Tìm Hiểu Lời Chúa CN Lễ Chúa Thăng Thiên C
Lễ Thăng Thiên là một cột mốc thời gian quan trọng trong mùa Phục Sinh. Đó là khoảng thời gian giao mùa: một khoảnh khắc khi chúng ta đã rời khỏi một chặng đường trong cuộc hành trình nhưng vẫn chưa đạt đến chặng kế tiếp. Ngày lễ hôm nay cử hành một khía cạnh của chính biến cố phục sinh, đó là sự tôn vinh Chúa Giêsu, trong khi hướng chúng ta về một bước ngoặt trong đời sống của Giáo hội. Cùng với các tông đồ chúng ta chiêm ngắm Chúa ngự lên trời và chúc tụng vinh quang Người.
BÀI ĐỌC 1: Cv 1,1-11
Chúa Giêsu lên trời
Chúng ta hình dung những gì đã xảy ra tại biến cố Chúa Thăng Thiên như thế nào? Chúa dần dần biến mất vào một đám mây? Biến cố này chỉ được đề cập trong sách Công vụ Tông đồ, còn các sách Tin Mừng dường như ngụ ý rằng Chúa Kitô đã được tôn vinh vào chính ngày Người phục sinh. Ở đây tác giả Luca muốn đưa ra một số thông điệp. Trước tiên, không nên cẩn thận đếm 40 ngày kể từ lễ Phục Sinh. Theo ngôn ngữ Kinh Thánh, con số “40” chỉ là “một khoảng thời gian khá dài”, thường là một khoảng thời gian chuẩn bị, giống như 40 ngày Chúa Giêsu chịu thử thách trong sa mạc, hoặc 40 năm Xuất hành của dân Israel. Trong suốt thời gian đó, Chúa Giêsu đã chuẩn bị cho các tông đồ của Người. Thứ hai, đó là sự chia tay quyết định của Chúa Giêsu thuộc về thể lý, sau đó Người không còn ở với các môn đệ nữa. Giờ đây, Thần Khí của Chúa Kitô là trung tâm của Giáo Hội, Ngài là nguồn động lực cho mọi hoạt động của Giáo Hội. Thứ ba, Luca trình bày Chúa Giêsu như một vị tiên tri (và hơn cả một tiên tri nữa), vì vậy Người rời bỏ các môn đệ của mình giống như tiên tri Êlia, người được đưa lên trời trong một cỗ xe rực lửa, để lại môn đệ là Êlisê tiếp tục công việc của mình, được tràn ngập gấp đôi tinh thần của ông.
ĐÁP CA: Tv 47,2-3,6-9
Chúa là Vua khắp hoàn vũ
Thánh vịnh này mời gọi muôn dân cùng ngợi khen Thiên Chúa, và sau đó đưa ra những lý do cho việc làm này (cc. 2, 5, 7-8). Thiên Chúa đã chọn Israel để làm cho vinh quang của Ngài được tỏ hiện trước các quốc gia. Do đó, tác giả Thánh vịnh kêu gọi tất cả các dân tộc trên trái đất thừa nhận quyền cai trị phổ quát của Thiên Chúa của Israel (câu 2-3, 5). Trong câu 6, tác giả kêu gọi ca ngợi và chiêm ngắm Thiên Chúa ngự lên trong Đền Thánh của Ngài, ở tại đó Ngài cai trị khắp cả địa cầu trong vai trò là Vua, vua của Israel cũng như của mọi dân tộc (8-9).
Kitô hữu cùng hợp nhất với nhau để dâng lời ngợi khen Chúa, theo lời mời gọi của Thánh vịnh này, đồng thời chiêm ngắm vương quyền của Chúa Giêsu Kitô bao trùm trong vũ trụ, trời đất. Vào thời các tông đồ, Giáo hội đã nhìn nhận câu 6 báo trước biến cố Chúa thăng thiên (x. Cv 1,1-11; Hr 9,24-28; 10,19-23). Đây là lý do Thánh vịnh này được sử dụng trong lễ trọng Chúa Thăng Thiên. Giáo hội tuyên xưng niềm tin vào Chúa Kitô là Vua vũ trụ, mà vương quyền của Người vượt trên mọi thủ lãnh trần gian cũng như mọi quốc gia dân tộc. Là vua của tất cả các dân nước, Thiên Chúa nối kết toàn thể nhân loại như một dân tộc, qua sứ vụ của Con Thiên Chúa là Chúa Giêsu Kitô, vào vương quốc của Ngài là Giáo hội. Giáo hội phổ quát (công giáo) bao gồm các tín hữu thuộc mọi ngôn ngữ, chủng tộc và quốc gia, gắn kết với nhau như một Thân Thể trong Chúa Kitô là Vua.
