Manna Lương Thực Hàng Ngày Tuần 34 Thường Niên

print

Manna Lương Thực Hàng Ngày Tuần 34 Thường Niên

Chúa Nhật 34 Thường niên, năm A: Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua vũ trụ.

Thứ Hai tuần 34 Thường niên.

Thứ Ba tuần 34 Thường niên.

Thứ Tư tuần 34 Thường niên.

Thứ Năm tuần 34 Thường niên.

Thứ Sáu tuần 34 Thường niên.

Thứ Bảy tuần 34 Thường niên.

 

 VÌ XƯA TA ĐÓI

Chúa Nhật 34 Thường niên, năm A: Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua vũ trụ

Lời Chúa: Mt 25, 31-46

Hôm ấy, Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái.

Bấy giờ Ðức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm”.

Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến thăm đâu?” Ðể đáp lại, Ðức Vua sẽ bảo họ rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”.

Rồi Ðức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm nom”.

Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc là trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu?” Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy”.

Thế là họ sẽ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời”.

Suy niệm

Têrêsa Calcutta là người mê và sống đoạn Tin Mừng này.

Bà bị cuốn hút bởi những người đau khổ.

Dưới mắt bà, đó không chỉ là những người đáng thương,

mà còn là hiện thân của chính Chúa Giêsu đau khổ.

Tình yêu con người và tình yêu Chúa Giêsu quyện vào nhau.

Vì yêu Ngài, nên bà yêu con người mãnh liệt hơn.

“Tập nhìn ra chính Chúa Giêsu trong mỗi con người,

dù họ có vẻ đáng kinh tởm đến đâu đi nữa.”

Ðoạn Tin Mừng này được chọn đọc vào Chúa Nhật hôm nay,

vì ở đây Chúa Giêsu được mô tả như một vị Vua,

có thiên sứ theo hầu, ngồi trên ngai vinh hiển.

Ngài là Thẩm phán xét xử muôn dân,

tách biệt kẻ lành người dữ, thưởng phạt công minh.

Nhưng phán quyết của Ngài làm ai nấy kinh ngạc.

Người ta được chúc phúc hay bị nguyền rủa

dựa trên những việc họ đã làm hay không làm cho Ngài,

mà họ không hề hay biết.

Vua Giêsu chẳng ở đâu xa, chẳng ở cung vàng điện ngọc.

Ngài ở trong những người cùng khốn.

Vua Giêsu đồng hoá mình với những người đói khát,

khách lạ, trần trụi, đau yếu hay ở tù

mà chúng ta vẫn gặp mỗi ngày.

Ngài ẩn mình hay đúng hơn Ngài tỏ mình qua con người,

qua những người hèn kém đáng thương nhất.

Chúa vinh quang không ngại nhận họ là anh em.

Ngài không khoác tấm áo lộng lẫy kiêu sa

để dễ gần gũi với nỗi đau của người yếu thế.

Như thế chúng ta không phải tìm Chúa ở nơi xa xôi.

Ngài không chỉ ở trong nhà thờ, trong bí tích.

Ngài còn ở nơi những người đang cần chúng ta.

Mỗi người khốn cùng đều là một bí tích,

nơi chúng ta có thể thực sự gặp gỡ Chúa Giêsu.

Có những lần Chúa đi ngang qua đời ta

như vị vua giả trang làm người hành khất.

Ngày phán xét, chúng ta không được giả vờ ngạc nhiên

khi nghe biết mình đã để Ngài đi qua tay trắng.

“Chúng ta sẽ bị xét xử dựa trên tình yêu.”

Tội lớn nhất là tội thiếu sót: không làm điều phải làm.

Hôm nay Vua Giêsu vẫn ngửa tay

xin ta giúp các anh em bé mọn nhất của Ngài.

Những người mù chữ, những trẻ em đường phố,

những người bị suy sụp tinh thần, cần được yêu thương,

những người không tìm được cho đời mình một chỗ trọ,

những người tự nhốt mình trong tù ngục đam mê,

những người trần trụi vì phải sống nhờ thân xác.

Phải làm một việc gì đó cụ thể

để Nước Chúa lớn lên trong thế giới này.

Phải xây dựng một điều tốt đẹp nào đó

để Vua Giêsu thật sự là Vua Vũ Trụ,

vũ trụ bên ngoài và vũ trụ trong lòng con người.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, Vua vũ trụ,

nếu Chúa là vua của hơn bốn trăm ngàn linh mục,

nếu Chúa là vua của hơn bảy trăm ngàn nữ tu,

nếu Chúa là vua của một tỉ người công giáo,

thì thế giới này sẽ đổi khác,

Hội Thánh sẽ đổi khác.

