Bài 9: Cảm Nghĩ Đối Với Bài “Tâm Sự Của Một Linh Mục Về Thời Sự Giáo Hội”

print

Bài 9:

CẢM NGHĨ ĐỐI VỚI BÀI

“TÂM SỰ CỦA MỘT LINH MỤC VỀ THỜI SỰ GIÁO HỘI”

Linh Mục Antôn Nguyễn Mạnh Đồng

Nhà Hưu Dưỡng Linh Mục Cần Thơ 2016

1.Dẫn nhập.

Khoảng đầu tháng 7 – 2016 tôi gửi lên mạng giáo phận Cần thơ bài “Tâm sự của một linh mục…” đầu tháng 8, Google cho biết đã có hơn 1200 lượt xem và in bài. Đồng thời cũng có độc giả thắc mắc vài điểm. Những điểm này tôi đã linh cảm và giới thiệu vắn tắt thôi, là thiết thực và sâu sắc, nhưng độc giả quả thực có lý do để thắc mắc, bởi thế tôi chia sẻ cảm nghĩ của tôi về bốn điểm trong bài:

  • Người ta thích dán các nhãn hiệu.
  • Những bức tường của giáo hội.
  • Giáo hội là mẹ tôi có muôn mặt.
  • Tôi không yêu một người mẹ mà tôi mơ, tôi mơ một người mẹ mà tôi yêu.
  1. Người ta thích dán các nhãn hiệu.

Từ điển cắt nghĩa nhãn hiệu là: dấu hiệu riêng của nơi sản xuất dán hoặc in trên mặt hàng, hoặc hiểu rộng hơn là: điều chỉ rõ một người thuộc về một phong trào xã hội, chính trị, nào đó.

2.1- Cho Chúa Kitô.

Tại sao người ta thích dán nhãn hiệu cho Chúa Kitô? Tác giả không trả lời, nhưng nhắc tới chân dung Chúa Kitô được tiên tri Idaia báo trước trong Cựu Ước về “người tôi tớ đau khổ”, rồi tiếp theo tiên tri nói rõ hơn về căn tính của Chúa Giêsu mà trong Tân Ước Phúc âm thánh Luca đã trích dẫn: “ Thần khí Chúa ngự trên tôi, sai tôi đi loan báo Phúc âm cho kẻ nghèo hèn…” (Lc.4,18)

Nhưng sau, đến thế kỷ XX, thời kỳ nhiều nước bị đô hộ đấu tranh để được độc lập, các nhà thần học giải phóng đã dán cho Chúa Kitô nhãn hiệu “Nhà Cách mạng Giải phóng”.

Còn ở Việt Nam ngày nay, việc truyền giáo đang lớn mạnh, một số người muốn dán nhãn hiệu truyền giáo lên tất cả những công việc của Chúa Kitô và giáo hội làm như: loan báo Phúc âm, thi hành sứ vụ, Phúc âm hóa, Tân Phúc âm hóa, những từ tiếng Anh là : evangelization, evangelizer, mission, new evangelization đều được dịch bằng truyền giáo. Thậm chí Chúa Kitô được dán nhãn hiệu là Nhà truyền giáo (xem Hiệp thông số 92 trang 86). Vậy thì việc Đức Phao lô VI (năm 1975) nói rằng: “không một định nghĩa phiến diện hay lẻ vụn nào lột hết được nội dung của một thực tại phong phú phức tạp và năng động như việc Phúc âm hóa, trừ phi đành liều để cho thực tại ấy nghèo nàn, què quặt đi” (Tông huấn Loan báo Phúc âm số 17).

Tiếp theo đức Phaolô VI, đức Gioan Phaolô II (năm 1979) nhấn mạnh đến giáo hội phải Tân Phúc âm hóa. Rồi đức Bênêđictô XVI đã chọn Tân Phúc âm hóa làm đề tài cho Thượng Hội đồng giám mục năm 2013, và được đức Phanxicô nối tiếp… Những việc đó của các đức giáo hoàng có ý nghĩa gì?

