Tìm Hiểu Lời Chúa Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, Năm B

print

Tìm Hiểu Lời Chúa

Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, Năm B

Trước tiên, Lễ Mình Thánh Chúa Kitô (Corpus Christi), do Đức giáo hoàng Urbanô IV thiết lập vào năm 1264, được cử hành trong giáo hội Latinh vào ngày thứ Năm sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Trong tiến trình canh tân phụng vụ, Công đồng Vatican II đã sát nhập lễ này với lễ kính Máu Châu Báu Chúa Kitô (ngày 1 tháng 7) để trở thành lễ trọng Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Cử hành lễ hôm nay chúng ta được mời gọi yêu mến Bí tích Thánh Thể. “Trong bí tích Thánh Thể cực thánh, Mình và Máu cùng với linh hồn và thần tính của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô hiện diện một cách đích thực, thật sự và theo bản thể” (GLHTCG 1374).

 

BÀI ĐỌC 1: Xh 24,3-8

Giao ước với dân Ngài

Bài đọc thứ nhất kể câu chuyện về việc kí kết Giao ước trên núi Sinai, mà cũng chính vào thời điểm này dân Israel trở thành dân riêng của Thiên Chúa, vui mừng đón nhận những nghĩa vụ mà Luật Chúa đòi hỏi. Lề Luật là quà tặng Đức Chúa dành cho Israel, giải thích những gì họ phải thực hiện để trở thành dân của Ngài. Đó không phải là một tập hợp các nghĩa vụ bó buộc mà là một tổng hợp các giáo huấn nhằm hướng dẫn con người. Tuân theo Luật Chúa là một cách đáp trả bằng tình yêu đối với một quà tặng tình yêu, để sống quảng đại với Đức Chúa như Ngài đã thể hiện với dân. Bây giờ họ cũng phải đối xử với người khác như Chúa đã đối xử với họ: tôn trọng người góa bụa, chăm sóc trẻ mồ côi, tiếp đón người xa lạ. Chúa đã phán: “Hãy sống thánh thiện như ta là Đấng Thánh”. Bài đọc này đặc biệt thích hợp với lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa Kitô vì cũng giống như một thánh lễ, bài đọc này bao gồm cả giáo huấn và hiến lễ. Trong phần đầu của mỗi thánh lễ, chúng ta lắng nghe Lời Chúa, qua nhiều nội dung khác nhau, dạy chúng ta biết cách sống thế nào để duy trì địa vị là con dân của Đức Chúa. Chỉ sau khi đoan kết với Lời Chúa, chúng ta mới có thể tiếp tục hiệp thông với Mình và Máu Chúa. Sự hiệp thông này được cử hành bằng cách dùng chung một bữa ăn, qua đó chúng ta được kết hợp với sự sống của Chúa Kitô.

 

ĐÁP CA: Tv 116, 12-13, 15-18

Chén cứu độ

Thánh vịnh 116 là một trong nhóm Thánh vịnh ngợi khen (113-118) mà những người hành hương xướng lên trong các cuộc rước và cử hành phụng tự tại Đền thờ, vào ba dịp lễ hành hương hàng năm dân giao ước phải tham dự (Xh 23,14-15; Đnl 16,16; 2 Sbn 8,13). Những ngày lễ này ghi nhớ cội nguồn của Israel là một dân tộc được dành riêng cho Giavê là Thiên Chúa duy nhất của họ. Đó là những dịp vui, vì vậy cả gia đình đều tham dự nếu họ sống trong khoảng cách di chuyển không quá xa Giêrusalem. Tất cả những người đàn ông phải tham gia lễ Bánh Không men kéo dài bảy ngày trong một cuộc hành hương (Đnl 16,16; Lc 2: 41-42). Các Thánh vịnh ngợi khen nhắc lại cuộc Xuất hành, tỏ lòng biết ơn của Israel đối với Đức Chúa là Đấng giải thoát họ, rồi kết thúc bằng một Thánh vịnh về đấng thiên sai, đã được hứa ban xuất thân từ dòng tộc Đavít (Tv 118,26-27).