Chúng con không phải là một lượng men quá nhỏ.

Nếu khối bột chẳng được dậy lên,

thì là vì men đã mất phẩm chất.

Chúng con phải chịu trách nhiệm

về sự dữ trên địa cầu:

có nhiều sự dữ do chính chúng con gây ra.

Chúng con chỉ kêu cầu cho Nước Chúa mau đến,

nhưng lại không chịu xây dựng Nước ấy trên trần gian.

Lạy Chúa Giêsu Vua vũ trụ,

chúng con thường cố ý thu hẹp vũ trụ của Chúa,

giữ chặt Chúa ở trong nhà thờ,

nên nhiều nơi vẫn vắng bóng Chúa,

dù Chúa đã đến trái đất này từ 2000 năm.

Chúng con sợ Chúa đến làm phiền chúng con,

và không cho chúng con được yên ổn.

Ước gì một tỉ người công giáo

chịu để Chúa chi phối đời mình

và đưa Chúa đi vào những nơi Chúa chưa hề đến.

Như thế vũ trụ này

trở thành vũ trụ của Thiên Chúa.

 

 

 

BỎ VÀO TẤT CẢ

Thứ Hai tuần 34 Thường niên

Lời Chúa: Lc 21, 1-4

Khi ấy, Đức Giêsu ngước mắt lên nhìn, thấy những người giàu đang bỏ tiền dâng cúng của họ vào thùng tiền. Người cũng thấy một bà goá túng thiếu kia bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm. Người liền nói: “Thầy bảo thật anh em; bà goá nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết. Quả vậy, tất cả những người kia đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ, mà bỏ vào dâng cúng; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình, mà bỏ vào đó tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.”

Suy niệm

Thánh Luca là văn sĩ tuyệt vời viết về sự hiền dịu của Đức Kitô.

Nhưng thánh nhân cũng là người nhấn mạnh đến sự đòi hỏi.

Thầy Giêsu đòi ai muốn theo Ngài phải từ bỏ tất cả (Lc 14, 33).

Các môn đệ đầu tiên như Simon, Gioan, Giacôbê, Lêvi,

đều là những người đã bỏ tất cả để theo Thầy (Lc 5, 11. 28).

Bà góa nghèo trong bài Tin Mừng hôm nay (c.4)

cũng là người đã bỏ vào thùng tiền tất cả những gì bà có để sinh sống.

Tất cả và trọn vẹn, chính là điều Thiên Chúa đòi hỏi nơi con người.

Yêu Ngài bằng tất cả trái tim và tất cả sức lực của mình,

đó là mệnh lệnh của Thiên Chúa dẫn đến sự sống vĩnh cửu (Lc 10, 27).

Có người tự hỏi nếu bà góa nghèo dâng cho Đền thờ

tất cả số tiền nhỏ nhoi còn lại thì ngày mai bà sống bằng gì.

Bà có phải là người bị đầu độc và bóc lột bởi các kinh sư không,

vì đã có những kinh sư nuốt chửng nhà của các bà góa (Lc 20, 47)?

Đức Giêsu có coi bà góa này như một tấm gương cho ta không?

Khi ngồi nhìn người ta dâng cúng tiền cho Đền thờ,

Đức Giêsu thấy người giàu bỏ tiền, có khi là những món tiền lớn.

Nhưng Ngài cũng thấy một bà góa nghèo bỏ tiền vào thùng.

Một món tiền rất nhỏ, bằng đơn vị tiền tệ nhỏ nhất.

Ngài nói cho các môn đệ nghe về cách đánh giá của Ngài,

cũng là cách đánh giá của Thiên Chúa.

Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn những người giàu.

Vì các môn đệ có thể bị ngỡ ngàng, nên Ngài giải thích cho họ.

Người giàu bỏ vào từ sự dư thừa của họ.

Còn bà góa bỏ vào từ sự túng thiếu của bà (c. 4).

Trao đi một điều đụng chạm đến cuộc sống của mình

thì khó hơn gấp bội,

vì mình phải gánh chịu hậu quả ngay lập tức.

Bà góa ở Xarépta chắc chắn đã gặp khó khăn

khi ngôn sứ Êlia xin bà làm cho ông một cái bánh nhỏ trước đã,

rồi sau đó mới làm cho bà và con bà (1 V 17,13).

