Suy Tư Tin Mừng CN 3PS: Ôm Lấy Đấng Phục Sinh
Tin Mừng Chúa Nhật 3 Phục Sinh hôm nay tiếp nối những lần hiện ra của Đức Kitô sau khi Ngài từ cõi chết sống lại. Theo Tin Mừng Luca, cách Chúa tiếp cận và củng cố lòng tin nơi các Tông Đồ thật nhẹ nhàng, tinh tế và kiên nhẫn: đầu tiên là qua lời chứng của một số người phụ nữ đi viếng mồ, những người được xem là tầng lớp nhỏ bé trong văn hoá Do Thái, sau đó là hai môn đệ trên đường Emmau, những người từng đi theo Chúa và nghe lời Ngài dạy dỗ, và hôm nay là hiện ra với tất cả các Tông Đồ, những người được Chúa chọn gọi và sống gần gũi thân tình với Ngài suốt gần ba năm trong sứ vụ ở trần gian. Những nhóm người tiêu biểu trong các cuộc hiện ra này nói với chúng ta điều gì?
Đức Giêsu Phục Sinh tỏ mình ra cho các Tông Đồ. Ảnh: Pinterest.com
Thứ nhất: Chúa chấp nhận đụng chạm và tỏ mình ra với từng con người.
Chúa đã sống lại! Sự cô đơn trong Vườn Dầu đã qua, cái hôn bán Thầy cũng phai nhoà, và tiếng thề thốt chối bỏ cũng theo gió chiều Canvê cuốn đi biệt tích…Sống lại là một tin vui, tin trọng đại, nhất là đối với những ai tin vào Thầy Giêsu, Đấng đã luôn rao giảng về sự sống đời đời. Tuy nhiên, đối với Chúa, việc sống lại còn có ý nghĩa hơn nhiều vì Ngài sẽ được gặp lại các môn đệ yêu dấu!
Đức Kitô Phục Sinh vẫn khao khát đặt mình trong tương quan nối kết với những người mình yêu thương. Ngài đi tìm gặp họ, ban cho họ điều cần thiết là sự bình an! Tuy nhiên, sống trong bóng tối sợ hãi về cuộc Thương Khó của Thầy quá lâu nên khi đối diện với ánh sáng phục sinh, mắt họ bối rối chưa kịp thích nghi để có thể nhận ra một cách trọn vẹn hình ảnh thân thuộc của Thầy mình. Dầu vậy, Đức Kitô sống lại vẫn kiên nhẫn ở đó, giữa họ. Chúa không ngại đi vào trong không gian đầy tội lỗi, giới hạn, và bất toàn của các Tông Đồ. Trái lại, Ngài vì những điều đó mà đến! Tương tự như vậy, để đụng chạm vào thân phận con người mà Ngài chấp nhận cuộc Thương Khó. Nếu trong bài đọc I (Cv 3, 13-15. 17-19), vết thương do tội con người phạm là chối bỏ, trao nộp và giết “Đấng ban sự sống” thì trong bài đọc II (1Ga 2, 1-5a) cho chúng ta biết: chính Đức Kitô là của lễ đền tội đã đem lại ơn tha thứ và chữa lành cho con người. Chúng ta chạm vào Đấng ban sự sống để giết chết Ngài, nhưng chính Ngài lại sẵn sàng chạm vào phận người tội lỗi để cứu chữa chúng ta.
Thứ hai: Chúa chấp nhận để con người đụng chạm Ngài.
Hãy cùng nhau quan sát cách Chúa trấn an các môn đệ, chúng ta sẽ thấy có một Đức Kitô Phục Sinh rất gần gũi, bình dân và dễ thương làm sao! Ngài luôn muốn con người đụng chạm Ngài, nhất là chạm vào những vết thương đã Phục Sinh.
Quả thật, khi hồi tưởng và chiêm ngắm khoảnh khắc Chúa đưa chân, đưa tay ra, rồi ăn cả khúc cá nướng và tảng mật ong để chứng minh với các Tông Đồ rằng Ngài không phải “ma”, chúng ta có được đánh động? Cách thức Đấng Phục Sinh dẫn dắt các Tông Đồ đi vào sự thân quen cũng thật nhẹ nhàng: bắt đầu từ những gợi nhắc về cử chỉ sinh hoạt ăn uống bình thường đến việc giải thích Kinh Thánh và nhắc lại những lời dạy dỗ và những kinh nghiệm riêng tư chỉ Thầy và trò biết: về căn tính Ngài, về Chúa Cha, và về kế hoạch cứu độ: “Ngài là Ðấng Kitô chịu thương khó, và ngày thứ ba sẽ từ cõi chết sống lại…”. Chính những kinh nghiệm cá vị đó đã giúp các môn đệ bình tâm để nhận ra người họ đang đối diện là Thầy Giêsu, đã chết và đã sống lại, chính Người đã chọn gọi họ, Người mà suốt gần ba năm họ sống cùng, sống với, và gắn bó như “hình với bóng” trên khắp các nẻo đường từ Galilê đến Giêrusalem. Hoá ra, Chúa cũng có khao khát được con người đụng chạm, không phải vì Ngài, nhưng vì nhờ đó mà con người được an tâm, được vững tin, và được kinh nghiệm gặp gỡ Đấng Phục Sinh.
Thứ ba: ôm lấy Đấng Phục Sinh và trở nên chứng nhân Phục Sinh
Khi đã được Đức Kitô Phục Sinh đụng chạm, và đồng thời được nhìn thấy những vết thương đã được lành, các Tông Đồ còn bị ngăn trở điều gì nữa mà không chạy đến ôm chầm lấy Thầy mình? Trong cái ôm dành cho Thầy giờ đây có bao gồm cả sứ mạng đang được uỷ thác cho các ông từ chính miệng Đấng Phục Sinh: Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy”. Chúa không chỉ sai các ông nhân danh Người mà “rao giảng” về sự ăn năn và thống hối để lãnh ơn tha tội cho muôn dân, nhưng sẽ “làm chứng nhân” về những gì họ được biết về Đấng Phục Sinh. Tuy nhiên, giữa những điều rao giảng và những điều sẽ làm chứng thường có một khoảng cách do giới hạn của con người lắm lúc không thể sống được điều mình rao giảng. Chính cái ôm này sẽ là điểm tựa, và là một kinh nghiệm quý báu giúp các Tông Đồ thu hẹp lại khoảng cách đó, để lời và đời trở nên phương tiện hữu hiệu đưa người khác đến với Đấng Phục Sinh.
Câu hỏi dành cho mỗi người chúng ta khi cùng suy tư Lời Chúa hôm nay: tôi đã để Chúa Phục Sinh đụng chạm cuộc đời mình ra sao, và tôi đã nhìn vào những vết thương đời mình với thái độ nào?
Cầu nguyện
Lạy Chúa, Chúa đã sống lại và tiếp tục ở giữa chúng con, ở giữa một nhân loại đầy những bất an và sợ hãi hôm nay. Niềm xác tín này làm con an tâm!
Xin cho đời con trở nên một minh chứng và nhân chứng sống động rằng con đã gặp được ĐỨC KITÔ PHỤC SINH: đó là khi con trở nên khí cụ bình an của Chúa. Xin cho con nhận ra vẻ đẹp của những thương tích dù đã lành nhưng vẫn hiện hữu trên tay chân ngài. Đó là niềm tự hào của con, một người tội lỗi được Chúa cứu chuộc, được Chúa ôm lấy, và tiếp tục tin tưởng, yêu thương! Amen.
Sr Quỳnh Thoại, CĐM