Thánh vịnh 116 bày tỏ lòng biết ơn về sự giải cứu của Đức Chúa và lời đoan hứa của dân chúng đối với Ngài qua lời thề nguyện và những lễ hy sinh được tiến dâng trong Đền thờ. “Chén cứu độ” trong câu 13 có lẽ đề cập đến một nghi lễ liên quan đến máu, biểu thị sự chuộc tội cho dân, khi chén đựng máu của con vật hiến tế được đổ ra, hoặc vảy lên dân hoặc tưới lên bàn thờ tế lễ. Hoặc cũng có thể nói đến chén rượu được dùng trong bữa ăn hiệp thông với thịt của con vật sát tế và bánh không men, ăn trong thánh địện trước sự hiện diện của Đức Chúa (Lv 7,11-15, 19b-20; Ds 15,7-10). Hoặc cũng có thể chỉ chén rượu thứ ba trong bốn chén của bữa ăn lễ Vượt Qua. Chén thứ ba là “Chén Cứu độ” hay “Chén Chúc tụng” như thánh Phaolô đã nói về Máu châu báu của Chúa Giêsu (1Cr 10,16; thánh Luca nhắc đến hai trong bốn chén rượu nghi lễ trong Lc 22,17-18 và 20). Do đó, câu 13 chỉ về Phụng vụ Thánh Thể.

Thịt và máu Kitô trở nên bữa ăn hiệp thông, Tiệc Thánh Thể, lễ Tạ ơn của Giao Ước mới. Theo truyền thống của người Do Thái, khi Đấng Messia đến, mọi hi lễ sẽ chấm dứt trừ một hiến lễ, đó là lễ tạ ơn, bữa ăn hiệp thông với Thiên Chúa (Joseph Ratzinger, Cử hành Đức tin, Ignatius Press, San Francisco, 1986, tr. 58-59). Bữa ăn hiệp thông của Giao Ước mới đã được Chúa Giêsu thiết lập trong Bữa Tiệc Ly, và chúng ta gọi là Bí tích Thánh Thể, cũng có nghĩa là “Hi lễ Tạ ơn” (Mt 26,26-29; Mc 14,22-25; Lc 22,19-20; 1 Cr 11,23-26).

 

BÀI ĐỌC 2: Hr 9,11-15

Máu Chúa Kitô

Máu giữ một phần quan trọng trong cả ba bài đọc của Thánh lễ này, và điều cần thiết là chúng ta phải hiểu chức năng của nó trong cả nền phụng tự Israel và cử hành bí tích của chúng ta. Máu là một biểu tượng hiển nhiên của sự sống. Mất hết máu có nghĩa là cạn kiệt sức sống và toàn bộ tính mạng bị đe dọa. Khi máu chảy ra, sự sống sẽ suy giảm. Vì vậy, cũng như sự sống thuộc về Thiên Chúa, thì máu cũng thuộc về Ngài. Đối với Israel, máu mang ý nghĩa thánh thiêng. Để suy nhận rằng sự sống là ơn huệ của Thiên Chúa, người ta không được uống máu hoặc để cho máu bị tiêu hao. Lễ hy sinh của Israel không xoa dịu được cơn giận của Đức Chúa chỉ bằng cách dâng máu của một con vật đã chết thay vì hi sinh chính bản thân mình. Trong phụng tự Israel, máu con chiên được rảy trên dân để tượng trưng cho sự sống mới của Đức Chúa được hồi phục. Còn Chúa Kitô, để đền tội cho dân, Người đã tự hiến tế như lễ vật hoàn hảo dâng lên Thiên Chúa. Thư gửi tín hữu Hipri đối chiếu hi lễ xưa cũ và việc chia sẻ máu huyết theo cách cũ, tức là máu của các con dê và con bò, với máu của Chúa Kitô. Nếu máu của các con vật có chức năng tẩy xóa tội lỗi, thì Máu của Con Thiên Chúa còn đem lại cho chúng ta sự sống mới dồi dào như thế nào?

 

TIN MỪNG: Mc 14,12-16,22-26

Rượu mới trong nước Thiên Chúa

Bản văn Lời Chúa hôm nay gồm hai phần: mô tả việc chuẩn bị bữa ăn lễ Vượt Qua; và tường thuật về việc thiết lập Bí tích Thánh Thể diễn ra trong chính bữa ăn. Phần đầu tạo tiền đề cho phần thứ hai, không chỉ từ quan điểm văn học mà còn từ quan điểm thần học. Đề cập đến việc sát tế con chiên vào ngày đầu của tuần Bánh không men đã đặt ra nhiều câu hỏi, bởi vì theo phong tục đó không phải là ngày con chiên được hiến tế. Nhiều giải thích khác nhau về sự khác biệt này đã được đưa ra. Rõ ràng sự thể này trở thành vấn đề đối với các nhà chú giải đương thời, nhưng không phải là vấn đề đối với tác giả Phúc Âm. Điều này có lẽ bởi vì các chi tiết về niên đại không phải là trọng tâm của trình thuật  nhưng việc xác định ngày lễ mới là chủ yếu.