Bà đã dám vâng lời dù đang túng thiếu,

dù nhà chỉ còn một nắm bột trong hũ và chút dầu trong vò.

Cái chết đang đến với mẹ con bà, vậy mà bà đã dám chia sẻ.

Chia sẻ của hai bà góa trên đây đều nằm trong những tình huống

tưởng như không thể chia sẻ được, vì chẳng có gì để chia sẻ.

Chia sẻ cho Chúa hay cho tha nhân lúc ấy, thật là quý biết bao,

vì nó đòi ta ném mình vào sự mất an toàn,

và đồng thời ném mình vào vòng tay quan phòng của Thiên Chúa.

Mọi tính toán kiểu con người biến mất,

để nhường chỗ cho lòng quảng đại vô bờ.

Chắc chắn Thiên Chúa chẳng để cho bà góa nghèo phải chết đói.

Hũ bột không cạn và bình dầu không vơi

vẫn là quà tặng Chúa ban cho bất cứ ai dám trao đi tất cả đời mình,

vì trao đi mà sau đó mình không thấy thiếu thì không thật là trao đi.

Cầu nguyện

Lạy Ngôi Lời Thiên Chúa rất đáng mến,

xin dạy con biết sống quảng đại,

biết phụng sự Chúa cho xứng với uy linh Ngài,

biết cho đi mà không tính toán,

biết chiến đấu không ngại thương tích,

biết làm việc không tìm an nghỉ,

biết hiến thân mà không mong chờ phần thưởng nào

ngoài việc biết mình đã chu toàn Thánh Ý Chúa. Amen.

 

 

ANH EM LÀM CHỨNG CHO THẦY

Thứ Ba tuần 34 Thường niên

Lời Chúa: Lc 21, 5-11

Khi ấy, nhân có mấy người nói về Ðền Thờ được trang hoàng bằng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng, Ðức Giêsu bảo: “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.” Họ hỏi Người: “Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra, thì có điềm gì báo trước?” Ðức Giêsu đáp: “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: “Chính ta đây”, và “Thời kỳ đã đến gần”; anh em chớ có theo họ. Khi anh em nghe có chiến tranh, loạn lạc, thì đừng sợ hãi. Vì những việc đó phải xảy ra trước, nhưng chưa phải là chung cục đâu.” Rồi Người nói tiếp: “Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện.”

Suy niệm

Trong số 117 vị Tử Ðạo Việt Nam, được phong thánh năm 1988,

có một phụ nữ duy nhất, mẹ của 6 người con.

Ðó là bà Anê Lê Thị Thành, còn gọi là bà Ðê.

Trước khi là một anh hùng tử đạo,

bà đã là một người mẹ hiền gương mẫu.

“Thân mẫu chúng tôi rất chăm lo việc giáo dục các con.

Chính người dạy chúng tôi đọc chữ và học giáo lý,

sau lại dạy cách dự thánh lễ và xưng tội rước lễ.”

Ðó là lời khai của cô con gái út trước giáo quyền.

Nhà bà Ðê là nơi các linh mục trú ẩn.

Buổi sáng lễ Phục Sinh năm 1861,

quan Tổng Ðốc Nam Ðịnh cho quân bao vây làng của bà.

Bà Ðê bị bắt lúc đã 60 tuổi.

Bà bị đánh đập tra tấn, bị ép phải chối đạo,

bị lôi qua Thánh Giá, bị bỏ rắn độc vào người.

Khi con gái đến thăm bà trong nhà giam,

đau đớn vì thấy quần áo mẹ loang đầy vết máu,

bà đã an ủi con với một niềm lạc quan lạ lùng:

“Con đừng khóc, mẹ mặc áo hoa hồng đấy,

mẹ vui lòng chịu khổ vì Chúa Giêsu, sao con lại khóc?”

Sau ba tháng chịu đủ mọi cực hình,

người phụ nữ ấy đã hiến đời mình cho Chúa.

Cuộc đời của vị thánh nữ tiên khởi của Việt Nam

là một sức nâng đỡ lớn cho chúng ta.

Thiên Chúa đã làm điều phi thường

nơi một người phụ nữ già nua, yếu đuối.

Quan “Hùm Xám” tỉnh Nam Ðịnh cũng phải bó tay

trước sự yếu đuối kiên vững của bà.

Khôn ngoan và đơn sơ, can đảm chịu đau khổ,

bà thánh Ðê đã phó mặc cho Chúa đời mình.

Bà chẳng lo phải nói gì, phải làm gì trước tòa án,

vì sức mạnh của Thánh Thần ở với bà.

