PVLC Tại Gia Đình: Chúa Nhật Lễ Lá Năm A 2020

print

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

VÀ RƯỚC LỄ THIÊNG LIÊNG TẠI GIA ĐÌNH

THỨ BẢY, TUẦN V MÙA CHAY – 04/04/2020

LỄ LÁ- TƯỞNG NIỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ

Mọi thành viên trong gia đình tụ họp trước bàn thờ Chúa.

Chủ sự: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

Mọi người: Amen.

Hát (đọc) kinh Chúa Thánh Thần;

Đọc kinh: Tin, Cậy, Mến, Sấp mình.

Đọc kinh: Tôi Thú Nhận cùng Thiên Chúa toàn năng

Chủ sự: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.

Mọi người: Amen.

Chủ sự: Chúng ta dâng lời cầu nguyện.

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã muốn cho Đấng cứu chuộc loài người phải sống kiếp phàm nhân và chịu khổ hình thập giá để nêu gương khiêm nhường cho thiên hạ noi theo. Xin cho chúng con biết đón nhận bài học Người để lại trong cuộc thương khó, và được thông phần vinh quang phục sinh với Người. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời.

Mọi người: Amen.

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

Bài Ðọc I: Is 50, 4-7

“Tôi đã không giấu mặt mũi tránh những lời nhạo cười, nhưng tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn”.

Bài trích sách Tiên tri Isaia.

Chúa đã ban cho tôi miệng lưỡi đã được huấn luyện, để tôi biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ nhọc nhằn. Mỗi sáng Người đánh thức tôi, Người thức tỉnh tai tôi, để nghe lời Người giáo huấn. Thiên Chúa đã mở tai tôi, mà tôi không cưỡng lại và cũng chẳng thối lui. Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu; tôi đã không che giấu mặt mũi, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi. Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không phải hổ thẹn; nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 21, 8-9. 17-18a. 19-20. 23-24

Ðáp: Ôi Thiên Chúa! Ôi Thiên Chúa! sao Chúa đã bỏ con?

Xướng: 1) Bao người thấy con đều mỉa mai con, họ bĩu môi, họ lắc đầu: “Hắn tin cậy Chúa, xin Ngài cứu hắn, xin Ngài giải gỡ hắn, nếu Ngài yêu thương”.

2) Đứng quanh con là đàn ưng khuyển, một lũ côn đồ bao bọc lấy con. Chân tay con chúng đều chọc thủng, con có thể đếm được mọi đốt xương con. – Đáp.

3) Phần chúng thì nhìn xem con và vui vẻ, đem y phục của con chia sẻ với nhau, còn tấm áo dài, thì chúng rút thăm… Phần Ngài, lạy Chúa, xin chớ đứng xa con, ôi Đấng phù trợ con, xin kíp ra tay nâng đỡ.

4) Con sẽ tường thuật danh Chúa cho các anh em, giữa nơi công hội, con sẽ ngợi khen Người. “Chư quân là người tôn sợ Chúa, xin hãy ca khen Chúa, toàn thể miêu duệ nhà Giacóp, hãy chúc tụng Người, hãy tôn sợ Người, hết thảy dòng giống Israel!” – Đáp.

Bài Ðọc II: Pl 2, 6-11

“Người đã tự hạ mình; vì thế Thiên Chúa đã tôn vinh Người”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.

Chúa Giêsu Kitô, tuy là thân phận Thiên Chúa, đã không nghĩ phải giành cho được ngang hàng với Thiên Chúa; trái lại, Người huỷ bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người, với cách thức bề ngoài như một người phàm. Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe tên Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất và trong địa ngục phải quỳ gối xuống, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Ðức Giêsu Kitô là Chúa để Thiên Chúa Cha được vinh quang.

Đó là lời Chúa.

Câu Xướng trước Phúc Âm: Pl 2, 8-9

Chúa Kitô vì chúng ta, đã vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu.

TIN MỪNG (Mt 27, 11-54) Có thể chia cho 3 người đọc

Bài Thương Khó Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, theo Thánh Matthêu.

C. Khi ấy, Chúa Giêsu đứng trước tổng trấn Phongxiô Phi-latô, và quan hỏi Người rằng:

S. “Ông có phải là Vua dân Do-thái không?”

C. Chúa Giêsu đáp:

LM: “Ông nói đúng!”

