Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 19 Thường Niên, Năm B

print

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 19 Thường Niên, Năm B

Ý nghĩa của bánh sự sống được Chúa Giêsu tiếp tục khai triển thêm. Các bài đọc hôm nay đặt ra cho chúng ta hai cách khác nhau để đáp trả những đòi hỏi của Thiên Chúa. Một là nghi ngờ và chối bỏ, hai là chấp nhận trong đức tin tuân phục. Những tuyên bố mà Chúa Giêsu đưa ra về chính Người trong diễn từ về bánh sự sống là triệt để: bánh chỉ có thể ban sự sống nếu tin vào Người là Đấng được Chúa Cha sai đến.

 

BÀI ĐỌC 1: 1 V 19,4-8

Bữa ăn hồi phục sức lực

Tiên tri Êlia sống vào thế kỉ thứ 9 trCN, hoạt động tại vương quốc miền bắc Israel dưới thời các vua Akháp và Akhágiahu. Ông là người cương quyết bảo vệ đức tin tinh tuyền và sự thờ phượng Đức Chúa của Israel chống lại việc thờ thần dân ngoại Baal. Êlia đã tổ chức một cuộc “tỉ thí” với các tiên tri của thần Baal, thách thức họ mang lửa từ trên trời xuống để hỏa thiêu con bò mộng mà họ hiến tế cho Baal. Ngoan cố trước những lời chế nhạo của Êlia, họ đã thất bại thảm hại, phải rời hiện trường để lại chiến thắng cho Êlia, người mà Thiên Chúa đã phù trợ để thực hiện một sự biểu dương hoàn mỹ. Cao điểm của biến cố này là một trận tàn sát hết các tiên tri Baal. Tuy nhiên ngay sau đó, Êlia đã bị đe dọa, phải chạy trốn vào trong sa mạc. Đói khát, mệt mỏi và sầu muộn, ông xin Chúa cho mình được chết đi. Ông thiếp đi dưới cây kim tước trong thể xác kiệt quệ. Nhưng Chúa đã dành cho ông những hành động ưu ái. Trước tiên, ngài đánh thức Êlia bằng một bữa ăn tuyệt vời, sau đó Ngài cung cấp lương thực đầy đủ dinh dưỡng giúp Êlia vượt qua sa mạc Sinai kéo dài 40 ngày. Tiên tri Êlia chỉ tìm lối đi vào sa mạc để trú ẩn, nhưng Thiên Chúa dẫn ông đi xa hơn. Ngài ban cho ông một thứ bánh nhiệm mầu, gợi nhớ manna của người Do Thái trong sa mạc và là tiền ảnh bánh Thánh Thể mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta trong cuộc hành trình thiêng liêng (Ga 6,28).

 

ĐÁP CA: Tv 34,2-9

Đức Chúa là nơi nương náu

Phần ghi đề tựa xác định Thánh vịnh 34 là Thánh vịnh của vua Đavít: khi ông giả điên trước mặt vua Avimelech, và bị Avimelech đuổi đi. Tác giả Thánh vịnh mở đầu bằng việc ca ngợi Chúa; ông cũng mời gọi những người đau khổ, nghèo túng hợp nhất với ông, để đồng thanh tán tụng Danh Chúa. Ngài là Đấng nghe thấy tiếng kêu than của họ và sẽ giải cứu họ khỏi nghịch cảnh (cc. 2-4, 6). Các câu tiếp theo cho biết lý do tại sao các tín hữu nên ngợi khen Chúa. Chắc hẳn họ đã cảm nghiệm được quyền năng của Chúa trong cuộc đời mình, nhất là trong những lúc khốn khó, và họ cũng đã làm chứng về lòng trung tín, sự giải cứu và bảo vệ của Thiên Chúa. Cuối cùng, tác giả mời gọi mọi người “nếm thử và nhìn xem Thiên Chúa tốt lành như thế nào,” (c. 9) có nghĩa là trải nghiệm sự tốt lành mà Chúa dành cho chính họ, rồi từ đó có thể nài van lòng thương xót của Chúa và nương náu nơi Ngài. Hoặc ông có thể ám chỉ đến việc “nếm trải” lòng thương xót của Đức Chúa trong bữa ăn hiệp thông và “tạ ơn” để tái lập sự hòa giải và mối tương giao với Thiên Chúa (Lv 7,11-15 ; 7,1-5).

 

BÀI ĐỌC 2: Ep 4,30-5,2

Dấu ấn của Thánh Thần

Trong Giáo hội sơ khai, sự xác nhận đức tin được gọi là sự đóng ấn trong Thánh Thần, một hình ảnh khá đẹp và ấn tượng, bắt nguồn từ đoạn Kinh Thánh này. Trong thế giới cổ đại, rất lâu trước khi chữ viết được chính thức phổ biến, mỗi người đều có một con dấu riêng để đánh dấu tài liệu hoặc của cải của mình. Chúng ta là một chất sáp mềm, qua bí tích thêm sức được đóng dấu để bản thân chúng ta vĩnh viễn thuộc về Thánh Thần của Thiên Chúa, vì vậy chúng ta là của Ngài. Thế giới chúng ta hôm nay nhạy cảm về giới tính. Các ngôn ngữ tây phương biểu thị Thần Khí là giống nam (tiếng Anh là He). Trong tiếng Hy Lạp “Thần Khí”  thuộc về trung tính, nhưng chúng ta khó có thể gọi một Ngôi vị trong Ba Ngôi là “nó” (It). Tiếng Hipri diễn tả cả “Thánh Thần” và “Đức Khôn Ngoan” là giống cái. Nếu tiếng Latinh chỉ Thần Khí (Spiritus) không phải là nam tính, có lẽ truyền thống Giáo hội phương tây có thể đã chọn nữ tính và gọi Thần Khí là “Bà” (tiếng Anh là She). Chúng ta có thể quan niệm một Ngôi vị nữ tính của Chúa Ba Ngôi không? Dù sao Thiên Chúa đã được mô tả là có một số đặc điểm nữ tính, chẳng hạn như tình mẫu tử, thậm chí còn hơn cả tình yêu của người mẹ dành cho con mình. Thánh Thần luôn quan tâm đến những nhu cầu của chúng ta, hỗ trợ chúng ta trước khi chúng ta nhận ra nhu cầu của mình. Ngài khôn ngoan trong sự hướng dẫn, không giới hạn trong lòng quảng đại, không mệt mỏi trong sự tha thứ. Được đóng ấn bởi Thánh Thần chúng ta cũng được thúc đẩy để thể hiện những đức tính ấy cho những người khác.

 

TIN MỪNG: Ga 6,41-51

Tin vào Đấng ban bánh sự sống

 

Những lời xì xầm của những người Do Thái chống đối Chúa Giêsu, được thúc đẩy bởi lời tuyên bố Người là bánh từ trời xuống, gợi nhớ đến những lời lẩm bẩm của dân Israel trong hoang địa. Cuối cùng dân đã được Chúa đáp lại bằng cách ban manna từ trời. Một số người không muốn chấp nhận lời khẳng định của Chúa Giêsu vì họ quen biết Người và cha mẹ Người. Nếu họ đã biết rõ nguồn gốc nhân loại của Chúa, làm thế nào Người có thể khẳng định nguồn gốc thần linh một cách thuyết phục?

Cuộc trao đổi giữa Chúa Giêsu và các đối thủ của Người là một kiểu biện bác xã hội nhằm nâng cao vị thế của một bên và làm giảm vị thế của bên kia. Chỉ trích Chúa Giêsu như họ đã làm nhất định phải tạo ra nơi Người một phản ứng, và Người đã đáp lại, bằng cách giải thích rằng việc họ từ chối Người là bằng chứng cho thấy họ đã không được Thiên Chúa kêu gọi. Trong một cách nói khéo léo, Chúa Giêsu tuyên bố rằng chỉ những người được Chúa Cha lôi kéo mới bị thu hút bởi Đấng được Thiên Chúa sai đến. Nếu một người không đến với Chúa Giêsu, đó có thể là một dấu hiệu cho thấy người đó đã không bao giờ được Thiên Chúa kêu gọi. Lập luận này kết thúc bằng tuyên bố về uy lực và quyền năng cánh chung của Chúa Giêsu. Người không chỉ là Đấng từ trời xuống, mà còn là Đấng sẽ cho mọi người từ cõi chết sống lại.

Mối tương giao giữa Chúa Giêsu và Thiên Chúa được nhắc lại (cc. 45-46). Trích dẫn một đoạn sách tiên tri (x. Is 54,13), Chúa Giêsu diễn giải lại một chủ đề khôn ngoan để chứng minh mối quan hệ này. Người cho rằng những ai đã được Chúa Cha lôi kéo sẽ được giáo huấn rằng Chúa Giêsu thực sự là Đấng được Thiên Chúa sai đến. Khi họ đã học được bài học này từ Thiên Chúa, họ sẽ đến với Chúa Giêsu. Ơn cứu rỗi là công trình của Thiên Chúa, Đấng mà Chúa Giêsu gọi là Cha. Cuộc tranh luận kết thúc bằng một tuyên bố táo bạo. Chúa Giêsu tuyên bố rằng Người là Đấng duy nhất đã thấy Chúa Cha, vì Người là Đấng duy nhất xuất phát từ nơi Ngài. Người nói thêm rằng bất cứ ai tin điều này sẽ có cuộc sống vĩnh cửu.

Chúa Giêsu trở lại với giáo huấn của Người về bánh sự sống (cc. 48-51). Trong đó, Người đưa ra hai lời tuyên bố tự mặc khải: Tôi là bánh sự sống; Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Hàm ý của những tuyên bố này trở nên rõ ràng khi nó được nhìn nhận như bắt nguồn từ mối tương giao đặc biệt với Chúa Cha mà Người vừa giải thích. Lấy lại câu chuyện quen thuộc về manna trong hoang địa, Người so sánh và đối chiếu bánh trước đây từ trời với chính mình, bánh ban sự sống. Không giống như manna cung cấp sự sống thể xác trong một thời gian ngắn, Chúa Giêsu là nguồn của sự sống vĩnh cửu. Mặc dù Người giống manna ở chỗ cả Người và manna đều được Thiên Chúa gửi đến từ trời, thì manna chỉ là “cơn mưa bánh”, trong khi qua biến cố nhập thể, Chúa Giêsu xuất phát từ chính Thiên Chúa.

Chủ đề cuối cùng của bài đọc vừa nổi bật vừa mang nhiều ý nghĩa. Chúa Giêsu xác định bánh bởi trời là thịt của Người. Chắc chắn ở đây ám chỉ đến Bí tích Thánh Thể. Tuy nhiên, từ “thịt” cũng có thể nói về  cách thế con người hiện hữu trong thế giới này. Ban tặng thịt mình là hiến dâng mạng sống con người của mình để thế gian có được sự sống đời đời. Như vậy không thể tách rời Bí tích Thánh Thể với cái chết của Chúa Giêsu.

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+ GLHTCG 1341-1344: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”

+ GLHTCG 1384-1390 : Hãy cầm lấy mà ăn : việc hiệp lễ

Lm. Giuse Ngô Quang Trung