Hội Thánh thời nào cũng cần những người dám sống vì đức tin,

dám làm chứng cho Chúa trước mặt người đời.

Sống đức tin là một loại tử đạo không đổ máu,

không đòi hy sinh mạng sống,

nhưng lại đòi hy sinh cả tương lai vững vàng ổn định.

Mỗi ngày, chúng ta thường bị đặt trước những chọn lựa,

trước thập giá của Ðức Giêsu,

y hệt như các vị tử đạo ngày xưa.

Có khi chúng ta đã bước qua thập giá, khi chọn mình,

đã chối Chúa bằng chính cuộc sống.

Càng có tự do, ta lại càng dễ sa sút đức tin.

Tiền bạc, tiện nghi, khoái lạc vẫn là những thụ tạo

gây ra những cuộc bách hại êm ả và khủng khiếp

mà cuối cùng chúng ta cũng phải đối diện.

Ước gì chúng ta không để mất đức tin

được mua bằng giá máu của bao vị tử đạo,

và ước gì chúng ta không ngừng chuyển giao đức tin ấy

cho hơn 80 triệu đồng bào trên quê hương.

Cầu nguyện

Lạy các thánh tử đạo Việt Nam,

các ngài đã dám sống đến cùng ơn gọi kitô hữu

trong một hoàn cảnh khó khăn nguy hiểm.

Sự hy sinh của các ngài

cho thấy tình yêu mạnh hơn sự chết

và chết là cửa mở vào cõi sống bất diệt.

Dù mang phận người yếu đuối,

nhưng nhờ ơn Chúa đỡ nâng,

các ngài đã chiến thắng khải hoàn.

Xin cầu cho chúng con là con cháu các ngài

biết can trường sống đức tin của bậc cha anh

trong một thế giới vắng bóng Thiên Chúa,

biết nhiệt thành làm chứng về tình yêu

bằng một đời hiến thân phục vụ.

Ước gì ngọn lửa đức tin

mà các ngài đã thắp lên

bằng cuộc sống và cái chết,

được bừng tỏa trên Tổ quốc Việt Nam.

Ước gì máu thắm của các ngài

thấm vào mảnh đất quê hương

để công cuộc truyền giáo sinh nhiều hoa trái. Amen.

 

 

MỘT SỢI TÓC

Thứ Tư tuần 34 Thường niên

Lời Chúa: Lc 21, 12-19

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: “Chính ta đây”, và: “Thời kỳ đã đến gần”; anh em chớ có theo họ. Khi anh em nghe có chiến tranh, loạn lạc, thì đừng sợ hãi. Vì những việc đó phải xảy ra trước, nhưng chưa phải là chung cục ngay đâu.” Rồi Người nói tiếp: “Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện. Nhưng trước khi tất cả các sự ấy xảy ra, thì người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp cho các hội đường và nhà tù, và điệu đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy. Ðó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy. Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được. Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.”

Suy niệm

Lúc trời còn tối, ngày 16 tháng 11 năm 1989, tại nước El Salvador,

một nhóm người có vũ trang đã xâm nhập vào Đại Học Trung Mỹ.

Chúng đã giết sáu linh mục Dòng Tên và hai mẹ con người nấu ăn.

Giết xong chúng đã kéo xác ra ngoài vườn và làm những trò man rợ.

Các linh mục này đều là những nhà trí thức, có ảnh hưởng trong xã hội.

Họ muốn nói lên tiếng nói của người nghèo, chịu cảnh bất công,

muốn chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài khiến hơn 70 ngàn người chết.

Họ đã phải trả giá bằng vụ thảm sát bất ngờ,

đã chết như những chứng nhân, những vị tử đạo thời mới.

Chuyện ấy đã xảy ra cách đây hai mươi năm rồi.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nói về những cuộc bách hại

xảy ra trước khi Ngài trở lại trong ngày tận thế.

Các môn đệ sẽ phải chịu những gì Thầy mình đã chịu.

Họ sẽ bị bắt, bị ngược đãi, bị tù đày, bị đem ra tòa đạo, tòa đời (c. 12).

Họ sẽ bị nộp bởi chính người thân, bị mọi người thù ghét,

và thậm chí bị giết hại (cc. 16.17).

Tất cả những gì các môn đệ phải chịu đều là vì danh Thầy (cc. 12. 17).

Chính tình yêu trung tín đối với Thầy và giáo huấn của Thầy

đã khiến bao Kitô hữu tự nguyện đón nhận khổ đau và cái chết.