C. Nhưng khi các thượng tế và kỳ lão tố cáo Người thì Người không trả lời chi cả. Bấy giờ Philatô bảo Người:

S. “Ông không nghe thấy tất cả những điều họ tố cáo ông sao?”

C. Chúa Giêsu cũng không đáp lại về một điều nào, khiến quan tổng trấn hết sức ngạc nhiên.

Vào mỗi dịp lễ trọng, quan tổng trấn có thói quen phóng thích cho dân một người tù tuỳ ý họ xin. Lúc ấy có một phạm nhân nổi tiếng tên là Baraba. Vậy Philatô nói với dân chúng đã tụ tập lại đó rằng:

S. “Các ngươi muốn ta phóng thích ai, Baraba hay Giêsu mà người ta vẫn gọi là Kitô?”

C. Quan biết rõ chỉ vì ghen ghét mà chúng đã nộp Người. Vậy trong khi quan ngồi xét xử, bà vợ sai người nói cùng quan rằng:

S. “Xin ông đừng can thiệp gì đến vụ người công chính ấy, vì hôm nay trong một giấc chiêm bao, tôi đã phải đau khổ rất nhiều vì người ấy”.

C. Nhưng các thượng tế và kỳ lão xúi giục dân xin tha Baraba và giết Chúa Giêsu. Quan lại lên tiếng hỏi họ:

S. “Trong hai người đó các ngươi muốn ta phóng thích ai?”

C. Họ thưa:

S. “Baraba!”

C. Philatô hỏi:

S.Vậy đối với Giêsu gọi là Kitô, ta phải làm gì?”

C. Họ đồng thanh đáp:

S. “Đóng đinh nó đi!”

C. Quan lại hỏi:

S. “Nhưng người này đã làm gì nên tội?”

C. Chúng càng la to:

S. “Đóng đinh nó đi!”

C. Bấy giờ Philatô thấy mất công, lại thêm náo động, nên ông lấy nước rửa tay trước mặt dân chúng và nói:

S. “Ta vô can về máu người công chính này, mặc kệ các ngươi”.

C. Toàn dân đáp:

S. “Hãy để cho máu nó đổ trên chúng tôi và trên con cái chúng tôi”.

C. Bấy giờ quan phóng thích Baraba cho họ, còn Chúa Giêsu thì trao cho họ đánh đòn, rồi đem đi đóng đinh vào thập giá.

Bấy giờ lính tổng trấn liền điệu Chúa Giêsu vào trong công đường và tập họp cả cơ đội lại chung quanh Người. Họ lột áo Người ra, khoác cho Người một áo choàng đỏ, rồi quấn một vòng gai đặt trên đầu Người và trao vào tay mặt Người một cây sậy, họ quỳ gối trước mặt Người mà nhạo báng rằng:

S. “Tâu vua dân Do-thái!”

C. Đoạn họ khạc nhổ vào Người và lấy cây sậy đập trên đầu Người. Khi đã chế nhạo Người xong, họ lột áo choàng đỏ ra, mặc y phục cũ lại cho Người và điệu Người đi đóng đinh vào thập giá. Lúc đi ra, họ gặp một người thành Xyrênê tên là Simon, liền bắt ông vác đỡ thánh giá cho Người. Họ đi đến một nơi gọi là Golgotha, nghĩa là Núi Sọ. Họ cho Người uống rượu hoà với mật đắng, Người chỉ nếm qua nhưng không muốn uống. Khi đã đóng đinh Người trên thập giá rồi, họ rút thăm chia nhau áo Người, để ứng nghiệm lời tiên tri rằng: “Chúng đã chia nhau áo Ta, còn áo ngoài của Ta, chúng đã bắt thăm”. Rồi họ ngồi lại canh Người. Họ cũng đặt trên đầu Người bản án viết như sau: “Người này là Giêsu, vua dân Do-thái”. Lúc ấy, cùng với Người, họ đóng đinh hai tên trộm cướp, một tên bên hữu, một tên bên tả.

Những người đi ngang qua, lắc đầu chế diễu Người và nói:

S. “Kìa, ngươi là kẻ phá đền thờ và xây cất lại trong ba ngày, hãy tự cứu mình đi, nếu là Con Thiên Chúa, thì hãy xuống khỏi thập giá đi!”

C. Các thượng tế cùng luật sĩ và kỳ lão cũng chế nhạo Người rằng:

S. “Nó đã cứu được kẻ khác mà không cứu nổi chính mình! Nếu nó là vua dân Do-thái, thì bây giờ hãy xuống khỏi thập giá đi để chúng ta sẽ tin nó. Nó đã trông cậy Thiên Chúa, nếu Ngài thương nó thì bây giờ Ngài hãy cứu nó, vì nó nói: “Ta là Con Thiên Chúa!”