Có bạn trẻ còn hỏi tôi: trước đây con nghe nói nhiều đến Phúc âm, “sống Phúc âm trong lòng dân tộc”; nay lại chỉ nghe đến Tin Mừng: Tin Mừng theo thánh Mathêu… Vậy Phúc âm có khác Tin Mừng không? Cha Huỳnh Trụ (chuyên viên về từ ngữ công giáo) đã có năm trang phân tích hai từ Phúc âm và Tin Mừng rất sâu sắc, và đã kết luận: “Phúc âm với ý nghĩa triết lý Đông Phương rất sâu sắc mà tiếng các nước Tây Phương không thể có được. Vậy tại sao ngày nay chúng ta bỏ qua mà chỉ dùng một từ Tin Mừng với một ý nghĩa không có gì sâu sắc” (xem Từ Vựng công giáo, trang 19 – 25). Tôi trả lời: “Phúc âm là Tin Mừng, nhưng Tin Mừng không hẳn là Phúc âm, đó là vì người ta thích nhãn hiệu mới, Tin Mừng chỉ có một ý nghĩa “nghèo nàn và què quặt” ( xem Tông Huấn Loan báo Phúc âm, số 17).

Có bạn trẻ nói với tôi: con thấy trong kinh đọc trước đây nói đến phần rỗi linh hồn, đến cứu rỗi, đến cứu chuộc, chuộc tội, mà nay chỉ nghe đến cứu độ thôi. Về điểm này cha Huỳnh Trụ, chuyên viên từ ngữ công giáo, đã trả lời rất đầy đủ và sâu sắc về ý nghĩa và giá trị của ba từ cứu chuộc, cứu rỗi, cứu độ. Tất cả những ai còn nhiệt tâm với Phúc âm hóa, với việc cứu rỗi và cứu chuộc muôn dân để họ được hưởng lòng thương xót Chúa, không có quyền nhắm mắt làm ngơ (xem Từ vựng công giáo trang 121 – 133). Phần tôi chỉ theo tác giả bài viết để trả lời, đó là “việc người ta thích dán nhãn hiệu, nhưng tốt hơn nên xóa bỏ những cách gọi tên không được kiểm tra” (xem bài viết số 2.3). Mà sự thật là từ cứu độ không hề có trong các từ điển thông dụng như: từ điển tiếng Việt, từ điển Việt nam, từ điển Pháp Việt, từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh… bởi vì theo cha Huỳnh Trụ, cứu độ có nghĩa hàm hồ, thiếu căn cứ, không đúng với sự thật.

2.2 – Cho giáo hội.

Vào thời đầu Kitô giáo có nói đến hai loại dân; dân theo đạo Do thái và dân ngoại,  hai bên chia rẽ nhau, giáo hội đã họp Công đồng Giêrusalem năm 50 để giải quyết rõ ràng (xem Cv.15). Tuy nhiên, phân biệt có đạo và ngoại đạo vẫn tồn tại. Ngày nay ở Việt Nam, người công giáo mang nhãn hiệu là có đạo, và các người khác là ngoại đạo. Chắc nhiều người biết bài hát: “Lạy Chúa, con là người ngoại đạo”, với câu mở đầu là: “Chúa ơi, Chúa ơi, con người không đạo, nhưng tin có Chúa ngự trên cao…” Những người không có đạo bị dãn nhãn hiệu là người ngoại đạo, không đạo, họ có dị ứng không? Nhất là người có đạo thúc đẩy nhau truyền giáo, truyền đạo cho những kẻ ngoại đạo thì người ngoại đạo sẽ cảm nghĩ gì về ta và về họ? Cũng cha Huỳnh Trụ đã dày công nghiên cứu về “Sứ Vụ và Truyền giáo” trong mười chín trang sách, và đã có kết luận rất rõ ràng dứt khoát. Tất cả những ai có nhiệt tâm và ý thức trách nhiệm thực sự về “truyền giáo” mà làm ngơ bỏ qua thì đắc tội với thế hệ giới trẻ cả hôm nay cũng như mai sau (xem Từ Vựng công giáo trang 298 -317).

2.3 –Tại sao người ta thích dãn nhãn hiệu.

Tác giả bài viết đã giải thích là: “để giới hạn, để nhốt vào, để xếp loại, để nghi kỵ, để xét đoán, để loại trừ, và để xây dựng các bức tường ngăn cách giữa đôi bên.” Và tác giả còn thêm rằng: “xây tường là công việc của ban đêm, của tối tăm.”

  1. 3. – Những bức tường của giáo hội.