Không phải chỉ chối Thầy cách công khai mới mang tội bất trung.

Không phải chỉ bước qua thập giá mới là phản bội.

Bất cứ khi nào chúng ta bước qua những giá trị ngàn đời của Kitô giáo,

như sự thật, sự sống, công bằng, bác ái, nhân phẩm, tự do và lương tâm,

khi ấy chúng ta chối bỏ Đức Kitô Giêsu.

Bất cứ khi nào chúng ta dám xả thân để sống cho những giá trị đó,

chúng ta đã làm chứng cho Ngài rồi.

Gioan Tẩy Giả đã chết vì nói sự thật mất lòng với Hêrôđê.

Maria Goretti đã chết vì muốn sống trong sạch.

Maximilien Kônbê đã xin chết thay cho người khác vì lòng bác ái.

Tất cả đều được Giáo Hội tôn kính như những vị tử đạo,

dù họ không chết vì tuyên xưng niềm tin vào Đức Kitô.

Đối với Đức Giêsu, giây phút đứng trước tòa là giây phút quan trọng.

Người môn đệ có cơ hội công khai làm chứng cho Thầy (c. 13).

Đức Giêsu không để họ một mình đối diện với sức mạnh của quyền uy.

Ngài hứa sẽ giúp họ trả lời những cáo buộc của tòa án (c. 15; Cv 6, 10).

Thế nên họ chẳng có gì phải xao xuyến, lo âu (c. 14).

Tòa án trở thành nơi làm chứng tuyệt vời của người môn đệ.

Điều quan trọng khi bị bách hại là phải kiên trì (c. 19).

Có nhiều kiểu hành hạ nhằm làm cho người môn đệ bỏ cuộc.

Nhưng một sợi tóc anh em cũng không bị mất (c. 18)

nghĩa là Chúa sẽ lo từng li từng tí cho môn đệ của mình.

Mạng sống của các môn đệ ở đời này có thể bị mất (c. 16),

nhưng nếu họ kiên trì và trung tín, họ sẽ giữ được nó ở đời sau.

Chúng ta cầu cho nhau được ơn kiên trì giữa thử thách của thời đại mới.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, vị tử đạo tuyệt vời,

Chúa đưa chúng con vào thế giằng co liên tục.

Chúa vừa chọn chúng con ra khỏi thế gian,

lại vừa sai chúng con vào trong thế gian đó.

Thế gian này vàng thau lẫn lộn.

Có khi vàng chỉ là lớp mạ bên ngoài.

Xin cho chúng con giữ được bản lãnh của mình,

giữ được vị mặn của muối,

và sức tác động của men,

để đem đến cho thế gian

một linh hồn, một sức sống.

Chúng con chẳng sợ mình bỏ đạo,

chỉ sợ mình bỏ sống đạo

vì bị quyến rũ bởi bao thú vui trần thế.

Xin cho chúng con đừng bao giờ quên rằng

chúng con mang dòng máu của các vị tử đạo,

những người đã đặt Chúa lên trên mạng sống.

Lạy Chúa Giêsu, nếu thế gian ghét chúng con,

thì xin cho chúng con cảm thấy niềm vui

của người được diễm phúc nên giống Chúa. Amen.

 

 

SẮP ĐƯỢC CỨU CHUỘC

Thứ Năm tuần 34 Thường niên

Lời Chúa: Lc 21, 20-28

Khi ấy, Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Khi anh em thấy thành Giêrusalem bị các đạo binh vây hãm, bấy giờ anh em hãy biết rằng đã gần đến ngày khốc hại của thành. Bấy giờ, ai ở miền Giuđê, hãy trốn lên núi; ai ở trong thành, hãy bỏ đi nơi khác; ai ở vùng quê, thì chớ vào thành. Thật vậy, đó sẽ là những ngày báo oán, ngày mà tất cả những gì đã chép trong Kinh Thánh sẽ được ứng nghiệm. Khốn thay những người mang thai và những người đang cho con bú trong những ngày đó! Vì sẽ có cơn khốn khổ cùng cực trên đất này, và cơn thịnh nộ giáng xuống dân này. Họ sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, sẽ bị đày đi khắp các dân các nước, và Giêrusalem sẽ bị dân ngoại giày xéo, cho đến khi mãn thời của dân ngoại. Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.”

Suy niệm

Theo Josephus, một sử gia người Do Thái đáng tin cậy,

bốn quân đoàn của vị tướng Rôma là Titus

đã vây hãm thành phố Giêrusalem vào lễ Vượt Qua năm 70,

khiến người dân trong thành rơi vào cảnh đói khát cùng cực.

