GPCT: Học Hỏi 5 Phút CN Phần III – Docat

print

GIÁO PHẬN CẦN THƠ

 HỌC HỎI 5 PHÚT CHÚA NHẬT

NĂM MỤC VỤ 2024

“VỀ GIÁO HỘI THAM GIA

TẬP II

Link tải về file word

GPCT  Học Hỏi 5 Phút CN Phần III: Docat

 

 

LỜI NGỎ

—–oOo—–

Kính quý Cha, quý Tu sĩ và Anh chị em Giáo dân rất thân mến.

Chúng ta đã trải qua hai phần của chương trình “Học Hỏi 5 Phút Chúa Nhật 2024”: Phần I về “Thư Mục vụ : Thúc đẩy sự tham gia đời sống Giáo hội”; Phần II về“Tham gia phụng vụ Hội Thánh”.

Bước vào Phần III, chúng ta sẽ học hỏi sơ lược quyển giáo lý DOCAT: Để tham gia vào đời sống Giáo hội trong xã hội, mỗi Kitô hữu cần làm gì ?”. Đặc biệt qua 5 chương đầu: Ch.  ŽKế hoạch yêu thương của Thiên Chúa. Ch. k Ž Sứ mệnh xã hội của Giáo Hội. Ch. l Ž Nhân vị, độc nhất và giá trị vô cùng. Ch. m Ž Công ích, nhân phẩm, liên đới, bổ trợ. Ch. n Ž Gia đình, nền móng xã hội.

Mỗi đoạn Giáo huấn gồm Câu hỏi-thưa / Lời Chúa / Giáo Huấn Giáo Hội.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh : “Tất cả những người đã được nhận bí tích Thánh Tẩy đều được mời gọi tham gia vào đời sống và sứ vụ của Giáo Hội”. Điều này đòi hỏi chúng ta cần tìm hiểu sâu xa Giáo huấn xã hội của Giáo Hội, vì Giáo huấn này “phát xuất từ chính Chúa Giêsu, Người là Giáo Huấn xã hội của Thiên Chúa”…, vì “không có ai khác có thể làm thay đổi thế giới cho tốt đẹp hơn, mà chỉ có những con người, cùng với Chúa Giêsu, dấn thân cho thế giới, để cùng với Người đến những ‘vùng ven’, đi vào giữa những lấm lem của cuộc đời, mới thay đổi được” [1].

Kính gửi đến quý Cha tập học hỏi vắn gọn về “Giáo Huấn xã Hội của Giáo Hội” này, để quý Cha sử dụng, hoặc trao cho các xướng viên đọc, trước hoặc sau mỗi Thánh Lễ Chúa Nhật.

Trung Tâm Mục Vụ GP. Cần Thơ

Lễ làm phép Dầu,

Thứ Ba Tuần Thánh, 26.03.2024

 

MỤC LỤC PHẦN III

—————

GIÁO HUẤN 21.

GIÁO HUẤN 22.

GIÁO HUẤN 23.

GIÁO HUẤN 24.

GIÁO HUẤN 25.

GIÁO HUẤN 26.

GIÁO HUẤN 27.

GIÁO HUẤN 28.

GIÁO HUẤN 29.

GIÁO HUẤN 30.

GIÁO HUẤN 31.

GIÁO HUẤN 32.

GIÁO HUẤN 33.

GIÁO HUẤN 34.

GIÁO HUẤN 35.

GIÁO HUẤN 37.

GIÁO HUẤN 38.

GIÁO HUẤN 39.

GIÁO HUẤN 40.

GIÁO HUẤN 41.

GIÁO HUẤN 42.

GIÁO HUẤN 43.

GIÁO HUẤN 44.

GIÁO HUẤN 45.

GIÁO HUẤN 46.

GIÁO HUẤN 47.

GIÁO HUẤN 48.

GIÁO HUẤN 49.

GIÁO HUẤN 50.

GIÁO HUẤN 51.

Chú thích :

 

GIÁO HUẤN 21

 H. Vì sao trong năm 2024, chúng ta học hỏi Giáo lý DOCAT ?

T. Vì Docat là quyển giáo lý về Giáo huấn xã hội của Giáo Hội, giúp chúng ta tìm hiểu Mỗi Kitô hữu chúng ta cần làm gì ? để tham gia xây dựng Giáo Hội.

Ø Lời Chúa :“Những gì các con làm cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là đã làm cho chính Ta” [2].

Ø Giáo Huấn Giáo Hội (GH) :

Chủ đề của năm mục vụ 2024 là “Thúc đẩy sự tham gia đời sống Giáo hội”. Để mỗi người ý thức và nỗ lực thực hiện việc tham gia này, chúng ta cần học hỏi tổng quát sách giáo lý Docat, về Giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Vì Giáo huấn này phát xuất từ Chúa Giêsu, Người chính là Giáo Huấn xã hội của Thiên Chúa.

Người mời gọi chúng ta hãy thay đổi bản thân, thay đổi hoàn cảnh xung quanh, và thay đổi thế giới cho tốt đẹp hơn, khởi đầu từ gia đình, khu xóm và giáo xứ, nhờ sức mạnh từ Tin Mừng yêu thương của Người !

Cụ thể, Người mời gọi chúng ta cùng với Người, với Thánh Thần của Người, biết dấn thân tìm đến những ‘vùng ven’, đi vào giữa những lấm lem cuộc đời, phục vụ cho phẩm giá cao đẹp và cuộc sống an vui của con người, đặc biệt là cho những người nghèo khổ nhất, để có thể biến đổi thế giới này cho tươi sáng  hơn ! “Trong thời đại này một Kitô hữu không dám lội ngược dòng, tích cực dấn thân vào xã hội, thì không phải là Kitô hữu”[3].

 

GIÁO HUẤN 22

H. Khi Thiên Chúa tạo dựng thế giới và loài người, có phải Người đã hành động theo kế hoạch đã định không ? [4]

T. Đúng thế, Thiên Chúa đã sáng tạo nên thế giới, nhất là con người theo kế hoạch toàn năng và yêu thương của Người.

Ø Lời Chúa : “Thiên Chúa là Tình Yêu” [5].

Ø Giáo Huấn GH :

Thiên Chúa là Tình Yêu, nên Người tạo thành thế giới, và loài người là để tuôn tràn Tình Yêu Thương của Người; nên Người tạo dựng chúng ta giống hình ảnh của Người, và gọi chúng ta là con cái của Người.

Vì vậy, Người đã tạo nên chúng ta có ý chí và tự do, để ta có thể suy nghĩ, nói năng, sống trong tình yêu thương [6], và đáp lại tình yêu thương của Người.  Quả thực, “Tình yêu là quà tặng lớn nhất mà Thiên Chúa trao ban cho loài người !” [7].

Dù tôi và bạn giàu hay nghèo, được người đời khen ngợi hay bị khinh chê, Thiên Chúa vẫn biết đến, vẫn gọi nhớ, vẫn viết tên tôi và tên bạn trong lòng bàn tay Người, tôi và bạn là “của riêng Người !” [8], có vị trí độc đáo trong kế hoạch yêu thương của Người [9]; và Người mời gọi chúng ta cũng hãy tham gia thực hiện kế hoạch yêu thương của Người nơi gia đình, giáo xứ, giáo hội và xã hội.

 

GIÁO HUẤN 23

 H. Thiên Chúa muốn chúng ta sống ra sao ? [10]

T. Thiên Chúa muốn chúng ta sống theo những giá trị được Người lượng định, và theo kế hoạch yêu thương của Người.

Ø Lời Chúa :“Do ý Thiên Chúa muốn, mọi loài liền có và được dựng nên” [11].

Ø Giáo Huấn GH :

Vì Thiên Chúa là cội nguồn, đã sáng tạo nên chúng ta và mọi loài “thật khôn ngoan” [12], nên Người cũng là chuẩn mực cho mọi hành động tốt lành của chúng ta.

