Bài 82: Đa thần và độc thần trong Kinh Thánh

print

Bài 82 : Đa thần và độc thần trong Kinh Thánh

Đề tài Kinh Thánh chúng ta tìm hiểu hôm nay, được gợi lên từ Phụng vụ Lời Chúa của Chúa nhật XXI Thường Niên năm B. Đó là nội dung của bài đọc I trích trong sách Giô-suê (Gs 24,1-2.15-18) được đặt trong tương quan với bài Tin Mừng theo thánh Gio-an (Ga 6,54.60-69), kết thúc diễn từ của Đức Giê-su về bánh trường sinh.

Sách Giô-suê là cuốn đầu tiên trong các sách lịch sử của Kinh Thánh Cựu Ước được xếp liền sau sách Đệ nhị luật. Sách thuật lại việc đánh chiếm Đất Hứa của dân Ít-ra-en dưới sự lãnh đạo của ông Giô-suê. Sau khi đã ổn định việc phân chia đất đai cho từng chi tộc, ông Giô-suê đã triệu tập đại hội ở Si-khem, quy tụ mọi chi tộc cùng tất cả các kỳ mục, thủ lãnh, thẩm phán và ký lục. Mục đích của đại hội này rất quan trọng như lời tuyên bố của ông Giô-suê : “Từ bây giờ, anh em phải kính sợ Đức Chúa, hãy chân thành và trung tín phụng thờ Người !” Sau đó, ông cũng cho dân tự do lựa chọn : “Nếu anh em không bằng lòng phụng thờ Đức Chúa, thì hôm nay anh em cứ tuỳ ý chọn thần mà thờ hoặc là các thần cha ông anh em đã phụng thờ bên kia Sông Cả, hoặc là các thần của người E-mô-ri mà anh em đã chiếm đất để ở (Gs 24,14-15). Lời tuyên bố của ông Giô-suê nhấn mạnh đến việc dân Ít-ra-en phải trung thành phụng thờ Thiên Chúa. Đối với Ít-ra-en, chỉ có một Thiên Chúa, như sách Đệ nhị luật đã nói : “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en ! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất” (Đnl 6,4).

Trong đại hội Si-khem, ông Giô-suê cũng nói đến sự lựa chọn của dân giữa một bên là Đức Chúa và bên kia là các thần. Tuy nhiên, trình thuật cho ta thấy dấu vết của sự tôn sùng nhiều thần của dân Ca-na-an tức là tôn giáo đa thần, và lời phát biểu của ông Giô-suê cho thấy tổ tiên của dân Ít-ra-en trước thời Áp-ra-ham, đã từng phụng thờ các thần khác của tôn giáo đa thần (x. Gs 24,2.14).

Trong bài học hỏi này, chúng ta sẽ tìm hiểu xem đa thần và độc thần là gì, và được nói đến thế nào trong Kinh Thánh.

I. Thuyết đa thần

Từ Điển Công Giáo định nghĩa : thuyết đa thần là thuyết chủ trương có nhiều vị thần hay những hữu thể thiêng liêng để giải thích nguồn gốc vũ trụ, hiện tượng thiên nhiên và đáp ứng những nhu cầu trong đời sống con người. Tất cả những gì mà khả năng tự nhiên không giải thích được, thì con người coi là thần, như : mặt trời, mặt trăng, biển hồ, sông núi, mưa gió, sấm sét v.v… (TĐCG, tr. 236).

Thuyết đa thần (polytheism) do bởi từ Hy-lạp po-ly-the-o-tês (πολυθεοτης), ghép bởi từ po-lys (πολυς) nghĩa là nhiều (đa), và từ the-o-tês nghĩa là thần (tính).

Tôn thờ nhiều thần là đặc điểm chung của nhiều nền văn hoá cổ đại. Ví dụ, trong thần thoại Hy-lạp cổ đại, các vị thần như Zeus (vị thần tối cao), Hera (thần hôn nhân), Athena (thần trí tuệ) và Apollo (thần ánh sáng) … được tôn thờ như những thực thể kiểm soát các khía cạnh khác nhau của thế giới và cuộc sống. Các vị thần này ngự trị trên đỉnh núi Olympus, ngọn núi cao nhất ở Hy-lạp.

