Dân Làng Hồ – Chương XXVII: Một Đêm Phiêu Lưu Mạo Hiểm …

print

CHƯƠNG XXVII

MỘT ĐÊM PHIÊU LƯU MẠO HIỂM – CHÚA QUAN PHÒNG CỨU CHÚNG TÔI THOÁT KHỎI CUỘC TẤN CÔNG CỦA NGƯỜI XÊ ĐĂNG

Tai ương khủng khiếp mà tôi vừa miêu tả suýt nữa đã gây ra những hậu quả tai hại nhất cho Đạo Công giáo ở xứ này. Nhưng trước khi nói đến việc này, tôi sẽ thuật lại một giai đoạn lý thú trong những ngày buồn thảm ấy. Dù tôi đã trưng dẫn những sự việc tương tự như thế, tôi còn muốn thuật lại câu chuyện này, mặc cho điều ấy khiến bạn đọc mệt mỏi, để một lần nữa chứng tỏ Thiên Chúa đã ân cần chăm sóc các thừa sai của Người thế nào, và cũng để một lần nữa công khai bày tỏ lòng tri ân của tôi đối với Người.

Một năm trước khi bệnh dịch lan tràn, một gia đình ở Kon Kơ Xâm có chuyện tranh chấp gay gắt với những người hàng xóm, và đã bỏ làng đến định cư tại Tơ Leh, một làng cách xa mười cây số về phía Đông Nam. Gia đình này gồm có bảy thành viên, người anh trai và cô em gái đã là những Kitô hữu, ba người khác cũng đã theo học giáo lý từ ít lâu và đã biết được một vài kinh nguyện. Tôi ra sức giữ gia đình đó ở lại Kon Kơ Xâm nhưng không được. Bệnh dịch cũng đã không chừa làng Tơ Leh cũng như các làng khác. Cả ba dự tòng nói trên, tức người anh cả của hai tân tòng, vợ anh và con trai anh khoảng mười lăm tuổi, đều mắc bệnh cùng một lúc. Khi ba người đáng thương này thấy mình sắp lâm nguy, bèn nhớ đến những lời giảng dạy của tôi và sợ phải sa hoả ngục. Họ nói:

– Ôi, ước gì chúng tôi được chịu phép Rửa!

Người em trai là Kitô hữu trả lời:

– Anh chị có muốn em đi mời Cha đến không?

– Muốn chứ, tận đáy lòng chúng tôi ao ước điều đó, nhưng không biết Cha có chịu đến trong tình trạng chúng tôi thế này không?

– Ồ, Cha sẽ vui mừng đến ngay thôi. Ở Kon Kơ Xâm, không phải suốt ngày Cha đã ở cùng với người bệnh đó sao?

– Vậy thì mày hãy chạy mau lên và nói với Cha rằng chúng tao sợ chết mà không được chịu phép Rửa.

Một giờ sau, anh thanh niên này đến nhà tôi, ướt đẫm mồ hôi và thở hổn hển. Lúc đó vào khoảng giữa trưa. Suốt đêm qua, tôi đã bị cơn sốt hành hạ và sự mỏi mệt rã rời giữ tôi nằm gắn chặt trên chiếc chiếu. Chúng tôi đang ở vào giữa mùa mưa. Nước sông tràn bờ và chiều nay, lúc mặt trời lặn, cơn sốt lại đến. Nhưng khi biết được ba bệnh nhân đang cầu cứu tôi và ý nghĩ mình sắp cứu được các linh hồn thân yêu này đã làm tôi hân hoan vui sướng. Tôi vùng dậy ngay lập tức. Để đi từ Kon Kơ Xâm đến Tơ Leh, trước hết phải đi dọc theo dòng sông khoảng nửa giờ đồng hồ. Nửa đoạn đường này phải đi bằng thuyền vì không có đường bộ. Vì thế, tôi bảo hai anh em người Kinh chèo thuyền đưa tôi đi. Khi vừa đặt chân lên bờ, tôi dặn hai người hộ tống rằng buổi chiều sẽ quay lại đón tôi trước giờ lên cơn sốt. Tôi cuốc bộ theo anh thanh niên làng Tơ Leh. Khi vào nhà bệnh nhân, một mùi hôi thối khủng khiếp xông lên từ những thân hình đã bị biến dạng khiến tôi suýt ngất xỉu, mặc dù tôi đã quen với cảnh này rồi. Nhưng nét mặt vui mừng của các bệnh nhân khi trông thấy tôi đã tiếp thêm nghị lực cho tôi. Tôi đã ở với họ hơn hai giờ, giảng dạy cho họ, giúp họ sốt sắng bày tỏ đức tin, cậy, mến, lòng sám hối và vâng theo thánh ý Chúa. Cuối cùng, tôi đã làm cho họ trở nên con cái Chúa bằng cách đổ nước tái sinh họ. Nhất là người mẹ và đứa con trai đã biểu lộ lòng đạo đức và sốt mến lạ lùng. Người mẹ nói với tôi: “Bây giờ con sẽ ra đi bình an. Con không còn ước muốn gì ở trần gian này nữa.”