Vì vậy, nếu chúng ta chọn sống và hành động theo những chỉ dẫn, dựa trên thánh ý và kế hoạch yêu thương, mà Người đã đặt sẵn, sâu thẳm trong tâm trí chúng ta, thì chúng ta mới hoàn thành tốt đẹp kế hoạch, mà Người đã muốn dự tính cho chúng ta !    

Thiên Chúa dự tính cho chúng ta được cứu độ và hạnh phúc! Muốn vậy, chúng ta cần nhận biết “Những chân lý cần phải tin, những điều thiện cần phải khao khát, và những việc cần phải chu toàn” [13]. Người mời gọi chúng ta sống ngay thẳng, lương thiện, và hành động với tình liên đới, bởi lẽ, chính Người cũng đã liên đới với chúng ta bằng tình yêu dào dạt của Người.

Người muốn các Kitô hữu chúng ta sống như những người con rất yêu dấu, bằng việc uốn nắn những ý nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta theo mẫu gương yêu thương của Chúa Kitô [14].

GIÁO HUẤN 24

H. Mười Điều răn có ý nghĩa gì, trong kế hoạch của Thiên Chúa đối với đời sống chúng ta ? [15]

T. Mười Điều răn là những quy luật bền vững, mà Thiên Chúa đặt định chung cho mọi người, để sống một đời sống tốt đẹp.

Ø  Lời Chúa : “Hãy tuân giữ các Điều răn” [16].

Ø  Giáo Huấn GH

Trong Mười Điều Răn, Thiên Chúa ban cho ta những nguyên tắc vững bền, hướng dẫn ta sống một đời tốt đẹp; và xây dựng một thế giới như lòng Chúa mong muốn tự ban đầu.

Nơi Mười Điều Răn, chúng ta biết các nghĩa vụ của mình, như không được trộm cắp, phải thảo kính cha mẹ; và cũng biết các quyền lợi, như không ai được phép cướp đi những gì thuộc quyền sở hữu của chúng ta.

Mười Điều Răn, tương tự luật tự nhiên, chính là những điều được Thiên Chúa khắc ghi trong tâm hồn mỗi người, nhắc nhở, ràng buộc mỗi người, và mọi người, mọi dân nước phải luôn hành động tốt lành, theo những điều mà Thiên Chúa, khi sáng tạo, đã muốn cho toàn thể loài người phải sống như thế [17].

Vì vậy, Mười Điều Răn cũng là những quy luật căn bản, hướng dẫn chúng ta trong toàn thể đời sống xã hội.

 

GIÁO HUẤN 25

H. Giới răn yêu thương của Chúa Kitô mời gọi ta xây dựng nền văn minh nào ? [18]

T. Giới răn yêu thương của Chúa Kitô mời gọi ta xây dựng “Nền văn minh tình thương”.

Ø  Lời Chúa :  “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” [19].

Ø  Giáo Huấn GH

Cựu ước dạy : “Con hãy yêu đồng loại như chính mình”[20].

Còn Đức Giêsu thì thực hiện giới răn yêu thương bằng tấm gương hy sinh chính mạng sống mình [21].

Như vậy, chính Tình Yêu của Thiên Chúa đã khởi đầu cho“Nền văn minh tình thương”, mà tất cả chúng ta được mời gọi tham gia xây dựng [22], vì Chúa Giêsu đã dạy: “Mỗi lần anh em làm như thế cho một anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là đã làm cho chính Ta” [23].

Thế nên, “Người quan trọng nhất luôn luôn phải là người đang ở trước mặt bạn. Hành động quan trọng nhất luôn luôn phải là yêu thương” [24].

“Tình thương phải bắt đầu ngay hôm nay. Hôm nay, ai đó đang đau khổ ! đang vất vưởng trên hè phố ! đang đói khát từng bữa ! Chúng ta chỉ có hôm nay để làm cho Đức Giêsu được yêu mến, được phục vụ, được nuôi ăn, được lau dòng nước mắt ! Ngày mai, chúng ta sẽ không còn gặp lại những anh em yêu dấu của Người nữa, nếu chúng ta không lo tiếp đãi ngay hôm nay !” [25].

GIÁO HUẤN 26

Ø H. Có phải Nước tình yêu của Thiên Chúa đang sống động nơi Giáo Hội không ? [26]

T. Đúng vậy, vì Giáo Hội có mặt là “để thế giới có được một địa chỉ dành cho Thiên Chúa, là chính Nước Thiên Chúa” [27].

Ø Lời Chúa :“Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” [28].

Ø Giáo Huấn GH

Nhờ Đức Giêsu, Nước Thiên Chúa đã thật sự khởi đầu nơi thế gian. Vì bất cứ nơi đâu các bí tích của Người được cử hành, thì thế giới của tội lỗi, của sự chết bị đánh bại và được biến đổi…  một công trình sáng tạo mới, là Nước Thiên Chúa được thành hình.

Muốn vậy, các Kitô hữu phải diễn tả sự sống mới đã được ban tặng qua các bí tích, thành những hành động yêu thương, phục vụ cụ thể nơi gia đình, giáo xứ và xã hội !

Một Kitô hữu đến Nhà thờ Rước Chúa và lãnh nhận các bí tích, thì cũng phải biết rộng lượng, dịu dàng, ân cần [29] chia sẻ tình thương, sự tôn trọng, cơm bánh cho người nghèo; phải biết can đảm ra khỏi chính mình, để đi đến, vực dậy những người đang bị đè bẹp bởi những hậu quả tồi tệ của tội lỗi, là những cảnh đời bất công, bệnh tật, đau khổ, cô đơn, nghiệt ngã… và những hình thức nghèo khổ tinh thần lẫn vật chất khác nữa ! [30].

 

 

CHƯƠNG k : SỨ MỆNH XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI

GIÁO HUẤN 27

H. Vì sao Giáo Hội có Giáo huấn về xã hội ? [31] 

T. Giáo Hội có Giáo huấn về xã hội, để nêu lên các yêu cầu hoạt động xã hội chính đáng theo Tin Mừng; và phát huy những hành động xứng hợp phẩm giá con người.

Ø Lời Chúa : “Chúa phán với Ca-in: A-ben em con đâu rồi ?”[32]

Ø Giáo Huấn GH

Con người là một sinh vật xã hội có liên đới, nên Thiên Chúa đòi Ca-in phải biết A-ben đang ở đâu ! Nên cả trên Thiên đàng lẫn mặt đất, con người đều dựa vào cộng đồng [33].

Thiên Chúa đã ban những Điều răn, để xây dựng một xã hội công bằng [34].

Đức Giêsu thì đã kể về cuộc Phán xét chung [35], để kêu gọi ta xây dựng một xã hội công lý, dựa trên nền tảng tình yêu, cụ thể là với những người lân cận.

Dựa vào đó, Giáo huấn xã hội của Giáo Hội nêu lên những nguyên tắc, chuẩn mực để xây dựng một xã hội bác ái [36], với tự do, công bằng, tôn trọng phẩm giá con người, xứng hợp với sứ điệp yêu thương đầy hy vọng của Tin Mừng [37], như lời khích lệ bạn : “Hãy làm càng nhiều việc thiện, cho càng nhiều người càng tốt; bằng mọi phương tiện, cách thế có thể; tại mọi nơi và vào mọi lúc có thể !” [38].   

 

GIÁO HUẤN 28

H. Tại sao Giáo Hội không chỉ quan tâm đến cá nhân, mà còn quan tâm đến cả cộng đồng ? [39]

T. Vì từ trong lòng mẹ, mỗi người đã phải hiệp thông với người khác; và chỉ hạnh phúc khi có tương quan tốt đẹp với những người khác.

Ø Lời Chúa :  “Con người ở một mình thì không tốt !” [40].

Ø Giáo huấn GH :

Mỗi mạng người đều quan trọng dưới ánh mắt Thiên Chúa. Mỗi người là một độc đáo không thể thay thế, vì đã được chính Thiên Chúa muốn, yêu thương, và gọi tên [41] !