Trong văn hoá Á đông, bao gồm Việt Nam, cũng có những vị thần được dân chúng thờ cúng như thần tài, ông địa, ông táo, hà bá … Nhật Bản có thần mặt trời (Amaterasu) là thần tổ tiên của hoàng tộc, thần bão tố (Susanoo), thần chiến tranh (Hachiman), thần nông (Inari) v.v… tất cả được gọi chung là “thần đạo” (Shinto). Người Nhật rất trung thành gắn bó với “thần đạo” nên rất khó thuyết phục họ theo một tôn giáo khác, nhất là từ thế kỷ XVII sau cuộc bách hại Ki-tô giáo cách gắt gao.

Một hình thức khác của đa thần là “đơn nhất thần” hay là “ưu đẳng thần” (henotheism), các tín đồ tôn thờ một vị thần duy nhất nhưng không phủ nhận sự tồn tại của các vị thần khác. Dấu vết của đơn nhất thần còn thấy trong Kinh Thánh, chẳng hạn như lời quân Át-sua thách thức Ít-ra-en : “Hỏi rằng trong các thần của chư dân, đã có vị nào thật sự giải thoát xứ mình khỏi tay vua Át-sua chưa ? Các thần của Kha-mát và Ác-pát ở đâu ? Các thần của Xơ-phác-va-gim, của Hê-na và I-va ở đâu ?” (2 V 18,34).

Có một hình thức đa thần khác gọi là “phiếm thần” (pantheism) khi xem bất kỳ sự vật nào cũng là thần linh để thờ, vì cho rằng mọi sự đều là quá trình tiến hoá của thần linh (x. GLHTCG, 285). Thánh Phao-lô đã nhắc nhở giáo đoàn Rô-ma về việc thờ phượng này của dân ngoại : “Họ đã thờ hình tượng người phàm là loài phải chết, hay hình tượng các loài chim chóc, thú vật, rắn rết […] Họ đã tôn thờ những loài thụ tạo, thay vì chính Đấng Tạo Hoá” (Rm 1,23.25).

Thuyết đa thần trái nghịch với đức tin Ki-tô giáo. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dạy rằng : Điều răn thứ nhất lên án thuyết đa thần, dựa trên sự nhắc nhở của Kinh Thánh : “Tượng thần chúng chỉ là vàng bạc, chỉ do tay người thế tạo thành. Có mắt có miệng, không nhìn không nói” (Tv 115,4-5), và luật Mô-sê cấm dân không được lui tới với dân ngoại, để tránh những cám dỗ phụng thờ các thần của họ hoặc lấy tên các thần ấy mà thề (x. Gs 23,6-7). Nghiêm trọng hơn là lời cảnh cáo những kẻ thờ thần ngoại sẽ bị Đức Chúa đánh phạt (x. Gs 23,16). Vì thế, điều răn này đòi hỏi con người phải tôn thờ một Thiên Chua duy nhất chứ không được tin vào thần nào khác (x. GLHTCG, 2112). Tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất được gọi là niềm tin độc thần mà chúng ta sẽ tìm hiểu sau đây.

II. Thuyết độc thần

Đó là niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất, và chỉ tôn thờ một Thiên Chúa mà thôi. Từ thời Cựu Ước, thuyết độc thần đã được ghi nhận rất nhiều trong Kinh Thánh. Cụm từ “Đức Chúa duy nhất” được lặp đi lặp lại trong Cựu Ước (x. Đnl 6,4 ; Nkm 9,6 ; Dcr 14,9).

Đa thần luôn là thách đố gay go đối với niềm tin của Ít-ra-en, từ vua đến dân hằng bị cám dỗ chạy theo các tà thần. Đó là lý do các ngôn sứ cảnh cáo và kêu gọi Ít-ra-en từ bỏ các tà thần mà quay về với Đức Chúa là Thiên Chúa duy nhất.