Từ điển cắt nghĩa: tường là bộ phận xây bằng gạch đá vữa để chống đỡ sàn gác và mái, hoặc để ngăn cách. Nghĩa bóng: tường là cái gì gây cản trở, ngăn cách, biệt lập… Tác giả đặt câu hỏi: “Những bức tường của Giáo hội có phải là những bức tường  sẽ sụp xuống  sau cùng không?” Câu hỏi ngụ ý gì? Theo tôi nghĩ tác giả ngụ ý nhắc đến những bức tường ngăn cách  chia rẽ trong giáo hội: bức tường đầu tiên chia rẽ dân theo đạo Do thái và dân ngoại, bức tường này đã được loại bỏ bởi Công đồng Giêrusalem năm 50 sau công nguyên, nghĩa là cả hai dân Do thái và dân ngoại đều được cứu rỗi và cứu chuộc.

Rồi đến thế kỷ XI năm 1054, do những bất đồng về nội dung giáo lý cũng như kỷ luật, giáo hội đã có sự phân chia hai khối là Giáo hội Chính thống và Giáo hội Công giáo. Bức tường này còn đó chưa sụp đổ hết tất cả.

Đến thế kỷ XVI năm 1517 trong khối công giáo ở Tây Phương có một cuộc ly khai khác là Giáo hội Tin lành. Mặc dầu Giáo hội Công giáo muốn có cuộc đại kết giữa đôi bên, nhưng bức tường đó còn đứng vững.

Đang khi trên thế giới. sau thế chiến II trong nước Đức cũng có bức tường Bá linh xây năm 1961,  tách biệt Đông Đức và Tây Đức, tưởng là sẽ bền vững như Vạn lý trường thành, thế mà đến năm 1989 đã bị dân chúng phá sập. Vì thế tác giả đặt câu hỏi: “Còn những bức tường của giáo hội có phải là những bức tường sẽ sụp đổ sau cùng không?” Tác giả còn nói thêm rằng “ban đêm người ta xây tường, đúng là công việc  của ban đêm”, tác giả ngụ ý nói làm vào ban đêm là làm trong tối tăm, trong ám muội, trong ích kỉ, chia rẽ, hận thù. Và ngay hiện tại, người ta vẫn đang xây tường ở Do Thái để ngăn cách với dân Palestin, vẫn đang xây tường ở nhiều nước để ngăn ngừa người tị nạn. Đáng lẽ ra mọi người ở mọi nơi và cả ngày lẫn đêm, đều phải lo xây các cây cầu để hiểu nhau, hợp nhất, yêu thương nhau mãi mãi.

  1. Giáo hội là mẹ tôi có muôn mặt.

Giáo hội là mẹ tôi có muôn mặt như thánh giá Chúa Kitô có nhiều chiều kích: chiều thẳng đứng và chiều ngang:

4.1- Chiều thẳng đứng là đối với Chúa. Giáo hội mẹ tôi là do Chúa Kitô thiết lập, một giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo, tông truyền, bao gồm mọi dân tộc, mọi ngôn ngữ. Có Thánh Thần của Chúa Kitô làm cho mọi người khác nhau về ngôn ngữ mà hiểu nhau được, như dịp Lễ Hiện Xuống (xem Cv. 25,4), để mỗi người trở nên mọi sự cho mọi người (xem 1.Cr. 9, 22). Giáo hội là Thân thể Chúa Kitô, có Chúa Kitô là đầu, có mọi người là chi thể với chức năng khác nhau nhưng có quan hệ hữu cơ với nhau. Giáo hội là Hiền thê của Chúa Kitô, vừa trong sạch vừa vô nhiễm tội, cởi mở toàn vẹn, chỉ biết cảm thương và đầy lòng thương xót.

4.2- Chiều ngang là đối với mọi người. Giáo hội mẹ tôi được Chúa Kitô thiết lập và sai đến với muôn dân đang lữ hành trên trần gian, có người già thích bảo thủ toàn vẹn, có người trẻ ham tự do cấp tiến dễ bị bắt nạt, có người giàu và người nghèo, có giới bình dân và giới trí thức, có người thích dán nhãn hiệu và có người ham xây tường, đôi khi giáo hội cứng rắn, không lắng nghe, không khóc với người khóc, bị chia rẽ và bệnh tật…Giáo hội có muôn mặt là như thế. Tuy nhiên tôi vẫn yêu giáo hội và còn yêu giáo hội hơn nữa, vì giáo hội dù sống gần bùn, nhưng luôn có Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần hướng dẫn bảo đảm “cửa hỏa ngục không thể thắng được” (Mt 16,18), dù kẻ thù gây chia rẽ và bệnh tật, dán nhãn hiệu và xây tường, giáo hội vững tin nơi Cha trên trời hằng thương xót “cho mưa nắng trên cả người lành cũng như người dữ” ( Mt 4,45).