Tuy nhiên, ngay từ trong lòng mẹ, mỗi người đã cần phải hiệp thông với người khác, cụ thể là với mẹ cha. Ta chỉ được hạnh phúc khi có những tương giao tốt đẹp với người khác. Do đó, Thiên Chúa sáng tạo đã phán : “…Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng” [42]. Như vậy, Thiên Chúa cũng quan tâm cả đến việc phát triển của mỗi người trong cộng đồng, mà họ được mời gọi tham gia xây dựng, bằng nhiều cách thế khác nhau, với những khả năng khác nhau mà Thiên Chúa đã phú bẩm.

Thế nhưng, xã hội không bao giờ được coi con người như phương tiện chỉ để đạt mục đích cho xã hội.

Thực ra, một số xã hội nền tảng như gia đình hoặc đất nước, đều cần thiết và cũng phù hợp với bản tính con người [43], vì thế, mỗi người có bổn phận góp phần xây dựng và thăng tiến, dựa trên Giáo huấn xã hội của Giáo Hội. 

 

GIÁO HUẤN 29

 H. Vì sao Giáo Hội thực hành sự liên đới ? [44]

T. Giáo Hội thực hành sự liên đới, vì Giáo Hội là nơi diễn ra tình liên đới vĩnh viễn của Thiên Chúa với con người.

Ø Lời Chúa : “Đây là nhà tạm, nơi Thiên Chúa ở cùng nhân loại” [45].

Ø Giáo huấn GH :

Lời Chúa cho thấy : Thiên Chúa muốn Giáo Hội là “nhà tạm”, nơi Người tập hợp toàn thể gia đình nhân loại  [46]. Giáo Hội là “dấu chỉ và khí cụ của sự kết hiệp thật mật thiết với Thiên Chúa, và là sự hiệp nhất của toàn thể nhân loại” [47]. Người muốn cất công đến với mọi quốc gia và nền văn hoá để cứu giúp muôn người, qua một Giáo Hội biết noi gương Chúa Giêsu : biết sống tình liên đới cả với những người cô thế cô thân, những nạn nhân của bất công, của nghèo khổ trong mỗi thời đại. 

Bất cứ ai nỗ lực xây dựng một thế giới với gia đình, cộng đoàn nhân đạo hơn, thì Thiên Chúa ở cùng họ, và đó là dấu chỉ họ là môn đệ của Chúa Kitô [48]. Do đó, Giáo Hội còn liên đới với tất cả những ai không cùng niềm tin, để mong cho thế giới được nhìn thấy ơn Thiên Chúa cứu độ.

Quả vậy, không ai có thể lên trời mà không cần đến người khác… vì chính Thiên Chúa cũng không cô độc, Người là Một Chúa Ba Ngôi, là một cộng đồng, mà con người phải noi theo, để sống liên đới, bằng sự tham gia, trao đổi, lắng nghe, đối thoại, trách nhiệm đối với nhau [49].

 

GIÁO HUẤN 30

 H. Giáo huấn xã hội của Giáo Hội liên quan thế nào với Tin Mừng, với Đức tin ? [50]

T. Giáo huấn xã hội liên quan chặt chẽ với Tin Mừng và Đức tin, vì ta khó mà gọi mình là Kitô hữu, nếu không dấn thân vào xã hội.

Ø Lời Chúa :“Nước Thiên Chúa đã đến giữa anh em” [51].

Ø Giáo huấn GH:

Khi tuyên bố Nước Thiên Chúa đã đến, Đức Giêsu đã khởi đầu thiết lập Nước Thiên Chúa, một Nước mới của yêu thương, công lý, tự do và hoà bình.

Vì vậy, các Kitô hữu được mời gọi tham gia làm cho xã hội tốt đẹp hơn; xây dựng một thành phố ‘nhân đạo, tương hợp nhiều hơn với Nước của Thiên Chúa’ [52], bằng cách sống như  ‘muối men mặn nồng, làm tươi ngon và dậy lên cả khối bột trần gian’ [53].

Nếu Giáo Hội chỉ tuyên xưng Đức tin và cử hành Phụng vụ, mà làm ngơ thực thi yêu thương, dựa trên nền tảng công lý, tự do và hoà bình, trước những điều kiện sống thê thảm của con người, Giáo Hội đó phản bội Đức Kitô, Đấng đã chữa lành thể xác lẫn tinh thần cho mỗi người đến kêu xin.

Ngược lại, nếu chỉ lo phát triển xã hội, mà lãng quên Tin Mừng và Đức tin, thì chúng ta sẽ “huỷ diệt các linh hồn” [54], mà tự bản chất được mời vào hưởng Nước hạnh phúc vĩnh cửu của Thiên Chúa…

 

GIÁO HUẤN 31

H. Theo Giáo huấn về xã hội, các phương tiện truyền thông có giá trị thế nào, cho những mối tương quan xã hội ? [55]

T. Phương tiện truyền thông giúp giáo dục, thông báo, giải trí; và được coi như chất keo giao tiếp hàn gắn các giềng mối xã hội.

Ø Lời Chúa :Anh em hãy đi khắp bốn phương, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo[56].

Ø Giáo huấn GH :

Các phương tiện truyền thông – như truyền hình, báo chí, internet, điện thoại, mạng xã hội – là những viên gạch cần thiết xây dựng nên xã hội hiện đại; các phương tiện này giúp ta giao tiếp, vượt qua những giới hạn về nơi chốn và văn hoá, tạo ra môi trường để kết bạn, hiểu biết nhau hơn.

Đây là cơ hội lớn, nhưng những ai cung cấp, phân phối, sử dụng các phương tiện này, phải ý thức sâu xa về trách nhiệm đạo đức, phải làm sao để những phương tiện này phục vụ công ích hơn, tránh được những tác hại có thể xảy ra [57].

Các Kitô hữu càng phải quan tâm : để làm cho Tin Mừng được loan báo, đức tin được tuyên xưng cách thích hợp trên các phương tiện truyền thông; để các phương tiện ấy luôn được sử dụng cách đúng đắn, đạo đức [58], góp phần phát triển toàn diện con người và xã hội [59].

 

GIÁO HUẤN 32

H. Ta cần dùng phương tiện truyền thông thế nào cho đúng đắn ? [60]

T. Ta cần dùng các phương tiện truyền thông cách khôn ngoan, chủ động, có trách nhiệm và kỷ luật.

Ø Lời Chúa : “Nước trời giống như lưới bắt cá… người ta kéo lên lựa chọn : cá tốt thì bỏ vào giỏ, cá xấu thì ném ra ngoài” [61].

Ø Giáo huấn GH :

Dùng phương tiện truyền thông cách khôn ngoan là một thách thức lớn, đòi ta luôn phải biết làm chủ, biết quyết định tập chú vào điều gì, mục nào cho xứng hợp, có như thế mới tránh được tâm trạng chán nản, trống rỗng !

Muốn vậy, các bậc cha mẹ, giáo lý viên, những người hướng dẫn các thanh thiếu niên, phải làm gương và giúp các em biết sử dụng phương tiện truyền thông cách ‘có kỷ luật’, nghĩa là phải có thời gian, nơi chốn ấn định rõ ràng… nhất là  giúp các em biết lựa chọn, để truy cập những nội dung phong phú, lành mạnh.

Đối với các phương tiện truyền thông kỹ thuật số, khi gõ thích (Like), bình luận (Comment), chia sẻ (Share), tải video hay đưa hình ảnh lên mạng… chính chúng ta phải chịu trách nhiệm, không khác gì một nhà cung cấp. Đừng để “mạng internet trở thành là một nơi chỉ để tìm kiếm, sao chép, đọc lướt. Tầm thường hơn, là thế giới sống ảo ! Tệ hơn hết, đó là nơi ném đá, lạm dụng, gài bẫy các dữ liệu, và bè phái !” [62].

 

GIÁO HUẤN 33

Ø H. Ta có trách nhiệm gì khi dùng những phương tiện truyền thông ? [63]

T. Ta phải dùng những phương tiện truyền thông cách trách nhiệm đối với Thiên Chúa, với những người lân cận, và với chính bản thân.