Cựu Ước cho thấy những dấu vết của niềm tin đa thần như việc cô Ra-khen lấy trộm các tượng thần của cha cô là ông La-ban trước khi trốn khỏi nhà để đi theo Gia-cóp (x. St 31,19). Minh chứng rõ ràng nhất về sự hiện hữu của niềm tin đa thần cũng đồng thời làm nổi bật niềm tin độc thần, đó là trình thuật về cuộc chiến của ngôn sứ Ê-li-a với các ngôn sứ của thần Ba-an và nữ thần A-sê-ra trên núi Các-men : bốn trăm năm mươi ngôn sứ kêu gào với thần Ba-an từ sáng đến trưa, họ còn rạch mình đến chảy máu, thế mà chẳng được kết quả gì, chẳng có thần linh nào trả lời hay để ý đến họ. Còn ngôn sứ Ê-li-a thì chế giễu họ và phê phán những quan niệm về những vị thần do con người nghĩ ra. Sau đó Ê-li-a kêu cầu Đức Chúa và Người đã nhậm lời. Thấy Đức Chúa tỏ uy quyền, dân liền phủ phục và nói : “Đức Chúa quả là Thiên Chúa” (x. V 18,16-40).

Điều quan trọng trong niềm tin độc thần của Ít-ra-en là quan niệm Đức Chúa làm chủ lịch sử và dẫn dắt lịch sử theo ý định của Người. “Người là Chúa cả trần gian, Người đã thiết lập trật tự cho nó, và trật tự đó hoàn toàn quy phục Người và phục vụ Người, như lời Kinh Thánh nói : ‘Chính Ngài đã tạo dựng trời đất và thực hiện mọi kỳ công dưới bầu trời. Lạy Chúa, Ngài là Chúa vạn vật.’” (Et 4,17c) (x. GLHTCG, 269).

Sau này ngôn sứ I-sai-a còn nhấn mạnh đến niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất khi ông quả quyết rằng các vị thần không tồn tại, hơn nữa ông còn nói rằng chẳng hề có các vị thần của các dân tộc, thần của họ chỉ là tác phẩm của con người : “Ai lại nắn ra một ông thần, đúc ra một pho tượng để chẳng được gì cả ! Đúng vậy, tất cả những ai sùng bái tượng thần đều phải xấu hổ, và những kẻ tạo ra chúng cũng chỉ là phàm nhân” (Is 44,10-11). Trái lại, Đức Chúa không thể tượng trưng bằng hình ảnh nào, vì Người chẳng giống bất kỳ thực tại nào trên trời hay dưới đất. Đó cũng là lý do đưa đến điều luật cấm vẽ hình tạc tượng trong Mười Điều Răn : “Ngươi không được tạc tượng vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao cũng như dưới đất thấp … để mà thờ” (Đnl 5,8-9). Anh em Tin Lành coi điều răn này là rất quan trọng, nên trong các nơi thờ phượng hầu như không trưng bày các ảnh tượng. Còn truyền thống Công Giáo từ những thế kỷ đầu đã phổ biến lòng tôn kính đối với các ảnh tượng thánh, coi đó là một nghệ thuật thánh nhằm diễn tả một cách nào đó vẻ đẹp vô biên của Thiên Chúa qua những tác phẩm nhân loại (Hiến Chế Phụng Vụ, 122). Bởi vì từ khi Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể làm người, thì Thiên Chúa vô hình đã trở nên hữu hình và ở giữa loài người (x. Cl 1,15 ; Ga 1,14). Chính Chúa Giê-su đã quả quyết rằng “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9) và Chúa Giê-su cũng là chính Thiên Chúa : “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10,30). Việc tôn kính các ảnh tượng Chúa cũng như Đức Mẹ và các thánh không ảnh hưởng đến niềm tin độc thần và cũng không hề mang màu sắc đa thần.

Tiếp nối niềm tin độc thần của Ít-ra-en, Ki-tô giáo tuyên xưng đức tin vào Một Thiên Chúa duy nhất. Có nghĩa là Thiên Chúa duy nhất mà người Ki-tô hữu tuyên xưng cũng chính là Đức Chúa, Thiên Chúa của Ít-ra-en. Chính Chúa Giê-su xác quyết rằng Thiên Chúa là “Chúa duy nhất” (x. Mc 12,29), đồng thời Người cũng minh định rằng chính Người là “Chúa”. Tuyên xưng “Đức Giê-su là Chúa” là nét đặc thù của đức tin Ki-tô giáo. Điều này không mâu thuẫn với đức tin vào một Thiên Chúa duy nhất, và niềm tin vào Chúa Thánh Thần là “Chúa và là Đấng ban sự sống” cũng không hề đưa đến sự phân chia nào nơi Thiên Chúa duy nhất (x. GLHTCG, 202).