Ông kể chuyện một phụ nữ quê ở Pêrêa vì quá đói

đã túm lấy đứa con còn thơ dại, giết con và nướng để ăn.

Cũng theo sử gia này, quân Rôma đã dùng gươm

để giết hơn một triệu người ở Giêrusalem và Giuđê.

Những người Do Thái bị bắt làm tù binh là gần một trăm ngàn.

Ai có thể tưởng được điều khủng khiếp như vậy đã xảy ra

chỉ bốn mươi năm, sau khi Đức Giêsu nói những lời tiên báo.

Giêrusalem là thành trì vững chắc, nơi trú ẩn an toàn,

bây giờ lại là nơi nguy hiểm, cần phải tránh xa (c. 21).

Tai họa ập xuống trên phụ nữ mang thai và cho con bú (c. 23).

trên cả tội nhân lẫn trẻ thơ vô tội.

Thành đô đã bị bao vây, bị thiêu rụi, bị quân Rôma giày xéo.

Dân thành bị ngã gục, bị đi đày, phải tản mác khắp nơi.

Sự sụp đổ của thành đô đã là một biến cố trên đất Israel.

Nhưng trước khi Đức Giêsu ngự đến trên mây trời

như Con Người đầy quyền năng và vinh hiển (c. 27),

sẽ có những dấu lạ đáng sợ khác trên bầu trời và ngoài biển cả (c. 25).

Thánh Máccô nói đến hiện tượng mặt trời, mặt trăng mất sáng,

và các vì sao sa xuống từ trời (Mc 13, 24-25).

Thánh Luca nói đến cảnh biển gào, sóng thét.

Những điều đó làm muôn dân hoang mang, hồn xiêu phách lạc,

nhưng không làm các môn đệ hoảng hốt, âu lo.

Ngược lại họ mừng vui vì Đấng họ chờ đợi từ lâu nay đã đến.

“Anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên” (c. 28).

Đứng thẳng để đón Đấng mà họ đã suốt đời thắp đèn chờ đợi.

Ngẩng đầu để mừng giây phút ơn cứu chuộc đã đến gần.

Chỉ khi Đức Giêsu Phục Sinh trở lại như Đấng xét xử quyền năng,

Ngài mới trọn vẹn hoàn thành Nước Thiên Chúa trên mặt đất.

Vào cuối năm phụng vụ, Lời Chúa nói với chúng ta về ngày tận thế.

Đó là ngày vừa đáng sợ, vừa chan chứa niềm vui,

ngày được gặp mặt Đấng chúng ta đã tin tưởng, mến yêu và hy vọng.

Người ta vẫn hay đoán già đoán non về ngày tận thế.

Nhiều người tưởng là năm 2000, gần đây có người lại nói là 2012.

Điều quan trọng là làm sao tôi có thể đứng thẳng, ngẩng đầu khi Ngài đến,

làm sao nhân loại trên trái đất này sẵn sàng ra nghênh đón Ngài

như đón Đấng Cứu Tinh mà họ nóng lòng chờ đợi.

Nếu ngày mai Ngài đến với cả thế giới hay đến với riêng mình tôi,

tôi có sẵn sàng chưa hay còn bị còng lưng, cúi đầu vì bao gánh nặng?

Mỗi người đều có ngày tận thế của mình.

Xin cho tôi được bình an khi ngày ấy đến mà không có điềm lạ nào báo trước.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

nếu ngày mai Chúa quang lâm,

chắc chúng con sẽ vô cùng lúng túng.

Thế giới này còn bao điều khiếm khuyết, dở dang,

còn bao điều nằm ngoài vòng tay của Chúa.

Chúa đâu muốn đến để hủy diệt,

Chúa đâu muốn mất một người nào…

Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa

xây dựng một thế giới yêu thương và công bằng,

vui tươi và hạnh phúc,

để ngày Chúa đến thực là một ngày vui trọn vẹn

cho mọi người và cho cả vũ trụ.

Xin nuôi dưỡng nơi chúng con

niềm tin vững vàng

và niềm hy vọng nồng cháy,

để tất cả những gì chúng con làm

đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại.

 

 

XEM CÂY VẢ

Thứ Sáu tuần 34 Thường niên

Lời Chúa: Lc 21, 29-33

Khi ấy, Ðức Giêsu kể cho các môn đệ nghe một dụ ngôn: “Anh em hãy xem cây vả cũng như tất cả những cây khác. Khi cây đâm chồi, anh em nhìn thì đủ biết là mùa hè đã đến gần. Anh em cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, thì hãy biết là Triều Ðại Chúa đã đến gần. Thầy bảo thật anh em: thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra. Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu.”