Ø Lời Chúa :“Ta sẽ đổ Thần Khí trên tôi nam tớ nữ của Ta, và họ sẽ trở thành ngôn sứ” [64]

Ø Giáo huấn GH :

Phương tiện truyền thông xã hội có thể dẫn chúng ta đến với nhau, hoặc cô lập nhau ! có thể thông tin, truyền cảm hứng, giúp sống phong phú thêm, nhưng cũng có thể dụ dỗ ta phạm tội ! vì vậy, ta cần ý thức sâu xa rằng :

Ta phải dùng các phương tiện truyền thông cách có trách nhiệm đối với Thiên Chúa, Đấng muốn chúng ta trở nên những ngôn sứ loan truyền sự thật, và tìm kiếm nhau trong tình yêu thương !..

Ta cũng phải có trách nhiệm đối với người lân cận, vì họ cần được quan tâm và thăng tiến. 

Nhất là ta phải có trách nhiệm đối với chính bản thân, vì mỗi chúng ta cần sống trong cộng đồng ‘thật’ với những người khác, thay vì cô lập mình trong không gian ‘ảo’, hoặc đóng kín trước những hoàn cảnh thực tế của người lân cận !

Hãy cảnh giác, đừng để cho những phương tiện truyền thông “khiến cho ta mập béo lên, ngốc nghếch ra, hung hăng thêm, rồi bệnh hoạn, cô độc, và bất hạnh ! ! [65]”.

 

GIÁO HUẤN 34

H. Các phương tiện truyền thông là tốt hoặc xấu ra sao ?[66]

T. Các phương tiện truyền thông cơ bản là tốt, nhưng có thể thành xấu nếu bị sử dụng sai lầm.

Ø Lời Chúa : “Người tốt lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình…” [67].

Ø Giáo huấn GH :

Phương tiện truyền thông là tốt, nhưng có thể thành xấu khi bị sử dụng với mục đích và cách thức sai lầm, với những thông tin vô ích, giải trí vô nghĩa, khiến ta xa lạc với cuộc sống thực !

Rất nhiều khi, để kiếm tiền, có những nhà cung cấp cố ý khai thác, lạm dụng, dẫn người dùng đến nghiện ngập ! khiến người ta thường lên internet để tìm kiếm những nội dung bạo lực, khiêu dâm, được lập trình dưới những hình thức hấp dẫn, gây nghiện, như  trò chơi vi tính (games).

Kitô hữu chúng ta cần kiên quyết tránh những nội dung thiếu lành mạnh ! và chân tình giúp đỡ những ai đang bị lệ thuộc vào internet, nhất là giới trẻ, thoát khỏi tình cảnh khốn khó của họ [68].

Tất cả những ai sử dụng các phương tiện truyền thông, cần vận dụng khả năng tự do chọn lựa của mình, để tránh những gì có thể là nguyên cớ, là cơ hội xấu, khiến cho chính họ bị tác hại về phần thiêng liêng, tinh thần và thể xác, hoặc khiến cho những người khác gặp những nguy hiểm vì gương xấu [69] !…

 

 

CHƯƠNG l

NHÂN VỊ, ĐỘC NHẤT VÀ GIÁ TRỊ VÔ CÙNG

GIÁO HUẤN 35

H. Khi nói về con người, Giáo huấn Giáo Hội muốn nói điều gì ? [70]

T. Khi nói về con người, hai từ “ngôi vị” được dùng để nói lên rằng: mỗi người có một phẩm giá không ai được xúc phạm, vì đã được tạo dựng giống với Thiên Chúa.

Ø Lời Chúa : “Chúa phán : chúng ta hãy làm ra con người giống như chúng ta… có nam có nữ” [71].

Ø Giáo huấn GH :

Thiên Chúa muốn yêu thương tạo nên con người là một ngôi vị, với phẩm giá, có giá trị độc nhất, giống với Thiên Chúa, không thể lặp lại… và cũng có khả năng nhận biết, suy tư, trách nhiệm về chính mình, để đưa ra những quyết định tự do, để tin cậy, mến yêu Thiên Chúa, và có thể phát triển trọn vẹn ‘những khả năng làm người’ đã được Thiên Chúa ươm sẵn nơi mỗi người [72].

Sau nữa, mỗi người còn được mời gọi tương quan với những người khác. Vì mỗi người chỉ có thể sống và phát triển nhờ vào mối giao hảo, giúp đỡ của những người khác, nơi gia đình, rồi đến bạn bè và xã hội.

Con người luôn cần đến xã hội, khởi đầu là gia đình, vì tự ban đầu đã được Thiên Chúa tạo dựng có nam có nữ [73], để bổ túc cho nhau, cùng nhau chia sẻ cuộc sống trong tình liên kết. Thiên Chúa còn làm cho tình yêu thương giữa nam và nữ trổ sinh hoa trái nơi con cái. Vì vậy, gia đình luôn được coi là cội nguồn của mọi xã hội.

 

GIÁO HUẤN 36

H. Sống trong xã hội nghĩa là sống thế nào ? [74]

T. Sống trong xã hội nghĩa là sống dồi dào các mối tương quan, từ gia đình đến những người khác, đến các động vật, môi trường, và thiên nhiên.

Ø Lời Chúa : “Lạy Chúa, Ngài tế độ con người và súc vật”[75].

Ø Giáo huấn GH :

Đời sống trong xã hội, trước nhất được trải nghiệm trong gia đình. Gia đình sống dồi dào khi thường xuyên trò chuyện với nhau, quan tâm chăm sóc nhau, khi lợi ích cá nhân thường được đặt sau hạnh phúc của cộng đồng.

Là những tạo vật mang tính xã hội, với trí khôn và ý chí, chúng ta chia sẻ khả năng sáng tạo của Thiên Chúa, nên cũng chịu trách nhiệm về từng người mà Thiên Chúa đã tạo dựng, với giá trị thiêng liêng và bất khả xâm phạm. “Chúng ta phải yêu thương họ, vì họ tốt hoặc để họ có thể trở nên tốt” [76].

Trách nhiệm xã hội của ta còn trải rộng tới muông thú, nên ta phải đối xử tử tế, hữu ích với loài vật.

Chúng ta còn có trách nhiệm với môi trường, thiên nhiên, nên phải luôn bảo tồn cẩn thận và khai thác chừng mực.

Tuy nhiên, đối tượng phải coi trọng trên hết vẫn là con người, là nền tảng đích thực của xã hội; nên luôn phải đặt con người ở vị trí ưu tiên, vì con người đã được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa [77], với phẩm giá cao quý, không giá nào mua nổi và sánh bằng !

 

GIÁO HUẤN 37

H. Sống trong xã hội, con người chịu những gánh nặng nào ? [78] 

T. Con người phải chịu những tổn thương và tác hại, mà trước hết là do tội nguyên tổ !

Ø Lời Chúa :“Nếu ta nói ta không có tội, ta tự lừa dối, và sự thật không ở trong ta” [79].

Ø Giáo huấn GH :

Con người có phẩm giá cao quý, nhưng lại dễ bị tổn thương do nhiều loại tác hại, nhất là do tội nguyên tổ : Ông A-đam đã phạm tội và tác hại trên toàn nhân loại ! Nên tất cả chúng ta đều là tội nhân ! Thật ra, chúng ta có khả năng Chúa ban để nói ‘không’ với tội, nhưng quyền lực sự Dữ đã chạm tới tận khả năng tự do trong ta, khiến tự ta dám chủ ý làm điều ác, rời xa Thiên Chúa ! gây tổn thương và tác hại đến xã hội [80] !

Nhờ Tin Mừng tình thương, nhờ công trình cứu chuộc của Chúa Giêsu, ta được giải thoát khỏi ách giam hãm của tội lỗi.

Giáo huấn xã hội của Giáo hội giúp ta điểm mặt tội lỗi, là bước đầu tiên, để ta được giải thoát khỏi những gánh nặng do tội lỗi.

Giáo huấn xã hội của Giáo Hội mời gọi, và cũng nêu lên những lối đường, để chúng ta xây dựng “Nền văn minh tình thương”, khởi đầu bằng sự hối cải và hoà giải của mỗi người với Thiên Chúa ! [81].