  1. Tôi không yêu một người mẹ mà tôi mơ, tôi mơ một người mẹ mà tôi yêu.

Đây là tóm tắt tâm tư của tác giả và cũng là tâm tư của tôi, hi vọng cũng là tâm tư của độc giả. Trước hết cần xác định yêu là gì? Từ điển Việt Nam cho ta nhiều nghĩa, tôi chọn nghĩa: yêu là tình cảm dễ chịu khi tiếp xúc với một đối tượng nào đó, muốn gắn bó và thường sẵn sàng vì đối tượng đó mà hết lòng. Còn mơ là gì? Từ điển cũng cho ta nhiều nghĩa tùy theo từ đi kèm theo nó:

  • Mơ ước là mong muốn thiết tha điều tốt đẹp trong tương lai.
  • Mơ mộng, mơ màng, mơ tưởng là thấy phảng phất không rõ ràng trong trạng thái mơ ngủ, say mê, theo đuổi những hình ảnh tốt đẹp nhưng xa xôi, xa vời, thoát ly thực tế, nghĩa là mong mỏi cái chỉ có thể có trong tưởng tượng.

5.1- Tôi không yêu một người mẹ mà tôi mơ. Mơ ở đây có nghĩa là mơ mộng, mơ màng, mơ tưởng một cái gì xa rời thực tế, không có thật mà chỉ có trong tưởng tượng, trong giấc mơ, và không tin được. Người mẹ như thế thì tôi không yêu.

5.2- Tôi mơ một người mẹ mà tôi yêu. Mơ ở đây có nghĩa là mơ ước, mong muốn thiết tha một người mẹ rất tốt đẹp, có thật trong thực tế, mà tôi có thể gần gũi và tôi sẵn sàng hết lòng vì người mẹ đó. Còn yêu, như mới nói trên, là có tình cảm dễ chịu khi tiếp xúc gần gũi, muốn gắn bó và luôn sẵn sàng hết lòng mình vì mẹ. Vậy ai là người mẹ mà tôi mơ và tôi yêu?

– Trước hết và tất nhiên là phải kể đến người mẹ đã cưu mang, sinh thành dưỡng dục cho tôi lớn khôn nên người. Đây là người mẹ theo chiều ngang, mang tính nhân văn.

Sau là người mẹ theo chiều đứng, trong bình diện ân sủng (theo Hiến chế Giáo   hội số 61), đó là Mẹ Maria. Mẹ được Chúa chọn làm Mẹ Chúa Giêsu Kitô, Mẹ đã cưu mang và sinh ra Đấng sáng lập giáo hội, và khi chịu khổ hình thập giá Chúa đã đặt đức Maria Mẹ của Người làm hiền mẫu của giáo hội: “Đây là Mẹ con”. Mẹ là Mẹ tuyệt vời nhất mà tôi mơ ước và yêu mến, là người Mẹ mà thi sĩ Hàn Mặc Tử ca tụng là “Đấng tinh tuyền thánh vẹn…, giầu nhân đức và giầu muôn hộc từ bi” (trong thơ Ave Maria), Mẹ là mẫu gương của giáo hội.

Sau cùng người mẹ mà tôi mơ và tôi yêu là Mẹ Giáo hội, Mẹ của đàn con đông đúc, Mẹ đang vất vả dẫn dắt đàn con ấy trên đường lữ hành về quê trời, Mẹ phải có muôn mặt để cảm thương mọi con cái trong mọi hoàn cảnh. Và đàn con của Mẹ, có đức giáo hoàng Phanxicô, cùng các đức giám mục trên thế giới, với muôn ngàn tu sĩ, và vô vàn giáo dân đang ngày đêm âm thầm can đảm lội ngược dòng, mong ước làm cho Mẹ Giáo hội được chữa lành, được tốt đẹp hơn, được mềm mỏng hơn, đúng với lòng Thương Xót của Thiên Chúa.