BÀI ĐỌC 2: Ep 1,17-21
Chúa Kitô là Đầu
Tất cả các mối phúc được nói tới trong bài đọc này xuất phát từ biến cố Chúa Thăng Thiên mang lại ý nghĩa cho các tín hữu. Điều quan trọng không phải là cách thức Chúa Kitô ra đi, mà là địa vị cao quý của Người, và quyền năng của Thiên Chúa đã cho Người từ kẻ chết sống lại. Cũng chính quyền năng này đã kêu gọi chúng ta trở thành những người tin Chúa, làm cho chúng ta được phong phú trong vinh quang từ di sản của Người, và cho chúng ta sức mạnh để theo Chúa Giêsu Kitô. Là những Kitô hữu, chúng ta tin rằng Chúa Giêsu là Thiên Chúa không chỉ từ khi sinh ra mà còn từ lúc được thụ thai. Đó là lúc Ngôi Lời trở nên xác phàm. Và một điều gì đó hơn nữa đã xảy ra khi Chúa Kitô được tôn vinh trong sự phục sinh của Người. Thánh Phaolô nói rằng Người là “Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng, qua biến cố phục sinh” (Rm 1,4). Điều này có giống với lời tuyên bố mà thầy thượng tế đã cho là lời nói phạm thượng khi Chúa nói: “Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến?” Trong cảnh cuối cùng của Tin Mừng Mátthêu, Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất”, và sách Khải Huyền cho thấy Chúa Phục Sinh đã ngự lên ngai vàng của Thiên Chúa.
TIN MỪNG: Lc 24,46-53
Lệnh truyền cuối cùng
Trong bài Tin Mừng hôm nay, tác giả mô tả Chúa Giêsu truyền lệnh cho các môn đệ lần cuối cùng trước khi Người lên trời. Trong lệnh truyền này, Người nói rằng cái chết và sự phục sinh của Người cũng như nội dung căn bản trong lời rao giảng của Người đã được báo trước. Đây không phải là một nỗ lực để hợp pháp hóa uy quyền của Chúa Giêsu và giáo huấn của Người nhưng là đặt Chúa Giêsu vào ngay trung tâm truyền thống của Israel xưa. Vì có rất ít những đề cập rõ ràng về những điều này trong các văn thư đầu tiên, nên việc quy chiếu này phải xuất phát từ một kiểu giải thích Kinh Thánh nào đó. Thay vì coi những truyền thống trước đó như là những hình ảnh báo trước các sự kiện sau này, giờ đây các tín hữu có lẽ đã hiểu những truyền thống trước đó dưới ánh sáng của những sự kiện sau này. Điều này đặc biệt đúng đối với các danh hiệu đã được dùng cho Chúa Giêsu, đó là Con Thiên Chúa, Con Người, Đấng Cứu Chuộc, và đặc biệt là người Tôi Trung của Thiên Chúa. Ý nghĩa Kitô học đã được đọc lại theo các truyền thống của Israel, do đó củng cố chủ điểm hoàn thành lời hứa đã rõ ràng ở trong các truyền thống đó.
Tính xác thực của những sự kiện này không được đặt thành vấn đề. Các môn đệ phải là nhân chứng (aútóptai, Luca 1,2) cho biến cố Chúa chịu chết và sống lại. Giờ đây Chúa Giêsu nói với họ rằng họ phải là nhân chứng (mártyres) cho những điều ấy, làm chứng cho tính xác thực của ý nghĩa tôn giáo của nó. Họ phải công bố cho muôn dân biết rằng Người đã thực sự chết và sống lại, rằng Người đã rao giảng về sự sám hối và sự tha thứ tội lỗi. Và các môn đệ cũng phải trình bày những thực tại này như là sự hoàn thành kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa. Chỉ thị cuối cùng này không chỉ nhằm đưa các môn đệ đến với đức tin vào biến cố phục sinh mà còn truyền cho họ rao truyền đức tin này cho thế giới. Các môn đệ cuối cùng hiểu chuyện gì đã xảy ra, vì họ bái lạy Chúa Giêsu.
Tường thuật về sự thăng thiên thật ngắn gọn. Chúa Giêsu dẫn các môn đệ đến Bêtania, Người giơ tay ban phép lành cho các ông theo kiểu thầy tư tế ban ơn, và Người rời xa khuất mắt họ. Không có lời cuối cùng; không có mây trời; không có các thiên thần đồng hành. Cần lưu ý rằng các môn đệ không hề đau buồn hay sợ hãi. Quả thật, họ vui mừng trở lại Giêrusalem và tiếp tục thờ phượng công khai trong Đền Thờ.
Có thể thấy tầm quan trọng của Giêrusalem trong Phúc Âm này ở phần cuối cùng. Chúa Giêsu lên trời từ Bêtania, một ngôi làng trên núi Ôliu ngay bên ngoài thành, và các môn đồ trở về Giêrusalem, tham gia vào các việc cử hành tôn giáo của thành thánh. Chúa Giêsu bảo họ hãy chờ đợi ở Giêrusalem cho đến khi họ nhận được lời hứa của Thiên Chúa mà Người sẽ gửi cho họ. Ở đó, họ phải đợi cho đến khi được củng cố bằng quyền năng từ trên cao để công bố Phúc Âm cho mọi dân nước, bắt đầu từ chính Giêrusalem. Một lần nữa, đây là cách tác giả miêu tả sứ vụ của Chúa Giêsu là sự tiếp nối và hoàn thành sứ mệnh của Israel (x. Is 2,3).
***
THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
+ GLHTCG 659-672, 697, 792, 965, 2795: Chúa Giêsu lên trời
Lm. Giuse Ngô Quang Trung