Phúc thay cho chị tân tòng! Chị đã tắt thở vào đêm hôm sau. Nếu sau đó vài giờ, xác của chị chỉ còn là một đống thịt thối, thì linh hồn tốt đẹp của chị đã vào Nước Trời với tất cả vinh quang tinh tuyền mà phép Rửa đem lại cho chị. Người chồng sống sót. Sau khi lành bệnh, anh đã không thể quên ân huệ Thiên Chúa đã thương ban. Anh đã bỏ gia đình để đến ở với tôi. Hiện nay, anh là một Kitô hữu tốt lành.

Tuy nhiên, trời đã về chiều và tôi phải trở về Kon Kơ Xâm. Người tín hữu trước đây đã đến mời tôi, nay cũng muốn tiễn chân tôi đến bờ sông, nơi thuyền sẽ đến đón tôi. Chúng tôi vừa mới cùng nhau rảo bước được một lúc thì sấm chớp nổi lên ở hướng Bắc báo hiệu một trận bão dữ dội. Tôi nói với bạn đồng hành: “Kìa, cơn giông sắp đến, con hãy trở về nhà đi, chỉ mười lăm phút nữa là Cha tới thuyền, Cha đi một mình là đủ rồi. Xin chào!”

Nhưng, Thiên Chúa đã muốn tôi phải trả giá một chút cho những niềm vui lớn lao đã nhận được trong ngày. Vài phút sau khi người dẫn đường của tôi quay gót trở về, trời mưa như  thác đổ. Để đong đầy phúc lộc hơn, tôi đến nơi hẹn mà không thấy thuyền cũng chẳng thấy người. Mấy chàng thanh niên của tôi đã đến đúng hẹn và đã đợi tôi rất lâu. Nhưng thấy bão to sắp đến, tưởng tôi không về hôm đó nên họ đã trở về lại Kon Kơ Xâm. Mặt trời sắp lặn và đó là giờ cơn sốt đến. Tôi bắt đầu cảm thấy toàn thân ớn lạnh. Bầu trời như tan ra thành nước. Như đã nói, từ chỗ tôi đang đứng cho đến Kon Kơ Xâm không có một lối đi bộ nào. Suốt dọc bờ sông chỉ toàn đám rừng rậm đầy cỏ dại, gai góc, dây leo đan nhau chằng chịt, mà một người Âu khó lòng tưởng tượng nổi. Tôi gọi là cỏ dại vì không biết xác định làm sao cho chính xác. Không phải là lác, không phải là lau, không phải là bụi rậm, cũng chẳng phải là cỏ nhưng là tổng hợp của tất cả các loại đó. Trong những nơi ẩm ướt và đất tốt, nó vươn cao đến ba bốn mét. Không gì khó hơn là phải mở một lối băng ngang qua đám rừng rậm này. Tôi không đứng đó một mình mà với cơn sốt rét, với mưa đang trút trên đầu, trước mắt lại không có lối đi. Nước tràn bờ sông, chảy như thác lũ, cuốn theo nhiều thân cây tróc gốc. Mặt trời vừa lặn, không gian tối đen như mực đến nỗi tôi không còn phân biệt được trời đất gì nữa. Hơn nữa, tiếng ầm ì của những mảng đất bị sạt lở hai bên bờ sông báo cho tôi biết là nên khôn ngoan tránh thật xa bờ. Tuy nhiên, không do dự gì nữa, tôi dâng mọi sự mệt nhọc cho Chúa và tay cầm gậy dò đường, tôi mạnh dạn tiến bước.

