để những khiếm khuyết của chúng con khỏi làm cớ cho nhiều người bỏ Chúa.

Cuối cùng, xin Chúa cho Hội Thánh chúng con những vị thánh mới,

tươi tắn, khiêm hạ và nhân từ như Chúa,

để cuộc sống ngát hương của họ khiến Hội Thánh đáng tin hơn,

và chinh phục được những tâm hồn chưa biết Chúa.

 

 

TỪ BỎ CHÍNH MÌNH

Thứ Sáu tuần 18 Thường niên

Lời Chúa: Mt 16, 24-28

Khi ấy, Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình? Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm. Thầy bảo thật anh em: trong số người có mặt đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết trước khi thấy Con Người đến hiển trị.”

Suy niệm

Con đường của người môn đệ Thầy Giêsu là con đường không êm ả.

Ngay sau khi Thầy Giêsu loan báo lần đầu về số phận sắp đến của mình,

Ngài đã nói đến số phận của các môn đệ (cc. 24-28).

Họ được mời chia sẻ cùng một thân phận với Thầy và như Thầy.

Thầy trò sẽ phải đi qua con đường hẹp, con đường của khổ đau và cái chết.

Nhưng cuối cùng con đường ấy dẫn đến Phục Sinh (Mt 16, 21).

Phục Sinh, sự sống, niềm vui, sẽ chiến thắng.

Chiến thắng ấy chỉ mua được bằng khổ đau và cái chết tự nguyện.

Như thế điều kiện để giữ được sự sống đời sau là dám mất sự sống đời này.

Đây thật là một liều lĩnh của đức tin,

vì nếu không thực sự tin vào đời sau, thì chẳng ai muốn thả mồi bắt bóng.

Cuộc đời này có nhiều điều chân thiện mỹ, có nhiều giá trị đáng trân trọng.

Nhưng lắm khi cũng phải hy sinh chúng cho những giá trị lớn hơn,

cho Đấng là Chân Thiện Mỹ viết hoa, là Giá Trị của mọi giá trị.

Cái tôi của tôi là một giá trị lớn, là quà tặng độc đáo Chúa ban cho tôi.

Chẳng có hai cái tôi giống nhau dưới mắt Chúa.

Cùng với cái tôi, Chúa ban cho tôi tự do, lý trí, trái tim, thân xác…

Chúa còn ban cho tôi vũ trụ vật chất với bao tài nguyên để tôi sống nhờ,

và cả một thế giới với bao cái tôi khác, để tôi sống với như anh em.

Cái tôi là món quà quý nhất Chúa ban cho tôi.

Cái tôi cũng là món quà quý nhất tôi có thể dâng lại cho Chúa.

Nhiều tôn giáo nói đến từ bỏ cái tôi, phá chấp ngã.

Đức Giêsu cũng mời bất cứ ai muốn bước theo Ngài phải từ bỏ chính mình,

không phải vì cái tôi của mình là xấu xa, đáng ghét,

nhưng chỉ vì nó chỉ là thụ tạo trước mặt Đấng Tạo Hóa đã dựng nên nó.

Từ bỏ chính mình là đặt mình ở dưới Thiên Chúa, không coi mình là trung tâm,

và để cái tôi của mình trọn vẹn tùy thuộc vào ý muốn của Ngài.

Thầy Giêsu đã sống từ bỏ mình như vậy trong suốt cuộc đời trần thế.

Ngài luôn sống như một người con thảo, một người được Cha sai.

Lạ thay, chính lúc từ bỏ mình, múc cạn chính mình, hủy mình ra không,

thì Ngài lại được phục hồi chính mình và được siêu tôn trên mọi sự (Pl 2, 9).

Trong Kitô giáo, cái tôi được thanh luyện, nhưng không bị loại bỏ.

Cái tôi ấy cũng không bị Thiên Chúa nuốt chửng hay hòa tan.

“Ai mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy” (c. 25).

Như thế từ bỏ mình là cách duy nhất để giữ mình cho toàn vẹn.