Suy niệm

Cây vả là một cây rất thường thấy ở xứ Paléttin.

Khi nó đâm chồi, người ta biết ngay đã vào mùa hè.

Rồi thì nó sẽ ra hoa và kết trái.

Không phải chỉ có cây vả, mọi cây khác cũng vậy (c.29).

Cứ nhìn tình trạng hiện tại của cây, ta biết được điều gì sắp xảy đến.

Nước Thiên Chúa cũng vậy.

Trước khi Nước Thiên Chúa đến sẽ có những dấu hiệu

ở trên trời, dưới đất hay ngoài biển khơi.

Đức Giêsu đã nhắc cho ta về những dấu hiệu đó (Lc 21, 11. 25-26).

Khi bắt đầu đi rao giảng cách đây hai ngàn năm,

Đức Giêsu tuyên bố: Nước Thiên Chúa đã đến gần (Mc 1, 15).

Và Nước ấy đã được khai mạc với chính con người Đức Giêsu.

Lời nói và việc làm của Ngài đã mở ra Nước ấy trên mặt đất.

Như hạt giống, Nước ấy đã không ngừng lớn lên cả ngày lẫn đêm,

đã ảnh hưởng mạnh mẽ như nhúm men trong đống bột,

và đã phải chịu sự tấn công của kẻ thù gieo cỏ lùng vào giữa lúa.

Với sự Phục Sinh của Đức Giêsu, Nước ấy chắc chắn sẽ đến.

Chắc chắn Nước Thiên Chúa sẽ đến trong vinh quang,

dù chúng ta không biết rõ khi nào, tuy sẽ có những điềm báo trước.

Ngày Nước Thiên Chúa đến cách huy hoàng trên trái đất

sẽ là ngày tận thế, ngày Đức Giêsu trở lại để phán xét mọi người.

Kitô hữu là người tin vào lời Đức Giêsu.

“Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua” (c. 33).

Chúng ta chờ đợi, vì chúng ta tin Đức Giêsu sẽ trở lại.

Sau hai ngàn năm chờ đợi và nỗ lực dựng xây,

ngày Đức Giêsu quang lâm đã gần hơn nhiều.

Biết đâu câu nói sau của Đức Giêsu

lại chẳng ứng nghiệm cho chính thế hệ chúng ta:

“Thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra.” (c. 32).

Không được để mình nguội lạnh và mất đi thái độ chờ đợi.

Không được để chiến thắng tạm thời của sự dữ ở đâu đó

khiến chúng ta mất đi lòng tin,

và những bách hại khiến ta mất đi lòng kiên trì cần thiết (Lc 21, 19).

Nước Thiên Chúa vẫn đến gần hơn mỗi ngày.

Không thiếu dấu chỉ để nhận ra Nước Thiên Chúa đang đến.

Chúng ta phải thấy có biết bao dấu chỉ tích cực, đầy hy vọng,

ngay giữa những khi tưởng như Nước ấy bị xóa sổ, loại trừ.

Đừng để mình rơi vào thái độ bi quan, khoanh tay vì chán nản.

Phải làm sao để ngày tận thế không phải là một ngày buồn,

ngày của những đổ vỡ và mất mát chia ly.

Phải làm sao để ngày ấy là ngày lịch sử nhân loại mở sang trang mới.

Đức Giêsu xuất hiện như Điểm Ômêga, Điểm đến của cả vũ trụ.

Con người và cả vũ trụ đều được hưởng ơn cứu chuộc (Rm 8, 19-23),

và Thiên Chúa Cha được tôn vinh.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa đã yêu trái đất này,

và đã sống trọn phận người ở đó.

Chúa đã nếm biết

nỗi khổ đau và hạnh phúc,

sự bi đát và cao cả của phận người.

Xin dạy chúng con biết đường lên trời,

nhờ sống yêu thương đến hiến mạng cho anh em.

Khi ngước nhìn lên quê hương vĩnh cửu,

chúng con thấy mình được thêm sức mạnh

để xây dựng trái đất này,

và chuẩn bị nó đón ngày Chúa trở lại.

Lạy Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Thiên Chúa,

xin cho những vất vả của cuộc sống ở đời

không làm chúng con quên trời cao;

và những vẻ đẹp của trần gian

không ngăn bước chân con tiến về bên Chúa.