 

GIÁO HUẤN 38

H. Con người cần tự do đến đâu ? [82] 

T. Con người luôn cần thiết sự tự do, vì chỉ khi có tự do, ta mới có thể đáp lời Thiên Chúa, cũng như tạo lập đời sống cá nhân và xã hội của mình.

Ø Lời Chúa :“Sự thật sẽ giải phóng các ông” [83].

Ø Giáo huấn GH :

Được hành động tự do là quyền cơ bản của con người. Khi được tự do quyết định, ta cũng chịu hoàn toàn trách nhiệm về hành vi của mình, điều này làm nên giá trị của một con người.

Chỉ một người tự do mới có thể yêu mến, và tự nguyện đáp lời Thiên Chúa; mới có thể tạo lập đời sống cá nhân và xã hội của mình.

Nhưng tự do đích thực không có nghĩa là được làm bất cứ điều gì mình thích, mà là được tự chọn làm những điều thật sự tốt đẹp.

Muốn vậy, tự do phải được định hướng nhờ lương tâm, vì với lương tâm [84], lý trí ta có thể nhận biết những chân lý, những luật tự nhiên ta phải tuân giữ.

Lương tâm của ta phải được rèn luyện không ngừng, bằng việc nỗ lực sống theo Tin Mừng yêu thương của Chúa Kitô [85]; và sống theo ơn sức mạnh cũng như ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần thúc đẩy và soi dẫn [86], hầu hoàn thiện bản thân và xã hội, theo đúng kế hoạch yêu thương của Cha trên trời.     

 

GIÁO HUẤN 39

H. Con người thuộc về một cộng đồng nghĩa là gì ? [87] 

T. Thuộc về một cộng đồng nghĩa là sống hiệp thông với cộng đồng.

Ø Lời Chúa : “Hãy yêu thương người thân cận như chính mình” [88].

Ø Giáo huấn GH :

Động vật sống theo bầy đàn, còn con người sống theo cộng đồng với tình hiệp thông, là biết dự phần và chia sẻ cho nhau. Các Kitô hữu còn được mời gọi sống mật thiết với Chúa Kitô và với nhau, theo mẫu gương của mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi [89].

Qua việc tự lựa chọn, con người lập thành các cộng đồng liên đới với nhau, bằng sự hợp tác, phục vụ, xây dựng lịch sử, kiến tạo tương lai, để lại dấu ấn của riêng mình, và đồng trách nhiệm với nhau. Trong tất cả các cộng đồng, như gia đình, dân tộc, liên đoàn thể thao… con người được liên kết với nhau theo nguyên tắc hợp nhất : “Một cộng đồng không phải là hợp chung  lại những lợi ích của các thành viên, nhưng là hợp chung lại những việc hiến thân, quên mình của các thành viên” [90].

Cũng phải trân trọng sự bình đẳng, ngang bằng nhau [91], vì Thiên Chúa đã ban tặng phẩm giá cho mọi người, với linh hồn có lý trí như nhau [92].

Vì vậy, yêu ai chính là nhìn người ấy, theo hình ảnh mà Thiên Chúa đã muốn định liệu cho người ấy [93], chứ không phải theo hình ảnh mà ta đã in trí, đã muốn gán ghép cho người ấy !

 

GIÁO HUẤN 40

H. Nhân quyền là gì ? [94] 

T. Nhân quyền là những quyền căn bản, được ghi khắc trong bản tính con người.

Ø Lời Chúa :“Không còn phân biệt Do thái hay Hy lạp… tất cả chỉ là một trong Đức Kitô” [95].

Ø Giáo huấn GH :

Nhân quyền là những quyền căn bản được ghi khắc trong bản tính mọi người, bảo đảm cho một đời sống có tự do, phẩm giá và bình đẳng.

Nhân quyền bắt rễ trong phẩm giá của mỗi người, là những tạo vật đã được tạo thành giống với Thiên Chúa; nên những quyền này phải luôn được thừa nhận và bảo vệ ở mọi nơi mọi thời. Các Kitô hữu cần lên tiếng khi nhân quyền bị vi phạm [96].

 Nhân quyền gồm : Quyền được sống, ngay từ lúc được thụ thai; Quyền tự do ngôn luận, là quyền được phát biểu, tiếp cận thông tin… nhưng không đồng nghĩa với việc tùy tiện vu khống, bôi nhọ người khác [97];  Quyền được kiếm sống, để nuôi thân và gia đình; Quyền được kết hôn, sinh dưỡng con cái; Quyền tự do tôn giáo : được tự ý chọn và thực hành một tôn giáo…   

Tuy nhiên, một khi đã được hưởng nhận nhân quyền, thì chúng ta cũng phải thừa nhận, và thực hiện những nghĩa vụ cũng như trách nhiệm đối với người khác [98].

 

CHƯƠNG BỐN NGUYÊN TẮC CỦA GIÁO HUẤN XÃ HỘI

GIÁO HUẤN 41

 H. Những nguyên tắc của Giáo huấn xã hội của Giáo hội là gì ? [99] 

T. Là Phẩm giá con người; Công ích; Bổ trợ; và Liên đới.

Ø Lời Chúa :“Hãy yêu đồng loại như chính mình” [100].

Ø Giáo huấn GH :

Với bốn nguyên tắc là Phẩm giá con người (x. Giáo huấn 35, trg.19), công ích, bổ trợ và liên đới, dù gặp vấn đề nào trong mối liên hệ cá nhân hay tập thể, hoặc quốc gia, chúng ta vẫn luôn có thể xác định điều gì thật sự là nhân đạo, ích lợi cho xã hội và công bằng [101].

Nếu áp dụng bốn nguyên tắc cùng nhau, chúng ta có thể thấu hiểu sâu sắc một cộng đồng xã hội. Ví dụ : Một gia đình sẽ là cộng đồng xã hội đáng giá và đáng được bảo vệ, khi thực hiện đầy đủ bốn nguyên tắc như sau :

  1. Gia đình cần phát triển phẩm giá của mỗi người.
  2. Gia đình cần thực hành tình liên đới.
  3. Gia đình cũng cần tình liên đới của những gia đình khác, vì nếu thiếu sự hỗ trợ từ bên ngoài, gia đình không thể đóng góp phần của mình để phục vụ cho công ích.
  4. Dù vậy, các cấp thẩm quyền cao hơn phải giữ nguyên tắc bổ trợ, nghĩa là không được phép lấy đi những gì mà gia đình có thể tự làm, như việc nuôi dạy con cái [102].

 

GIÁO HUẤN 42

H. Công ích nghĩa là gì ? [103] 

T. Công ích là “toàn bộ những điều kiện của đời sống xã hội, cho phép ta có thể đạt tới sự hoàn hảo cách đầy đủ và dễ dàng hơn” [104].

Ø Lời Chúa :“Khi con làm gì cho một anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là con đã làm cho chính Ta” [105].

Ø Giáo huấn GH :

Mục tiêu của xã hội là công ích, nghĩa là tôn trọng điều tốt đẹp cho mọi người, và cho toàn thể một con người.

Công ích đòi hỏi xã hội phải quan tâm, và bảo đảm các quyền được có những phương tiện tự nhiên để sống, như được có lương thực, nơi ở, y tế, việc làm, giáo dục; cũng phải được quyền tự do tư tưởng, hội họp và tự do tôn giáo… [106].

Hơn nữa, ta còn phải ước muốn công ích, nghĩa là phải quan tâm đến điều tốt đẹp cho mọi người, vật chất lẫn tinh thần.

Thiên Chúa đã tạo dựng nên của cải vật chất cho mọi loài, nên mỗi người có quyền hưởng dùng những gì thiết yếu cho sự sống, mà không ai được phép tước đoạt.

Nếu có những người quá dư dật, đang khi những người khác thiếu thốn cả đến những thức cơ bản nhất để sống, thì đòi buộc người ta phải giữ lẽ công bằng, và trên hết, phải sống tình bác ái [107].

 

GIÁO HUẤN 43

H. Nguyên tắc bổ trợ là gì ? [108] 

T. Nguyên tắc bổ trợ nghĩa là : Cấp trên có quyền can thiệp để giúp đỡ khi cấp dưới cần thiết. Nhưng khi cấp dưới có thể tự làm, thì cấp trên không có quyền can thiệp.

