Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 14 Thường Niên, Năm C

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 14 Thường Niên, Năm C

Các bài đọc Lời Chúa hôm nay nói về việc loan báo Tin Mừng. Nó nhắc nhở chúng ta rằng việc loan báo Tin Mừng về Nước Trời bằng lời nói, việc làm và cuộc sống không phải là nhiệm vụ của chỉ một số ít người. Đúng hơn, đó là một nhiệm vụ của tất cả các Kitô hữu đã được rửa tội.

 

BÀI ĐỌC 1: Is 66,10-14

Thiên Chúa như một người Mẹ

Chúng ta đã quen với hình ảnh Thiên Chúa là Cha, Đấng sáng tạo và khởi xướng vạn vật. Nhưng Thiên Chúa không có giới tính hay tính dục; chỉ con người và động vật mới có sự phân biệt này. Thiên Chúa vượt qua những giới hạn của con người một cách vô hạn. Vì vậy, cũng cần có chỗ cho một hình ảnh dịu dàng hơn về Thiên Chúa như một người mẹ: “Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy”, đoạn văn này hứa hẹn, thậm chí dám nhắc đến hình ảnh mẫu tử thân thiết và đáng tin cậy nhất của một đứa con bú sữa mẹ. Hình ảnh về Thiên Chúa như người mẹ cũng xuất hiện trong các đoạn Kinh Thánh khác, chẳng hạn như Thánh vịnh 131, nơi sự vững tâm của người tin Chúa được so sánh với sự an lòng của một đứa trẻ trong vòng tay mẹ; hoặc Hôsê 11,1-4, trong đó sự chăm sóc yêu thương của Thiên Chúa được mô tả dưới hình ảnh cha mẹ dẫn dắt và nuôi dưỡng đứa trẻ – đứa trẻ giờ đây đã lớn, và tình mẫu tử của Thiên Chúa tiếp tục trong suốt cuộc đời của chúng ta. Một trong những từ ngữ chính trong tiếng Hipri mô tả tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho dân Ngài là rahamim, số nhiều của rah am, có nghĩa là lòng mẹ. Do đó, nó diễn tả cảm giác ruột thịt bản năng của người mẹ dành cho đứa con của mình, thứ mà không bao giờ có thể bị phá hủy hoặc bị phủ nhận.

 

ĐÁP CA: Tv 66:1-3a, 4-7a, 16, 20

Công trình cứu chuộc vĩ đại của Thiên Chúa

Trong Thánh vịnh 66, tác giả tập chú vào ơn cứu chuộc Chúa đã thực hiện cho dân Ngài xét như một dân giao ước hợp nhất và với mỗi cá nhân. Thánh vịnh bắt đầu bằng một lời mời gọi tất cả trái đất hãy loan báo Danh Chúa rạng ngời (cc. 1-4). Với lời mời “Hãy đến mà xem” trong câu 5, ông mời gọi nhân loại hãy tin nhận Thiên Chúa bằng cách nhận biết những việc vĩ đại mà Ngài đã làm để cứu chuộc Israel. Ông đề cập đến phép lạ Thiên Chúa làm là phân rẽ nước Biển Đỏ để dân Israel vượt thoát khỏi sự truy đuổi của người Ai Cập (Xh 14,26-31), và làm khô nước sông Giorđan để dân giao ước có thể vượt qua mà vào đất Canaan, trong câu 6 (Gs 3,14-17). Sau đó, trong các câu 16-20, tác giả thánh vịnh chuyển từ những gì Thiên Chúa đã thực hiện cho Israel trong quá khứ sang những gì Thiên Chúa làm cho riêng ông. Lời mời gọi tất cả những ai kính sợ Thiên Chúa “Hãy đến và nghe” trong câu 16, kết nối với “Hãy đến mà xem” ở câu 5. Cuối cùng, ông chúc tụng Thiên Chúa, Đấng lắng nghe lời ông cầu nguyện và mở rộng lòng thương xót của Ngài đối với tác giả thánh vịnh.