Ước gì qua cuộc sống hằng ngày của chúng con,

mọi người thấy Nước Trời đang tỏ hiện. Amen.

 

 

PHẢI ĐỀ PHÒNG

Thứ Bảy tuần 34 Thường niên

Lời Chúa: Lc 21, 34-36

Khi ấy, Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất. Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đử sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.”

Suy niệm

Tháng 9-2009, Tổng Thống Nga Medvedev

gọi nạn nghiện rượu là quốc nạn.

Mỗi năm tính bình quân mỗi người dân uống khoảng 18 lít,

gấp đôi lượng rượu được coi là nguy hiểm cho sức khỏe.

Nửa số người Nga chết giữa khoảng 15-54 tuổi là do hậu quả của rượu.

Trẻ em và phụ nữ cũng nghiện.

Tuổi thọ trung bình của đàn ông chỉ còn là 59.

Vì nhiều người chết nên dân số Nga sụt giảm mỗi năm.

Làm gì để cai nghiện cho hơn hai triệu người Nga,

đó là chuyện nhức đầu cho các nhà lãnh đạo.

Nhưng tại sao người ta lại bị nặng nề bởi rượu Vodka?

Bài Tin Mừng hôm nay nhắc chúng ta

về những thứ nặng nề đè trên trái tim người Kitô hữu.

Trong khi chờ đợi Chúa đến vào thời điểm không đoán trước được,

chúng ta có thể bị vướng vào những thú vui buông thả.

Sống bừa bãi, phóng túng, nhậu nhẹt, say sưa,

đó vẫn là cám dỗ muôn thuở của thân xác.

Chỉ cần đi một vòng thành phố hay các vùng quê vào ban đêm,

chúng ta thấy ngay cả một thế giới của ăn uống, hưởng thụ.

Nhưng trái tim con người còn có thể trở nên nặng nề

bởi những lo âu trần thế (x. Lc 8, 14).

Làm sao nhà cửa có thêm tiện nghi? làm sao thêm lương và lên chức?

Những nỗi lo toan về cuộc sống vật chất vắt kiệt con người,

khiến con người không còn khả năng mở ra trước Chúa và tha nhân.

Con người giàu lên, nhưng lại thấy mình bất hạnh và gia đình đổ vỡ.

Mỗi năm ba mươi ngàn người chết vì tự tử ở Nhật.

Trái tim nặng nề nên nhiều người mắc bệnh tim mạch.

Trái tim bị kéo xuống cái thực dụng tầm thường ở trên mặt đất,

nên con người bị còng xuống, không ngước lên được điều trên cao.

Ngày Chúa đến như một bất ngờ, như một cái bẫy sập xuống,

không phải chỉ trên người Do Thái,

nhưng trên mọi dân cư ở khắp mặt địa cầu (c. 35).

Cả thế giới phải chịu phán xét chẳng trừ ai.

Bởi đó thái độ cần có mỗi ngày của người môn đệ

là luôn luôn thức tỉnh và cầu nguyện,

để có sức mà thoát khỏi mọi điều sắp xảy ra (c. 36).

Để chuẩn bị cho cái chung cục, thì phải sống đều đặn cái hàng ngày.

Làm sao để khi Con Người là Đức Giêsu trở lại trên mây trời,

Ngài thấy chúng ta đang ở tư thế đứng thẳng,

không phải xấu hổ cúi đầu, không bị ràng buộc bởi đam mê,

nhưng vui sướng vì mình đã không uổng công chờ đợi.

Có những lo âu vẫn chi phối tôi làm tôi nặng lòng.

Có những mê đắm kéo ghì tôi xuống và bắt tôi làm nô lệ.

Mùa Vọng sắp đến mời tôi tỉnh thức và cầu nguyện, để đứng lên.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

nếu ngày mai Chúa quang lâm,

chắc chúng con sẽ vô cùng lúng túng.

Thế giới này còn bao điều khiếm khuyết, dở dang,

còn bao điều nằm ngoài vòng tay của Chúa.

Chúa đâu muốn đến để hủy diệt,

Chúa đâu muốn mất một người nào…

Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa

xây dựng một thế giới yêu thương và công bằng,

vui tươi và hạnh phúc,

để ngày Chúa đến thực là một ngày vui trọn vẹn

cho mọi người và cho cả vũ trụ.

Xin nuôi dưỡng nơi chúng con

niềm tin vững vàng

và niềm hy vọng nồng cháy,

để tất cả những gì chúng con làm

đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại. Amen.