Vài Suy Tư Về Việc Loan Báo Tin Mừng

print

Vài Suy Tư Về Việc Loan Báo Tin Mừng

(Bài suy niệm Lễ thánh Barnaba của cha Mic Nguyễn Khắc Minh trong tuần thường huấn Linh Mục Cần Thơ 11/6/2020)

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ

  1. Sứ vụ loan báo tin Mừng

Chúng ta không rõ Thầy Giêsu đã sai các môn đệ lên đường, sau thời gian họ sống với Ngài bao lâu. Nhưng chúng ta biết chắc là Thầy có sai các môn đệ. Ngày nay Chúa Giêsu cũng đang sai những ai là môn đệ của Ngài.

Loan báo Tin Mừng là lên đường, đường đất đá hay đường núi đồi, và đi bằng đôi chân của mình, không giày dép. đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi giày hay cầm gậy, Không có gì trong tay.Đầy những khó khăn thách thức và vất vả: Nắng, nóng, gió bụi, bão táp sa mạc, sỏi đá gồ ghề, thú dữ, cướp bóc, Biết nay không biết mai, không được ký, không được phép, không được xâm lấn ranh giới…đủ thứ cái không được.

Người tông đồ bị đặt ở trong tình trạng bấp bênh, không chỗ dựa.Chỗ dựa duy nhất của họ là lòng tốt của Thiên Chúa, là niềm hy vọng từ Thiên Chúa.

Nhưng truyền giáo là 1 niềm vui, một sứ vụ.

Các tông đồ vừa rao giảng Tin Mừng rằng Nước Trời đã đến rồi, Và đưa muôn người gặp gỡ một Đức Kito đang sống. Christus Vivit. Các ngài cũng vừa minh chứng Tin Mừng ấy bằng bao niềm vui đem đến cho người khác.

Bệnh nhân được khỏi, người chết sống lại, người phong được sạch, và nhất là ma quỷ không còn chỗ cư ngụ trong lòng con người (c. 8a).Bình an là lời chúc trên môi dành cho mọi căn nhà họ đến ở (c. 12).Nhất là chia sẻ và giúp đỡ người nghèo khổ. Con người là con đường của Giáo Hội. Điều đầu tiên phải giúp cho con người sống; Dân Sinh , Dân Trí, rồi mới tới Dân Đạo.

Rõ ràng hành trình truyền giáo là một kinh nghiệm đầy ắp niềm vui hứng khởi,

Thánh Phaolô tông đồ, trong thư gửi cho giáo đoàn Côrinthô, nói đến việc loan báo Tin Mừng như một đòi buộc tất yếu: “Đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (I Cr 9, 16). Thật vậy, mỗi người đều có quyền được nghe ”Tin Mừng” của Thiên Chúa nhưng tương ứng với quyền lợi đó cũng là nghĩa vụ phải rao giảng “Tin Mừng”[9].

Thế nhưng,

ĐTC Gioan Phaolô II trong thông điệp Redemptoris Missio đã trích lại lời của ĐTC Phaolô VI trong sứ điệp Khánh Nhật Truyền Giáo năm 1972 ghi nhận về hoạt động loan báo Tin Mừng cho “các dân nước” (ad gentes) như thể đang chìm xuống… Những khó khăn cả trong lẫn ngoài đã làm suy yếu đi những thúc đẩy cho việc truyền giáo của Giáo Hội . Việc yếu kém truyền giáo là dấu hiệu khủng hoảng đức tin như vậy[10].

Trong tông huấn Niềm vui Tin Mừng, ĐTC Phanxicô một lần nữa đã mời gọi: “Giáo Hội phải ra đi từ vùng đất tiện nghi của mình để đến với mọi vùng ngoại vi đang cần ánh sáng Tin Mừng”

  1. Thực trạng việc truyền giáo.

Báo Vietcatholic -Phỏng Vấn Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long Về Truyền Giáo  18 Tháng Bảy, 2018 kể rằng: Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, trong diễn từ triều yết Đức Thánh Cha Phanxicô dịp Ad limina tháng 3.2018[1] nói đến não trạng “cầu an”, “thủ thân khép kín” đang tồn tại nơi Giáo Hội Việt Nam. Não trạng này chịu ảnh hưởng của quan điểm cho rằng “không nên loan báo Chúa Kitô cho người chưa biết, cũng như không nhất thiết gia nhập Giáo Hội, vì người tốt cũng được cứu độ. (Nhưng con nghĩ có nhiều tư tưởng trong chúng ta cho rằng, truyền giáo làm chi, vì họ vô đạo rồi cũng bỏ à)