Đi được vài bước, tôi đã phải dừng lại vì gặp phải một thác nước từ trên núi đổ xuống. Tôi thăm dò độ sâu và cảm thấy có thể lội được, nước chỉ đến đầu gối. Tôi an tâm lội xuống dòng nước. Nhưng chiếc gậy dò mực nước không thể cho biết chính xác độ chảy xiết của dòng nước. Thế là vừa bước xuống, tôi đã bị dòng nước cuốn trôi. Chúa Quan Phòng trao cho tôi một nhánh cây nhỏ. Tôi liền bám chặt lấy nó, lúc đầu một tay, rồi cả hai tay. Như thuỷ thủ đu mình trên dây để leo lên cột buồm, tôi leo lên được bờ suối, đúng ngay chỗ vừa mới bước xuống. Tôi cố nương theo bờ suối dốc ngược mà đi, bụng mừng thầm vì vừa thoát được cơn nguy hiểm. Đột nhiên, cảm thấy bờ đất dưới chân sạt lở và một lần nữa tôi lăn nhào xuống suối. Tôi tưởng thế là đã chấm dứt cuộc đời, nhưng nhờ ơn Chúa, tôi chỉ phải một phen kinh hồn hú vía. Đang khi vùng vẫy trong dòng suối thì tôi vớ được một rễ cây như ai đó đã đặt sẵn cho tôi. Tôi bám vào rễ cây này, dùng hết sức để leo lên bờ. Chỉ còn ít bước nữa là đến chỗ cửa suối đổ ra sông. Nếu tôi bị nước cuốn trôi đến đó, thì chỉ có phép lạ mới cứu tôi khỏi chết đuối.

Tôi ngồi trên bùn đất vài phút để hồi phục tâm trí. Cơn sốt đang lên cao, nhưng tôi không có giờ để nghĩ đến nó. Phải chi cái rễ cây trời cho đó đưa tôi qua bên kia bờ thì hay biết mấy! Nhưng không, con suối vẫn đang chảy ầm ầm trước mặt tôi. Bất cứ giá nào cũng phải vượt qua nó. Tôi thay đổi kế hoạch. Tôi đã suy tính đúng là càng xa cửa sông bao nhiêu thì càng ít hiểm nguy bấy nhiêu. Tôi đã cố sức, lúc đi lúc bò, theo ngược dòng suối mà tiến tới. Cuối cùng tôi đã sang được bên kia bờ. Chỉ để lại đó đây một vài mảnh quần áo, có nơi còn có cả mảnh da của tôi nữa. Tôi đã mất sáu giờ để vượt qua ba cây số. Vào khoảng mười một giờ đêm, mưa gió bỗng ngưng lại, nhưng bầu trời vẫn tiếp tục bị màn đêm bao phủ. Đúng lúc đó, tôi đến trước một vật gì còn đen hơn đêm tối nữa, giống như một cây cột nhà lớn. Tôi dùng tay sờ thử. Đó là một thân cây to quá sức, ngang tầm đầu của tôi, gốc cây chia làm hai nhánh lớn.

