Tìm Hiểu Lời Chúa Lễ Chúa Ba Ngôi, Năm B

print

Tìm Hiểu Lời Chúa Lễ Chúa Ba Ngôi, Năm B

Lễ Chúa Ba Ngôi đưa chúng ta vào nền tảng đức tin Kitô giáo. Các bài đọc hôm nay cố gắng đưa ra câu trả lời cho vấn nạn: Thiên Chúa là ai? Những nội dung này chỉ có thể trình bày những gợi ý phác họa và gián tiếp về mầu nhiệm Thiên Chúa. Các bản văn nhắc nhớ chúng ta về một số điều kỳ diệu mà Thiên Chúa đã hoàn thành cho chúng ta và trong chúng ta. Chính nhờ sự suy ngẫm về những hành động nhân từ và yêu thương của Thiên Chúa như thế mà chúng ta có thể có được cái nhìn thoáng qua về Ngài. Chúng ta tin nhận và tuyên xưng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi vì chính Chúa Giêsu đã dạy và đã được các thánh sử ghi lại trong các sách Tin Mừng; các Giáo phụ cũng cố gắng giải thích thêm; và các Công đồng Nicêa (325) và Constantinopla I (381) đã định tín giáo thuyết này.

 

BÀI ĐỌC 1: Đnl 4,32-34, 39-40

Thiên Chúa của tình thương

Tại sao lại đọc sách Đệ Nhị Luật vào ngày lễ Chúa Ba Ngôi? Bởi vì sách Đệ Nhị Luật chủ yếu nói về tình yêu thương của Thiên Chúa, về mặc khải về tình thương tha thứ, tình yêu tuyệt vời của Thiên Chúa đối với dân của Ngài. Tình yêu là bản tính của Thiên Chúa. Chúng ta không bao giờ có thể hiểu được Thiên Chúa, hay hiểu được ý nghĩa của thực tại Ba Ngôi trong một bản thể là gì. Thay vì đưa ra cho chúng ta một bài đọc có thể giúp chúng ta hiểu được những nội dung này, thì Giáo hội lại giúp chúng ta hiểu rõ trọng tâm của mặc khải cho người Do Thái cũng như cho Kitô hữu, đó là Thiên Chúa là tình yêu. Các tôn giáo khác có những cách cảm nhận khác nhau để tiếp cận sự thật đáng kinh ngạc và đáng sợ này, nhưng đối với chúng ta điều đó đã được Thiên Chúa mặc khải. Hành động mặc khải của Thiên Chúa là tình yêu là một mặc khải cá nhân, mời gọi chúng ta đáp trả bằng tình yêu, và mời gọi chúng ta đi vào mối quan hệ cá nhân với Thiên Chúa là tình yêu. Tất cả những giáo huấn mà Thiên Chúa trao ban cho chúng ta chỉ đơn giản là để chúng ta nhận rõ tình yêu đó có ý nghĩa gì, và làm thế nào chúng ta có thể đáp lại tình yêu đó, cũng như để chúng ta sống với tư cách là dân của Thiên Chúa. Từ nguyên thủy, người nam và người nữ đã được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, và như vậy nếu chúng ta muốn sống gắn bó với Chúa, chúng ta phải uốn nắn những ước muốn, những hoạt động, những mối quan hệ của chúng ta để chúng ta cũng đối xử giống như Thiên Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 33:4-6, 9, 18-20, 22

Từ khóa trong đoạn văn này chính là từ Hípri, hesed (lòng thương xót). Đó là một từ ngữ diễn tả mối tương quan đặc biệt của tình yêu giữa Thiên Chúa và dân Ngài, dựa trên mối dây liên kết của một giao ước. Các giao ước trong Kinh Thánh là những cam kết giữa Thiên Chúa và dân được tuyển chọn, trong đó Thiên Chúa hứa ban sự che chở thiêng liêng và dân hứa trung thành trọn vẹn với Đức Chúa. Các giao ước Kinh Thánh cũng hình thành một mối liên hệ gia đình duy nhất giữa Thiên Chúa là Cha và dân giao ước là con. Các câu 4-5 tập chú vào Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa và đức công chính của Ngài. Ngài mặc khải chính mình cho những người hết lòng tin tưởng vào giao ước tình yêu của Ngài. Trong các câu 18-20, tác giả thánh vịnh bày tỏ niềm xác tín về sự quan phòng của Thiên Chúa đối với loài người, nhất là những ai kính sợ Chúa và đặt hy vọng vào giao ước trung tín của Ngài. Chính tình yêu của Chúa giúp họ vượt qua mọi khó khăn tạm thời của cuộc sống, và thậm chí cả cái chết. Trong câu 22, tác giả thánh vịnh kết luận bằng cách khẩn cầu Thiên Chúa, vì tình yêu giao ước của Ngài luôn ở với dân, là những người đã đặt hy vọng và niềm tin vào một mình Ngài.