Nhờ mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa, Chúa Cha đã mở rộng lòng thương xót của Ngài cho loài người. Qua những việc Chúa Giêsu Kitô đã thực hiện, chúng ta được mời gọi vừa “đến mà xem” và “đến mà nghe” các công trình lớn lao mà Thiên Chúa làm để cứu chuộc nhân loại. Chúa Giêsu đã đánh bại tội lỗi và sự chết và ban sức mạnh ấy cho tất cả những ai đón ơn cứu độ của Thiên Chúa, để có thể băng qua sự đe dọa của cái chết mà vào Đất Hứa là Nước Trời. Tất cả những ai kính sợ Chúa hãy hoan hỉ ôm lấy món quà trọng đại ấy và hô vang trong niềm vui: “Hallelujah”, tiếng Hípri có nghĩa là: “Hãy chúc tụng Đức Chúa!”

 

BÀI ĐỌC 2: Gl 6,14-18

Chiến thắng của thập giá

Đây là bài đọc cuối cùng trong năm nay từ thư gửi tín hữu Galát. Nó cũng là lời Tiền xướng trong thứ Năm Tuần Thánh, khi chúng ta bước vào cử hành Cuộc Khổ Nạn và cái chết của Chúa. Cuối cùng thì Phaolô lại so sánh lề luật và Thập giá. Thay vì tự hào về dấu hiệu vật lý của phép cắt bì, biểu tượng của sự tuân theo lề luật, ngài tôn vinh Thập giá qua “những dấu tích” trên cơ thể mình – chắc ngài muốn nói đến ý nghĩa tượng trưng của phép rửa, hoặc muốn nói đến vết sẹo của những lần bị đánh đòn mà ngài phải chịu – điều đó làm cho ngài trở thành một thụ tạo mới. Mọi thứ đều mới mẻ đối với Kitô hữu được chịu phép rửa tháp nhập vào Chúa Kitô. Họ bỏ lại phía sau những bận tâm cũ kỹ và trần tục để đón nhận sự tự do mới do Thần Khí soi dẫn. Điều này nghe có vẻ rất hay, nhưng chúng ta đã biết, và Phaolô cũng biết rằng việc đưa cuộc sống mới và thang giá trị mới này thành hiện thực là một thách thức không ngừng: “Điều tốt tôi muốn làm, nhưng lại không bao giờ làm; điều xấu mà tôi không muốn, tôi lại cứ làm”, ngài đã than thở như vậy khi viết thư cho người Rôma. Chúng ta đã được hòa giải với Thiên Chúa, nhưng chỉ một lần Phaolô nói rằng chúng ta đã được cứu. Thậm chí sau đó ngài nói “được cứu trong hy vọng”, nghĩa là đặt nó vào những nỗ lực tương lai.

 

TIN MỪNG: Lc 10,1-12,17-20

Sứ vụ của nhóm bảy mươi hai

Sứ mệnh của bảy mươi hai môn đệ là tượng trưng cho sứ mệnh tối hậu đến với tất cả các quốc gia trên thế giới (x. Sáng thế 10). Mặc dù bài đọc này ám chỉ đến tính phổ quát của ơn cứu độ mà Chúa Giêsu mang đến, nhưng nó đặc biệt quan tâm đến cách sống của các nhà truyền giáo khi thi hành sứ vụ và niềm vui của sự thành công mà họ đã trải nghiệm.