Hoặc trong bài thuyết trình của ĐC An phong Nguyễn Hữu Long, Chủ tịch UBLBTM?HDGMVN tại hội thảo toàn quốc về Phúc Âm Hoá (TTMV Huế, 3.9.2018-6.9.2018) nói như sau:

Muốn thực thi sứ mạng PAH không phải dễ, vì nhiều cộng đoàn giáo xứ giáo họ không được nhà nước nhìn nhận… còn các LM tu sĩ không được tự do hoạt động tôn giáo cho tới thời điểm gần đây…

Đó là những khó khăn bên ngoài, khó khăn bên trong là: Người giáo dân VN vẫn còn chú trọng giữ đạo hình thức bên ngoài chưa quan tâm đến giới thiệu đức tin cho người xung quanh.Người nước ngoài bỡ ngỡ khi thấy các cuộc rước kiệu trống kèn rầm rộ, ban xây dựng tu bổ thánh đường rất to lớn và tốn kém… còn kết quả PAH thì chưa đáng là bao!

 Đức Cha Đinh Đức Đạo, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên tờ báo điện tử vaticaninsider.lastampa.it về kết quả truyền giáo tại Việt Nam, đã cho biết như sau[15]: ( Trích http://vaticaninsider.lastampa.it/en/world-news/detail/articolo/vietnam-vietnam-vietnam-43960/)

  • Năm 1960, số tín hữu Công Giáo là 2,43 triệu người, số dân cả nước là 35 triệu người, tỷ lệ người Công Giáo trên dân số cả nước là 7%.
  • Bốn mươi năm sau, năm 2000, có 5,2 triệu người Công Giáo, số dân cả nước là 77 triệu người, tỷ lệ người Công Giáo trên dân số cả nước là 6,75%.
  • Năm 2014, có 6,6 triệu người Công Giáo, số dân cả nước là 95,2 triệu người, tỷ lệ người Công Giáo trên dân số cả nước là 7%.
  • (Cha Ant Nguyễn Ngọc Sơn vừa cho biết Theo thống kê của Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở, được công bố tại Hà Nội ngày 19.12/2019 mới nhất vừa qua cho thấy: Dân số VN là 96,2 triệu người, có 16 tôn giáo được phép hoạt động với 13,2 triệu tín đồ, chiếm 13,7% tổng số dân cả nước. Trong đó số người theo Công Giáo là đông nhất với 5,9 triệu người, chiếm 6,1% dân số. Tỷ lệ dân số Công Giáo sút giảm từ 6,61% năm 2009, xuống còn 6,1% năm 2019. )
  • Như vậy, dựa trên những con số trên đây thì kết quả của việc truyền giáo tại Việt Nam từ khi thiết lập hàng giáo phẩm cho đến nay dường như giậm chân tại chỗ! Và có thể nói là còn thụt lùi
  • Linh mục Nguyễn Ngọc Sơn đã làm một so sánh về việc truyền giáo với Giáo hội Tin Lành ở Việt Nam, năm 1999: số tín hữu là 400,000 người. Năm 2008: con số này đã lên tới 1,500,000 người. Như thế, số tín hữu tăng gần 4 lần trong vòng 10 năm.
  • Ngoài ra, những con số về kết quả truyền giáo tại Giáo Hội Hàn Quốc cũng có thể làm cho chúng ta khâm phục:
  • Năm 1949: Công giáo và Tin Lành chỉ chiếm 1% dân số ở Hàn Quốc.
  • Năm 2009: Công giáo 9.65% và Tin Lành 26%. Cả nước có 35.65% theo Kitô giáo.
  • Như vậy, chỉ trong vòng 60 năm (1949-2009) dân số Công giáo tăng từ 1% lên 9.65% và trong 10 năm (1999-2009) tăng từ 7.73% lên 9.65%.
  • Đứng trước thực trạng trên đây, mỗi người chúng ta được thánh hiến và được sai đi, phản tỉnh điều gì? Và được mời gọi phải làm gì cho Giáo Hội và xã hội Việt Nam hôm nay?
  • Truyền giáo luôn là cấp bách, thách thức và đầy khó khăn về mọi mặt. Nhưng chúng ta được đào tạo để chỉ trở nên những nhà kỹ trị bảo trì họ đạo có sẵn, hay còn dám dấn thân bước ra đến vùng ngoại biên?

              Nói thì nói vậy, nhưng “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại mới nên hòn núi cao” Việc truyền giáo không chỉ nói suông nhưng phải là một thể thống nhất, có đường hướng, chương trình cụ thể, kế hoạch rõ ràng, đầu tư nhân lực và tài lực…Mỗi năm nên có một khoản kinh phí cụ thể cho việc truyền giáo.

 Xin lòng thương xót Chúa luôn thương đến chúng con. Amen.

Mic. Nguyễn Khắc Minh