Khi các Kitô hữu đọc Thánh vịnh này, họ ca ngợi Chúa vì Ngài đã tự mặc khải qua Lời Chúa là Đức Giêsu Kitô. Trong Người, Chúa liên kết chúng ta với Ngài trong tình yêu của Giao ước mới. Chính nhờ Lời của Ngài, Thiên Chúa tạo dựng muôn loài muôn vật và cũng nhờ Ngài mà tất cả được tồn tại (Cl 1, 15-17).

Các Giáo phụ bao gồm thánh Athanasiô, Augustinô và Gregoriô, đã nhìn thấy mặc khải ẩn tàng về Ba Ngôi Chí Thánh trong Thánh vịnh này, nói đến Thiên Chúa, là Cha Tạo Dựng, với “Ngôi Lời” và “Hơi thở / Thần Khí”. Các câu 6 và 9 là những quy chiếu về hai Ngôi Vị của Ba Ngôi Thiên Chúa, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Và Giáo hội đã giải thích công trình Tạo dựng là hoạt động chung của Ba Ngôi Chí Thánh ”(GLHTCG 292, 703).

 

BÀI ĐỌC 2: Rm 8,14-17

Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần

Người ta thường coi Chúa Ba Ngôi như một vấn đề toán học và triết học. Tuy nhiên chúng ta không thể xây dựng một nỗ lực nào để hiểu được mối quan hệ nội tại của Ba Ngôi. Thay vào đó, bài đọc mà Giáo hội trình bày cho chúng ta nói lên mối quan hệ ba chiều của chúng ta với Thiên Chúa. Trước hết là lời cầu nguyện của chính Chúa Giêsu, trong đó Người gọi Thiên Chúa là ‘Abba’, một từ ngữ trang trọng và trìu mến mà một người con có thể gọi cha mình. Hành động đáng kinh ngạc tiếp theo là Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng chúng ta có thể sử dụng cùng một hình thức xưng hô ấy; vì vậy chúng ta đã dùng để cầu nguyện với Chúa ngay cả bằng nguyên ngữ tiếng Aram. Tuy nhiên, chỉ vì Chúa Kitô đã ban cho chúng ta Thần Khí của Người làm Thần Khí của chúng ta nên chúng ta mới có thể cầu nguyện được như vậy. Thần Khí này cũng là Thần Khí của Chúa Cha. Đôi khi trong Phúc Âm, có lúc Chúa Giêsu, có lúc chính Chúa Cha là Đấng sai Chúa Thánh Thần đến. Chúng ta cũng có thể nói rằng Chúa Thánh Thần giúp chúng ta đến với Chúa Cha và Chúa Con, hoặc rằng Chúa Cha ban Thánh Thần của Chúa Con, hoặc Chúa Con ban cho chúng ta Thần Khí của Người. Như vậy, Ba Ngôi, mỗi Ngôi theo một cách khác nhau, truyền ban cho chúng ta tình yêu của Thiên Chúa và dẫn đưa chúng ta vào tình yêu của chính Thiên Chúa.

 

TIN MỪNG: Mt 28,16-20

Làm phép rửa nhân danh Cha và Con và Thánh Thần

Bài trình thuật về lệnh truyền của Chúa Giêsu cho các môn đệ đầy ắp những chủ đề thần học quen thuộc. Các môn đệ trở về Galilê, nơi Chúa Giêsu khai mạc sứ vụ. Hành động này nhằm bảo đảm với những người vẫn còn nghi ngờ rằng nhân vật bí ẩn này cũng thực sự là chính Chúa Giêsu, Đấng đã đồng hành với họ suốt thời gian trước đó. Chúng ta không được cho biết tên của ngọn núi mà họ đã được Chúa chỉ đến, nhưng mối tương quan giữa lệnh truyền trên ngọn núi này và bài giảng trước đó của Chúa Giêsu cũng trên núi, không thể phai mờ trong ký ức của họ.

