Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 16 Thường Niên, Năm B

print

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 16 Thường Niên, Năm B

Các bài đọc hôm nay cho chúng ta thấy đường lối mà Đức Chúa, giống như một Mục Tử tốt, cứu chuộc và săn sóc dân Ngài. Các bài đọc cũng khuyến giục chúng ta tận dụng những ơn Chúa ban trong gia đình, trong Giáo hội và ngoài xã hội, với lòng trung tín và trách nhiệm để phục vụ tha nhân. Ngày nay, hoạt động mục vụ không chỉ gồm việc chăm sóc mục vụ được ban riêng cho những vị được gọi là “mục tử”, mà còn là việc phục vụ tận tâm đầy tình yêu thương mà mọi Kitô hữu đều được mời gọi thực hiện cho người khác.

 

BÀI ĐỌC 1: Gr 23,1-6

Đức Chúa sẽ chăn dắt Israel

Sự lựa chọn bài đọc này hướng tới bài Tin Mừng. Lời lên án những nhà lãnh đạo dân Chúa thật là nghiệt ngã nhưng dứt khoát. Họ không chỉ lơ là trách nhiệm mà còn dẫn dắt dân lạc đường. Cũng như một đoàn vật bị tan tác vì thiếu sự chăn dắt ân cần, thì đoàn dân Chúa cũng bị tản mác và thất lạc, có lẽ nói đến cuộc lưu đày. Lời lên án những mục tử đương thời này báo trước một thời điểm mà chính Chúa sẽ chăn dắt dân Ngài thông qua vị mục tử chính Ngài tuyển chọn, một vị vua thuộc dòng dõi Đavít. Lời hứa này rực sáng lên giữa hình ảnh chính Thiên Chúa là Mục Tử và vị được tuyển chọn của Ngài là mục tử chân chính. Cuộc lưu đày ở Babylon vẫn phải xảy ra, nhưng nó sẽ dẫn đến một quan niệm về sự chăn dắt đoàn dân Chúa, chỉ Ngài, “Đức Chúa là sự công chính của chúng ta”. Cách gọi này này gần như tương đương với Nước Thiên Chúa do Chúa Giêsu công bố, vì Vương quyền của Thiên Chúa là Vương quyền của sự công chính và ơn cứu độ. Sự “Công chính” của Thiên Chúa không giống như công lý của con người, vốn hệ tại việc tuân giữ và phục tùng luật pháp, cho dù đó là luật Do Thái hay luật dân sự. Đức công chính của Thiên Chúa cốt ở việc trung thành với những lời hứa mà Ngài đã giao ước, lúc đầu với Abraham và được lặp lại với Môisen và Đavít. Giao ước đó được tái lập nhiều lần, đó là lời hứa bảo trợ và che chở Israel, chỉ cần họ đặt lòng tin nơi Chúa. Đây là điều làm cho giao ước trở thành sự công chính ban ơn cứu độ, niềm hy vọng của Israel, và được thành toàn nơi Chúa Giêsu.

 

ĐÁP CA: Tv 23

Thánh vịnh 23 có lẽ là Thánh vịnh được nhiều người yêu thích nhất trong tất cả 150 Thánh vịnh. Được cho là của Đavít, Thánh vịnh này diễn tả một suy tư cá nhân về mối tương giao gần gũi giữa tác giả và Thiên Chúa của mình. Thánh vịnh sử dụng hai hình ảnh ẩn dụ: Chúa là Mục Tử (cc. 1-4) và Chúa là Chủ bữa tiệc thánh (cc. 5-6). Ở vùng Cận Đông xa xưa và theo Kinh Thánh, hình ảnh người chăn chiên ám chỉ vua (2 Sm 5,2; Is 44,28; v.v.). Đó cũng là một hình ảnh được sử dụng để diễn tả vai trò của Thiên Chúa, là Vua thiêng liêng, Đấng bảo vệ và  xét xử dân giao ước của Ngài (Tv 28,9; Is 40,11; Ed 34,11-16).