Rõ ràng là ngay từ đầu Chúa Giêsu hoàn toàn chủ động. Người khởi đầu cuộc chuẩn bị, Người chỉ dạy các môn đệ, truyền lệnh cho chủ nhân của căn nhà, đặt phòng cho ngày lễ. Lời của Chúa Giêsu khiến mọi thứ chuyển động và làm cho mọi công việc diễn ra đúng như Người mô tả. Chúng ta không biết tại sao người đàn ông lại mang nước trong một cái vò, trong khi đáng lẽ họ thường mang nó bằng bao da. Chúng ta cũng không biết tại sao người đàn ông này lại chỉ cho hai môn đệ chọn một căn phòng rộng rãi đã được chuẩn bị sẵn sàng. Hẳn ông ta cũng là một môn đệ một cách nào đó, vì ông đã đáp ứng tích cực những lời thỉnh cầu của Chúa Giêsu, Đấng xác định mình là Thầy.

Một lưu ý cuối cùng đáng quan tâm. Chúa Giêsu bảo các môn đệ chuẩn bị cho Người ăn lễ Vượt Qua. Đến lượt họ, họ nói với người đàn ông rằng Chúa Giêsu sẽ ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ của Người. Các môn đệ có lẽ vẫn xem đây là một bữa ăn lễ Vượt Qua như những bữa ăn lễ Vượt Qua khác. Còn Chúa Giêsu thì biết rằng Người sẽ dùng bữa ăn này không như các bữa ăn trước đây Người đã từng cử hành.

Chi tiết của những lời nói và hành động của Chúa Giêsu trong bữa ăn đáng nhớ này thật đáng chú ý. Nó khởi sự như hầu hết các bữa ăn kỷ niệm bắt đầu, với việc bẻ bánh. Người chúc lành cho các món ăn theo cách tạ ơn của người Do Thái: “Chúng con cảm tạ Đức Chúa là Chúa chúng con, Vua vũ trụ, Đấng tạo ra cơm bánh từ ruộng đất”. Các môn đệ hiện diện chỉ biết đây là một bữa ăn khác khi Chúa Giêsu bảo họ ăn thứ bánh mà bây giờ là chính thân thể của Người (soma, có nghĩa là “con người”, chứ không phải sarx, nghĩa là “thịt”). Lời chúc tụng mà Người xướng lên khi nâng chén chắc chắn cũng mang ý nghĩa truyền thống: “Chúc tụng Ngài, là Chúa chúng con, là Vua vũ trụ, Đấng đã tạo ra trái nho này”. Dù các môn đệ có thể chưa hiểu hết, nhưng họ hẳn đã nhận ra rằng những lời nói và hành động của Chúa Giêsu trong khung cảnh này mang ý nghĩa rất sâu xa, vì thế họ không phản đối những mệnh lệnh có thể đã gây xúc phạm, thậm chí là gây sốc: “Hãy cầm lấy…;Đây là mình Thầy…Đây là máu của giao ước của Thầy…”

Tính biểu tượng trong nghi lễ này vừa gợi lại giao ước xưa vừa diễn lại chính nghi lễ đó. Ăn bánh là một nghi lễ phổ biến diễn tả tình hiệp thông; việc đề cập đến máu của giao ước gợi lại sự phê chuẩn giao ước cũ qua máu của con vật (x. Xh 24,6-8). Khi Chúa Giêsu nói rằng Người sẽ không uống sản phẩm cây nho nữa, có thể Người ám chỉ đến cái chết của mình. Và cũng có thể Chúa muốn nói đến  bữa tiệc cánh chung trong tương lai, bữa tiệc được tượng trưng bởi thân thể và máu của Chúa, và mọi người sẽ được mời đến hưởng dùng khi triều đại của Thiên Chúa thành toàn.

 

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+  GLHTCG 790, 1003, 1322-1419: Bí tích Thánh Thể

+  GLHTCG 805, 950, 2181-2182, 2637, 2845: Thánh Thể và sự hiệp thông giữa các tín hữu

+  GLHTCG 1212, 1275, 1436, 2837: Thánh Thể là lương thực thiêng liêng

Lm. Giuse Ngô Quang Trung