Chẳng thể nào yêu mến và phục vụ lại không gắn liền với việc từ bỏ mình.

Có khi từ bỏ một định kiến hay tự ái, một quyền lợi hay ảnh hưởng riêng,

cũng khó như một hy sinh mạng sống.

Vác thập giá của mình là vác gánh nặng của bổn phận mỗi ngày,

vác yếu đuối của người anh em mỗi ngày, vác cuộc đời mình mỗi ngày.

Thầy Giêsu đòi chúng ta vác thập giá của mình mà theo Thầy cho đến chết.

Vì Thầy là Con Thiên Chúa, vì Thầy đã lấy lại được sự sống,

nên chúng ta tin tưởng vác thập giá bước đi sau Thầy.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

trước khi con tìm Chúa, Chúa đã đi tìm con.

Trước khi con thấy Chúa, Chúa đã nhìn thấy con.

Trước khi con theo Chúa, Chúa đã đi theo con.

Trước khi con yêu Chúa, Chúa đã mến yêu con.

Trước khi con thuộc về Chúa, Chúa đã thuộc về con.

Trước khi con phụng sự Chúa, Chúa đã phục vụ con.

Trước khi con từ bỏ mình vì Chúa, Chúa đã nộp mình vì con.

Trước khi con sống và chết cho Chúa, Chúa đã sống và chết cho con.

Trước khi con đặt Chúa lên trên hết,

Chúa đã coi con là hạnh phúc tuyệt vời của Chúa.

Lạy Chúa Giêsu là Thầy của con,

Chúa luôn đi trước con.

Chúa làm trước khi Chúa dạy.

Con hiểu rằng mọi điều Chúa đòi hỏi nơi con

đều chỉ vì lợi ích vĩnh cửu của con mà thôi.

Xin cho con đón nhận những cắt tỉa của Chúa

với lòng biết ơn và rất nhiều tình yêu. Amen.

 

 

TẠI ANH EM KÉM TIN

Thứ Bảy tuần 18 Thường niên

Lời Chúa: Mt 17, 14-20

Khi thầy trò Đức Giêsu đến với đám đông, thì có một người tới quỳ xuống trước mặt Người và nói: “Thưa Ngài, xin thương xót con trai tôi, vì cháu bị kinh phong và bệnh tình nặng lắm: nhiều khi ngã vào lửa, nhiều khi ngã xuống nước. Tôi đã đem cháu đến cho các môn đệ Ngài chữa, nhưng các ông không chữa được.” Ðức Giêsu đáp: “Ôi thế hệ cứng lòng không chịu tin và gian tà! Tôi còn phải ở với các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa? Ðem cháu lại đây cho tôi.” Ðức Giêsu quát mắng tên quỷ, quỷ liền xuất, và đứa bé được khỏi ngay từ giờ đó. Bấy giờ các môn đệ đến gần hỏi riêng Ðức Giêsu rằng: “Tại sao chúng con đây lại không trừ nổi tên quỷ ấy?” Người nói với các ông: “Tại anh em kém tin! Thầy bảo thật anh em: nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: ‘Rời khỏi đây, qua bên kia!’ nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được.”

Suy niệm

Thầy Giêsu và ba môn đệ xuống từ trên núi, nơi Thầy mới hiển dung.

Bốn Thầy trò gặp ngay một đám đông.

Một người cha chạy đến, quỳ xuống trước mặt Đức Giêsu.

Ông xin Ngài thương xót đứa con trai của ông bị kinh phong nặng lắm.

Những mô tả của ông về bệnh tình của con đúng là triệu chứng kinh phong.

Cậu bé không làm chủ được mình, dễ ngã vào nước, vào lửa.

Tính mạng cậu lúc nào cũng bị đe dọa (c. 15).

Điều đáng lưu ý ở đây là chín môn đệ khác đã bó tay.

“Tôi đã đem cháu đến cho các môn đệ Ngài,

nhưng các ông không chữa được” (c. 16).

Chính những người đã được Thầy trao quyền để chữa bệnh và trừ quỷ

lại không thể giải quyết được trường hợp này.