Mô tả các công việc của người chăn chiên, có lẽ từ những kinh nghiệm của Đavít là người chăn chiên thời còn trẻ, tác giả cung cấp một bức tranh về mối tương giao của ông với Thiên Chúa khi ông nỗ lực sống một cuộc đời thánh thiện (cc. 2-3). Dưới sự hướng dẫn không ngừng của vị Mục Tử, tác giả cũng như dân Ngài là những con chiên trong đàn chiên của Chúa, được dẫn dắt với tình yêu thương và sự quan tâm dịu dàng. Vị Mục Tử để ý đến những nỗi sợ hãi và sự yếu đuối của dân, Ngài dẫn dắt họ đi đến, không phải nơi những dòng sông độc hại mà trong những dòng nước trong lành (con chiên luôn sợ chết đuối và chỉ uống nước suối trong). Sự chăm sóc dịu dàng của Mục Tử mang đến cho tác giả niềm tin rằng, với sự che chở của Chúa, ông sẽ đến được đồng cỏ xanh tươi trong nước Thiên Đàng (1 Pr 5,4; Kh 7,17). Ngay cả giữa những thử thách và đau khổ do kẻ thù gây ra, tác giả Thánh vịnh vẫn cảm thấy an toàn bởi vì ông tin cậy vào Chúa lãnh đạo và bảo vệ. Chủ tiệc đã chuẩn bị cho ông một bàn tiệc trong nhà Chúa để ông vào nghỉ ngơi. Tác giả Thánh vịnh ngập tràn cảm xúc khi ông nhận thấy cuộc đời ông được bao bọc bởi tình thương bao la hải hà của Chúa (cc. 5-6).

Đối với các Kitô hữu, Thánh vịnh này mang ý nghĩa đầy đủ trong câu nói của Chúa Giêsu: “Tôi là Mục tử nhân lành” (Ga 10,11, 14; Hr 13,20). Chúa Giêsu cũng kiện toàn hình ảnh chủ tiệc trong Tv 23,5 khi ở bàn Tiệc Li, Người là chủ bữa ăn thiêng liêng, lần đầu tiên hiến mình cho các môn đệ để trở thành Bí tích Thánh Thể. Chúa Giêsu tiếp tục với vai trò là Chủ, hiến dâng mình trên bàn thờ mỗi ngày khi cộng đoàn cử hành Thánh lễ. Đó là một tiệc thánh, hướng về sau thì đó là Bữa Tiệc Li, hướng về trước là Bữa Tiệc thiêng liêng trong Vương Quốc Thiên Chúa (Mt 26,26-30; Lc 22,14-20; Mc 14,22-26; Kh 19,5-9).

 

BÀI ĐỌC 2: Ep 2,13-18

Sự hợp nhất các tín hữu

Thư gửi tín hữu Êphêsô đề cao sự hợp nhất Giáo hội, khi trở lại chủ đề này nhiều lần. Trong bài đọc này, cụm ngữ “trước kia anh em là những người ở xa” biểu thị những người thuộc dân ngoại, và “chúng tôi” là những người Do Thái. Hai nhóm Kitô hữu, xuất phát từ người Do Thái và dân ngoại, vốn trước đây là những người đối nghịch với nhau, nay được kết hợp nhờ máu Chúa Kitô và Thần Khí duy nhất để tạo thành một con người mới duy nhất là Thân Thể Chúa Kitô, là Giáo hội. Chắc chắn sự phân biệt này giữa những người tin thời cộng đoàn sơ khai không còn là nỗi băn khoăn lớn trong vấn đề chia rẽ giữa chúng ta. Tuy nhiên hình ảnh xấu về tình trạng mất đoàn kết trong nội bộ Kitô giáo ngày nay lại trở nên gay gắt hơn khi tỷ lệ Kitô hữu trên dân số thế giới giảm đi. Tuy nhiên, sự hợp nhất hai nhóm người đó nhắc nhớ chúng ta rằng Chúa Kitô đã chịu chết để đem ơn cứu rỗi cho tất cả mọi người. Theo một đường lối nhiệm mầu, tất cả những ai được cứu độ đều được cứu độ bởi Chúa Kitô, ngay cả khi họ không nhận thức rõ về điều này. Một nhà thần học nổi danh nào đó đã gọi những người như vậy là “các Kitô hữu vô danh”. Người ta tự hỏi liệu những tín đồ vẫn tha thiết truy tìm chân lý trong Phật giáo và Hồi giáo, hoặc các tôn giáo khác có vui khi được mô tả như vậy không? Có đủ cho họ tuyên xưng các giá trị của Chúa Kitô và nhận thức được tình trạng bất khả của con người trong việc tự cứu mình không?