Cảm thấy đã bị vắt kiệt sức, tôi bèn leo lên thân cây này và ngồi trên đó như đang ung dung cỡi ngựa. Cơn sốt đang đến hồi kịch liệt và tôi đã dốc hết sức nên dù áo quần sũng nước, tôi vẫn thấy mình mẩy đầy mồ hôi. Tôi ngồi nghỉ khá lâu, mắt nhìn lên bầu trời mà chẳng thấy chi cả. Thế rồi, những sự việc xảy ra trong ngày chợt hiện ra trong tâm trí tôi. Niềm tin tưởng ngọt ngào vì đã cứu được vài ba linh hồn khiến tôi không những quên đi nỗi khổ nhọc mà còn biến nỗi khổ nhọc ấy thành niềm an ủi dịu dàng. Tôi nghĩ bụng: “Dù cho khốn khổ thế nào đi nữa thì ít ra hôm nay tôi cũng đã là một nhà thừa sai đích thực. Vâng, lạy Chúa, một ngày kia Chúa sẽ thương xót con. Vì nếu giờ này con đang có mặt ở đây, chính là vì lòng yêu mến Chúa”. Lúc đó, tôi nhớ lại mình đã tự hỏi liệu có đồng ý đổi lấy thân cây này để lấy ngai vàng số một của thế giới hay không, và trong thâm tâm tôi đã trả lời dứt khoát là không, ngàn lần cũng không. Ý nghĩ đầu tiên đến với tôi là cứ yên tâm ngủ qua đêm nay trên chiếc ngai vàng độc nhất vô nhị này để chờ ngày mới lên. Sự nguy hiểm mà tôi vừa trải qua cách đây vài phút đã khiến tôi trở nên nhút nhát. Tôi ngần ngại lao vào chốn vô định một lần nữa. Nhưng trong lúc ngồi nghỉ mệt, mồ hôi đã tan biến hết, cơn nóng sốt đã nhường chỗ cho sự lạnh buốt. Ngồi lâu hơn nữa là quá liều mạng. Đấng đã gìn giữ tôi cho đến lúc này, lẽ nào lại không thể gìn giữ thêm nữa sao? Tôi nghĩ: “Nếu đẹp lòng Chúa, tôi sẽ chết trong khu rừng này. Tại sao tôi lại không sẵn sàng vâng theo thánh ý Người?”

Thế là tôi lại lên đường. Sau một hồi lâu băng qua rừng cỏ cao, tôi đã đến được một nơi dễ đi hơn. Đó là một đồng lúa đang chín vàng. Tôi liền nghĩ đến cái chòi của người giữ lúa. Phải vất vả lắm tôi mới tìm ra được cái chòi vì trời quá tối. Tôi bước vào chòi, ẩn mình ở chốn vượt quá lòng mơ ước này. Hai phút sau, tôi nói câu: “Ôi, ước gì có được một tí lửa nhỉ!”

Đúng là chúng ta không bao giờ bằng lòng với cái mình hiện có. Phải thú nhận rằng trong hoàn cảnh của tôi, đang cơn sốt rét lạnh thấu xương, áo quần sũng nước mà có được một bếp lửa ngon lành là điều rất đáng ước ao. Nhưng tìm đâu ra lửa bây giờ?.

Tôi thò tay vào túi lục thử, ai ngờ có một que diêm nằm trong đó mà tôi không biết. Nhưng nó đã ướt mèm đến nỗi nếu có kiếm được bổi lửa, xem ra cũng vô ích. Tuy nhiên, trước khi vứt que diêm tôi thử quẹt nó trên sàn nhà bằng tre. Ôi, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy que diêm bùng cháy! Nếu biết trước như vậy, tôi đã rút tranh khô trên mái chòi, vò lại làm bổi lửa cho dễ cháy. Thế nhưng vì quá bất ngờ, tay run rẩy vì sợ que diêm tắt. Tay cầm que diêm như cầm vật thánh, cẩn thận và trân trọng một cách kỳ lạ. Tôi đứng lên rút một cọng tranh trên mái nhà và châm vào ngọn lửa sắp tắt, một cọng, hai cọng, ba cọng, rồi cả nắm. Ngọn lửa lớn lên. Tôi bỏ thêm vào đó một ít mảnh tre và mấy thanh củi. Thế là tôi đã có bếp lửa hồng. Mừng vui khôn tả, tôi hét thật to vang dội cả núi rừng: “Ôi Thiên Chúa của con! Chúa nhân hậu biết bao! Chúa nhân hậu biết bao! Chúa nhân hậu biết bao!”

Trong vài phút, tôi đã có một bếp lửa rực rỡ. Tôi hong quần áo. Không biết có ai trên đời này trải qua nửa đêm còn lại sảng khoái hơn tôi. Tôi đã có một giấc ngủ êm đềm xiết bao sau những cố gắng tột bậc.