C. Cả những tên cướp bị đóng đinh trên thập giá với Người cũng nhục mạ Người như thế. Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín, khắp cả xứ đều tối tăm mù mịt. Vào khoảng giờ thứ chín thì Chúa Giêsu kêu lớn tiếng:

LM: “Eli, Eli, lamma sabachtani!”

C. Nghĩa là:

LM: “Lạy Chúa con, lạy Chúa con! sao Chúa bỏ con!”

C. Có mấy người đứng đó nghe vậy nói rằng:

S. “Nó gọi tiên tri Elia”.

C. Lập tức một người trong bọn chạy đi lấy một miếng bọt biển, nhúng đầy dấm và cuốn vào đầu cây sậy và đưa lên cho Người uống. Nhưng có kẻ lại bảo:

S. “Hãy chờ xem Elia có đến cứu nó không?”

C. Đoạn Chúa Giêsu lại kêu lên lớn tiếng và trút hơi thở.

(Quỳ gối thinh lặng thờ lạy trong giây lát)

Bỗng nhiên màn đền thờ xé ra làm đôi từ trên xuống dưới, đất chuyển động, đá nứt ra. Các mồ mả mở tung và xác của nhiều vị thánh đã qua đời được sống lại. Và sau khi Chúa sống lại, họ ra khỏi mồ, vào thành thánh và hiện ra cùng nhiều người. Còn viên sĩ quan và những kẻ cùng ông canh giữ Chúa Giêsu, thấy đất chuyển động và các sự xảy ra, thì thất kinh sợ hãi và nói:

S. Đúng người này là Con Thiên Chúa”.

Ðó là lời Chúa.

Suy niệm:   SỐNG TRONG HI VỌNG, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Hôm nay người Công giáo trên toàn thế giới bước vào Tuần thánh. Nói đến Tuần thánh là nói đến tuần lễ đầy u buồn, tang tóc, vì Tuần thánh làm sống lại những ngày cuối cùng trong cuộc đời trần thế của Chúa Giêsu, đỉnh cao là cơn hấp hối của Chúa trong vườn Ghetsemani (Thứ Năm Tuần thánh) và cái chết của Ngài trên thập giá (thứ Sáu Tuần thánh). Thế nhưng xin đừng quên rằng tất cả những sự kiện đau buồn đó được bao bọc bằng hai biến cố là Chúa nhật Lễ Lá – Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem trong vinh quang, và Chúa nhật Phục sinh – Chúa Giêsu chiến thắng quyền lực tối hậu của tội lỗi là sự chết. Như thế, cần phải cử hành Tuần thánh trong bầu khí chứa chan hi vọng chứ không phải bầu khí buồn thảm không lối thoát.

Đây cũng là sứ điệp hi vọng mà Tuần thánh muốn gieo vào lòng chúng ta trong hoàn cảnh hiện nay, khi cả thế giới đang gồng mình chống trả sự tấn công của kẻ thù vô hình mang tên gọi Covid-19. Tình hình thật đáng bi quan: số người nhiễm bệnh và số tử vong gia tăng từng ngày, đời sống mỗi gia đình và toàn xã hội bị đảo lộn, cả cấu trúc kinh tế của mỗi quốc gia và cũng như của thế giới đều bị đe dọa.

Nhưng ngay giữa thực tế bi thảm đó, cặp mắt của niềm tin Phục sinh vẫn nhìn thấy những tín hiệu hi vọng.

Tôi mới đọc bài thơ của một tu sĩ dòng Thánh Phanxicô ở Ireland viết về dịch bệnh. Thơ về dịch bệnh đương nhiên phải nói đến bệnh tật và chết chóc, âu lo và sợ hãi, nhưng cũng trong bài thơ ấy, tác giả làm nổi bật những hình ảnh thật dễ thương:  ở Vũ Hán, sau biết bao năm ồn ào náo động, nay lại nghe được tiếng chim hót, bầu trời trước kia mịt mù khói bụi, nay trong xanh trở lại; ở Assisi bên Italia, người ta hát cho nhau nghe ngang qua những quảng trường, người trẻ biết quan tâm hơn đến người già neo đơn và ra tay giúp đỡ; kể cả trong mỗi gia đình, vợ chồng, cha mẹ và con cái cũng dành thời giờ cho nhau nhiều hơn. Biết bao tín hiệu tích cực ngay giữa thời điểm đầy âu lo và sợ hãi.