Ø Lời Chúa :Hãy tôn trọng mọi người”[109].

Ø Giáo huấn GH :

Mỗi nhiệm vụ xã hội luôn được phân công trước tiên cho một nhóm nhỏ có thể thực hiện được.

Nhưng nếu nhóm nhỏ cần sự giúp đỡ, thì nhóm cấp cao hơn phải Bổ trợ. Như khi một gia đình gặp khó khăn, tập thể có quyền can thiệp vào, nếu gia đình đó, hay bậc cha mẹ đã mang quá nhiều gánh nặng đến nỗi không thể giải quyết được vấn đề !  

Nguyên tắc bổ trợ nhằm để nâng đỡ quyền tự do của cá nhân, của nhóm, của đoàn thể… Sáng kiến cá nhânkhả năng tự lập luôn cần được khuyến khích, vì đó là những yếu tố quan trọng của phẩm giá làm người [110].  

Chính vì vậy, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã kêu gọi : Các chủ chăn cần lắng nghe ý kiến của Anh chị em Giáo dân; tín cẩn giao phó công tác, để Anh chị em phục vụ Giáo Hội. Cũng cần khuyến khích, tạo điều kiện, để Anh chị em đảm nhận những công việc do chính họ khởi xướng [111].

 

GIÁO HUẤN 44

H. Nguyên tắc liên đới xác định điều gì ? [112] 

T. Nguyên tắc liên đới xác định : Để phát triển trọn vẹn, mỗi người luôn cần đến sự hỗ trợ của người khác.

Ø Lời Chúa :“Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau” [113].

Ø Giáo huấn GH :

Không ai có thể sống riêng lẻ, cho riêng mình, mà luôn cần đến người khác, không chỉ để nhận được những giúp đỡ cụ thể, mà còn để đối thoại, để thăng tiến nhờ hiểu biết các ý nghĩ, lý lẽ, tâm tư, mong ước của người khác, và để phát triển nhân cách của chính mình trọn vẹn hơn.

Liên đới là chủ tâm hỗ trợ mọi người cách thực tế, để họ được sống tốt đẹp. Những lời mơ hồ về lòng thương cảm chẳng giúp được ai, chúng ta phải hành động cụ thể ! Đúng như lời cảnh giác của Mẹ Têrêsa Cancutta : “Nhiều người thích nói về người nghèo, nhưng rất ít người chịu nói với người nghèo !”.

“Nguyên tắc liên đới đòi hỏi mỗi người nhận thức rõ hơn rằng: chúng ta mắc nợ xã hội, mà chúng ta là những thành phần” [114].

Mỗi cá nhân khó làm nên chuyện ! nên chúng ta cần phải dựa vào những người khác, với cả các thế hệ tổ tiên, những người tiền nhiệm đi trước chúng ta; và cũng phải hướng về các thế hệ con cháu tương lai, trong mọi hành động và quyết định hiện nay [115].

 

GIÁO HUẤN 45

H. Đối với người tín hữu, lý do sâu xa nhất để thực hành liên đới là gì ? [116] 

T. Lý do sâu xa nhất để Kitô hữu thực hành liên đới là vì chính Thiên Chúa, qua Đức Giêsu Kitô, đã liên đới mật thiết với con người.

Ø Lời Chúa :“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” [117].

Ø Giáo huấn GH :

Không ai có thể thực hiện tình liên đới cao cả hơn Đức Giêsu. Người được tặng ban, như dấu chỉ sống động, cho tình liên đới của Chúa Cha với loài người, vì loài người không thể tự mình liên kết với Thiên Chúa.

Về phần Đức Giêsu Kitô, Người không chỉ nói đến tình liên đới của Người với toàn thể loài người, mà Người còn hành động bằng việc tự nguyện từ bỏ mạng sống vì chúng ta !

Sự tự hiến đến cùng này vì người khác nói lên mức độ cao quý nhất của tình yêu và tình liên đới, và phải trở thành chuẩn mực cho hành động của các tín hữu Kitô chúng ta.

Quả thực, bản tính thâm sâu nhất của tình yêu là tự hiến [118] và hiệp thông : “Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cũng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung” [119].

 

CHƯƠNG 5 : GIA ĐÌNH, NỀN MÓNG CỦA XÃ HỘI

GIÁO HUẤN 46

H. Vì sao Thiên Chúa muốn chúng ta chung sống trong gia đình ? [120] 

T. Thiên Chúa muốn chúng ta chung sống trong gia đình để sống tình hiệp thông, làm nền móng cho xã hội.

Ø Lời Chúa :“Con người ở một mình không tốt”[121].

Ø Giáo huấn GH :

Trong công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã thiết lập gia đình, khi dẫn E-va đến với A-đam, và ông đã nói : ‘Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi’ [122]Cựu Ước coi gia đình là cái nôi, để các bậc cha mẹ ươm dạy cho con cháu, về tình yêu và lòng trung tín của Thiên Chúa. Trong Tân Ước, việc Ngôi Hai làm người và lớn lên trong một gia đình hoàn toàn ‘bình thường’ tại Na-da-rét, khiến cho gia đình trở thành một địa chỉ cư ngụ đặc biệt của Thiên Chúa, như một cộng đồng độc đáo !

Giáo Hội xem gia đình là cộng đồng tự nhiên đầu tiên và quan trọng nhất, là nền móng và trọng tâm của toàn bộ đời sống xã hội, với những đặc quyền sinh sản, dưỡng dục, nuôi nấng con cái [123]. Gia đình còn là Hội Thánh thu nhỏ, là cộng đoàn đức tin, bác ái và loan báo Tin Mừng.

Trong xã hội tục hóa ngày nay, gia đình cần có Chúa Kitô cư ngụ, để trở nên muối men ướp dậy tin yêu cho nhân loại [124].

 

GIÁO HUẤN 47

H. Gia đình làm gì cho mỗi cá nhân và xã hội ? [125]

T. Gia đình ươm trồng, phát huy những khả năng, đức tính xứng hợp cho đời sống xã hội.

Ø Lời Chúa : “Thiên Chúa ban phúc lành cho họ…” [126].

Ø  Giáo huấn GH :

‘Tôi được yêu thương vô điều kiện’, đó là trải nghiệm không thể thiếu, khi được sống trong một gia đình tốt lành. Nơi mà ông bà, cha mẹ, con cháu cùng cảm nhận được thế nào là sống hiệp thông, là yêu thương, liên đới, tận tâm, tôn trọng nhau chỉ vì phẩm giá, chỉ vì người ấy thuộc về gia đình ! giúp cho mỗi người biết sống trách nhiệm, và đủ sức đối phó trước những thuận nghịch trong xã hội mai sau.  

Gương sống của cha mẹ về tinh thần và đức tin chính là quyển sách cho con cháu nghiền ngẫm [127]; cha mẹ là những giáo lý viên đầu đời và suốt đời, nhất là trong việc dạy con cái cầu nguyện, và nhận biết mình là con cái của Cha trên trời [128].

 Thực ra, mọi điều gia đình làm cho các thành viên, như nuôi dạy, chăm sóc, nhất là cho những thành viên bệnh tật, già yếu… tất cả đều liên quan đến xã hội. Vì chính nơi một gia đình tốt lành, mà người ta học biết về sự đồng cảm, tận tâm với người nghèo khổ, bệnh tật, cô độc, bị bỏ rơi.

Hơn hết mọi cộng đồng khác, gia đình góp phần không thể thiếu, để xây dựng một xã hội xứng hợp với phẩm giá con người [129].

 

GIÁO HUẤN 48

 H. Gia đình có còn phù hợp với xã hội hiện đại không ? [130]

T. Gia đình vẫn luôn phù hợp, cần thiết cho xã hội hiện đại trong mọi lĩnh vực.

Ø Lời Chúa : “Anh em sum họp một nhà, bao là tốt đẹp bao là sướng vui !” [131].