 

TIN MỪNG: Mc 6,30-34

Phục vụ và ngưng nghỉ

Các môn đệ của Chúa Giêsu ở đây được gọi là tông đồ (lần duy nhất từ này xuất hiện trong Tin Mừng này). Mặc dù hai từ ngữ môn đệ và tông đồ thường được sử dụng thay thế cho nhau, nhưng thật sự, các từ này khác biệt nhau. Trong số hai từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là “sai đi”, apóstellōpémpō, từ trước nhấn mạnh mối quan hệ giữa người sai và người được sai, ngụ ý một hình thức ủy thác. Các từ bắt nguồn từ nó biểu thị một chức năng hơn là một trạng thái. Vì vậy, tông đồ là một tác nhân có thẩm quyền hoặc người đại diện được ủy quyền được chỉ định vào một nhiệm vụ cụ thể chứ không phải là một vị trí cố định, và là người mà trong khi thực hiện nhiệm vụ đó, hành động với thẩm quyền của người sai đi. Có thể thấy rõ sắc thái này của từ ngữ này trong bài đọc hôm nay. Phải chịu trách nhiệm trước Chúa Giêsu về việc sử dụng quyền bính Người trao, các tông đồ trở lại với Người để báo cáo về sứ vụ rao giảng và việc làm của họ.

Hoặc là các tông đồ đã khá thành công trong sứ mệnh của họ hoặc danh tiếng của Chúa Giêsu đã lan rộng ra khắp vùng hoặc cả hai, bởi vì dân chúng đổ xô đến với số lượng đông đến nỗi các vị thừa sai này phải tránh khỏi đám đông (x. 4, 35-41, Chúa nhật mười hai Thường Niên; 5: 21-43, Chúa  nhật mười ba Thường Niên). Chúa Giêsu đưa họ đến một nơi thanh vắng (érēmos), nơi mà chính Người đã lui vào đó để cầu nguyện (x. Mc 1,35, Chúa nhật thứ năm Thường Niên). Sa mạc, nơi thanh vắng không chỉ là một nơi để trốn thoát, nó còn mang ý nghĩa biểu tượng đặc biệt. Nó nhắc nhở dân chúng về một thời kỳ thanh luyện trong quá khứ, khi họ ở trong sa mạc, Đức Chúa đã lập giao ước với họ. Trở về với sa mạc thường là một khoảng thời gian để xác quyết lại.

Tuy nhiên, việc các ngài trốn lánh không ngăn cản được đám đông, những người dường như đã biết các ngài sẽ đi đâu và đã đến đó trước Chúa Giêsu và các tông đồ. Nhìn thấy họ, Chúa Giêsu chạnh lòng thương (splanchnízomai), một từ biểu thị cảm xúc sâu sắc trong lòng, chỉ được sử dụng bởi, hoặc về Chúa Giêsu và mang ý nghĩa thiên sai (x. Mc 1,42; 8,2; 9,22). Lý do mà Chúa Giêsu thể hiện cảm xúc mạnh mẽ này được đưa ra. Người xúc động trước tình cảnh của dân chúng, không phải bởi sự nhiệt tình của họ, điều có thể nảy sinh từ khao khát được chứng kiến các phép lạ hơn là từ động cơ thiêng liêng; mà là thấy họ như một bầy chiên không có người chăn dắt, đang tìm kiếm một ai đó hoặc thứ gì đó để mà có thể bước theo. Đây là một lời phê phán mạnh mẽ đối với giới lãnh đạo thời đó, một lời chỉ trích không phải là xa lạ đối với dân Chúa (x. Ds 27,17; 1 V 22,17; Ed 34,5).

Hình ảnh người mục tử, vốn có ý nghĩa đặc biệt đối với những người dân sinh sống bằng nghề chăn chiên, đã trở thành một ẩn dụ quan trọng để biểu thị trách nhiệm của các vị vua, và sau đó là những người hành động với bất kỳ tư cách lãnh đạo nào. Họ phải cai quản dân chúng, lo liệu cho dân và bảo vệ họ. Mặc dù nêu bật những đức tính này nơi người lãnh đạo, Israel luôn khẳng định rằng Đức Chúa thực sự là Mục Tử duy nhất của họ (Ed 34,11-16), và các nhà lãnh đạo hợp pháp phải phục vụ thay thế cho Đức Chúa. Chúa Giêsu nhận ra rằng những người này đi theo Người một cách hăng hái vì họ không được lãnh đạo đúng đắn và đáng tin cậy. Để khắc phục điều này, Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.

—-

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+ GLHTCG 2302-2306 : Đức Kitô, bình an của chúng ta

+ GLHTCG 2437-2442 : Làm chứng và hoạt động cho hòa bình và công lí

Lm. Giuse Ngô Quang Trung