Sâu xa hơn về mặt tâm linh, trước thực tế bi đát và nhịp sống dường như chậm lại, người ta suy tư nhiều hơn và thấy rõ hơn không những sự mong manh của phận người, mà còn nhận ra điều mà ngôn ngữ triết học gọi là tính bất tất của hiện hữu nhân sinh, từ đó tìm kiếm và hướng cuộc đời đến những gì là thực sự cần thiết và bền vững, quan tâm đến đời sống nội tâm nhiều hơn. Rất có thể sau cơn đại dịch này, nhân loại sẽ suy nghĩ lại về nhiều vấn đề, từ cuộc sống cá nhân đến tổ chức xã hội và cấu trúc của thế giới.

Niềm hi vọng tối hậu của Kitô hữu không đặt nơi con người hay thể chế nào, dù tài giỏi và hùng mạnh đến đâu, nhưng đặt nơi Thiên Chúa. Vì thế, hi vọng trở thành cậy trông, phó thác. Đó là tâm tình của Chúa Giêsu trên Thánh giá: “Lạy Cha, con phó thác sự sống con trong tay Cha”. Đó cũng phải là tâm tình của mỗi Kitô hữu, cách riêng trong giai đoạn đầy thử thách hiện nay.

Thinh lặng giây lát cầu nguyện riêng

Kinh Tin Kính: Tôi Tin Kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng…

RƯỚC LỄ THIÊNG LIÊNG

Chủ sự: Giờ đây, như Chúa Giêsu dạy, chúng ta cùng dâng lên Chúa lời kinh Lạy Cha.

Lạy Cha chúng con ở trên trời…

Đọc kinh Rước Lễ Thiêng Liêng – đọc chung

Lạy Thánh Tâm Chúa giàu Lòng Thương Xót, chúng con tin thật, thờ lạy, cảm tạ Chúa ngự trong bí tích Thánh Thể. Chúng con khát khao yêu mến, kết hợp với Chúa mỗi ngày một hơn. Xin Chúa ngự vào lòng chúng con cách thiêng liêng, và đốt lên trong chúng con ngọn lửa tin yêu nồng cháy. Xin Chúa nên tất cả cho chúng con, để chúng con thuộc trọn về Chúa, trong sự hiệp thông với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Amen.

Thinh lặng giây lát cầu nguyện riêng

KẾT THÚC

Chủ sự: Chúng ta dâng lời cầu nguyện

Lạy Chúa, nhờ Con Một Chúa chịu khổ hình thập giá, Chúa làm cho chúng con đạt tới quê trời như lòng hằng mong ước. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Mọi người: Amen.

Lời Nguyện Trong Cơn Dịch Bệnh Corona Virus – đọc chung

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi toàn năng chúng con đang họp nhau cầu nguyện, tha thiết nài xin cho cơn dịch bệnh mau chấm dứt.

Lạy Chúa Cha giàu lòng thương xót xin nhìn đến nỗi thống khổ của đoàn con trên khắp thế giới, đặc biệt tại những nơi dịch bệnh đang hoành hành.

Xin củng cố đức tin của chúng con, cho chúng con hoàn toàn tín thác vào tình yêu quan phòng của Cha.

Lạy Chúa Giêsu là Đấng cứu độ duy nhất, là vị lương y đầy quyền năng và lòng thương xót, xin thương cho các bệnh nhân sớm được chữa lành, và an ủi các gia đình đang gặp khó khăn thử thách.

Xin cho lời chúng con khiêm tốn cầu nguyện, được chạm tới trái tim nhân lành của Chúa, xin giảm bớt gánh nặng khổ đau, và cho chúng con cảm nhận được bàn tay Chúa đang ân cần nâng đỡ chúng con.

Lạy Chúa Thánh Thần là nguồn sức mạnh tình yêu, xin soi sáng các vị hữu trách và những người có khả năng, giúp họ sớm tìm ra phương thuốc chữa trị dịch bệnh, xin ban cho các bác sĩ và nhân viên y tế sức mạnh của tình thương và lòng nhiệt thành quảng đại, luôn tận tâm tận lực phục vụ các bệnh nhân.

Chúng con xin trao vào đôi tay từ mẫu của Mẹ Maria, những lời khẩn nguyện trong cơn đại nạn, nhờ lời Đức Mẹ chuyển cầu, xin Chúa nhận lời chúng con. Amen.

Chủ sự: Xin Thiên Chúa toàn năng ban phước lành cho tất cả chúng ta, xin Người che chở chúng ta khỏi mọi sự dữ, và dẫn đưa chúng ta tới cuộc sống muôn đời.

Mọi người: Amen.

Có thể hát kính Đức Mẹ, đọc kinh Cám Ơn – Ba câu lạy.

Lm Giuse Lê Ngọc Ngà