Tìm Hiểu Lời Chúachúa Nhật 1 Mùa Vọng, Năm C
Các bài đọc Chúa nhật I Mùa Vọng tạo tiền đề cho những suy tư của chúng ta về toàn bộ thời gian này. Các chủ đề hôm nay gồm: những lời Thiên Chúa hứa; cuộc tái lâm của Con Người; niềm khao khát chờ mong; và cách sống đề ra cho những người mà lời hứa sẽ được thực hiện. Vì những lời hứa này vừa mang ý nghĩa lịch sử cụ thể vừa mang ý nghĩa cánh chung, nên việc thực hiện không chỉ giới hạn ở các cộng đồng mà ban đầu nó được ngỏ lời, nhưng còn dành cho tất cả những ai mở lòng đón nhận lời Chúa hứa.
BÀI ĐỌC 1: Gr 33,14-16
Chồi non Đavít
Vào thời điểm đen tối nhất trong lịch sử của Israel, khi những đám mây mù xâm lăng đang phủ kín bầu trời đoàn dân Chúa, và cuộc chinh phạt và lưu đày của người Babylon dường như không thể tránh khỏi, lời tiên tri này lặp lại lời Thiên Chúa hứa từ lâu với nhà Đavít sẽ không sai chạy. Giêrusalem sẽ bị cướp phá, nhưng lời hứa vẫn là thành sẽ được đặt tên là ‘Đức-Chúa-là-sự-Công-chính-của-chúng ta’. Sự công chính của Thiên Chúa không giống như sự công bằng của con người, hệ tại hành động phù hợp với luật pháp. Nhưng đó là việc Thiên Chúa thực hiện những lời hứa của Ngài với các tổ phụ Abraham, Môisen và Đavít. Vì vậy, vào thời điểm thảm khốc này, Giêrêmia làm mới lại những lời hứa đó rằng, gia tộc Đavít sẽ không bao giờ thất bại, và ông đặt một cái tên tượng trưng cho thành của Đavít. Tin Mừng hôm nay nói về một cuộc tàn phá khác của Giêrusalem do người La Mã thực hiện vào năm 70 sau Công Nguyên, và nhìn xa hơn nó là ngày quang lâm vào thời kỳ cuối cùng của Chúa Kitô. Vì vậy, chúng ta có thể hiểu theo nhiều tầng ý nghĩa: dường như lời hứa không được thực hiện khi thành Giêrusalem thất thủ, nhưng nhìn xa hơn lời hứa được thành toàn trong trong Mầu nhiệm Nhập Thể. Cũng như khi biến cố lịch sử người La Mã tàn phá thành Giêrusalem, thì đó là khúc dạo đầu và lời hứa cho ngày quang lâm của Chúa Kitô vào thời cuối cùng. Trong tất cả những biến cố này, Đức Chúa là sự Công chính và ơn Cứu độ của chúng ta.
ĐÁP CA: Tv 25,4-9. 10 và 14
Lòng Chúa xót thương đối với người khiêm hạ
Trong bài Thánh vịnh được gán cho Đavít này, tác giả kêu lên với Thiên Chúa, nhắc nhở Ngài về người công chính lo sợ xúc phạm đến Chúa. Trong cc. 4-5, tác giả nài xin Chúa chỉ dẫn cho ông đường lối của Ngài, nhìn nhận rằng ơn cứu rỗi đến từ Thiên Chúa. Ông cầu xin Thiên Chúa, với lòng từ bi đối với tội nhân, hãy thể hiện tình yêu thương, lòng nhân từ và sự tốt lành của Ngài bằng cách tha thứ cho họ (cc. 6-7). Ông ngợi khen Chúa, Đấng nhân từ chính trực, chỉ cho tội nhân “con đường” để họ trở nên công chính (c. 8-9).