Hậu quả của chuyến đi ban đêm này suýt làm tôi bỏ mạng. Sau cuộc phiêu lưu đó, tôi bị sưng phổi. Đừng bao giờ nói: Hỡi mạch nước, ta sẽ không uống nước của ngươi. Tôi đã có một bộ ngực sắt và tôi tưởng lúc đó mình sẽ ở ngoài mọi vòng nguy hiểm. Đây là dịp để tôi tự nhắc nhở mình rằng chính sắt cũng bị rỉ sét và bị ăn mòn. Có lúc, tôi cảm thấy mình đang cận kề cái chết, tôi gọi bạn đồng nghiệp của tôi là Cha Besombes, cũng đang bệnh và nằm cạnh tôi: “Này Cha, xin mau giải tội cho tôi, tôi không còn thời giờ xưng tội nữa, tôi chết mất”.

Khi tôi đọc kinh Ăn năn tội và ngài đọc công thức giải tội, thì tôi đã bất tỉnh. Bấy giờ, trời vừa chập tối. Hôm sau, khi tỉnh lại, tôi biết rằng Cha Besombes đã làm phép xức dầu cho tôi. Vừa xong, ngài cũng ngã quỵ xuống đất. Người ta đã phải khiêng ngài đặt nằm trên chiếu. Tôi cũng biết được dân làng, tân tòng cũng như ngoại giáo, đã đến chật nhà tôi để đọc kinh và than khóc. Và người ta đã bàn đến việc mai táng tôi. Thế nhưng, lần này nữa, Thiên Chúa nhân lành đã chưa muốn cho tôi chết!

Cha Besombes cũng đã không chết lúc này. Giám mục mới của chúng tôi là Đức Cha Charbonnier, khi hay tin tình trạng sức khoẻ của Cha Besombes, đã lệnh cho ngài trở về Trung Châu để hồi phục sức khoẻ. Cuộc hành trình, lúc bằng ngựa lúc bằng voi, khi đi võng khi chèo thuyền, đã suýt khiến Cha phải bỏ mạng. Ngài đã đến nơi trong tình trạng dở sống dở chết. Gần một năm sau sống bên cạnh Đức Cha, nhờ sự chăm sóc chu đáo, ân cần, đầy tình phụ tử làm cho ngài dần dần bình phục. Sau này ta sẽ thấy, ngài trở lại miền dân tộc, hiến trọn phần sức lực còn lại cho việc cứu rỗi anh chị em dân tộc.

Bây giờ, tôi xin kể tiếp những thử thách mà Thiên Chúa đã gửi đến cho cộng đoàn vừa mới khai sinh của chúng tôi. Như đã nói ở trên, bệnh dịch đậu mùa do một tín hữu người Kinh đem đến. Tuy nhiên, ít lâu sau, cơn dịch đã xuất hiện ở những làng rất xa và đã không có một sự liên hệ nào với nơi chúng tôi đang cư trú. Cho nên, không thể chứng minh rằng giả sử không có người tín hữu kia mắc bệnh đậu mùa trước tiên thì miền dân tộc đã có thể tránh được tai ương tàn khốc này. Tuy nhiên, những sự kiện bên ngoài đã chống lại chúng tôi, và ma quỷ đã tìm mọi cách để tận dụng cơ hội này. Từ lúc cơn dịch hoành hành dữ dội thì người ta đã thông báo cho chúng tôi hay khắp nơi người dân tộc đã xì xầm với nhau, và không ngừng thốt ra những lời đe doạ ghê gớm. Một số người rất hung bạo và lại rất có uy thế, đã nhiều lần lặp lại rằng nếu họ thoát chết thì nhất định sẽ trừng phạt những kẻ đã gây ra cơn dịch. Điều đáng chú ý là rõ ràng một người trong bọn họ, không hề dè dặt trong các lời đe doạ báo thù, đã bị Chúa trừng phạt nhãn tiền. Anh ta có bốn anh em trai đều thù oán chúng tôi. Gia đình anh ta rất đông người, nhưng cả nhà từ lớn đến nhỏ, đàn ông lẫn đàn bà, đều bị cơn dịch quét sạch cùng một lúc.

Tuy vậy, ma quỷ vẫn tìm được những người khác để tạo thành một đội quân đủ sức tiêu diệt chúng tôi. Nhưng vì chúng tôi có ít kẻ thù ở các làng chung quanh nên cuộc âm mưu đã được ma quỷ tổ chức nơi miền đất người Xê Đăng, cách chúng tôi chừng hai ngày đường. Một vài người dân tộc ở gần làng, vì ghen ghét chúng tôi, đã tự nguyện làm người chỉ điểm cho những người Xê Đăng. Chúng tôi cũng đã nghe phong phanh về những dự định của họ. Nhưng chúng tôi không biết lúc nào họ sẽ thực hiện âm mưu nói trên. Do vậy, chúng tôi đang đứng trước nguy cơ bị tấn công bất ngờ.