Phải chăng vì không có sự hiện diện của Thầy, hay vì đám đông cứng lòng,

hay vì cơn bệnh quá nặng khiến các môn đệ không đủ tự tin và mạnh mẽ?

Dù sao Thầy Giêsu cũng phải ra tay, để làm điều cần làm.

Với thái độ hơi mất kiên nhẫn, Ngài đã trách móc đám đông (c. 17).

Ngài gọi họ là một thế hệ không tin và gian tà.

Đức Giêsu thấy mình vẫn còn phải ở lại với họ và chịu đựng họ (c. 17)

“Đem cháu lại đây cho tôi”

Đức Giêsu quát mắng quỷ, quỷ liền xuất, và cậu bé được khỏi lập tức.

Các môn đệ hẳn bối rối và xấu hổ vì không đuổi được quỷ.

Chắc họ cũng ngạc nhiên vì thấy mình thất bại trong trường hợp này,

tuy họ đã thành công trong nhiều trường hợp khác (x. Lc 10, 17).

Họ chờ lúc riêng tư giữa Thầy trò để hỏi lý do tại sao (c. 19).

Câu trả lời của Thầy Giêsu ở đây là khá rõ ràng.

“Tại anh em kém tin!” (c. 20).

Kém tin là một từ đặc biệt chỉ có trong Tin Mừng Mátthêu.

Từ này được dùng nhiều lần (6, 30; 8, 26; 14, 31; 16, 8).

Người kém tin là người có lòng tin nhỏ bé (oligopistia),

chứ không phải là hoàn toàn không tin chút nào (apistia).

Nhưng lòng tin nhỏ bé này thật sự cũng chẳng đem lại hiệu quả gì.

Nó chưa đáng được gọi là tin theo đúng nghĩa.

Một lòng tin đúng nghĩa thì dù nhỏ bé như một hạt cải

cũng có thể chuyển núi dời non (c. 20b; 1 Cr 13, 2).

Chỉ với lòng tin nhỏ như vậy, sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được.

Dĩ nhiên, câu này không có nghĩa là họ làm được mọi sự.

Các môn đệ chỉ làm được những gì liên quan đến việc loan báo Nước Trời,

như chữa mọi bệnh hoạn tật nguyền và trừ quỷ (Mt 10).

Họ chỉ làm được phép lạ khi người bệnh có lòng tin,

và khi việc họ làm nằm trong ý định của Thiên Chúa.

Những thừa tác viên của Giáo Hội nhiều khi thấy mình bất lực trước sự dữ.

Chúng ta cần xin Chúa thêm cho ta đức tin để có thể chuyển được

những đồi núi nơi lòng con người hôm nay.

Cầu nguyện

Lạy Chúa,

xin ban cho con đức tin lớn hơn hạt cải,

để con làm bật rễ khỏi lòng con

những ích kỷ và khép kín.

Xin cho con đức tin can đảm

để con chẳng sợ thiệt thòi khi trao hiến,

chẳng sợ từ bỏ những gì con cậy dựa xưa nay.

Xin cho con đức tin sáng suốt

để con thấy được thế giới

mà mắt phàm không thấy,

thấy được Đấng Vô hình,

nhưng rất gần gũi thân thương,

thấy được Đức Kitô nơi những người nghèo khổ.

Xin cho con đức tin liều lĩnh,

dám mất tất cả chỉ vì yêu Chúa và tha nhân,

dám tiến bước trong bóng đêm

chỉ vì mang trong tim một đốm lửa của Chúa,

dám lội ngược dòng với thế gian

và khước từ những mời mọc quyến rũ của nó.

Xin cho con đức tin vui tươi,

hạnh phúc vì biết những gì

đang chờ mình ở cuối đường,

sung sướng vì biết mình được yêu

ngay giữa những sa mù của cuộc sống.

Cuối cùng, xin cho con đức tin cứng cáp

qua những cọ xát đau thưong của phận người,

để dù bao thăng trầm dâu bể,

con cũng không để tàn lụi niềm tin

vào Thiên Chúa và vào con người.