Cc. 10-15. Có lẽ hành vi khôn ngoan căn bản nhất là kính sợ Chúa. Mặc dù nó có thể làm người ta liên tưởng đến cảm xúc run sợ, nhưng đúng hơn đó là thể hiện lòng tôn kính và yêu mến chứ không phải khiếp sợ. Các từ hoặc cụm từ biểu thị đức khôn ngoan bao gồm: lòng tốt và ngay thẳng, hướng dẫn đúng đắn, đường ngay nẻo chính, chỉ dạy, và lời khuyên. Ở đây, giáo huấn cũng liên quan đến chủ đề giao ước. Quan điểm này rất rõ ràng: đường lối khôn ngoan là trung thành với giao ước và luật Chúa. Những người đi theo con đường của sự khôn ngoan sẽ được “sống trong hạnh phúc và thịnh vượng…”
Trong Kinh Thánh, “con đường” là đường dẫn đến ơn cứu độ qua việc tuân giữ các điều răn của Chúa (Đnl 30,15-16). Thiên Chúa chỉ cho tội nhân con đường dẫn đến sự hòa giải và hướng dẫn người có lòng khiêm cung đến với sự công chính. Ngài phân phát công lý của Ngài cho cả hai. Tuy nhiên, chính tội nhân cần phải khiêm tốn nhìn nhận những điều sai trái của mình trước mặt Chúa để nhận được ơn tha thứ. Chúa Giêsu Kitô đã hoàn tất lời cầu xin của tác giả Thánh vịnh về ơn tha thứ và ơn phục hồi. Người là Đấng công chính, Đấng dành cho tội nhân khiêm hạ một “Con đường” dẫn đến ơn cứu độ, như Người đã nói: “Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14, 6a).
BÀI ĐỌC 2: 1 Tx 3,12-4,2
Chúa Giêsu quang lâm
Phaolô đưa ra những chỉ dẫn cho các tín hữu về việc sống thánh thiện trong khi chờ đợi biến cố Chúa quang lâm. Mỗi năm, Giáo hội lại nhắc nhở chúng ta về ngày cuối cùng Chúa ngự đến, đó cũng là ngày tận thế như chúng ta biết. Trong Cựu Ước, “Ngày của Chúa” là ngày mà Đức Chúa sẽ ngự đến để tái lập vạn vật, chỉnh đốn điều sai trái, trừng phạt kẻ ác và ban thưởng cho người công chính. Trong Tân Ước, từ bức thư sớm nhất này của Phaolô trở đi, “Ngày của Chúa” được hiểu là Ngày của Chúa Giêsu. Nó được mô tả như một ngày mà Chúa Giêsu sẽ xuất hiện trong một cuộc rước khải hoàn “cùng với tất cả những người thánh của Người”. Những người đã chết trong Chúa, và sau đó là những người vẫn đang sống cũng được tham gia vào đoàn rước này. Đối với Phaolô, sự toàn thắng của Chúa bao trùm tất cả vạn vật đến nỗi ngài thậm chí không đề cập đến hoặc nghĩ đến những hình phạt dành cho kẻ ác. Chúa sẽ chiến thắng mọi điều tà ác, quét sạch tất cả trước mặt Người, và sẽ mang tất cả theo Người trong cuộc rước khải hoàn này. Khi viết cho tín hữu Côrinthô, ngài khẳng định rằng Chúa Kitô sẽ đặt mọi sự dưới chân Người, kể cả kẻ thù cuối cùng là sự chết, và sau đó sẽ giao lại Nước Trời cho Cha của Người.