Ba lần, người Xê Đăng đã lên đường tấn công chúng tôi. Họ muốn bắt đầu từ cơ sở Rơ Hai. Vì nghĩ rằng một khi trọng điểm này bị tiêu diệt, thì các nơi còn lại sẽ không thể nào chống trả nổi. Cần nói thêm rằng, vì giữ nguyên tắc không can thiệp nên những làng lân cận tuy không hùa theo kẻ thù nhưng cũng không muốn giúp chúng tôi trong việc phòng vệ. Lần đầu tiên người Xê Đăng tập hợp được khoảng bốn trăm người để đi tấn công chúng tôi. Họ đi được vài giờ thì nghe tiếng chim kêu báo hiệu điềm xấu. Các vị anh hùng của chúng ta đã dừng bước, bàn bạc và đi đến kết luận là rút lui, chờ ngày có điềm báo tốt hơn! Ai nấy trở về làng mình.

Ít lâu sau, họ lại tụ tập lần nữa. Lần này số quân đông hơn lần trước. Tiếng chim báo điềm lúc đầu có vẻ thuận lợi và tất cả đều phấn khởi tiến bước rất nhanh. Đi được nửa đường thì bỗng có một con cọp – đúng là con cọp trời xui đất khiến – băng ngang qua đường, trước mặt đoàn quân. Thật là điềm báo dữ! Không cách gì tiến bước được đâu. Cuộc xuất chinh không khéo sẽ bị thảm bại. Thế là phải dời lại lần khác. Cuối cùng, một cuộc tập hợp thứ ba được hình thành, đông hơn hai lần trước, khoảng năm trăm chiến binh. Và lần này, họ thề với nhau sẽ bất chấp tất cả mọi điềm báo, sẽ vượt qua mọi trở ngại. Đêm đó, chúng đến sát bên làng Rơ Hai. Vào ngày này, tất cả mọi thanh niên trai tráng làng Rơ Hai đều đi tham gia việc xây cất cơ sở ở làng Kon Mơ Nây. Chỉ còn một vài cụ già tàn tật và mấy đứa trẻ ở lại giữ làng. Xem ra kẻ thù sẽ nhởn nhơ khi ở trong một hoàn cảnh hết sức thuận lợi như thế. Cướp lấy tất cả, huỷ hoại tất cả, thiêu rụi tất cả, chỉ như một trò chơi không chút nguy hiểm.

Thế nhưng, Chúa Quan Phòng hằng chăm sóc chúng tôi và chính Người đã giải cứu chúng tôi. Số là người Xê Đăng vừa đến cách làng Rơ Hai khoảng chừng năm trăm mét, thì bỗng xuất hiện con voi của cơ sở Rơ Hai mà hôm đó anh em đã thả rong kiếm ăn trong rừng. Nó đứng bất động trước mặt họ, ngay giữa lối đi độc nhất. Dưới ánh trăng lờ mờ, họ nhìn thấy con vật khổng lồ này đang cản đường họ. Thế là quá đủ! Tất cả máu anh hùng chảy dồn xuống gót chân, lòng quyết tâm bẻ gãy mọi trở lực đã tan thành mây khói. Họ đã thề trong lòng lần sau không dám nữa.

Ít ngày sau, chúng tôi biết được, không những lòng hận thù của bọn họ đã lắng dịu mà họ còn ước ao trở nên bạn hữu của chúng tôi nữa. Họ bảo nhau: “Cuộc chiến này bất chính, các thần linh đã tuyên bố minh bạch như vậy bằng cách ba lần liên tiếp đưa ra chướng ngại”.

Đối với chúng tôi, như thế là chấm dứt cơn thử thách bệnh dịch đậu mùa. Chúa Quan Phòng, như ta thấy, đã luôn chăm sóc chúng tôi một cách ưu ái và cụ thể. Vinh danh Chúa đến muôn đời! Amen.

(Còn tiếp)