Họ nhìn thấy Người trên núi và họ tôn thờ Người, nhưng họ không xác tín đủ. Tất cả những điều này cũng gợi nhớ đến biến cố Chúa Giêsu biến hình trước đó. Người tuyên bố rằng tất cả quyền lực trên trời và dưới đất đã được trao cho Người; điều này ám chỉ đến hình ảnh Con Người trong sách Đanien, Đấng được Thiên Chúa tôn vinh và ban cho quyền hành cánh chung (x. Đn 7:14). Chúa Giêsu cũng sử dụng quyền năng đó, ủy thác sứ vụ cho các tông đồ. Bản văn không nói rõ Chúa đã trao quyền bính của Người cho họ. Thay vào đó, bản văn kết thúc với một sự bảo đảm rằng Người sẽ ở lại với họ cho đến tận thế. Người là Emmanuel, là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, hiện tỏ khi còn trong thân xác; Người sẽ vẫn là Đấng Emmanuel cho đến tận cùng thời gian.

Lệnh truyền ra đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ là một mệnh lệnh thúc bách và toàn diện. Các môn đệ được truyền dạy hãy ra đi và làm cho muôn dân nước trở thành môn đệ của Chúa. Mọi ranh giới xã hội hoặc văn hóa đều bị xóa bỏ; những hạn chế về sắc tộc và giới tính cũng được khai thông. Tính phổ biến của lệnh truyền này đã trở nên thách đố cho các tín hữu từ thời điểm nó được ban ra cho đến ngày nay, thế hệ của chúng ta. Mỗi thời đại khác nhau phải đối diện với những khía cạnh riêng của nó. Giáo hội sơ khai đã trải qua sự căng thẳng khi chuyển từ bối cảnh đặc thù Do Thái sang thế giới dân ngoại. Ngày nay, chúng ta phải tiếp nhận sự đa dạng và khác biệt, là một đòi hỏi của quá trình hòa nhập văn hóa. Tuy nhiên lệnh truyền của Chúa vẫn không thay đổi: làm cho muôn dân trở thành môn đệ qua phép rửa nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Có hai cách để chu toàn lệnh truyền này: phép Rửa và giảng dạy. Công thức rửa tội nhân danh Ba Ngôi tập hợp các yếu tố đã được tìm thấy trong giáo huấn của Chúa Giêsu. Trong suốt sứ vụ của mình, Người đã nói về Thiên Chúa như là một người  Cha (x. Mt 11,25-27), điều ấy cho thấy mối quan hệ mật thiết tồn tại giữa hai đấng. Người cũng nói về Thánh Thần, Đấng ngự xuống trên Người trong biến cố chịu phép rửa (x. Mt 3,16) và nhờ quyền năng của Ngài mà Chúa Giêsu trừ quỷ (x. 12,28-32). Chính trong danh xưng ba ngôi vị này mà các môn đệ phải làm phép rửa. Vẫn theo nguồn gốc Do Thái của cộng đoàn, danh Thiên Chúa không được xướng lên: chỉ cần quy chiếu đến là đủ. Những người được rửa tội được nhấn chìm vào trong mầu nhiệm của danh thánh ấy và được tái tạo thành những tạo vật mới. Mặc dù các yếu tố của công thức rửa tội này do từ Chúa Giêsu, nhưng chính công thức này không xuất hiện nữa, ngoại trừ trong sách giáo lí của các tông đồ vào thế kỷ thứ hai (Didache 7.1), khiến một số người đặt vấn nạn về niên đại thực sự của nó.

Giáo huấn cụ thể được nói đến ở đây thuộc về luân lí hơn là giáo thuyết. Những ai nghe giáo huấn phải tuân giữ những gì Chúa Giêsu đã truyền. Người khai mở triều đại của Thiên Chúa, mà trọng tâm của nó là một lối sống hoàn toàn khác. Đây phải là cốt lõi của lời giảng dạy của các môn đệ. Chúa Giêsu đảm bảo với họ rằng Người sẽ ở với họ cho đến tận thế. Mặc dù bản văn không nói rõ điều này, nhưng chúng ta có thể suy luận rằng, chung cuộc, tất cả những ai đã chịu phép rửa và đón nhận giáo huấn đó sẽ được ở cùng với Người luôn mãi.

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+  GLHTCG 202, 232-260, 684, 732: Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi

+  GLHTCG 249, 813, 950, 1077-1109, 2845: Chúa Ba Ngôi trong Hội Thánh và trong phụng vụ

+  GLHTCG 2655, 2664-2672: Chúa Ba Ngôi và kinh nguyện

+  GLHTCG 2205: Gia đình là hình ảnh sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa

Lm. Giuse Ngô Quang Trung