TIN MỪNG: Lc 21,25-28,34-36
Ngày của Chúa
Những sự kiện sắp xảy ra được Chúa Giêsu mô tả khơi lên trong lòng con người nỗi sợ hãi. Người nói về những xáo trộn trong vũ trụ và những đau khổ dữ dội xảy đến cho mọi người. Tất cả những điều này có thể gây hoang mang sửng sốt, nhưng những biến động thực sự là những dấu hiệu báo trước sự xuất hiện của ơn cứu chuộc. Sự hỗn loạn vũ trụ gợi nhớ đến cảnh hỗn mang nguyên thủy mà từ đó Thiên Chúa đã chế ngự và mang lại trật tự (x. St 1,1-10); cũng như sự hủy diệt vào thời Nôê dẫn đến hành động Thiên Chúa thực hiện để sắp đặt một trật tự mới (x. St 7,12; 9, 9 -11). Trong trường hợp được mô tả trong đoạn văn này, những xáo trộn có lẽ không báo trước về các biến cố lịch sử thông thường, mà đúng hơn đó là những hình ảnh ẩn dụ miêu tả sự kết thúc của một thời đại và sự ra đời của một thời đại mới. Những hình ảnh khải huyền thường được dùng để diễn tả việc Thiên Chúa bước vào khung cảnh lịch sử thế giới (x. Is 13,9-10). Mặc dù một cuộc thần hiện như loại này thường kết hợp với sự phán xét của Thiên Chúa (x. Ez 32,7-8), trong trường hợp này, nó báo trước sự xuất hiện của Con Người và thời kỳ cứu chuộc. Theo một trong những truyền thống thiên sai lâu đời, một nhân vật bí ẩn “giống như con người” sẽ ngự xuống trên mây trời để nhận từ Thiên Chúa quyền thống trị, vinh quang và vương vị (x. Đn 7,13-14). Thần học Kitô giáo khởi thủy đã đón nhận truyền thống này trong việc nó mô tả những đặc tính về vai trò thiên sai của Chúa Giêsu. Đây chắc chắn là cách hiểu “Con Người” trong đoạn Tin Mừng hôm nay.
Sự biến động được mô tả ở đây, cho dù nó mang ý nghĩa vũ trụ, con người hay tâm linh, sẽ gây ra nỗi hoảng loạn đến mức người ta cảm thấy như sắp chết vì sợ hãi. Mặc dù vậy, Chúa Giêsu nhắc bảo các thính giả của Người đứng thẳng và ngẩng đầu lên khi tất cả những điều này xảy ra, thay vì thu mình lại vì sợ hãi. Đối với những người luôn trung thành chờ đợi sự mặc khải của Thiên Chúa, đây không phải là thời gian trừng phạt. Đúng hơn, đó sẽ là ngày khai sinh thời đại mới để hoàn tất lời đã hứa. Và chắc chắn rằng đây chính là bối cảnh để Chúa Giêsu nói tiếp với người nghe cách họ nên chuẩn bị cho thời gian đó (cc. 34-36).
Lời khuyến dụ tích cực là: Hãy đề phòng! Hãy chú ý! Hãy tỉnh thức! Đừng để mình bị chao đảo hay bận tâm lo lắng! Mặc dù sẽ có những dấu hiệu bất thường báo trước sự kiện sắp tới này, nhưng thời gian chính xác của nó thì vẫn chưa được biết. Đó là lý do tại sao các tín hữu phải tránh bất kỳ hành vi hay lối sống nào có thể gây cản trở cho sự canh thức của họ, cho dù đó là say sưa ăn uống hay chỉ đơn giản là bận tâm quá mức đến những lo lắng cho cuộc sống hàng ngày.
“Ngày ấy” được nói đến là Ngày của CHÚA, được một số tiên tri Israel báo trước (x. Am 5,18-20; Is 13,6; Gr 46,10). Đó sẽ là một ngày trừng phạt cho những kẻ ác nhưng là một ngày cứu rỗi cho những người trung thành. Đó cũng là ngày gây hoang mang và đe dọa cho tất cả mọi người vì không ai biết chính xác khi nào nó sẽ khai mở, và do đó mà mọi người luôn phải canh thức và cầu xin ơn sức mạnh để chịu đựng. Lời cảnh báo cuối cùng này nhìn nhận rằng mọi người đều mang những yếu đuối bản thân và ngay cả những người trung thành nhất cũng có thể gục ngã khi đối mặt với những đau khổ dồn dập. Tuy nhiên, khi Con Người (Chúa Giêsu) đến, các tín hữu trung thành cần phải đứng vững để đón nhận ơn cứu chuộc mà Người mang lại.
===
THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
+ GLHTCG 668-677, 769 : Cuộc gian truân cuối cùng và cuộc quang lâm của Chúa Kitô
+ GLHTCG 451, 671, 1130, 1403, 2817 : “Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến !”
+ GLHTCG 439, 496, 559, 2616: Đức Giêsu là Con vua Đavít
+ GLHTCG 207, 210-214, 270, 1062-1063 : Thiên Chúa trung thành và thương xót
Lm. Giuse Ngô Quang Trung