Ø Giáo huấn GH :

Gia đình vẫn luôn phù hợp, và hơn khi nào hết, còn cần thiết cho xã hội hiện đại, trong những lĩnh vực về nhân bản, giáo dục, tôn giáo, tình yêu thương, công ăn việc làm, tổ chức xã hội và văn hoá [132].

Những gia đình tốt lành sẽ bổ khuyết cho xã hội hiện đại, thường thiếu sót những niềm xác tín về tôn giáo và luân lý !

Quả thực, không nơi đâu con em chúng ta được nuôi dạy tốt đẹp hơn trong cái nôi nhân văn của đời sống gia đình, dựa trên những lý tưởng cao quý và những mối liên hệ tốt đẹp. Chính nơi gia đình, các cá nhân mới có thể bày tỏ và học biết rằng : tôn trọng, đối thoại, lắng nghe nhau, sự công bằng và tình yêu là quan trọng hơn bất cứ điều gì khác, để có thể chung sống hạnh phúc với nhau.

Do đó, gia đình thật sự là trung tâm giúp cho con người được hội nhập vào xã hội mình sống…

“Gia đình có êm ấm thuận hòa thì đất nước mới được trật tự; đất nước có trật tự thì xã hội mới được an bình !” [133].

 

GIÁO HUẤN 49

H. Việc nuôi dạy con cái có phải chỉ dành riêng cho gia đình không ? [134]

T. Thưa không, vì nền giáo dục của một người trong xã hội phải toàn diện, với sự hợp tác của các cơ sở đa dạng khác.

Ø Lời Chúa : “Hãy tìm một người đáng tin cậy để đi với con” [135].

Ø Giáo huấn GH :

Phải luôn nhớ rằng : gia đình có quyền và bổn phận hàng đầu, trong việc nuôi dạy và gieo trồng cho con cái nền giáo dục toàn diện.

Thế nhưng, con em chúng ta còn phải tương giao với bên ngoài, như với trường học, các đoàn thể xã hội… nhất là với giáo xứ, như với các lớp giáo lý, các hội đoàn công giáo…

Nền giáo dục toàn diện như thế là để đào tạo nên các con dân yêu hoà bình, tuân thủ luật pháp, biết đối thoại, gặp gỡ, liên đới, công bằng và yêu thương.

Để đạt những thành tựu trên, những gương mẫu sống động [136], nhất là từ cha mẹ là quan trọng hơn hết !

Trẻ em cần nhận được cội rễ,đôi cánh” [137]: Cội rễ chỉ về tổ tiên, ông bà, cha mẹ trong gia tộc, với những truyền thống cần được luôn trân quý, bảo tồn và phát huy. Đôi cánh, chỉ về những khả năng xã hội, như giao tế, hợp tác, lắng nghe, đối thoại… mà mỗi người cần được đào tạo và tự đào tạo, để có thể bay bổng lên mỗi ngày, nghĩa là không ngừng trưởng thành bản thân và phát triển xã hội mình đang sống !

 

GIÁO HUẤN 50

H. Đâu là vai trò của người cao tuổi trong gia đình ? [138]

T. Quý ông bà cao tuổi sẽ kết nối các thế hệ con cháu, trao chuyển những truyền thống, và kinh nghiệm phong phú.

Ø Lời Chúa : “Già cỗi rồi vẫn sinh hoa kết trái, tràn đầy nhựa sống, cành lá xanh rờn” [139].

Ø Giáo huấn GH :

Sự hiện diện của các vị cao tuổi trong gia đình rất quý giá. Các ngài là mối dây nối kết các thế hệ con cháu; và với kinh nghiệm sống phong phú, các ngài mang đến cho xã hội, nhất là cho giới trẻ, những đóng góp khôn ngoan, những đường hướng sống đúng đắn, những quyết định lợi ích cho gia đình và xã hội.

Các ngài trao truyền cho con cháu niềm tự hào, tin tưởng về cội nguồn, kể cả những ký ức đau thương như chiến tranh, để bảo đảm rằng : con cháu sẽ ghi nhớ quá khứ, hầu nỗ lực xây dựng một tương lai nhân văn và hiếu khách hơn ! [140], không phải chỉ quan tâm tới bản thân, mà còn cần chăm lo cho người khác nữa.

Vì vậy, khi đã già yếu, các ngài không chỉ cần những dịch vụ y tế phù hợp, mà hơn hết, các ngài cần sự đối xử ân cần, dịu dàng, trân trọng, nhất là sự hiện diện của người thân quanh mình [141].

Hãy luôn nhớ lại Lời Chúa : “Ai bỏ rơi cha thì khác nào kẻ lộng ngôn, ai chọc giận mẹ, sẽ bị Chúa nguyền rủa !” [142].

 

GIÁO HUẤN 51

H. Vì sao trẻ em cần được bảo vệ đặc biệt ? [143]

T. Trẻ em cần được bảo vệ đặc biệt, vì “mỗi em là quà tặng quý giá nhất, mà Thiên Chúa dành cho gia đình, dân tộc và thế giới” [144].

Ø Lời Chúa :“Cứ để trẻ em đến với Thầy…” [145].

Ø Giáo huấn Giáo Hội :

“Mỗi trẻ em thực sự là quà tặng quý giá…”, và “Mỗi bé thơ chào  đời đều mang đến sứ điệp của Thiên Chúa rằng : Ngài vẫn chưa thất vọng về con người” [146].

Các em là tương lai của nhân loại, vì vậy, các em phải được kiện toàn và bảo vệ bằng mọi cách. Hơn nữa, nhiều em vẫn còn phải lớn lên thiếu dịch vụ y tế, thiếu chế độ dinh dưỡng, nền giáo dục sơ đẳng và cả nơi ăn chốn ở ! 

Ngoài ra, những hành động ô nhục đối với trẻ em vẫn cứ tiếp diễn, như nạn buôn bán, lao động trẻ em, trẻ em đường phố, lạm dụng tình dục !!  Những kẻ buôn bán vô lương tâm đã cướp đi của các em sự tự do, phẩm giá và cả tuổi thơ đáng lẽ phải đầy hồn nhiên và êm ấm !!!

Vì vậy, cần triệt để chống lại các xúc phạm trẻ em ! nhất là phổ biến thái độ tôn trọng phẩm giá và quyền lợi của mỗi em [147]. Đừng quên rằng : “Chừng nào vẫn còn một trẻ em bất hạnh trên trái đất, thì chẳng có khám phá hay tiến bộ nào của con người đáng gọi là lớn lao cả !” [148]; và “Những em bé cậy dựa vào chúng ta hôm nay, sẽ hỗ trợ chúng ta trong cuộc sống ngày mai” [149].

***

Chú thích :

[1] ĐTC Phanxicô : Diễn từ khai mạc Thượng HĐGMTG XVI, 09/10/2021.

[2] Mt 25, 45.

[3] x. DOCAT, Dẫn nhập : Lời ĐTC Phanxicô kêu mời.

[4] DOCAT, c. 1.

[5] 1 Ga 4, 16.

[6] x. Ep 3, 9.

[7] ĐTC Bênêđictô XVI, Thông điệp (TĐ). “Thiên Chúa là Tình yêu”, s. 2.

[8] x. Giêrêmia 1, 4-10; Isaia 43, 1; 49, 1.16. Thánh Henry Newman (1801-1890).

[9] ĐTC Bênêđíctô XVI, 9.7.2006.

[10] DOCAT, c. 2.

[11] Kh 4, 11.

[12] Tv 104, 24.

[13] Th. Tôma Aquinô, Về Mười Điều răn, Dẫn nhập.

[14] x. GLHTCG, s. 1694.

[15] x. DOCAT, c. 12.

[16] Mc 10, 17-22.

[17] x. ĐTC Bênêđíctô XVI, TĐ. “Thiên Chúa là tình yêu”, s. 59.

[18] x. DOCAT, c. 14.

[19] Ga 15, 12.

[20] Lv 19, 18.

[21] Ga 15,12.

[22] ĐTC Phaolô VI và Gioan-Phaolô II.

[23] Mt 25, 40.

[24] Meister Eckhart (1260-1328), nhà thần bí người Đức.