Những chi tiết trên đây cho chúng ta một xác tín rằng Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, cũng là Đức Chúa, Thiên Chúa trong niềm tin độc thần của Ít-ra-en. Đó cũng là điều thánh Gio-an đã viết trong lời tựa Tin Mừng : “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời … và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1).

Trở lại với bài đọc I trong sách Giô-suê chương 24 và bài Tin Mừng theo thánh Gio-an phần cuối chương 6 của phụng vụ Lời Chúa tuần này, chúng ta nhận ra những tương quan rất đặc biệt : Trước hết là tên của hai nhân vật : ông Giô-suê và Chúa Giê-su. Hai tên riêng này đều có nghĩa là “Đức Chúa Cứu Độ” hay “Thiên Chúa Cứu Độ” (x. Mt 1,21). Vậy thì ông Giô-suê, người đã thi hành sứ mạng dẫn dắt dân Ít-ra-en vào đất hứa và trong đại hội Si-khem ông đã đặt dân trước sự lựa chọn, hoặc tôn thờ các thần ngoại hoặc tin và phụng thờ Đức Chúa. Kết cục dân đã tuyên xưng lòng tin vào Đức Chúa, Thiên Chúa duy nhất và quyết không lìa bỏ Người (x. Gs 24,16-21). Ông Giô-suê là hình bóng tiên trưng của Chúa Giê-su mà bài Tin Mừng thuật lại sau diễn từ quan trọng về Bánh Ban Sự Sống đời đời, khi Chúa Giê-su quả quyết rằng phải ăn thịt và uống máu của chính Người ban cho thì mới có sự sống đời đời, đã khiến cho dân chúng và các môn đệ thấy “chướng tai” và bỏ đi (x. Ga 6,66). Cũng như ông Giô-suê, Chúa Giê-su cũng hỏi Nhóm Mười Hai, những người còn sót lại : “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao ?” Và ông Phê-rô thay mặt các tông đồ tuyên xưng lòng tin : “Thưa Thầy, bỏ Thầy chúng con biết đến với ai ? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Chúng con tin và nhận biết rằng Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6,68-69).

Ngày đó, ông Giô-suê đã dựng một tảng đá lớn để làm chứng cho lời thề hứa của dân là sẽ mãi mãi phụng thờ Đức Chúa. Còn Chúa Giê-su đổi tên ông Si-môn thành Phê-rô nghĩa là đá tảng (x. Mt 16,18) và giờ đây lời tuyên tín của thánh Phê-rô, người được Chúa đặt làm nền móng, sẽ được lưu truyền qua mọi thế hệ các Ki-tô hữu. Mọi tín hữu cũng lặp lại lời tuyên xưng của dân Chúa trong đại hội Si-khem thời ông Giô-suê : “Chúng tôi quyết phụng thờ Đức Chúa, chúng tôi xin cam đoan” (x. Gs 24,21-22) và lời tuyên tín của thánh Phê-rô : “Bỏ Thầy chúng con biết đến với ai ? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.

Cầu nguyện

Chúng ta cùng cầu nguyện với tác giả Thánh vịnh 16 :

Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con,

vì bên Ngài, con đang ẩn náu.

Con thưa cùng Chúa : “Ngài là Chúa con thờ,

ngoài Chúa ra, đâu là hạnh phúc ?”

Còn thần ngoại xứ này,

những thần linh xưa con sùng mộ,

vẫn gia tăng tàn phá,

và thiên hạ tới tấp chạy theo.

Máu tế thần, con quyết chẳng dâng,

tên của thần, môi con không tụng niệm !

Lạy Chúa, Ngài là phần sản nghiệp con được hưởng,

là chén phúc lộc dành cho con ;

số mạng con, chính Ngài nắm giữ.

Phần tuyệt hảo may mắn đã về con,

vâng, gia nghiệp ấy làm con thoả mãn.

Con chúc tụng Chúa hằng thương chỉ dạy,

ngay cả đêm trường, lòng dạ nhắn nhủ con.

Con luôn nhớ có Ngài trước mặt,

được Ngài ở bên, chẳng nao núng bao giờ.

Vì thế, tâm hồn con mừng rỡ,

và lòng dạ hân hoan,

thân xác con cũng nghỉ ngơi an toàn.

Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty,

không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ.

Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống :

trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề,

ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi !