Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật Mùng Ba Tết

print

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật Mùng Ba Tết

Ngày mồng ba Tết được Giáo hội Việt Nam chọn để thánh hóa công ăn việc làm. Chắc chắn không phải chỉ để cầu nguyện cho các công việc trong năm được những thành công vật chất, mà nhắc nhở mỗi người về ý nghĩa thánh thiện của lao động: hoàn thành sứ mệnh Chúa trao, góp phần duy trì và xây dựng công trình sáng tạo của Thiên Chúa, thực hiện lòng bác ái với tha nhân, như chúng ta thấy qua các bài đọc Lời Chúa hôm nay.

 

BÀI ĐỌC 1: St 2,4b-9.15

Con người được đặt làm đối tác của Thiên Chúa

Những câu chuyện này ở phần đầu của sách Sáng Thế nhằm giải thích cách Thiên Chúa sáng tạo và sắp đặt mọi sự vật. Tất nhiên, chúng không có ý nghĩa lịch sử, nhưng những giáo huấn này có tầm quan trọng rất lớn, cho thấy mọi sự đã xuất hiện như thế nào. Được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, con người có nhiệm vụ thúc đẩy công trình sáng tạo của Thiên Chúa, duy trì và nuôi dưỡng sự sống, giống như chính Thiên Chúa làm. Sự sáng tạo con người là đỉnh cao của công trình tạo dựng, có nghĩa là con người có trách nhiệm đối với phần còn lại của tạo vật. Trong đoạn văn ngắn này chúng ta chiêm ngắm một Thiên Chúa làm việc không ngừng: Ngài “làm ra đất và trời”, “lấy bụi đất nặn ra con người”, “thổi sinh khí”, “trồng một vườn cây”, “đặt vào đó con người”, “khiến mọi thứ cây mọc lên”…Sứ điệp ở đây thật rõ ràng: con người được tạo ra từ đất để cai quản mặt đất bằng cách kiến tạo mặt đất. ĐGH Phanxicô trong Tông huấn Amoris Laetitia viết: “Rõ ràng là ngay từ những trang đầu tiên của Kinh Thánh, công việc là một phần thiết yếu của phẩm giá con người, trong đó chúng ta đọc thấy rằng: Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Êđen để cày cấy và canh giữ đất đai” (St 2,15). Con người được trình bày như một người lao động làm việc trên mặt đất, khai thác các sức mạnh của thiên nhiên và ‘tạo ra cơm bánh’ bằng lao công con người (Tv 127,2), cùng với việc trau dồi các ơn ban và tài năng khác của mình.” (s. 23)

 

ĐÁP CA: Tv 104

Ca tụng Đấng Tạo Hóa

 Bài thánh ca này ca ngợi Thiên Chúa, Đấng đã biến đêm đen và vùng nước hung hãn nguyên thủy trở thành một thế giới đầy sức sống ở khắp mọi nơi với sự dễ dàng và khéo léo. Quan niệm của Thánh vịnh cũng giống như Sáng thế 1, nơi mà cảnh hỗn mang tối tăm và vùng nước mênh mông (St 1, 1-2) nhận được ánh sáng vào ngày đầu tiên; còn nước biến thành đất khô vào ngày thứ hai. Hai thế lực, đêm và nước, luôn đe dọa cộng đồng loài người không bị tiêu diệt nhưng được tái tạo để trở nên công trình tạo dựng hoàn chỉnh.

Trong các câu 1-4, tác giả Thánh vịnh nhìn nhận rằng cung điện, đoàn tùy tùng và sự oai phong lộng lẫy của Chúa phản ánh quyền làm chủ của Ngài đối với thế giới. Trong các câu 5-18, quyền làm chủ của Thiên Chúa mở rộng đến các vùng nước; những dòng nước từng bao phủ mặt đất, trước sự khiển trách của Thiên Chúa, chạy trốn đến vị trí thích hợp của chúng (cc. 5-9). Nước bây giờ được thuần hóa để phục vụ con người, nuôi dưỡng sự sống trong các con sông (cc. 10-12) và làm tươi tốt thảo mộc (cc. 16-17). Các câu 19-23 cho thấy quyền làm chủ bóng tối mà giờ đây Thiên Chúa biến nó trở thành một phần của chuỗi ngày và đêm luân chuyển nhau, cần thiết và hữu ích cho con người và động vật (cc. 19-23). Trước sự khôn ngoan và quyền năng ấy, tác giả Thánh vịnh kinh ngạc thốt lên sự thán phục (c. 24). Ngay cả vùng biển rộng lớn, bờ mép bí ẩn của thế giới này, cũng nằm dưới uy quyền của Chúa. Ở đó, Thiên Chúa cũng đặt các sinh vật để nó có thể tận hưởng sự sống (cc. 25-26). Thế giới mà Thiên Chúa tạo thành không phải là chiếc đồng hồ của các triết gia vận hành một cách máy móc. Trong mọi thời điểm, mỗi sinh vật đều hướng về Chúa như bản thể của nó. Thần khí hay hơi thở của Thiên Chúa cần thiết cho sự sống, như trong Sáng Thế 2-3 và Êdêkien 37, 1-14 (cc. 27-30).

Quyền năng điều khiển các sức mạnh nguyên tố trên mặt đất cho thấy vinh hiển của Chúa, là chủ đề của bài thánh ca này (cc. 31-34). Điều duy nhất có thể che khuất vinh quang Thiên Chúa chính là tội lỗi của con người. Tác giả Thánh vịnh ước nguyện rằng tội nhân không còn phá hỏng công trình của Chúa nữa (c. 35).

BÀI ĐỌC 2: Cv 20,32-35

Thánh Luca trình bày hai diễn văn từ biệt: Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Li (Lc 22,15-38) và thánh Phaolô trong Cv 20,17-38. Mục đích của diễn văn từ biệt là nêu cao mẫu gương vị sáng lập để hậu thế noi theo. Vì thế, Chúa nói với các tông đồ: “Hãy làm việc này để nhớ đến Thầy”. Còn thánh Phaolô thì đưa ra chính đời sống của mình cho các vị kì mục cộng đoàn Êphêsô làm gương mẫu. Ngài khuyên nhủ họ phải phục vụ Chúa và đàn chiên bằng những hi sinh vất vả từ chính lao công của mình. Khi nói rằng ngài tự cung cấp cho mình và cho các đồng sự những nhu cầu vật chất bằng chính đôi bàn tay của ngài, Phaolô có ý nói đến nghề dệt lều của ngài (Cv 18,3). Chắc hẳn ngài có tay nghề cao trong công việc này để làm ngoài những ngày giờ thi hành sứ vụ, không những kiếm đủ cho mình mà còn cho người khác nữa. Đối với Phaolô, ngài muốn tạo sự khả tín cho tin mừng ngài rao giảng nên ngài không muốn cậy nhờ cộng đoàn Kitô hữu giúp đỡ vật chất (x. 1 Cr 9,18; 2 Cr 11,9). Phaolô còn nói rằng bằng cách làm việc vất vả như thế ngài mới có thể giúp đỡ những người đau yếu. Trung thành với di sản Do Thái giáo của mình, ngài nhấn mạnh đến phẩm giá và tầm quan trọng của lao động. Giáo huấn thánh kinh về lao động khác biệt triệt để với các triết thuyết Hi Lạp. Các triết gia Hi Lạp khinh thường lao động chân tay, coi đó là những công việc chỉ thích hợp cho nô lệ. Còn Kinh Thánh cho chúng ta chiêm ngắm một vị Thiên Chúa luôn làm việc. Và Chúa Giêsu cũng nói: “Cha Ta làm việc liên lỉ, Ta cũng làm việc như vậy (Ga 5,17)”.

 

TIN MỪNG: Mt 25,14-30

Những yến bạc được trao

 Bài Tin Mừng được chọn đọc trong ngày mồng ba Tết hôm nay được đặt trong bối cảnh của Bài giảng về thời cánh chung, với chủ đề về sự tỉnh thức và sẵn sàng; đã có các dụ ngôn đi trước đó cũng nói tới ý nghĩa này. Mặc dù các chi tiết của các dụ ngôn khác nhau đáng kể, nhưng điểm chung đều giống nhau: bức màn được kéo lên trước mặt mọi người đang chờ đợi sự xuất hiện của một vị sẽ đưa tất cả mọi sự  đến hồi kết thúc. Cuộc đến này bị trì hoãn và thời gian chính xác không biết trước được. Một số người chờ đợi thực hiện dự phòng cho biến cố này, một số khác thì không. Vị được chờ đợi sẽ đến bất ngờ và sẽ thực hiện một cuộc kết toán cuối cùng. Cấu trúc cơ bản này đánh dấu rõ ràng dụ ngôn như một bài học về cánh chung. Điều làm cho dụ ngôn này trở nên khác biệt là nó tập trung vào cách mà những người đang chờ đợi sử dụng thời gian và phương tiện trước khi vị được chờ đợi trở lại. Ở đây, việc giải thích ngụ ngôn không được hiểu là làm lợi vật chất. Ở một khía cạnh nào đó, câu chuyện dụ ngôn tự nó nói lên ý nghĩa này.

Hành vi ban đầu của người đi xa cho thấy ông ta rất tin tưởng vào cả ba người đầy tớ của mình, vì ông trao cho mỗi người một số tiền đáng kể. Vì một yến bạc có giá trị tới khoảng sáu nghìn denarii (quan tiền), và vì một denarius tương đương với tiền công một ngày, nên ngay cả người hầu chỉ nhận được một yến cũng được giao cho một khoản tiền khá lớn. Người được gọi là “Ông chủ” không hề tỏ ra thiên vị khi giao cho những người đầy tớ những số tiền không bằng nhau. Ngược lại, ông tỏ ra biết rõ những khả năng khác nhau của họ, và ông đã phân chia trách nhiệm tài chính cho phù hợp- Khi đã thực hiện xong việc giáo phó này, ông bắt đầu cuộc hành trình của mình.

Khi cuối cùng ông chủ trở về từ cuộc hành trình của mình, ông tính toán sổ sách ngay với các đầy tớ. Hai người đầu tiên cho thấy trong thời gian ông vắng mặt họ đã rất siêng năng, họ nỗ lực làm tăng gấp đôi số tiền được giao phó. Chính hành vi của người đầy tớ thứ ba đã làm sáng tỏ ý nghĩa của sự chuẩn bị. Anh ta bào chữa cho mình bằng cách nói rằng anh ta sợ ông chủ khắt khe. Đáp lại nỗ lực tự biện minh này, ông chủ lấy chính lời biện hộ chống lại người đầy tớ biếng nhác. Ông nói với đầy tớ ấy rằng, tại sao anh ta đã nhận ra tính cách của ông chủ như vậy mà lại không xoay xở điều gì đó với số tiền đã được giao. Người đầy tớ đó được gọi là tồi tệ hoặc vô giá trị (ponérós), lười biếng (oknerós), và vô dụng (achreion), và anh ta bị lấy lại yến bạc ban đầu được giao cho anh. Bây giờ anh không có gì cả. Như thể điều này là không đủ, người đầy tớ vô dụng còn bị đuổi ra khỏi gia cư. Sự phán xét của ông chủ thật mau chóng và quyết đoán.

Dụ ngôn này làm sáng tỏ ý nghĩa của sự chuẩn bị và nỗ lực tận dụng các phương thế sẵn có. Nó không phải là sự chờ đợi thụ động hoặc thoái thác dấn thân vì lo sợ có thể bị thất bại. Đúng hơn, sự chuẩn bị được khen ngợi ở đây bắt nguồn từ việc nhận thức rằng mỗi người đều là người quản lý những yến bạc, những ơn ban được giao, và cần phải biết cách sắp xếp và tận dụng mọi nguồn lực để phát triển và gia tăng các ơn ban này. Thời gian chờ đợi là khoảng thời gian của cơ hội, của sự dấn thân tích cực, của sự phát triển sáng tạo. Số phận cánh chung của một người không phụ thuộc vào mức độ hoặc phẩm chất các yến bạc mà là cách mỗi người sử dụng các yến bạc đó khi họ chờ đợi ông chủ trở lại.

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+  GLHTCG  346-349: Công trình tạo dựng của Thiên Chúa

+  GLHTCG  2427-2428, 2421: Ý nghĩa của lao công con người

+  GLHTCG  533: Mẫu gương Chúa Giêsu lao động

Lm. Giuse Ngô Quang Trung