[25] Thánh Têrêsa thành Calcutta.

[26] x. DOCAT, c. 21.

[27] Joseph Ratzinger.

[28] Lc 4,18-21.

[29] Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII, TĐ. “Mẹ và Thầy” (1961), s. 257.

[30] x. Diễn văn của ĐHY Bergoglio trước Mật viện Hồng y, 2013; ĐTC Bênêđictô XVI, TĐ. “Thiên Chúa là tình yêu” (2005), s. 19.

[31] x. DOCAT, c. 22 tt.

[32] St 4, 9.

[33] x. Mt 25, 33 tt.

[34] x. GLHTCG, s. 2419-2420, 2422-2423.

[35] x. Mt 25, 31-46.

[36] ĐTC Bênêđictô XVI, TĐ. “Bác ái trong Chân lý”, s. 2.

[37] x. ĐTC Phanxicô, Tông Huấn : “Niềm Vui Tin Mừng”, s. 83.

[38] Được gọi là “Nguyên tắc của John Wesley”, Mục sư Anh giáo (1703-1791).

[39] x. DOCAT, c. 26.

[40] St 2, 18.

[41] x. Is. 49, 1.

[42] St 2,18.

[43] ĐTC Bênêđictô XVI. x. YOUCAT s. 322.

[44] x. DOCAT, c. 27.

[45] Kh 21,3.

[46] Kh 21, 3.

[47] CĐ. Vaticanô II : Hiến chế “Giáo Hội”, s. 1.

[48] Ga 13, 35.

[49] x. YOUCAT, c. 122.

[50] x. DOCAT, c. 28-30.

[51] Lc 11, 20.

[52] x. Tóm lược Học thuyết Xã hội, s. 63.

[53] Mt 13, 33.

[54] ĐTC Bênêđictô XVI, 05.02, 2006.

[55] x. DOCAT, c. 37 tt.

[56] Mc 16,15.

[57] ĐTC Bênêđictô XVI, Sứ điệp cho Ngày Truyền thông Thế giới lần 45, 2011.

[58] Thành lập năm 1948.

[59] x. ĐTC Bênêđictô XVI, sứ điệp cho Ngày Truyền thông Thế giới thứ 47, 2013.

[60] x. DOCAT, c. 41 tt.

[61] Mt 13, 48.

[62] Bruce Willis, sinh 1955, diễn viên Mỹ, 2007.

[63] x. DOCAT, c. 42 tt.

[64] Cv 2, 18.

[65] Manfred Spitzer (1958), BS tâm thần Đức, đã tạo ra thuật ngữ digital dementia (chứng thác loạn tâm thần do kỹ thuật số).

[66] x. DOCAT, c. 44 tt.

[67] Lc 6, 45.

[68] x. GLHTCG, s. 2498-2499.

[69] x. Vaticanô II, Sắc lệnh (SL) “Truyền thông” (Inter Mirifica/IM), s. 9.

[70] x. DOCAT, c. 47 tt.

[71] St 1, 26-27.

[72] x. GLHTCG, s.108, 109 356-361, 1702, 1704; YOUCAT, s. 56, 58, 63.

[73] x. St 2, 23.

[74] x. DOCAT, c. 49 tt.

[75] Tv 36, 7.

[76] Thánh Augustinô.

[77] Emm. Kant (1724-1804), triết gia Đức, Cơ sở Siêu hình của Luân lý học II (1785).

[78] x. DOCAT, c. 50 tt.

[79] 1 Ga 1, 8.

[80] Gioan Phaolô II, TĐ Sollicitudo Rei Socialis, s. 36.

[81] x. Giáo lý của Hội Thánh Công giáo (GLHTCG), s. 1868-1869; YOUCAT, s. 320.

[82] x. DOCAT, c. 56 tt.

[83] Ga 8, 32.

[84] Rm 2,15.

[85] x. GLHTCG, s. 1705-1706, 1730-1733, 1738, 1740-1744; YOUCAT, s. 288-289.

[86] x. https://xuanbichvietnam.wordpress.com/2008/07/10/buong-minh-cho-chua-thanh-th%E1%BA%A7n/

[87] x. DOCAT, c. 61 tt.

[88] Mc 12, 31.

[89] x. Tự Điển Công Giáo 2016 : “Hiệp thông”.

[90] Antoine de Saint-Exupery (1907-1946), nhà văn Pháp.

[91] x. Từ điển công giáo. x. DOCAT, s.58.

[92] x. GLHTCG, s. 1934.

[93] Fyodor Dostoevsky.

[94] x. DOCAT, s. 63 tt.

[95] Gl 3, 28.

[96] x. GLHTCG, s. 1701-1709;  YOUCAT, s. 280.

[97] x. Điều 25 Hiến pháp 2013 quy định công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội… theo quy định pháp luật.

[98] ĐTC Gioan 23, TĐ. Hòa bình thế giới.

[99] x. DOCAT, s. 63 tt.

[100] Lv 19, 18.

[101] x. GLHTCG, s. 1881, 1883, 1938 ff., 1939 ff. YOUCAT, s. 322, 323, 327, 332

[102] x. GLHTCG, s. 2209-2213, 2250;  YOUCAT, s. 370.

[103] x. DOCAT, s. 87tt.

[104] x. Vaticanô II, HC. “Vui mừng và Hy vọng, s. 26.

[105] Mt 25, 40.

[106] x. GLHTCG, s. 1907-1912, 1925, 1927; YOUCAT, s. 327.

[107] x. GLHTCG, s. 2443-2446; YOUCAT, s. 449. 

[108] x. DOCAT, s. 87tt.

[109] 1 Pr 2, 17.

[110] Nguyên tắc bổ trợ được hình thành năm 1931, trong Thông điệp Quadragesimo Anno của ĐGH Piô XI. x. GLHTCG, s. 1883-1885, 1894 286; YOUCAT, s. 323.

[111] x. Vaticanô II, HC. về Giáo Hội, s. 37.

[112] x. DOCAT, s. 100 tt.

[113] Gl 6, 2.

[114] Tóm lược Học thuyết Xã hội”, s. 195.

[115] x. GLHTCG, s. 1942; Youcat, s. 323, 328, 332, 447.

[116] x. DOCAT, s. 103 tt.

[117] Ga 3, 16.

[118] Edith Stein (1891-1942).

[119] 1 Cr 12,26.

[120] x. DOCAT, s. 112 tt.

[121] St 2, 18.

[122] St 2,20-23.

[123] Xem lại Giáo huấn 40 về Nhân quyền, trong tập “Học Hỏi 5 phút CN” này, trg 24.

[124] x. GLHTCG, s. 2207, 2226-2227; YOUCAT, s. 271.

[125] x. DOCAT, s. 115 tt.

[126] St 1, 28.

[127] Thánh Augustinô (354-430).

[128] x. CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, 11: AAS 57 (1965) 16.

[129] C. Kissling.

[130] x. DOCAT, s. 116.

[131] Tv 131, 1.

[132] x. GLHTCG, s. 2207, 2208; YOUCAT, s. 369

[133] Lữ Bát Vi (300-236).

[134] x. DOCAT, s. 120.

[135] Tb. 5, 3.

[136] x. GLHTCG, s. 2223, 2226, 2229.

[137] Johann Wolfgang Von Goethe (1749-1832), nhà thơ Đức.

[138] x. DOCAT, s. 122; 121.

[139] Tv 92,15.

[140] ĐTC Phanxicô : Tiếp kiến chung 10.03.2022; Sứ điệp Ngày Người cao tuổi 2022.

[141] x. GLHTCG, s. 2212, 2218;  YOUCAT, s. 371.  

[142] Hc 3,12-13.16.

[143] x. DOCAT, s. 122.

[144] Mẹ Têrêsa Cancutta.

[145] Mc 10, 14.

[146] Rabindranath Tagore (1861-1941), Nobel văn chương 1913.

[147] x. YOUCAT, s. 435.

[148] Albert Einstein (18791955), Nobel Vật lý 1921.

[149] x. Marie Von Ebner Eschenbach (1830-1916).