Chúa Giêsu sử dụng hai ẩn dụ để tiêu biểu cho sứ mệnh: mùa gặt và chiên con giữa bầy sói. Mùa gặt có nghĩa là thế giới đã sẵn sàng cho sứ vụ của những nhà truyền giáo. Đây là một hình ảnh tích cực cho thấy rằng việc trồng cấy và phát triển đã được hoàn thành. Phần còn lại là bảy mươi hai môn đệ phải thu thập thành quả công việc của những người trước. Người khác đã trồng và chăm bón. Bây giờ các môn đệ đã ở đó để thu hoạch sản lượng. Hình ảnh ẩn dụ thứ hai bổ sung một giọng điệu nghiêm túc cho bức tranh. Mặc dù mùa gặt đã sẵn sàng, nhưng việc thu hoạch lại là một công việc nguy hiểm. Cánh đồng sứ vụ luôn có những đe dọa, và bản thân những người truyền giáo cũng dễ bị tổn thương. Các chỉ thị mà Chúa Giêsu đưa ra nhấn mạnh điều này. Các môn đệ được truyền bảo phải đi vào thế giới chỉ với những thứ cần thiết. Không được mang theo túi tiền, không có bao bị, không dày dép. Họ phải tin cậy vào Thiên Chúa và phụ thuộc vào lòng hiếu khách của những người mà họ đến. Vì nhà ở chỉ nhằm mục đích hỗ trợ sứ vụ của họ, họ không được bận tâm để có được chỗ ở tốt hơn, cũng như không được quyết định đồ ăn thức uống của nơi đó, ngay cả khi có vấn đề về sự thanh uế của chế độ ăn uống. Cuối cùng, vì hai nhân chứng là cần thiết cho việc xác minh bất kỳ yêu cầu pháp lý nào, họ phải đi theo từng hai người một.

Bên cạnh việc sử dụng phép ẩn dụ về mùa gặt để mô tả tính cấp bách của sứ mệnh, các môn đệ cũng được yêu cầu tránh tham gia vào kiểu chào đón kéo dài phổ biến ở vùng Cận Đông cổ đại vào thời điểm đó. Không có thời gian cho những điều vụn vặt trong xã hội. Bình an sẽ là một lời chào cần thiết để gửi đến. Trong khi bình an là một cách chào đặc trưng của người Do Thái, thì nó còn hơn thế nữa. Nó đã trở thành một lời đồng nghĩa với ơn cứu độ của thời thiên sai. Trên môi của một Kitô hữu, lời ấy cũng loan báo về sự có mặt của thời đại hoàn thành cánh chung. Việc đón nhận sự bình an như vậy đã trở thành điều kiện quyết định tương lai của những người mà các môn đệ được sai đến. Sự bình an này ở lại nơi một số người nhưng không ở lại trên những người khác. Những người cởi mở với sứ điệp thì được chúc lành, nhưng những người từ chối những nhà truyền giáo đã tự quyết định số phận đáng tiếc của mình. Các nhà truyền giáo được nhắc nhở phải giũ bỏ lớp bụi của thành đó khỏi chân họ. Điều này cũng phản ánh tính cấp bách của thời gian. Các nhà truyền giáo không có thời gian thoải mái để thuyết phục những người không mở lòng đón nhận sứ điệp. Trong một tình huống như thế, sự từ chối đã tạo ra hệ quả.

Khi kết thúc nhiệm vụ, bảy mươi hai môn đệ vui mừng trở về với những câu chuyện thành công. Họ đã chữa khỏi bệnh và loan báo về sự xuất hiện của triều đại Thiên Chúa. Trong những thành quả này, họ đã chứng kiến ​​quyền năng của Thiên Chúa chiến thắng quyền lực của cái ác, tượng trưng bằng rắn rết và bọ cạp. Chúa Giêsu xác nhận việc đánh giá thành tích của họ. Satan thực sự đã bị khuất phục. Toàn bộ kinh nghiệm này sau đó đã được Chúa Giêsu tổng kết. Những việc họ đã làm thật là kỳ diệu, nhưng điều kỳ diệu và lớn lao hơn vẫn là tên của họ đã được ghi trong sách Nước Trời (x. Xh 32,32-33).

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+ GLHTCG 541-546 : Nước Thiên Chúa đã đến gần

+ GLHTCG 787, 858-859 : Các Tông đồ được kết nạp vào sứ mệnh của Chúa Kitô

+ GLHTCG 2122 : “Người thợ thì đáng được trả công”

+ GLHTCG 2816-2821 : “Nước Cha trị đến”

+ GLHTCG 555, 1816, 2015 : Thánh Giá, con đường để đi theo Chúa Kitô

Linh mục Giuse Ngô Quang Trung

 

 

print